GS Hoàng Như Mai - nhà giáo đa tài

Sáng 22/11, hơn 100 chuyên gia, các nhà nghiên cứu đã tham dự hội thảo GS-NGND Hoàng Như Mai Cuộc đời và sự nghiệp diễn ra tại TP.HCM.

Cố GS Hoàng Như Mai sinh năm 1919, tại Bắc Giang. Ông là nhà Nghiên cứu văn học, nhà hoạt động văn hóa, nhà thơ, kịch tác gia, là thầy của nhiều thế hệ trí thức và giảng viên ĐH ngành Ngữ văn.

Về sự nghiệp của cố GS-NGND Hoàng Như Mai, PGS.TS Trần Hữu Tá, người liên tục gần gũi với GS Hoàng Như Mai trong 55 năm, người đi chung với cố GS trên con đường giảng dạy và nghiên cứu văn học khẳng định. Trong 60 năm cầm bút, cố GS Hoàng Như Mai quan tâm đến nhiều lĩnh vực văn hóa, chính trị, xã hội, nhưng sự đóng góp về nghiên cứu văn học, đặc biệt là văn học hiện đại nổi trội hơn cả.

PGS.TS Đoàn Lê Giang, PGS.TS Trần Hữu Tá tại hội thảo

Công trình quy mô dày dặn của cố GS là chuyên khảo Văn học Việt Nam hiện đại (1945 -1960) gồm 24 chương, 510 trang chủ yếu phục vụ việc dạy học cho các khoa Ngữ văn đại học. Trong đó giá trị chủ yếu của công trình này chủ yếu là 19 chương đầu nghiên cứu về văn học trong hơn một năm bản lề (19/8/1945- 19/12/1946) và bức tranh toàn cảnh của văn học Việt Nam giai đoạn kháng chiến chống Pháp.

Ở một lĩnh vực khác dù chỉ “tạt ngang” nhưng cố GS Hoàng Như Mai đã có những đóng góp quý báu là thơ ca và sân khấu. Cố GS Hoàng Như Mai để lại nhiều vở kịch Tiếng trống hà hồi, Dòng sông biên giới, Vẽ chân dung cụ Đồ Chiểu...

NSND-TS Bạch Tuyết bộc bạch “thầy tôi đã cống hiến một đời không nhỏ cho lĩnh vực sân khấu, kịch nghệ. Nghệ sĩ cải lương chúng tôi mang ơn thầy...”

Nhà giáo đa tài

Trong mắt nhiều thế hệ là đồng nghiệp và môn sinh cố GS Hoàng Như Mai là nhà giáo đa tài, gần gũi với sinh viên, có tình với văn chương.

GS.TS Huỳnh Như Phương, nguyên trưởng khoa Văn học- Ngôn ngữ, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, một trong những sinh viên các lớp đầu tiên của ông bộc bạch: “chúng tôi đã từng yêu Màu tím hoa sim, Đôi mắt người Sơn Tây, thầy càng làm cho chúng tôi thêm yêu Núi đôi, Tây Tiến, Bên kia Sông Đuống. Thầy biết chúng tôi chờ đợi những gì trong giai đoạn chuyển đổi còn nhiều hoang mang ấy...

Và những sinh viên hiếu học càng tăng thêm lòng yêu đất nước, quê hương qua những áng văn thơ bỗng nhiên “mọc cánh” từ bài giảng của thầy”.

Qua lời kể của PGS.TS Phạm Quang Long, nguyên phó giám đốc ĐHQG Hà Nội: “Những năm 1970, rất nhiều sinh viên các khoa Sử, Triết, Kinh tế trên đường đến nhà ăn phải đi qua giảng đường có giờ thầy dạy, lại đứng chen chân quanh cửa sổ để nghe thầy giảng, quên cả chuyện ăn uống. Làm nghề như thế hỏi có niềm hạnh phúc nào hơn!

PGS.TS Trần Hữu Tá

Tôi nghĩ ở đó không chỉ có tri thức, tài năng mà còn một tình yêu vô bờ bến với học trò, với nghề nghiệp... mới có được những giờ giảng để đời như thế. Nhiều người thế hệ sinh viên rời ghế Khoa văn Tổng hợp ra trường hàng chục năm vẫn nhớ mãi phong thái ung dung, tác phong nghệ sĩ và nhất là lời giảng hào hùng, giọng đọc thơ ru hồn của cố GS Hoàng Như Mai. Người nghe bị cuốn hút bởi cách phân tích sắc sảo, tinh thần học thuật tự do và nhất là cái tình với văn chương”.

“Bốn chân lý toát ra từ thầy tôi”

Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký khẳng định cuộc đời tôi may mắn được nhiều người yêu thương, giúp đỡ. Tuy nhiên, nếu không có GS Hoàng Như Mai thì không có Nguyễn Ngọc Ký của ngày hôm nay. Tôi nghiệm ra bốn chân lý toát ra từ người thầy tôi.

Thầy tôi không học sư phạm ngày nào (thầy học CĐ Y khoa, chuyển sang Luật Khoa, đến với giảng dạy là sự tình cờ và ngẫu hứng khi nhận lời một người bạn tạm thời dạy giúp cho trường trung học tư thục) - nhưng khi đứng trên bục giảng, thầy trở thành Nhà giáo nhân dân, tấm gương điển hình ngành sư phạm. Điều đó chứng tỏ bằng ý chí, nghị lực hết mình sự kết hợp hài hòa, làm hết lý tưởng có thể yêu nơi mà lúc đầu không mơ ước.

NSND -TS Bạch Tuyết: “Nghệ sĩ cải lương chúng tôi mang ơn thầy...”

Thứ hai, các giảng viên ĐH xưa và nay mỗi khi đến lớp chỉ quan tâm đến việc truyền bá kiến thức, hiếm quan tâm đến học trò, nhiều thầy dạy không hề biết tên một sinh viên nào trong lớp.

Với GS Hoàng Như Mai -  ông đã vượt qua điều đó. Tiếp xúc với thầy khi ngồi học ở lớp hay khi gặp gỡ thường ngày, dù biết sự cách biệt giữa thầy với trò 1-2 thế hệ nhưng ai cũng cảm thấy nồng đượm sự trân trọng ấm áp, thân thương, gần gũi không có khoảng cách.

Chân lý thứ ba rút ra từ thầy là một tiết văn chỉ có thể thành công khi người thầy không chỉ thể hiện một tư tưởng sáng trong, cao cả mà còn thể hiện khối óc minh mẫn của nhà sư phạm.

Chân lý thứ tư, thầy là người truyền ngọn lửa cháy hết mình của lòng đam những giá trị nhân văn, cao cả. Nghệ thuật lên lớp không chỉ kiến thức sâu sắc, chuẩn mực, độc đáo mà còn cả trái tim cồn cào cảm xúc thăng hoa cùng tiếng lòng trào dâng, yêu thuơng cuộc sống...

Lê Huyền

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/208408/gs-hoang-nhu-mai---nha-giao-da-tai.html

 

Thông tin truy cập

62808967
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
3530
14839
62808967

Thành viên trực tuyến

Đang có 264 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website