Cảnh sắc và con người đất kinh kỳ trong thơ văn thời Thịnh Lê

Nói đến thơ văn thời thịnh Lê, dễ có cảm tưởng chúng mang đậm tính chính thống, quan phương, và kinh đô khi được tái hiện lại trong nhóm tác phẩm ấy cũng khó xa rời mục đích chính trị - yếu tố dễ khiến sáng tác nghệ thuật trở nên khuôn sáo. Nhưng nếu quan sát kỹ hơn, có thể thấy bên cạnh tính quy phạm không thể phủ nhận, vẫn còn đó trong thơ ca thời thịnh Lê nét đẹp thi vị dễ quyến lòng người của cảnh sắc và con người trên đất kinh kỳ. Công bằng mà xét, phải đâu tính chất cung đình, tụng ca của văn học giai đoạn này chỉ mang đến bất lợi cho văn học, mà nhìn từ góc độ khác, đã tạo nên những vần thơ giàu mỹ cảm, là “lời ca chân thành và say sưa của các thi sĩ trước cảnh sắc thiên nhiên, cuộc sống thanh bình”(1). Rõ ràng là dưới triều vua Lê Thánh Tông, khi lực lượng sáng tác chuyển sang quy tụ hoàn toàn ở phía nhà nho thì kinh đô, mảnh đất gắn liền với cuộc đời của nhiều nho sĩ, đã dần trở thành không gian quen thuộc gợi nên biết bao xúc cảm. Chính vì thế, ít nhiều bức tranh Thăng Long trong văn học thời thịnh Lê vẫn có sức hấp dẫn riêng, phần nào thể hiện được cảm nhận tinh tế của các tác giả trước vẻ đẹp quê hương buổi thịnh triều.  

1. Trong cảm hứng ngợi ca “Nhà nam nhà bắc đều no mặt – Lừng lẫy cùng ca khúc thái bình”(2), (3)– nguồn cảm hứng chủ đạo của thời đại tạm ngừng việc võ, bắt đầu sửa sang việc văn(4) – bức tranh kinh thành hiện lên rạng rỡ. Các nhà nho hào hứng xướng họa, ngâm vịnh về cảnh đẹp quê hương, trong đó có Thăng Long, say mê trước cuộc sống thái bình dần được khôi phục sau nhiều năm đất nước bị giặc Minh tàn phá nghiêm trọng. Không còn khung cảnh ngọc kinh mờ dưới cơn mưa chiều(5) những năm triều Trần suy yếu, giờ đây mỗi danh thắng của đất đế đô đều mang vẻ bề thế, vững chãi. Cảnh xuất hiện trong thơ có thể rất khác nhau, từ chùa An Quốc uy nghiêm trấn giữ đế kinh:

“Trung lập kiền khôn vững đế đô,

Mảng danh An Quốc ở Tây Hồ

.Xuân thu thêm có mười phân lạ,

Hoa cỏ đành hay một thức phô.”

(Lê Thánh Tông, Chùa An Quốc)

đến hồ Tây tĩnh lặng, thơ mộng:

“Vằng vặc trời thanh đọt đọt cây,

Thảnh thơi ngày tĩnh cảnh hồ Tây.”

(Khuyết danh, Hoa sen lúc tạnh mưa)

nhưng cái giọng đĩnh đạc, thảnh thơi, cái sắc thái tràn trề, viên mãn, vạn vật đua nở “mười trượng hoa thì mười trượng hương”(6) lại không hề sai biệt. Đặc biệt trong thơ Lê Thánh Tông xướng họa với quần thần, nét sang trọng của cảnh sắc kinh đô càng hiển hiện rõ rệt. Với niềm tin ca ngợi Thăng Long cũng là ca ngợi “thế nước vững như bàn thạch, ngôi vua rạng rỡ như sao Cơ, sao Dực”(7), các nhà nho gửi cả tấm lòng hứng khởi nhiệt thành vào bức tranh kinh đô những năm phồn thịnh. Từng ngọn cỏ, nhành cây Thăng Long, qua đôi mắt của lớp tác giả đại diện cho cả một chế độ phong kiến đang lúc thịnh đạt này, thường vượt khỏi nét nghĩa thực để vươn đến những tầng ý nghĩa rộng lớn hơn. Một cây me giữa kinh thành cũng được ví von như bạn của đấng công hầu:

“Mấy phút từng nhờ ơn vũ lộ,

Tư mùa chẳng khỏi bạn công hầu.

Chẳng hay là đã bao nhiêu kiếp,

Chờ trạng hằng che thuở gác lầu.”

(Khuyết danh, Cây me trong thành cấm)

còn cảnh hồ Tây lại biến thành tấm gương lớn soi bóng nước non ngàn dặm:

“Nhìn xa bóng núi bao trùm;

Ngó xuống gương hồ sáng tỏ.

Lẫn một sắc với vòm trời;

Ngậm muôn hình trong viễn phố.”

(Lê Thánh Tông, bài phú nằm trong truyện Gặp tiên ở hồ Lãng Bạc)

Bài phú trên được Lê Thánh Tông ghi lại trong câu chuyện huyễn hoặc Gặp tiên ở hồ Lãng Bạc (Thánh Tông di thảo). Có thể xem đấy là tác phẩm đầu tiên thuộc thể phú, với ưu thế về khả năng miêu tả những cảnh tượng rực rỡ, xa hoa, đã khắc họa khá tỉ mỉ khung cảnh hồ Tây – Thăng Long, đồng thời tổng kết lại mấy trăm năm thăng trầm của lịch sử dân tộc. Đáng chú ý hơn, ở đây một mặt Thăng Long tồn tại như chứng nhân lịch sử gìn giữ vết tích của các triều đại trước nhưng mặt khác, chính lịch sử đã trở thành yếu tố quan trọng dự phần vào nét độc đáo của Thăng Long. Những sự kiện “đem hà đồ lại biếu”, “bưng kiếm báu dâng lên”, những cuộc chơi “săn được người hóa hổ”, “nghi vệ rườm rà”, tất cả khoác lên mảnh đất này vẻ phồn hoa, sang trọng, dồn tụ phúc khí đế vương mà  vùng miền khác không thể sánh được:

“Thành lớn Thăng Long chốn ấy;

Kinh đô triều đại xưa kia.

Là nơi danh thắng;

Cờ quạt đi về.

Nhớ triều Lý đương khi toàn thịnh;

Thường thả thuyền cưỡi sóng nhởn nhơ.

Nhờ ông chài là tay dũng kiệt;

Săn được người hóa hổ giỡn vua chơi.

Rồi kế đó nhà Trần trỗi dậy;

Đã đến đây trồng sen, vịnh thơ.

Nào đền đài xây cao chót vót;

Nào cuộc chơi nghi vệ rườm rà.

Trâu nâng kiệu ngọc;

Phượng đỡ xe loan.

Chim âu lượn trên làn sóng biếc;

Đàn cá nhỏ mặt nước chờn vờn.

Tia đội vùng ô lấp lánh;

Bóng chìm ngọc bích chập chờn.

Già ngũ lão đem hà đồ lại biếu;

Người kim nhân bưng kiếm báu dâng lên.”

Chẳng những vậy, lịch sử còn để lại nhiều bài học giá trị về quy luật tồn vong của các vương triều:

“Phải chăng thịnh suy có số;

Hay là trong đục tự người?”

Tuy mối quan hệ giữa mệnh trời và đức nhân là vấn đề thường được nhắc đến trong văn học trung đại song với trường hợp vua Lê Thánh Tông, sự đúc kết trên lại có một ý nghĩa sâu sắc. Bản thân nhà vua bằng sự nghiệp chính trị đã dùng tất cả tâm sức mở ra một thời kỳ thịnh vượng, cho nên những chiêm nghiệm của ông về vận nước thể hiện qua thơ văn, ngay cả thơ văn xướng họa, không phải chỉ là lời nói tán tụng suông mà còn hàm chứa tầm nhìn xa rộng của bậc đế vương. Vì thế, có quá lời chăng nếu nói rằng: suy cho cùng cái choáng ngợp của đình đài chỉ mang đến cho kinh đô vẻ hào nhoáng bên ngoài, còn nét sang trọng thật sự lại ẩn sâu trong những suy ngẫm lớn lao và minh triết về chân lý giữ nước mà người Tràng An đã đúc kết qua thơ văn của mình? 

2. Như vậy, không thể phủ nhận trong thơ văn xướng họa, quan hệ quân – thần luôn đòi hỏi ở tác phẩm tính chuẩn mực, quy phạm. Đồng thời, dưới sự tác động mạnh mẽ của hệ tư tưởng chính thống nho giáo, hình ảnh cảnh vật và con người Thăng Long trong văn chương cũng được lọc qua mỹ cảm đậm màu nho. Tuy nhiên, dù gắn liền với triết học và chính trị đến đâu thì văn chương vẫn không phải là triết học và chính trị. Tự thân các hình ảnh thơ, ngoài ý nghĩa biểu tượng mang tính công thức, còn có sức gợi cảm riêng nhờ nghệ thuật miêu tả tinh tế. Bên cạnh đó, sự góp mặt của chữ Nôm như một ngôn ngữ nghệ thuật đích thực ở thế kỷ XV đã mở ra cho thơ ca khoảng trời sáng tạo mới, làm mềm đi cái khô cứng, sáo mòn của văn chương ca tụng. Tất cả các yếu tố này xuyên thấm vào nhau cùng tái hiện nên một Thăng Long với những tính chất tưởng như hoàn toàn đối lập: sang trọng nhưng vẫn có nét gần gũi, đúng chuẩn mực nhưng đồng thời đã manh nha nhiều biểu hiện vượt thoát khỏi tính khuôn sáo, công thức. Ngay cả “chủ soái” Lê Thánh Tông với ngòi bút có vẻ rất trang nghiêm khi vịnh cảnh chùa An Quốc “trung lập kiền khôn vững đế đô” cũng không giấu được một thoáng trữ tình đầy ý vị ở hai câu thơ cuối:

“Kìa ai đủng đỉnh làm chi đấy?

Một tiếng kình khua một chữ mô.”

Nhà vua đang hỏi các vị thiền sư chăng? Cái giọng điệu “kìa ai… đấy” lẽ nào dành cho bậc tu hành đắc đạo? Hẳn phải có duyên cớ nào đó để Thăng Long trong nhiều thế kỷ sau vẫn còn truyền tụng những giai thoại gắn liền với tâm hồn đa tình của vua Lê Thánh Tông. Công dư tiệp ký (Vũ Phương Đề) ở thế kỷ XVIII có ghi chép lại câu chuyện tương ngộ “hồn bướm mơ tiên” giữa quân vương và giai nhân xảy ra ở chùa Ngọc Hồ - danh lam đất đế kinh. Chuyện kể rằng nhân đến Quốc tử giám, vua Lê Thánh Tông đi qua chùa Ngọc Hồ, ghé vào thăm chùa, có duyên gặp gỡ một ni cô rất đẹp, lại giỏi thi từ. Vua và ni cô từng cùng nhau bình thơ, sau đó ngài phục tài, mời ni cô về cung nhưng đến cửa Đại Hưng thì ni cô biến mất. Nhà vua lấy làm lạ, cho là tiên giáng trần, bèn làm Vọng tiên lâu để kỷ niệm. Ngỡ như Thăng Long chỉ là mảnh đất của lịch sử các vương triều, ấy thế nhưng không phải. Chốn đô hội này còn là nơi “cực lạc”, lưu giữ cả những vần thơ đong đầy tình cảm, có khả năng làm rung động lòng người:

“Bể ái nghìn tầm mong tát cạn,

Sông êm muôn trượng chửa khơi vơi.

Nào nào cực lạc là đâu đó,

Cực lạc là đây, chín rõ mười!”

(Thân Nhân Trung, Qua chùa Ngọc Hồ gặp tiên)

Có thể nhìn thấy trong tâm hồn mỗi nhà thơ, Thăng Long luôn rất thơ mộng. Đoan chắc đấy chính là lý do vì sao các thi nhân đặc biệt yêu mến cảnh đẹp hồ Lãng Bạc. Có cái gì đó tao nhã, thanh bạch mà bình dị bàng bạc trong  ánh trăng, phảng phất sau dáng vẻ tinh khôi của cành sen nơi hồ Tây:

“Bắc khuyết vô thư can thế dự,

Tây hồ hữu nguyệt cấp thi bần.”

(Thái Thuận, Đề Toán Viên phường sở cư bích thượng)

 (Không dâng thư lên cửa bắc để cầu cạnh tiếng tăm ở đời,

Chỉ có trăng hồ Tây cung cấp cho cảnh sống thanh bạch của khách thơ.)(8)

(Thơ đề vách nhà tại phường Toán Viên)

hay:

“Vằng vặc trời thanh đọt đọt cây,

Thảnh thơi ngày tĩnh cảnh hồ Tây.

Mưa thuở sịch, hài xanh chúc,

Gió khi thổi, tán lục xoay.”

(Khuyết danh, Hoa sen lúc tạnh mưa)

Không bàn đến tính ước lệ, tượng trưng thường thấy trong thơ vịnh, chỉ nhìn vào những đường nét miêu tả, thực sự đấy là một bức tranh mới mẻ về hoa sen và cảnh hồ Tây. Cái mới dễ nhận thấy nhất nằm ngay trong hình ảnh. Ngôn từ như đang cựa quậy, khắc nổi lên trên trang thơ hình ảnh lá sen lúc cuộn thành chiếc hài xanh trong cơn mưa, khi lại giương tròn thành tán lá xoay theo cơn gió. Nhưng ngoài ra, còn cái mới khó nhận thấy hơn được che giấu khéo léo sau nụ cười hóm hỉnh, ý nhị. Hãy thử xem cành sen hồ Tây lúc đã tàn có thể gợi nên sự liên tưởng phong phú tới mức nào:

“Trận hoa tướng đã cờ xanh cuốn,

Cung nước tiên còn tán cú giương.”

(Khuyết danh, Sen già)

Cặp hình ảnh “tướng – cờ xanh cuốn”, “tiên – tán cú giương” dẫn dắt người đọc đến với ẩn dụ đầy bất ngờ về biểu tượng phồn thực và hoạt động tính giao. Hồ Tây bây giờ không phải được nhìn ngắm qua đôi mắt của các quan công khanh, sĩ đại phu mà đang hiển hiện đầy sức sống dưới nét vẽ đậm màu văn hóa dân gian của người bình dân, bước đầu góp phần thể hiện cá tính độc đáo và vẻ đẹp đa dạng của văn học Thăng Long.

 3. Chỉ với những tác phẩm mang cảm hứng ca tụng trên, bức tranh Thăng Long xưa cũng đủ làm rung động người đọc nhiều thế hệ. Nhưng thú vị hơn là sang trọng và tươi vui không phải âm điệu duy nhất vang lên trong toàn bộ tác phẩm viết về Thăng Long thời thịnh Lê. Các thi nhân sau khi cởi bỏ chiếc áo con người chức phận, với tâm hồn mẫn cảm và đôi mắt thấu suốt cuộc đời, đã nhìn thấy ở Thăng Long một sắc thái khác đối nghịch với vẻ ngoài lộng lẫy. Họ lắng nghe được vọng ra từ cung vàng điện ngọc thâm nghiêm là tiếng khóc thương ai oán của những thân phận nhỏ bé trước quyền lực đế vương. Nối tiếp Khuê oán (Trần Nhân Tông), Đồ mi (Nguyễn Ức) từ giai đoạn Lý – Trần, văn chương thịnh Lê cũng dành những vần thơ đầy thương cảm cho người cung nữ:

“Chẳng thương cỏ áy nhụy non cùng,

Lạnh lẽo oan chi riết một đông.

Chiếu khách Tràng An ghê tựa nước,

Chăn người cung khuyết lạnh như đồng.”

(Lê Thánh Tông, Đông)

Một Khuê oán của Trần Nhân Tông đã là hiện tượng lạ trong văn học trung đại, nay lại xuất hiện thêm thi phẩm của Lê Thánh Tông. Với bài thơ này, Lê Thánh Tông cũng như Trần Nhân Tông năm xưa, sẵn sàng trút bỏ cân đai mũ mão đế vương để cảm nhận như một thi nhân, và cao hơn, như một con người. Chẳng những vậy, theo dòng vận động chung của văn học, sự bức bối xuất phát từ khát khao yêu đương bị đè nén càng được bộc bạch trực tiếp hơn, day dứt hơn giai đoạn trước. Giấc mộng xuân cùng chung gối ngọc với quân vương trở đi trở lại trong thơ, quyện thành chuỗi đau đớn kéo dài vô tận:

“Thập nhị lâu đài, thập nhị thiên,

Trùng trùng thâm tỏa ngọc thuyền quyên.

Giác lai hận bất trường như mộng,

Phi đáo quân vương ngọc chẩm biên.”

(Thái Thuận, Hiệu Đường cung nhân từ)

(Có mười hai lâu đài là mười hai phương trời,

Những người đẹp bị cấm cung trong vách tường lớp lớp.

Khi tỉnh giấc giận không được cái triền miên trong giấc mộng,

Để có thể bay đến bên gối ngọc của quân vương.)(9)

(Bài ca làm thay cung nữ đời Đường)

Bảo rằng làm thay cung nữ đời Đường, thực chất nhà thơ chỉ mượn ý để ám chỉ cung nữ dưới chế độ phong kiến của ta. “Thập nhị lâu đài”, từ góc nhìn cảm thương của Thái Thuận, gây nên liên tưởng về “mười hai bến nước”, hình ảnh gắn chặt với vận mệnh long đong của người phụ nữ trong xã hội cũ. Có thể nói, hiện thực nhiều bất công đã làm nảy sinh những vần thơ ai oán ấy song chính những vần thơ ai oán, “tiền thân” của Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm… ở nửa sau thế kỷ XVIII, sau khi xuất hiện lại làm đẹp thêm cho bức tranh Thăng Long bởi giá trị nhân đạo, nhân văn sâu sắc của chúng. Ở một phương diện khác, bức tranh kinh đô phồn hoa còn thấp thoáng nỗi buồn khởi nguồn từ tâm sự riêng tây của chính tác giả. Kinh đô là mảnh đất hội tụ nhân tài bốn phương, và cũng vì thế, những người con xa xứ thường mang nặng cảm giác cô đơn khi tự nhận mình chỉ là khách ở chốn đế đô. Thái Thuận, một nhà thơ gốc Kinh Bắc nhưng có nhiều năm làm quan ở Thăng Long, là một trường hợp như vậy. Hình ảnh kinh đô hiện lên trong thơ ông đẹp mềm mại, tinh tế với dương liễu, khói hoa, mưa muộn nhưng thường thấm sâu nỗi buồn khó diễn đạt bằng lời, bị bủa vây bởi niềm nhớ quê và sự ám ảnh về “mái tóc điểm sương”:

“Đảo y hà xứ chử đinh đông,

Khách xá thu thanh độc tọa trung.

Lương tứ mãn đình phong tại thụ,

Hàn quang nhập hộ nguyệt đương không.

Ô ô thành thượng minh hoa giốc,

Tức tức ly biên tố thảo trùng.

Bách cảm công tâm nan tự nhược,

Minh triêu chỉ khủng mấn thành ông.”

(Tràng An thu dạ)

(Tiếng đập vải thình thịch từ đâu dội tới,

Ngồi trong nhà lắng nghe tiếng thu đưa tới.

Gió lộng trong cây, hơi mát đầy sân,

Trăng treo giữa trời, ánh sáng lạnh soi vào cửa.

Trên thành u u tiếng tù và bằng sừng thổi,

Bên giậu rền rĩ tiếng sâu cỏ kêu.

Bao niềm thương cảm sôi động trong lòng, khó mà cản được,

Cho đến sáng mai, e rằng mái tóc đã điểm sương.)(10)

(Đêm thu ở kinh đô)

Tuyệt nhiên không có tiếng đàn, tiếng sáo. Âm thanh mùa thu ở kinh thành thấm vào ánh trăng lạnh, đọng lại cùng nỗi buồn xa vắng của tiếng gió lộng trong cây, tiếng côn trùng rền rĩ, tiếng tù và u u thổi trên thành. Tiếng chày đập vải – âm thanh duy nhất gợi nhắc về sinh hoạt thường nhật của cuộc sống – lại vọng đến từ nơi xa nào không rõ, chỉ càng đè nặng thêm cảm giác “độc tọa trung”. Ở đây không hẳn là nỗi buồn thời thế loạn loạc như trong thơ ca các thế kỷ sau, khi mâu thuẫn của chế độ phong kiến càng lúc càng khó điều hòa. Bản thân Thái Thuận cũng không gọi rõ được tên trăm niềm cảm xúc trong lòng. Có lẽ đấy là nỗi buồn bất ngờ đến trong đêm thu – thời khắc dễ khiến con người cảm thấy cô quạnh, dễ làm dấy lên nỗi đau lữ thứ thường trực, khó nói nên lời. Hoặc rất có thể nỗi buồn ấy phần nào xuất phát từ sự băn khoăn, day dứt thường gặp ở nhà nho “Ở nơi đất khách lòng muốn về mà chưa về được” (Tư thân). Từng có lúc trong thơ Thái Thuận, trên cái nền là mùa xuân tươi đẹp ở đất Trường An lại xuất hiện hình ảnh một con người trầm tư, tự giằng co giữa ở và về:

“Tự tín tài phi thập bát tiên,

Tràng An không thử tuế hoa thiên.

Thượng uyển điên cuồng liên hí điệp,

Cố hương qui khứ phụ đề quyên.”

(Tràng An xuân mộ)

(Tự biết mình không có tài như mười tám vị tiên,

Ở giữa đất kinh đô mà để cho năm tháng thú vị trôi qua.

Nơi vườn vua thương cho cánh bướm cứ quay cuồng đùa giỡn,

Chốn quê nhà, phụ tiếng cuốc giục giã gọi về.”

(Chiều xuân ở Tràng An)

 Kinh đô vốn là mảnh đất của vua, tượng trưng cho vương quyền của các triều đại. Và lẽ tất nhiên, ngay trong một triều đại cực thịnh như triều vua Lê Thánh Tông, nơi đó vẫn gắn chặt với sự đấu tranh khốc liệt của quan trường. Vì thế, trên trang thơ, kinh thành dần xuất hiện như một không gian đối lập với “quê nhà” - nơi mang lại cuộc sống nhàn tản, lánh xa công danh, phú quý cho các nho sĩ. Kinh đô cùng lúc mang hai vai trò: vừa là nơi để các bậc hiền tài khắp cả nước thực hiện khát vọng cống hiến, lại vừa là chốn “phù thế” trói buộc đôi cánh tự do của tâm hồn:

“Đại đình tằng đối tam thiên tự,

Phù thế hư kinh ngũ thập niên.

Bất thị vô tâm lai cấm tỉnh (sảnh),

Chỉ duyên đa bệnh ức viên điền.”

(Nguyễn Trực, Bính tuất ngẫu thành) 

(Trước sân vua từng viết văn ứng đối ba nghìn chữ,

Cuộc đời đã từng trải năm mươi năm rồi.

Không phải vô tâm mà tới nơi làm việc cấm thành,

Chỉ vì lắm bệnh và nhớ cảnh vườn ruộng ở quê nhà.)

(Nhớ lại năm Bính tuất, ngẫu nhiên có thơ)

 Có lẽ người đọc sẽ băn khoăn rằng những vần thơ trên có làm hình ảnh Thăng Long thời thịnh Lê giảm đi phần rực rỡ? Ở mức độ nhất định điều đó khó tránh khỏi. Tuy nhiên, từ nỗi buồn ấy, thế hệ sau có thể hiểu hơn về cốt cách của “sĩ phu Bắc Hà”. Họ đã làm sang trọng cho Thăng Long bằng những vần thơ ca tụng, tràn đầy niềm tự hào về đất nước và cũng chính họ, với trái tim nhân hậu, giàu tình cảm, càng khiến cho độc giả thêm rung động trước khí tiết thanh cao cùng vẻ đẹp thắm đượm chất nhân văn của con người đất kinh kỳ . Chắc rằng nếu thiếu những gam màu đa dạng, thậm chí đối lập đến như vậy, sức thu hút của bức tranh Thăng Long thời thịnh Lê với người thưởng lãm hôm nay hẳn đã bị vơi đi ít nhiều. ___________________ 

Chú thích:

(1) Nguyễn Phạm Hùng: Mấy nhận xét về nghệ thuật thơ Nôm trong Hồng Đức quốc âm thi tập,  In trong Lê Thánh Tông về tác gia và tác phẩm (Bùi Duy Tân, Lại Văn Hùng tuyển chọn), Nxb Giáo dục, H, 2007, tr.636.

(2) Từ đây các tác phẩm dẫn trong bài viết được trích từ: Bùi Văn Nguyên (chủ biên): Tổng tập văn học Việt Nam, tập 5, Nxb. Khoa học xã hội, H, 1995.

(3) Lê Thánh Tông, Vịnh ngũ canh thi – Nhất canh.

(4) Ý thơ của Lê Thánh Tông trong bài Ngự chế Thiên Nam động chủ đề.

(5) Ý thơ của Trần Quang Triều trong bài Trường An hoài cổ.

(6) Lê Thánh Tông, Vịnh sen non.

(7) Đào Cử: Bài tựa đặt cuối tập thơ “Quỳnh uyển cửu ca”, In trong 10 thế kỷ bàn luận về văn chương (Từ thế kỷ X đến nửa đầu thế kỷ XX) (Phan Trọng Thưởng, Nguyễn Cừ, Vũ Thanh, Trần Nho Thìn sưu tầm), Nxb. Giáo dục, H, 2007, tập 1, tr. 34.

(8),(9),(10) Bản dịch thơ chữ Hán dẫn theo Tổng tập văn học Việt Nam (sđd), một số chỗ đã được PGS.TS. Đoàn Thị Thu Vân chỉnh lại cho sát hơn với nguyên tác.     

*ThS, khoa Ngữ Văn, Đại học Sư Phạm Tp.HCM

 

Thông tin truy cập

60427724
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
8699
6820
60427724

Thành viên trực tuyến

Đang có 233 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website