Bàn về việc tiếp biến văn hóa Trung Quốc trong Kim Vân Kiều truyện của Việt Nam (论越南《金云翘传》对中国文化的改写)

TS. Wang Xiaolin (王小林)

(Đại học Sư phạm Hồ Nam, Trung Quốc)

TS. Nguyễn Đình Phức dịch 

Tóm tắt nội dung: Tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Nguyễn Du là sự tiếp biến văn hóa trên cơ sở cải biên tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của tiểu thuyết gia Thanh Tâm Tài Nhân sống vào giai đoạn Minh Thanh. Thông qua quá trình tiếp biến ngoại văn hóa này, từ một tiểu thuyết thông tục mang đậm chất tài tử giai nhân, Nguyễn Du đã đem nó cải biên thành một tác phẩm truyện thơ dài, đồng thời còn là sự thể hiện đỉnh cao của tính điển nhã trong văn chương Việt. Nhờ có quá trình tiếp biến yếu tố ngoại văn hóa này mà Kim Vân Kiều truyện của Nguyễn Du trở thành một tác phẩm văn học kinh điển đồng thời được rất nhiều độc giả trên thế giới yêu thích.

 

Từ khóa:   Kim Vân Kiều truyện    Tiếp biến ngoại văn hóa      Văn học kinh điển 

摘要:越南《金云翘传》对中国明清小说《金云翘传》作了跨文化改写,通过这一跨文化改写,作者将一部具有明显的俗文化倾向的中国明清才子佳人小说演化为一首具有雅文化倾向的越南长篇叙事诗,这一提升文化品位的跨文化改写是越南《金云翘传》成为举世注目的世界文学经典的重要原因之一。

 

关键词:《金云翘传》 跨文化改写 文学经典

 

On rewriting chinese culture of Vietnamese

version of Romance of Jin Yun Qiao

                                                                                         Wang Xio-lin

(College of liberal arts,Hunan normal university, Changsha, Hunan 410081)

 

Abstract: Vietnamese version of Romance of Jin Yun Qiao, a long narrative poem, rewrited Chinese version of Romance of Jin Yun Qiao,a novel about gifty scholars & elegant lady in Ming and Qing dynasties, as a result of this cross-culture rewriting, the former is more elegant than the later, and the cultural taste of the former is improved, we can deduce from the conclusion above that this cross-culture rewriting is an important reason why the former become one of celebrated world literary classics.

 

Key words:  Romance of Jin Yun Qiao  Cross-culture rewriting    Literary classics  

Từ khoảng thập niên 50 của thế kỷ 20, mối quan hệ giữa tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện do Thanh Tâm Tài Nhân ở Trung Quốc sáng tác (gọi tắt bản Thanh) và truyện thơ Kim Vân Kiều truyện của Nguyễn Du ở Việt Nam (gọi tắt bản Nguyễn) được rất nhiều học giả quan tâm, giáo sư Hoàng Dật Cầu thuộc Đại học Sư phạm Quảng Đông là người đầu tiên chú ý đến mối quan hệ này, trong bản dịch Trung văn dịch từ Kim Vân Kiều truyện của Nguyễn Du xuất bản năm 1959 của ông, trong phần lời tựa, học giả Bùi Kỷ khi ấy đã chỉ rõ, Kim Vân Kiều truyện của Nguyễn Du chính được dịch ra trên cơ sở tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân, tất nhiên cái gọi là phiên dịch ở đây được hiểu là quá trình cải biên đầy tính sáng tạo và có sự gia tăng cực lớn của giá trị văn hóa truyền thống. Ngoài ra, ở phần Dịch hậu ký, dịch giả cũng nêu rõ: “Kim Vân Kiều truyện vốn là một bản tiểu thuyết lưu hành ở Trung Quốc vào đầu đời Thanh. Nó miêu tả sự hoành hành của ‘Oa khấu’, sự nhu nhược của quan quân triều đình, sự hủ bại của hệ thống chính trị, sự tàn ác của xã hội phong kiến và sự cùng khổ của những con người bị áp bức….Tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Nguyễn Du chính sáng tạo trên cơ sở hấp thu suối nguồn dưỡng chất từ bản tiểu thuyết chữ Hán của Thanh Tâm Tài Nhân. Nguyễn Du đã sử dụng ngôn ngữ dân tộc, thể thức của ca dao dân ca Việt Nam và sự thuần thục của cá nhân nhà thơ trong việc vận dụng điển cố văn học Trung Quốc, đem nội dung tác phẩm chuyển tải một cách hết sức hoàn mỹ vào những câu thơ lục bát gọn gàng ngăn nắp.”(1) Ở đây, tuy dịch giả chỉ rõ mối quan hệ giữa hai bản Kim Vân Kiều truyện của hai nước Trung Việt, thế nhưng vẫn chưa triển khai nghiên cứu so sánh; thêm vào đó, dịch giả với phần giới thiệu hết sức giản lược về Kim Vân kiều truyện của Trung Quốc và sự phản ánh có phần thiên lệch về nội dung tác phẩm, điều này chứng tỏ khi viết những lời trên dường như tác giả vẫn chưa hề xem qua tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân. Tháng 12 năm 1973, học giả Việt Nam du học tại Đài Loan Trần Quang Huy trong luận án tiến sĩ Nghiên cứu mối quan hệ giữa truyện nôm Việt Nam và tiểu thuyết Trung Quốc, đã đi sâu nghiên cứu mối quan hệ giữa bản Thanh và bản Nguyễn, trên cơ sở sử dụng bản dịch Hán văn của Trương Cam Vũ, tác giả đã đi sâu nghiên cứu mối quan hệ giữa hai văn bản ở các khía cạnh tình tiết, nhân vật, tư tưởng và phương thức biểu đạt, sau cùng đưa ra kết luận: Nguyễn Du đã sử dụng một một bản Kim Vân Kiều truyện hết sức bình thường làm lam bản, sau đó sáng tạo ra một tác phẩm văn học bất hủ; sự thiên tài cùng khả năng sáng tạo tuyệt vời của Nguyễn Du hoàn toàn không thể hiện ở tình tiết câu chuyện, mà chủ yếu thể hiện ở nghệ thuật biểu đạt.(2)

 

Trên thực tế, từ trước những năm 80 của thế kỷ 20, tất cả các bộ sách, giáo trình về lịch sử văn học Trung Quốc, bao gồm cả Trung Quốc tiểu thuyết sử lược của Lỗ Tấn đều không đề cập đến Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Tháng 10 năm 1983, lần đầu tiên nhà xuất bản Văn nghệ Xuân Phong cho xuất bản bộ tiểu thuyết chương hồi từ lâu đã thất truyền này, sách lấy tên tác giả là Thanh Tâm Tài Nhân, do học giả Lý Trí Trung hiệu điểm. Trong phần Hiệu hậu ký phụ thêm ở cuối sách, học giả Lý Trí Trung đề cập đến ảnh hưởng của bộ tiểu thuyết đối với văn học Nhật Bản, ông cho rằng: thứ nhất, Nguyễn Du dùng bản Thanh làm đề tài, đem tác phẩm cải biên thành truyện nôm (tiểu thuyết theo thể văn vần), bản Thanh đem đến cho bản Nguyễn ở bốn khía cạnh nội dung, tình tiết, nhân vật và tư tưởng; thứ hai, diễn biến và tình tiết câu chuyện trong hai tác phẩm hầu như không có gì khác nhau, Nguyễn Du chỉ sửa chữa đôi chút theo tác giả là chưa hợp lý thể hiện ở các khía cạnh tình tiết, miêu tả nhân vật, khắc họa tâm lý nhân vật, những thay đổi này không chỉ thể hiện dụng tâm của tác giả, mà còn khiến tác phẩm của ông so với bản Thanh khăng khít, mới mẻ, sinh động và giàu tính biểu cảm hơn; thứ ba, bản Nguyễn có tầm ảnh hưởng cực lớn ở Việt Nam, những nhân vật trong tác phẩm như Thúy Kiều, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Sở Khanh, Tú Bà… không chỉ nhà nhà đều biết, mà còn trở thành những hình ảnh điển hình, mang tính biểu tượng về các loại người trong xã hội, hơn nữa trong giai đoạn thực dân Pháp chiếm lĩnh Việt Nam, bản Nguyễn còn là đại biểu tượng trưng cho tiếng Việt và dân tộc Việt Nam. (3) Từ giai đoạn này về sau, cùng sự hưng thịnh của văn học so sánh ở Trung Quốc đại lục, mối quan hệ giữa bản Thanh và bản Nguyễn đã trở thành vấn đề nổi cộm được rất nhiều học giả chú ý. Tổng quan những công trình có liên quan đến vấn đề này từ những năm 80 của thế kỷ trước, có thể thấy rõ, hầu hết các công trình được triển khai theo hai hướng sau:

 

Thứ nhất, nên đánh giá ra sao về hai tác phẩm nêu trên? Liên quan đến vấn đề này, trong giới nghiên cứu tồn tại hai luồng ý kiến hoàn toàn trái ngược nhau: Một là, quan điểm của giáo sư Đổng Văn Thành thuộc khoa Trung văn, Đại học Liêu Ninh, ông cho rằng bản Nguyễn với tư cách là một văn bản mô phỏng, thế nên bất kỳ ở khía cạnh nội dung hay hình thức nghệ thuật đều không thể sánh với bản Thanh.(4)  Học giả Đài Loan Vương Thiên Nghi trong luận văn thạc sĩ Kim Vân Kiều truyện nghiên cứu của mình cũng hoàn toàn tán đồng quan điểm của giáo sư Đổng. (5) Hai là, giáo sư Phạm Tú Châu, chuyên gia văn học Trung Quốc thuộc Viện Văn học Việt Nam, trong bài viết Đọc bản dịch Trung văn của bản Truyện Kiều Việt Nam của mình đã đưa ra quan điểm hoàn toàn trái ngược với giáo sư Đổng Văn Thành, bà cho rằng, quan điểm của ông Đổng chủ yếu hình thành trên cơ sở những khiếm khuyết của bản dịch Trung văn, trong bản dịch Trung văn của giáo sư Hoàng Dật Cầu, “hình ảnh Kim Trọng, Thúy Kiều đã mất đi vẻ cao nhã vốn có trong bản thơ nôm, mà nét cao nhã của nhân vật cùng sự hắc ám của xã hội thường dễ làm độc giả cảm động và dễ đem đến cho họ xúc cảm nghệ thuật nhất, đây cũng là điểm thành công nhất trong quá trình tiếp biến văn hóa của Nguyễn Du.”(6) Việc cho rằng bản Nguyễn ưu việt hơn bản Thanh hoàn toàn không phải bắt đầu từ quan điểm của Phạm Tú Châu, mà ngay từ năm 1973, học giả Trần Quang Huy đã nêu ra, điều này đã nói rõ ở phần trên. Từ sau thập niên 90 của thế kỷ 20, quan điểm cho rằng bản Nguyễn ưu việt hơn bản Thanh đã được giới học thuật thừa nhận, cụ thể vào năm 1997, học giả Kỳ Quảng Mưu trong bài viết Luận về truyền thống văn học và giá trị nghệ thuật của tiểu thuyết chữ Nôm Việt Nam­­­­­­­­­­———Bàn luận thêm về thành tựu nghệ thuật của bản Kim Vân Kiều truyện của Nguyễn Du cho rằng: “Kim Vân Kiều truyện sở dĩ nhã tục đều xem trọng, sở dĩ tác phẩm nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của cả một dân tộc và của nhân dân thế giới, ấy là bởi ngoài nội dung tư tưởng phong phú, tác phẩm còn là sự thành công tuyệt đối trong việc vận dụng ngôn ngữ dân tộc” (7) Vào năm 2001, học giả Lý Quần trong chuyên luận Kim Vân Kiều truyện: Từ tiểu thuyết Trung Quốc đến tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam cho rằng, chính ngòi bút tuyệt khéo của Nguyễn Du đã làm cho Truyện Kiều thêm phần hương sắc, nhân vật Thúy Kiều trong bản Nguyễn so với nhân vật cùng tên trong bản Thanh cũng đoan trang hơn, giá trị thẩm mỹ cao hơn, nghệ thuật biểu đạt đặc biệt là phương diện khắc họa tâm lý nhân vật so với bản Thanh cũng xuất sắc hơn. (8) Năm 2007, hai tác giả Hà Minh Trí và Vi Mậu Bân trong bài viết So sánh quá trình sáng tác hai bộ Kim Vân Kiều truyện của Việt Nam và Trung Quốc cho rằng, bản Nguyễn ca dao dân ca Việt Nam, dùng thể thơ lục bát để cải biên bản Thanh, bản Nguyễn cấu tứ, sáng tạo trên cơ sở bản Thanh, trong đó cả tình tiết và thế giới nhât vật đều bộc lộ rõ xu hướng thẩm mỹ của tác giả, so với bản Thanh, bản Nguyễn đã có sự nâng cao ở phẩm vị văn hóa và tư tưởng.

 

Thứ hai, so sánh sự giống và khác nhau giữa bản Nguyễn và bản Thanh. Học giả Vi Hồng Bình trong bài viết So sánh Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc và Việt Nam trên cơ sở so sánh tất cả mọi điểm giống và khác nhau giữa hai tác phẩm, cho rằng hai tác phẩm có ba điểm giống nhau: thứ nhất, nội dung gần như không có gì khác nhau; thứ hai, đều sáng tạo trên cơ sở những sáng tạo của tiền nhân; thứ ba, bối cảnh xã hội mà cả hai tác giả sống về cơ bản là giống nhau. Về điểm khác biệt giữa hai tác phẩm, có thể kể ra bốn khía cạnh sau: thứ nhất, văn thể không giống nhau, một dùng thể thức của tiểu thuyết chương hồi phát triển trên cơ sở của thoại bản, một dùng thể thơ lục bát; thứ hai, thời điểm ra đời của hai tác phẩm hoàn toàn không giống nhau, thời gian cách biệt giữa chúng dài tới hơn 100 năm; thứ ba, địa vị xã hội của hai tác giả hoàn toàn khác nhau, một là thân phận di thần của triều Minh, một là một vị đại học sĩ, có địa vị xã hội cũng như danh tiếng văn học cực cao; thứ tư, hai tác phẩm ra đời trong hai hoàn cảnh xã hội hoàn toàn khác nhau, bản Thanh ra đời trong hoàn cảnh dòng tiểu thuyết tài tử giai nhân bị dư luận xã hội xem nhẹ, còn bản Nguyễn do được viết dưới hình thức lục bát, hình thức mang đậm tính dân tộc, nên ngay từ khi ra đời đã được mọi tầng lớp trong xã hội Việt Nam nồng nhiệt đón nhận.(10) Bài viết của các tác giả Dương Hiểu Liên, Vương Ngọc Linh, Hà Minh Trí, Vi Mạo Bân, Lữ Vĩnh… thảy đều tiến hành so sánh hai tác phẩm ở một số phương diện như chủ đề, hình tượng nhân vật, tác giả, thành tựu nghệ thuật…. Dương Hiểu Liên khi so sánh hai tác phẩm ở khía cạnh chủ đề chỉ ra rằng, bản Nguyễn ngoài việc khẳng định giá trị của các phạm trù trung, hiếu, nhân, nghĩa như bản Thanh, còn đặc biệt đề xướng quan điểm mệnh số của tôn giáo.(11) Vương Ngọc Linh trong quá trình so sánh hình tượng nhân vật Thúy Kiều thuộc hai tác phẩm chỉ ra rằng, cùng là nhân vật “tài nữ”, nhưng bản Thanh trọng chữ “tài”, còn bản Nguyễn lại trọng chữ “nữ”, nguyên do là bởi hình tượng “tài nhân” trong văn học Trung Quốc đã lấn át thậm chí che lấp hoàn toàn đặc điểm của “nữ tử”; hình tượng nhân vật Thúy Kiều trong bản Thanh chính thể hiện sự dung hợp của ba nhân tố xã hội “tình”, “đức”, “dục” thịnh hành ở giai đoạn Minh Thanh, đồng thời cũng thể hiện đặc trưng vừa trọng “danh” vừa trọng “thực” của văn hóa Trung Hoa.(12) Hà Minh Trí và Vi Mậu Bân khi tiến hành so sánh hai tác giả của hai tác phẩm cho rằng, tác giả của bản Thanh là người thất bại trên con đường khoa cử, dùng tiểu thuyết để ký thác lý tưởng xã hội, lý tưởng nhân sinh, nhấn mạnh tình cảm thực, tình yêu thực và tự do cá tính, điều này chính biểu hiện tư tưởng tình cảm của tầng lớp thị dân trong xã hội Trung Quốc; còn tác giả của bản Nguyễn là người có địa vị hiển hách cả trên văn đàn và trong chính trị, thế nên ông ta cực kỳ xem trọng các phạm trù trung, hiếu, nhân, nghĩa và khía cạnh phê phán xã hội.(13) Lữ Vĩnh trong quá trình so sánh thành tựu nghệ thuật của hai tác phẩm nêu rõ, có một số điểm tương đồng giữa hai tác phẩm như sau: “Một là, tuy viết về kỹ nữ nhưng không đi vào khai thác nội dung dâm ô.” “Hai là, đặc biệt xem trọng yếu tố kịch tính của tác phẩm, tính phê phán của xã hội cũng khá rộng.” “Ba là, đầu cuối liên hợp, kết cấu hết sức tinh mật.” “Bốn là, tính cánh của các nhân vật được xây dựng hết sức khác nhau.” Tác giả còn chỉ rõ nhược điểm của cả bản Thanh và bản Nguyễn: “Thứ nhất, cả hai đều chủ trương quan điểm mệnh số, tức ‘tài mệnh tương đố’.” “Thứ hai, cả hai tác phẩm đều dùng thủ pháp ‘vẽ rắn thêm chân’, tức đều sắp xếp chi tiết sau khi để Thúy Kiều trầm mình xuống dòng Tiền Đường, được Giác Duyên cứu lên, lại sắp xếp cho Thúy Kiều, Thúy Vân tình cờ gặp nhau, để vẹn mối nhân duyên mỹ mãn một chồng hai vợ là ‘Kim’ ‘Vân’ và ‘Kiều’ .” “Thứ ba, nguyên mẫu nhân vật Từ Hải vốn là bọn cướp biển nhũng nhiễu dân lành, lại có mối liên hệ với một số thế lực tại Nhật Bản, đem những người ấy để xây dựng thành những anh hùng chốn nhân gian, dường như chẳng bằng học theo tác giả của Thu hổ khâu xây dựng họ thành những nhân vật biến hình, để tránh sự mâu thuẫn giữa nhân vật và sự thực lịch sử cũng như đảm bảo tính chân thực của hình tượng nghệ thuật.”(14)

 

Từ tình hình nghiên cứu có liên quan đến nội dung bài viết của chúng tôi nêu trên, có thể thấy rõ rằng, giới học thuật đối với việc nghiên cứu so sánh giữa bản Nguyễn và bản Thanh đã hết sức toàn diện, từ tác giả, bối cảnh thời đại đến các yếu tố nội tại thuộc tác phẩm như đề tài, chủ đề, hình tượng nhân vật, văn thể, kết cấu, độc giả đều đã được thiết cập nghiên cứu ở nhiều trình độ khác nhau. Những nghiên cứu này đối với việc hiểu sâu về hai tác phẩm không chỉ có ý nghĩa tích cực, mà còn là tiền đề quan trọng cho những nghiên cứu sâu hơn về những vấn đề thuộc hai tác phẩm. Rõ ràng bản Nguyễn sản sinh trên cơ sở cải biên từ bản Thanh, mức độ ảnh hưởng của bản Thanh rõ ràng không thể so sánh cùng bản Nguyễn, việc đem hai tác phẩm so sánh với nhau, nhằm chỉ ra điểm giống và khác nhau, chỗ cao chỗ thấp giữa hai tác phẩm tựa như những vấn đề thuận lý thành chương, nhưng vấn đề đáng làm để bạn đọc, đó chính là, bản Nguyễn đã cải biên văn hóa Trung Quốc ra sao để từ một tác phẩm tiểu thuyết tài tử giai nhân không mấy thành công đã trở thành một tác phẩm văn học thuộc hàng kinh điển trên thế giới? Đây cũng là vấn đề bài viết của chúng tôi muốn đi vào giải quyết.

 

Trước tiên, hình tượng nhân vật Thúy Kiều trong bản Thanh thông qua quá trình cải biên của Nguyễn Du đã lý tưởng hơn.

 

Đem bản Nguyễn và bản Thanh so sánh với nhau, cái gọi lý tưởng hóa của hình tượng nhân vật Thúy Kiều trong bản Nguyễn so sánh với bản Thanh chính thể hiện ở một số khía cạnh như tài nghệ, tính cách….

 

Nhìn từ góc độ tài nghệ, kế thừa bản Thanh, bản Nguyễn cũng xây dựng Thúy Kiều thành một nhân vật “tài nữ”, thậm chí so với bản Thanh còn đặc biệt nhấn mạnh tài thơ và tài đàn của Thúy Kiều. Bản Nguyễn ngay từ hai câu đầu đã nói rõ chủ đề của tác phẩm: “Trăm năm trong cõi người ta; chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.”(15) Tài nữ mệnh bạc đã trở thành vấn đề trung tâm của truyện thơ. Đọc xong toàn bộ tác phẩm, hình tượng tài nữ Thúy Kiều với khả năng thi ca tuyệt vời và tài đàn khiến bất kỳ ai cũng phải vỗ án xưng tuyệt luôn đem đến cho độc giả ấn tượng cực kỳ sâu sắc.

 

Có học giả cho rằng, hình tượng Thúy Kiều của bản Thanh có xu hướng thiên về “tài”, còn của bản Nguyễn có xu hướng trọng về “nữ”. Đem quan điểm này so sánh với thực tế cải biên nhân vật Thúy Kiều trong bản Nguyễn, chúng ta sẽ nhìn rõ điểm không thích đáng, trên thực tế, hình tượng Thúy Kiều trong bản Nguyễn ở khía cạnh tài năng rõ ràng được nhấn mạnh hơn, việc Nguyễn Du muốn đem hình tượng nhân vật này lý tưởng hóa, tất yếu phải nhấn mạnh thêm khía cạnh “tài nữ” của cô, điều này có thể thấy rất rõ trong văn bản của tác phẩm. Ví dụ, ở đoạn Thúy Kiều và Kim Trọng vượt tường gặp gỡ và tự đính hôn ước, bản Thanh viết đến đoạn Thúy Kiều đề thơ cho hai bức tranh Sơn cư đồ và Tiểu dương xuân đồ trong thư phòng của Kim Trọng, Kim Trọng khen rằng: “Thơ viết thật hay, thật đâu kém tài phu nhân họ Vệ. Vật gì mà đến khéo, sao lại có vật khéo đến vậy, thật khiến tiểu sinh yêu chết đi được.” “Mỗi chữ là một viên châu, dẫu có vật mang giá trị liên thành cũng không dễ đổi. Hơn nữa, tình cảm thấm đẫm, thật sự đạt tới ý mà họa công không thể vẽ, có thể nói càng xem càng thấy kỳ diệu vậy!”(16) Bản Nguyễn đem hai bức tranh trên viết gộp thành một bức tranh vẽ cây tùng cô độc, lời thơ viết rằng: “Tay tiên gió táp mưa sa; khoảng trên dừng bút thảo và bốn câu. (Kim Trọng) Khen tài nhả ngọc phun châu; nàng Ban ả Tạ cũng đâu thế này.”(17) Đem hai đoạn so sánh với nhau, rõ ràng tài thơ của Thúy Kiều trong bản Nguyễn có phần vượt trội hơn so với tài thơ của Thúy Kiều trong bản Thanh, điều này được thể hiện khá rõ thông qua tư thế đề thơ của Thúy Kiều cùng những lời ngợi khen của Kim Trọng. Một điều đặc biệt đáng chú ý nữa là, khi tiến hành cải biên bản Thanh, Nguyễn Du đã lược đi toàn bộ số thơ ca do Thúy Kiều viết, cách làm này của Nguyễn Du không những không làm giảm tài năng của Thúy Kiều, mà ngược lại còn đem đến cho độc giả không gian vô cùng của hoạt động tưởng tượng; trái ngược với bản Nguyễn, bản Thanh liệt kê cụ thể tất cả các tác phẩm thơ của Thúy Kiều, làm như vậy tất nhiên thuận lợi cho người đọc có thể xem trực tiếp tác phẩm của tài nữ, thế nhưng nếu thơ viết quá thường, ấn tượng về tài thơ cùng sự tài hoa của Thúy Kiều trong lòng độc giả cũng sẽ bị mất điểm. Ngoài ra, tác phẩm thơ cụ thể xuất hiện trong tác phẩm nói cho cùng cũng chính là thơ do tác giả sáng tác, chúng có mối quan hệ mật thiết với tài năng thi ca của tác giả, trong quá trình đọc tác phẩm, độc giả chỉ có thể cảm nhận tài năng thi ca của tác giả, còn tài thơ của nhân vật ra sao thì chỉ có thể dựa vào sự tưởng tượng. Lại nhìn từ phương diện kết cấu, nếu trong tác phẩm tác giả liệt kê cụ thể những tác phẩm thơ của Thúy Kiều, làm như vậy không chỉ khó phát huy tính tích cực đối với việc thúc đẩy sự phát triển của tình tiết và việc miêu tả, khắc họa tính cách nhân vật, mà còn khiến cho kết cấu của tác phẩm thiếu sự nghiêm cẩn, thậm chí dẫn đến lỏng lẻo, rời rạc.

 

Tài đàn của Thúy Kiều trong bản Nguyễn so với tài đàn của nhân vật cùng tên trong bản Thanh cũng được nâng cao hơn. Ở đây lấy đoạn Thúy Kiều đính ước cùng Kim Trọng, sau đó lại gảy đàn cho Kim Trọng nghe làm ví dụ. Liên quan đến việc này, bản Thanh viết rằng: “”(18) Bản Nguyễn viết: “So dần dây vũ dây văn; bốn dây to nhỏ theo vần cung thương. Khúc đâu Hán Sở chiến trường; nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau. Khúc đâu Tư Mã Phượng Cầu; nghe ra như oán như sầu phải chăng! Kê Khang này khúc Quảng Lăng; một rằng Lưu thủy hai rằng Hành vân. Quá quan này khúc Chiêu Quân; nửa phần luyến chúa nửa phần tư gia. Trong như tiếng hạc bay qua; đục như nước suối mới sa nửa vời. Tiếng khoan như gió thoảng ngoài; tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa. Ngọn đèn khi tỏ khi mờ; khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu. Khi tựa gối khi cúi đầu; khi vò chín khúc khi chau đôi mày.”(19) Nếu đem đoạn này so sánh với đoạn trong bản Thanh, rõ ràng trong quá trình cải biên, Nguyễn Du đã viết thêm tên của các nhạc khúc mà Thúy Kiều tấu lên, về số lượng câu chữ cũng có sự gia tăng đột biến, tất cả những điều này đều thể hiện rõ ý đồ muốn nhấn mạnh tài đàn của Thúy Kiều, khiến cho hình tượng nhân vật này càng thêm phần lý tưởng, điều này cũng nói rõ hình ảnh Thúy Kiều trong bản Nguyễn so với bản Thanh càng trọng “tài” hơn chứ hoàn toàn không trọng “nữ”.

 

Nhìn từ phương diện tính cách, để hình tượng Thúy Kiều thêm lý tưởng, Nguyễn Du ngoài việc cố ý làm nổi bật tài năng của Kiều, ông còn đặc biệt chú ý gia công cho nhân vật của mình ở phương diện tính cách, tức luôn chú ý xây dựng tính cách Kiều theo hướng ít dục vọng, mưu mô nhưng ngây thơ hơn, tình cảm hơn. Ví dụ, khi Kiều mắc phải kế độc của Hoạn Thư, bỏ trốn khỏi gia đình họ Thúc, tới tránh nạn ở am Chiêu Ẩn, nhưng sau đó lại rơi vào tay của Bạc Bà. Ở tình tiết này, bản Nguyễn chỉ nói: Kiều vào lúc canh ba bỏ trốn khỏi Quan Âm các của gia đình họ Thúc, trên người mang theo chuông vàng, khánh vàng của nhà họ Thúc, tới nương nhờ sư bà Giác Duyên ở Chiêu Ẩn am, lại do có vị thí chủ tới chơi, phát giác những đồ pháp bảo sao quá giống của gia đình họ Thúc, Giác Duyên sợ sinh chuyện nên sắp xếp cho Kiều tạm lánh khỏi Chiêu Ẩn am. Ở đây bản Nguyễn vì muốn nhấn mạnh nét ngây thơ của Kiều mà lược bỏ một tình tiết thể hiện sự tính toán của Kiều vốn có trong bản Thanh: Thúy Kiều vì muốn ứng phó với khả năng gia đình họ Thúc tới điều tra nên đã bày mưu cho Giác Duyên, bảo Giác Duyên nên đánh bộ chuông khánh mới, sau đó dùng vàng bạc mạ lên và bày ở trong phòng như cũ, nếu có người đến tra xét thì bảo đó là đồ mô phỏng làm theo chứ không phải đồ thật.(20) Thúy Kiều vốn là người luôn bị mắc mưu người khác, trước đó vì muốn được sổ lồng nên đã mắc mưu của Tú Bà và Sở Khanh, sau này lại vì quan niệm trung hiếu mà mắc phải kế chiêu an dụ hàng của Hồ Tôn Hiến, dẫn đến Từ Hải phải chết đứng giữa trận tiền, những điều này đủ chứng minh Kiều là người ngây thơ, thế nên việc bản Nguyễn lược đi tình tiết bày mưu tính kế của Kiều là hoàn toàn phù hợp với logic phát triển của tính cách. Ngoài ra, trong so sánh với bản Thanh, bản Nguyễn còn đặc biệt chú ý nhấn mạnh chất người đậm đặc có trong tính cách của Thúy Kiều. Ví dụ, đoạn Kiều gặp Từ Hải, Kiều ngay từ khi gặp Từ đã có ý gắn kết chung thân, Từ chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh, rước Kiều về làm Hoàng hậu, đồng thời thay Kiều báo ân phục oán. Bản Thanh viết Thúy Kiều vì Thúc Sinh xin tha cho vợ nên đã miễn Hoạn Thư tội chết, nhưng vẫn đem Hoạn Thư đánh cho 100 roi sau đó trả về cho Thúc Sinh, tiếp đó quay ngược đầu Tú Bà đốt như ngọn nến, rút gân Mã Giám Sinh, lột da Sở Khanh, treo cổ Bạc Bà, giã nát thây Bạc Hạnh, hình phạt hoàn toàn khác nhau. Bản Nguyễn cải biên đã xử trí đoạn này như sau: bởi Thúc Sinh xin thay cho vợ, lại cảm động trước việc Thúc Sinh nặng tình với vợ, Kiều lập tức đã tha bổng cho Hoạn Thư, riêng Tú Bà, Bạc Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh…thảy đều bị xử thành thịt nát xương tan. Cách xử lý này không chỉ thể hiện tính cách trọng tình trọng nghĩa của Kiều, mà còn thể sự khoan dung độ lượng của cô, từ đó phẩm chất của hình tượng Thúy Kiều được nâng cao, khiến hình tượng nhân vật càng thêm lý tưởng hóa.

 

Ở phương diện tình cảm của Thúy Kiều, bản Nguyễn thể hiện thế giới tình cảm của Kiều phong phú đa dạng hơn nhiều so với bản Thanh; sự khác biệt giữa hai bản chính ở chỗ: trong bản Thanh vẫn tồn tại không ít chi tiết liên quan đến tình dục của Thúy Kiều, nhưng qua bản Nguyễn, tất cả những chi tiết này đều bị lược bớt. Ví dụ đoạn Kiều mắc mưu Tú Bà và Sở Khanh, sau khi Mã Giám Sinh lừa lấy Kiều, trong một tháng trời đưa Kiều thẳng tới Lâm Tri, bị sa vào kỹ viện, mâu thuẫn với Tú Bà, Kiều đã dùng cái chết để phản kháng, trong lúc Kiều hôn mê hồn Đạm Tiên hiện về báo rằng duyên trần của Kiều chưa hết, lại hẹn ước gặp nhau ở sông Tiền Đường. Trước tình hình đó, Tú Bà một mặt dối Kiều, cho nàng ra ở lầu Ngưng Bích, gạt rằng chờ gả cho con trai nhà lành; một mặt để đạt cho được mục đích, bắt Kiều phải tuân theo ý mình, Tú Bà đã cho Sở Khanh đi dẫn dụ Thúy Kiều chạy trốn, bởi ước mong tháo cũi sổ lồng, Kiều đã mắc mưu Tú Bà, Sở Khanh sau khi dụ Kiều chạy trốn, giữa đường đã bỏ mặc nàng, rốt cuộc Kiều bị bắt về lầu xanh, bị tra tấn đến nỗi phải khuất phục và phải cam chịu bán tiếng cười mới thôi. Một tháng sau, Tú Bà dạy cho Kiều cách câu dẫn khách cùng thủ thuật trong chốn phòng the, sau đó Kiều sống những ngày tháng buồn bã nơi lầu xanh, một đời ôm vết nhơ. Ở đoạn này bản Nguyễn đã lược toàn bộ những chi tiết của bản Thanh như Sở Khanh đòi Kiều cho thỏa mãn nhục dục, Kiều ủy thác thân mình cho Sở Khanh, những biện pháp câu dẫn khách cùng những thủ thuật chốn phòng the mà Tú Bà truyền cho Kiều và cả thái độ thừa nhận của Kiều. Về thái độ thừa nhận của Kiều, bản Thanh ngay sau khi Tú Bà truyền hết mọi ngón nghề cho Kiều, đã sắp xếp cho nàng trả lời một câu như sau: “Thì ra là vậy, con đã hoàn toàn lĩnh hội!”(21) Lại như đoạn Kiều tiễn biệt Thúc Sinh, Thúc Sinh từ khi chuộc Kiều từ tay Tú Bà, lấy Kiều làm thiếp, thời gian thoắt đã hơn một năm, Thúy Kiều khuyên chồng về Vô Tích thăm vợ cả Hoạn Thư, đoạn này bản Thanh miêu tả hết sức uyển chuyển, tỉ mỉ, nỗi oán than ly biệt thông qua thơ ca cùng cảnh vật được miêu tả đạt đến đỉnh điểm. Bản Nguyễn phát triển trên cơ sở bản Thanh, nhưng lược đi cảnh hai vợ chồng Kiều mây gió truy hoan trước đêm Thúc Sinh lên đường. Tình vốn là thứ thượng phẩm, dục chỉ thuộc hàng hạ lưu, việc miêu tả tình dục trước nay vẫn được xem là chứng cứ cho việc tác giả cố ý ứng hợp với thị hiếu của tầng lớp thị dân, đây cũng là nguyên nhân khiến tác phẩm phát triển theo hướng thông tục, có thể nói, bản Thanh chính thể hiện rõ nhất xu hướng này; ngược lại, bản Nguyễn lược bỏ hết nội dung tình dục của bản Thanh, chỉ chuyên chú vào lĩnh vực tình cảm, điều này khiến tác phẩm có xu hướng nhã hóa, phẩm vị và cách điệu của tác phẩm nhờ đó cũng được nâng cao hơn.

 

Thứ hai, bản Nguyễn trong quá trình cải biên bản Thanh, cố ý lý tưởng hóa mối tình Kim Kiều, cố ý đem mối tình của họ nâng tới đỉnh cao của thứ tình yêu điển nhã.

 

Hồi thứ nhất bản Thanh “Vô tình hữu tình đầu đường điếu Đạm Tiên; vô duyên hữu duyên không đâu gặp Kim Trọng” giới thiệu tài mạo của Kim Trọng cùng nỗi nhớ nhung của chàng đối với hai chị em Kiều Vân, trông mong có dịp được gặp lại: vào tiết thanh minh, hai Kiều cùng em trai Vương Quan đi tảo mộ, đạp thanh, trên đường trở về lại tế mộ danh kỹ Bắc Kinh là Đạm Tiên. Ở đoạn này, bản Thanh đặc biệt xoáy vào chi tiết Kim Trọng một mình cố ý bám theo hành tung chị em Kiều đến tận mồ Đạm Tiên. Bản Nguyễn ở đoạn tảo mộ chỉ giới thiệu thân phận cùng tài mạo của Kim Trọng, hoàn toàn không đề cập đến việc Kim cố ý bám theo Thúy Kiều, mà chỉ nói họ vô tình gặp nhau khi đang tản bộ thong dong, đồng thời “nhất kiến chung tình”, ngoài ra, Kim Trọng ở đây cũng không đi một mình, mà theo sau còn có và thư đồng, và chuyện gặp Thúy Kiều của chàng cũng chỉ là chuyện hữu duyên. Sau khi Kim Kiều gặp nhau, bản Thanh viết rằng: “Kim sinh bị sắc đẹp của hai Kiều hớp hồn, trong lòng nghĩ: ‘Đây hẳn là gốc rễ của tương tư.’ Lại thầm thề nguyện trong lòng: ‘Nếu ta không được hai cô này làm vợ thì quyết một đời không lấy ai khác.’ ”(22) Từ việc Kim Trọng cố ý bám theo đến chi tiết bị nhan sắc của hai Kiều làm cho mê đắm và thề quyết phải lấy bằng được hai Kiều, bản chất háo sắc trong con người Kim đã thể hiện cực rõ, điều này có tác dụng tiêu cực không ít đến việc hướng tình yêu theo chiều điển nhã, vậy nên dưới tài cải biên của Nguyễn Du, tất cả những chi tiết này đều bị lược bỏ. Sau khi hai Kiều tham dự hội Đạp Thanh trở về, bản Thanh có đoạn chị em Kiều Vân bàn luận về đoạn đối thoại của Kim Trọng, trong đoạn đối thoại Thúy Vân cho rằng Kim Trọng chẳng phải tới điếu Đạm Tiên, mà chỉ là đến tiếp cận hai Kiều, ý của nàng đã đoán đúng tim đen của Kim Trọng và Kiều cũng tán đồng ý kiến với em. Nàng nói: “Đó là lẽ đương nhiên, nhưng chị thấy chàng ấy tài mạo, nho nhã không giống người thường, nhứt khoát là bậc tuấn kiệt trong giới sĩ nhân.”(23) Bản Nguyễn lược đi tất cả những lời đối thoại này, chỉ xoáy sâu vào sự chung tình cùng nỗi luyến lưu của Kiều: “Bóng tà như giục cơn buồn; khách đà lên ngựa người còn ghé theo.”(24) Không dừng lại ở đó, Nguyễn Du còn miêu tả tâm trạng Kiều nơi khuê phòng dưới ánh trăng, trong quá trình khắc họa tâm lý Kiều, Nguyễn Du đặc biệt chú ý sử dụng cảnh vật chung quanh vào việc biểu đạt tình cảm tâm trạng, cuối cùng còn viết cảnh Kiều dựa lan can mộng gặp Đạm Tiên, lại nghĩ về mệnh vận của mình không khỏi xót xa. Đem bản Thanh và bản Nguyễn so sánh với nhau, chúng ta sẽ thấy rõ, con người Kiều trong bản Thanh đậm chất lý tính, còn Kiều trong bản Nguyễn lại đậm chất tình cảm, thật đúng là một hình tượng thiếu nữ trong trắng ngây thơ.

 

Ở đoạn nhặt thoa trả thoa, bản Nguyễn đối với mối tương tư của Kim Kiều sau lần gặp mặt đầu tiên miêu tả hết sức tỉ mỉ, còn bản Thanh chỉ chú ý miêu tả Kim Trọng tìm cách ra sao để gặp được hai Kiều, còn tâm trạng tương tư của chàng thì chỉ được miêu tả một cách hết sức vắn tắt: “Kinh sử biếng xem, cơm nước biếng ăn, cả ngày ngẩn ngơ, cả đêm mất ngủ. Lúc nào cũng chỉ trông mong gặp lại hai Kiều, nhưng lại không tìm ra kế sách.”(25) Bản Nguyễn nói Kim Trọng trong lúc bồi hồi đứng bên nhà Kiều phát hiện ra vườn Lãm Thúy, nhưng không vội miêu tả vườn này, bản Nguyễn viết: “Mấy làn cửa đóng then cài; dẫy thềm hoa rụng biết người ở đâu? Tần ngần đứng suốt giờ lâu; dạo quanh chợt thấy mái sau có nhà. Là nhà Ngô Việt thương gia; buồng không để đó người xa chưa về. Lấy điều du học hỏi thuê; túi đàn cặp sách đề huề dọn sang.”(26) Bản Thanh nói việc tìm thấy vườn Lãm Thúy là một trong những kế sách của Kim Trọng, chứ không phải hoàn toàn ngẫu nhiên, đồng thời chàng ta còn viết riêng một bài thơ ngợi ca cảnh đẹp của vườn.Việc nhặt thoa trả thoa và việc Kim Kiều trao nhau vật lưu niệm trong hai bản Thanh và Nguyễn đều khá giống nhau, hầu như không có gì khác biệt, chỉ có điều trong bản Nguyễn lời Kim Trọng thảy đều xuất phát từ tận đáy lòng, lời của đôi lứa yêu nhau và cũng cực kỳ khúc chiết; còn bản Thanh thì chú ý vào sự cố ý, tính toán trong tình tiết nhặt thoa và đính ước của Kim Trọng. Nếu đem so sánh Kim Trọng trong hai bản, có thể thấy rõ, Kim Trọng trong bản Thanh có khuynh hướng khinh bạc, phí hết tâm tư vào việc “hỏi liễu tìm hoa”, điều này nhìn từ một góc độ nhất định đã hạ thấp chất lãng mạn trong mối tình của Kim Kiều; ngược lại, trong bản Nguyễn, Kim Trọng được nhấn mạnh hơn rất nhiều ở khía cạnh tình cảm, không ngớt tương tư, sầu khổ, ngày đêm ngây ngây nhìn sang bờ tường phía đông, đồng thời việc thuê vườn Lãm Thúy cũng hoàn toàn ngẫu nhiên, hoàn toàn không có sự tính toán, chính nhờ thế tình yêu của họ mới trở nên lý tưởng hóa và điển nhã hơn.

 

Ở đoạn gặp mặt tình lang, bản Thanh viết rằng: Kiều nhân cơ hội người nhà đi xa đã giả vờ bị ốm để được ở nhà một mình, kế đó chuẩn bị đồ ăn thức uống đển gặp mặt tình lang; đầu tiên là việc tặng thơ tình, kế đó là tìm ngõ tắt, rồi cự tuyệt ham muốn nhục dục của chàng Kim, hẹn cùng nhau yến ẩm, ngâm vịnh; nói đến mười bài thơ họa lại Đạm Tiên, thương mình mệnh bạc, kế đó lại đề thơ lên bức họa cho Kim, rồi lại cùng nhau thề nguyền, sau đó chia tay nhau trong vạn phần lưu luyến; biết chắc người nhà đêm ấy không về, Kiều lại trở sang, cùng Kim thề nguyền, kế đó đánh đàn cùng Kim uống rượu vui đến sáng, nhưng quyết từ chối việc hợp hoan; sau vì Kim phải về Liêu Dương chịu tang chú, Kim đến từ biệt Kiều nơi hòn non bộ. Bản Nguyễn lại viết rằng: Kiều được phân công ở nhà coi nhà, đây đúng là cơ hội trời cho để gặp tình lang, dù rất muốn gặp nhưng lại không có cớ, sau nàng quyết băng qua ngõ tối, cùng Kim Trọng thề non hẹn biển, đề thơ, tiếp đó lại nói e mình phận bạc, khó có thể thành đôi, lời tình không dứt, nhưng đến khi trời tối nàng cũng trở về nhà, sau Kim Trọng được tin phải về Liêu Dương chịu tang chú, cả hai đã cùng tới Đài Trang tạm biệt nhau. So sánh hai bản với nhau, Kiều trong bản Thanh đặc biệt vì tình mà sinh ra tính toán, vì tư tình mà lừa dối người thân, điều này rõ ràng không lợi cho việc lý tưởng hóa hình tượng Thúy Kiều; bản Nguyễn cải biên tình tiết này, đem chi tiết Kiều thác bệnh ở nhà đổi thành được phân công ở nhà trông nhà, bỏ đi khiếm khuyết lừa dối người nhà trên người Kiều, khiến cho tình yêu Kim Kiều càng thêm hoàn mỹ.  

 

Ở đoạn cha Kiều mắc oan, Kiều đã ra tay cứu em và cha, bản Thanh đem bản án của cha Kiều miêu tả hết sức tỉ mỉ, thậm chí còn miêu tả chi tiết cả tình trạng bị bọn khốc lại hành hình cùng cảnh Thúy Kiều hôn mê nằm trên máng cỏ mơ thấy Kim Trọng tới cứu nàng và tình cảm lưu luyến giữa Kiều và cha mẹ. Bản Nguyễn chỉ nói, sau khi gia đình mắc họa, Kiều quyết định bán mình chuộc cha để tận hiếu, mọi việc đã yên, bà mối dẫn Mã Giám Sinh tới gặp, cuối cùng Kiều đã quyết định bán mình với giá bốn trăm lạng vàng. Kiều buồn khổ, lại nhớ mong Kim Trọng, để báo ơn chàng, Kiều đã nhờ em Thúy Vân thay mình giữ vẹn lời nguyền, do quá nhớ Kim, Kiều phát bệnh, khiến cha mẹ phải lo lắng, sau cha nàng phải hứa sẽ theo ý nàng, Kiều mới yên lòng. Về tình cảnh này, bản Nguyễn còn tường thuật rõ hơn, đặc biệt còn chú ý nhấn mạnh tình yêu của Kiều dành cho Kim chính là thứ tình yêu đến chết cũng không hề thay đổi. Bản Nguyễn viết: “Mai sau dù có bao giờ; đốt lò hương ấy so tơ phím này. Trông ra ngọn cỏ lá cây; thấy hây hây gió thì hay chị về.”(27) Đối chiếu hai bản, bản Nguyễn miêu tả đặc biệt tỉ mỉ về tình cảm cha con và tình cảm nam nữ Kim Kiều, điều này chủ yếu biểu hiện ở hoạt động tâm lý của Kiều, nổi bật nhất trong chuỗi hoạt động tâm lý của Kiều chính là sự mẫu thuẫn giữa tình và hiếu, ngoài ra những yếu tố khác nhìn chung chỉ được viết qua loa, nhưng rốt cục điểm nhấn vẫn đặt ở chữ “tình”; bản Thanh trái lại chỉ chú ý đến sự việc, ví dụ đem vụ án của cha Kiều thuật lại đầu đuôi rõ ràng logic, trong đó hình tượng Kiều cũng mang đầy màu sắc lý tính, trong tình thế dầu sôi lửa bỏng của chính gia đình mình, cô biết cân nhắc lợi hại để hy sinh thân mình cứu cả gia đình, rồi trong việc ký tên điểm chỉ trên bản hôn thư do chính cha cô lập, tất cả đều thể hiện khuynh hướng lý tính rõ rệt.

 

Thứ ba, bản Nguyễn trong quá trình cải biên đã khiến đặc trưng trọng trí của văn hóa Trung Quốc chuyển biến theo hướng nhã chính. Điều này thể hiện rõ nhất ở chỗ, trong quá trình cải biên, bản Nguyễn đã lược bỏ toàn bộ những tình tiết gắn liền với tình hình xã hội Trung Quốc đương thời có trong bản Thanh. Ví dụ, đoạn cha Kiều bị vu oan, bản Thanh đã viết rõ việc công sai họ Chung đã dùng bạc để lo lót bộ máy quan lại ra sao, để cha Kiều được trắng án; còn ở bản Nguyễn chỉ viết quan họ Chung (tức công sai họ Chung) chỉ đòi ba trăm tiền phạt, ngoài ra tất cả đều lược bỏ.

 

Ở đoạn Kiều được Thúc Sinh cứu vớt, bản Thanh viết rõ các bước để chuộc Kiều ra khỏi nhà thổ: ban đầu Thúc Sinh phải nhờ tay anh chị trong giới xã hội đen là Hoa Dương và Bộ Tấn hoạch định kế sách, kế đó dùng kế dương đông kích tây, nói sẽ kiện Tú Bà can tội dám mua con gái nhà lành vào làm nhà thổ, cốt cho Tú Bà sợ, sau đó mới dùng kế ép Tú Bà cho Kiều chuộc thân với giá tiền mà ngày xưa Mã Quy (Mã Giám sinh) đã bỏ ra để mua Kiều. Về việc này, bản Nguyễn chỉ nói Tú Bà thua cơ Thúc Sinh nên phải bằng lòng cho Kiều hoàn lương, viết rằng: “Mượn điều trúc viện thừa lương; rước về hãy tạm giấu nàng một nơi. Chiến hòa sắp sẵn hai bài; cậy tay thầy thợ mượn người dò la. Bắn tin đến mặt Tú Bà; thua cơ mụ cũng cầu hòa dám sao.”(28) Còn lại các chi tiết khác thảy đều lược bỏ.

 

Ở đoạn Từ Hải vì mắc kế chiêu hàng nên bị giết, bản Thanh tường thuật cụ thể việc quan quân bề mặt là chiêu an, chấp thuận mọi điều khoản mà Từ Hải nêu ra, tặng quà hậu để làm mờ mắt đối phương, nhưng thực tế lại cài nội gián ngầm theo dõi đối phương, như vậy danh là chiêu an, nhưng thực tế là bắt giết, nói tóm lại, ở đây tác giả bản Thanh đem mọi chi tiết cùng toàn bộ quá trình xếp đặt mưu kế giả chiêu an của quan quân triều đình bày ra trước mắt độc giả. Bản Nguyễn ngược lại chỉ viết ban đầu Từ Hải muốn giết kẻ khuyên hàng Hoa Nhân, nhưng Kiều đã cứu Hoa Nhân, sau đó Từ nghe theo lời Kiều đồng ý quy hàng, nhưng không ngờ mắc mưu Hồ Tôn Hiến đến nỗi bị giết; trong qua trình nêu trên, ngoài đoạn Kiều lấy đạo trung hiếu khuyên Từ Hải nên quy thuận triều đình được viết khá tỉ mỉ, còn lại đều hết sức sơ lược; có một điều đáng chú ý, đó là, trong bản Nguyễn xuất hiện lời phê bình cho rằng Kiều quá mềm yếu, dễ dàng tin người, chi tiết này chứng tỏ Nguyễn Du hoàn toàn không tán đồng tư tưởng trung nghĩa mà Kiều nêu ra.

 

Từ những ví dụ nêu trên, có thể thấy rõ, đối mặt với những vấn đề thực tế của xã hội Trung Quốc đương thời xuất hiện trong bản Thanh, bản Nguyễn đã tiến hành cải biên hay nói đúng hơn là lược bỏ khá nhiều; thế nhưng điều đáng nói ở đây là, những tình tiết, chi tiết vốn có trong bản Thanh bị bản Nguyễn lược bỏ lại chính là những tình tiết, chi tiết thể hiện rõ nhất đặc trưng nổi bật của văn hóa xã hội Trung Quốc, tức luôn hết sức xem trọng kế mưu. Đặc trưng này chính là đặc trưng xem trọng trí tuệ trong văn hóa Trung Quốc mà đại biểu tiêu biểu chính là hai bộ Tôn tử binh pháp và Tam Quốc chí. Tác giả bản Thanh là người đặc biệt xem trọng truyền thống văn hóa nêu trên, thế nên trong tác phẩm của mình, mọi vấn đề đều được viết hết sức tỉ mỉ rõ ràng, hơn nữa tác phẩm viết ra nhắm đến thỏa mãn của tầng lớp thị dân Trung Quốc, nên nó mang đậm khuynh hướng thông tục. Bản Nguyễn trong quá trình cải biên xem nhẹ đặc trưng nêu trên, điều này chứng tỏ tác giả Nguyễn Du trong quá trình tiếp nhận đã không thừa nhận giá trị của đặc trưng nêu trên, bởi vì nó không có lợi cho việc kiến tạo sự công chính của pháp luật, sự thành tín trong xã hội, và nó càng không có lợi cho việc nhã hóa tác phẩm. Ngoài ra, đặc trưng văn hóa xem trọng trí mưu này xem ra cũng không tương hợp với khuynh hướng trọng tình và quan niệm trung hiếu của Thúy Kiều, nếu quá xem trọng đặc trưng văn hóa trí mưu, tất yếu khiến người đọc cảm thấy Kiều còn không ít những khiếm khuyết ở phương diện trí tuệ, điều này tất yếu sẽ mâu thuẫn với cái gọi tài cao nghệ tinh của hình tượng Thúy Kiều, hoàn toàn không có lợi cho việc tác giả đem hình tượng nhân vật này lý tưởng hóa.

 

Cuối cùng, nhìn từ góc độ ngôn ngữ, sự cải biên của bản Nguyễn trên cơ sở bản Thanh thể hiện ở sự dung hợp văn hóa hai nước Trung Việt và sự điển nhã hóa của ngôn ngữ.

 

Bản Thanh là bộ tiểu thuyết tài tử giai nhân được hoàn thành kết hợp giữa văn xuôi và văn vần, bản Nguyễn trên cơ sở nội dung của bản Thanh, cải biên thành một tác phẩm truyện thơ, tức dùng thể thơ lục bát truyền thống của Việt Nam. Mỗi câu thơ trong tác phẩm đều là kết tinh ngôn ngữ của dân tộc Việt Nam, ví dụ quyển 05 có câu: “Đào tiên đã bén tay phàm; thì vin cành quýt cho cam sự đời”(29) Câu “Thì vin cành quýt cho cam sự đời” chính là “ngạn ngữ Việt Nam, ý nói trong xã hội người có khả năng phân biệt đúng sai không nhiều, có thể làm giả, lừa dối.”(30) Câu “Kiến trong miệng chén có bò đi đâu” thuộc quyển 06 cũng là một ngạn ngữ Việt Nam. Và cả thể thơ lục bát và ngôn ngữ dân tộc đều thể hiện đặc trưng của văn hóa Việt Nam, thế nhưng yếu tố văn hóa Hán ẩn chứa trong ngôn ngữ của tác phẩm vẫn còn khá đậm, Nguyễn Du luôn có ý thức tiếp thu những giá trị của mảng thơ từ, điển cố trong văn hóa Trung Quốc, đem chúng trực tiếp dẫn ra hoặc hòa lẫn chúng vào những dòng thơ lục bát thanh thoát uyển chuyển.

 

Trước hết chúng ta hãy xét một số ví dụ có sử dụng thơ từ Trung Quốc. Nguyễn Du là người có vốn tri thức khá rộng và sâu về thơ Đường và Thi kinh, trong bản Nguyễn, có khá nhiều trường hợp câu thơ có ý mượn từ thơ trong Thi kinh. Ví dụ, câu “Lầm dầm khấn vái nhỏ to; sụp ngồi đặt cỏ trước mồ bước ra”,(32) hai chữ “đặt cỏ” lấy nghĩa từ câu “sinh sô nhất thúc” (một nắm cỏ tươi) trong bài thơ Bạch câu phần Tiểu nhã sách Thi kinh, ý chỉ lễ bạc, không đáng; câu “Thói nhà băng tuyết chất hằng phỉ phong”(33), hai chữ “phỉ phong” lấy ý bài thơ Cốc phong trong phần Bối phong thuộc Thi kinh, chỉ ý thô lỗ, tầm thường; câu “Vẻ chi một đóa yêu đào; vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh”(34), “đào yêu” đến từ bài thơ Đào yêu trong phần Chu nam sách Thi kinh; câu “Sinh rằng: hiếu phục vừa xong; suy lòng trắc dĩ, đau lòng chung thiên”(35), hai chữ “trắc dĩ” đến từ bài thơ Trắc hỗ thuộc phần Ngụy phong trong Thi kinh: “Trắc bỉ Hỗ hề, chiêm vọng mẫu hề…Trắc bỉ Dĩ hề, chiêm vọng mẫu hề (Lên ngọn núi Hỗ kia, trông ngóng mẹ ta…Lên ngọn núi Dĩ kia, trông ngóng mẹ ta)”, ý chỉ con cái nhớ cha mẹ; câu “Quả mai ba bảy đương vừa; đào non sớm liệu xe tơ kịp thời”(37), hai chữ “quả mai” tức “phiếu mai”, chữ đến từ bài thơ Phiếu hữu mai thuộc phần Thiệu nam sách Thi kinh, ở đây lấy hình ảnh quả mai chín rụng xuống, ý chỉ người con gái đã đến tuổi lấy chồng. Trong bản Nguyễn có ba chỗ dùng ý đến từ thơ Đường, cụ thể câu “Mịt mù dặm cát đồi cây; tiếng già điếm nguyệt dấu giầy cầu sương”(38), ý câu sau đến từ câu thơ của Ôn Đình Quân, bản thơ Nôm chép “Kê thanh điếm nguyệt; nhân tích kiều sương”, mỗi câu đã lược mất hai chữ(39) ; đoạn “Phím đàn dìu dặt tay tiên; khói trầm cao thấp tiếng huyền gần xa. Khúc đâu đầm ấm dương hòa; ấy là hồ điệp hay là Trang sinh. Khúc đâu êm ái xuân tình; tưởng hồn Thục đế hay mình đỗ quyên. Trong sao châu nhỏ duềnh quyên; ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông”(40) Đoạn này dùng ý từ bài thơ Cẩm sắt của Lý Thương Ẩn: “Trang sinh hiểu mộng mơ hồ điệp; vọng đế xuân tâm thác đỗ quyên. Thương hải nguyệt minh chu hữu lệ; Lam Điền nhật noãn ngọc sinh yên”; câu “Dập dìu lá gió cành chim; sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Tràng Khanh”(42), ở đây câu đầu lấy ý từ thơ của Tuyết Đào, sách Toàn Đường thi chú viết: Tuyết Đào “tám chín tuổi đã hiểu thanh luật, một ngày nọ, cha nàng chỉ cây ngô đồng trong sân nói: ‘Trong sân cây ngô đồng; cành cao vươn trong mây’, Tuyết Đào ứng đối: ‘Cành đón chim nam bắc; lá đưa gió đi lại.’Người cha nghiêm sắc mặt đứng sững hồi lâu.”(43)

 

Lại xét điển cố Trung Quốc được sử dụng trong bản Nguyễn. Nguyễn Du am hiểu rất nhiều thư tịch Trung Quốc, trong quá trình viết thơ có thể thoải mái vận dụng, đủ thấy vốn văn hóa sâu rộng của ông. Căn cứ theo phần chú thích trong bản Kim Vân Kiều truyện do giáo sư Hoàng Dật Cầu phiên dịch, số lượng điển tịch hoặc tác phẩm Nguyễn Du sử dụng trong bản Nguyễn có đến vài chục loại, có thể kể đến các tác phẩm như Liễu thị truyện trong Thái bình quảng ký, Hán Vũ đế ngoại truyện, Ngũ đố thiên trong Hàn Phi tử, Dương Hùng truyện trong Hán thư, Thế thuyết tân ngữ, Tiếu tán, Cao sĩ truyện, Biền nhã, Cố Khải Chi truyện trong Tấn thư, Lan Đình tự, Hoài Âm hầu liệt truyện trong Sử ký, Lý Ký trong Sưu thần ký, Tây sương ký, Tình sử, Mạnh Thường truyện trong Hậu Hán thư, Bùi Hàng, Tam Quốc diễn nghĩa, Liệt tử, Liệt nữ truyện, Lã thị xuân thu, Bản sự thi, Sơn hải kinh, Tạ Côn truyện trong Tấn thư, Tặng tỳ…trong thơ các điển cố có nguồn gốc Hán có thể bắt gặp khắp nơi, không chỉ số lượng nhiều, mà việc vận dụng cũng hết sức khéo léo và phù hợp; có những điển cố trong thơ còn được sử dụng khá nhiều lần, ví dụ điển cố “Lam Kiều” được sử dụng đến ba lần: Lần thứ nhất: “Nghề riêng nhớ ít tưởng nhiều; xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang”(44); lần thứ hai: “Chày sương chưa nện cầu Lam; sợ lần khân quá ra sờm sỡ chăng”(45); lần thứ ba: “Rằng mua ngọc đến Lam Kiều; sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường”(46); “Lam Kiều” là điển cố Trung Quốc, đến từ tiểu thuyết đời Đường Bùi Hàng. Câu chuyện kể rằng tú tài đời Đường là Bùi Hàng tới chơi bến Ngạc, thuê thuyền về kinh. Trên thuyền còn có Phàn phu nhân tên Kiều, vợ của Lưu Cương, thế nên hai người quen nhau. Được Phàn Kiều giúp đỡ, trải qua rất nhiều khó khăn, chàng cùng em gái của Phàn Kiều là Vân Anh kết hôn tại dịch trạm Lam Kiều. Việc bản Nguyễn sử dụng một lượng lớn điển có nguồn gốc Trung Quốc, không chỉ làm dung lượng văn hóa của tác phẩm tăng lên, đồng thời cũng khiến tác phẩm mang đậm đặc trưng văn hóa Trung Quốc.

 

Bản Nguyễn trong quá trình cải biên trên cơ sở bản Thanh đã sử dụng một lượng lớn thơ từ, điển cố Trung Quốc, tác giả không chỉ khéo léo đem chúng hòa quyện vào thể thơ lục bát, một thể thơ mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, mà còn hòa quyện cùng phương thức biểu đạt tiếng Việt, thứ ngôn ngữ đạt đến trình độ dân tộc hóa cao độ dưới tài năng của Nguyễn Du. Điều này không chỉ góp phần thúc đẩy sự dung hợp văn hóa Trung Việt, nối kết mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, thể hiện nội hàm văn hóa sâu rộng, mà còn làm cho ngôn ngữ trong bản Nguyễn tinh luyện hơn, sâu sắc và ý vị hơn; nhờ đó thơ ca mới thực sự trở thành cái gọi hình thức mang ý vị, và mục đích điển nhã hóa ngôn ngữ thơ ca mới có thể thực hiện.

 

Nói tóm lại, trong quá trình cải biên bản Thanh, Nguyễn Du chủ yếu xoáy vào bốn điểm đã trình bày ở trên, có thể nói, bốn điểm này chính là nguyên nhân cơ bản cho sự chuyển biến của Kim Vân Kiều truyện, từ một tác phẩm mang đậm chất thông tục ở Trung Quốc trở thành một tác phẩm đỉnh cao của xu hướng điển nhã trong văn học Việt Nam.

 

Bản Nguyễn hiện nay đã trở thành tác phẩm kinh điển của văn học thế giới, được toàn thế giới công nhận, nhưng tác phẩm mà dựa vào để cải biên, tức Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân lại không chút danh tiếng trong lịch sử văn học thế giới, vậy bản Nguyễn đã làm thế nào để trở thành tác phẩm thuộc hàng kinh điển của văn học thế giới? Đây thực sự là vấn đề đáng để mọi người chiêm nghiệm. Học giả người Mỹ Harold Bloom trong cuốn The Western Canon: The Books and School of the Ages đã trình bày quan điểm của mình về tác phẩm kinh điển, theo ông, một tác phẩm kinh điển đồng thời phải mang tính cao thượng và tính tiêu biểu, nguyên nhân để một tác phẩm văn học trở thành một tác phẩm kinh điển là, tác phẩm nhất định phải “lạ, tức một kiểu sáng tạo không thể đồng hóa, hoặc một kiểu sáng tạo mà mọi người chúng ta đều thừa nhận và không còn xem là một trò dị đoan.( strangeness, a mode of originality that either cannot be assimilated, or that so assimilates us that we cease to see it as strange)”(49) Tính sáng tạo ở đây nhất khoát không thể thoát ly mảng văn học truyền thống, trường hợp ngược lại chính là sản phẩm của quá trình ngộ độc (đọc sai) hoặc ngộ thích (giải thích sai) một cách sáng tạo văn bản của tiền nhân, thế nên giữa tác phẩm kinh điển cùng văn bản thuộc mảng văn học truyền thống luôn tồn tại mối quan hệ liên văn bản. Tính cao thượng mà Harold Bloom đề cập chính chỉ một kiểu thị hiếu thẩm mỹ, thị hiếu này thường mang khuynh hướng điển nhã; còn tính tiêu biểu chính chỉ tính sáng tạo được thể hiện ra từ sự cạnh tranh giữa tác phẩm kinh điển và tác phẩm thuộc mảng văn học truyền thống. Ngoài ra, Harold Bloom trong The Western Canon: The Books and School of the Ages còn nêu ra một đặc tính khác của tác phẩm kinh điển, đó chính là tính siêu việt. Chúng ta đều biết, các tác phẩm kinh điển thường đề cập đến các vấn đề mang đặc tính hình nhi thượng như cái chết, sự cô độc hay vấn đề bản ngã… những đặc tính này đem đến cho kinh điển khả năng vượt ra ngoài sự hạn chế của không gian và thời gian, hướng tới giá trị vĩnh cửu và phổ biến. Kim Vân Kiều truyện của Nguyễn Du thông qua quá trình tiếp biến văn hóa Trung Quốc, bản thân tác phẩm là sự hội tụ của tính cao thượng, tính sáng tạo, tính siêu việt, những đặc tính mà theo quan điểm của Harold Bloom một tác phẩm văn học kinh điển cần có. Nhìn từ góc độ thẩm mỹ, so với tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân, tác phẩm của Nguyễn Du điển nhã hơn, cao thượng hơn; nhìn từ khía cạnh thể tài, ngôn ngữ hay sự chọn lựa giữ bỏ đối với nội dung tác phẩm, cho dù ở bất kỳ lĩnh vực nào tính sáng tạo đều được thể hiện cực rõ, ví dụ từ góc độ nội dung mượn câu chuyện của Thúy Kiều để dẫn dắt người đọc suy nghĩ về những vấn đề mang tính hình nhi thượng như tài và tình, hiếu và tình, yêu và chết, tín và trí, bản ngã và tha nhân….Nguyên nhân để một tác phẩm trở thành một tác phẩm văn học thuộc hàng kinh điển thế giới hết sức phức tạp, trong đó có nhân tố thuộc về tác giả, có nhân tố thuộc ngữ cảnh truyền bá hoặc thuộc về chất lượng bản thân của tác phẩm, muốn làm rõ, hiểu tường tận về nguyên nhân tại sao Kim Vân Kiều truyện của Nguyễn Du có thể trở thành tác phẩm văn học thuộc hàng kinh điển thế giới, chúng tôi cho rằng, chúng ta vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, thế nhưng việc thi nhân Việt Nam Nguyễn Du thông qua quá trình cải biên trên cơ sở bản Thanh của Trung Quốc, đồng thời khiến tác phẩm của mình đạt đến sự thành công cực cao, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân quan trọng để tác phẩm trở thành tác phẩm văn học kinh điển thế giới.

 

 

 

Tài liệu tham khảo:

 

[1] Hoàng Dật Cầu, Dịch hậu ký, in trong Kim Vân Kiều truyện (bản dịch Trung văn), Nguyễn Du soạn, Hoàng Dật Cầu dịch, Bắc Kinh, Nhân dân văn học xuất bản xã, 1959, tr.154.

 

[2] Trần Ích Nguyên, Bản dịch Hán văn của Kim Vân Kiều truyện Việt Nam, xem Trung Hoa văn hóa dữ thế giới Hán văn học luận văn tập, Đài Loan, 1998, tr.204.

 

[3] Lý Trí Trung, Hiệu hậu ký, in trong Kim Vân Kiều truyện, Thanh Tâm Tài Nhân biên thứ, Lý Trí Trung hiệu điểm, Thẩm Dương, Xuân Phong văn nghệ xuất bản xã, 1983, tr.229-231.

 

[4] Đổng Văn Thành, Trung Việt Kim Vân Kiều đích tỷ giảo, in trong Minh Thanh tiểu thuyết luận tùng, tập 4, tập 5, 06/1986, 09/1987.

 

[5] Trần Ích Nguyên, Bản dịch Hán văn của Kim Vân Kiều truyện Việt Nam, xem Trung Hoa văn hóa dữ thế giới Hán văn học luận văn tập, Đài Loan, 1998, tr.196.

 

[6] Trần Ích Nguyên, Bản dịch Hán văn của Kim Vân Kiều truyện Việt Nam, xem Trung Hoa văn hóa dữ thế giới Hán văn học luận văn tập, Đài Loan, 1998, tr.208.

 

[7] Tề Quảng Mưu, Luận về truyền thống văn học và giá trị nghệ thuật của tiểu thuyết chữ Nôm Việt Nam­­­­­­­­­­———Bàn luận thêm về thành tựu nghệ thuật của bản Kim Vân Kiều truyện của Nguyễn Du, Giải Phóng Quân Ngoại ngữ học viện học báo, 1997(06), tr.83-87.

 

[8] Lý Quần, Kim Vân Kiều truyện: Từ tiểu thuyết Trung Quốc đến tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam, in trong Quảng Tây Dân tộc học viện học báo, 06/2001, tr.231-234.

 

[9] Hà Minh Trí, Vi Mậu Bân, So sánh quá trình sáng tác hai bộ Kim Vân Kiều truyện, in trong Điện ảnh văn học, 02/2007, tr.53-55.

 

[10] Vi Hồng Bình, So sánh Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc và Việt Nam, in trong Đông Nam Á luận hoành, 03/2008, tr.75-79.

 

[11] Dương Hiểu Liên, Bàn về sự kế thừa và chủ đề tư tưởng của Kim Vân Kiều truyện, in trong Tứ Xuyên Sư phạm đại học học báo, kỳ 2, 1993.

 

[12] Vương Ngọc Linh, Vẻ đẹp nữ tính lý tưởng của Trung Quốc­——Sự khác biệt thẩm mỹ giữa hai dân tộc nhìn từ góc độ so sánh tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của hai nước Trung Việt, in trong Minh Thanh tiểu thuyết nghiên cứu, 2005, tr.235-243.

 

[13] Hà Minh Trí, Vi Mậu Bân, So sánh quá trình sáng tác hai bộ Kim Vân Kiều truyện, in trong Điện ảnh văn học, 02/2007, tr.53-55.

 

[14] Lữ Vĩnh, Ý nghĩa hiện thực và thành tựu nghệ thuật của hai tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của hai nước Trung Việt, in trong Đàm Giang đại học học báo, kỳ 5, 1997.

 

[15] Nguyễn Du soạn, Hoàng Dật Cầu dịch Trung văn, Kim Vân Kiều truyện, Bắc Kinh, Nhân dân văn học xuất bản xã, 1959, tr.1.

 

[16] Thanh Tâm Tài Nhân biên thứ, Lý Trí Trung hiệu điểm, Kim Vân Kiều truyện, Thẩm Dương, Xuân Phong văn nghệ xuất bản xã, 1983, tr.21.

 

[17] Nguyễn Du soạn, Hoàng Dật Cầu dịch Trung văn, Kim Vân Kiều truyện, Bắc Kinh, Nhân dân văn học xuất bản xã, 1959, tr.17.

 

[18] Thanh Tâm Tài Nhân biên thứ, Lý Trí Trung hiệu điểm, Kim Vân Kiều truyện, Thẩm Dương, Xuân Phong văn nghệ xuất bản xã, 1983, tr.24.

 

[19] Nguyễn Du soạn, Hoàng Dật Cầu dịch Trung văn, Kim Vân Kiều truyện, Bắc Kinh, Nhân dân văn học xuất bản xã, 1959, tr.22.

 

[16] Thanh Tâm Tài Nhân biên thứ, Lý Trí Trung hiệu điểm, Kim Vân Kiều truyện, Thẩm Dương, Xuân Phong văn nghệ xuất bản xã, 1983, tr.155.

 

[21] Nguyễn Du soạn, Hoàng Dật Cầu dịch Trung văn, Kim Vân Kiều truyện, Bắc Kinh, Nhân dân văn học xuất bản xã, 1959, tr.92.

 

[22] Thanh Tâm Tài Nhân biên thứ, Lý Trí Trung hiệu điểm, Kim Vân Kiều truyện, Thẩm Dương, Xuân Phong văn nghệ xuất bản xã, 1983, tr.6.

 

[23] Thanh Tâm Tài Nhân biên thứ, Lý Trí Trung hiệu điểm, Kim Vân Kiều truyện, Thẩm Dương, Xuân Phong văn nghệ xuất bản xã, 1983, tr.6.

 

[24] Nguyễn Du soạn, Hoàng Dật Cầu dịch Trung văn, Kim Vân Kiều truyện, Bắc Kinh, Nhân dân văn học xuất bản xã, 1959, tr.8.

 

[26] Nguyễn Du soạn, Hoàng Dật Cầu dịch Trung văn, Kim Vân Kiều truyện, Bắc Kinh, Nhân dân văn học xuất bản xã, 1959, tr.13.

 

[27] Nguyễn Du soạn, Hoàng Dật Cầu dịch Trung văn, Kim Vân Kiều truyện, Bắc Kinh, Nhân dân văn học xuất bản xã, 1959, tr.33-34.

 

[28] Nguyễn Du soạn, Hoàng Dật Cầu dịch Trung văn, Kim Vân Kiều truyện, Bắc Kinh, Nhân dân văn học xuất bản xã, 1959, tr.62.

 

[29] Nguyễn Du soạn, Hoàng Dật Cầu dịch Trung văn, Kim Vân Kiều truyện, Bắc Kinh, Nhân dân văn học xuất bản xã, 1959, tr.38.

 

[30] Nguyễn Du soạn, Hoàng Dật Cầu dịch Trung văn, Kim Vân Kiều truyện, Bắc Kinh, Nhân dân văn học xuất bản xã, 1959, tr.149.

 

[31] Nguyễn Du soạn, Hoàng Dật Cầu dịch Trung văn, Kim Vân Kiều truyện, Bắc Kinh, Nhân dân văn học xuất bản xã, 1959, tr.70.

 

[32] Nguyễn Du soạn, Hoàng Dật Cầu dịch Trung văn, Kim Vân Kiều truyện, Bắc Kinh, Nhân dân văn học xuất bản xã, 1959, tr.5.

 

[33] Nguyễn Du soạn, Hoàng Dật Cầu dịch Trung văn, Kim Vân Kiều truyện, Bắc Kinh, Nhân dân văn học xuất bản xã, 1959, tr.16.

 

[34] Nguyễn Du soạn, Hoàng Dật Cầu dịch Trung văn, Kim Vân Kiều truyện, Bắc Kinh, Nhân dân văn học xuất bản xã, 1959, tr.23.

 

[35] Nguyễn Du soạn, Hoàng Dật Cầu dịch Trung văn, Kim Vân Kiều truyện, Bắc Kinh, Nhân dân văn học xuất bản xã, 1959, tr.82.

 

[36] Nguyễn Du soạn, Hoàng Dật Cầu dịch Trung văn, Kim Vân Kiều truyện, Bắc Kinh, Nhân dân văn học xuất bản xã, 1959, tr.151.

 

[37] Nguyễn Du soạn, Hoàng Dật Cầu dịch Trung văn, Kim Vân Kiều truyện, Bắc Kinh, Nhân dân văn học xuất bản xã, 1959, tr.137.

 

[38] Nguyễn Du soạn, Hoàng Dật Cầu dịch Trung văn, Kim Vân Kiều truyện, Bắc Kinh, Nhân dân văn học xuất bản xã, 1959, tr.91.

 

[39] Nguyễn Du soạn, Hoàng Dật Cầu dịch Trung văn, Kim Vân Kiều truyện, Bắc Kinh, Nhân dân văn học xuất bản xã, 1959, tr.161.

 

[40] Nguyễn Du soạn, Hoàng Dật Cầu dịch Trung văn, Kim Vân Kiều truyện, Bắc Kinh, Nhân dân văn học xuất bản xã, 1959, tr.142-143.

 

[41] Kim Tính Nghiêu chú, Đường thi tam bách thủ tân chú, Thượng Hải cổ tịch, 1980, tr.279.

 

[42] Nguyễn Du soạn, Hoàng Dật Cầu dịch Trung văn, Kim Vân Kiều truyện, Bắc Kinh, Nhân dân văn học xuất bản xã, 1959, tr.55.

 

[43] Nguyễn Du soạn, Hoàng Dật Cầu dịch Trung văn, Kim Vân Kiều truyện, Bắc Kinh, Nhân dân văn học xuất bản xã, 1959, tr.150.

 

[44] Nguyễn Du soạn, Hoàng Dật Cầu dịch Trung văn, Kim Vân Kiều truyện, Bắc Kinh, Nhân dân văn học xuất bản xã, 1959, tr.13.

 

[45] Nguyễn Du soạn, Hoàng Dật Cầu dịch Trung văn, Kim Vân Kiều truyện, Bắc Kinh, Nhân dân văn học xuất bản xã, 1959, tr.21.

 

[46] Nguyễn Du soạn, Hoàng Dật Cầu dịch Trung văn, Kim Vân Kiều truyện, Bắc Kinh, Nhân dân văn học xuất bản xã, 1959, tr.29.

 

[47] Nguyễn Du soạn, Hoàng Dật Cầu dịch Trung văn, Kim Vân Kiều truyện, Bắc Kinh, Nhân dân văn học xuất bản xã, 1959, tr.147.

 

[48] Harold Bloom, The Western Canon: The Books and School of the Ages, Harcourt Brace & Company, 1994, page 3.

 

[49] Harold Bloom, Giang Ninh Khang dịch, Kinh điển phương Tây, Nam Kinh, Dịch Lâm xuất bản xã, 2005, tr.2.

 

 

 

论越南《金云翘传》对中国文化的改写

王小林

(湖南师范大学 文学院,湖南 长沙 410081)

 

关键词:《金云翘传》 跨文化改写 文学经典

 

摘  要:越南《金云翘传》对中国明清小说《金云翘传》作了跨文化改写,通过这一跨文化改写,作者将一部具有明显的俗文化倾向的中国明清才子佳人小说演化为一首具有雅文化倾向的越南长篇叙事诗,这一提升文化品位的跨文化改写是越南《金云翘传》成为举世注目的世界文学经典的重要原因之一。

On rewriting chinese culture of Vietnamese version of Romance of Jin Yun Qiao

                             Wang Xio-lin

(College of liberal arts,Hunan normal university, Changsha, Hunan 410081)

Key words: Romance of Jin Yun Qiao  cross-culture rewriting  literary classics

 

Abstract: Vietnamese version of Romance of Jin Yun Qiao, a long narrative poem, rewrited Chinese version of Romance of Jin Yun Qiao,a novel about gifty scholars & elegant lady in Ming and Qing dynasties, as a result of this cross-culture rewriting, the former is more elegant than the later, and the cultural taste of the former is improved, we can deduce from the conclusion above that this cross-culture rewriting is an important reason why the former become one of celebrated world literary classics.

 

 

 

20世纪50年代,中国青心才人编次的小说《金云翘传》(后文简称青本)与越南阮攸的长诗《金云翘传》(后文简称阮本)之间的关联就开始为学界所关注,此后,随着比较文学在中国大陆的兴起,青传与阮传之关联作为比较文学的一个话题得到了学界越来越深入的探讨,纵观20世纪80年代以来有关这一论题的研究文献,主要涉及两个方面的问题:

 

其一,如何评价这两部作品?有关这一问题,学界存在两种截然相反的观点,一种认为阮本作为摹本无论在思想内容上还是在艺术形式上均不及其作为原本的青传。另一种则认为阮本优于青本,此观点已逐渐20世纪90年代以后的研究者所认同。

 

其二,比较阮本与青本的异同。迄今为至,学界已对阮本与青本作了十分全面的比较分析,从作者、世界(时代背景)到作品(题材、主题、人物形象、文体、结构)、读者都不同程度地有所涉及。

 

显然,阮传是越南诗人阮攸通过改写中国明清才子佳人小说青传而产生的,青传对阮传的影响不言而喻,将二者进行比较,厘清二者的同与异、高与下是顺理成章的问题,因此,这些研究文献对深入认识这两部作品无疑有深远的意义,也是将有关这两部作品的研究推向纵深的前提条件。但更让人感兴趣的问题是:阮传如何通过对青传的跨文化改写成为世界文学经典?通过这一跨文化改写,阮传在哪些层面超越了青传这一为中国文学史所湮没、甚至鲁迅的《中国小说史略》也未提及的才子佳人小说?这是笔者在本文中拟尝试探讨的问题。

 

    

 

首先,阮本对青本中翠翘形象的改写重在使翠翘形象更理想化。

 

将阮本与青本作一比较,阮本中的翠翘形象比青本中的更为理想化,这种理想化表现在才艺、性格等层面。

 

先看才艺,阮本承袭青本也把翠翘塑造成一名才女,甚至比青本更着意突出其诗才和琴技。阮本开篇即点明主旨:“人生不满百,才命两相妨。”[1]才女命薄构成长诗咏唱的核心。读罢长诗,翠翘那文思泉涌的诗才和令人叫绝的琴技无不给人留下了深刻的印象。

 

有论者认为青本翠翘形象偏才,阮本翠翘形象偏女。[2]这与阮本中改写的翠翘形象不符,实际上,阮本中的翠翘形象在才这方面比青本更突出,阮攸欲将此形象理想化,必然加强翠翘作为才女的特征,证之阮本文本更能清楚地看到这一点。如翠翘与金重越墙相会和私订终身一节,青本写到翠翘为金重书房中的山居图和小阳春图题诗,金生称赞:“写作俱工,不减卫夫人。何物天工,产此异品,真令小生爱死乐死也。”“一字一珠,虽十五座连城不易也。而寄情深远,更得画工未到之意,可谓愈出愈奇矣。”[3]阮本将此两幅图改写为孤松画幅,写道:“笔落惊风雨,/片刻间,翠翘已把四绝填上。/金重惊叹:‘咳唾生珠玉,/班昭谢女,未遑多让。’”[4]两相比较,阮本中翠翘的诗才似比青本中翠翘的诗才更胜一筹,因为从翠翘题诗的气势和金生的赞颂看,阮本似胜过青本。值得注意的是,阮攸在改写青本时,略去翠翘所写之诗歌文本,他的这一改写策略不仅没有减少翠翘作为才女的分量,而且还给读者留下无穷的想象空间;而青本则把翘所写之诗列出,人们证之以具体诗作,如果诗作一般,就会对翘之才华的印象大打折扣。

 

阮本中翠翘的琴技比青本也有所拔高,以翠翘私订终身一节她为金生弹琴为例,与青本描写相比,阮攸在改写时增加了翠翘弹奏的曲目,在篇幅上也超越了青本,这显示了阮攸着力突出翠翘的琴艺以使翠翘这一形象更理想化的意图,说明阮本中的翠翘形象较之青本中的更偏才,而非偏女。

 

再看性格,为了使翠翘这一形象更为理想化,阮攸除了突出翠翘的才女特征之外,他还在青本的基础上,对翠翘形象的性格作了改写,强化了翠翘的单纯和情感,弱化其心计和欲望。如在翠翘与觉缘师傅一节,阮本说翠翘于三更从束生家的观音阁逃走时,身藏几件束生家的金钟、银磬,投奔招隐庵的觉缘师傅,因一施主来访发觉这些法器与束家的相象,觉缘怕招来灾祸,于是让她离开招隐庵。这里阮本为强化翠翘之单纯,隐去了青本中表现翠翘心计的一个细节:翠翘为应对束家来查而给觉缘出的一个主意:要觉缘别打一套钟、磬,沾上金箔、银箔,依旧供于房中,若查就说是照样打的,非实物。[5]本来,翠翘每每上当,前面曾因逃出樊笼心切落入秀婆与楚卿共设的圈套,后面有因忠孝观念中胡宗宪假招安之奸计,导致徐海身死,这些足以说明翠翘之单纯,阮本隐去表现她心计的细节,更符合她的性格逻辑。此外,与青本相较,阮本突出了翠翘的性格中的浓郁的人情味,如翠翘遇徐海一节,翘遇徐托终生,徐赎翘出青楼,再迎归为皇后,并为翘报恩复仇。青本言翠翘因束生为其妻宦氏说情,免宦氏死罪,但将她吊打100交束生领去;阮本将此节作了改写,由于束生为其妻宦氏说情,翠翘有感束生对她情重,将宦氏当场赦免。这一改写不仅体现了翠翘的重情重义,而且显示了翠翘的宽大胸怀,从而提升了翠翘形象的品质,使其更为理想化。

 

在翠翘的情感方面,阮本比青本都着力展现翠翘的丰富缠绵的情感世界,二者区别在于青本中还有一些展现翠翘情欲的细节,这些细节在阮本中尽皆隐去。如翠翘陷入秀婆和楚卿的奸计一节,阮本隐去了青本中骗子楚卿向翠翘求欢、翠翘委身楚卿和秀婆所传的勾引心传房内功夫的具体细节及翠翘的认同态度。再如翘别束生让他回无锡看望妻子宦姐一节,阮本隐去了他们离别前夕的云雨缠绵之细节。情乃上品,欲属下流,对情欲的书写向来被人们视为迎合市井趣味之证据,从而使作品往俗的方向发展,青本这种倾向比较明显;阮本隐去青本中的情欲书写专注于情感,使作品倾向于雅,提升了作品的格调和品位。

 

其次,阮本对青本中金翘爱情的改写使金翘爱情理想化,从而把这种爱情提升到了典雅爱情的高度。

 

如扫墓一节,青本特意点明金重只身一人有意跟踪翠翘一行至淡仙墓。阮本则并未说金重是有意跟踪翠翘一行,而是说他们邂逅相逢,巧遇妖娆,一见钟情。金生与二翠相见后,青本写道:“金生神为色夺,暗暗销魂道:‘这相思索害也。’又暗暗立誓道:‘我不得二女为妻,终身不娶矣。’”[6]从金生有意跟踪到他为色所迷并发誓要娶二翠,他那好色的本来面目昭然,这显然有碍爱情的典雅品质,因此,在阮本中这一内容被隐去。翠翘一行踏青归来后,青本有翠翘、翠云姐妹议论金重的对话,对话中翠云认为金生非来吊淡仙,是来看两乔(即翠翘、翠云两姐妹),猜中金的意图,翠翘也赞同这一猜测。阮本则隐去这一对话,只写翠翘钟情和爱恋,“夕阳下,撩起愁思无限,/征骑已远,还偷眼送他归程。”[7]还写了她于月夜秀阁中的相思心理,同时特别重视环境宣染。将阮本与青本作一比较,青本中的翠翘有更多理性的成分,而阮本中的翠翘则情感意味更浓,活脱脱一怀春的纯情少女形象。

 

在拾钗还钗一节,阮本对金翘邂逅后的相思作了详细描述,青本则叙述金如何相办法见到二翠,至于他的相思只作略叙;阮本言金在翘家外徘徊时偶然发现揽翠园,青本则言寻找揽翠园为金之一计而非偶然发现。拾钗还钗并互赠定情物,二本似,无显著不同,只是阮本多直诉衷肠,喁喁情话,曲曲折折;青本则交待了金的拾钗苦心并相约钉盟。两相比较,青本中的金重有轻薄儿费尽心机寻花问柳的倾向,这大大降低了金翘爱情之品位;阮本则加强了金重的情感倾向,相思绵绵,愁苦肠断,日日痴望东墙,租揽翠园只是出于偶然,与心计无关,这无疑使他们的爱情理想化,变得典雅起来。

 

在会情郎一节,青本言翘于亲人外出时托病,后收拾佳肴美酒以会情郎;阮本则言留翘一人守闺,正好安排时珍佳果趁机会情郎。两相比较,青本突出了翠翘为情生计,为私情而欺骗家人,这显然不利于翠翘形象的理想化;阮本改写了这一细节,将翘托病留家改为家人让她留下守闺,去掉了她欺骗家人这一瑕疵,从而使金翘爱情更为完美。

 

在翠翘家父遭诬与她救父弟一节,青本把翘父案结案全过程交待得十分详尽,突出了翠翘孝在情先的理性精神;阮本则突出了翘对金的至死不渝的爱情,阮本云:“有一日,你也许——/香炉坐对,琴谱重调。/望门外,芳林绿草间,/风动处,将是我的鬼魂归来。”[8]两相对照,阮本详写父女情和金翘情,这主要表现为翘的心理活动,这一心理活动突出了孝与情的矛盾,其他则非常简略,一笔带过,重点在情;青本则重点在事,将翘父案的始末交待得脉络分明,其中翠翘形象也具有更多的理性色彩,她在权衡利弊方面(牺牲她一个以救全家)、在让其父在所立婚书上签字画押方面(一计未成又生一计环环紧扣)都表现了强烈的理性倾向。

 

再次,阮本改写了中国社会文化的重智维度使其趣味趋于雅正。

 

阮本对中国社会文化重智维度的改写体现在它隐去了青本中叙写当时中国社会具体运作状况的细节。如在翠翘之父遭诬一节,青本详写了终公差如何使银子摆平了官府、响马、刑房、公人各方,弄得一纸清白文书结案,阮本只交待钟姓老吏(即终公差)索银三百作结案罚金,余皆略去。在翘遇束生从良一节,青本详述束生如何与黑社会一大佬卫华阳及帮闲步宾定计,扬言状告秀婆陷烈为娼、马龟买良为贱,让秀婆恐惧,主动前去卫华阳处私了,最后逼近秀婆以马龟买翠翘的原价让束生为翘赎身。阮本只说秀婆在与束生的较量中棋输一着许翘从良,余皆隐去;在徐海因招安被杀一节,青本详细叙述了官军表面招安,答应徐海提出的各项条件,送厚礼迷惑对方,派奸细监视对方,名为招安,实为捕杀,总之交待了官军设置圈套的过程和全部细节。阮本只写了徐海欲杀劝降者华仁,翘救之,后听从翘之主张归降,最后中胡宗宪圈套致徐海被杀,其中翘以忠孝之义劝徐海归顺朝廷部分写得十分详细,其余皆十分简略,值得注意的是阮本批评翘心肠太软,说明作者阮攸是不赞同翠翘的那种忠义思想的。

 

从上面几个事例可见,在涉及中国社会运作的具体方式时,阮本在青本的基础上作了较大的改写,阮本隐去了青本中叙写当时中国社会具体运作状况的细节,而这些细节体现了中国社会文化的一个突出特征,即非常强调智谋,这属于中国文化中以《孙子兵法》和《三国志》为代表的重智维度,青本作者对中国文化的这一维度是持欣赏态度的,因此他在作品中对其作了详尽的叙写,津津乐道,迎合了中国市井的趣味,有俗的倾向;阮本则对其予以忽略,说明作者阮攸对中国文化的这一维度不认同,因为它不利于法律公正、社会诚信的构建,不利于作品趣味的雅化。

 

最后,在语言层面阮本对青本的改写体现在中越两国文化的融会和语言的典雅化。

 

青本是一部中国传统的散韵结合的才子佳人小说,阮本以青本内容为据,将其改写为诗体小说,即越南的韵文诗“六八体”,其中在诗句中织进了越南民族化的语言表达方式,如第六卷:“杯沿蚂蚁,爬行得多远。”[9]即一越南谚语。“六八体”和越南民族化的语言都体现了越南民族文化的色彩,然而在作品的语言层面汉文化色彩更为突出,作者阮攸从汉文化中吸收大量的诗词、典故,将其引用或化用于“六八体”诗句中。

 

先看阮本中化用的中国诗词,诗人阮攸对中国的唐诗和《诗经》有较为深入的了解,阮本中较为明显地化用《诗经》中诗句的有五处,较明显地化用唐诗的地方有三处,如:“蒙昧中也分不出草丛沙路,/鸡声茅店月,人迹板桥霜。”[10]一节化用了中国唐末诗人温庭筠诗句,“‘字喃本’作‘鸡声店月,人迹桥霜’,省略了原句两字。”[11]

 

再看阮本中化用的中国典故,诗人阮攸熟悉大量的中国典籍,能够在诗中信手拈来,足见其汉文化功底深厚。根据黄轶球先生为其翻译的《金云翘传》所作的注释,阮本所用的中国典故涉及《太平广记》、《汉武帝外传》、《韩非子》等几十种中国典籍或作品,诗中出自汉文化的典故随处可见,不仅数量众多,而且用得十分贴切,有的典故在诗中还反复使用,如蓝桥艳遇一典,诗中就有三处用到,蓝桥是一中国典故,即“裴航遇云英于蓝桥驿的故事。唐朝裴航秀才,游鄂渚,佣舟还都。同载有樊夫人(名云翘,刘纲妻),因相识。得她的帮助,经过许多困难,最后在蓝桥驿和她的妹妹云英成亲。典故出自唐小说‘裴航’”。[12]阮本大量化用中国典故,大大拓展了诗歌的文化容量,使诗作抹上浓郁的中国文化色彩。

 

阮本在改写青本时,借助于化用中国诗词和典故,将其纳入具有越南民族文化色彩的“六八体”,并与越南

 

Thông tin truy cập

63696929
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
17221
23426
63696929

Thành viên trực tuyến

Đang có 194 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website