Loạn chuẩn chính tả: Rất cần Luật Ngôn ngữ

Các nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà giáo cùng thống nhất quan điểm: Tiếng Việt phải được luật hóa

NHÀ VĂN HÓA NGUYÊN NGỌC:

Phải có cách viết thống nhất

Cần có chuẩn chính tả thống nhất cho cả nước để duy trì được sự vận hành thông suốt của cuộc sống bình thường trong đất nước. Đấy là chức năng xã hội của chính tả.

Cần có chuẩn chính tả thống nhất cho cả nước để duy trì được sự vận hành thông suốt của cuộc sống bình thường trong đất nước. Đấy là chức năng xã hội của chính tả.

Cái tự nhiên là cái “trời sinh”, rất nhiều khi không thể khắc phục được và cũng không nhất thiết phải khắc phục. Bắt một người miền Tây Nam Bộ hay một người xứ Quảng miền Trung phát âm đúng hỏi, ngã là không thể, cũng không cần. Bắt một người miền Bắc không được nói “Giời ơi”… là không thể, cũng không cần. Nhưng khắc phục sự khác nhau trong phát âm để cả nước hiểu nhau thì phải viết giống nhau, tức chính tả.

Nếu ta đồng ý cần có một cách viết thống nhất tiếng Việt, được coi là chính tả thì tất phải cùng nhau chấp nhận quy ước về một lựa chọn chuẩn được coi là tương đối hợp lý nhất và những điều chỉnh cũng được chấp nhận chung.

Đã đến lúc Nhà nước cần có một quy định chính thức về chính tả tiếng Việt thống nhất, có tính bắt buộc, có thể đó là một luật về chính tả tiếng Việt.

 

TS HUỲNH THỊ HỒNG HẠNH,

KHOA VĂN HỌC VÀ NGÔN NGỮ - TRƯỜNG ĐH KHXH&NV TPHCM:

Bất tiện vì thiếu chuẩn

Cá nhân tôi không nghĩ rằng sự lộn xộn về chính tả có liên quan đến trường học và truyền thông. Định chuẩn là công việc của các cơ quan Nhà nước hữu quan; nhà trường và truyền thông chỉ có vai trò giảng dạy và phổ biến chuẩn chính tả đến với học sinh và với toàn xã hội.

Với vai trò là người giảng dạy tiếng Việt, tôi thấy để khắc phục tình trạng “loạn chuẩn” hiện nay, Nhà nước cần nhanh chóng thành lập một ban có nhiệm vụ xây dựng chuẩn chính tả khoa học và thống nhất để trình lên Quốc hội, để từ đó trước hết ban hành Pháp lệnh về chính tả, sau đó tiến tới ban hành Luật Ngôn ngữ.

Hiện nay, trong giảng dạy chính tả, người dạy đứng trước nhiều quan niệm khác nhau liên quan đến cách viết hoa, viết tên riêng nước ngoài… Việc buộc phải lý giải kèm theo rất nhiều sự biện minh khiến công việc giảng dạy mất nhiều thời giờ và dễ gây ấn tượng là thiếu khoa học. Xây dựng chuẩn chính tả thống nhất giúp tiết kiệm  thời gian, công sức của người dạy và người học; tránh những tranh luận không đáng có; thể hiện tính nghiêm túc, khoa học của vấn đề; góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

 

GS-TS NGUYỄN MINH THUYẾT, NGUYÊN PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC, THANH NIÊN, THIẾU NIÊN VÀ NHI ĐỒNG CỦA QUỐC HỘI:

Trước mắt, cần có pháp lệnh

Chính phủ cần sớm ban hành quyết định chính thức về bảng chữ cái tiếng Việt và tiếng các dân tộc đã có chữ viết, về một số quy tắc chính tả còn thiếu hoặc chưa thống nhất. Có thể giao cho Viện Khoa học Xã hội Việt Nam chủ trì xuất bản hằng tháng một tài liệu hướng dẫn cách phiên âm các tên riêng nước ngoài mới xuất hiện để thống nhất sử dụng trong phạm vi toàn quốc.

Để thực hiện đầy đủ chức năng quản lý Nhà nước, Chính phủ cần giao cho một cơ quan cấp bộ phụ trách về vấn đề ngôn ngữ và chữ viết. Thích hợp nhất là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Nhằm tạo cơ sở lâu dài cho công tác quản lý Nhà nước và sự phát triển của ngôn ngữ dân tộc, Quốc hội cần ban hành một văn bản quy phạm pháp luật về ngôn ngữ và chữ viết, hình thức phù hợp nhất hiện nay là pháp lệnh.

Tổ chức phù hợp nhất đứng ra kiến nghị Quốc hội ban hành pháp lệnh này là Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA). Nếu được Quốc hội chấp nhận, VUSTA sẽ thành lập một ban soạn thảo và tổ biên tập giúp việc ban soạn thảo gồm các nhà chuyên môn về luật học và ngôn ngữ học để soạn thảo dự án pháp lệnh trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

 

GS-TS NGUYỄN VĂN HIỆP, VIỆN TRƯỞNG VIỆN NGÔN NGỮ HỌC:

Giữ nguyên bảng chữ cái

Có ý kiến đề xuất đưa thêm 4 chữ f, j, w, z vào bảng chữ cái tiếng Việt. Theo tôi là không nên vì một số lý do.

Một là, trước nay không có 4 chữ này, bảng chữ cái của chúng ta với 29 chữ đơn và 10 chữ ghép vẫn được sử dụng bình thường. Người dân cũng như giới học thuật không gặp trở ngại lớn nào trong việc phát âm, viết chữ; không ảnh hưởng gì đến giao tiếp xã hội và ứng dụng công nghệ thông tin.

Hai là, nếu đưa thêm vào là làm ngược với trào lưu cải cách giáo dục. Chúng ta đang nỗ lực giảm tải cho học sinh. Đưa thêm 4 chữ này vào bảng chữ cái là chất thêm gánh nặng lên vai các em, khó có thể chấp nhận.

Viện Ngôn ngữ học được giao tập hợp ý kiến các nhà nghiên cứu để đóng góp cho dự án Luật Ngôn ngữ trong tương lai. Quan điểm của viện là giữ nguyên bảng chữ cái hiện nay.

 

Những vấn đề cần phải thống nhất

- Thêm 4 chữ cái f, j, w, z vào bảng chữ cái tiếng Việt có cần thiết hay không.

- Có nên thay ph bằng f, gi bằng z; bỏ h trong gh và ngh; dùng đến 3 con chữ c, k, q để ghi âm /k/ có cần thiết không…

- Cần quy định lại cách viết i/y, hay theo quy định của Bộ GD-ĐT từ năm 1980.

- Dấu thanh đặt trên/dưới nguyên âm làm âm chính của âm tiết hay đặt trên/dưới âm đệm (trong một số trường hợp).

- Quy định viết hoa tên các cơ quan, tổ chức thế nào.

- Cần hay không cần phiên âm tiếng nước ngoài.

DƯƠNG QUANG ghi
http://nld.com.vn/2012122510354912p0c1042/loan-chuan-chinh-ta-rat-can-luat-ngon-ngu.htm 

 

Thông tin truy cập

63714912
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
13006
22198
63714912

Thành viên trực tuyến

Đang có 1278 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website