Loạn chuẩn tiếng Việt

Những vấn đề thiếu nhất quán trong tiếng Việt đang được giới nghiên cứu Việt ngữ học mổ xẻ để tìm tiếng nói thống nhất, hướng đến một chuẩn chính tả chung cho cả nước, phục vụ dự án Luật Ngôn ngữ hiện chuẩn bị được soạn thảo. Bất quy tắc i/y từ 100 năm trước. Văn bản tiếng Việt từ khoảng 100 năm qua tồn tại nhiều điểm thiếu nhất quán, trong đó có “tranh chấp” giữa i (ngắn) và y (dài), d và gi. Sử dụng i hay y khi 2 chữ này đứng liền sau các phụ âm [h], [k], [l], [m], [t], [s], [v] gây tranh luận nhiều hơn cả vì…sự lộn xộn nổi cộm của nó...

Chúng tôi đã thực hiện một số khảo sát để làm bằng chứng cho vấn đề trên.

Trang bìa tờ Gia Định báo, số ra ngày 23-9-1890, trong bản tin có tiêu đề “Đông Dương nhứt thống” có đoạn viết: “Ông Pigneau, là lương y hạng nhì, bây giờ cử làm thơ ký hội lương y, thế cho ông Depasse, lãnh lên lương y hạng nhứt trong ti lương y quản hạt…”. Bản tin này có từ “ti” (đơn vị hành chính tương đương cấp sở bây giờ) được viết với “i”; thơ (thư) ký thì viết với “y”. Ở đây không có cơ sở nào để giải thích vì sao trong “ti” là “i”, còn “ký” thì “y”, trong khi “i” và “y” đều đứng liền sau hai phụ âm mở là [t] và [k]. Đây đều là 2 phụ âm tắc, vô thanh, không bật hơi, tức là không có ràng buộc nào về mặt cấu âm cả!

Trên trang bìa tờ Nông-Cổ Mín-Đàm số ra ngày 25-4-1904, trong bài “Lập thương cuộc” (ảnh) có đoạn viết: “Những điều kình địch thưa nài, hoặc người hùn với người hùn, hay người hùn với người thuộc ti Quản đốc về việc buôn bán, trong lúc Công-ti còn đang làm, hay là đang lúc chia Công-ti, thì phải đến trước tòa Saigon…”.

Các chữ “ti” (sở) và “công ti” được dùng với “i”.

Về sau, cách viết “ti” (như trong “ti Quản đốc”) và “công ti” không còn (i được sớm thay bằng y). Vậy là việc sử dụng i, y không theo nguyên tắc nào.

Bây giờ vẫn mỗi nơi một kiểu

Sau năm 1975, tình hình cũng gần như vậy. Với những âm tiết có chữ viết nguyên âm [i] ở cuối, người viết sử dụng hai con chữ i và y tùy thích. GS-TS Trần Trí Dõi, Khoa Ngôn ngữ Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, cho biết: “Giai đoạn ấy, ở âm tiết “tý” trong tổ hợp “tuổi tý”, chữ viết nguyên âm [i] là y; còn ở âm tiết “tí” trong tổ hợp “có tí tuổi”, chữ viết nguyên âm [i] là i. Vì vậy, trong các tổ hợp “hy vọng”, “lý luận”, “đố kỵ”, “sỹ phu”…, chữ viết nguyên âm [i] thường dùng là y; trong khi ở những tổ hợp “hí hoáy”, “kì kèo”, “lí nhí”, “mua sỉ”…, chữ viết nguyên âm [i] thường dùng là i”. Cách sử dụng này cũng hoàn toàn võ đoán.

Đến cuối năm 1980, tình hình có chút thay đổi. Ngày 30-11-1980, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Võ Thuần Nho và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam Phạm Huy Thông cùng ký ban hành văn bản “Một số quy định về chính tả trong sách giáo khoa cải cách giáo dục”, yêu cầu: “Viết các âm tiết tiếng Việt theo đúng cách viết chính tả hiện hành (về cơ bản là theo Từ điển chính tả phổ thông). Riêng trường hợp các âm tiết có nguyên âm [i] ở cuối thì viết thống nhất bằng i, trừ uy, như duy, tuy, quy...; ví dụ: kì dị, lí trí, mĩ vị. Chú ý: i hoặc y đứng một mình hoặc đứng đầu âm tiết vẫn viết theo thói quen cũ, thí dụ: ý nghĩa, y tế, ỉ eo, im, yêu”.

Bốn năm sau, Bộ Giáo dục ban hành Quyết định 241/QĐ (ngày 5-3-1984) “Quy định về chính tả tiếng Việt và về thuật ngữ tiếng Việt” áp dụng cho sách giáo khoa, báo và văn bản của ngành giáo dục. Quy định này chủ yếu là khẳng định lại văn bản “Một số quy định về chính tả trong sách giáo khoa cải cách giáo dục”. Tuy nhiên, từ đây trở đi, i và y được sử dụng “tá lả”, ngay cả trong các văn bản hành chính Nhà nước. Điều đó thể hiện sự bất cập trong quy định của Bộ Giáo dục. GS-TS Nguyễn Đức Dân, Trường ĐH KHXH&NV TPHCM, cho rằng: “Theo quy định của bộ thì “nước Mỹ” phải viết là “nước Mĩ”. Nhưng thực tế, chẳng mấy ai viết “nước Mĩ” cả!”.

Hiện nay, các phương tiện truyền thông cũng sử dụng i và y lộn xộn. Ví dụ: Một bản tin của Dân trí Điện tử ngày 12-3-2012 (ảnh) trên tiêu đề viết là “hy vọng” nhưng ở nội dung bên dưới viết là “hi vọng” (?!).
Tình trạng sai chính tả tiếng Việt đang diễn ra phổ biến, trầm kha. Trong ảnh: Các bảng hiệu sai chính tả tại TPHCM và TP Cần Thơ. Ảnh: Quốc Thắng - Ca Linh

Giải pháp nào?

Từ chỗ tranh luận bất phân hàng chục năm trời, gần đây, hầu hết các nhà nghiên cứu đã đạt đến sự thống nhất cơ bản về i và y trong một số trường hợp, nhất là đứng liền sau các phụ âm [h], [k], [l], [m], [t], [s], [v], như sau:

- i cho các từ thuần Việt (ví dụ: năn nỉ, sân si, rên rỉ…).

- y cho các từ Hán - Việt (ví dụ: quy định, quản lý, kỹ thuật…).

Nhưng đối với nhóm từ có yếu tố “sĩ”, như thi sĩ, văn sĩ, chiến sĩ, bác sĩ, tiến sĩ… - đều là từ Hán - Việt song lâu nay tỉ lệ người viết “sĩ” và “sỹ” ngang ngửa nhau - thì sao? TS Trần Thị Quỳnh Thuận, Khoa Văn học và Ngôn ngữ Trường ĐH KHXH&NV TPHCM, đề xuất: “Đây là những từ thuộc loại quen dùng, nên chấp nhận cả hai”.

Đối với nhóm âm tiết có âm đệm [u] thì [i] luôn viết là y, riêng trường hợp qu+[i] hiện chỉ còn sót lại 2 cách viết “qui” và “quy”, cần xem đây là ngoại lệ.

Tất nhiên, trong các trường hợp vì lý do thẩm mỹ và cá nhân (như đặt tên riêng), việc sử dụng i hay y là tùy nghi.

Quy định một đằng, làm một nẻo

Ngay cả Bộ GD-ĐT cũng bất nhất với quy định của chính mình. Chẳng hạn, Thông tư 53/2012/TT-BGDĐT (ban hành ngày 20-12-2012) của bộ “Quy định về tổ chức hoạt động, sử dụng thư điện tử và cổng thông tin điện tử…” có chỗ viết: “Tên miền của cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục là tên đăng ký sở hữu của cơ sở đó…”. Theo quy định của bộ thì đúng ra “lý” phải viết thành “lí” và “ký” thành “kí”. Tương tự là câu “thông tin trên các trang web được truyền tải bằng kỹ thuật đa phương tiện…”, “kỹ” lẽ ra phải viết là “kĩ”! 

 
Nguồn: http://nld.com.vn/20121223111952604p0c1002/loan-chuan-tieng-viet.htm 

 

Thông tin truy cập

62832493
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
13438
13618
62832493

Thành viên trực tuyến

Đang có 526 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website