Một ít tư liệu về Nhiêu Tâm nhà thơ trào phúng đất Nam Kỳ thời cận đại

Tạp chí Xưa & Nay số 426, tháng 4-2013

Nhà thơ Nhiêu Tâm (1840-1911), tên thật là Đỗ Thanh Tâm, sau đổi là Như Tâm, Minh Tâm, hiệu là Minh Giám. Ông có chân Nhiêu học (một chân của nhà Nguyễn đặt ra, được cấp lương cho học tại trường quan đốc học ở các tỉnh Nam Kỳ) nên người ta thường gọi là Nhiêu Tâm. Không có tài liệu nào nói về quê quán của ông, chỉ biết ông đến sống ở làng Sơn Đông (nay thuộc xã Thanh Đức, huyện Long Hồ), tỉnh Vĩnh Long làm nghề dạy học, bốc thuốc chữa bệnh và mất ở đó. Ông học giỏi nhưng không đỗ đạt. Nhiêu Tâm được đồng bào Nam Kỳ kính trọng không chỉ vì có tài làm thơ mà còn ở nhân cách cao quý, lối sống thanh bần, trong sạch. Nhiêu Tâm là nhà thơ trào phúng được nhiều người biết đến bên cạnh các nhà thơ cùng thời như Tú Xương, Nguyễn Khuyến, Học Lạc.

Sáng tác của Nhiêu Tâm phần nào đã vượt ra khỏi ranh giới của địa phương Vĩnh Long đến với công chúng Nam Kỳ. Nhiều tác phẩm không chỉ được đại chúng yêu thích mà cả giới trí thức cao cấp tiếp nhận như mẫu mực của thể loại thơ trào phúng. Bài thơ vịnh Kiều từ lâu đã nổi tiếng trong thi giới miền Nam:

Sắc tài có một đỉnh đình đinh,

Khắp cả giang san tiếng nổi phình.

Duyên chị mà em theo lẽo đẽo,

Nợ chàng rồi thiếp sạch sành sanh.

Ra đi đầu đội muôn phần hiếu,

Trở lại vai mang một chéo tình.

Vượt qua tính chất nói sự, tiếng thơ Nhiêu Tâm không chỉ mang sắc thái trào phúng mà còn có ý vị thâm trầm của tâm hồn đa cảm, cảm thông với phận đời, tình người trên hành trình cuộc đời ông gặp. Chẳng hạn như bài thơ Đêm nằm mơ tưởng tưởng mơ, chiêm bao thấy bậu dậy rờ chiếu không:

Mối tình ai để rối như tơ,

Tỉnh giấc chiêm bao trỗi dậy rờ.

Hiệp mặt còn mơ đào thơ thớ,

Xảng tay hồi tỉnh lúc trơ trơ.

Ngỡ là hương lửa đang nhen nhúm;

Hay nỗi trăng hoa khéo phỉnh phờ,

Chớp nhoáng bóng loan vừa nháy mắt,

Trêu ngươi cắc cớ hỡi ông tơ?...

Mức độ phổ biến, sự “dân gian hoá” của thơ Nhiêu Tâm tương đối cao có lẽ bởi các bài thơ ông làm thường gắn với những con người, sự việc cụ thể nơi ông sống và trở thành những giai thoại. Những bài thơ như Thơ xỏ thầy đồ, Cô gái bán cau, Đùa ông huyện Thiềng, Làm thơ cho một bà vợ bé tỏ tình cùng ông huyện… đều gắn với những nhân vật có thật ngoài đời, do vậy thường có những đặc tính phổ quát và dễ được đại chúng chấp nhận, truyền tụng. Ví như nhà thơ có người bạn là bá hộ Nọn. Ông Nọn giàu có, muốn năng đi lại nhưng nhà thơ vốn tính tình khẳng khái nên thường lánh mặt. Một hôm tình cờ ông Nọn gặp nhà thơ. Hai người mừng rỡ, nhân ông Nọn hỏi về đời sống, nhà thơ ứng khẩu đọc bài thơ:

Thấy anh tôi nghĩ lại tôi buồn,

Tôi khó anh giàu đã quá muôn.

Anh vậy tôi vầy trời khiến vậy,

Chúc cho con cháu vậy luôn luôn.

Nếu không hiểu văn hoá và ngôn ngữ miền Nam, khi đọc bài thơ, chúng ta không có cảm giác châm biếm sâu cay, chỉ thấy sự than thân trách phận của nhà thơ, thậm chí lại mong cho con cháu mình cũng sẽ nghèo như mình. Luận về bốn câu thơ này, nhà nghiên cứu Thái Bạch cho rằng: “Phải chúng ta là người địa phương, là người sinh trưởng hoặc sống lâu với đời sống của miền Nam mới thấy được cái hay, và cái trào phúng chua cay ở bốn câu thơ ấy. Nguyên chữ “muôn” người miền Nam phần nhiều đọc là “muông”. Muôn với muông, hai tiếng cùng một âm vận, chứ không phân biệt như người ngoài, mà “muông” tức là chó. Cái xấc của ông Nhiêu Tâm là ở chỗ đó. Cho nên với bài thơ tứ tuyệt ấy, tác giả hoàn toàn không có một ý than thân trách phận mình chút nào. Trái lại, ông than cho ông Nọn, sao ông này làm người mà lại hoá ra muông như vậy. Chữ “hoá” với chữ “quá” ở trong câu thứ hai đối với đồng bào Đồng Nai, Bến Nghé lại không phân biệt âm vận. Còn ở câu cuối cùng, ông chúc cho ông Nọn như vậy là chửi xỏ ông Nọn, cho rằng ông này nhà giàu có lại ăn ở thất đức như muông như chó, thì rồi sau này con cháu cũng thành muông chó hết”(1).

Thiết nghĩ, muốn hiểu được cái hay của thơ trào phúng Nhiêu Tâm nói riêng và thơ trào phúng nói chung cần hiểu được phong tục tập quán, sắc thái bình dân, đại chúng, phải đi sâu vào ngôn ngữ của địa phương. Như lời của Thái Bạch chia sẻ với người bạn văn của mình về một hướng quan trọng để đi sâu vào tâm hồn văn nghệ miền Nam: “Muốn hiểu đến văn nghệ hay thơ trào phúng của đất miền Nam này cũng phải hiểu được nội dung của nó, và trước hết muốn thành công phải có một mối tình cảm thông với đất nước và nhân dân xứ này. Không có tình cảm thì khó lòng mà cảm thông cho được”(2).

*

Trước ngày đất nước thống nhất, các nghiên cứu về Nhiêu Tâm ở miền Nam đáng chú ý có các công trình của Thái Bạch: Thơ trào phúng ở miền Nam (Tạp chí Sáng tạo, số 15, Sài Gòn, tháng 12-1957) và Đỗ Minh Tâm, một nhà thơ trào phúng (Tạp chí Sáng tạo, số 16, Sài Gòn, tháng 1-1958); Nguyễn Tử Năng: Nhà thơ trào phúng của miền Nam (Sống Mới xuất bản, Sài Gòn, 1957); Hoàng Trọng Thược: Thi ca châm biếm trào lộng Việt Nam (Khai Trí xuất bản, Sài Gòn, 1969)… Nhìn chung, các nhà nghiên cứu đều thống nhất quan điểm cho rằng Nhiêu Tâm là nhà thơ trào phúng đặc sắc của miền Nam. Đáng tiếc là, trong những công trình ấy, tác phẩm của Nhiêu Tâm được giới thiệu quá ít. Thậm chí, như thú nhận của Thái Bạch: “Ông (Nhiêu Tâm - PMH chú) mất đã lâu, ước chừng độ già nửa thế kỷ. Kẻ viết bài này không rõ năm nào, cũng như năm sinh của ông, bây giờ cũng không còn mấy ai nhớ đặng, hoặc có sách vở nào ghi lại. Nhưng các tác phẩm của ông vẫn còn được sống với thế hệ đương kim”(3).

Đến năm 2001, Nguyễn Xuân Hoanh đã sưu tầm 23 tác phẩm của nhà thơ và xuất bản tập di cảo Thơ trào phúng Nhiêu Tâm (Sở Văn hoá thông tin, Bảo tàng Vĩnh Long, 2001). Cho đến thời điểm năm 2001, tài liệu này là một tập hợp thi phẩm Nhiêu Tâm đầy đủ nhất so với các công trình trước đó.

Trong chuyến công tác tại Vĩnh Long tháng 3 năm 2013, viếng mộ nhà thơ Nhiêu Tâm, chúng tôi may mắn được gặp cụ Đặng Hồng Xuân (sinh năm 1933) tại ấp Sơn Đông, xã Thanh Đức, huyện Long Hồ. Cụ Hồng là cháu ngoại cụ Trần Văn Cương. Ngày trước, cụ Trần Văn Kỷ là anh cụ Trần Văn Cương đã rước Nhiêu Tâm về nhà dạy học và bốc thuốc chữa bệnh cho dân trong vùng. Cụ Kỷ và cụ Cương cũng có học nghề thuốc của cụ Nhiêu Tâm. Ngôi nhà hiện tại của cụ Đặng Hồng Xuân là nơi ghi dấu quãng thời gian gần cuối đời của nhà thơ. Trong nhà hiện còn di vật là cặp liễn đối do Nhiêu Tâm đặt: “Tích thiện hữu dư khương phúc thọ nhất đường thoại khí / Vấn đàm vô tục khách văn chương thiên cổ phong lưu”. Ngoài ra, tại nhà cụ Đinh Hoàn Khải (sinh năm 1939) còn giữ cặp liễn đối cũng do nhà thơ đặt giúp: “Đinh xuất ngũ triều tiên đường bắc xuân thiên hoa chánh mậu / Quang huy tam đại hậu Sơn Đông phước địa quế đằng phương”.

Tiếp xúc với cụ Đặng Hồng Xuân, chúng tôi được biết thêm nhiều chi tiết lý thú liên quan đến Nhiêu Tâm, trước nay chưa thấy tài liệu nào đề cập. Năm 1955, có ông ký Giỏi (gọi nhà thơ Nhiêu Tâm bằng ông) đến ở nhà cụ Đặng Hồng Xuân 3 ngày để sửa sang mộ nhà thơ. Ngôi mộ đất thấp nằm giữa cánh đồng với tấm bia đề tên Đỗ Minh Giám tồn tại khoảng thời gian hơn 50 năm. Năm 2002, ngôi mộ được trùng tu, lúc này trên bia mộ mới đề “Phần mộ nhà thơ Nhiêu Tâm, tên thật Đỗ Minh Tâm”. Cụ Đặng Hồng Xuân cho biết thêm, thân sinh cụ là cụ Đặng Văn Quới vốn là người có học, từng hưởng ứng phong trào duy tân do Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu khởi xướng. Cụ Quới vốn mê sách báo nên trong nhà có một tủ sách rất đẹp. Năm Mậu thân (1968), một viên trung uý chế độ cũ trong đợt hành quân qua làng, vào nhà cụ Đặng Hồng Xuân và đã “xin” đi nhiều sách báo cũ đầu thế kỷ XX cùng tập thơ chép tay của nhà thơ Nhiêu Tâm. Đó là một tập thơ tương đối dày được chép song ngữ Hán Nôm và Quốc ngữ La tinh mà cụ Quới xem như gia bảo. Kể từ đó, tập thơ không biết đã lưu lạc phương nào. Nếu tập thơ còn được giữ gìn và có cơ hội trình hiện với độc giả thì đó là một điều may mắn cho Nhiêu Tâm và văn hoá Việt Nam.

Dưới đây là những bài thơ chúng tôi ghi chép được từ trí nhớ của cụ Đặng Hồng Xuân. Cụ Xuân có may mắn nhiều lần được nghe ông ngoại và cha đọc thơ Nhiêu Tâm trong lúc trà dư tửu hậu. Bằng sự ngưỡng vọng nhà thơ, cụ đã cố gắng nhớ lại được một số bài trong sự bôi xoá của thời gian và tuổi tác. Các bài chúng tôi chép được có tựa: Đá gà nòi, Ông táo, Làm trời khó, Chuột cống, Con cua, Vợ giận chồng đi tu (2 bài), Làm câu đối ở sân khấu hát bộ. Tổng cộng có tám bài, trong đó bài Con cua bị khuyết mất câu thứ tư. Đem so với tư liệu nghiên cứu của Thái Bạch, Nguyễn Tử Năng, Hoàng Trọng Thược, Nguyễn Xuân Hoanh thì đây là những bài chưa thấy được nhắc tới. Điều ấy cho thấy ảnh hưởng của nhà thơ đối với đồng bào Nam Bộ và có thể còn nhiều bài thơ khác được lưu truyền trong đời sống nhưng chưa được sưu tập. Chúng tôi nghĩ, nhất thiết phải tổ chức sưu tầm lại di sản văn học của Nhiêu Tâm càng sớm càng tốt, công việc đã được Sở Văn hoá Thông tin và Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long chú ý khởi động cách nay 10 năm. Xin chép tám bài ấy ra đây để học giới có thêm cứ liệu liên quan đến thi nghiệp của Nhiêu Tâm - nhà thơ trào phúng cận đại quan trọng của đất Nam Kỳ.

 

Đá gà nòi

Bôi mặt đá nhau trời hỡi trời,

Một vùng bụi cát giãy tơi bời.

Cựa suôn máu đỏ tuôn đầy đất,

Mỏ cắn lông vàng rụng khắp nơi.

Cũng bởi ghét ganh ba tiếng gáy,

Hai là giành xé hạt cơm rơi.

Hơn thua tranh cạnh mà chi vậy,

Đồng loại như bay thật tréo đời.

 

Ông táo

Xưa là đất sét ở bờ khe,

Nhồi nắn nên hình lão táo be.

Vỗ vóc nên hình thân úc núc,

Đặt tên dùi bụng chúng kiêng dè.

Nếu chẳng linh thiêng trong một thuở,

Mãn năm rồi cũng bỏ ngoài khe.

Tánh linh hư nát còn roi dấu,

Trẻ đái không kiêng, quở kiếm chè.

 

Làm Trời khó

Giữ chức Hoàng Thiên khó phải chơi,

Thế gian muôn sự cứ trời ơi.

Mưa dầm, lụt bão kêu khan tiếng,

Nắng hạn khô khan réo hết lời.

Bất hiếu, giận con, kêu mắng vốn,

Vô tình đạp phẩn(4) lại thỉnh coi.

Làm trời còn khổ vì thiên hạ,

Hà huống gì ta sống ở đời.

 

Chuột cống

Ông cống khoa nào chẳng thấy thi,

Chuột thời gọi chuột tí làm chi.

Bắt hơi chó xịt cong lưng chạy,

Nghe tiếng mèo kêu rúc cổ đi.

Chỉnh nếp, rá cơm tha thởn bậy,

Đống rơm, bồ lúa ngách hang kỳ.

Hô loài chuột lũ bay nên dạ,

Quạ có diều hâu há sợ mi.

 

Con cua

Trên đời có mấy mặt đi ngang,

Ngẫm lại đông chân có một chàng.

Trợn mắt không phân người phải quấy,

(…)

Xoi hang mạch nước hềm không ruột,

Lột vỏ già đời chẳng thấy gan.

Gặp lúc tối trời mình kể chắc,

Đến khi có việc rút vào hang.

 

Vợ giận chồng đi tu

Xuất gia cho khỏi tiếng thê thằng,(5)

Tu hành trai giới tháng ngày ăn.

Tam quy phận thiếp nương chân Phật,

Cắt tóc gửi chàng lũ trẻ măng(6).

Ném gánh cang thường không hệ luỵ,

Soi gương bác ái bỏ điều nhăn.

Dốc tâm đi đến ngôi Tam bảo,

Khỏi phải sự đời tiếng rứa răng.

 

Vợ giận chồng đi tu

(bài hoạ của người chồng)

Thà trước đừng xe mối xích thằng,

Tu hành mặn lạt mặc tình ăn.

Tam quy nỡ để thân chồng giá,

Ngũ giới đành lìa lũ trẻ măng.

Đuốc huệ thường soi lòng thảo thuận,

Thuyền từ nào rước kẻ làm nhăng.

Đạo người giữ mãi chưa tròn phận,

Tiên Phật nào thành khéo rứa răng.

 

Làm câu đối ở sân khấu hát bộ

Nhất trường tẩu mã đề vô tích

Bá trận tranh thua huyết bất lưu

Vạn dặm Trường An tam tứ bộ

Ngũ kinh bất độc đỗ trạng nguyên.

 

_____________

.

(1), (2) Thái Bạch: Thơ trào phúng ở miền Nam, Sáng tạo, số 15, Sài Gòn, tháng 12-1957, tr.23; 24.

(3) Thái Bạch: Đỗ Minh Tâm, một nhà thơ trào phúng, Sáng tạo, số 16, Sài Gòn, tháng 1-1958, tr.37.

(4) phẩn: phân (chú thích của cụ Đặng Hồng Xuân)

(5) thằng: sợi dây (chú thích của cụ Đặng Hồng Xuân)

(6) lũ trẻ măng: con nhỏ (chú thích của cụ Đặng Hồng Xuân)

 

Mộ nhà thơ Nhiêu Tâm

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website