Trong số những nhà văn góp phần làm nên thành tựu của văn chương Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX, Tân Dân Tử (1) là khuôn mặt tương đối nổi bật. Thế mạnh của ông là tiểu thuyết lịch sử. Sự nghiệp sáng tác của ông đã được các nhà nghiên cứu đánh giá cao (2).
**
1. Tân Dân Tử tên thật là Nguyễn Hữu Ngỡi (3), sinh năm 1875, quê quán ở huyện Thủ Đức, tỉnh Gia Định, nay thuộc quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Tân Dân Tử xuất thân trong gia đình có truyền thống Nho học. Ông nội là tú tài Nho học. Thân phụ tinh thông chữ Hán, làm chức Cai tổng.
Cũng như một số nhà văn, trí thức cùng thời Tân Dân Tử được học chữ Hán từ nhỏ, lớn lên học trường Pháp Việt vì vậy mà am tường cả Hán văn và Pháp văn. Nền tảng học vấn đã có tác động đáng kể đến ngòi bút của ông. Sau khi tốt nghiệp trường Thông ngôn Sài Gòn, Tân Dân Tử được bổ làm Kinh lịch (4) ở Chợ Lớn, về sau được thăng chức Huyện hàm. Ông có hai đời vợ và hai người con (một trai một gái). Năm 1953, ông mắc bệnh và mất năm 1955 tại Sài Gòn, hưởng thọ 80 tuổi.
Tân Dân Tử được xem là nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử đầu tiên và tiêu biểu nhất của văn học quốc ngữ Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX. Tác phẩm của ông gồm có:
- Giọt máu chung tình. Tòng đình thảm kịch, tiểu thuyết, 3 cuốn, Nhà in Nguyễn Văn Viết, Sài Gòn, 1926 (bìa ngoài ghi 1926, bìa trong ghi 1925). Đầu tập 1 có Lời phụ thuyết của Châu Sơn Nguyễn Đăng Cao ở Thủ Đức và Lời tự của tác giả. Giọt máu chung tình được tác giả chuyển thể thành tuồng cải lương, Nhà in Phạm Văn Thình, Sài Gòn, 1930.
- Gia Long tẩu quốc, tiểu thuyết, 5 cuốn, Nhà in Bảo Tồn, Sài Gòn, 1930; Nhà in Xưa Nay tái bản, Sài Gòn, 1932. Đầu cuốn thứ nhất có: Tự của Tri phủ Trần Văn Tấn ở Cần Giuộc; Tựa của Nguyễn Tử Thức, nguyên chủ bút báo Đông Pháp, chủ bút tờ Canh Nông; và Lời tựa của Tân Dân Tử viết ở Chợ Lớn năm 1929. Theo quảng cáo trên sách báo thì Gia Long tẩu quốc được tái bản nhiều lần. Tác phẩm này được chuyển thể thành tuồng cải lương do Phạm Văn Thình xuất bản.
- Hoàng tử Cảnh như Tây, tiểu thuyết, 2 cuốn, Nhà in Bảo Tồn, Sài Gòn, 1931.
- Gia Long phục quốc, Tiểu thuyết, 4 cuốn, Nhà in Xưa Nay, Sài Gòn, 1932; Nhà in Bảo Tồn, Sài Gòn, 1932. Trên bìa đề “Tiếp theo Hoàng tử Cảnh như Tây và Gia Long tẩu quốc. Tân Dân Tử trước thuật”. Trên bìa 1 của các tập có vẽ hình vua Gia Long. Cuối tập 4 có lời “kết luận” của tác giả đánh giá về sự nghiệp của Gia Long.
- Tham ắt phải thâm, tiểu thuyết xã hội, 2 tập, nhà in Đức Lưu Phương, Sài Gòn.
Ngoài ra ông còn có một số bài thơ và bài báo (5).
2. Trừ Tham ắt phải thâm lấy đề tài xã hội, còn những tác phẩm khác đều lấy đề tài lịch sử. Việc sử dụng dữ kiện lịch sử để làm đề tài và cảm hứng sáng tạo là một hiện tượng tương đối đặc biệt của tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XX. Một số nhà văn trong Nam, ngoài Bắc như Trương Duy Toản (1885 – 1957), Lê Hoằng Mưu (1879 – 1942), Nguyễn Chánh Sắt (1869 – 1947), Hồ Biểu Chánh (1885 – 1958), Phú Đức (1901 – 1970), Phạm Minh Kiên (? - ?), Nguyễn Tử Siêu (1887 – 1965), Đinh Gia Thuyết (1893 – 1953),… đã viết được nhiều bộ tiểu thuyết lịch sử đặc sắc.
Tiểu thuyết lịch sử phát triển rầm rộ và có những thành tựu nhất định như thế hẳn là có nguyên do từ nhiều phía, nhưng chủ yếu xuất phát từ nhu cầu bức thiết của chính đời sống hiện thời. Chính âm hưởng của phong trào Duy tân, các cuộc đấu tranh chính trị sôi động đầu thế kỷ XX đã có tác động đến những người cầm bút đương thời. Nguyễn Huệ Chi và Vũ Thanh cho rằng: “Những người cầm bút cảm thấy cần phải nói lên những khát vọng của cả một dân tộc, khát vọng muốn tìm lại ‘hồn nước’ một thời được cất lên từ các sĩ phu yêu nước đầu thế kỷ XX” (6). Chưa bao giờ ý thức dân tộc, tinh thần dân tộc lại được nhắc nhiều trong văn chương như thế. Tái hiện lịch sử hào hùng của dân tộc trở thành một nhu cầu bức thiết của phần đông người cầm bút lúc ấy. Cũng cần tính đến một nguyên do khác không kém phần quan trọng, chính là nhu cầu đổi mới tự thân của văn học trên con đường hiện đại hoá. Riêng ở Nam Bộ, một nguyên nhân được các nhà nghiên cứu thừa nhận chính là sự phản ứng của các nhà văn đối với làn sóng dịch truyện Tàu không có sự chọn lọc. Nhiều truyện Tàu có nội dung mê tín dị đoan được dịch và phổ biến trong quần chúng. Điều quan ngại hơn là phổ biến trong xã hội tình trạng nhiều người Việt thông thạo lịch sử Tàu hơn lịch sử Việt. Các nhà văn Nam Bộ đã lên tiếng cảnh báo và sáng tác tiểu thuyết lấy đề tài lịch sử dân tộc với một niềm tin: tiểu thuyết lịch sử chính là một phương tiện hữu hiệu để phổ biến lịch sử nước nhà, nâng cao ý thức tự cường dân tộc.
Phát biểu về vai trò của tiểu thuyết lịch sử đối với đời sống hiện tại, Tân Dân Tử cho rằng: “Tiểu thuyết thì có nhiều thứ khác nhau, nhưng tiểu thuyết lịch sử thì cần nhứt cho quốc dân ta lúc này hơn hết… muốn cho nước nhà phổ thông thì chẳng chi hay cho bằng tiểu thuyết làm mai nhơn để dẫn dắt quốc dân đi vào đường lịch sử. Đó là một phương pháp rất anh minh và công hiệu” (lời tựa Gia Long tẩu quốc). Nguyễn Tư Thức, cựu chủ bút tờ Đông Pháp và Canh Nông đã chia sẻ quan niệm và niềm tin của Tân Dân Tử trong lời tựa Gia Long tẩu quốc: “Làm người tất phải thông tất những việc quá khứ, rồi mới cân nhắc nổi những việc hiện thời; việc quá khứ, việc hiện thời hai việc ấy ta cần phải đối chiếu nhau, lọc lấy phần tinh hoa cốt yếu mà người ta gọi là quốc tuý đó, để di dưỡng lấy tinh thần, dồi mài nên khí tiết, dường ấy đối với quốc gia xã hội, rồi quốc gia xã hội mới mong chờ mình”.
Trong khi lý luận về thể loại tiểu thuyết ở nước ta đầu thế kỷ còn hạn chế, Tân Dân Tử đã có những dự cảm đúng đắn khi bàn về bản chất của tiểu thuyết lịch sử. Ông cho rằng: “Lịch sử đại lược chỉ nói tóm tắt những sự lớn lao mà không nói cặn kẽ những sự mảy mún. Còn lịch sử tiểu thuyết thì nói đủ cả, vừa chuyện lớn lao vừa chuyện mảy mún, đều trạng ra như một cảnh vật tự nhiên hiển hiện trước mắt. Lịch sử đại lược có nói nhơn vật sơn xuyên, quốc gia hưng phế, mà không tả trạng mạo ngữ ngôn, không tả tánh tình phong cảnh. Còn lịch sử tiểu thuyết thì tả đủ các nhơn vật sơn xuyên, tánh tình ngôn ngữ, tả tới hỉ, nộ, ái, ố, trí não tinh thần, tả tới phong cảnh cỏ hoa, cửa nhà đài các, nhành chim lá gió, nhạc suối kèn ve, làm cho các độc giả ngồi xem quyển sách, miệng đọc câu văn, mà dường như mình đã hoá thân đi du lịch một phong cảnh nào kia, xem thấy một nhơn vật nào đó, khiến cho kẻ đọc ấy để cảm xúc vào lòng, để quan niệm vào trí” (tựa Gia Long tẩu quốc). Tân Dân Tử đã nắm bắt được điều cốt yếu của tiểu thuyết lịch sử đó là tính hư cấu, tính “đời tư” của nhân vật. Chính điều này quyết định sự thành công của một tác phẩm tiểu thuyết lịch sử.
Tác phẩm đầu tay của Tân Dân Tử là Giọt máu chung tình. Nguyễn Huệ Chi cho rằng Giọt máu chung tình là cuốn “tiểu thuyết lịch sử – phản lịch sử” (7). Đây là cuốn tiểu thuyết lịch sử lãng mạn, miêu tả tình yêu của đôi trai tài gái sắc Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà. Lịch sử chỉ là cái cớ để tác giả xây dựng câu chuyện, khích lệ lòng yêu nước. Có thể nhận thấy, bối cảnh của Giọt máu chung tình cũng nằm trong bối cảnh của những bộ tiểu thuyết lịch sử viết về vua Gia Long như Gia Long tẩu quốc, Gia Long phục quốc, Hoàng tử Cảnh như Tây. Hậu quân Võ Tánh trấn thủ thành Bình Định. Khi quân Tây Sơn vây hãm và chiếm thành, Võ Tánh đã tuẫn tiết để lại con trai Võ Đông Sơ và vợ là công chúa Ngọc Du ở miền Nam. Ngọc Du và Ngọc Duệ vốn là em của vua Gia Long. Ngọc Du được gả cho Võ Tánh và Ngọc Duệ gả cho Nguyễn Hữu Thoại. Từ căn nguyên lịch sử này, tác giả đã hư cấu nên câu chuyện tình tuyệt đẹp của Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà. Tác phẩm này được dựng thành tuồng cải lương, diễn nhiều lần, kịch bản được tái bản liên tiếp mà vẫn nhận được sự say mê của độc giả.
Sau Giọt máu chung tình, Tân Dân Tử đã viết bộ ba tiểu thuyết dài hơi về cuộc đời của vua Gia Long Nguyễn Ánh. Cho đến ngày nay Tân Dân Tử vẫn là nhà văn viết về sự nghiệp vua Gia Long độ sộ và trọn vẹn nhất. Bộ ba tác phẩm liên hoàn Gia Long tẩu quốc, Hoàng tử Cảnh như Tây, Gia Long phục quốc tổng cộng 11 cuốn, dựng lại cuộc đời bôn tẩu của Gia Long trong hành trình khôi phục vương triều Nguyễn. Bộ ba tác phẩm này đã miêu tả cuộc giằng co giữa hai lực lượng Tây Sơn (ba anh em Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ) với lực lượng Nguyễn Ánh trên một không gian rộng lớn và thời gian tương đối dài gần một phần tư thế kỷ, với một thế giới nhân vật đông đảo. Có nhân vật có thật trong lịch sử, đồng thời cũng có nhiều nhân vật do nhà văn hư cấu, tô đặt. Không gian rộng lớn từ kinh Thành Thăng Long cho đến đảo Phú Quốc rồi qua các nước Cao Miên, Xiêm La. Đặt trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam thời thuộc Pháp, Gia Long là một hình ảnh gây rất nhiều cảm động cho công chúng Nam Bộ. Việc tác giả miêu tả, ngợi ca công đức và tài năng của một nhân vật trong quá khứ, từng có nhiều can dự quan trọng vào những biến cố lịch sử của dân tộc như Gia Long là một điều đáng ghi nhận. Viết về Gia Long với một cảm hứng dân tộc nồng nàn là một điều đáng quý và có lẽ là có phần khôn ngoan. Nhà Nguyễn đối với thực dân Pháp dẫu sao cũng từng có mối liên hệ thân thiết. Viết về nhà Nguyễn với thái độ ngợi ca sẽ dễ tránh được sự kiểm duyệt của nhà cầm quyền. Có khi tác giả vì quá đề cao Gia Long đã xem triều đại Tây Sơn là “nguỵ triều” như trong chương đầu tiên của tiểu thuyết Giọt máu chung tình (8). Tuy vậy, cuối bộ tiểu thuyết Gia Long phục quốc, trong lời kết luận, Tân Dân Tử cũng đã khéo đề cao Quang Trung bằng những dòng tự hào và cảm động: “Vua Quang Trung là người có hùng tài lỗi lạc, lại thêm chiến lược như thần, bốn phen vào đánh cùng đức Gia Long ở Nam Kỳ, thời bốn phen đều đại thắng; sau lại đánh giết quân Xiêm một trận tại sông Tiền Giang làm cho hai trăm chiến thuyền, hai muôn binh sĩ của Xiêm rụi hết giữa dòng, chỉ còn vài ngàn trốn chạy về nước. Đoạn rồi vua Quang Trung đánh ra Bắc Hà, diệt trừ chúa Trịnh đoạt luôn triều Lê, chánh chánh đường đường dựng lên nghiệp Đế… việc võ công chiến lược của vua Quang Trung đối địch cùng Tàu, chẳng thua gì Trần Hưng Đạo Vương khi xưa, Lý Thường Kiệt lúc trước”. Thời điểm Tân Dân Tử cầm bút viết về Gia Long thì trong quan niệm truyền thống của người Nam Bộ, nhà Nguyễn Có công rất lớn trong quá trình khai khẩn vùng đất mới. Trong điều kiện lịch sử cụ thể, như nhận xét của các tác giả Địa chí thành phố Hồ Chí Minh: “Những lưu dân Nam tiến buộc phải chấp nhận sự bảo hộ của nhà Nguyễn đàng trong, quá trình chia cắt đất nước kéo dài đã tạo ra ở đây một thiết chế chính trị riêng so với đàng ngoài. Cuộc giao tranh giữa nhà Tây Sơn với nhà Nguyễn diễn ra trong nhiều năm, cũng có lúc Tây Sơn thống nhất được dải đất này, nhưng không nhiều và không liên tục, cộng với sự bất lực và thiển cận của chính quyền Đông Định Vương Nguyễn Lữ, lực lượng Tây Sơn ở Nam Bộ lại không tạo được ảnh hưởng chính trị rộng rãi và sâu sắc đủ để đẩy lùi và đánh bại ảnh hưởng của một kẻ thù có truyền thống hai trăm năm. Tất cả những điều này khiến cho ngay cả trước 1789 một bộ phận trí thức của vùng này vẫn thừa nhận họ Nguyễn là vương triều chính thống” (9). Trong nhận thức của người dân và một bộ phận trí thức, Gia Long vẫn là nhân vật gần gũi và có công. Khơi gợi lại những nhân vật có công với vùng đất mới Nam Bộ như Gia Long, Hoàng tử Cảnh, Lê Huỳnh Đức, Lê Văn Duyệt, Đỗ Thành Nhơn, Châu Văn Tiếp, Nguyễn Hữu Thoại, Võ Tánh, v.v… cũng là khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc. Việc đưa các nhân vật này vào tiểu thuyết tuy chỉ có tác dụng hạn hẹp trong phạm vi Nam Bộ, nhưng trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX, những việc làm của Tân Dân Tử thật đáng quý và không phải người cầm bút nào cũng dám nghĩ tới và làm được. Đi vào một giai đoạn lịch sử như vậy, nhà văn có điều kiện để thực hiện phương châm “phổ biến lịch sử” của mình, bởi dẫu sao các nhân vật anh hùng lịch sử cũng dễ đi vào quần chúng nhân dân. Đó cũng là một trong những lý do khiến cho tác phẩm của ông được độc giả Nam Bộ đón nhận nồng nhiệt.
Tân Dân Tử khi sáng tác đã xuất phát từ quan niệm: “Cứ việc trực trần thiệt sự, chẳng dám bày điều đặt chuyện, lời lẽ quá ư hoang đường; mà cũng chẳng dám lạc xa đề, mà ra khỏi vòng quốc sử. Bộ tiểu thuyết này tác giả chỉ để câu văn giản dị lời nói thiệt thà, chẳng dám tự gọi rằng: ‘Bộ này không phải là bộ sách vô ích cho quốc dân xã hội’ là đủ” (tựa Gia Long tẩu quốc). Chính vì xuất phát từ một quan niệm như thế mà tác giả đã có được sự tự tin của ngòi bút trước một vấn đề “nhạy cảm” của lịch sử. Người viết đã truyền được miềm tự hào, lòng tin, sự say mê vào lòng người đọc đối với lịch sử dân tộc, từ đó hướng dụ họ vào mục đích chính là kêu gọi hành động đứng lên giải phóng đất nước khỏi nạn ngoại xâm. Gia Long phục quốc và Gia Long tẩu quốc được Đặng Thúc Liêng diễn ca theo thể song thất lục bát, đăng trên Đại Việt tập chí của Hồ Văn Trung (Hồ Biểu Chánh) vào khoảng năm 1940.
Khi đã khá thành công với đề tài lịch sử, Tân Dân Tử còn thử sức ngòi bút ở đề tài xã hội. Tham ắt phải thâm là cuốn tiểu thuyết viết về đề tài xã hội duy nhất cũng là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông. Tác phẩm này xuất bản năm 1940, chứa đựng nội dung luân lý đạo đức, kể câu chuyện về nhân vật Đặng Phước Trường giàu có, tham lam. Trường có con gái tên Ngọc Anh đẹp người đẹp nết. Hắn định đem con gái gả bán nơi giàu có nhưng không ngờ bị bọn xấu gạt lấy hết gia tài. Vốn thông minh lanh lợi, Ngọc Anh không những khéo léo thoát khỏi cuộc hôn nhân ép buộc và cứu lại sản nghiệp cho cha mà còn tìm được người chồng tốt. Cốt truyện Tham ắt phải thâm chủ yếu xoáy vào việc miêu tả mưu mô, thủ đoạn, mánh lới của các nhân vật. Về mặt ngôn ngữ, tác giả sử dụng những lời nói thường của người bình dân Nam Bộ khiến cho câu chuyện gần gũi với đời sống thực. Đó cũng là một nét đặc biệt, thu hút độc giả đương thời. Trong Tham ắt phải thâm, tác giả đề cao đạo lý, luật nhân quả báo ứng. Đặt bên cạnh những tác phẩm viết về đề tài xã hội của các nhà văn cùng thời thì Tham ắt phải thâm không thật sự nổi bật, càng chứng minh một điều: thế mạnh, nơi bộc lộ tài năng của Tân Dân Tử chính là địa hạt tiểu thuyết lịch sử.
3. Trong nội dung tiểu thuyết Tân Dân Tử nổi bật nhất là yếu tố đạo lý của Nho giáo. Tất nhiên đó không phải là đạo lý giáo điều, mà mềm mại, uyển chuyển. Chuẩn mực đạo lý về căn bản vẫn là đạo lý của Nho giáo nhưng đã được bình dân hoá, gần với tâm lý và cách suy nghĩ của người dân miền sông nước Lục tỉnh. Những điều trừu tượng, khuôn mẫu của đạo lý Nho giáo được người Nam Bộ hiểu một cách phóng khoáng, khiến nó gần gũi với thực tế đời sống. Đạo lý đó chính là lòng yêu nước, sự thuỷ chung son sắt, ghét sự giả dối. Nhà văn say sưa miêu tả những tấm gương vì nghĩa, vì tình, “giữa đường gặp chuyện bất bằng chẳng tha”. Nhiều nhân vật được miêu tả với phẩm chất của người anh hùng trượng nghĩa: Võ Đông Sơ thấy Triệu Dõng nguy khó đã ra tay giúp đỡ, rồi đến lượt Triệu Dõng đã nhiều lần bất chấp hiểm nguy để cứu Bạch Thu Hà, Hoàng Nhị Cô (Giọt máu chung tình); Châu Văn Tiếp không làm ngơ trước hoàn cảnh nàng Ngọc Sương bị ép uổng (Gia Long tẩu quốc); những hành động nghĩa hiệp đền ơn tri ngộ đến quên mình của Châu Văn Tiếp, Nguyễn Hữu Thoại, Đỗ Thành Nhơn, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành đối với Nguyễn Ánh; sự dũng cảm xả thân cứu nước của Võ Đông Sơ con trai của Hậu quân Võ Tánh (Giọt máu chung tình).
Đối tượng đặc tả trong tiểu thuyết lịch sử của Tân Dân Tử là con người quá khứ, thời gian và không gian thuộc về quá khứ. Nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử là những người anh hùng có mối liên hệ với đất nước, nhân dân. Khi xây dựng những nhân vật này, nhà văn chủ yếu tập trung ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp: xả thân vì nước, trung nghĩa can trường, thùy chung son sắt. Nhìn từ bản chất, người anh hùng trong tiểu thuyết Tân Dân Tử vẫn thuộc mẫu hình con người trung đại. Người anh hùng một lòng trung với vua, với nước theo nghĩa “quân thần”. Điều này dễ lý giải vì đây là những anh hùng thời trung đại.
Bên cạnh việc chú trọng mô tả tình yêu của con người đối với đất nước, Tân Dân Tử đã dành nhiều bút lực để thể hiện những mối tình của con người cá nhân. Đặt bên cạnh thứ tình yêu đòi hỏi sự giải phóng tự do trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn và Thơ Mới, tình yêu trong tiểu thuyết lịch sử của Tân Dân Tử có nét đặc biệt: tình yêu cá nhân gắn với vận mệnh của dân tộc. Họ sẵn sáng hi sinh tình yêu cá nhân cho hạnh phúc chung của nhân dân. Tình yêu cũng đóng vai trò động lực tinh thần giúp cá nhân vượt qua những khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ đối với đất nước. Nhiều mối tình thuỷ chung, trong sáng của các cặp trai tài gái sắc và sự hy sinh của họ cho lợi ích chung của cộng đồng được nhà văn hào hứng ca ngợi, cổ vũ. Tình yêu của họ là những bài ca đẹp, thể hiện lý tưởng và nhân cách sống cao cả của con người. Đó là mối tình nồng thắm, trắc trở của công chúa Ngọc Duệ và võ tướng Nguyễn Hữu Thoại, tình yêu mộc mạc chân thành của Ngọc Du và Võ Tánh, tình yêu không phân biệt sang hèn của Nguyễn Ánh và Tố Lang, Nguyễn Ánh và Như Liên, tình yêu son sắt của Châu Văn Tiếp và Ngọc Sương (Gia Long tẩu quốc); mối tình thủy chung của Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà (Giọt máu chung tình).
Tình yêu trong tiểu thuyết lịch sử của Tân Dân Tử không có sự phân biệt giai cấp, sang hèn và đều gặp nhau ở tiêu điểm là ý thức cố gắng làm tròn trách nhiệm của người dân đối với đất nước. Trong Giọt máu chung tình, Bạch Thu Hà đã tâm sự với người yêu là Võ Đông Sơ rằng: “Em chuộng là chuộng những kẻ biết đảm đương nghĩa vụ, biết thương yêu chủng tộc đồng bào, biết giữ cái chí khí trượng phu mà để phương danh cùng vũ trụ”. Mối tình của Ngọc Duệ và Nguyễn Hữu Thoại trong Gia Long tẩu quốc được Tân Dân Tử dụng công miêu tả. Một người là em ruột, một người là bộ tướng tâm phúc của Nguyễn Ánh, Ngọc Duệ và Nguyễn Hữu Thoại đến với nhau trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Gia quyến của Nguyễn Ánh từ Cần Thơ chạy sang Rạch Giá trốn sự truy kích của quân đội nhà Tây Sơn. Trên đường bôn ba, Nguyễn Ánh đã thu nhận Nguyễn Hữu Thoại làm bộ hạ của mình. Hữu Thoại vốn người có tư chất thông minh, võ nghệ cao cường. Trước đây Hữu Thoại sống ở Xiêm và từng tháp tùng vua Xiêm đánh qua Miến Điện, được vua Xiêm cho giữ một chức quan nhỏ. Cũng chính từ lúc được Nguyễn Ánh thâu nhận, Hữu Thoại được gặp Ngọc Duệ. Cảm mến nhan sắc và tính nết của nàng, Hữu Thoại đã đem lòng thương nhớ. Ngọc Duệ mến phục Hữu Thoại vì chàng là một người tài ba, trung nghĩa. Cuộc tình của Ngọc Duệ và Nguyễn Hữu Thoại phải trải qua nhiều gian nan trắc trở vì luôn phải bôn ba trốn chạy, nay chỗ này mai chỗ khác. Nhưng họ vẫn một lòng chung thuỷ sắt son. Sau khi cưới Ngọc Duệ, Hữu Thoại được Nguyễn Ánh tin cậy giao giữ nhiều trọng trách. Không may cho Hữu Thoại, trong một lần cùng bộ hạ vượt rừng sâu cầu cứu viện binh của Cao Miên thì bị quân Tây Sơn bắt được và giết. Nhận được thư của Nguyễn Ánh báo tin chồng bị giết, Ngọc Duệ rất đau đớn. Nàng cầm đầu đội quân nữ quyết rửa hận cho chồng. Ngọc Duệ đánh với quân Tây Sơn được một số trận thì bị vây hãm. Khi bị truy đuổi cùng đường, nàng đã dùng cái chết để bảo toàn khí tiết. Câu chuyện tình của đôi trai tài gái sắc có kết thúc thật bi thảm. Đó cũng là một trong những cái kết không có hậu của các chuyện tình trong tiểu thuyết lịch sử của Tân Dân Tử. Trước đó, cuốn tiểu thuyết Giọt máu chung tình cũng kết thúc bằng cái chết của hai nhân vật chính là Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà. Có lẽ vì thế mà Giọt máu chung tình đã làm nhiều độc giả đương thời thổn thức và hai nhân vật chính được coi như một mối tình lý tưởng. So với toàn bộ câu chuyện về cuộc đời bôn ba của Nguyễn Ánh thì mối tình của Ngọc Duệ và Hữu Thoại chỉ có tính chất phụ hoạ thêm. Nhưng chính mối tình của đôi trai tài gái sắc này lại khiến cho câu chuyện thêm phần hấp dẫn. Qua mối tình của họ, tác giả cũng gửi gắm được nhiều tâm sự về trách nhiệm và bổn phận của cá nhân đối với đất nước.
Việc miêu tả tình yêu nam nữ trong tiểu thuyết lịch sử không phải là chủ đích chính của các nhà văn. Thế nhưng, chính những mối tình của các nhân vật, thường là mối tình của nhân vật chính, sẽ góp phần rất lớn cho sự thành công của tác phẩm. Lúc đó nhân vật, chủ yếu là những nhân vật lịch sử sẽ được khám phá ở nhiều góc độ khác nhau, từ vị trí vai trò đối với cộng đồng xã hội cho đến thế giới nội tâm phong phú khó nắm bắt bên trong. Nhân vật lịch sử nhờ đó mà trở nên sinh động, gần với cuộc đời thực, trở thành những con người như đang hiện diện đâu đó trong cuộc sống hiện tại. Chính “chất đời tư”, mà tình yêu là một khía cạnh nổi bật, sẽ làm cho chất tiểu thuyết tăng lên, giảm bớt chất sử thi. Việc chú tâm diễn tả tình yêu đã làm cho tiểu thuyết của Tân Dân Tử có nhiều đổi mới so với tiểu thuyết lịch sử thời kỳ trung đại (10), góp phần vào quá trình hiện đại hoá tiểu thuyết nói chung và tiểu thuyết lịch sử nói riêng đầu thế kỷ XX.
4. Đặt trong bối cảnh của tiểu thuyết Nam Bộ nói riêng đầu thế kỷ XX, Tân Dân Tử đã có những sáng tạo riêng trong nghệ thuật. Về phương thức xây dựng nhân vật, ông chủ yếu sử dụng những thủ pháp của văn học cổ điển đồng thời đã cố gắng cách tân. Nhân vật của ông được người đọc nhận biết trước hết qua diện mạo, cử chỉ, sắc phục, điệu đi dáng đứng. Thông qua diện mạo bên ngoài, người đọc dễ dàng nhận biết được phần nào về tính cách, thành phần xuất thân và số phận nhân vật. Chỉ vài ba nét đơn sơ, dăm bảy hàng chữ linh động, tác giả đã có thể phác hoạ nên một chân dung thích hợp cho mỗi vai. Chẳng hạn, hình ảnh vua Gia Long được nhà văn miêu tả cho thấy sự kết hợp giữa cách miêu tả ước lệ truyền thống và lối tả chân hiện đại: “Lúc bấy giờ trong nhà ấy có một thanh niên trạc chừng mười tám tuổi, xem diện mạo tỏ ra một người phong lưu tuấn dật, cốt cách phi thường, sống mũi thẳng mà cao, tròng mắt long lanh, hiện ra mấy ánh hào quang chói sáng, trán cao mày rậm, mặt trắng môi hồng, hình dạng chắc chắn khôi ngô xem ra có vẻ anh hùng khí tượng, thật là một tướng mạo đường hoàng, dung nghi tề chỉnh. Đầu bịt một khăn vàng, mình mặc một cái võ bào trắng, chơn mang một đôi võ hài đen, bên lưng đeo một thanh gươm, vỏ bạc ánh vàng, dọi với ánh đèn, chói ra nhấm nháp” (Gia Long tẩu quốc). Nhân vật Gia Long vừa có tướng mạo của chân mạng đế vương, phi thường vừa có những nét của con người bình thường. Hay hình ảnh của Bạch Thu Hà: “Rõ ràng một nàng tuyện sắc giai nhân, tròng mắt long lanh, nước da trắng tuyết, mình mặc một vóc áo vân la, đầu vấn một nhành kiêm tước, tay đeo một chiếc vòng kim xuyến nhẫn ngọc kim cang. Cổ mang sợi dây chuyền liên hoàn xen hàng cẩm thạch, chân đi đôi dày ngân tuyến thêu một cặp bươm bướm rất xinh, lưng lận một quần lãnh hoa lài ống dài quét gót. Tóc mây dợn trán dường như tiên nữ xuống phàm trần, má phấn ửng hồng mường tượng phù dung khoe sắc lịch. Dung nghi yểu điệu, cốt cách dịu dàng. Đẹp thay một vẻ hồng nhan đáng hương trời sắc nước” (Giọt máu chung tình). Cạnh đó, tác giả cũng chú ý và dụng công miêu tả nhân vật qua đối thoại. Mật độ ngôn ngữ đối thoại trong tiểu thuyết của Tân Dân Tử tương đối cao khiến không khí truyện sinh động, diễn biến cốt truyện vận động nhanh. Nhà văn đã đem vào trong tác phẩm của mình gần như nguyên vẹn những câu nói thường ngày, những lời đối thoại sinh động đậm chất phương ngữ vùng Nam Bộ. Điều đó tạo nên những thành công trong việc khắc hoạ chân dung nhân vật v con người Nam Bộ trong quá khứ và hiện tại.
Đây đó nhà văn đã bắt đầu có ý thức sử dụng độc thoại nội tâm. Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà (Giọt máu chung tình), Nguyễn Ánh, Châu Văn Tiếp, Ngọc Duệ, Nguyễn Hữu Thoại (Gia Long tẩu quốc, Gia Long phục quốc) đều có những lần độc thoại, tự vấn. Nhờ thế, các nhân vật lịch sử mang hơi thở của cuộc đời thực.
Về mặt kết cấu tác phẩm, Tân Dân Tử chủ yếu sử dụng kết cấu chương hồi kết hợp với lối kết cấu theo thời gian tuyến tính. Mỗi chương hồi thường giải quyết một vấn đề, có thể là một câu chuyện nhỏ trong câu chuyện lớn. Kết cấu theo trình tự thời gian giúp tác giả xâu chuỗi các sự kiện nhằm xây dựng tổng thể nội dung. Tiểu thuyết lịch sử của Tân Dân Tử đã sử dụng có hiệu quả sự kết hợp giữa hai dạng kết cấu này. Gia Long tẩu quốc, Hoàng tử Cảnh như Tây, Gia Long phục quốc miêu tả về đoạn đời lưu lạc, bôn ba của vua Gia Long để khôi phục sự nghiệp nhà Nguyễn. Lúc viết những cuốn tiểu thuyết này, Tân Dân Tử không chỉ có ý thức sử dụng lối kết cấu chương hồi và kết cấu theo thời gian tuyến tính trong từng tác phẩm riêng lẻ mà còn có ý thức thể hiện điều đó trong tổng thể ba tác phẩm. Theo trình tự, Gia Long tẩu quốc (1930) miêu tả giai đoạn đầu của quá trình chạy trốn của Nguyễn Ánh và các tướng lĩnh trước sự truy đuổi của quân Tây Sơn. Sang tác phẩm Hoàng tử Cảnh như Tây (1931) là quá trình tìm cứu viện từ nước Pháp của Nguyễn Ánh thông qua sự gúp đỡ của giáo sĩ Bá Đa Lộc. Hoàng tử Cảnh được Bá Đa Lộc đưa sang Pháp để thương thuyết, yêu cầu Pháp giúp Nguyễn Ánh chống lại Tây Sơn. Và Gia Long phục quốc (1932) là tác phẩm kết thúc quá trình tìm đường khôi phục vương nghiệp nhà Nguyễn của Nguyễn Ánh. Tác phẩm kết thúc khi Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu Gia Long. Như vậy, có thể xem ba tiểu thuyết trên là một bộ liên hoàn, bởi vì mỗi quyển chưa hẳn là một câu chuyện hoàn chỉnh mà có cốt truyện và tình tiết truyện được liên thông từ cuốn này sang cuốn khác. Mỗi tác phẩm có thể là một chương được xâu chuỗi với nhau bằng khoảng thời gian gần một phần tư thế kỷ từ khi Gia Long 18 tuổi cho đến khi hoàn tất đế nghiệp. Cách kết cấu theo trình tự thời gian trong tiểu thuyết Tân Dân Tử không có ưu điểm của của lối viết đa tuyến, đảo lộn trật tự thời gian. Thời gian tuyến tính về mặt khách quan khó có thể tạo ra được những “khoảng trắng”, “điểm dừng”, “sự trì hoãn” của câu chuyện; không tạo ra được độ lùi về thời gian cần thiết để người đọc cảm nhận và đánh giá trong khi theo dõi diễn biến của câu chuyện; nhân vật ít có cơ hội và điều kiện để bộc lộ khả năng độc thoại, hồi tưởng. Mặt khác, khi sử dụng lối diễn thuật theo thời gian tuyến tính, nhiều khi để đảm bảo tính liên tục của câu chuyện, tác giả buộc phải tìm kiếm những sự kiện phụ, thứ yếu, những yếu tố ngẫu nhiên, có khi là gượng ép để làm cầu nối giữa các sự kiện. Chẳng hạn Tân Dân Tử khi miêu tả nhân vật Nguyễn Ánh (Gia Long tẩu quốc) trên đường chạy trốn, nhiều lần thoát khỏi vòng vây của Tây Sơn nhờ rất nhiều yếu tố ngẫu nhiên, bất ngờ có khi ngoài dự kiến của người đọc. Hay tác giả mô tả việc Triệu Dõng ba lần cứu Võ Đông Sơ (Giọt máu chung tình) một cách bất ngờ... Mặc dù có những hạn chế như vậy, nhưng chính lối kết cấu này thường buộc người đọc luôn phải theo đuổi diễn biến câu chuyện, dễ nắm bắt được cốt truyện và các tình tiết. Một ưu điểm nữa là có khả năng làm nổi bật chủ đề của tác phẩm. Lối kết cấu theo trình tự thời gian rất tương hợp với tiểu thuyết lịch sử, vì dạng tiểu thuyết này luôn phải đề cao việc miêu tả khách quan các sự kiện cùng tính liên tục của thời gian lịch sử và cũng phù hợp với trình độ, thị hiếu của người đọc Nam Bộ.
Ngoài ra, chúng ta có thể tìm thấy những ảnh hưởng của tiểu thuyết phương Tây trong tác phẩm của Tân Dân Tử thể hiện nơi tính chất phiêu lưu của cốt truyện và nhân vật. Hành động và hành trạng của nhân vật được tác giả miêu tả rất sinh động, lắm lúc gợi cho người đọc những cảm giác hồi hộp, thích thú. Nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử thường là nhân vật phiêu lưu trên những không gian rộng lớn với những bất trắc của cuộc đời, những cuộc chia ly và gặp gỡ kỳ thú. Đó là những cuộc phiêu lưu của Nguyễn Ánh trong Gia Long tẩu quốc, Gia Long phục quốc, Võ Đông Sơ trong Giọt máu chung tình. Những tiểu thuyết nước ngoài có ảnh hưởng đến tiểu thuyết Nam Bộ đầu thế kỷ XX phần lớn là những cuốn có cốt truyện phiêu lưu, nhiều nhân vật hành động. Chẳng hạn như các tiểu thuyết Trung Hoa (Tam quốc chí, Thủy hử, Đông Chu liệt quốc, Càn Long du Giang Nam,…), và tiểu thuyết Pháp (La comte de monte Cristo, Sans famille, En famille, Les misérables,…). Không những thế, trong truyền thống văn học Nam Bộ, truyện Lục Vân Tiên là tác phẩm chứa nhiều yếu tố phiêu lưu ly kỳ nơi cốt truyện và nhân vật chắc chắn có những tác động không nhỏ đến tiểu thuyết Nam Bộ nói chung và tiểu thuyết lịch sử của Tân Dân Tử nói riêng.
**
Tân Dân Tử thực sự đã có những đóng góp quan trọng cho tiến trình hiện đại hóa văn học nói chung và nói riêng về địa hạt tiểu thuyết đầu thế kỷ XX. Sau một thế kỷ đọc lại những sáng tác của ông, người đọc như được tiếp thêm niềm tin yêu con người và lòng tự hào về lịch sử dân tộc. Tác phẩm của Tân Dân Tử xứng đáng được sưu tập, giới thiệu và xuất bản để độc giả có điều kiện thưởng lãm1
_____________
(1) Vũ Văn Ngọc trong Tiểu thuyết Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Nxb. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, tr. 682, cho biết Nguyễn Hữu Ngỡi ngoài bút danh Tân Dân Tử còn có bút danh khác là Tân Vân Tử.
(2) Xin xem:
- Bùi Văn Lợi, Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ XX đến 1945 (Diện mạo và đặc điểm), Luận án tiến sĩ Ngữ văn, Hà Nội, (1999).
- Hoài Anh, Tân Dân Tử – người mở đầu cho thể loại tiểu thuyết lịch sử ở Nam Bộ, Trong sách Chân dung văn học, Nxb. Văn học, (2004).
- Vũ Tuấn Anh - Bích Thu (chủ biên), Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam, Nxb. Văn học, (2001).
- Nguyễn Huệ Chi, Mục từ Tân Dân Tử, Trong sách Từ điển Văn học (Bộ mới), Nxb. Thế giới, (2004).
- Phan Mạnh Hùng, Tiểu thuyết Nam Bộ viết về lịch sử Thăng Long – Hà Nội, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 1, (2011).
(3) Bùi Đức Tịnh trong Những bước đầu của báo chí, tiểu thuyết và thơ mới (1865 – 1932), Nxb. TP. Hồ Chí Minh (1992), tr.186, cho rằng Nguyễn Hữu Ngỡi do “Nghĩa” nói trại theo lối Nam Bộ bấy giờ đọc là “Ngỡi”.
(4) Bùi Đức Tịnh (sđd), cho rằng Tân Dân Tử dịch văn bản chữ Hán trong chính quyền thuộc địa, nguyên quán ở Thủ Đức, sống ở Chợ Lớn.
(5) Nguyễn Huệ Chi (sđd) cho rằng Tân Dân Tử đăng tản văn và thơ trên báo Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn, Điện tín; Vũ Văn Ngọc (sđd) cho là báo Nông Cổ Mín Đàm, Công luận báo, Lục tỉnh tân văn; Bùi Đức Tịnh (sđd) là Lục tỉnh tân văn khoảng 1907-1908; Hoài Anh (sđd) là Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn khoảng 1907-1908.
(6) Nguyễn Huệ Chi, Vũ Thanh, Những đóng góp của Nguyễn Tử Siêu cho loại hình tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ, Tạp chí Văn học, số 5, (1996).
(7) Nguyễn Huệ Chi, Thử tìm một vài đặc điểm của văn xuôi tự sự Quốc ngữ Nam Bộ trong bước khởi đầu, Tạp chí Văn học, số 5, (2002).
(8) Vì lẽ đó, nhà xuất bản Tiền Giang khi tái bản tác phẩm này năm 1988 đã cắt bỏ đoạn đầu.
(9) Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng (Chủ biên), Địa chí văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh, tập III, Nxb. TP.Hồ Chí Minh, (1998), tr. 85.
(10) Chẳng hạn như cuốn Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô Gia Văn Phái), Nam triều công nghiệp diễn chí (Nguyễn Khoa Chiêm)