Kiều Thanh Quế - Nhà nghiên cứu, phê bình văn học Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX (2)

Bên cạnh các tiểu luận Kiều Thanh Quế còn có khá nhiều công trình nghiên cứu, phê bình dài hơi. Xét trong khoảng dăm năm (1941-1945), ước tính Kiều Thanh Quế đã cho in tới gần chục đầu sách được định danh là nghiên cứu, biên khảo, phê bình. Trong số này có những sách ghi danh biên khảo nhưng lại nghiêng về dịch thuật, lược dịch, tổng thuật: Học thuyết Freud (Ký tên Tô Kiều Phương. NXB Tân Việt, H., 1943; 152 trang), Thi hào Tagore (Ký tên Nguyễn Văn Hai. NXB Tân Việt, H., 1943; 396 trang); còn lại những công trình nghiên cứu, phê bình đích thực do Kiều Thanh Quế thực hiện có Phê bình văn học, Ba mươi năm văn học, Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam, Đàn bà và nhà văn, Xuân phong văn tập, Vũ Trọng Phụng và chủ nghĩa tả thiệt xã hội, Cuộc vận động cứu nước trong “Việt Nam vong quốc sử”...

Phê bình văn học (NXB Tân Việt, H., 1942; 124 trang)

Về kết cấu, Phê bình văn học chia thành hai phần. Phần thứ nhất gồm 5 mục: Nghệ thuật và phê bình - Phê bình với văn hóa - Phê bình với văn học - Phê bình văn học - Các nhà phê bình văn học nước ta. Phần thứ hai có một phụ đề chung Chủ nghĩa tả thiệt xã hội và một xã hội tiểu thuyết của Zola Việt Nam, sau đó chia thành 4 mục: Nghệ thuật và xã hội chủ nghĩa - Emile Zola - Zola Việt Nam và xã hội tiểu thuyết - Giông tố...

Phê bình văn học là tác phẩm có đóng góp lớn cho phê bình văn học Việt Nam. Ở tác phẩm này, trước hết Kiều Thanh Quế làm công việc định nghĩa thể văn phê bình, giới thiệu khái quát tình hình đời sống phê bình văn chương đương đại. Theo ông, phê bình văn học chính là linh hồn của đời sống văn học. Nhà phê bình chân chính là một người có đủ lực lượng, quyền hạn, điều kiện để không phải làm việc quảng cáo như bọn con buôn, trả thù như đàn bà hay tiểu nhân, mà để chính đáng giới thiệu những nhân tài không may bị chìm đắm trong bóng tối, cộng tác với các nhà văn hữu danh, cốt làm sao tạo cho nền văn học nước nhà những áng văn chương toàn bích. Kiều Thanh Quế trân trọng giới thiệu các gương mặt phê bình tiêu biểu đương thời như Lê Thước, Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Thái Phỉ Nguyễn Đức Phong, Hoài Thanh Nguyễn Đức Nguyên, Thiếu Sơn Lê Sĩ Quý, Trương Tửu, Lê Thanh, Lê Tràng Kiều, Vũ Ngọc Phan, Nhân Nghĩa, Trần Thanh Mại, Phan Văn Hùm, Nguyễn Văn Hanh, Ngô Tất Tố, Trương Chính, Lan Khai. Sau khi điểm danh các nhà phê bình, Kiều Thanh Quế kỳ vọng: “Viết xong phần sách này chúng tôi trước nhất kính cẩn cúi đầu trước những thủ công nhân tiền tiến trên đây của nghiệp phê bình, sau thành kính kỳ vọng ở những thiên tài hãy còn đắm chìm trong bóng tối khá mau vác bút phê bình đi vào đô thành văn học. Nếu được thế thì thỏa mãn thay, sung sướng thay cho tấm lòng này” (tr.70-71)... Tiếp sau, Kiều Thanh Quế đi vào liên hệ, so sánh, phê bình hai nhà văn Emille Zola - Vũ Trọng Phụng và đặc biệt tập trung xác định vai trò, vị trí văn tài họ Vũ: “Chủ nghĩa tả thiệt xã hội (réalisme socialiste) được đại diện bởi một cây bút hữu giá: Vũ Trọng Phụng, mà chúng tôi xin mang danh là “Zola Việt Nam”. Vũ Trọng Phụng tuy kể về tài nghệ và số tác phẩm sản xuất vẫn còn lắm chỗ kém hơn nhà văn hào nước Pháp Émile Zola, nhưng kể về địa vị ông đối với văn giới Việt Nam thì khả dĩ dị đồng được với địa vị Zola trong văn chương nước Pháp” (tr.75)...

Ba mươi năm văn học (Ký tên Mộc Khuê. NXB Tân Việt, H., 1942; 128 trang)

Có thể coi Ba mươi năm văn học là công trình phác thảo diện mạo một giai đoạn lịch sử văn học chủ yếu theo thể loại và đã được Kiều Thanh Quế nhấn mạnh ngay từ Lời nói đầu: “Công việc chúng tôi hôm nay ở đây chỉ là công việc “tính sổ văn học” - một công việc mà Trương Tửu đã có lần thi hành trong Mùa gặt mới số 2 ra năm 1941 và cũng là công việc chúng tôi đã thử phác qua trên Đông Dương tuần báo ở Sài Gòn hồi tháng avril 1940. Tính sổ văn học, đó là công việc của những bài báo, lẽ ra không nên cho in thành sách! Nhưng thiển nghĩ, sẽ khó biết bao nhiêu sau này cho nhà văn học sử, nếu ông ta muốn tìm mà không ra một bản thống kê văn học quốc ngữ trong vòng ba mươi năm nay” (tr.6).

Ngay sau khi sách ra đời, nhà điểm sách Mạnh Phan đã nhận xét chi tiết: “Ba mươi năm văn học của Mộc Khuê Kiều Thanh Quế - Tân Việt xuất bản, giá 1$35. Đó là một cuốn sách nhỏ phác sơ sự tiến hóa của văn học nước ta kể từ 1914 đến 1941. Theo như “Lời nói đầu”, tác giả chỉ cốt “tính sổ văn học” mà lập “một bản thống kê văn học Quốc ngữ trong vòng ba mươi năm nay” (tr.6). Thoạt đầu tác giả nói đến Báo chí: từ Đông Dương tạp chí qua Nam phong, An Nam tạp chí, Đông Tây đến Sông Hương, Thanh Nghị, Tri Tân, v.v... Mục Thơ ca liệt kê các thi sĩ và nữ sĩ với cuộc xung đột giữa hai trường thơ mới và thơ cũ. Mục Tiểu thuyết được nói kỹ càng: từ làn sóng lãng mạn gây nên bởi Tố Tâm (1924) với Hồn bướm mơ tiên (1932) tới tiểu thuyết xã hội của Nguyễn Công Hoan, Lê Văn Trương và trinh thám tiểu thuyết của Thế Lữ, Cao Củng tới trường giang tiểu thuyết (roman fleuve) của Nhất Linh, Nguyễn Vỹ. Mục Phóng sự hơi đơn sơ. Các mục Kịch bản, Lịch sử, địa chí, Khảo cứu, nghị luận và Phê bình cùng Dịch thuật đáng cho ta chú ý. Cuối cuốn sách tác giả thêm trong phần Phụ lục: Một chuyện buồn cười ở làng báo Nam Kỳ ngày xưa, kể qua cuộc đắc thắng của Hốt Tất Liệt (!), Nguyễn Háo Vĩnh ở Công luận. Cuốn Ba mươi năm văn học tuy còn thiếu thốn và đơn sơ một chút, nhưng nó có thể giúp ích cho những ai cần đến tài liệu để viết những bài về văn học sử Việt Nam hiện thời. Ông Mộc Khuê trong mục Thơ ca đã tỏ ra có một thể văn lưu loát và trong mục Kịch bản đã tỏ ra một nhà phê bình biết suy nghĩ. Chúng tôi vui lòng giới thiệu cuốn sách của ông với độc giả trí thức của Tri Tân” (Tri Tân, số 88, tháng 3-1943; tr.11).

Về kết cấu, Kiều Thanh Quế chia thành 9 mục căn cứ vào các đặc điểm thể loại, thể tài, đề tài: Báo chí - Thơ ca - Tiểu thuyết - Phóng sự - Kịch bản - Lịch sử, địa chí - Khảo cứu, nghị luận - Phê bình - Dịch thuật - và cuối cùng là phần Phụ lục: Chuyện buồn cười ở làng báo Nam Kỳ ngày xưa. Với tư cách là người đương thời, người trong cuộc, Kiều Thanh Quế mô tả lại một cách ngắn gọn và sinh động hiện tình đời sống văn học đương thời, bao gồm từ đội ngũ tác giả tới đặc điểm tác phẩm và sự tiếp nhận của độc giả. Điều quan trọng hơn, ông dựng lại được không khí văn chương một thời, quá trình sinh thành gắn với mỗi hiện tượng tác gia - tác phẩm - thể loại tiêu biểu cũng như không hiếm trường hợp đã mau chóng trở thành lỗi thời, thậm chí tiêu vong, không còn mấy dư âm trong lòng bạn đọc. Trong xu thế giao lưu, gặp gỡ với phương Tây và quá trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc, chính Kiều Thanh Quế sớm nhấn mạnh rằng, ngay từ buổi sơ khai của nền văn học mới, văn học dịch đã đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển nền văn chương tiếng Việt và thể loại văn học. Và trong đời sống văn học hiện thời cần có thêm nhiều tác phẩm văn học dịch hơn nữa: “Văn dịch ở nước ta, trái với loại phê bình, có rất sớm. Các bực túc nho, khi văn học hãy còn phôi thai, đã bắt đầu dịch truyện Tàu, tiểu thuyết Tàu rồi - nhứt là các diễm tình tiểu thuyết của Từ Trẩm Á và những tiểu thuyết kiếm hiệp (...). Dịch văn Tây trước nhứt là hai ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh. Lối văn dịch thanh thoát của hai ông này, mãi đến nay, người trong nước hãy còn hoan nghênh (...). Sách dịch muôn năm! Sự phiên dịch muôn năm! Văn học quốc ngữ muôn năm!” (tr.101-118)...

Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam (NXB Đời Mới, H., 1943; 222 trang)

Ngay trong lời Phát đoan, Kiều Thanh Quế đã xác định rõ mục đích của công trình nghiên cứu có tính cách văn học sử này:

“Thế nào là hữu tâm với một nền văn học? - ví như văn học Việt Nam chẳng hạn.

Phải chăng là ngoảnh nhìn quá trình của nó, để ký nhận khả quan của hiện trạng, hoài bão đến cải cách và tiến bộ ở tương lai?

Nghĩ thế, chúng tôi mạo muội cầm bút biên tập bộ Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam. Nó là hình ảnh con đường diễn tấn của văn học nước ta từ buổi phôi thai đến thời cận đại.

Ghi chép hình ảnh ấy, chúng tôi đã phải:

1) Nhìn qua văn học Việt Nam quá khứ: đưa tầm mắt lướt trên phong trào văn chương chữ Hán, chữ Nôm ở nước ta ngày xưa;

2) Nhìn qua văn học Việt Nam hiện đại: nghiên cứu, nhận xét phong trào văn chương quốc ngữ ngày nay (...).

Còn sách này, riêng nó, có tính cách một cuộc trình bày những nhận xét mộc mạc của tác giả về Quá khứ, Hiện tại để mong lấy đó làm bực thang nói đến Tương lai của văn học Việt Nam. Những nhận xét khả dĩ giúp chúng tôi nghiên cứu văn học nước nhà qua bao nhiêu biến thiên, chi phối bởi các cuộc cách mệnh giữa bút lông và bút sắt - hai đại biểu chính của văn học Tàu và văn học Pháp, - nó đẻ ra văn học Quốc ngữ ngày nay.

Những biến thiên của các cuộc cách mệnh ấy lần lượt xảy ra theo một trình tự lịch sử, bắt nguồn ngay trong hoàn cảnh xã hội (...).

Công việc nhận xét cuộc tiến hóa văn học Việt Nam trải qua nhiều ảnh hưởng của văn học ngoại quốc, sau này sẽ có lắm nhà làm văn học sử đại danh đảm nhận.

Công việc nhỏ mọn của chúng tôi bây giờ là chỉ nên chép lại từng chữ Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam trải qua hai nguồn Pháp học và Hán học, để tặng tất cả bạn đọc thân ái” (tr.5-14).

Trung thành với định hướng trên, Kiều Thanh Quế chia công trình biên khảo thành 6 thiên (trong mỗi thiên có nhiều tiết và mục nhỏ): Chữ Hán - Chữ Nôm - Chữ Quốc ngữ - Tại sao văn học Quốc ngữ chậm tiến bộ? - Văn hóa Đông- Tây và tinh thần học thuật Việt Nam - Đặc tính của Hoa văn và Pháp văn... Ngoài Kết luận, sách còn có phần Phụ lục gồm hai mục: Văn ngôn và bạch thoại, Cô Hồng Minh... Đương thời, nhà điểm sách Mạnh Phan tiếp tục có ý kiến biểu dương: “Đọc hết cuốn sách, tôi thấy tác giả đã tổn nhiều công khảo cứu. Và ở hầu hết các mục, tôi cảm thấy sự cố gắng của tác giả trong sự diễn đạt tư tưởng mình một cách minh bạch và gọn ghẽ. Thật là một cuốn sách có thể giúp cho những ai muốn biết tới sự tiến hóa của nền văn học nước nhà “qua bao nhiêu biến thiên, chi phối bởi các cuộc cách mệnh giữa bút lông và bút sắt. Cuốn sách của ông Kiều đã trình những “nhận xét mộc mạc về Quá khứ và Hiện tại”. Chúng ta cũng nên đọc cuốn đó để nhận xét chỉ các điều tác giả đã trình bầy mà mong vào nền văn học nước nhà một tương lai rực rỡ” (Tri Tân, số 107, tháng 8-1943, tr.21).

Xét trong mặt bằng chung, Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam quả thực đã đóng được vai trò phác thảo những đặc điểm cơ bản về tiến trình mười thế kỷ văn học dân tộc, đặc biệt đáng chú ý ở vấn đề giao lưu, tiếp nhận ảnh hưởng văn hóa - văn học nước ngoài và xu thế hiện đại hóa nền văn học chữ Quốc ngữ nửa đầu thế kỷ XX.

Đàn bà và nhà văn (NXB Tân Việt, H., 1943; 100 trang)

Đàn bà và nhà văn là tập sách thiên về biên dịch, chia thành ba chương chính. Chương thứ nhất Địa vị người đàn bà trong văn chương Đông - Tây, Kiều Thanh Quế khái quát ngắn gọn và đi đến khẳng định có sự hiện diện những bóng hồng trong văn chương thế giới cũng như Việt Nam: “Theo chiều gió Đông, gió Tây, tà áo lụa của người đàn bà, nhất là vào cận kim thời đại, luôn luôn phất phơ ở đô thành văn học... Trừ một ít loại văn chương rất ghét đàn bà - như nghiên cứu, phê bình - còn kỳ dư ở tác phẩm lệ thuộc những loại khác của danh sĩ, thi hào, ta đều cảm giác được bóng dáng của người đàn bà... Địa vị người đàn bà trong văn chương kể cũng to tát thay. Những bài thơ ít được ngâm ngợi, có lẽ là những bài thơ thiếu hẳn cái hơi hướm của một người đàn bà. Những cuốn tiểu thuyết kém độc giả nhất dễ thường là những cuốn không đả động đến người đàn bà. Cho nên trong văn chương Đông - Tây, đâu đâu cũng có ít nhiều bước kinh qua của người đàn bà (...). Văn chương Á Đông về cổ thời tuy ít chịu ảnh hưởng của người đàn bà nhưng chẳng phải là không có bóng dáng người đàn bà trong ấy (...). Trong Ngọc Hoa, Ngọc Kiều Lê, Chinh phụ ngâm, Thúy Kiều, Nhị độ mai, Phan Trần, Phương Hoa, Tống Trân, Nữ tú tài... của văn chương Việt Nam, người đàn bà đều có địa vị... Thơ văn của Tự Đức, Nguyễn Công Trứ, Yên Đổ, Chu Mạnh Trinh đều phát xuất vì một người đàn bà” (tr.3-6)... Chương thứ hai Những bà mẹ, những bà chị, Kiều Thanh Quế điểm danh vài trường hợp về những bà mẹ và người chị của bậc tài danh Goethe, Lamartine, Balzac, Chateaubriand, Ernest Renan đã có công nuôi dưỡng, nâng đỡ, chăm sóc tận tình các văn sĩ con em mình... Chương thứ ba Những bà vợ, những cô nhân tình - Nhà văn có nên lấy vợ không?- Ái tình có cần ích cho văn chương không? Kiều Thanh Quế đi vào lược thuật, dẫn giải muôn mặt những câu chuyện quan hệ giữa văn nhân và đàn bà, tình yêu và cảm hứng sáng tác, nguyên mẫu người đẹp và hình tượng nhân vật... Phụ họa với những chuyện tình ồn ào trong làng văn là phần phụ lục gồm 3 thiên tình sử tiêu biểu: Ái tình và thi sĩ: Nhà thi sĩ một bài thơ- Félix Arvers; - Thiên tình hận của Baudelaire; - Mối tình có một không hai giữa Dante và Béatrix.

Thi hào Tagore (Ký tên Nguyễn Văn Hai. NXB Tân Việt, H., 1943; 398 trang)

Ngay từ Lời nói đầu, Kiều Thanh Quế (Nguyễn Văn Hai) đã xác định rõ ràng: “Chúng ta phần nhiều đều là người của duy- lý luận (rationalisme). Chúng ta thật khó lòng mà thấu triệt được thơ ca và tư tưởng Tagore một cách dễ dàng... Riêng chúng tôi, chúng tôi sở dĩ yêu mến được Tagore - chớ vị tất đã thấu triệt nổi - là cũng nhờ các ông thầy ngoại quốc vỡ lòng cho. Các ông thầy ấy, phần nhiều là người Anh, người Pháp và có một ông người Ấn Độ Sushil Chandra Mitter, giáo sư tại trường Ripon College ở Calcuta viết sách bày giải cho chúng tôi những gì, nhất thiết ngày nay chúng tôi đều đem giới thiệu lại với độc giả thân ái. Chúng tôi chỉ làm việc của nhà giới thiệu thôi, chứ không phải phê bình hay nghiên cứu chi chi về Tagore cả!” (tr.10-11)... Lời dẫn trên đây và nội dung sách cho thấy cách làm của tác giả chủ yếu là dịch thuật và biên soạn lại, nhưng không thật rõ ông đã gia công, sắp xếp, thêm bớt đến đâu và theo nguồn tài liệu nào?

Về kết cấu, nội dung chính của sách được chia thành 5 phần: Thời kỳ Phục hưng của xứ Bengale - Sự thai nghén một thiên tài - Thơ Tagore (gồm hai chương, Quan niệm thơ Tagore trong thời hoa niên và Quan niệm thơ Tagore khi trở về già) - Tư tưởng Tagore (gồm 5 chương: Thế nào là sự sùng bái nhân loại siêu tuyệt? - Người và vũ trụ - Người và Thượng đế - Người và người - Đối với văn minh Tây phương) - Hòa Bình viện. Ngoài ra, sách còn có mục Tham khảo thơ loại gồm các mục Tác phẩm Tagore viết bằng tiếng Bengali - Tác phẩm Tagore viết bằng Anh văn - Bản dịch Pháp văn tác phẩm Tagore - Một ít tác phẩm biên tập về Tagore và cuối cùng là bài bạt bằng thơ của Nguyễn Thiên Thu gồm tới 18 khổ thơ...

Nhìn chung, tập sách giới thiệu “Nhà đại biểu văn hóa Á Đông” với nguồn tư liệu phong phú, nội dung chuyên sâu và một cấu trúc thực sự hệ thống, khoa học. Sách vừa in ra đã được Mạnh Phan đánh giá cao: “Thi hào Tagore của Nguyễn Văn Hai giá 4$80 do Tân Việt xuất bản. Sách dày 400 trang, bìa in hai màu và cách trình bày có màu sắc đặc biệt Á Đông. Nội dung cuốn sách chia làm năm phần (...). Sách viết rất công phu và dày công khảo cứu: đáng khen. Tác giả đã dùng một phương pháp rành mạch phân tích thơ Tagore để cố hiểu nhà đại thi hào ấy của Ấn Độ. Nhiều tài liệu của tác giả phần nhiều chưa ai nói đến bằng Quốc văn. Tác giả đã đọc được nhiều bản dịch thơ Tagore bằng Pháp văn nên thường dẫn chứng để độc giả dễ hiểu. Thật là một cuốn sách dày có thể khiến độc giả thấu rõ tâm hồn huyền bí và cao cả của Tagore. Chúng tôi xin vui lòng giới thiệu cùng bạn đọc và mong ông Nguyễn Văn Hai sẽ được giới trí thức hoan nghênh” (Tri Tân, số 97, tháng 5-1943; tr.23).

Học thuyết Freud (Ký Tô Kiều Phương. NXB Tân Việt, H., 1943; 150 trang)

Trên thực tế, đây hoàn toàn là công trình dịch thuật một tác phẩm nghiên cứu của Stefan Zweig (?-1942) về học thuyết Tâm phân học của Sigmund Freud (1856-1939).

Sau phần viết “Thay lời tựa” ngắn gọn của chính tác giả với nhan đề Từ Zweig đến Freud, ngoài Lời nói đầu và Kết luận, sách được chia thành 8 chương, trong đó kết hợp cả mô tả tiểu sử đến quá trình phát triển tư tưởng cũng như những khía cạnh đặc sắc trong học thuyết của Freud: Một tài năng xuất hiện - Bức chân dung - Bước đầu - Cõi vô thức - Chiêm bao - Kỹ thuật của Phân tâm học - Quan niệm tình dục - Buổi tàn niên. Có thể xác định đây là một trong những tài liệu đi đầu trong việc giới thiệu một cách hệ thống học thuyết Freud và là minh chứng ghi nhận thực tế hiện tượng “tiếp xúc đồng đại”, “tiếp nhận đồng đại” về văn hóa giữa Việt Nam và thế giới đương đại, hiện đại...

*

Điều đáng ngạc nhiên khi tiếp xúc trở lại các công trình biên khảo, nghiên cứu, phê bình, đọc sách và tranh luận cách ngày nay đã dư nửa thế kỷ, có thể thấy Kiều Thanh Quế (cũng như thế hệ văn nhân đương thời) có vốn kiến văn cổ kim Đông - Tây sâu rộng và đặc biệt có thể tiếp thu, tiếp nhận, cập nhật với các tên tuổi, các trường phái lý luận và công trình nghiên cứu tiêu biểu nhất thời bấy giờ. Bên cạnh thế hệ những Boileau (1636-1711) với phê bình coi trọng lý trí, chân lý và tự nhiên, Villemain (1790-1867) và Sainte-Beuve (1804-1869) với phê bình tiểu sử và lịch sử - xã hội, Taine (1828-1893) với phê bình chủng tộc - địa lý - thời đại, Brunetière (1849-1907) với phê bình tiến hóa luận... mở rộng tới phê bình chiết trung của Bossauet và Faguet, phê bình trực cảm của Anatole France và Jules Lemaitre... Kiều Thanh Quế còn nhắc đi nhắc lại những F. Baldensperger, S. Freud, S. Zweig, E. Zola, S. Guitry, R. Rolland, H. Barbusse, L. Tolstoi, M. Gorki, R. Tagore, Cô Hồng Minh, Trần Độc Tú, Hồ Thích, Lỗ Tấn... Tất cả những điều đó cho thấy tầm quan sát rộng lớn, khả năng cập nhật thông tin cũng như mức độ vận dụng, chuyển hóa nguồn tri thức lý luận mới mẻ trong điều kiện xã hội đương thời của Kiều Thanh Quế vào phê bình văn học nước nhà.

Đọc lại các cuốn sách của Kiều Thanh Quế như Phê bình văn học, Ba mươi năm văn học, Cuộc tiến hoá văn học Việt Nam..., mặc dù theo ông thực chất của công việc này là “tính sổ văn học” để độc giả có một cái nhìn tổng quát về một năm, một thời kỳ hay lịch sử mười thế kỷ văn học, nhưng thực chất Kiều Thanh Quế đã đi xa hơn trong dự định muốn phác thảo một lịch trình diễn tiến văn học dân tộc. Ông không làm công việc như Lê Thanh là phỏng vấn trực tiếp các nhà văn, mà ngược lại, đặt các nhà văn vào từng khuynh hướng, từng thời kỳ văn học và tìm hiểu nhà văn trong mối quan hệ với toàn cảnh của đời sống văn học. GS Nguyễn Văn Trung cho rằng: “Kiều Thanh Quế chưa hẳn là một xây dựng có hệ thống văn học sử, mà chỉ là một phác họa những nét lớn của một lịch trình diễn tiến văn học”(13). Những công trình của Kiều Thanh Quế ra đời trong bối cảnh phê bình văn học Việt Nam với tư cách là một khoa học đã phát triển tương đối thuần thục, nhiều tác giả có tham vọng tổng kết cả một giai đoạn văn học hiện đại như Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, thì Kiều Thanh Quế lại chọn thêm cho mình cả địa hạt văn học quá khứ. Qua ngòi bút của ông, cơ hồ như chính ông đã phát hiện ra sự quá độ từ nền văn học kiểu cũ sang nền văn học kiểu mới. Kiều Thanh Quế cho thấy rằng sở dĩ có sự chuyển biến lớn lao đó là có nguyên nhân của các yếu tố tạo nên đời sống văn học của một thời kỳ: sự có mặt của người Pháp mang theo văn hoá phương Tây; sự xuất hiện của chữ quốc ngữ đang thay thế dần chữ Hán; ngoài ra, hệ thống báo chí, nhà xuất bản ngày càng phát triển mạnh và có vai trò rất lớn trong quá trình hiện đại hoá văn học đầu thế kỷ XX.

*

Những trang viết của Kiều Thanh Quế cho thấy rằng nhiệm vụ của người làm phê bình văn học trước hết cần chú ý đến các sự kiện trong đời sống văn học và cố gắng tác động, thúc đẩy cho văn học phát triển. Việc các nhà phê bình văn học như Kiều Thanh Quế thời bấy giờ chờ đón và vui mừng giới thiệu những đứa con tinh thần của nhà văn trên báo chí, chú ý tổng kết từng thể loại, từng phong trào, từng năm, từng thời kỳ, qua bước chuyển của đời sống văn chương, buộc những ai làm văn hoá, văn học hôm nay đáng phải lưu tâm suy nghĩ. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, đây đó trong một số chuyên luận ít nhiều có nhắc đến tác giả này thì cũng chỉ là những dòng ngắn ngủi như chính cuộc đời của ông. Kiều Thanh Quế ra đi ôm theo mối nợ cuộc đời và văn chương, bỏ lại bao nhiêu dự định và hoài bão cống hiến cho văn học nước nhà. Để tưởng nhớ người có công buổi đầu của nền phê bình văn học bằng một sưu tập tác phẩm đến lúc này thực sự là việc làm cần thiết...

Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, 1998-2011

PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn - ThS. Phan Mạnh Hùng

_______________

(1) Dẫn theo Nguyễn Huệ Chi: Kiều Thanh Quế, trong sách Từ điển văn học (Bộ mới). Nxb. Thế giới, H., 2004, tr.747-749.

(2) Hoài Anh: Kiều Thanh Quế - nhà phê bình văn học hiếm có của Nam Bộ, trong sách Chân dung văn học. Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2001; tr.923-939.

(3) Đoàn Lê Giang: Văn học Quốc ngữ Nam Bộ từ cuối thế kỷ XIX đến 1945 - thành tựu và triển vọng nghiên cứu. Nghiên cứu Văn học, số 7-2006; tr.3-15.

(4) Có tài liệu ghi Kiều Thanh Quế sinh năm 1919. Một số tài liệu ghi ông mất năm 1948. Đây chúng tôi căn cứ theo các nguồn tư liệu đã được ông Kiều Nguyên Trung (em ruột nhà văn Kiều Thanh Quế, cán bộ nghỉ hưu, hiện trú tại phường Phước Trung, thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) xác nhận.

- Xin xem Phan Mạnh Hùng: Kiều Thanh Quế - nhà nghiên cứu, phê bình văn học. Nghiên cứu Văn học, số 3-2007, tr.62-67.

(5) Bằng Giang: Mảnh vụn văn học sử. Nxb. Chân Lưu, Sài Gòn, 1974; tr.178.

(6) Bằng Giang: Mảnh vụn văn học sử. Sđd, tr.176.

(7) Phạm Thế Ngũ: Văn học Việt Nam giản ước tân biên, Quyển 3. Tái bản. Nxb. Đồng Tháp, 1996; tr.667.

(8) Ngọc Nhơn: Cuộc phiêu du trong vườn văn học Nam Kỳ năm mới qua, Đại Việt tạp chí, số 32, Lerfevrier 1944; tr.10.

(9) Theo Nguyễn Mẫn: - Kiều Thanh Quế - một nỗi oan khuất. Văn nghệ Trẻ, số 8, ra ngày 20-3-2003; tr.5+11+15.

- Kiều Thanh Quế - trăng buồn lại sáng. Văn nghệ Trẻ, số 9, ra ngày 27-3-2003; tr.5+13+15.

(10) Xin xem: - Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế: Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Tái bản. Nxb. Văn hoá, H, 1996; tr.303.

- Hồ Song Quỳnh: Một số nhân vật lịch sử Bà Rịa - Vũng Tàu, Tập I. Nxb. Thanh Niên, H, 2000; tr.99-105.

- Nguyễn Huệ Chi: Kiều Thanh Quế, trong sách Từ điển văn học (Bộ mới). Nxb. Thế Giới, H, 2004; tr.747-749...

(11) Xin xem: - Kiều Thanh Quế, trong sách Tạp chí Tri Tân (1941-1945) (Trịnh Bá Đĩnh - Nguyễn Hữu Sơn tuyển chọn, giới thiệu). Nxb. Hội Nhà văn, H, 1999, tr.149-218...

(12) Nguyễn Đình Vĩnh: Kiều Thanh Quế - nhà phê bình sớm quan tâm đến mảng văn học dịch. Tạp chí Văn, Tp. Hồ Chí Minh, số 5, tháng 5+6-2002; tr.127-129.

(13) Nguyễn Văn Trung: Lược khảo văn học, Quyển III (Nghiên cứu và phê bình văn học). Nam Sơn Xb, Sài Gòn, 1968; tr.136.

 

Ngun: http://vanhocquenha.vn/view.asp?n_id=4275&n_muctin=10

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63673181
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
16899
17595
63673181

Thành viên trực tuyến

Đang có 435 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website