Giáo sư Ngô Bảo Châu phát biểu trong hội thảo cải cách giáo dục đại học sáng 31.7 ( Ảnh: Tiền Phong). “Chế độ thu nhập của giảng viên đại học Việt Nam hiện nay phức tạp, thiếu minh bạch, cơ chế cứng nhắc. Với thang lương hiện tại, mức lương cơ bản của giảng viên đại học không đảm bảo cho họ một mức sống trung lưu trong xã hội. Trong mọi hệ thống xã hội, mức sống trung lưu cao cho cán bộ giảng viên nghiên cứu luôn là điều kiện cần cho một hệ thống giáo dục tốt”.
Đó là nhận xét của GS Ngô Bảo Châu tại hội thảo cải cách giáo dục đại học do nhóm Đối thoại giáo dục phối hợp với Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM tổ chức sáng 31.7.
Đồng thời, theo GS Ngô Bảo Châu, mức lương của một người giảng dạy đại học thể hiện rõ nét ưu tiên của xã hội đối với giáo dục đại học. Để có thời gian nghiên cứu tốt thì ứng viên tuyệt đối cần thời gian tư duy và không bị ràng buộc bởi các vấn đề như “cơm áo gạo tiền”.
Mặc dù nhà nước có những chế độ ưu đãi riêng từ việc làm các đề tài nghiên cứu nhưng không đáng kể. Chế độ ưu đãi đó không giải quyết được vấn đề cơ bản, chỉ là giải pháp tình thế. Việc này thực chất phản ánh tình thế khó khăn của Việt Nam trong việc cải cách hệ thống tiền lương.
Việc cải cách chế độ thu nhập cho cán bộ nghiên cứu giảng dạy ở hệ đại học là một việc hệ trọng. Nếu không làm minh bạch thu nhập thì không thể có chính sách tích cực xây dựng đội ngũ nghiên cứu giảng dạy.
Bên cạnh đó, GS Ngô Bảo Châu còn cho rằng quy trình xây dựng đội ngũ giảng dạy khoa học đang đi ngược lại với các nước có nền giáo dục phát triển. Việt Nam đang tận dụng nguồn nhân lực là ứng viên địa phương để phát triển chức năng của mình. Phương thức cơ bản là bồi dưỡng sinh viên có năng lực để tập trung vào nguồn lực giảng dạy cho trường.
Trong khi đó, ở phương Tây rất hạn chế việc lựa chọn các ứng viên địa phương vào giảng dạy. Thay vào đó, các trường chủ động tìm kiếm các nguồn khác.
Quy trình tuyển chọn giảng viên ở Việt Nam còn nặng tính hành chính, không có đặc thù và cần được tháo gỡ. Việc bổ nhiệm giáo sư phải phụ thuộc vào một cơ quan cấp cao nhà nước. Nhà trường không được chủ động bổ nhiệm. Còn ở phương Tây nặng tính đặc thù và đặt nghiên cứu khoa học là tiêu chí hàng đầu. Việc bổ nhiệm giáo sư thực hiện tự chủ khoa học.
Đáng lưu ý, trong khi các nước phương Tây rất khuyến khích và không phân biệt giáo sư trong và ngoài nước đến làm việc và giảng dạy thì Việt Nam lại không có chính sách khuyến khích đó. Nhiều giáo sư ngoại quốc tự nguyện đến giảng dạy nhưng không nhận được sự đãi ngộ.
Các đề xuất để cải cách việc "xây dựng đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở các trường đại học Việt Nam" của GS Ngô Bảo Châu
1. quy trình tuyển chọn phải thống nhất cho tất cả các trường đại học trong cả nước nhằm tiến tới một thị trường tuyển dụng cán bộ nghiên cứu và giảng dạy thông suốt.
2. quyết định của Hội đồng tuyển dụng cần được hiệu trưởng phê duyệt. Quyết định tuyển dụng và lý lịch khoa học của người được tuyển dụng phải công khai minh bạch.
3. lấy việc bổ nhiệm giáo sư làm trọng tâm cho việc thực hiện tự chủ khoa học của các trường đại học. Nhận rõ giáo sư là một vị trí công tác chủ chốt chứ không phải là một phẩm tước danh dự.
4. nới lỏng hệ thống thu nhập: Bên cạnh thang lương thông thường theo thang lương công chức thì cán bộ giảng dạy có thể được hưởng thu nhập đặc biệt từ nguồn trong và ngoài ngân sách, do trường chủ động quyết định.
5. bên cạnh kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất của trường thì cần phải chuẩn bị kinh phí để xây dựng đội ngũ nghiên cứu và giảng dạy. Thiết lập cơ chế và chính sách để “tận dụng nhân lực thời vụ cao cấp”.
6. Lấy thành tích xây dựng và nâng cao chất lượng của đội ngũ nghiên cứu và giảng dạy để đánh giá năng lực lãnh đạo của trường đại học. Lấy thu nhập của cán bộ làm một tiêu chí để đánh giá, xếp hạng các trường đại học.
Nguồn: http://motthegioi.vn/the-gioi-hoc/dien-dan-at/gs-ngo-bao-chau-thu-nhap-cho-gv-dai-hoc-la-mot-viec-he-trong-91053.html