Sứ mệnh và triển vọng của ngành học Ngữ văn thống nhất

(Trần Thanh Đạm, In trong "Những vấn đề ngữ văn" (Tuyển tập 40 năm nghiên cứu khoa học của Khoa VH&NN) 

     1. Trong các ngành (hay các bộ môn – disciplines) khoa học xã hội và nhân văn thì ngữ văn là ngành vừa giàu tính nhân văn vừa giàu tính xã hội nhất. Tôi không trở lại vấn đề phân biệt và tương đồng giữa hai khái niệm khoa học xã hội và khoa học nhân văn, một bên thiên về xã hội tức là các mối quan hệ giữa những con người, một bên thiên về con người với tư cách là thành viên của xã hội. Chỉ biết rằng khoa học về ngôn ngữ và văn chương nghiên cứu một loại hiện tượng bao gồm cả hai phương diện trên. Vì vậy, không những ngày xưa mà cả ngày nay và ngày mai, ngữ văn vẫn còn là một ngành học chiếm vị trí quan trọng, nếu không phải là hàng đầu, trong nghiên cứu cũng như giáo dục về khoa học xã hội và nhân văn. Sang thế kỷ 21, tôi tin rằng vị trí đó không hề giảm đi mà còn tăng lên. Dĩ nhiên, nó phải đổi khác và đổi mới theo cùng với bước tiến của lịch sử và thời đại. Tác giả bài viết này muốn sơ bộ hình dung sự chuyển biến có thể và cần phải có của ngành học này, sứ mệnh và triển vọng của nó khi bước vào thế kỷ 21, trước hết trong phạm vi đất nước Việt Nam, tại các trường trung học và đại học của chúng ta.

Nói một cách giản dị, ngữ văn theo nghĩa rộng nhất là ngành học về mọi hiện tượng có liên quan đến ngôn ngữ và văn tự (tức tiếng nói và chữ viết) của con người trong xã hội. Định nghĩa này, quan niệm này tất nhiên có thể gây ra phản ứng nhất định từ phía các nhà ngữ học cũng như các nhà văn học. Từ mỗi phía họ sẽ nói: đó là lĩnh vực của chúng tôi. Nhưng đây chính là dụng ý của tôi. Bởi vì cuộc tranh luận hay tranh chấp trên đây, nếu có, sẽ đi đến sự hòa giải, như R. Jakobson đã làm khi ông viết vào giữa thế kỷ này rằng: “Một nhà ngữ học không biết gì về chức năng thơ ca của ngôn ngữ và một nhà văn học thờ ơ với các vấn đề ngữ học và không am hiểu các phương pháp ngữ học thì hiển nhiên cũng đều lỗi thời như nhau”. Vì vậy, đối với văn học cũng như ngữ học thì sự liên kết, hội nhập khoa học đầu tiên phải là sự liên kết, hội nhập giữa hai ngành anh em, vốn có truyền thống, cội nguồn chung trong một tên gọi chung là ngữ văn học (philology).

Hiển nhiên, định nghĩa và quan niệm trên đây có thể ngược với đầu óc phân ngành hẹp hòi manh mún vốn rất ngoan cố ở nhiều người, song chính quan niệm rộng rãi như vậy mới bảo đảm cho sức sống lâu dài của ngữ học cũng như văn học hay ngữ văn học, bởi vì nó liên quan đến một đối tượng, một thực thể xã hội và nhân văn có tính cách phổ biến và vĩnh hằng của con người và xã hội. Còn xã hội và con người thì còn ngôn ngữ và văn học, còn vấn đề nghiên cứu và giáo dục ngữ văn, không bao giờ chấm dứt mà chỉ ngày càng khẩn thiết, càng gay gắt thêm mà thôi.

2. Ở Việt Nam, việc nghiên cứu, nhất là việc giáo dục ngữ văn đã có truyền thống và kinh nghiệm lâu dài. Trong khu vực văn hóa Đông Á và Hán học, trải qua hàng nghìn năm, việc học cơ hồ duy nhất là việc học văn, tức là mọi giá trị trí tuệ và tinh thần được ghi chép lại thành văn, tức là ngôn ngữ dưới dạng viết. Di tích của lối học này còn lại trong châm ngôn: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Người đi học được gọi là văn nhân. Khác với học văn chỉ có học võ, ngoài ra là học nghề (nghề cày, nghề thợ, nghề buôn,...). Ở phương Tây, sự học tuy có rộng hơn song cũng lấy văn (cổ ngữ Hy Lạp – La Tinh) làm nền tảng. Di tích của lối học này còn lại trong khái niệm văn khoa – Lettres hay nhân văn – Humanités; giáo dục Anh – Mỹ thì gọi là Arts hay Liberal ArtsHumanities, phân biệt với học khoa học và kỹ thuật – SciencesTechnologies. “Giáo dục đại cương” của các trường đại học theo mô hình Anh – Mỹ ngày nay vẫn lấy Liberal ArtsHumanities làm nòng cốt, trong đó việc học ngôn ngữ và văn chương là thành phần rất quan trọng. Như vậy, ở phương Đông cũng như phương Tây, từ thời cổ đại sang thời trung đại, học văn vẫn là trung tâm của sự học. Sang thời cận đại và hiện đại, dường như khoa học kỹ thuật đã chiếm vị trí trung tâm này, đẩy lùi sự học văn sang phía sau. Kỳ thực, nếu quan sát kỹ, chúng ta sẽ nhận thấy mọi sự chuyển biến của giáo dục đều bắt đầu với sự chuyển biến của học văn. Ở Việt Nam trong thế kỷ 20, từ học Hán văn sang Pháp văn rồi đến Việt văn, từ học Trung văn sang Nga văn rồi sang Anh văn... sự chuyển đổi như vậy không phải là ngẫu nhiên, mà có động lực bên trong của nó, trong khi cái học về khoa học kỹ thuật có thể nói là vẫn y nguyên, hoặc biến chuyển theo đường thẳng chứ không theo đường vòng xóay hay đường gấp khúc. Nhìn ra thế giới cuối thế kỷ 20, phải chăng đang nổi lên bề mặt, rộn ràng sôi nổi nhất vẫn là sự học văn. Phải chăng sự học hiện đại trong nhận thức và kinh nghiệm của nhiều người và ở nhiều nước, trước tiên là phải bắt đầu bằng ngọai ngữ, trước tiên là Anh văn. Sự truyền bá Anh văn dưới mọi biểu hiện của nó phải chăng đang như làn sóng ngập tràn thế giới. Bên cạnh đó là Pháp văn, Hoa văn, Nga văn. Một phong trào như Francophonie cần phải được tìm hiểu một cách sâu sắc các nguyên cớ sâu xa của nó. Trong khi đó, ngấm ngầm song rất có ý nghĩa là phong trào học các ngôn ngữ của các nước đang phát triển tại các nước phát triển, phong trào học các ngôn ngữ “bé” từ các con người thuộc ngôn ngữ “mạnh”.

Ở Mỹ, có đề nghị không dùng khái niệm Foreign Languages để nhấn mạnh tính bình đẳng của các ngôn ngữ được học trong các nhà trường và bởi các sinh viên và các học giả. Không phải ngẫu nhiên mà các thành tựu mới nhất của khoa học kỹ thuật thông tin điện tử đều tập trung ứng dụng vào vấn đề học tiếng, học văn. Bản thân ngữ học và văn học sau nhiều cuộc phiêu lưu về lý thuyết cao xa như chủ nghĩa cấu trúc, chủ nghĩa hình thức,... lại quay về những lý thuyết và phương pháp gần với việc học tiếng, học văn của đại đa số con người: ngữ dụng học, ngữ học chức năng, ngữ học văn bản. Các máy tính điện tử hiện đại nhất ngày nay ngày càng đi sâu vào việc giúp cho con người xử lý các ngôn bản, văn bản một cách thuận tiện nhất, nhanh chóng nhất, chính xác nhất. Tất cả các điều trên chứng tỏ sự học văn cũng như môn văn học theo quan niệm rộng như trên là hợp lý và sự học ấy, môn học ấy có ý nghĩa phổ biến, vĩnh hằng, đồng thời có tính cấp thời, hiện đại.

3. Tuy sự học ở nước ta có truyền thống lâu dài, song sự học Quốc văn hay Việt văn thì lịch sử lại rất ngắn, trên dưới một nửa thế kỷ. Thời phong kiến, từ thế kỷ 19 trở về trước, tuy có những thời kỳ sáng tác thơ văn Nôm khá rực rỡ song sự giáo dục văn Nôm không hề được đặt ra trong nhà trường. “Nôm hay mà chữ dốt” như Trần Tế Xương chỉ hỏng thi liên tục, “ba khoa chưa khỏi phạm trường quy”. Đổi bút lông sang bút sắt, đổi học Hán văn sang học Pháp văn thì địa vị của văn Quốc ngữ so với Hán Nôm cũng không khá hơn bao nhiêu. Dù sáng tác thơ văn Quốc ngữ  phồn vinh khác thường trong nửa đầu thế kỷ 20, song trong nhà trường, Quốc văn Annamite cùng với Hán tự cùng ở địa vị hẩm hiu, bị coi rẻ như nhau, chỉ được dạy ở các trường “bản xứ” và không qua cấp cao đẳng tiểu học (tức trung học cơ sở bây giờ). Vì vậy, lịch sử môn văn chính thức chỉ tính từ  Cách mạng Tháng Tám 1945, khi môn văn trở thành một môn học chính mà tiếng Việt cũng trở thành ngôn ngữ chính thức trong nhà trường cũng như của nhà nước. Lẽ dĩ nhiên, một lịch sử ngắn ngủi  như vậy hẳn chưa tích lũy được bao nhiêu thành tựu và kinh nghiệm.

Thời phong kiến, khi chữ Hán chiếm địa vị thống trị thì việc học chữ Nôm, làm văn Nôm được giới trí thức xem như là công việc nhằm giữ gìn cội nguồn, bản sắc, tinh thần dân tộc, và quả thực chữ Nôm, văn Nôm đã đóng được vai trò lịch sử đó. Sang thời Pháp thuộc, khi chữ Pháp thay chữ Hán thì chữ Quốc ngữ lại thay chữ Nôm đóng vai trò lịch sử vẻ vang nói trên. Trong hoàn cảnh bị coi khinh, tiếng Việt, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ càng thể hiện tinh thần quật cường, điều này giải thích tại sao lại có những thành tựu rực rỡ về văn chương tiếng Việt như Truyện Kiều đầu thế kỷ 19, như Thơ Mới đầu thế kỷ 20. Không nên xem đó là sản phẩm của chế độ phong kiến hay chế độ thực dân, mà cần xem đó là tinh hoa của dân tộc phát tiết ra trong hoàn cảnh bị phong kiến thực dân đè nén, là nơi gửi gắm và giữ gìn tinh thần dân tộc, tình cảm yêu nước của người Việt Nam, là ánh lửa thắp sáng niềm tin và tình yêu trong đêm dài khổ nhục để hướng đến ngày mai tươi sáng. Chính vì thế mà thơ văn trong các thời kỳ đó mới thắm thiết, mới hay đến như vậy. Nhưng dù sao, thơ văn thời kỳ đó chỉ là những tiếng kêu bi thương của những người bị mất quyền, bị mất nước. Khúc tuyệt diệu là những lời tuyệt vọng (Les plus desespirés sont les chants des plus beaux. A.de Musset).

4. Với Cách mạng Tháng Tám, dân Việt có quyền độc lập, tự do thì tiếng Việt lên ngôi bá chủ trong giáo dục nhà trường và công việc nhà nước, một địa vị mấy nghìn năm chưa hề có. Trong một thời gian ngắn, dù trải qua chiến tranh cứu nước, giữ nước, tiếng Việt đã tỏ ra vững vàng trong mọi công cuộc nội chính, ngoại giao. Trong nhà trường, từ tiểu học đến đại học, mọi môn học đều được dạy bằng tiếng Việt. Tiếng Việt ngoài là công cụ để sáng tác văn chương nghệ thuật còn là công cụ của nghiên cứu khoa học kỹ thuật, kể cả các ngành tiên tiến nhất, cao siêu nhất, tinh vi, trừu tượng nhất. Mấy nghìn năm giao tiếp với tiếng Hán và các ngôn ngữ phương Đông, sau đó hàng trăm năm giao tiếp tiếng Pháp và các ngôn ngữ phương Tây, trong cuộc vật lộn để sinh tồn, tiếng Việt có một tiềm năng tiếp nhận và đồng hóa to lớn, tự làm giàu, tự đổi mới rất nhanh. Ngày nay, có thể nói rằng: mọi khái niệm mới mẻ nhất, mọi tri thức sâu xa nhất, mọi tư tưởng phức tạp nhất đều có thể tìm thấy sự diễn đạt minh xác trong tiếng Việt. Có thể nói rằng ngày nay tiếng Việt đã kiêm toàn trong bản thân nó tính súc tích, sâu sắc vốn có của ngôn ngữ phương Đông đồng thời với tính uyển chuyển, tinh tế của ngôn ngữ phương Tây, tiềm năng và triển vọng phát triển của nó còn rất rộng lớn.

Tuy nhiên, trên đây chỉ là mặt phải của tấm huân chương. Mặt phải ấy chủ yếu là ở tiềm năng và triển vọng, song mặt trái lại ở thực trạng và thực tiễn. Hơn nửa thế kỷ dạy và học tiếng Việt (và môn văn) trong nhà trường, nếu xét rộng rãi thì chúng ta chỉ mới thành công có 50%, trong đó có các thành tích đã kể đến bên trên. Có thể kể thêm: tiếp tục truyền thống là nơi cất giữ tinh thần dân tộc, tình cảm yêu nước, tiếng Việt và môn văn hơn 50 năm qua đã thực hiện rất tốt sứ mệnh rèn luyện về tinh thần, đạo đức, tư tưởng cho con người Việt Nam, những người anh hùng trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc của thế kỷ 20. Họ đã chiến đấu, hy sinh và chiến thắng với khúc hát, lời thơ tiếng Việt trong lòng và trên môi, chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng đến với tâm hồn họ qua con đường của tiếng Việt yêu quý. Từ những người bộ đội thời chống Pháp mới thoát nạn mù chữ, chỉ biết làm ca dao báng súng, đến những chiến sĩ thời đánh Mỹ biết làm thơ, viết truyện, viết những thiên trường ca, tiểu thuyết có thể xếp ngang với các tác phẩm đặc sắc của văn học thế giới đương đại, tiếng Việt tự  mình có thể đào tạo những bậc tài năng, đồng thời những vị anh hùng. Có thể tự hào về điều đó. Tuy nhiên, mặt khác, trong cuộc sống hàng ngày hiện nay của chúng ta, tiếng Việt vẫn còn xiết bao thô tháp và vụng về. Lỗi không ở tiếng Việt mà của người dùng tiếng Việt. Hàng ngày, hãy lắng nghe một số cán bộ và nhân dân ta trên các phương tiện truyền thông, kể cả những người có học hay có chức quyền, nói và viết bằng một thứ tiếng Việt nghèo nàn, xám xịt, lổn nhổn từ sai, lủng củng câu sai, phí rất nhiều lời để nói được rất ít ý. Hàng năm, nhà trường và học sinh chúng ta sản xuất ra trong các kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh hàng vạn bài văn khuôn sáo, nhàm chán, viết bằng một thứ ngôn ngữ rập khuôn, nhợt nhạt không có sức sống, với một lối chữ viết và hành văn chứa đựng biết bao nhiêu là lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp, tu từ. Chỉ cần hàng năm tiếp xúc với hàng vạn bài thi như vậy thì ta có thể lo lắng biết bao cho trình độ tư duy và trí tuệ Việt Nam. Bởi vì đó là kết quả của 12 năm học tiếng Việt ở trường phổ thông. Các lò luyện thi môn văn càng làm cho tình hình tệ hại thêm. Có thể thấy ở hiện trạng này sự thất bại của việc dạy văn, học tiếng trong nhà trường của chúng ta, một sự thất bại đau đớn, ê chề không chỉ của công việc giáo dục ngữ văn, mà còn của toàn bộ ngành khoa học ngữ văn. Dạy cho học sinh Việt Nam nói đúng, viết đúng tiếng Việt vẫn còn là một nhiệm vụ nặng nề mà giáo dục và khoa học ngữ văn chưa giải quyết được trong thế kỷ 20. Đó là 50% thất bại của nó. Đó cũng là di sản của nó để lại cho thế kỷ 21.

5. Tôi thử phác qua vài sứ mệnh của ngành ngữ văn thế kỷ 21:

5.1. Ưu tiên số một là giải quyết cho được sứ mệnh giáo dục ngữ văn ở bậc phổ thông, cụ thể là phải đảm bảo việc dạy tiếng Việt và môn văn cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 đạt kết quả vững chắc: nói đúng, viết đúng tiếng Việt văn hóa, trên cơ sở đó nắm vững tri thức về văn chương Việt Nam từ  cổ, trung đại đến cận, hiện đại với tư cách là những giá trị nghệ thuật ngôn từ ưu tú của dân tộc, cốt lõi của truyền thống và bản sắc văn hóa Việt Nam. Để giải quyết nhiệm vụ này của khoa học ngữ văn Việt Nam, một nhiệm vụ mà đến cuối thế kỷ 20 nó làm được đôi phần song còn mong manh, chưa vững chắc, nhất là còn phân tán, lộn xộn, chưa nhất trí và nhất quán, cần có sự hợp tác rộng rãi và chặt chẽ giữa các nhà ngữ văn với các nhà giáo dục.

5.2. Để đạt được sứ mệnh số một trên, qua kinh nghiệm của thế kỷ 20, cần thúc đẩy toàn bộ khoa học ngữ văn lên một thời kỳ phát triển mới. Toàn bộ khoa ngữ văn học phải triển khai và tập trung giải quyết cho được sự lý giải khoa học về tiếng Việt, từ ngữ âm, chính tả, chữ viết, cho đến từ vựng, ngữ pháp, tu từ theo ngữ pháp chức năng, ngữ pháp văn bản, ngữ dụng học như hiện đang tiến hành. Chúng ta hy vọng sang thế kỷ 21, những thành tựu mới của ngữ học sẽ làm cho việc dạy và học tiếng Việt trong nhà trường có hiệu quả hơn con đường quanh quẩn hiện nay. Khoa văn học tiếp nối các thành tựu hiện nay chắc chắn sẽ giải quyết được về lý luận và phương pháp cái cơ chế phân tích và lĩnh hội các tác phẩm văn chương từ nhỏ đến lớn theo hướng thi pháp học hiện đại, vượt qua chặng đường mò mẫm hiện nay, đồng thời cũng làm sáng tỏ tiến trình phát triển của văn chương Việt Nam trong lịch sử dân tộc, không chỉ đối với các nhà khoa học mà đối với đông đảo người Việt Nam có trình độ học vấn phổ thông, xem đó là hành trang văn hóa tối ưu của mọi công dân. Việc này cũng nằm trong tầm tay của các nhà văn học Việt Nam nếu họ tập trung sức cố gắng vào những chương trình nghiên cứu có mục tiêu thống nhất, không để bị phân tán và chia rẽ về quan điểm và trường phái khác nhau. Dĩ nhiên, sang thế kỷ 21, sự thống nhất, có thể nói là hội nhập, giữa ngữ học và văn học phải được thực hiện, thậm chí cao hơn phương hướng mà R.Jakobson đã vạch ra.

5.3. Những điều trên đây chỉ đạt được nếu công tác đào tạo và nghiên cứu về ngữ văn bậc đại học được đổi mới cũng theo phương hướng đó. Hiện tại, ngôn ngữ và văn học, ngữ học và văn học trong giáo dục đại học đại học còn tiếp tục bị biệt lập, tách rời, ít có dấu hiệu của sự liên kết, hội nhập. Những giáo trình và công trình liên ngành ngữ văn còn rất hiếm hoi. Chúng ta đều biết, để giải quyết những vấn đề thực tiễn, khó khăn, phức tạp cần phải có một trình độ lý thuyết khoa học cơ bản cao, như một nhà khoa học đã từng nói: “Không gì thực tiễn bằng một lý thuyết đúng”. Khoa học ngữ văn phải tiến lên một trình độ lý thuyết cao thực sự, bằng cách đi sâu vào nghiên cứu di sản ngôn ngữ – văn chương – văn hóa dân tộc, tinh thông kho tàng Hán –Nôm, ngôn ngữ văn chương dân gian của các dân tộc trên đất nước ta, xóa hết  các điểm trắng trên bản đồ di sản văn chương dân tộc qua các thế kỷ, kể cả thế kỷ 20 đầy sóng gió và thành tựu, một chặng đường vẻ vang nhất về nhiều phương diện, một đường băng dài cho dân tộc cất cánh vào tương lai. Ngoài ra, ngữ học cũng như văn học Việt Nam phải dựa trên tinh thần giao lưu và hội nhập quốc tế của ngữ học so sánh cũng như văn học so sánh, thực hiện sự tiếp xúc và đối thoại với ngôn ngữ và văn chương các nước từ Đông đến Tây, thâu hái tinh hoa và trí tuệ từ bốn phương để tài bồi cho cội nguồn và bản sắc của mình. Về lịch sử cũng như về địa lý, Việt Nam ta có những điều kiện để mở cửa ra bốn phương và năm châu. Cuối thể kỷ 20 chúng ta đã thấy khởi đầu cảnh tượng hội ngộ văn hóa đó. Chắc chắn rằng sang thế kỷ mới, tình hình càng tiến xa hơn. Có tinh thông ngoại ngữ mới vững vàng bản ngữ, có am hiểu văn chương thế giới mới sáng tỏ văn chương dân tộc. Chưa bao giờ chúng ta có điều kiện thuận lợi để học xưa vì nay, học ngoài vì trong  như thời gian trước mắt. Việc đào tạo về ngôn ngữ và văn học cho sinh viên ở các trường đại học Việt Nam trong thế kỷ 21, trước hết là các ngành sư phạm, xã hội và nhân văn, phải có sự đổi mới hết sức mạnh mẽ và thông minh mới đáp ứng được yêu cầu mới và hòa nhập vào triển vọng lớn của đất nước và thời đại. 
 
 

Thông tin truy cập

63682374
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
2666
23426
63682374

Thành viên trực tuyến

Đang có 747 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website