Vĩnh biệt thầy Lê Tiến Dũng

Tôi vào học Khoa Ngữ văn, ĐH Tổng hợp Tp HCM khi Thầy Lê Tiến Dũng còn trẻ, đang độ tuổi tràn trề sinh lực. Thầy điển trai, rất cuốn hút trên bục giảng và thân thiện, nhiệt tình trong đời thường.
Tiếc cho Thầy, đang độ kiến thức tròn đầy, như trái sắp cho đời hương vị ngọt thơm thì bị tai biến mạch máu não. Thầy nói rất khó khăn, không thể lên lớp giảng dạy được nữa. Suốt một thời gian dài chứng bệnh quái ác kia cứ đeo theo muốn quật ngã Thầy, nhưng Thầy đã chiến đấu kiên cường, chiến thắng nó thêm hai lần nữa. Nhà Thầy ban đầu ở trung tâm thành phố, sau đó cứ dời dần ra ngoại ô.
Không lên lớp giảng dạy được thì Thầy viết lách, viết rất đều đặn. Sáng thứ 2 nào Thầy cũng đón xe buýt từ phường Hiệp Bình Phước - Thủ Đức vào khoa để gặp gỡ mọi người. Các thầy trong khoa tụ họp bia bọt nhân dịp này dịp nọ Thầy đều nhiệt tình tham gia. Nhiều khi thấy mọi người vui Thầy cũng muốn uống hết cả chai bia, nhưng mọi người ngăn lại chỉ dám cho thầy uống một li mà thôi.
Khoa tổ chức đi nghỉ mát, du lịch hè, năm nào Thầy cũng đi. Tuy chân bước không được như mọi người, nhưng Thầy vẫn hăng hái bước, không bao giờ tụt lại phía sau. Hè vừa rồi Thầy còn vui vẻ đi nghỉ mát cùng khoa ở Phan Thiết, tươi cười chụp ảnh cùng mọi người.
Cứ nghĩ bệnh tật sẽ không thể quật ngã Thầy được nữa, thế mà... Đi thanh thản Thầy Dũng nhé! Ai cũng có một chuyến đi về cõi vĩnh hằng, khác nhau là để lại gì trong lòng người còn ở lại. Đồng nghiệp, thân hữu, học trò luôn nhớ nụ cười hiền hậu, tươi tắn và ánh mắt tràn ngập niềm tin yêu của Thầy.

Nguyễn Văn Hoài

Sáng nay bàng hoàng nghe tin thầy, PGS.TS. Lê Tiến Dũng đã không qua khỏi cơn bạo bệnh.

Em đi dạy mà lòng cứ bàng hoàng nhớ đến hình ảnh thầy. Khi em học những năm đại học ở thập niên 90, có nhiều thầy giáo trẻ trung, đẹp trai, giỏi chuyên môn, gây ân tượng mạnh như thầy Đoàn Lê Giang, thầy Võ Văn Nhơn, thầy Trần Ngọc Hồng, thầy Nguyễn Văn Hà… và thầy Lê Tiến Dũng là một trong số các thầy ấy.

Ngay từ buổi lên lớp đầu tiên, em đã ấn tượng giọng nói Quảng Bình của thầy, nghe nằng nặng mà ấm áp. Rồi khi thầy giảng, em thật sự bị thu hút bởi vốn kiến thức dồi dào, tác phong sư phạm chuẩn mực của thầy. Em nhớ mãi môn Lý luận văn học của thầy em được 9 điểm, rồi khi học môn Thi pháp học, thầy cho thi vấn đáp. Khi em lên thi, thầy cười bảo: Vân thì cần gì thi nữa vì thi là điểm cao. Nói vậy nhưng thầy cũng hỏi em một câu rất khó rồi vui vẻ cho em 9 điểm. Em cũng là một trong số ít học trò được thầy ưu ái nhớ mặt, nhớ tên cho mãi đến tận bây giờ.

Sau này ra trường, nhiều khi gặp nhau, em chưa kịp chào thầy, thầy đã gọi tên em từ xa. Rồi thầy bị mấy lần tai biến, nói không rõ nữa, nhưng những khi thầy trò gặp nhau, bao giờ thầy cũng tay bắt mặt mừng, cố gắng nói chuyện với em. Em nghe chưa ra, thầy kiên nhẫn lặp lại từng câu, từng chữ.

Đời riêng của thầy cũng có nhiều chuyện không vui. Nhưng với học trò, dù thế hệ nào, bao giờ thầy cũng dành cho một sự quan tâm, yêu thương hết mực.

Sau tết âm lịch vừa rồi, em còn gặp thầy trong cuộc họp của Ban Lý luận phê bình của Hội Nhà văn TPHCM. Em ngồi cạnh thầy, còn khen thầy lúc này nhìn khí sắc tốt hơn hẳn. Vậy mà hôm nay thầy đã đi xa rồi.

Đau xót vĩnh biệt một người thầy mà em vô cùng quý mến và kính trọng. Mong thầy bình yên và hạnh phúc ở một cõi khác.

Một thành phố khác một bờ bến khác
Con thuyền trên sóng mạnh chồm lên
Những quả chuông thuỷ tinh
Ngân vang trong ánh sáng
Bàn chân dẫm lên một vùng đất khác
Những cánh đồng vụt mở bao la.

Chim én bay trên nóc nhà xa
Sau cuộc đời này một cuộc đời mới nữa
Nơi không có lo âu buồn khổ
Con người được nghỉ ngơi ở giữa con người.

(Lưu Quang Vũ)

Hà Thanh Vân

Ảnh chụp với các thầy Lê Tiến Dũng, Trần Ngọc Hồng và Võ Văn Nhơn vào năm thứ 4 đại học

Lời thương nhớ người thầy tài hoa

Năm 1993, lớp văn năm thứ nhất được học thầy Lê Tiến Dũng. Mấy chục năm vẫn còn nhớ giọng giảng văn rất lạ của thầy. Giọng Quảng Bình, dẫn giảng có duyên và rất thấm. Còn nhớ, thầy cười tươi sau tiết học, hỏi cả lớp: “Thế nào, đã thấy chán lý luận văn học chưa?”. Hỏi cũng có duyên.
Còn học thầy mấy môn nữa. Môn nào cũng vẫn hấp dẫn ở giọng, cách chuyển, cách gợi vấn đề. Có lần, xin thầy làm một bài về Thi pháp thơ Hàn Mặc Tử (mà cũng lạ, đúng hôm nay, cũng định viết về Hàn Mặc Tử cho hội thảo Liên Khoa), thầy bảo lên đọc cho lớp nghe, rồi hỏi: “Có đúng không, có đúng không, đúng là thi pháp không cả lớp?”. Lòng rất vui, vì nhận ra đó cũng là cách khen duyên duyên của thầy.
Thầy bị ốm nhiều lần, mỗi lần số phận lại tước đi của thầy một niềm vui, từ giọng giảng bài rất đặc trưng đến phong thái lãng tử, thu hút, từ một tương lai rạng rỡ đến những niềm vui giản dị được đi chơi, đi dã ngoại, trò chuyện với học trò một cách bình thường. Thầy bị cách li ra khỏi cuộc đời náo động, dù vẫn đến Khoa, gặp gỡ, ngồi hội đồng, nhưng đôi mắt vẫn thoáng ra xa xa cõi nào. Giờ đây, thầy mới thực sự đi vào cõi mơ hồ ấy.
Có một lần chảy cả nước mắt vì thầy nói mãi mình không hiểu là thầy nói gì. Thầy vẫn rất kiên nhẫn đánh vần lại từng chữ để mình hiểu.
Thầy ơi! Em vẫn còn giữ lại những tấm ảnh ngày thầy chấm khoá luận đại học cho em. Và nhiều kí ức nữa về thầy không được ghi lại trong giấy, trong ảnh, mà chỉ còn rất sâu và rất rõ trong tinh thần của những học trò như em.

“Tương kiến thời nan, biệt diệc nan” – Gặp nhau khó, xa nhau càng khó.
Có duyên được học thầy, và đau xót khi xa thầy.
Thắp nén hương lòng tiễn thầy!

Lê Thị Thanh Tâm

 

Tiếng gõ trên mùa cũ kỹ

Thương tặng Thầy Lê Tiến Dũng

Mưa. Mưa. Những giọt trời của muôn đời ấy đã bao lần đổ qua bây giờ, đổ qua ký ức. Mưa lại giăng cái làn mỏng mong manh lóng lánh níu những vệt sắc màu đọng nơi đáy ngày xưa trong tôi nổi nênh trở về. Những sắc màu tôi không biết gọi tên. Nhưng tôi có thể vẽ. Bắt đầu bằng không gian của một khung cửa sổ có mưa. Hay bắt đầu bằng thời gian của một buổi chiều đẫm nước. Cây cọ trẻ thơ trong tôi không kịp suy tư, vội tung những mảng màu ký ức lên khuôn vải mưa mỏng mảnh mong manh đang lóng lánh, đang lao xao. Mưa gọi. Mưa gọi. Mưa gõ mùa rong rêu trên những mái ngói đã cũ kĩ. Mưa gõ rụng rơi trên những cánh hoa sứ trắng muốt nằm nghiêng mà ngóng trông mặt đất. Mưa gõ những ký ức tôi cho ướt ngày đầu tiên đi học lớp mười.

Ngày đầu tiên đi học lớp mười. Lớp mười Văn. Ngày chưa mua sách. Chưa kịp sắm sửa chiếc cặp mới, chiếc áo trắng mới. Ngày vừa rời miền Trung đang lợt lờ nước lợ vì cơn gió Lào rát bỏng để còn nhớ quắt quay. Và nghe giọng thầy. Mang máng. Ngờ ngợ. Quảng Bình hay Quảng Trị nhỉ. Hay Huế. Cũng chẳng biết nữa. Nhưng cát trắng duyên hải đang đẫm sóng. Gió Lào nắng nôi đang thổi quanh tôi. Một niềm vui rất đỗi ngây ngô, rất đỗi trẻ con. Không, đúng hơn là tôi đã có chớm chút tự hào nữa. Cái cảm giác kỳ lạ ấy vỡ oà trong tôi khi nghe giọng thầy. 15 tuổi, lần đầu tiên đặt chân đến Sài Gòn, đến miền Nam, tôi cứ ngây thơ nghĩ tất cả sẽ là khác lạ, là thay đổi, là không giống quê hương tôi nữa, không giống miền Trung tôi nữa. Thế nhưng, ngay trong ngày đầu tiên đến lớp, mảnh đất này đã cho tôi một người thầy miền Trung.

Thầy là chủ nhiệm lớp tôi. Ban đầu, thầy là một điều gì đấy rất lớn, rất xa. Tôi được chọn làm cán sự môn Văn và vào cuối giờ, thầy gọi tôi lên để hỏi một số điều. Lúc ấy, tôi rất bối rối, lúng túng và chỉ có thể trả lời những câu hỏi của thầy một cách rụt rè. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ câu nói cuối cùng của ngày hôm ấy thầy nói với tôi: “Bài thi vào em làm tốt đấy. Tôi nghĩ em có khả năng học Văn tốt”. Và câu nói ấy làm tôi vui, vui rất nhiều ngày sau đó.  Không hiểu sao, lần đầu tiên gặp thầy, tôi rất quý ánh mắt của thầy. Anh mắt đó có một vẻ gì rất chân thật, gần gũi, rất dễ tin, dễ tin vào mọi điều thầy đang nhìn thấy và cũng dễ làm cho mọi người tin tưởng ánh mắt ấy. Sau này, có lần ngồi nói chuyện phiếm, một cô bạn chung lớp cũng có cùng cảm nhận ấy giống tôi.

Thầy vào lớp và chẳng bao giờ mang theo cặp, sách hay giáo án gì cả. Thầy luôn xách chiếc ghế đặt giữa bục giảng, ngồi ở đấy. Dáng thầy cao to, lâu lâu thầy lại đưa tay hất khẽ mái tóc trước trông rất nghệ sĩ. Và thầy say sưa đưa chúng tôi đi vào thế giới có lá diêu bông xanh mướt màu khát khao hạnh phúc của Hoàng Cầm, có giọt rượu khật khưỡng lương tri làm người của Chí Phèo, có tiếng trống thu không bảng lảng trên trời Thạch Lam… Thầy truyền lại kiến thức, đấy là điều tôi ghi trong trang vở. Thầy truyền lại một niềm đam mê, những cảm xúc lớn lao khi đứng trước câu chữ, những rung động mạnh mẽ khi chạm vào hồn phách của văn chương, đấy là những điều theo tôi đi qua năm tháng, đi qua những gì tôi đọc, những gì tôi viết và cả những gì tôi chọn lựa cho cuộc sống của mình. Cứ thế, một tuần chỉ có ba buổi, và thậm chí có cả những tháng dài, thầy không lên lớp buổi nào, nhưng bài học nào cũng đầy đam mê, đầy lôi cuốn và khiến học trò nhớ rất mau. Về sau, mỗi khi có giờ dạy của thầy, chúng tôi lại tự động mang chiếc ghế ra để sẵn giữa bục giảng, chỗ thầy hay ngồi. Nhưng tôi vẫn cứ thích để thầy tự xách chiếc ghế ấy ra, để chọn nơi mà thầy sẽ ngồi trò chuyện với chúng tôi câu chuyện văn chương. Thầy có một cách dạy riêng, có một cách giảng riêng. Lạ, hay, dễ hiểu nhưng rất nghệ thuật, nghệ thuật từ cách ngồi để dạy cho đến cách nói ra những điều thầy giảng. Tôi nghĩ đấy là điều sẵn có trong thầy, tự nó là của thầy, thuộc về thiên phú. Và sau này, có lần, tôi đã ngồi học thuộc hai đoạn mở đầu trong tác phẩm Chí Phèo và Hai đứa trẻ để hôm sau, đứng trên bục giảng và giảng như thầy ngày xưa. “Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế. Cứ rượu xong là hắn chửi…”. Nhưng có đôi chỗ tôi ngập ngọng. Và ngay khi ấy, hình ảnh thầy thoáng hiện trong đầu tôi, rất nhanh nhưng rất đậm. Lúc đó tôi nhận ra mình đang muốn điều gì. Ước gì tôi có thể cho những học trò của tôi hôm nay điều kỳ diệu mà tôi đã từng nhận được từ thầy. Những rung cảm thật mạnh mẽ, thật say mê, những cái nhìn mới mẻ, như thể đặt câu chữ vào một ánh sáng khác, một bầu trời khác, một mặt đất khác mà nhìn ngắm, mà khai phá trong nó vẻ đẹp tuyệt diệu lạ lẫm ẩn kín chưa ai tìm ra. Để mỗi khi nghĩ về bài thơ ấy, nhân vật ấy, trái tim lại đập mạnh, lồng ngực lại hối hả xúc cảm… y hệt như mỗi lần tôi chạm vào chiếc lá diêu bông của Hoàng Cầm, vì thầy là người đầu tiên đã giảng cho tôi hiểu khoảnh khắc người con gái “xoè tay phủ mặt” để chối từ yêu thương, cho tôi hiểu được vào tận sâu thẳm bài thơ vốn rất khó hiểu của người thi sĩ tâm linh ấy, và hiểu cả cuộc đời cũng lắm truân chuyên mà khắc khoải diêu bông của thầy.

“Học Văn sau này sẽ làm được những gì?”. Năm lớp mười, 25 đứa học trò ngơ ngác chúng tôi đã ngẩn ra trước câu hỏi ấy của thầy. Mãi sau này, khi vào đại học, khi tốt nghiệp ra trường, khi cầm viên phấn trên bục giảng và khi mỗi năm lại đứng trước hơn 200 tân sinh viên ngành Ngữ văn, tôi mới càng thấm thiá câu hỏi ấy. Hồi đó, thầy bảo, học Văn có thể làm thủ tướng, làm giám đốc và làm cả người đạp xích lô, nghĩa là làm được tất cả, nên đừng sợ khi chọn học Văn. Rồi 3 năm sau, 25 đứa học trò nhỏ của thầy, mỗi đứa chọn một ngưỡng cửa riêng để đi. Mỗi lần gặp, thầy đều hỏi ai đang học gì, làm gì. Thấy cứ hỏi mãi, lần nào cũng hỏi, hỏi cho đến khi tất cả chúng tôi đều đã tốt nghiệp đại học. Kinh tế có, hoá thực phẩm có, ngoại thương có, môi trường có, đi du học nước ngoài có, Anh văn có, Nga văn có… 25 người, chỉ còn lại 4 người đi theo ngành Văn và 2 người đi theo ngành Báo chí. Thầy bảo đấy là 6 kẻ cả tin nghe lời thầy. Tốt nghiệp đại học, 4 người học Văn lại trở thành những cô giáo nhỏ, những đồng nghiệp nhỏ của thầy. Riêng tôi, chưa bao giờ hối hận vì đã chọn con đường mình bước đi hôm nay. Và đến tận bây giờ, những gì thầy từng dạy, vẫn còn nguyên trong tôi bằng cả niềm đam mê.

Từ ngày đầu tiên đi học lớp mười ấy cho đến hôm nay, đã 9 năm thầy trò chúng tôi ở bên nhau. Thầy trông theo chúng tôi lớn lên, thay đổi nhiều. Ban đầu là những cô bé con được thầy “nhận định” là “không đẹp lắm nhưng giỏi nhất” vì có những lứa chuyên Văn sau chúng tôi được gắn các danh hiệu “xinh đều cả lớp nhưng không giỏi bằng”, “khá đều nhưng không giỏi nhất”… Và chúng tôi, lứa chuyên Văn đầu tiên của trường, khi đã 23 tuổi, đã gọi là “chững chạc” một tí thì vẫn cứ ngồi bên thầy, buộc thầy phải công nhận là chúng tôi vừa xinh vừa giỏi nhất, nếu không sẽ chẳng dẫn thầy đi ăn “đại tiệc” bằng tháng lương đầu tiên. Chúng tôi hết bé con và đã lớn thì thầy lo đến chuyện “nhân duyên” của từng đứa y như một ông bố bắt đầu thao thức lo gả những đứa con gái ế muộn. Ai có người yêu rồi, thầy mừng lắm và thúc giục phải dẫn “chàng rể” lên ra mắt. Vui nhất là những hôm sinh nhật thầy, những hôm buộc thầy phải nhắm mắt lại và nghĩ một điều ước rồi mới được thổi nến, buộc thầy phải mở quà và mặc thử ngay chiếc áo mới để xem áo của 4 cô học trò nhỏ mua có đẹp không, có vừa không, những hôm thầy trò dắt nhau ra Hoàng Ty, ngồi bên bờ sông đầy gió và ăn bánh tráng cuốn, chuyện trò rôm rả không dứt, những hôm đi karaoke và nghe thầy hát bài “con cò là cò bay lả lả bay la…”. Bây giờ, thầy là một niềm gần gũi, thân thương, thầy là người thầy, là người bố, là người bạn lớn của chúng tôi.

Những tháng cuối cùng của năm chúng tôi học lớp 12, thầy có chuyến công tác sang Hàn Quốc. Một hôm, gần vào giờ học, một cô bạn trong lớp mang bức thư của thầy gởi về cho 25 đứa học trò nhỏ. Cả lớp chuyền tay nhau cùng đọc, cùng vui thật vui, cùng ấm áp. Thầy về mang theo cho chúng tôi những món quà đến từ xứ sở xa xôi, những cây bút ba màu xinh xinh, những chiếc dù nhỏ nhiều màu… Buổi chiều mưa hôm ấy, cả đám đã xúm xít bên thầy để nhận quà, như trẻ con.

Thế nhưng, chỉ mấy tháng sau, đang giữa kì nghỉ hè, chúng tôi nhận được tin thầy bị bệnh nặng. Tôi chẳng bao giờ quên được bầu trời ngập mây trắng, trắng xoá, cái màu trắng rộng lớn đổ ập vào tôi khi vừa bước vào chiếc giường bệnh thầy nằm ở tầng 9 của bệnh viện Chợ Rẫy. Cứ tưởng đấy là cú quật ngã kinh khủng nhất, nhưng không ngờ thêm hai lần nữa, cơn bạo bệnh lại ập đến. Sau ba lần nằm trên giường bệnh, thầy đã gượng dậy. Mỗi lần như thế, mỗi lần đi thăm thầy, nhìn thầy trong chiếc áo trắng, chúng tôi cứ buồn rười rượi. Chỉ ước gì điều ấy đừng xảy ra. Rồi chỉ ước gì, điều ấy sẽ chẳng bao giờ còn xảy ra nữa. Thầy sẽ cùng chúng tôi ngồi thổi nến trong những đêm sinh nhật, sẽ cùng hát “con cò là cò bay lả lả bay la…”.

Vì sao là mưa? Vì sao ký ức trong chúng tôi ướt mềm những yêu thương? Dường như là tình cờ, buổi học đầu tiên ấy là một buổi học dài theo cơn mưa. Vì mưa, thầy đã không thể về. Thầy ở lại với chúng tôi sau buổi học đầu tiên. Thầy đã hỏi tôi: “Em thích học Văn chứ?”. Ba năm, thầy đến lớp dạy chúng tôi không nhiều. Nhưng dường như là ngẫu nhiên, có một thời gian dài, cứ hễ ngay buổi thầy đến lớp thì trời lại mưa. Và mưa… những giọt trời không ưu tư ấy đã luôn có mặt trong những ngày thầy cùng chúng tôi đi qua câu chuyện văn chương.

Chắc có lẽ thế nên không còn là tình cờ. Chắc có lẽ thế nên không còn là ngẫu nhiên. Chiều nay, tôi ngồi vẽ bức chân dung ký ức này trong cơn mưa tháng bảy dài dặc. Mưa gõ mình trên rong rêu. Mưa gõ mình trên cũ kĩ. Mưa gọi về những ký ức đã hoá thân thành hôm nay.

Khung vải mưa mỏng mảnh mong manh đang lóng lánh. Và bàn tay thầy khẽ nhấc chiếc ghế, đặt ra giữa bục giảng… Nét vẽ cuối cùng cây cọ trẻ thơ tôi tung mình khắc lên mưa.                                                                      

Những đứa học trò nhỏ

Tháng 7/2016

Thông tin truy cập

63667349
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
11067
17595
63667349

Thành viên trực tuyến

Đang có 804 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website