Thi pháp truyện thơ Nôm tài tử giai nhân và một số tiểu loại truyện thơ Nôm khác: Nhìn từ góc độ nhân vật, mô thức cốt truyện

(Nguyễn Văn Hoài,  Chuyên san Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 4 - 2015)

1. Về việc phân loại truyện thơ Nôm

Kho tàng truyện thơ Nôm Việt Nam hết sức phong phú về số lượng tác phẩm và cũng khá phồn tạp về mặt chủng loại. Trong chuyên luận Truyện Nôm - lịch sử phát triển và thi pháp thể loại, nhà nghiên cứu Kiều Thu Hoạch thống kê được 120 tác phẩm truyện thơ Nôm(1). Đây chỉ là con số tương đối, bởi một số tác phẩm vẫn còn lưu giữ trong dân gian hoặc lưu trữ trong các thư viện trong nước, ngoài nước mà tác giả chưa tiếp cận được, và trong đó vẫn còn lẫn vào một số tác phẩm là diễn ca hoặc tuồng(2).

         Từ trước đến nay truyện thơ Nôm thường được các nhà nghiên cứu phân làm hai loại: “truyện Nôm khuyết danh” và “truyện Nôm hữu danh”, hoặc “truyện Nôm bác học” và “truyện Nôm bình dân”. Cách gọi tên, phân loại như thế thực tế cho thấy đã dẫn đến những không ít những lấn cấn, bất ổn. Về vấn đề này Kiều Thu Hoạch đã có ý kiến rõ ràng rằng, “việc phân loại truyện Nôm thành hai loại truyện Nôm bình dân truyện Nôm bác học, dầu sao cũng chỉ nên xem là một biện pháp tạm thời để tiện cho việc nghiên cứu trong một chừng mực nào đó, và đối với một số truyện Nôm nào đó mà thôi. Một quan niệm tuyệt đối hóa ở đây sẽ là phi thực tế và do đó, cũng là phi khoa học. Bởi trong thực tế, cái ranh giới chủng loại ấy cũng chẳng có gì là rõ ràng, nếu không muốn nói là nó khá mù mờ như chúng ta đã thấy”(3).

         Có lẽ cảm thấy những bất ổn trong hai cách định danh phân loại nói trên, nên trước đây trong chương “Truyện Nôm khuyết danh” của bộ Lịch sử văn học Việt Nam soạn giả Lê Hoài Nam đã đưa ra một cách phân loại khác. Ông cho rằng, không nên vì lí do hữu danh hay khuyết danh mà tách rời hay đối lập hai bộ phận truyện Nôm, bởi xét về căn bản, chúng giống nhau “hoặc về nguồn gốc đề tài, hoặc về khuynh hướng tư tưởng, hoặc là về phương pháp sáng tác”(4). Từ đó ông đã đưa ra hai kiểu phân loại khác: Kiểu thứ nhất, căn cứ theo nguồn gốc đề tài; kiểu thứ hai, căn cứ vào nội dung và hình thức. Chúng tôi thấy kiểu phân loại thứ nhất của ông khả quan hơn nhiều, có thể tránh được tình trạng “gọt chân cho vừa giày” khi xếp từng truyện Nôm cụ thể vào nhóm loại này hay nhóm loại kia.

Với tình hình phân loại truyện thơ Nôm như đã điểm qua ở trên, thiển nghĩ, nếu chúng ta căn cứ theo nguồn gốc rồi phân thành các tiểu loại thì tốt hơn. Cái lợi thứ nhất dễ thấy là, chúng ta không vướng phải những trường hợp “khó xử”, hay khiên cưỡng khi phân loại. Ngoài ra, mỗi một nhóm loại như thế có những đặc tính riêng và ta có thể thuận lợi hơn khi dùng thi pháp nghiên cứu từng nhóm loại. Thứ nữa, chúng ta có thể xây dựng cho truyện thơ Nôm một phương pháp luận nghiên cứu thích hợp, không chỉ đơn thuần ở địa hạt văn học, giống như đề nghị của nhà nghiên cứu Đàm Phàm(5). Trên cơ sở gợi ý của nhà nghiên cứu tiền bối Lê Hoài Nam, chúng tôi thử phân truyện thơ Nôm thành các tiểu loại như sau:

                  (1) Truyện thơ Nôm tài tử giai nhân vay mượn Trung Quốc (như: Song Tinh Bất Dạ, Hoa tiên, Truyện Kiều, Ngọc Kiều Lê, Nhị độ mai, Hảo cầu tân truyện,...).

                  (2) Truyện thơ Nôm tài tử giai nhân do văn nhân Việt Nam tự sáng tác (như: Sơ kính tân trang, Lục Vân Tiên, Mộng hiền truyện, Vân Trung Nguyệt Kính tân truyện, Lưu nữ tướng,

                  (3) Truyện thơ Nôm truyền kì (như: Bạch Viên Tôn Các, Bích Câu kì ngộ, Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai tân truyện, Từ Thức tân truyện,...).

                  (4) Truyện thơ Nôm truyền thuyết (như: Chử Đồng Tử diễn ca, Đổng Thiên Vương tân truyện,…).

                 (5) Truyện thơ cổ tích (như: Thạch Sanh, Tống Trân-Cúc Hoa, Thoại Khanh-Châu Tuấn, Lâm Sanh-Xuân Nương, Lưu Bình-Dương Lễ,…).

                  (6) Truyện thơ Nôm ngụ ngôn (như: Truyện Trinh thử, Truyện Trê Cóc, Lục súc tranh công,…).

                  (7) Truyện thơ Nôm sử tích (khu biệt với diễn ca lịch sử), như: Chúa Thao cổ truyện, Ông Ninh cổ truyện, Trung quân đối diễn ca,…

                  (8) Truyện thơ Nôm tôn giáo (như: Quan Âm tống tử bản hạnh, Quan Âm Thị Kính, Mục Liên Thanh Đề, Lưu Hương diễn nghĩa bảo quyển,…).

          Danh sách định danh phân loại trên chỉ là một phác thảo có tính bước đầu, muốn hoàn thiện cần có sự quan tâm thảo luận thêm của các nhà nghiên cứu. Để có một cơ sở khoa học vững vàng, trước hết ta cần xây dựng các đặc tính làm tiêu chí khu biệt giữa các tiểu loại. Phạm vi của bài viết không cho phép chúng tôi đi sâu vào vấn đề này.

         2. Truyện thơ Nôm tài tử giai nhân (TTGN) và một số tiểu loại truyện thơ Nôm khác: nhìn từ góc độ nhân vật và mô thức cốt truyện

Trước khi nói về nhân vật tài tử và giai nhân trong truyện thơ Nôm TTGN, có lẽ chúng ta cũng cần tìm hiểu qua các khái niệm “tài tử”, “giai nhân” và “tiểu thuyết TTGN” từ nơi khởi nguồn của nó là Trung Quốc. Vấn đề này trong bài viết Cách hiểu khái niệm “tiểu thuyết tài tử giai nhân” của học giới Trung Quốc(6) chúng tôi đã trình bày khá tường tận nên không nói lại ở đây.

         Khi giới định tiểu thuyết TTGN nhà nghiên cứu Trung Quốc Tô Kiến Tân đưa ra 4 tiêu chuẩn. Ngoài 3 tiêu chuẩn là “thời đoạn”, “văn loại và thể tài”, “đề tài, kết cấu”, thì theo ông, cần phải bổ sung thêm một tiêu chuẩn trọng yếu nữa là tiêu chuẩn nhân vật chính(7). Bởi vì nhân vật chính có vai trò quyết định quan trọng đối với tính chất của tiểu thuyết.

         Về tiêu chuẩn “tài tử” thì quan điểm của Tô Kiến Tân không có gì khác biệt với những nhà nghiên cứu đi trước. Tuy nhiên, ông nêu ra vấn đề, nếu “tài tử” nhất định phải là những thư sinh có phẩm hạnh, tài hoa hơn người, tức tài đức vẹn toàn, thì liệu có thể xem một nhân vật vong phụ vứt bỏ giai nhân là “tài tử” hay không? Theo chúng tôi, xét ở góc độ đạo đức, thẩm mĩ thì có lẽ người ta khó chấp nhận đó là một tài tử. Còn tiêu chuẩn “giai nhân” thì ông “cởi mở” hơn, cho rằng “giai nhân bao gồm tất cả những cô gái đẹp có thân phận, địa vị không giống nhau”. Quan điểm cho rằng “họ đều là những tiểu thư con nhà quan lại hào phú đẹp cả về tài, mạo và tình”(8) thì không thể khái quát được toàn bộ người đẹp trong tiểu thuyết TTGN. “Cho dù họ là những cô gái phong trần như Lí Oa, Đỗ Thập Nương thì cũng nên xếp vào hàng giai nhân”. Nhưng, để không vượt khỏi phạm vi tiểu thuyết nhân tình, Tô Kiến Tân cho rằng không nên đưa những nhân vật tiên nữ hay yêu nữ vào khái niệm “giai nhân” (9).

Chúng tôi nghĩ rằng, một tác phẩm nào đó được xem là loại TTGN hay không thì cần phải xét thấu đáo mối quan hệ hữu cơ giữa các thành tố tạo nên chỉnh thể tác phẩm, như: nhân vật, cốt truyện (tình tiết, kết cấu) và chủ đề tư tưởng. Kết cấu thay đổi có liên quan đến chủ đề tư tưởng và ngược lại. Chẳng hạn, những truyện thơ Nôm như Tống Trân-Cúc Hoa, Phạm Tải-Ngọc Hoa, Lí Công,… thoạt nhìn chúng có dáng dấp của loại TTGN, nhưng xét kĩ thì tình tiết, kết cấu và chủ đề tư tưởng của nhóm truyện thơ Nôm này khác rất nhiều so với những truyện thơ Nôm TTGN chuẩn mực như Truyện Song Tinh, Hoa tiên, Truyện Kiều, Nhị độ mai, Hảo cầu tân truyện, Ngọc Kiều Lê tân truyện,... Theo chúng tôi, những tác phẩm thuộc loại như Phạm Công-Cúc Hoa nói trên không phải thuộc loại truyện thơ Nôm TTGN như một vài người đã xác định. Đây là một vấn đề khá phức tạp, sẽ tốn không ít công sức, giấy mực, không thể giản đơn giải quyết trong một vài trang giấy.

         Khảo sát cụ thể nhân vật, cốt truyện 8 tiểu loại truyện thơ Nôm ở trên, chúng tôi thấy loại truyện thơ Nôm TTGN chỉ nằm trong 2 tiểu loại, đó là tiểu loại 1 (loại vay mượn từ tác phẩm TTGN Trung Quốc) và loại 2 (loại TTGN do văn nhân Việt Nam tự sáng tác). Ngoài hai nhóm kể trên loại truyện thơ Nôm truyền kì (tiểu loại 3), loại truyện thơ Nôm truyền thuyết (tiểu loại 4) và loại truyện thơ Nôm cổ tích (tiểu loại 5), cũng có nói về tình yêu-hôn nhân, cũng có mô thức khá gần gũi với loại tiểu thuyết TTGN Trung Quốc, nhưng xét kĩ kiểu hình nhân vật, mô thức cốt truyện và chủ đề tư tưởng thì những tác phẩm này chệch khỏi tiêu chuẩn TTGN. Vì sao? Chúng tôi dựa vào mấy tiêu chuẩn căn bản sau:

2.1. Về kiểu hình nhân vật  

         Nhân vật chính trong tiểu thuyết TTGN Trung Quốc hay truyện thơ Nôm TTGN Việt Nam dĩ nhiên là tài tửgiai nhân. Trong tác phẩm TTGN, nhân vật nam và nữ chính đều là người phàm, tài tử và giai nhân đều xuất thân từ gia đình quý tộc, quan lại, trí thức. Tài năng họ có là từ sự trau dồi bản thân chứ không do một thế lực siêu nhiên ban cho. Theo đó mà xét, chúng ta thấy nhân vật nam nữ chính trong 3 loại truyện thơ Nôm nói trên đã chệch khỏi tiêu chuẩn căn bản, một hoặc hai nhân vật chính không phải là người phàm, hoặc xuất thân nghèo hèn (nhưng phần lớn được sinh ra từ một lực lượng siêu nhiên: Trời, Phật, thần thánh), hoặc là con vua chúa (một số cũng được sinh ra nhờ lực lượng siêu nhiên)(10). Chẳng hạn:

Trong loại truyện thơ Nôm truyền kì, Bạch Viên không phải là người phàm (truyện thơ Nôm Đường luật Lâm tuyền kì ngộ và truyện thơ Nôm lục bát Bạch Viên Tôn Các), Giáng Kiều là tiên nữ (Bích Câu kì ngộ),…; Tương tự như vậy, các nhân vật như Chử Đồng Tử, Đổng Thiên Vương,…trong loại truyện thơ Nôm truyền thuyết cũng không phải là người phàm.

Còn trong loại truyện thơ Nôm cổ tích nhân vật chính phần lớn ra đời nhờ lực lượng siêu nhiên. Phạm Công tuy là con cặp vợ chồng nghèo hèn phải đi ăn mày, nhưng vốn là Thái tử con Ngọc Hoàng giáng sinh. Cúc Hoa thì là Công chúa của Diêm Vương vâng mệnh đầu thai lên trần giới (truyện Phạm Công-Cúc Hoa); Thạch Sanh cũng là Thái tử được Ngọc Hoàng cho xuống trần “Làm con họ Thạch đền ân”; Phạm Tải là chàng trai mồ côi phải đi ăn xin, nhưng “Phạm Tải vốn thực con Trời” (truyện Phạm Tải-Ngọc Hoa). Tương tự như vậy, Tống Trân do Văn Xương đầu thai, mồ côi cha phải dắt mẹ hành khất (truyện Tống Trân-Cúc Hoa); Lí Công ra đời cũng là do Phật Trời cảm lòng kính tín của ông bà Tể tướng (truyện Lí Công); Còn cặp đôi trong truyện Hoàng Trừu là Hoàng tử và Công chúa. Ngay cả Hoàng tử, Công chúa ra đời cũng là do các bậc vua chúa hiền đức, cầu Trời khẩn Phật mà có. Vua Nam Kinh trong Nam Kinh Bắc Kinh truyện không có con nối dõi, do cầu Trời khẩn Phật mà mới có con.v.v...

         Tóm lại, ta thấy kiểu hình nhân vật chính là kiểu hình nhân vật văn học dân gian do tác giả ở tầng lớp bình dân tạo ra chứ không phải kiểu hình nhân vật do văn nhân phong kiến lớp trên tạo nên. Sự thể hiện tài năng “cầm kì thi họa” của đôi nhân vật chính hầu như không có, nếu có thì cũng hết sức mờ nhạt. Sự ra đời siêu nhiên của nhân vật liên quan mật thiết với tài năng, phẩm hạnh của họ và những tình tiết có tính siêu nhiên khác xuất hiện trong truyện. Những mô típ siêu nhiên được tác giả sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật có tính phổ biến ấy khiến cho nhân vật không còn là kiểu hình nhân vật phàm trần nữa.

2.2. Về mô thức cốt truyện

         Trong tác phẩm TTGN, cốt truyện phát triển theo mô thức căn bản là “1. Nam nữ nhất kiến chung tình; 2. Tiểu nhân gây rối làm cho li tán; 3. Tài tử thi đậu đoàn viên” (hoặc “1. Hội ngộ; 2. Li tán; 3. Đoàn viên”). Có thể chấp nhận những trường hợp lệch chuẩn, phá cách ở một mức độ nào đó, nhưng không thể phá vỡ đến mức không còn xác lập được mô thức căn bản của loại hình TTGN. Chẳng hạn tài tử vong phụ giai nhân, kết cục không đoàn viên, là không những vi phạm tiêu chuẩn về nhân vật tài tử theo quan niệm đã định hình, mà còn vi phạm mô thức “3 trường đoạn” đặc trưng của loại TTGN. Từ mô thức căn bản trên có thể diễn giải mở rộng như sau(11):

 

HOÀN CẢNH HỘI NGỘ

- Khung cảnh thiên nhiên: dạo chơi, viếng cảnh,…

- Khung cảnh gia đình: gặp nhau có mặt gia trưởng,…

- Sự cố hoạn nạn: tài tử cứu giai nhân,…

Ước định 

hôn nhân

- Do cha mẹ ước định trước

- Tự ý đính hôn

BIẾN CỐ LÀM CHO TRẮC TRỞ, LI TÁN

- Tai họa đột ngột: bị vu oan, bị đưa sang xứ khác,…

- Bị tiểu nhân chia rẽ, bức hại,…

Đôi bên vượt qua trắc trở

- Một lòng chung thủy, có thể tự vẫn để giữ phẩm hạnh (nhưng được cứu sống)

- Thi đỗ được ban chức tước

- Lập được công lao

KẾT CỤC  ĐOÀN VIÊN

- Kết hôn trong cảnh vinh hiển / được vua tứ hôn

- Có thể một chàng cưới hai, ba nàng

          Từ mô thức trên ta thấy, hầu như loại truyện thơ Nôm truyền kì (tiểu loại 3), truyền thuyết (tiểu loại 4) và cổ tích (tiểu loại 5) có dáng dấp truyện TTGN đều chệch khỏi diễn biến và tình tiết quan trọng tạo nên mô thức của truyện TTGN. Trong đó, loại truyện Nôm truyền thuyết thường lệch xa mô thức này nhất.

         Xét truyện Bạch Viên Tôn CácBích Câu kì ngộ, 2 truyện Nôm truyền kì tiêu biểu, ta thấy: Về cốt truyện, hai nhân vật chính (Tôn Các và tiên nữ Thái Muội, Tú Uyên và tiên nữ Giáng Kiều) tiến đến hôn nhân không trải qua những biến cố trắc trở, thử thách. Còn trong truyện TTGN thì họ phải trải qua trắc trở, thử thách, và đoàn viên-hôn nhân là điểm kết của truyện. Xét về mô thức tuyến nhân vật, thì hầu như loại truyện Nôm truyền kì khiếm khuyết 2 nhóm nhân vật góp phần tham gia vào diễn biến của câu chuyện, đó là nhóm nhân vật “gia trưởng” (cha mẹ, ông bà, chú bác có quyền quyết định hôn nhân cho đôi TTGN), nhóm nhân vật “trợ thủ” (các cô cậu người hầu, bạn bè, chị em,… giữ vai trò liên lạc, môi giới cho đôi TTGN). Ngoài ra một số truyện còn khiếm khuyết luôn cả nhóm nhân vật “tiểu nhân” gây ra những trắc trở, li tán đối với đôi nam nữ nhân vật chính. Một tiểu thuyết TTGN chuẩn mực của Trung Quốc gồm có 4 nhóm nhân vật sau đây:

 

Gia Trưởng Ê

 

Trợ Thủ  ð

TÀI TỬ GIAI NHÂN

ï  Tiểu Nhân

          Do đặc trưng của thể loại, nên nhóm nhân vật “trợ thủ” trong truyện thơ Nôm TTGN có thể bị lược bỏ, nếu không bị lược bỏ thì vai trò nhân vật phần lớn là mờ nhạt, không được khắc họa đậm nét như thường thấy trong các tác phẩm TTGN Trung Quốc.

Ở loại truyện Nôm cổ tích có dáng dấp truyện TTGN (tiêu biểu như Phạm Tải-Ngọc Hoa, Phạm Công-Cúc Hoa,…) ta thấy tình hình cũng giống như vậy. Đôi nhân vật nam nữ chính phần lớn tiến tới hôn nhân một cách dễ dàng ngay từ đầu truyện. Họ chỉ gặp thử thách sau hôn nhân, mà mô típ thử thách chủ yếu là nam nhân vật chính thi đỗ, vua muốn gả công chúa cho nhưng chàng từ chối vì đã có vợ con rồi. Vì sự từ chối đó mà chàng bị đày đi sứ sang nước khác. Nhưng đi đến đâu chàng cũng đỗ Trạng nguyên và cũng bị ép gả Công chúa. Trải qua bao thử thách chàng vẫn một lòng chung thủy về với vợ con. Hoặc là sau khi thi đỗ thì có giặc ngoại xâm, chàng được phái cầm quân ra trận, lập được chiến công, được triều đình phong thưởng, trở về với gia đình. Có thể dễ dàng nhận thấy truyện không theo mô thức “Hội ngộ - Thử thách (trắc trở, li tán) - Thi đỗ / Lập công lao – Kết hôn (đoàn viên)” của loại truyện TTGN. Mô thức phổ biến của loại truyện Nôm cổ tích có dáng dấp truyện TTGN là: “Hội ngộ - Kết hôn - Thi đỗ - Thử thách - Đoàn viên”.

         Ở truyện thơ Nôm TTGN Kết hôn là trường đoạn kết thúc truyện, đó là mục tiêu hướng tới của tài tử và giai nhân sau quá trình Thử thách đầy khó khăn, trắc trở. Còn ở loại truyện thơ Nôm truyền kì, truyền thuyết và cổ tích thì hầu như Kết hôn lại nằm ở trường đoạn đầu Hội ngộ - Kết hôn, và đó chỉ mới là khởi đầu cho trường đoạn gay cấn, li kì là Thử thách. Tuy cuối cùng đều là có hậu với kết thúc Đoàn viên, nhưng bản chất của nó không giống nhau. Một đằng là sự đoàn viên-kết hôn của đôi nam nữ tha thiết yêu nhau, còn một đằng là sự đoàn tụ của đôi vợ chồng thủy chung đạo nghĩa. Vậy rõ ràng một đằng là vấn đề tình yêu đôi lứa, còn một đằng là vấn đề gia đình, đạo nghĩa vợ chồng. Rõ ràng là mô thức, kết cấu thay đổi có liên quan đến chủ đề tư tưởng và ngược lại.

2.3. Về chủ đề tư tưởng

Như trên cho thấy, kết cấu “Hội ngộ - Kết hôn - Thi đỗ - Thử thách - Đoàn viên” của loại truyện thơ Nôm cổ tích khiến cho chủ đề tư tưởng của nó không giống loại truyện thơ Nôm TTGN, hay nói khác đi, do chủ đề tư tưởng của loại truyện thơ Nôm cổ tích không giống với loại truyện thơ Nôm TTGN nên kết cấu của nó khác đi.

          Chủ đề tư tưởng của loại truyện thơ Nôm TTGN nhìn chung cũng không khác mấy tiểu thuyết TTGN của Trung Quốc. Thông qua việc miêu tả câu chuyện tình yêu - hôn nhân có tính lí tưởng hóa của đôi tài tử và giai nhân tác giả muốn gửi vào đấy khát vọng tự do luyến ái, ước mơ tự do mưu cầu hạnh phúc hôn nhân của đôi lứa thanh xuân. Dù xã hội có hắc ám, lễ giáo phong kiến có khắc nghiệt đến đâu đi nữa, dù có khó khăn trắc trở “bách chiết thiên ma” thì những lứa đôi tài sắc vẹn toàn ấy vẫn đi đến điểm đích cuối cùng là đôi lứa bên nhau.

         Theo Nguyễn Lộc thì “truyện Nôm bình dân có khác”(12), “tự do yêu đương thực chất chưa phải là vấn đề”. Ông cho rằng: “Truyện Nôm bình dân chủ yếu đặt vấn đề bảo vệ tình vợ chồng, nói rộng ra là bảo vệ gia đình trong thời kì tan rã của chế độ phong kiến”. Quả thật như vậy, cuộc đấu tranh vượt qua thử thách của những nhân vật chính trong loại truyện thơ Nôm cổ tích là hướng đến việc khẳng định đạo lí gia đình, ca ngợi đạo nghĩa vợ chồng mang màu sắc giáo huấn, răn đời. Đó không phải là cuộc đấu tranh vươn tới ước mơ giải phóng cá nhân, tự do trong tình yêu-hôn nhân đôi lứa. Chính vì vậy mà ta thấy đôi nhân vật nam nữ trong loại truyện Nôm cổ tích kết hôn một cách dễ dàng ngay từ đầu truyện, còn đôi lứa trong loại truyện Nôm TTGN phải trải qua cuộc đấu tranh sinh tử mới đạt tới cái đích cuối cùng là hôn nhân. Đúng như nhận định của Đổng Quốc Viêm trong Minh Thanh tiểu thuyết tư trào: “Tiểu thuyết TTGN chính diện biểu hiện văn nhân, biểu hiện lí tưởng tình ý của văn nhân. Dù ở trình độ nào cũng có thể nói, đấy là kiểu loại văn học tự mình viết về mình”(13).

         Ngoài ra, xét về mặt văn hóa tư tưởng, chúng ta thấy loại truyện Nôm TTGN bộc lộ rõ ý thức hệ và nhân sinh quan của Nho gia. Tài tử và giai nhân dù tình cảm có “vượt rào” đến đâu thì cũng dừng lại trong vòng lễ nghĩa phong kiến. Tài năng, phẩm hạnh của tài tử và giai nhân phản ánh rõ mẫu hình lí tưởng của nhà nho. Còn ở loại truyện Nôm truyền kì ta thấy ảnh hưởng rõ nét tư tưởng Đạo giáo. Yếu tố thần tiên, thoát tục của Đạo giáo chi phối rất lớn đến hành trạng nhân vật và diễn biến của truyện. Với loại truyện Nôm cổ tích thì tư tưởng Phật giáo và tín ngưỡng dân gian thể hiện khá rõ nét: mô típ cầu Trời khấn Phật được con; người cõi trên đầu thai xuống trần; Phật, Trời thử thách đức hạnh của nhân vật chính; được Trời, Phật, thần thánh ban cho phép lạ và cứu giúp khi hoạn nạn;… Thế giới thiên đình, địa phủ, người chết xuống âm ti được hoàn sinh trở lại dương gian, tư tưởng quả báo luân hồi,… tham gia vào rất nhiều vào loại truyện này.

3. Thủ pháp dựng truyện của loại truyện thơ Nôm cổ tích

         Sự khác biệt về thi pháp giữa loại truyện thơ Nôm TTGN và loại truyện thơ Nôm cổ tích càng thấy rõ hơn nữa khi xem xét ở phương diện thủ pháp dựng truyện. Chúng ta dễ dàng nhận thấy sự ảnh hưởng, chi phối của Phật giáo và tín ngưỡng dân gian trong thủ pháp dựng truyện của loại truyện thơ Nôm cổ tích. Thế giới tâm linh đa sắc nhiều vẻ ấy đã thể hiện một cách sống động trong loại truyện thơ Nôm có phong cách bình dân này. Những tình tiết mang tính tâm linh thần kì ấy là những yếu tố “kĩ thuật” quan trọng kiến tạo cốt truyện, nối kết các trường đoạn Gặp gỡ - Tai biến - Đoàn viên của truyện thơ Nôm cổ tích. Nói về cốt truyện của truyện Nôm bình dân, Nguyễn Lộc nhận xét rằng, “những tình tiết, những sự kiện không có ý nghĩa khách quan chân thực của nó, mà chỉ có tác dụng soi sáng hay tô đậm cho đặc điểm của tính cách nhân vật”, “chi tiết nhiều khi được cường điệu đến mức hoang đường”(14). Về vấn đề nhân vật chính diện không bao giờ thất bại, kết thúc có hậu, ông cho rằng, “rõ ràng là lí tưởng hóa chứ không phải hiện thực”. “Và chính vì vậy mà trong cốt truyện của truyện Nôm bình dân, nhà thơ thường sử dụng rất nhiều yếu tố ngẫu nhiên, phi thường, nhiều yếu tố có tính chất thần linh”(15). Ta có thể nói rằng, chính vì ước mơ, lí tưởng đó mà người viết/kể truyện và người đọc/nghe truyện không hề hoài nghi về những những yếu tố ngẫu nhiên, phi thường, hoang đường ấy. Người ta dường như tin những điều kì lạ ấy như tin vào Phật Trời, thần thánh. Đạo lí ở đời có thể khiến cho những điều vô lí thành hữu lí.

         Những yếu tố Phật giáo và tín ngưỡng dân gian thường được tác giả “hiện thực hóa” trong thế giới truyện thơ Nôm thông qua các mô típ thần kì có tính phổ biến. Những mô típ thường thấy là:

3.1. Nhân vật chính sinh ra nhờ thế lực siêu nhiên

         Nhân vật chính trong loại truyện thơ Nôm cổ tích vốn là người của cõi Trời cõi Phật đầu thai xuống trần. Mô típ thường thấy là do đôi vợ chồng côi cút nào đó ở cõi trần luôn “tu nhân tích đức”, “hiếu trung tiết nghĩa”, kính tín Phật Trời, nên khiến cho các đấng quyền năng siêu nhiên cảm động cho người đầu thai xuống “kế hậu nối dòng”. Sự ra đời có tính thần kì của nhân vật chính thể hiện rõ nét tín ngưỡng thờ Trời và tư tưởng khuyến thiện của Phật giáo trong dân gian, đồng thời mô típ này cũng là một thủ pháp nghệ thuật có tính phổ biến, nó liên quan đến phẩm hạnh và tài năng của nhân vật, liên quan đến sự vượt qua khó khăn, thử thách của họ, và chắc chắn là một người có nguồn gốc xuất thân như vậy thì không thể nào thất bại, kết thúc có hậu là hiển nhiên.

3.2. Nhân vật chính thường học được phép thuật, nhận được bảo bối

         Chúng ta dễ dàng nhận thấy những nhân vật chính trong truyện thơ Nôm cổ tích thường học được phép thuật, nhận được bảo bối nhờ một lực lượng siêu nhiên nào đó. Đây là kiểu mô típ chức năng mà trong công trình Hình thái học truyện cổ tích V.IA. Propp gọi là “sự có được biện pháp thần kì”. Trong loại truyện thơ Nôm này phần lớn nhân vật chính phải trải qua những thử thách, khó khăn trước thế lực độc ác, gian tà. Thường thì họ vượt qua thử thách nhờ học được phép lạ hay có được bảo bối từ Trời, Phật, thần tiên. Hơn nữa, những biện pháp thần kì đó còn có công năng nhấn mạnh tài năng, phẩm hạnh của nhân vật, thử thách càng nhiều càng lớn thì phẩm chất đó càng chói sáng, thắng lợi cuối cùng càng vẻ vang.

3.3. Nhân vật được được cứu giúp nhờ một lực lượng siêu nhiên nào đó

         Đây cũng là kiểu mô típ chức năng có tính phổ biến trong truyện cổ tích và trong loại truyện thơ Nôm cổ tích. Hình thức cứu giúp và chủ thể cứu giúp hết sức đa dạng, có thể chia thành hai kiểu loại là: nhân vật được cứu thoát khỏi tai nạnnhân vật được tái sinh.

         Như trên đã nói, trong quá trình đi đến thắng lợi và kết thúc có hậu nhân vật chính luôn bị thử thách, và tai nạn là kiểu thử thách hiệu quả nhất. Tai biến là trường đoạn li kì, gay cấn, hấp dẫn nhất của câu chuyện. Để cường điệu những gian lao, khó khăn mà nhân vật “đáng thương” trải qua, tai nạn thường diễn ra theo kiểu “họa vô đơn chí”, hết họa này lại đến nạn kia, và thường thì họ luôn thoát khỏi một cách thần kì nhờ sự giúp đỡ từ một thế lực siêu nhiên nào đó: Trời, Phật, thần tiên, chúa sơn lâm, giao long,… Và trong truyện thơ Nôm cổ tích, để thực hiện mô hình kết thúc đoàn viên có hậu tác giả thường hay sử dụng mô típ “tái thế tương phùng” thần kì. Với tâm thức hướng thiện người ta không cho phép nhân vật vẹn nghĩa trọn tình của mình phải chịu cảnh nửa đường dang dở, chia li, có một kết cuộc vô hậu phũ phàng. Trong quan niệm của quần chúng, như vậy thì còn gì là công lí, còn gì đạo trời. 

         Tóm lại, những phép lạ, những chuyện thần kì được sử dụng như một thủ pháp dựng truyện đắc lực trong loại truyện thơ Nôm cổ tích. Loại truyện thơ Nôm TTGN vay mượn từ văn học thông tục Trung Quốc, tuy cũng có cấu trúc Gặp gỡ - Tai biến - Đoàn viên như vậy, nhưng những yếu tố đậm chất tâm linh thần kì, hoang đường lại ít khi xuất hiện như một thủ pháp nghệ thuật. Đó có thể xem là là một yếu tố khác biệt căn bản trong thủ pháp dựng truyện của hai loại truyện thơ Nôm này.

         Một số truyện thơ Nôm TTGN do văn nhân Việt Nam sáng tác trong chừng mực nào đó cũng đã sử dụng thủ pháp dựng truyện thần kì nói trên (trong Lục Vân Tiên ta bắt gặp khá nhiều), song về căn bản nó chưa làm cho chủ đề tư tưởng của tác phẩm giống như loại truyện thơ Nôm cổ tích. Xét ở góc độ kiểu hình nhân vật, mô thức, kết cấu thì loại truyện thơ Nôm TTGN do văn nhân Việt Nam sáng tác có khuôn dạng giống với loại truyện thơ Nôm TTGN vay mượn Trung Quốc. Có thể nói rằng, tuy do văn nhân Việt Nam tự sáng tác, nhưng những truyện này có mối quan hệ mật thiết với các tác phẩm TTGN trong văn học thông tục Trung Quốc. Chúng giống với loại truyện thơ Nôm TTGN vay mượn Trung Quốc căn bản trên 3 phương diện sau:

         (1) Về mặt xây dựng kiểu hình nhân vật: Nhân vật nam nữ chính được xây dựng theo khuôn mẫu TTGN, là người trần “có lí lịch tốt”; truyện đáp ứng căn bản các nhóm nhân vật của tiểu thuyết TTGN.

         (2) Về mặt xây dựng mô thức cốt truyện: Nhìn chung là xây dựng theo mô thức chuẩn “Hội ngộ - Li tán – Đoàn viên”.

         (3) Về mặt tạo dựng tình tiết: Vay mượn những mô típ thường thấy trong các tác phẩm TTGN. Thí dụ: mô típ “cha mẹ đôi bên ước hôn trao đổi tín vật”, mô típ “ước hôn rồi từ hôn”; mô típ “giai nhân bị cống Hồ”; mô típ “giai nhân chung tình tự vẫn”; mô típ “tìm được nhau thông qua tranh họa”; mô típ “tài tử đỗ Trạng bị ép hôn”.v.v...

***

         Truyện thơ Nôm nói chung, truyện thơ Nôm TTGN nói riêng có vị trí hết sức quan trọng, có đóng góp không nhỏ cho nền văn học Nôm nói riêng, nền văn học Việt Nam nói chung. Việc phân loại mảng văn học này không chỉ đơn thuần là một thao tác để chia nhóm rồi nhận định đại khái về nội dung tư tưởng và giá trị văn học. Trước nay đã có một số cách phân loại truyện thơ Nôm như đã nêu, nhưng xem ra những cách phân loại ấy vẫn còn đơn giản và lấn cấn, chưa thực sự giúp cho việc nghiên cứu truyện thơ Nôm sâu hơn, hiệu quả hơn về phương diện thể loại, loại hình, thi pháp. Việc phân chia nhóm loại không chỉ căn cứ trên phương diện nghệ thuật ngôn từ, nội dung tư tưởng, nguồn gốc tác phẩm,…mà còn phải căn cứ trên nhiều phương diện khác, chẳng hạn: kiểu hình nhân vật, mô thức cốt truyện, thủ pháp dựng truyện, chủ đề tư tưởng. Bởi tất cả những phương diện này sẽ tạo nên chỉnh thể tác phẩm, loại hình thể loại, thi pháp thể loại.

Hướng tới mục đích đó, chúng tôi thử phân truyện thơ Nôm thành các tiểu thể loại với hi vọng có thể nghiên cứu chúng một cách khoa học hơn. Việc phân loại này mới nhìn có vẻ như đơn thuần là căn cứ vào nguồn gốc của tác phẩm, nhưng xét kĩ ra là có liên quan mật thiết đến kiểu hình nhân vật, mô thức cốt truyện, thủ pháp dựng truyện, chủ đề tư tưởng,… Trên cơ sở phân loại ấy, từ góc độ nhân vật, cốt truyện bài viết thử tìm hiểu những điểm giống và khác nhau căn bản giữa loại truyện thơ Nôm TTGN vay mượn Trung Quốc với một số loại truyện thơ Nôm khác có khuôn dạng gần gũi, như loại truyện thơ Nôm TTGN do văn nhân Việt Nam tự sáng tác, loại truyện thơ Nôm truyền kì, truyện thơ Nôm cổ tích. Kết quả bước đầu cho thấy, chỉ mới xét ở góc độ nhân vật, cốt truyện và thủ pháp dựng truyện thôi, thì giữa các tiểu loại này đã có những điểm khác biệt nhau cơ bản về thi pháp. Đã có một vài người xem những truyện thơ Nôm cổ tích như Phạm Công-Cúc Hoa, Phạm Tải-Ngọc Hoa, Thoại Khanh-Châu Tuấn,…hoặc những truyện thơ Nôm truyền kì như Bạch Viên Tôn Các, Bích Câu kì ngộ,…là truyện thơ Nôm TTGN. Theo chúng tôi thì việc xem những truyện này cùng loại với những truyện thơ Nôm TTGN như Truyện Song Tinh, Hoa tiên, Truyện Kiều,…hay Sơ kính tân trang, Lục Vân Tiên,…là không có lợi cho nghiên cứu, vì không những chúng khác nhau về thi pháp mà còn khác nhau cả về chủ đề tư tưởng.       

 

-------------------------------

* Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) trong mã đề tài số VII1.2-2012.26

(1), (3) Kiều Thu Hoạch, Truyện Nôm – lịch sử hình thành và thi pháp thể loại, Nxb. Giáo dục, 2007, tr. 322-326, 57.

(2), (5) Xin xem: Nguyễn Văn Hoài, “Từ văn học thông tục Trung Quốc nghĩ về truyện thơ Nôm Việt Nam”, Kỉ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam và Trung Quốc: những quan hệ văn hóa, văn học trong lịch sử, tháng 9-2011, Trường ĐH KHXH và NV – ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và ĐH Sư phạm Hồ Nam-Trung Quốc, tr. 386-397.

(4) Lê Trí Viễn - Phan Côn - Đặng Thanh Lê - Phạm Văn Luận - Lê Hoài Nam, Lịch sử văn học Việt Nam, tập III, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1965, tr. 214.

(6) Nguyễn Văn Hoài, “Cách hiểu khái niệm “tiểu thuyết tài tử giai nhân” của học giới Trung Quốc”, Tạp chí Đại học Sài Gòn, số chuyên đề Bình luận văn học, niên giám 2012, tr. 254 - 267.

(7), (9) Tô Kiến Tân, Trung Quốc tài tử giai nhân tiểu thuyết diễn biến sử, Bắc Kinh, Xã hội khoa học văn hiến xuất bản xã, 2006, tr. 14-17, 16.

(8) Nhậm Minh Hoa, Tài tử giai nhân tiểu thuyết nghiên cứu, Trung Quốc văn liên xuất bản xã, 2002, tr. 4 (Dẫn lại từ: Tô Kiến Tân, Tlđd).

(10) Như ở trên đã nói, ngay cả Tô Kiến Tân, người chủ trương mở rộng cách hiểu tiểu thuyết TTGN, nhưng vẫn giới hạn rằng: Để không vượt khỏi phạm vi tiểu thuyết nhân tình, thì không nên đưa những nhân vật tiên nữ hay yêu nữ vào khái niệm “giai nhân”.

(11) Mô thức diễn giải này chúng tôi có tham khảo sơ đồ của Hà Thanh Vân trong luận án Tiến sĩ So sánh loại tiểu thuyết “tài tử giai nhân” ở một số nước phương Đông thời kỳ trung đại (Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên), nhưng có chỉnh chữa theo ý mình.

(12) Nguyễn Lộc, Văn học Việt Nam (nửa cuối thế kỷ XVIII - hết thế kỷ XIX), Nxb. Giáo dục, 1997: Những truyện ông đề cập đến là những truyện Nôm mà chúng tôi xếp vào loại cổ tích.

(13) Đổng Quốc Viêm, Minh Thanh tiểu thuyết tư trào, Thái Nguyên, Sơn Tây nhân dân xuất bản xã, 2004, tr. 414.

(14), (15) Nguyễn Lộc, Tlđd, tr. 489, 490.

 

 

Thông tin truy cập

63668464
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
12182
17595
63668464

Thành viên trực tuyến

Đang có 1011 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website