Những sáng tạo của Bùi Hữu Nghĩa trong Kim Thạch kỳ duyên (so sánh với lam bản Kim Thạch duyên)(+)

Nguyễn Văn Hoài([*])–

Nguyễn Phương Uyên ([†])

Thi văn ông Bùi Hữu Nghĩa để lại, người sau ra công sưu tầm cũng chưa thấy được là bao. Ngoài bổn tuồng hát bội “KIM THẠCH KỲ DUYÊN” ra, ta chỉ còn thấy được vài bài văn tế, độ mươi ngoài bài thơ luật Đường và năm ba câu đối thôi. Nhưng nếu lấy phẩm mà thay vào lượng, thì chỉ một bổn tuồng hát bội “KIM THẠCH KỲ DUYÊN” cũng đủ làm cho người Việt-Nam, – nhứt là trong miền Nam này –, không bao giờ quên tên ông Thủ khoa BÙI HỮUNGHĨA(1).

           

Mấy dòng nhận định trên của Trần Văn Hương trong quyển Tuồng hát bội “Kim Thạch kỳ duyên” cho thấy giá trị, vị trí của vở tuồng này như thế nào trong lịch sử tuồng chèo Việt Nam, và đặc biệt hơn là trong lịch sử văn nghệ Nam Bộ.

            Như nhiều nhà nghiên cứu đã biết, tuồng Kim Thạch kỳ duyên (KTKD) được Bùi Hữu Nghĩa chuyển thể (hay cải biên) từ tiểu thuyết tài tử giai nhân của Trung Quốc là Kim Thạch duyên(KTD)(2).Chúng tôi nhận thấy, năm 1895, khi Bùi Quang Nhơn phiên âm, cho in bản chữ quốc ngữ tuồng KTKD thì ông đã có một “thông tin mờ” là vở tuồng được soạn dựa trên một cốt truyện trước đó. Trong bài “Tiểu tự” ông viết(3): “Ta từng xem cổ tích diễn ca,/ Lòng chạnh cám Giải nguyên Bùi thị”.

Tài liệu đầu tiên đề cập chính thức việc Bùi Hữu Nghĩa vay mượn cốt truyện Trung Quốc để soạn nên vở tuồng này có lẽ là quyển Việt Nam thi văn hợp tuyển của Dương Quảng Hàm (năm 1942), song người viết không nói rõ là vay mượn từ tác phẩm nào.Đến năm 1972, trong bài viết Cuộc đời và thơ văn Bùi Hữu Nghĩa, Trần Lê Sáng và Phạm Đức Duật bước đầu thông tin rõ ràng vở tuồng được soạn giả phỏng tác từ một cuốn truyện của Trung Quốc tên là KTD(4).Sau đó một số nhà nghiên cứu khác cũng đã đề cập đến mối quan hệ giữa hai tác phẩm, chẳng hạn: Vũ Lân, “Bùi Hữu Nghĩa – một danh nhân văn hoá”, Nghiên cứu văn hoá nghệ thuật, số 1-1988; Trần Nghĩa, “Di sản Hán Nôm theo hướng tiếp cận văn học so sánh”, Tạp chí Hán Nôm, số 3-1998; Nguyễn Nam, “Quá trình truyền nhập và lưu hành Tiễn đăng tân thoại ở Việt Nam”, Tạp chíHán Nôm, số 4- 2000; …

Tuy nhiên, từ khi KTKD được Bùi Quang Nhơn phiên âm ra chữ quốc ngữ đến nay các nhà nghiên cứu chỉ đánh giá độc lậpvở tuồng này, vẫn chưa có một bài viết hay một công trình chuyên biệt nào tìm hiểuKTKD trong mối quan hệ với KTD. Thiển nghĩ, khi nghiên cứu vở tuồng trong mối quan hệ với lam bản của nó thì những sáng tạo của Bùi Hữu Nghĩa sẽ được nhìn nhận khách quan, chân xác, khoa học hơn. Gần đây, Phạm Thị Thanh đã làm một luận văn thạc sĩ, nghiên cứu chuyên biệt về vở tuồng này, nhưng vẫn chưa nói được những sáng tạo của Bùi Hữu Nghĩa trên cở sở so sánh với lam bản của nó.Tác giả luận văn cũng đã nhận thấy điều đó nên viết:

Với những nguồn tư liệu mà chúng tôi tiếp cận được như đã nêu trên thì rõ ràng, KTKD của Bùi Hữu Nghĩa bắt nguồn từ cốt truyện KTD của Trung Quốc. Có lẽ khi Bùi Hữu Nghĩa đọc được tác phẩm này, tác giả thấy có sự tương đồng với cuộc đời mình nên đã căn cứ vào đó mà soạn nên vở tuồng KTKD. Hiện tại chúng tôi chưa tiếp cận được tác phẩm KTD để có thể so sánh một cách cụ thể, chân thực. Tuy nhiên khi đọc vở tuồng của Thủ khoa ta vẫn thấy đó là một tác phẩm đậm “hồn Việt”, đậm chất Nam Bộ. Do vậy, việc mượn cốt truyện của Trung Quốc vì thế cũng không làm giảm bớt các giá trị vở tuồng KTKD của Bùi Hữu Nghĩa(5).

Nhìn chung luận văn được viết rất công phu, nhưng vì không tiếp cận được tác phẩm KTD, chỉ nghiên cứu vở tuồng một cách độc lập, tách rời với lam bản của nó,nên không tránh khỏi có những đánh giá chủ quan, một mặt về giá trị nội dung và nghệ thuật của KTKD.

Ý thức được những bất cập trong việc đánh giá giá trị nội dung và nghệ thuật của tuồng KTKD, chúng tôi đã đề xuất đề tài “Nghiên cứu so sánh tiểu thuyết KTD và tuồng KTKD” và Nguyễn Phương Uyên đã thực hiện đề tài này(6). Tuy là một khoá luận tốt nghiệp, nhưng những gì mà Nguyễn Phương Uyên làm được đã có những đóng góp hết sức thiết thực, đặc biệt là văn bản đối sánh bản dịch KTD và tuồng KTKD. Văn bản này bước đầu cung cấp cho chúng ta những thông tin bổ ích, những cứ liệu chân xác, góp phần cho việc đánh giá những sáng tạo của Bùi Hữu Nghĩa trong KTKDmột cách khách quan, khoa học hơn. Những nhận định, đánh giá dưới đây của chúng tôi về KTKD căn bản là dựa trên những cứ liệu từ khoá luận này.

1. Về tiểu thuyết Kim Thạch duyên

KTDlà một tiểu thuyết chương hồi thuộc thể tài tài tử giai nhân, có tổng cộng 24 hồi. Hiện chúng tôi có 3 bản KTDsau:

- Bản thứ 1: Khuyết danh, KTD, Hồ Vân Phú hiệu điểm, Trường ĐH Sư phạm Bắc Kinh xuất bản, 1992 (佚名,金石缘, 胡云富点校, 北京师范大学出版社, 1992); - Bản thứ 2: Khuyết danh, KTD, Đô Lương hiệu điểm, Trung Châu cổ tịch xuất bản, 1994 (无名氏编, 金石缘,都梁校点, 中州古籍出版社, 1994).Bản này in chung một quyển với Song hợp hoan 双合欢(một tên khác của Kim Vân Kiều truyện金云翘传); - Bản thứ 3: Khuyết danh, KTD, Công ty trách nhiệm hữu hạn phần mềm kĩ thuật số Tân Hoa Thế Kỉ Bắc Kinh phát hành, Công ty trách nhiệm hữu hạn xuất bản điện tử Ngân Quan Bắc Kinh xuất bản (佚名, 金石缘,北京新华世纪数码软件有限公司发行, 北京银冠电子出版有限公司出版).

Trong 3 bản trên, bản thứ 1 và thứ 3 ở đầu sách có in bài tựa của một người lấy hiệu làTĩnh Điềm Chủ nhân 静恬主人.Cho nên trong bài viết dẫn ở trên Trần Nghĩa cho tác giả là người này.Theo Trung Quốc cổ điển tiểu thuyết đại từ điển thì ở các bản cổ in thời Thanh có bản đề “Tỉnh Trai Chủ nhân biên 省斋主人编”, có bản sau phần Tổng bình ghi “Tỉnh Trai Chủ nhân trùng lục 省斋主人重录(7), nên cũng có người xác định Tỉnh Trai Chủ nhân là tác giả.Nhưng phần lớn học giới Trung Quốc không công nhận, và như trên cho thấyKTD được xem là tác phẩm khuyết danh.Đến nay người ta vẫn chưa biết được Tĩnh Điềm Chủ nhân, Tỉnh Trai Chủ nhân là ai, lai lịch như thế nào.

Tiểu thuyết KTDkể về mối duyên kỳ lạ củaKim Ngọc, con trai của Kim Ngạn AmvớiVô Hà,con gái của thầy thuốc Thạch Đạo Toàn. Nhìn chung truyện có khuôn dạng như phần lớn các tiểu thuyết tài tử giai nhân khác, rất nhiều môtíp quen thuộc được sử dụng để dựng truyện. Như học giới đều biết, mảng tiểu thuyết này xưa nay hầu như luôn bị đánh giá thấp nhất trong các chi tộc tiểu thuyết Trung Quốc. Thế nhưng có một điều lạ là thể tài này lại được các văn gia, sĩ tử Việt Nam thích thú chuyển thể (hay cải biên, diễn Nôm) thành truyện thơ Nôm, và KTDđược chuyển thể thành tuồng có thể xem như một trường hợp đặc biệt.

Hầu như các tiểu thuyết tài tử giai nhân Trung Quốc khi được chuyển thể thành truyện thơ Nôm đều được cắt tỉa cho gọn lại và việc này cũng đòi hỏi tài năng tái tạo của người làm truyện.Với tuồng KTKDthì như thế nào? Muốn biết soạn giả cắt tỉa ra sao, tái tạo nội dung như thế nào, thì chúng ta phải xem xét trên cơ sở đối chiếu với lam bản của nó là KTD. Và thông qua thao tác này chúng ta mới có được những nhận xét khách quan, chân xác về sự sáng tạo nghệ thuật của Bùi Hữu Nghĩa trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật.

2. Việc tái tạo nội dung của tác giả trongKim Thạch kỳ duyên

Nội dung tư tưởng, nội dung thẩm mĩ và cảm hứng chủ đạo của tiểu thuyết hay tuồng về căn bản được tạo nên bởi mấy yếu tố chính là nhân vật, tình tiết, cốt truyện, kết cấu tạo truyện. Dưới đây chúng ta thử xem xét mấy yếu tố này trong hai tác phẩm.

2.1. Về nhân vật

Khiđốichiếu nhân vật trong tiểu thuyết KTD và tuồng KTKD chúng tôi nhận thấy,hệ thống nhân vật trong hai tác phẩm này hầu như giống nhau. Tuy nhiên, không phải nhân vật trong tuồng giống một trăm phần trăm nhân vật ở tiểu thuyết.Chẳng hạn: Một số nhân vật trong vở tuồng được gọi bằng tên khác như đạo sĩ Lý Thái Quân gọi là Thái Thượng Lão Quân (nhưng cũng có khi tự xưng là Lý Thái Quân), trong tuồng Thái Thượng Lão Quân có lúc biến thành Thiết Chuỷ (Thiết Chỉ), đạo sĩ Vô Hư là hoà thượng Hư Vô, đạo sĩ Phất Trần thay bằng Đạo Oản, Đạo Chuối, đạo sĩ Thiết Quán – quân sư của Tiêu Hóa Long trong bản tuồng viết là Thiết Quang (bản Nôm Bùi Quang Nhơn) hoặc Thiết Hoan (bản Nôm Thư viện Vương quốc Anh), ma ma dẫn đường cho Ái Châu bước vào nghề kĩ nữ gọi là Kiền Bà; ngoài ra có một số nhân vật được thêm vào trong vở tuồng như Thôn trưởng, Trùm việc, Lư Hùng, Lư Hổ,... Nhìn chung đây đều là những nhân vật phụ, còn nhân vật chính của cả hai tác phẩm thì đều giống nhau.Dưới đây là những nhân vật chính yếu, có tần suất xuất hiện cao trong KTD (kê theo thứ tự từ cao đến thấp):

1. Thạch Vô Hà; 2. Kim Ngọc (Vân Trình); 3. Lâm Viên ngoại (Lâm Vượng); 4. Trương thị (vợ Lâm Viên ngoại); 5. Lâm Ái Châu; 6. Kim Ngạn Am (cha Kim Ngọc); 7. Thạch Đạo Toàn (cha Vô Hà); 8. Chu thị (vợ Thạch Đạo Toàn); 9. Thạch Hữu Quang(con trai Thạch Đạo Toàn); 10. Thiết Thuần Cương (con trai Thiết Đình Quý và Giải thị).

Có thể nói 10 nhân vật trên là những nhân vật chính của tiểu thuyết, còn những nhân vật sau đây có tần suất xuất hiện thấp hơn, là những nhân vật phụ:

11. Hoàng thị (vợ Ngạn Am); 12. Nguyên Cô (con gái Ngạn Am); 13. Tố Châu (em gái Ái Châu); 14. Lợi Đồ; 15. Bạch thị (vợ Lợi Đồ); 16. Điêu thị (vợ Lợi Đồ); 17. Lợi công tử (Ái Lang-con trai Lợi Đồ); 18. Thủ bị Lý Thiệu Cơ; 19. Đạo sĩ Lý Thái Quân; 20. Thầy tướng số Lý Thiết Chủy; 21. Tiêu Hóa Long; 22. Du Đức; 23.Giải thị (vợ Thiết Đình Quý); 24. Đạo sĩ Phất Trần; 25. Đạo sĩ Vô Hư; 26. Kim Thành Trai (Kim học sư); 27. Phùng Thành; 28. Cô hầu Tiểu Yến; 29. Cô hầu Thu Quế; 30. Cô hầu Xuân Hạnh; 31. Hoàng thượng (Vua Tống); 32. Thừa tướng Lư Khải Phong; 33. Đạo sĩ Thiết Quán (quân sư của Tiêu Hóa Long); 34. Tuần án Tằng Sư Vọng; 35. Xa Lý hình.

Cũng có những nhân vật chỉ xuất hiện nhất thời trong một vài sự kiện như:

36. Thiết Đình Quý (cha Thiết Thuần Cương); 37. Đới Bảng nhãn; 38. Từ Thám hoa; 39. Đề đốc Từ Tuấn Kiệt; 40. Tướng quân Dương Quang Vũ; 41. Tổng binh Vương Kinh; 42. Trần Chiêu; 43. Tô Sĩ Lâm; 44. Tiết Thế Hi; 45. Đô thống Hoàng Chương; 46. Tôn Long; 47. Triệu Hiến; 48. Diêu Cảnh; 49. Hồ Quý; 50. Lý Văn Hoán; 51. Tướng quân Ô Hợp; 52. Tướng quân Vu Luân; 53. Tướng quân Hà Dung; 54. Tướng quân Tất Thư; 55. Tướng quân Bốc Thành Công; 56. Tướng quân Nhuế Phong Đao; 57. Tướng quân Vu Địch Thoái; 58. Tướng quân Văn Thanh Phạ (Thinh Bá);59. Tướng quân Phòng Nhân;60. Tướng quân Phù Nghĩa; 61. Cường Hổ; 62. Quan Tứ Phủ; 63. Đoàn Môn Tử; 64. Lư công tử; 65. Thẩm bà; 66. Quan Huyện thừa; 67. Vương bà; 68. Tướng giặc Đầu Đà; 69. Ma ma lầu xanh; 70. Trâu Cẩu Nhi.

Ngoài ra còn có một số nhân vật không tên, xuất hiện nhất thời khác như: sai nha, thư biện,a hoàn, bà đỡ, chồng bà đỡ, quân lâu la, tú tài, vợ tú tài, người canh cổng, thầy phong thủy, hoà thượng, ni cô, bọn giả dạng, bọn ăn mày,...

Tóm lại là tiểu thuyết KTDcó trên 80 nhân vật. Với một số lượng nhân vật đông đảo như vậy, thế nhưng theo khảo sát của chúng tôi, tác giả KTKD đã đưa gần như đầy đủ vào vở tuồng (Các nhân vật như Đới Bảng nhãn; Từ Thám hoa; Tướng quân Dương Quang Vũ; Tổng binh Vương Kinh; Trần Chiêu; Tô Sĩ Lâm; Tiết Thế Hi; Đô thống Hoàng Chương; Tôn Long; Triệu Hiến; Diêu Cảnh; Hồ Quý; Lý Văn Hoán; Tướng quân Ô Hợp; Tướng quân Tất Thư; Tướng quân Phòng Nhân; Tướng quân Phù Nghĩa; Lư công tử và một vài nhân vật phụ khác không có trong tuồng).Các nhân vật trong tuồng cũng xuất hiện với tần suất cao thấp khá tương đồng với hệ thống nhân vật ở tiểu thuyết, có thể nhân vật xuất hiện trước sau được sắp xếp lại nhưng vẫn đảm bảo được vai trò của mình giống như ở tiểu thuyết KTD. Đây là một công trình mất nhiều công sức của tác giả, nhưng đồng thời cũng là nhược điểm rõ nhất của vở tuồng như một số nhà nghiên cứu đã nhận xét: nhân vật quá rườm rà.

Vậy tác giả vở tuồng có sáng tạo gì trên phương diện xây dựng nhân vật? Có thể nói rằng, tuy hầu như hệ thống nhân vật được vay mượn từ tiểu thuyết, nhưng các nhân vật trong tuồng có sắc thái “rất Việt Nam”, đặc biệt là những nhân vật phụ. Nhìn chung, sự sáng tạo của tác giả ở những nhân vật chính không nhiều. Trong nhóm nhân vật này thì Lâm Ái Châu là nhân vật được tác giả tái tạo sinh động, đặc sắc hơn cả: nhân vật hầu như đã thoát khỏi “cái kén” ở lam bản và hoá bướm. Song, trong vở tuồng, có sắc thái riêng sinh động, đặc sắc hàng đầu lại là những nhân vật ở tuyến phụ, nổi trội là hai nhân vật do tác giả sáng tạo hoàn toàn: Thôn trưởng và Trùm việc; kế đến là ba nhân vật tuy có ở lam bản nhưng hầu như đã được tác giả “đoạt thai hoán cốt” hoàn toàn: Đạo Oản, Đạo Chuối và hòa thượng Hư Vô (Vô Hư). Vấn đề này chúng tôi sẽ nói rõ ở phần sau của bài viết.

2.2. Về tình tiết, cốt truyện, kết cấu

Do KTKDđược viết lại từ một tiểu thuyết của Trung Quốc, nên cốt truyện về căn bản vẫn không khác bao nhiêu so với lam bản của nó. Qua đối chiếu văn bản hai tác phẩm chúng tôi thấy, để chuyển sang kịch bản tuồng tác giả đã thực hiện những thao tác chính yếu là: tỉnh lược tình tiết, hoán chuyển tình tiết và sáng tạo thêm một số tình tiết.

Cũng như rất nhiều tác phẩm cùng loại, KTD khá rườm rà, truyện phân tán ra nhiều nhánh mạch, nhiều chỗ kể chi tiết, tỉ mỉ đến mức vụn vặt, lan man, giống như người viết cố ý ngắt mạch chính, rẽ chỗ này tạt chỗ kia để kéo dài câu chuyện. Và dĩ nhiên do đặc trưng thể loại, tuồng không thể kể chuyện linh động như tiểu thuyết được, người biên soạn phải lược bỏ bớt những chi tiết không cần thiết. Tỉnh lược tình tiết có hai dạng, dạng thứ nhất là cắt bỏ hoàn toàn một đoạn, dạng thứ hai là lược gọn lại.

Giống như phần lớn các truyện thơ Nôm chuyển thể, tuồng cũng vậy, soạn giả KTKD đã khá triệt để với “nguyên tắc biên soạn” là những đoạn kể tỉ mỉ, dông dài trong tiểu thuyết sẽ bị cắt bỏ hoặc lược gọn lại, làm sao mạch truyện gắn kết, phù hợp là được. Vì vậy số đoạn trong tiểu thuyết bị cắt bỏ rất nhiều. Qua đối chiếu chúng tôi thấy người soạn tuồng đã cắt bỏ hoàn toàn 2 hồi (hồi 16 và 17); có 56 trường hợp cắt bỏ đoạn văn (một đoạn có thể là một tình tiết hoặc nhiều tình tiết); có 23 trường hợp lược gọn tình tiết (Số liệu thống kê này chỉ có tính tương đối, vì xác định là cắt bỏ hay lược gọn còn tuy theo quan điểm của người khảo sát). Vì số trang bài viết có hạn, chúng tôi xin trích một đoạn đã bị tỉnh lược để đọc giả tiện hình dung:

Lợi công tử đã chốt hết các cửa trong ngoài nên yên tâm đi thẳng vào phòng trong. Đi đến trước giường, thấy tiểu thư tay kê dưới má say sưa ngủ. Ái Châu tiểu thư mặc một chiếc áo mỏng hơi hở ngực, mặc một chiếc váy mỏng màu vẩy cá trông xinh đẹp vô cùng. Còn có một đôi chân nhỏ nhắn xinh xinh, một đôi giày thêu màu đỏ thắm, vô cùng dễ thương, thấy thế chàng dùng tay ướm thử thì hơn ba tấc một tí. Chàng lại thấy có một quyển “Khoái lạc” ở cạnh gối, bên ngoài có một bức tranh thêu nhưng toàn là hình khiêu dâm. Lợi công tử thầm nghĩ: “Mới đầu nằm ở đây xem loại sách này, sau đó chắc là động lòng dục nên mới ngủ quên thế này. Người con gái này ắt là một nhân vật phong tình lả lơi, không cần sợ cô ấy”. Thế là Lợi công tử nhẹ nhàng nâng gương mặt Ái Châu tiểu thư lên, môi kề môi và gắn lên một nụ hôn nồng nàn. Trong mơ Ái Châu tiểu thư quay lại ôm lấy Lợi công tử, miệng nói: “Người yêu của thiếp, hãy ôm chặt lấy thiếp!”. Sau đó, nàng mở mắt ra nhìn thì hốt hoảng la lên một tiếng. Ban đầu tiểu thư đọc sách rồi ngủ quên, mơ thấy có người kéo nàng ta vào cơn mây mưa. Khi Lợi công tử hôn nàng ta cũng chính là lúc tình tứ nhất trong mơ, cho nên nàng ta mới bất giác ôm lấy cánh tay Lợi công tử và gọi như vậy. Cho đến lúc mở mắt ra mới biết là nằm mơ. Khi tỉnh mộng, thấy bên cạnh mình có một thiếu niên tuấn tú, nàng ta hoảng hốt đến nỗi không kịp rút tay lại, nói:

(Kế tiếp là đoạn đối thoại dài được soạn giả vở tuồngtái hiện lại)

Vừa nói dứt câu, Lợi công tử liền bế Ái Châu tiểu thư lên giường. Ái Châu tiểu thư đọc sách đã chạm đến lửa dục trong lòng. Sau đó ngủ quên rồi lại mơ mộng, đúng lúc lửa dục khó cưỡng thì lại gặp người thiếu niên tuấn tú như Lợi công tử, để rồi môi kề má ấp khiến cho toàn thân tê dại, hồn phách phiêu diêu. Tuy miệng thì từ chối nhưng trong lòng thì đã sớm đồng ý. Cho nên khi Lợi công tử lần mở từng chiếc cúc áo thì Ái Châu tiểu thư cũng giả vờ buông tay, chiều theo ý của Lợi công tử để thỏa cơn lạc thú. Một kẻ thì lãng tử trăng hoa, giỏi nhất là tán tỉnh con gái nhà lành. Một người thì phong lưu đa tình.Một người nói vì kiếp trước có duyên nên kiếp này may mắn gặp được vợ đẹp. Một người nói vì ngày trước lỗi hẹn nên bây giờ không được phụ lòng nam tử. Hết thề non hẹn biển rồi lại đến bao nhiêu chuyện tình tứ, cả hai tiếng mới xong cuộc vui. Chỉ thấy giọt máu đào thấm trên khăn và mồ hôi đầy ngực. Sau cuộc mây mưa, cả hai đều lưu luyến không nỡ chia tay. Ái Châu tiểu thư nói:

(Kế tiếp là đoạn đối thoại được soạn giả vở tuồng tái hiện lại) v.v.

Hai đoạn trích ở trên nằm trong hồi 8, nói về chuyện Lợi công tử và Ái Châu đi lại vụng trộm với nhau. Lợi công tử ngày nào cũng đêm đến sáng về liên tiếp mười ngày. Sau đó Lợi Đồ cho Phùng Thành sang nhà họ Lâm hỏi cưới, và lễ cưới được tổ chức long trọng.

Kiểu tỉnh lược tình tiết như trên nói như Phan Ngọc là “tàn nhẫn”, nhưng soạn giả không thể không làm vì thể loại tuồng không thể kể chuyện như tiểu thuyết được, những đoạn miêu tả ấy may ra chỉ được diễn viên thể hiện một cách ước lệ trên sân khấu mà thôi.

Có một điểm đáng chú ý là, những đoạn miêu tả việc toan tính, bày mưu dựng kế khá đặc trưng trong tiểu thuyết Trung Quốc phần lớn không được soạn giả tái hiện lại, nếu có thì cũng sơ lược mà thôi. Điều này rất giống với loại truyện thơ Nôm chuyển thể.

Bên cạnh việc tỉnh lược tình tiết soạn giả còn dùng biện pháp hoán chuyển tình tiết, tức sắp xếp các sự kiện trong câu chuyện lại, đưa tình tiết ở sau lên trước hoặc ở trước xuống sau. Qua khảo sát, chúng tôi thấy có đến 14 trường hợp soạn giả hoán chuyển tình tiết. Sự hoán chuyển ấy nhìn chung là để thuận lợi cho việc trình diễn trên sân khấu thôi, không làm cho câu chuyện thay đổi nhiều, mô hình căn bản của loại tiểu thuyết tài tử giai nhân vẫn bảo lưu ở kịch bản tuồng.

Những thao tác nói trên là để rút ngắn, sắp xếp lại câu chuyện. Đáng lưu ý hơn là soạn giả còn thay đổi (hay viết lại) và tạo tình tiết mới. Trong tác phẩm chúng tôi thấy có đến 31 trường hợp soạn giả thay đổi tình tiết. Việc thay đổi tình tiết có thể xuất phát từ nhiều nguyên do: để phù hợp với thể loại tuồng hơn;hoặc để cho các nhân vật, sự kiện gắn kết với nhau hơn; hay để phù hợp với văn hoá Việt hơn;... Chẳng hạn:

Đoạn Ái Châu giở trò ve vãn Kim Ngọc ngầm hại Vô Hà thì ở tiểu thuyết Kim Ngọcđã giận dữ kể một loạt mười tội của ả khiến ả chẳng thể giải thích gì thêm.Nhưng ở bổn tuồng soạn giả lại viết thêm thành một đoạn thoại xen lẫn rất đắt giá, mỗi khi Kim Ngọc kể ra tội gì thì Ái Châu chối đây đẩy, thanh minh ngay tội đó:

Tội thứ 1 (tráo trở, không tiết hạnh),thanh minh: tại duyên số trời định, cũng không cãi được; Tội thứ 2 (tà dâm, vô liêm sỉ),thanh minh: tại Lợi công tử xông vào làm bừa, đành phải chấp nhận theo; Tội thứ 3 (vô lương tâm để Lợi gia tham lam hại người),thanh minh: Lợi gia cũng toàn những người bạo ngược, có khuyên cũng không ích gì; Tội thứ 4 (bất hiếu, không cho nhà chồng tiếp đãi cha),thanh minh: vì sợ cha chồng khinh cha đẻ nên bất đắc dĩ mới không cho nhà chồng tiếp đãi; Tội thứ 5 (chồng bị nạn lại gian dâm với kẻ khác),thanh minh: mình bị vu khống chứ thật ra không có chuyện đó; Tội thứ 6 (bất hiếu, tố cáo cha khiến tán gia bại sản),thanh minh: cũng đúng, nhưng bất đắc dĩ không chịu nổi đòn nên phải khai cha; Tội thứ 7 (mưu chia rẽ vợ chồng người, hãm hại ân nhân),không thanh minh nhưng vẫn giữ thái độ chua ngoa:Còn tội chi, kể đủ chục đi mà nghe!”;Tội thứ 8 (rắp tâm mê hoặc Kim Ngọc),thứ 9 (nói xấu, giá hoạ vu oan người tốt là Vô Hà) vàthứ 10 (độc ác, xúi Kim Ngọc giết vợ): không thanh minh được nữa.

Rõ ràng tác giả KTKD đãđẩy nhân vật Ái Châu lên mức cực kì chua ngoa, giảo hoạt, hiểm ác.

Nhân vật Đầu Đà (trong tuồng tên Lư Đà Đầu) trong tiểu thuyết là một tên hải khấu, cùng những tên khác muốn đánh chiếm Đài Loan, không có liên quan đến chuyện Tiêu Hóa Long năm xưa, không “dây mơ rễ má” gì với Lư Thừa tướng. Nhưng trong tuồng hắn lại là em của Lư Thừa tướng, vì vậy mà căm Hoàng thượng, oán Kim Ngọc đã hại anh mình, nên đã cùng Lư Hùng, Lư Hổ chống lại triều đình trả thù cho anh. Có lẽ soạn giả thay đổi như vậy để cho mối quan hệ giữa các nhân vật và sự kiện kết nối với nhau chặt chẽhơn.

Trong KTD, ngôi miếu mà chủ tớ Kim Ngọc ở có hai đạo sĩ là Phất Trần và sư phụ Vô Hư. Sư phụ Vô Hư là người ích kỉ, khắc bạc, còn Phất Trần là bậc tu hành có phẩm hạnh. Về sau, khi Kim Ngọc thực hiện lời phát nguyện dựng tượng, xây miếu thì đạo sĩ Phất Trần an nhàn tu tập, “sống đến hơn một trăm tuổi, không mắc bệnh tật gì, nhẹ nhõm ra đi. Lúc qua đời mùi hương bay xa đến mấy dặm, một tháng mới tan hết”. Nhưng trong tuồng KTKDthì Phất Trần đã được thay bằng hai sư thầy Đạo Chuối, Đạo Oản lố lăng, xôi thịt bên cạnh hòa thượng Hư Vô giả dối, ích kỉ. Có lẽ để gần gũi với văn hoá Việt hơn soạn giả đã đổi đạo sĩ thành sư thầy, miếu thờ thần thành chùa thờ Phật.

Song, không phải lúc nào soạn giả KTKDcũng cắt bỏ hay lược gọn lại. Có những đoạn soạn giả viết dài hơn cả lam bản, và thường đây là những đoạn có tính trữ tình. Thí dụ đoạn sau đây tiểu thuyết viết:

Liền bàn bạc với Vô Hà, tạm biệt người thân mang theo nhiều tiền đi đường, cho Du Đức đi cùng, sáng sớm bắt đầu lên kinh thành để nghỉ ngơi, chờ ngày thi Hội. Chọn ngày 16 tháng 11 thầy tớ lên đường, trên đường vừa đi vừa nghỉ, đến ngày 20 tháng 12 mới đến kinh thành.

Trong tuồng, tương ứng với đoạn trên là những khúc ngâm vãn khá dài, trữ tình, giàu chất thơ(8):

VÔ HÀ viết:

Diếp đã vầy duyên cá nước,/ Nay chưa gặp hội rồng mây.

(Thưa phu quân!)Đủ ba thu, cửa thánh liền tay,/ Nhờ một hội, bảng trời rạng tiếng.

Trường bạt tụy, nghe đà hầu đến,/ Học quyết khoa, sao chẳng sớm toan?  

Vẻ thân danh, dầu đặng rỡ ràng,/ Tình cốt nhục, họa may gặp gỡ.

KIM NGỌC viết:

Lựa đó phải sâu lời trổ đá,/ Vốn đây đà sẵn chí lướt mây.

(Như vợ chồng ta):Chung áo trâu, khăng khít những ngày,

(đến nay mà):Chia chiếu gấu, ngậm ngùi nỗi bước.

Cầu Ngân Hán, chung chinh nhịp thước,/ Dải bích vân, lai láng giọt quyên.

Ly trường, ám trục ngũ vân biên,/ Biệt lụy, sầu thôi thiên lý ngoại.

Biệt ngâm viết:Thiên ngoại cô bồng vạn lý chinh,

VÔ HÀ ngâm viết:Tống quân nhứt biệt, nhứt hàm tình.

Nhị nhơn ngâm viết:Cố hương ý cẩm tri hà nhựt?/ Dương liễu kiều đầu biệt hận sinh.

KIM NGỌC vãn viết:Hận sinh, tơ mành khôn gỡ,/ Trăm năm nguyền ghi chữ đồng tâm.

VÔ HÀ vãn viết:Nhành sương mấy dặm đằm đằm,/ Tơ dài ngàn liễu khôn cầm vó câu.

Nhị nhơn vãn viết:Ngùi ngùi thay lúc chia bâu!/ Trường xuân kẻ tới, phòng thâu người về.

Có thể nói đây là đoạn đặc sắc, là sáng tác hoàn toàn của soạn giả KTKD, mấy dòng kể khô khốc trong lam bản chỉ là gợi ý để soạn giả trổ tài nghệ thi ca của mình mà thôi. Những câu lục bát ở cuối điêu luyện, mượt mà nào kém lục bát trong Truyện Kiều. Trong bổn tuồng số đoạn do chính soạn giả tạo ra không phải là ít.Phần lớn những đoạn này liên quan đến các nhân vật do soạn giả tạo dựng nên như Đạo Oản, Đạo Chuối, Trùm việc, Thôn trưởng. Những đoạn tự bạch giới thiệu bản thân của các nhân vật này là những đoạn sáng tạo độc đáo, sinh động, đầy sắc thái Việt. Chẳng hạn, đây là đoạn tự bạch của Trùm việc:

TRÙM VIỆC xướng viết:

Quản cư ấp nội, bảo bình an,/ Đinh lậu văn danh mạc cảm đang.

Cần cán thôn trung kham đẳng sự,/ Tịnh vô hà lạm, chúng dân nhàn.

Hựu viết:Lãnh tờ cử giữa làng,/ Trùm ấp xưng chức mỗ.

(Như ta):Nghe quan đòi rút cổ,/ Thấy lệ tới lắc đầu.

Điền lính thời tôi giả mới đau,/ Đóng thuế lại mỗ rằng chưa mạnh.

Ở dưới làng chảnh ngoảnh,/ Lên đến tỉnh bần xừ.

Lính nói chẳng dám ừ,/ Lệ kêu thời phải dạ.

(Ấy là việc quan; chớ còn việc ve, tôi thời giỏi lắm mà!)

Chẳng chừa con mẹ góa,/ Nào luận gái có chồng.

Chứng máu dê, người đã tỏ lòng,/ Sanh bụng chó, chúng đều biết mặt.

Nhân vật hoà thượng Hư Vô vốn được xây dựng từ nhân vật sư phụ Vô Hư trong lam bản, nhưng hầu như soạn giả đã tái tạo hoàn toàn.Đây là chân dung của y qua lời tự bạch:

HƯ VÔ HÒA THƯỢNG bạch viết:

Nương cửa Phật, dối màu tăng,/ Lần chuỗi bồ đề, dễ kiếm ăn.

Đôi mắt lim dim, lòng tưởng nhớ,/ Mở kinh thí thực, tụng lăng nhăng.

Hựu viết: (Như ta):

Nghề nghiệp ít ai bằng,/ Tu hành nhiều kẻ mắc.

Bất trị rày nương cửa Phật,/ Hư Vô vốn thiệt tên thầy.

Dầm dề mùi đạo như say,/ Thong thả màu thiền dễ dối.

(Bớ các phụ! Từ khi thằng Kim Ngọc về ở chùa mình, đã đau lại nghèo, nó lại nguyện rằng: “Sùng tu Phật tự, tố hội kim thân”).

(Cha chả!)Thằng nói nên lớn lối,/ Ta nghe cũng chỉn ghê.

Nhà cửa đâu, nó chẳng chịu về,/ (còn)Chùa chiền tới choán đây mãi thế!

Nhìn chung, nhân vật và tình tiết giữa tiểu thuyết và tuồng không khác nhau nhiều lắm, cốt truyện gần như không thay đổi. Soạn giả bản tuồng tuy đã tỉnh lược tình tiết khá nhiều, nhưng câu chuyện vẫn chưa gọn nhẹ, chặt chẽ, nhân vật vẫn còn quá nhiều. Điều này dẫn đến hệ quả là rất khó dàn dựng, đưa tuồng lên sân khấu. Không biết trước đó vở tuồng được diễn như thế nào, nhưng theo các nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp, Minh Tải Đặng Văn Ký, Đinh Bằng Phi, Bảo Định Giang,…thì sang thời hiện đại không thấy nó được đưa lên sân khấu(9).Thông tin trên của các nhà nghiên cứu có thể là xác thực. Tuy nhiên, cũng cần phải ghi nhận rằng, chỉ xét ở phương diện từ một tiểu thuyết tái tạo thành kịch bản tuồng đã thấy công sức của người biên soạn không nhỏ. Hơn nữa, như nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định, KTKD nếu đọc như một kịch bản văn học thì đó là một tác phẩm rất có giá trị.Để thấy tài nghệ văn chương, khả năng “đoạt thai hoán cốt” của soạn giả thế nào, thì phải xét KTKD ở phương diện nghệ thuật.

3. Những sáng tạo nghệ thuật của tác giả trongKim Thạch kỳ duyên

Về giá trị nội dung, giữa KTKDvà lam bản của nó tuy có một số khác biệt nhưng không nhiều.Bởi vở tuồng được viết lại trên cở sở tiểu thuyết, cốt truyện không thay đổi nhiều, nên đề tài, chủ đề, tư tưởng chủ đạo của tác phẩm về cơ bản là khá tương đồng với lam bản. Chính vì vậy mà chúng tôi nghĩ rằng, những sáng tạo nổi bật của tác giả Bùi Hữu Nghĩalà ở phương diện nghệ thuật, đấy mới chính là những cái của riêng ông.

Về phương diện nghệ thuật, có một số vấn đề cần đặt ra, chẳng hạn khi nói về nghệ thuật xây dựng cốt truyện, tạo những tình huống xung đột trong vở tuồng, nếu không cẩn thận thì người viết sẽ có những đánh giá, nhận định không khách quan, khiên cưỡng, ca ngợi soạn giả KTKDquá đà. Chẳng hạn, trong luận văn của Phạm Thị Thanh, ở mục “4.2. Những đặc sắc về nghệ thuật của tuồng KTKD” có 8 trang viết về “Nghệ thuật xây dựng các tình huống xung đột”.Nhưng đáng tiếc là hình như người viết quên mất soạn giả vở tuồng xây dựng các tình huống xung đột ấy căn bản từ tiểu thuyết KTD. Trong 8 trang ấy, nếu chúng ta thay tên KTKD bằng KTD và chữa lại tên nhân vật cùng một vài chi tiết thì nó sẽ trở thành những trang đánh giá tiểu thuyết KTD!(10) Việc người viết không đá động tí gì đến lam bản của vở tuồng ở đây là một lỗi “việt vị” mà những người nghiên cứu các tác phẩm chuyển thể (hay cải biên) cần lưu tâm.

Chúng tôi cho rằng sáng tạo nổi bật, riêng có của soạn giả KTKDchính là ở phương diện ngôn ngữnghệ thuật. Mặc dầu vở tuồng dựa vào tiểu thuyết KTD mà viết nên, nhưng ngôn ngữ trong tuồng là của Bùi Hữu Nghĩa. Ngôn ngữ nghệ thuật của tác giả đã làm cho vở tuồng có phong cách khác hẳn lam bản của nó, làm cho “hồn vía” nhân vật khác đi, làm cho người ta thấy câu chuyện ở Trung Hoa xa xôi dường như diễn ra trên mảnh đất Nam Bộ Việt Nam. Chính vì vậy mà chúng tôi cho rằng mục “4.2.3. Nghệ thuật sử dụng ngôn từ trong KTKD” trong luận văn của Phạm Thị Thanh là mục tác giả viết tốt nhất, thuyết phục nhất khi nói về “Giá trị nghệ thuật của tuồng KTKD”.

Nếu nhìn ở góc độ khán giả thì có thể xếp tuồng vào loại nghệ thuật đại chúng, vì từ vua chúa cho đến thứ dân đều có thể thưởng thức được. Một số tuồng do tầng lớp văn nhân lớp trên sáng tác, tuy ngôn ngữ bác học hơn nhưng thời mà nước ta còn dùng chữ Hán thì phần lớn quần chúng đều hiểu. Song, bước sang thời hiện đại, khi nước ta chuyển sang dùng chữ quốc ngữ thì loại tuồng có tính bác học này không còn là loại nghệ thuật đại chúng nữa. Những vở tuồng mà người phiên âm phải chú thích dầy đặc, tỉ mỉ từng từ từng câu độc giả mới hiểu đã trở thành tác phẩm quá bác học. KTKDđược xếp vào loại này, vì như chúng ta thấy, nhân vật trong vở tuồng “nói nho”(11) nhiều quá. Tuy nhiên cũng có không ít trường hợp nhân vật lại nói năng rất nôm na bình dị. Điều này khiến cho tác phẩm vừa có tính bác học (hay cao nhã) vừa có tính bình dân (hay thông tục).

Loại tiểu thuyết tài tử giai nhân nhưKim Vân Kiều truyện, KTDđược xếp vào mảng văn học thông tục, nhưng khi chúng được chuyển thể thành truyện thơ Nôm hay tuồng thì xu hướng nhã hoá thể hiện rõ nét. Đây là một đặc tính hết sức thú vị của nhóm văn học chuyển thể này. Chúng cho thấy tài năng “đoạt thai hoán cốt”, thay đổi phong cách, tạo nên giá trị mới của văn nhân Việt.

Một trong những điều tạo nên tính cao nhã hay bác học của vở tuồng là tác giả đã sử dụng khá nhiều thể thơ kết hợp với lối văn đối ngẫu. Nói về sự đa dạng của các thể thơ trong KTKDNguyễn Văn Hầu nhận xét:

Tác giả dùng nhiều lối: tứ tự, ngũ ngôn, lục ngôn, lục bát và thất ngôn để phụ diễn. Lối được dùng nhiều là nói lối, thất ngôn và lục bát. Hai lối sau có đặc điểm là tác giả ưa đem đặt vào cửa miệng của các nhân vật học thức hoặc có địa vị xã hội cao hơn. Thất ngôn thì được hạn chế với số câu tứ tuyệt, còn lục bát thì được giới hạn trong ba cặp, tức sáu câu thỉnh thoảng có biến cách. Trong hai lối này chủ yếu được đem dùng diễn tả nỗi bi thảm cùng những xúc động mạnh trong tâm hồn. Nếu chịu khó đếm thấy thì trong riêng hai lối, mỗi lối có hàng trăm câu.(12)

            Đọc vở tuồng chúng ta dễ dàng bắt gặp những lời ca câu hát nếu tách riêng ra khỏi vở tuồng nó có giá trị như những bài thơ độc lập giàu chất thi ca. Đó có thể là một bài tứ tuyệt chữ Hán điêu luyện, tao nhã như:

            Ngâmviết:Hư linh phù tích nhứt luân viên,/ Hoặc tại giang hà, hoặc tại uyên.

            (Tốt a!)Thiên hạ hàm ngung quang chiếu giám,/ Tiềm giao xuân dạ bão châu miên.(13)

Kim Ngọc ngâm bài tứ tuyệt này khi đang ngồi thuyền trên sông nướchữu tình cùng cha mẹ đi nhậm chức, trước khi gặp cướp Tiêu Hoá Long. Hay khi Kim Tố Thành Trainghĩ đến người bạn đồng niên từ lúc đi nhậm chức đã bặt vô âm tín, ngâm bài tứ tuyệt lai láng tình cảm nhớ mong:

              Nhứt biệt kim bằng, âm tín hi,/ Ốc lương dạ nguyệt, tưởng dung nghi.

              Xuân lai yến tử, thu lai nhạn,/ Lưỡng địa ân tình tổng bất tri.(14)

Trong KTKDcó nhiều đoạn hợp thể Nôm xen Hán, lối tứ tự kết hợp ngũ ngôn, lục ngôn, lục bát và thất ngôn rất điêu luyện. Chẳng hạn đoạn mở đầu của cảnh V – lớp 2 (Ngạn Am cùng gia đình đi nhậm chức):

KIM NGẠN AM viết:Ngửa vưng chiếu phụng,/ Ra vỗ dân nhàn.

Biệt Hà Nam, mấy dặm khoan khoan,/ Trông Bồ Quận, ngàn trùng nhẹ nhẹ.

Vãn viết:Bồ Quận, ngàn trùng nhẹ nhẹ,/ Vững lòng thuyền, nào nệ phong ba.

Ngửa vưng đức ý hoàng gia,/ Trung thành hai chữ, tuy hoà muôn dân.

Trải qua mấy dãy yên vân,/ Non thêu vẻ gấm, nước ngần màu gương.

Hựu viết:Non đoài phút ngậm ác vàng,/ Cung chấn lại đeo thỏ bạc(nọ!)

(Quân!)Truyền quân xá kíp,/Ký thiệp tạm đình!

Đãi minh nhựt phát hành,/ Vọng tiền đồ trực tấn.

KIM NGỌC viết:

(Xinh a!)Trời xanh nguyệt rạng,/ Gió mát sóng trang.

Trăng thanh mặt nước rơi vàng,/ Sao tỏ da trời nhận ngọc.

(Âu là):Bầu Trường Canh kíp rót,/ Thơ Đỗ Phủ liền ngâm.

Đoạn Vô Hà tiễn Kim Ngọc lên kinh thi Hội mà chúng tôi dẫn ra ở mục trên cũng là một đoạn hợp thể đặc sắc như vậy.

Tính bác học của vở tuồng còn có thể xét ở nhiều khía cạnh nữa, trong KTKDnổi bật là các biện pháp nghệ thuật như đối, chơi chữ, điển cố. Trong bổn tuồng ta dễ dàng bắt gặp những câu sử dụng phép đối điêu luyện và đa dạng, có kiểu tiểu đối như “Ngậm ngùi thay lúc chia bâu/ Trường xuân kẻ tới phòng thâu người về”, hay cú đối như “Non đoài phút ngậm ác vàng/ Cung chấn lại đeo thỏ bạc”,… Về chơi chữ thì người đọc thường thích thú với kiểu chơi chữ của nhân vật Thạch Đạo Toàn. Vị thầy thuốc này mở miệng ra là có vị thuốc, điều mà nhân vật Thạch Đạo Toàn trong tiểu thuyết KTDkhông thể làm được. Thạch Đạo Toàn lấy vị thuốc để biểu đạt ý mình rất độc đáo như “Rày mừng lão ký sanh(còn sống)/ Nhờ có con cam thảo (hiếu hạnh thảo ngọt)”, hoặc “Trường hiệp hoan, bữa luống ngóng trông/ Tình phụ tử, ngày lo tan tác”,... Theo thống kê của Phạm Thị Thanh thì trong 58 lời thoại của Thạch Đạo Toàn có 56 vị thuốc(15).

Các phép đối, chơi chữ trong luận án Phạm Thị Thanh viết khá kĩ, chúng tôi chỉ sơ lược điểm qua, nhưng riêng việc sử dụng điển cố thì xin độc giả lưu ý rằng: phần lớn điển cố trong bổn tuồng là do soạn giả sáng tạo, nhưng một số khác lại không phải. Thí dụ:

Đoạn hai nhà Lâm, Lợi làm lễ kết hôn cho Lợi công tử và Ái Châu, sau đó Ái Châu xuống thuyền theo nhà chồng, tác giả sử dụng điển cố rất điêu luyện, ý nhị (từ ngữ in đậm là điển cố):

ÁI CHÂU viết:

Riêng sợ nỗi biệu mai vãn tiết,/ Rất mừng nay đào lý cập thời.

Ngọn buồm trương, gió thuận ra vời,/ Mũi thuyền tách, ngàn trùng sóng khỏa.

Vãn viết:Thuyền tách ngàn trùng sóng khỏa,/ Phận liễu bồ xuất giá tòng phu.

Tương Như đờn khúc “Phụng cầu”,/ Văn Quân há để bạc đầu về sau.

“Quan thư” vịnh chữ “hảo cầu”,/ Bình gương soi bóng, cửa hầu sánh đôi.

Những điển cố trên đoạn tương ứng trong lam bản không có, tức chúng được người soạn tuồng sáng tác.Tuy nhiên, có những chỗ điển cố có dẫn dụng trong lam bản và soạn giả chỉ tái tạo mà thôi. Nếu người nghiên cứu không đối chiếu kĩ càng với lam bản sẽ dễ dàng cho đó là sáng tạo hoàn toàn của soạn giả KTKD.Chẳng hạn đoạn Ái Châu sai Tiểu Yến đưa thơ cho Kim Ngọc để thực hiện mưu đồ độc ác thì Kim Ngọc bảo Tiểu Yến:

Lãnh mối với Oanh Oanh,/ Đem mồi cho Quân Thụy (đây mà)!

Điển cố trên cũng được dẫn dụng trong đoạn tiểu thuyết tương ứng:

… Nhìn thấy Vân Trình chỉ có một mình ở trong, Tiểu Yến bèn bước vào lạy bốn lạy, dâng bài thơ và bài từ lên. Vân Trình vừa cầm lấy vừa hỏi: “Ngươi là tì nữ nhà ai, cái này ai sai đem đến?”. Tiểu Yến thưa: “Tiểu tì là tì nữ Lâm gia, tên là Tiểu Yến, bài thơ và từ này là tiểu thư Ái Châu nhà tôi sai tôi mang đến”.Vân Trình nói: “Ta và tiểu thư ngươi hoàn toàn không dính dáng gì với nhau, sao lại đưa cho ta xem? Ngươi mới tí tuổi đã dám làm “chim xanh” rồi sao? Nhưng ta chẳng phải là Trương Quân Thụy, ngừng mơ đi!”. “Tiểu thư tôi không phải Thôi Oanh Oanh, tiểu tì cũng không phải Hồng Nương.Tiểu thư nói mình chính là người mà từ nhỏ đã cùng Hầu gia kết thân, vì thủ tiết không chịu kết hôn với kẻ khác nên đã chuốc lấy rất nhiều khổ sở, mong Hầu gia không phụ lời thề ngày xưa.Xin Hầu gia hãy đọc bài thơ này thì sẽ biết”.

Trong trường hợp này, rõ ràng việc dẫn câu chuyện trong Tây sương ký là sự tái tạo điển cố đã dùng trong tiểu thuyết.

Như đã nói, tác giả KTKDkhông những tạo nên một vở tuồng có tính bác học mà còn có tính đại chúng. Điểm nổi bật mà ai cũng nhìn thấy đó là những nhân vật có những thói tật “thế nhân thường tình” như Đạo Oản, Đạo Chuối, Trùm việc, Thôn trưởng, hoà thượng Hư Vô. Bằng ngôn ngữ trào lộng, châm biếm “rất Nam Bộ” tác giả đẩy họ lên sân khấu diễn những vai tuồng hết sức tươi mới,sống động. Đây là chân dung “méo mó” của Đạo Chuối:

ĐẠO CHUỐI viết:

Quê ngụ tại Cái Cau,/ Pháp danh xưng Đạo Chuối.

Sớm lân la Cái Muối,/ Chiều thơ thẩn Gò Dưa.

Nhớ Bến Nghé ngày xưa,/ Thèm thịt trâu nhểu dãi.

(Tu như tôi):Kinh cứu khổ, lâm dâm miệng vái,/ (còn) Chuỗi bồ đề, lần lựa tay mò.

(Tu thời công nghiệp lắm! Mà chùa thì nghèo!)

Nóc thấu thiên, ngọn gió thổi lò,/ Mái chí địa, mựa dông ngả tó!

Còn đây là “sự nghiệp trị quốc” của quan Tri huyện Lợi Đồ:

(Như ta): Làm trai hai vợ thương đồng,/ (ấy đó): Lời thế ba bà giúp một.

…Mụ lớn đừng nói ớt nói tiêu,/ Dì nhỏ chớ cà riềng cà tỏi!

Bên cạnh đó là một lớp từ ngữ bình dân, gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày đậm sắc thái Nam Bộ, chúng góp phần tạo nên một vở tuồng vừa bác học vừa đại chúng đặc sắc. Vấn đề này đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến nên chúng tôi thấy không cần thiết phải nói thêm nữa.

Tóm lại, các vấn đề chúng tôi nêu ra ở mục 3 này là những sáng tạo nổi bật thuộc quyền sở hữu không thể tranh chấp của tác giả KTKD.

***

KTKD xứng đáng là niềm tự hào của những cư dân trên vùng đất mới Nam Bộ. Vở tuồng được Bùi Hữu Nghĩa chuyển thể từ tiểu thuyết KTD. Lâu nay nhiều nhà nghiên cứu có nói đến mối quan hệ giữa hai tác phẩm này, nhưng vẫn chưa có một công trình nào nghiên cứu dưới góc độ so sánh. Bài viết của chúng tôi tạm xem như một thử nghiệm bước đầu cho hướng nghiên cứu này. Đặt KTKDbên cạnh lam bản của nó để tìm hiểu, bài viết hi vọng khơi gợi được đôi điều giúp cho việc nghiên cứu tác phẩm toàn diện hơn, chân xác hơn. Có thể nói, tất cả không ngoài mục đích là hướng tới nhận chân những sáng tạođích thực của Bùi Hữu Nghĩa khi biên soạn vở tuồng nổi tiếng này.

----------------------------------

(1) Nghi Chi Bùi Hữu Nghĩa, Tuồng hát bội “Kim Thạch kỳ duyên”, Trần Văn Hương chú thích – Lê Ngọc Trụ hiệu đính, Nhà sách Khai Trí, SAIGON, 1966, tr. VIII.

(2) Con cháu cụ Huỳnh Mẫn Đạt đã từng cho rằng Huỳnh Mẫn Đạt là tác giả của tuồng Kim Thạch kỳ duyên, nhưng đến nay vẫn chưa có ai tìm được bằng chứng thuyết phục cho điều này. Trong bài viết chúng tôi vẫn theo thuyết cho Bùi Hữu Nghĩa là tác giả như số đông đã công nhận xưa nay.

(3) TuồngKim Thạch kỳ duyên, Transrit et Annoté par Bùi Quang Nhơn, SAIGON Imprimerie & Librairie Nouvelles Claude & Cie, 1895.

(4) Trần Lê Sáng - Phạm Đức Duật, “Cuộc đời và thơ văn Bùi Hữu Nghĩa”, Tạp chíVăn học, số 2-1972, tr. 68-81.

(5) Phạm Thị Thanh, Tuồng Kim Thạch kỳ duyêntrong tuồng Nam Bộ, Luận văn thạc sĩ ngữ văn, Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Lê Giang, Trường ĐH KHXH&NV – ĐH Quốc gia TP HCM, TP HCM - 2014, tr. 63-64.

(6) Nguyễn Phương Uyên, Nghiên cứu so sánh tiểu thuyết Kim Thạch duyên và tuồng Kim Thạch kỳ duyên, Khoá luận tốt nghiệp chuyên ngành Hán Nôm, Người hướng dẫn: ThS. Nguyễn Văn Hoài, Trường ĐH KHXH&NV – ĐH Quốc gia TP HCM, TP HCM - 2015.

(7) 刘叶秋,朱一玄,张守谦,姜东赋主编:《中国古典小说大辞典》,石家庄,河北人民出版社,1998.

(8) Các đoạn trích dẫn tuồng dưới đây chúng tôi căn cứ vào bản “Tuồng hát bội Kim Thạch kỳ duyên, Trần Văn Hương chú thích – Lê Ngọc Trụ hiệu đính, Nhà sách Khai Trí, SAIGON, 1966”, có tham khảo với bản “Nguyễn Q. Thắng (phiên âm và khảo đính), Bùi Hữu Nghĩa và Kim Thạch kì duyên, Nxb. Văn học, 1993”, nhưng có chỉnh chữa lại một vài chỗ phiên âm và cách trình bày.

(9), (10) Xin xem: Phạm Thị Thanh, Tuồng Kim Thạch kỳ duyêntrong tuồng Nam Bộ, Tlđd, tr. 64-65, tr. 111-118.

(11) Người Nam Bộ trước đây chỉ việc dùng câu chữ Hán văn trong nói năng, viết lách là “nói nho” (nói chữ).

(12) Nguyễn Văn Hầu, Văn học miền Nam Lục Tỉnh, Tập 2: Văn học Hán Nôm thời khai mở & xây dựng đất mới, Nxb. Trẻ, TP HCM, 2012,tr. 350.

(13) Nghĩa là: Trong cõi hư linh vừng trăng nổi hiện/ Khi ở trên sông, lúc tại vực sâu/ Dưới trời, nơi nào ánh trăng cũng soi chiếu/ Con giao long ẩn mình đêm xuân ôm hạt châu mà ngủ.

(14) Nghĩa là: Từ khi giã biệt bạn vàng, ít khi nhận được tin tức/ Đêm lạnh ánh trăng soi trên mái nhà khiến ta nhớ đến dáng vẻ của bạn/ Mùa xuân chim én bay đến, mùa thu chim nhạn bay qua/ Hai người ở hai nơi, tình cảnh thế nào đều chẳng hay chẳng biết.

(15) Phạm Thị Thanh, Tuồng Kim Thạch kỳ duyêntrong tuồng Nam Bộ, Tlđd, tr. 157-158.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 12 năm 2016.

 


(+) Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED), mã đề tài số VII1.2-2012.26.

([*]) ThS – Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH KHXH&NV – ĐH Quốc gia TP. HCM.

([†]) Sinh viên chuyên ngành Hán Nôm khoá 2011-2015, Khoa Văn học và Ngôn ngữ.

Thông tin truy cập

63668582
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
12300
17595
63668582

Thành viên trực tuyến

Đang có 1080 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website