Khảo sát văn bản Phương Đình vạn lý tập của Nguyễn Văn Siêu

20171103 Phuong dinh Nguyen Van Sieu

Nguyễn Văn Siêu (阮文超)(1) là tác gia lớn của Việt Nam thế kỉ XIX trên nhiều lĩnh vực tư tưởng, địa lí, lịch sử… Đặc biệt là thơ văn, Nguyễn Văn Siêu để lại hơn 1000 bài thơ chữ Hán với 4 tập thơ Vạn Lí tập (萬里集),Anh ngôn tập (嚶言集),Lưu Lãm tập (流覽集),Mạn hứng tập (漫興集). Tập thơ Vạn lí được viết trên đường đi sứ Trung Hoa năm 1849, thể hiện tài hoa của “người học rộng giỏi thơ”(2), “nức tiếng bởi văn chương”(3). Tuy vậy, Vạn lí tập mới chỉ được nhắc tên, giới thiệu sơ lược trong vài tổng mục hoặc bài viết trên Tạp chí, sách báo… Trong bài viết này, chúng tôi cố gắng khảo sát tập thơ dưới góc độ văn bản học để xác định văn bản cơ sở và bổ khuyết, hiệu chính những điểm chưa hoàn thiện của văn bản cơ sở này.

1. Xác định thiện bản của thi tập

Vạn lí tập hiện còn 3 văn bản, gồm 1 bản khắc in Phương Đình vạn lí tập (方亭萬里集) và 2 bản viết tay là Sứ trình vạn lí tập (使程萬里集) và Bích viên tảo giám (璧垣藻鑑).

Vạn lí được in thành nhiều quyển từ một ván khắc (gồm các kí hiệu A.188/1-2, VHv.838/1-4, VHv.236/1-4, VHv.837/1-3, VHv.837/1-3, VHv.1833 tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, và kí hiệu R.1217 tại Thư viện Quốc gia Hà Nội). Văn bản này gồm 75 tờ, in trên giấy dó, khổ sách 28 x 16cm.

Sứ trình mang kí hiệu A.2769 tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, gồm 35 tờ, viết trên giấy dó, khổ sách 28 x 16cm.

Bích viên mang kí hiệu A.2589 tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, gồm 79 tờ, viết trên giấy dó, khổ sách 28 x 16cm.

Chúng tôi xác định văn bản khắc in là thiện bản trong những dị bản hiện còn của thi tập vì sự ưu việt thể hiện ở những điểm sau:

1.1. Niên đại văn bản

Năm khắc in Vạn lí được xác định theo Phương Đình di tập tiểu dẫn(方亭遺集小引) thuộc Phương Đình tùy bút lục(方亭隨筆錄), mang kí hiệu VHv.22/1-4. Trong bài Tiểu dẫn, Tiến sĩ Vũ Nhự cho biết: “Hậu thập niên dư, sinh đẳng nãi khắc hợp bổng khai điêu, thủy đắc Tùy bút lục lục quyển, Địa chí ngũ quyển, Văn tập ngũ quyển, Thi tập tứ quyển // 後十年餘, 生等乃克合俸開雕, 始得隨筆錄六卷, 地志五卷, 文集五卷, 詩集四卷Sau hơn mười năm từ khi Nguyễn Văn Siêu mất, học trò góp sức khắc in sáng tác của ông, ban đầu được Tùy bút lục 6 quyển, Địa chí 5 quyển, Văn tập 5 quyển, Thi tập 4 quyển. Lạc khoản trong Tiểu dẫn ghi: “Hoàng triều Tự Đức vạn vạn niên chi tam thập ngũ tiểu xuân cốc nhật // 皇朝嗣德萬萬年之三十五小春穀日- Ngày tốt, tháng tiểu xuân, năm thứ 35 thời Tự Đức”. Như vậy, Phương Đình thi tập (bao gồm Vạn lí) được khắc in cùng Phương Đình văn loại, Phương Đình tùy bút, Phương Đình địa chí loại năm 1883.

Về mặt lí thuyết, “để có thiện bản, các nhà văn bản học đều nhận thấy nên chọn bản nào có niên đại gắn với thời đại tác giả nhất, đồng thời cũng thuận lợi cho việc nghiên cứu”(4). Chúng tôi cũng dựa vào chữ húy nhằm xác định thời gian ra đời của Sứ trình và Bích viên nhưng hiện tại chưa tìm được niên đại của 2 bản viết tay này. Bởi vậy, sự minh xác thời gian khắc in Vạn lí trở thành một phẩm chất để nhận định tính hoàn thiện của văn bản.

1.2. Hình thức văn bản

Về văn tự: Vạn lí được khắc in mỗi tờ 8 cột, mỗi cột 21 chữ. Sứ trình có khổ chữ không cố định, mỗi cột khoảng 30 chữ ở phần chính văn, khoảng 50 chữ ở phần tự dẫn, chú giải. Bích viên được viết mỗi tờ 10 cột, mỗi cột khoảng 30 đến 40 chữ.

Về hình thức trang trí: Sứ trình có khung trang nhưng không có đường kẻ cột, rốn sách. Bích viên không có khung trang, đường kẻ cột, rốn sách. Khung trang và đường kẻ cột của Vạn lí rõ nét. Rốn sách Vạn lí trang trí hình đuôi cá, phần trên đề nội dung gồm Phương Đình vạn lí tự (方亭萬里集序), Phương Đình Vạn lí mục lục (方亭萬里集目錄), Phương Đình vạn lí tập (方亭萬里集) và phần dưới đề số trang.

Về cấu trúc văn bản: Vạn lí thể hiện tính quy phạm của văn bản thi ca với ba phần, gồm bài tựa, mục lục, chính văn. Nhan đề mỗi bài thơ được trình bày trong cột riêng. Sứ trình không có mục lụcBích viên không có bài tựa và mục lục.

1.3. Về nội dung văn bản

Tính nguyên toàn là phẩm chất quan trọng để xác định “văn bản dùng làm việc tốt nhất, văn bản đầy đủ từ đầu chí cuối”(5). Vạn lí hoàn bị hơn Sứ trình và Bích viên ở bài tựa, số bài thơ, tựa dẫnvà chú giải.

Về bài tựaBích viên không có bài TựaBài tựa trong Vạn lí và Sứ trình đều có lạc khoản ghi: “Tự Đức tứ niên thu Cần Chính điện Đại học sĩ Đoan Trai Diên Phương Tẩu đề // 嗣德肆年秋勤政殿大學士端齋延芳叟題- Bài Tựa do Cần Chính điện Đại học sĩ Đoan Trai Diên Phương Tẩu viết vào mùa thu năm Tự Đức thứ 4”. Tuy nhiên, bài tựa trong Sứ trình bị mất một số câu do văn bản mục nát, có thể phục nguyên theo Vạn lí. Ngoài ra, câu văn “Huống tài tận Giang Yêm, hứa đa bút nghiên, trùng vi kỳ ý // 況才盡江淹, 許多筆研, 重違其意- Huống hồ, ta tài đã cạn kiệt như Giang Yêm(6), quen chuyện bút nghiên, thật là trái với lòng mong mỏi của ông ấy” không phù hợp với toàn văn bài tựa. Giang Yêm có tài năng thơ văn nhưng dần bị mai một, về già chẳng viết được câu nào đáng giá. “Tài tận Giang Yêm” trở thành điển chỉ bút lực cạn kiệt. Trong bài tựa, Trương Đăng Quế giải thích lí do dùng bài thơ đã tặng Phương Đình đề tựa cho thi tập. Phần này, Vạn lí khắc in như sau: “Cố, dư cận bão trầm kha, quyện ư thù thế, đồ hoài cổ đạo, vị cấu tư mĩ, phương hiền phụ báng, như hà như hà. Huống, tài tận Giang Yêm, hứa cửu bất lí bút nghiên, trùng vi kỳ ý. Nhân thủ tiền sở tặng thi ứng chi// 顧, 余近抱沈痾, 倦於酬世 , 徒懷古道, 未覯斯美, 妨賢負謗, 如何如何. 況才盡江淹, 許久不理筆研, 重違其意. 因取前所贈詩應之- Nhìn lại, tôi gần đây bị bệnh nặng, mệt mỏi với việc đối đáp ở đời, đau đáu trông ngóng đạo xưa, chưa thể hiểu thấu vẻ đẹp thi tập, e sợ bậc hiền tài chê trách. Chuyện như vậy biết làm thế nào! Huống hồ, tài của tôi đã cạn kiệt như Giang Yêm, lâu ngày chẳng luyện bút nghiên, thật trái với lòng mong mỏi. Tôi đành lấy thơ đã tặng ông trước đây để đáp lại tấm thịnh tình”.

Về số bài thơ: Vạn lí có 165 bài thơ. Sứ trình có 157 bài thơ, được bắt đầu bằng những câu: “Môn đình quế như nhân sấu, phúc ốc viên mai quá ngã kiều. Trân trọng thân lân lao vấn tấn. Hỉ kinh tự mộng thuộc thâm tiêu // 門亭桂如人瘦, 覆屋園梅過我喬. 珍重親鄰勞問訊, 喜驚似夢屬深宵). Đây là 4 câu cuối trong bài Bán dạ đáo gia (半夜到家 - Nửa đêm đến nhà). Sứ trình bị rách 5 bài đầu, có thể phục nguyên theo Vạn lí. Ngoài ra, Sứ trình không có ba bài thơ cuối so với Vạn lí.Bích viên(7) có 157 bài thơ trùng với Vạn lí và Sứ trình. 157 bài thơ rải rác và không theo lộ trình. Bích viên vẫn còn hiện tượng nhầm lẫn bài thơ. Bài Toàn Châu trừ tịch (全州除夕) trong Bích viên gồm 2 bài thất ngôn bát cú (Kì nhất, Kì nhị), 1 bài ngũ ngôn tứ tuyệt (Hựu ngũ ngôn), 1 bài thất ngôn lục cú (Kì tam). Kì thực, Toàn châu trừ tịch chỉ làmột bài thất ngôn bát cú. Một chùm thơ thường đề nhị thủ (hai bài), tam thủ (ba bài), tứ thủ (bốn bài)… nhưng Toàn Châu trừ tịch trong 3 văn bản đều không mang dấu hiệu này. Mặt khác, cách gọi kì nhất, kì nhị, hựu ngũ ngôn, kì tam thể hiện sự không nhất quán. Về nội dung, bài đầu tái hiện cảnh đón giao thừa của lữ khách còn 3 bài sau tả cảnh đêm thu (秋聲 - thu thanh), trăng sáng (月中圓 - nguyệt trúng viên), cảnh ban ngày (曠日 - khoáng nhật, 日晴 - nhật tình)… Chúng tôi đã xác định được 3 bài sau thuộc Lưu lãm tập tại trang 23a, 7b, 10a. Như vậy, số bài thơ trong Vạn lí đầy đủ và chính xác hơn Sứ trình và Bích viên.

Về tựa dẫn và chú giải: Bích viên không có phần tựa dẫn. Vạn lí và Sứ trình đều gồm 5 bài có tựa dẫn, 74 bài có chú giải. Tựa dẫn được đề hữu tự (có tựa), tịnh tự (gồm tựa), tịnh dẫn (gồm dẫn), đặt sau nhan đề bài thơ và trước nguyên tác, có độ dài từ vài cột đến gần 20 cột. Chú giải đặt sau nguyên tác bài thơ, có độ dài từ một 1 đến hơn 20 cột. Phần tự dẫn và chú giải trong Vạn lí và Sứ trình có trường hợp dị biệt từ ngữ, câu chữ nhưng không làm thay đổi nội dung tác phẩm. Đó là loại đảo vị trí thành tố cấu tạo từ như tả hữu (左右) - hữu tả (右左), Chẩn Dực (軫翼) -Dực Chẩn (翼軫)…; loại dùng từ đồng nghĩa nhưchâu bối (珠貝) -bảo bối (寶貝), cố (故) di (遺), cảm (敢) - năng (能), phạm (範) - quỹ (軌), lân hoàng (麟凰) - 麟鳳(lân phượng), đắc (得) - hoạch (擭); loại xuất nhập hư từ chi (之), các (各), vi (為), nhĩ (爾), yên (焉)…; loại xuất nhập danh từ mang trường nghĩa rộng sau danh từ riêng như lâu (樓), đài (臺), châu (州), huyện (縣)...Những trường hợp dị biệt còn lại trong tựa dẫn và chú giải chủ yếu cho thấy tính ưu việt của Vạn lí so với Sứ trình và Bích viên. Đó là những từ chỉ không gian như Tây nam ngung(西南隅- gò Tây nam) trong bài 8(8), Hồ Khẩu huyện(湖口縣- huyện Hồ Khẩu) trong bài 82, Miện Thủy (沔水- dòng Miện Thủy) trong bài 85; chỉ thời gian như ngũ thế(五世- đời thứ 5) trong bài 37, cập tam thế (及三世- đến đời thứ 3) trong bài 117; chỉ thư tịch như Chất Uẩn truyện(郅惲傳- truyện Chất Uẩn) trong bài 45, Nho Lâm truyện (儒林傳- truyện Nho Lâm) trong bài 123; giải thích về địa lí, lịch sử như Thông chí, Lãng Bạc tại Dung Huyện chi Dung Giang. Kim Ngô Châu chi Dung Huyện dữ Uất Lâm châu chi Bắc lưu// 通志, 浪泊在容縣之容江 . 今梧州之容縣與鬱林州之北流- Theo Thông chí, Lãng Bạc tại sông Dung của huyện Dung, nay thuộc Bắc lưu của huyện Dung thuộc Ngô Châu và châu Uất Lâm” trong bài 7, hay “Nhị Thế táng loạn, Triệu Đà vi Long Xuyên lệnh đại Ngao hành Nam Hải úy sự, tự xưng Nam Việt// 二世喪亂, 趙陀為龍川令代囂行南海尉事, 自稱南粵- Nhị Thế táng loạn, Triệu Đà là Lệnh ở Long Xuyên thay Nhâm Ngao xuống Nam Hải úy sự, tự xưng Nam Việt) trong bài 37, diệc danh Bách Trượng (亦名百丈- còn tên là Bách Trượng) trong bài 59, tự Mịch La để Thái Hồ do bách lí địa (自汨羅抵太湖猶百里地- từ Mịch La đến Thái Hồ khoảng 100 dặm) trong bài 81,tự Huỳnh Trạch chí Thiên Thừa hải khẩu trường sổ thiên lí(自滎澤至千乘海口長數千里- từ Huỳnh Trạch đến cửa biển Thiên Thừa dài vài ngàn dặm) trong bài 105… Nhìn chung, tựa dẫn và chú giải trong Vạn lí đầy đủ hơn Sứ trình và Bích viên.

Như vậy, Vạn lí hoàn chỉnh hơn Sứ trình và Bích viên ở cả bài tựa, số bài thơ, tựa dẫn và chú giải. Tính nguyên toàn của văn bản Vạn lí cùng với tính quy phạm về hình thức, tính minh xác niên đại trở thành những đặc điểm cơ bản để khẳng định Vạn lí là văn bản cơ sở của tập thơ được Nguyễn Văn Siêu sáng tác năm 1849.

2. Bổ khuyết, hiệu chính văn bản cơ sở

Vạn lí được xác định là thiện bản của trong các dị bản của thi tập. Tuy nhiên, văn bản này vẫn còn những hạn chế cần hoàn thiện, cụ thể là hiện tượng khắc in sót chữ và sai chữ.

2.1. Khắc in sót chữ

Chúng tôi xin bổ khuyết 2 trường hợp sau:

Về thời gian đỗ Phó bảng của Nguyễn Văn Siêu (tr.1a): Vạn lí và Sứ trình đều ghi Phương Đình đậu Phó bảng năm Minh Mệnh thứ 9 (舉明命九年副榜) nhưng thực ra Nguyễn Văn Siêu đậu Phó bảng năm 1838. Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỉquyển 190, từ trang 21 đến trang 23 khắc in về khoa thi Hội tháng 3 năm Mậu Tuất (1838). Trong khoa thi này, Nguyễn Văn Siêu đậu Phó bảng cùng 10 người. Quốc triều khoa bảng lục cũng ghi tên Nguyễn Văn Siêu tại phần Phó bảng, khoa Mậu Tuất, năm Minh Mệnh thứ 19 (副榜明命十九年戊戌科 - Phó bảng Minh Mệnh thập cửu niên Mậu Tuất khoa). Bia Thần đạo tại lăng mộ Phương Đình cho biết, Nguyễn Văn Siêu nhiều lần nhận được giấy chiêu hiền vào năm Ất Dậu đời Minh Mệnh (1825) nhưng sau hơn 10 năm ông mới đi thi và đậu Phó bảng khoa Mậu Tuất (1838). Trên thực tế, học vị Phó bảng bắt đầu được đặt ra năm thứ 10 đời Minh Mệnh (1829). Như vậy, Vạn lí đã khắc in sót chữ trong trường hợp này.

Trong bài số 55 (tr.33b), Vạn lí khắc in: …Sử quan bất dụng Xuân bút…(…史官不用春筆…). Câu này được Sứ trình viết: …Sử quan bất dụng Xuân Thu bút… (... 史官不用春秋筆…). Xuân Thu(春秋) viết theo thể biên niên, tương truyền Khổng Tử trước tác dựa vào sử nước Lỗ trong vòng hơn 200 năm từ đời Lỗ Ẩn Công nguyên niên đến Lỗ Ai Công năm thứ 14. Xuân Thu bút (春秋筆) ghi chép sự việc ngắn gọn, dùng chữ để khen chê (褒貶 - bao biếm). Phong cách này được sử dụng nhiều ở thời xưa. Ví như Tả truyện có thiên Trịnh Bá khắc Đoạn vu Yên (鄭伯克段于鄢- Trịnh Bá đánh thắng Cung ThúcĐoạn ở đất Yên). Thiên truyện có lời nhận định của Xuân ThuĐoạn bất đệ, cố bất ngôn “đệ”. Như nhị quân, cố viết “khắc”. Xưng Trịnh Bá, cơ thất giáo dã(段不弟, 故不言弟. 如二君, 故曰克. 稱鄭伯, 譏失教也Thái Thúc Đoạn không giống một người em cho nên không gọi là đệ. Họ giống như vua hai nước đánh nhau, cho nên nói khắc. Gọi Trang Công là Trịnh Bá vì có ý châm biếm ông ta không biết dạy em). Cách viết Xuân Thu ảnh hưởng đến lối viết sử đời sau. Vậy nên, trường hợp này dùng từ Xuân Thu bút(春秋筆) là phù hợp.

2.2. Khắc in sai chữ

Chúng tôi xin hiệu chính một số trường hợp sau:

Trong bài 1 (tr.8a), Vạn lí khắc in: vãn xuất đô môn ( (9) 晚出都門). Sứ trình khuyết bài này. Bích viên viết Bạc vãn xuất đô môn(箔晚出都門). Chúng tôi chưa tra cứu được chữ có hình thể như trong Vạn lí. Bích viên dùng chữ bạc (箔). Tuy nhiên, chữ bạc (箔) mang các nghĩa cái rèm, dụng cụ giống như cái rèm dùng nuôi tằm, miếng kim loại dát mỏng đều khó kết hợp với từ vãn (晚 - chiều tối, hoàng hôn). Có lẽ, câu thơ dùng chữ bạc(薄- gần, sắp). Bạc vãn (薄晚- chập tối) đối với minh triêu (明朝- sáng sớm) trong câu Minh triêubái tiện điện, bạc vãn xuất đô môn (明朝拜便殿, 薄晚出都門- Sáng sớm lạy tiện điện, chập tối rời kinh đô).

Trong các bài 12 (tr.13a), 19 (tr.16b), 31 (tr.21a), 38 (tr.25b), 62 (tr.35a), 75 (tr.41a), 80 (tr.42b), 154 (tr.71a), chữ bồng (蓬) được Vạn lí khắc in: Hà sự thôi bồng vũ (何事推蓬雨), Cục xúc lữ bồng trung (局促旅蓬中), Xuân vũ liên giang vãn hệ bồng (春雨連江晚繫蓬), Thôi bồng tần ngưỡng vọng (推蓬頻仰望), Sơn thuỷ đãn ư bồng lí khán (山水但於蓬裡看), Bồng song tứ diện Sở sơn sầu (蓬窗四面楚山愁), Sầu lí hệ chinh bồng (愁裡繫征蓬), Biển chu thức yết bồng song khán (扁舟試揭蓬窗看). Sứ trình viết chữ tương tự Vạn líBích viên khi viết bồng (蓬), khi viết bồng (篷). Bồng (蓬) là một loại cỏ bị bật rễ tứ tung khi thu về. Vậy nên, chữ bồng (蓬) cũng chỉ sự hỗn loạn như bồng tâm (蓬心- tâm không vững vàng, không chủ kiến), bồng thủ (蓬首- tóc rối), bồng lụy (蓬累- hỗn loạn)… Bồng (蓬)còn dùng để làm nhà nên để chỉ nhà nghèo, bần hàn như bồng môn (蓬門), bồng hộ (蓬戶). Bài Khách chí của Đỗ Phủ viết: 花徑不曾緣客掃, 蓬門今始為君開(Hoa kính bất tằng duyên khách tảo, bồng môn kim thủy vị quân khai - Đường hoa chưa từng duyên khách đến, nhà tranh giờ mới được đón ngài). Chữ bồng (蓬) và bồng (篷) không được dùng thông với nhau. Bồng (篷) là mái đan bằng lá để che mưa nắng như 車篷(xa bồng - mui xe), thường hoán dụ cho thuyền. Đỗ Mục viết trong bài Độc chước: 何如釣船雨, 篷底睡秋江(Hà như điếu thuyền vũ, bồng để thụy thu giang - Dường như mưa trên thuyền câu, dưới đáy thuyền sông thu ngủ). Các câu thơ trên của Phương Đình đều chỉ thuyền như bồng song (篷窗- cửa thuyền), lữ bồng (旅篷- thuyền khách), chinh bồng (征篷- thuyền đi xa), thôi bồng (推篷- đẩy mui thuyền)… Vì vậy, từ 篷(bồng) phù hợp với những tứ thơ này.

Trong bài 70 (tr.38a), Vạn lí khắc in Tiêu Tương giang thủy Ngô Khê tuyền(瀟湘江水吾溪泉). Sứ trình viết như Vạn líBích viênviết Tiêu Tương giang thủy Ngô Khê tuyền(瀟湘江水洖溪泉). Ngô(吾- đại từ nhân xưng) và Ngô (洖- địa danh) không được dùng thông. Nguyên Kết đặt tên cho dòng Ngô Khê(洖溪) tại Kì Dương khi viết Ngô Khê minh tự: Ngô Khê tại Tương Thủy chi nam, ái kì thắng dị toại gia khê bạn, khê thế vô danh xưng giả dã, vi tự ái chi cố mệnh viết Ngô Khê (洖溪在湘水之南, 愛其勝異遂家溪畔, 溪世無名稱者也, 為自愛之故命曰洖溪 -Ngô Khê ở phía Nam sông Tương. Ta vì say đắm cảnh đẹp mà làm nhà bên suối. Suối vốn chưa có tên, ta vì yêu mến mà gọi Ngô Khê). Ông còn xây Ngô Đài, dựng Ngô Đình bên suối. Ngô Khê, Ngô Đài, Ngô Đình trở thành Tam Ngô. Như vậy, địa danh Ngô Khê (洖溪) cần được hiệu chính trong câu thơ này.

Trong bài 117 (tr.59a), Vạn lí khắc in Trí sĩ năng hoàn bích (智士能完壁). Sứ trình và Bích viên viếtTrí sĩ năng hoàn bích(智士能完璧). Bích (壁) gồm các nghĩa tường vách, thành lũy doanh trại quân đội, vách núi thẳng đứng. Chữ bích (壁) vàbích (璧) không được dùng thông nhau.Theo Thuyết văn giải tự của Hứa Thận, bích (璧) gồm ngọc là hình phù và tích là thanh phù, chỉ loại ngọc có hình tròn, nhẵn, rỗng giữa thường dùng cho các dịp tế tự, triều lễ, tang lễ… biểu thị sự kính và tín. Bích (璧) trở thành mĩ từ như ngọc đường bích môn (玉堂璧門),bích đài (璧臺)… Ở đây, tác giả dụng điển hoàn bích quy Triệu(完璧歸趙)(10). Câu thơ dùng từ bích (璧) vì các nghĩa của bích (壁) không phù hợp.

Như vậy, tập thơ ra đời trên đường đi sứ năm 1849 của Nguyễn Văn Siêu hiện còn 1 bản khắc in Vạn lí tập, 2 bản viết tay là Sứ trình Vạn lí tập và Bích viên tảo giám. Khảo sát các phương diện tình trạng văn bản, niên đại, khổ chữ, bài tựa, số bài thơ, tự dẫn và chú giải… đều cho thấy văn bản khắc in Vạn lí tập là văn bản cơ sở với những ưu điểm như tính minh xác về niên đại, tính quy phạm về hình thức, tính nguyên toàn về nội dung. Tuy vậy, văn bản cơ sở này vẫn còn những chữ khắc in bị sót cần bổ khuyết và những chữ khắc in nhầm lẫn cần hiệu chính để trở thành một văn bản hoàn thiện hơn.

Chú thích:

(1) Nguyễn Văn Siêu (1799-1872): còn có tên là Định (定), tự là Tốn Ban (遜班), hiệu là Phương Đình (方亭)vàThọ Xương cư sĩ (壽昌居士), thụy là Chí Đạo (志道).

(2) Nguyên văn là: 富學工詩(phú học công thi).

(3) Nguyên văn là:以文學名 (dĩ văn học danh).

(4) Cơ sở văn bản học Hán Nôm, Ngô Đức Thọ - Trịnh Khắc Mạnh, Nxb. KHXH, H. 2007, tr.221.

(5) Cơ sở văn bản học Hán Nôm, Ngô Đức Thọ - Trịnh Khắc Mạnh, Sđd, tr.223

(6) Giang Yêm (444-505), tự Văn Thông, người Tế Dương, làm quan trải ba đời Tống, Tề, Lương thời Nam Triều.

(7) Bích viêngồm 439 bài thơ. Trong 439 bài có 297 bài trùng với bản khắc in Phương Đình thi loại(方亭詩類), 72 bài trùng với các bản viết tay Phương Đình tạp chí loại(方亭雜誌類) và Phương Đình thi tập(方亭詩集), 2 bài Tam Ngô kí ý (三梧記意) và Cung lục Lập Trai thiên kí (恭錄立齋篇記) không phải thơ. 68 bài còn lại thuộc loại tồn nghi. Xin xem chi tiết phần khảo sát này trong bài Sự nghiệp thơ ca của Nguyễn Văn Siêu trên Tạp chí Hán Nôm số 1/2009.

(8) Thứ tự các bài thơ được sử dụng theo bản khắc in Vạn lý.

(9) Chữ có tự dạng gồm phần trên là 艹, phần dưới là 泊.

(10) Thời Chiến Quốc, Huệ Văn Vương nước Triệu được ngọc Hòa Thị. Tần Chiêu Vương gửi thư cho Huệ Vương nói sẽ lấy 15 thành để đổi ngọc Hòa Thị. Lạn Tương Như nói với Huệ Văn Vương: “Thần xin mang ngọc đi, nếu thành về Triệu thì ngọc ở lại đất Tần, bằng không sẽ đem ngọc quay về Triệu”. Tương Như vào Tần, thấy vua Tần được ngọc rồi lại không có ý trao thành bèn lập kế lấy lại ngọc và trở về Triệu. Về sau, hoàn bích quy Triệugọi tắt hoàn bích (完璧),bích hoàn (璧還),phụng Triệu (奉趙),quy Triệu (歸趙) trở thành điển để chỉ vật còn nguyên vẹn.

Tư liệu tham khảo

1.Bích viên tảo giám (璧垣藻鑑), A.2589, Viện Nghiên cứu Hán Nôm (VNCHN).

2.Phương Đình thi loại (方亭詩類), VHv.838/1-4, (VNCHN).

3.Sứ trình Vạn lí tập (使程萬里集), A.2769, (VNCHN).

4.Nguyễn Thị Thanh Chung: Sự nghiệp thơ ca của Nguyễn Văn Siêu, Tạp chí Hán Nôm, số 1/2009, tr.41-47.

5.Nguyễn Thị Thanh Chung: Tìm hiểu về cuộc đời Nguyễn Văn Siêu, Kỉ yếu Thông báo Hán Nôm học năm 2009, tr.189-204.

6.Lí Lạc Nghị:Tìm về cội nguồn chữ Hán, Nxb. Thế giới, H. 1997.

7.Trần Nghĩa - François Gros: Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu, Nxb. KHXH, H. 1993.

8.Trần Lê Sáng: Thơ Nguyễn Văn SiêuTạp chí Hán Nôm, số 5/2006, tr.1-9.

9.Nguyễn Như Thiệp… , Nét bút thần của Nguyễn Văn Siêu - thi ca và lịch sử, Nxb. Tân Việt, 1944.

10.Ngô Đức Thọ: Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại, Nxb. Văn hóa, H. 1997.

11.Ngô Đức Thọ - Trịnh Khắc Mạnh: Cơ sở văn bản học Hán Nôm, Nxb. KHXH, H. 2007.

12.Tuyển tập văn thơ Phương Đình - Nguyễn Văn Siêu: Trần Lê Sáng chủ biên, Nxb. Hà Nội, H. 2010./.

TS Nguyễn Thị Thanh Chung, TrườngĐại học Sư phạm Hà Nội

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, số 5 (114) 2012; tr.48 - 54

Thông tin truy cập

63693926
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14218
23426
63693926

Thành viên trực tuyến

Đang có 476 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website