Các đời hoàng đế nhà Lê với địa danh Thăng Long qua Đại Việt sử kí toàn thư

20180126 Dai Viet su ky

Địa danh Thăng Long với các đời Hoàng đế nhà Lê được Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) ghi chép sau đây:

1. Lê Lợi và những ngày đầu tiến vào kinh thành…

Năm Bính Ngọ (1426) Mùa thu, tháng 8, vua cho là quân tinh nhuệ của giặc (Minh) đều ở Nghệ An, quân ở các xứ Đông Đô của chúng nhất định sẽ suy yếu bèn tăng thêm binh tượng…. [Bản kỉ, q10, 19b]*

Mùa đông, tháng 10, ngày 22, vua tiến quân tới Tây Phù Liệt (thuộc huyện Thanh Trì ngày nay) [23a]. Ngày 23, vua đích thân dẫn tượng quân đến cửa Nam ngoài thành Đại La để đánh thành Đông Quan. Canh ba vua rời đến đóng dinh ở Đông Phù Liệt.

Năm Mậu Thân, Thuận Thiên nguyên niên (1428), mùa hạ, tháng 4, vua từ điện tranh ở Bồ Đề(1)vào đóng ở thành Đông Kinh. Ngày 15, vua lên ngôi ở Đông Kinh, đại xá, đổi niên hiệu là Thuận Thiên, dựng quốc hiệu là Đại Việt [58a] đóng đô ở Đông Kinh(2)

Ngày 22 tháng 12 năm Mậu Thân (1428) vua làm điện Vạn Thọ, lại làm Tả điện, Hữu điện, điện Kính Thiên, điện Cần Chính [63b].

Năm Canh Tuất, (Thuận Thiên thứ 3 - 1430), vua ban luật lệ, đổi Đông Đô thành Đông Kinh, Tây Đô thành Tây Kinh [72b]

2. Thái Tông Văn hoàng đế:

Lên ngôi ngày mồng 8 tháng 9 năm Thuận Thiên thứ 2 (1433), lấy niên hiệu là Thiệu Bình.

… Ngày mùng 1 tháng 4 năm Giáp Dần (1434), vua sai rước Phật chùa Pháp Vân(3)ở Cát Châu về Đông Kinh để cầu mưa [7a]

Ngày 22 đặt đàn chay ở điện Cần Chính

Tháng 5, ngày 11, kinh thành bị cháy, lửa lan ra thiêu mất hơn vài trăm nhà, nhiều người chết cháy [8b]

Ngày 24 chém Cao Sư Đăng vì có hành vi cằn nhằn trong khi xây dựng chùa Báo Thiên(4)[10a]

Ngày 18 tháng 10 năm Ất Mão, Thiệu Bình thứ 2 (1835), vua ngự ra bến Đông(5) xem 5 quân thi vượt sông [31a]

Tháng 12, hạ lệnh cho vệ quân các đạo và năm quân Thiết Đột nạo vét sông Đông Ngàn(6) [33a]

Năm Đinh Tỵ (Thiệu Bình thứ 4-1437), tháng 3, vua ngự ra Hồ Tây xem cá [37b].

Năm Nhâm Tuất (Đại Bảo thứ 3-1442) mùa xuân tháng Giêng làm cung điện mới. Tháng 3, tổ chức thi Hội…lại sai soạn văn bia, dựng bia ghi tên tiến sĩ. Bia tiến sĩ bắt đầu có từ đây [55a]

Ngày 27, tháng 7, vua đi tuần du về miền Đông…, đi thuyền từ bến Đông vào sông Thiên Đức(7)… [55a]

3. Nhân Tông Tuyên Hoàng đế:

Ngày 12 tháng 8 năm Tân Dậu, (Đại Bảo thứ 3 - 1442) lên ngôi, lấy niên hiệu là Thái Hòa.

… tháng 6, năm Mậu Thìn (Thái Hòa thứ 6 - 1448) sai Thái úy Lê Khả đến xã Cổ Châu rước tượng Phật Pháp Vân về chùa Báo Thiên ở kinh thành [68b].

Năm Kỉ Tỵ (Thái Hòa thứ 7 - 1449), tháng 2, sai Tư khấu Lê Khắc Phục đem người ở cục Bách tác, quân vệ thiên quan, tứ sương và quân dân trấn Thái Nguyên đào lại sông Bình Lỗ từ Lãnh Canh đến cầu Phù Lỗ(8) [77a].

Năm Bính Tý (Diên Ninh thứ 3 - 1456), tháng 11, có hổ vào chùa Diên Hựu trong thành, sai quân ngự tiền cầm đao bắt giết đi [94b].

4. Thánh Tông Thuần Hoàng đế: lên ngôi ngày mồng 8 tháng 6 năm Canh Thìn) ở điện Tường Quang, đổi niên hiệu là Quang Thuận thứ 1 (1460).

Tháng 8, năm Ất Dậu, Quang Thuận thứ 6 - 1465 cho dựng điện Cẩn Đức [19b]. Tháng 11, đại xá, vì hai điện Kính Thiên và Cẩn Đức làm xong [20b].

Ngày 12, tháng 3 năm Quang Thuận 7 - 1466, vua thân ra ngự điện Kính Thiên, thân hành ra đề bài văn sách hỏi các đế vương trị thiên hạ [22b]. Ngày 26, yết bảng vàng ở cửa Đông Hoa.

Năm Đinh Hợi, Quang Thuận thứ 8 - 1467, tháng 3, sai ty Tam tang đào hồ ở đình Giảng Võ [29b].

Ngày 15 tháng 8, dựng lan can bằng đá ở điện Kính Thiên và xây điện nhỏ ở sân Giảng Võ [40b].

Tháng 3, năm Nhâm Thìn (Hồng Đức thứ 3 -1472) gác cửa Tây bị cháy [72a].

Mùa đông tháng 10, định triều nghi hộ vệ. Các tướng sĩ hàng ngày vào chầu, phải đứng xắp hàng phía trước ở hai bên đông tây ngoài cửa Đoan Môn, những ngày sóc vọng phải đến đợi ở ngoài cửa Văn Minh Sùng Vũ, sau ba hồi trống thì tiến vào Đan Trì [73b].

Năm Giáp Ngọ (Hồng Đức thứ 5 - 1474),tháng 9, sửa đắp bức tường phía tây kinh thành [5b].

Năm Ất Mùi, (Hồng Đức thứ 6 - 1475), mùa hạ tháng 5 vua thân ra ngự ở tại điện Kính Thiên ra đề văn sách hỏi về đạo vua tôi ngày xưa [6b].

Mùa thu tháng 7 nước lũ, vỡ đê sông Tô Lịch ở phường Kim Cổ [7a]

Năm Đinh Dậu (Hồng Đức thứ 8 - 1477), tháng 2, cho xây thành Đại La [10b].

Năm Mậu Tuất (Hồng Đức thứ 9 - 1478), ngày 16 tháng 12 hạ lệnh cho quân tượng tập trận ở sân điện Giảng Võ [16b]

Năm Kỉ Hợi (Hồng Đức thứ 10 (1479 ngày 20 tháng 2 vua ngự giá ra xem bắt cá ở Hồ Tây [17a].

Năm Canh Tý (Hồng Đức thứ 11 - 1480), tháng 6 ra sắc rằng các cơ quan vào chầu khi đến cửa Đoan Môn, nếu gặp ngày mưa thì tránh tạm vào hai bên hành lang phía đông và phía tây [26b].

Năm Tân Sửu (Hồng Đức thứ 12 (1481), ngày 27 tháng 4 vua ngự điện Kính Thiên, thân ra đầu bài văn sách hỏi về lí số [30a]. Tháng 10 cho đào hồ Hải Trì. Hồ này quanh co đến 100 dặm, giữa hồ có điện Thúy Ngọc, hai bên xây điện Giảng Võ để luyện binh tượng [32a].

Năm Quí Mão (Hồng Đức thứ 14 - 1483), tháng giêng cho làm điện Đại Thành, đông vu, tây vu ở văn miếu cùng điện Canh Phục, kho chứa ván in, kho chứa đồ tế lễ, đông tây đường nhà Minh Luân [34a].

Năm Giáp Thìn (Hồng Đức thứ 15 - 1484), mùa đông tháng 10, qui định việc xây dựng hành điện: Hành điện gồm 5 gian 2 chái, nhà bếp mỗi dãy 3 gian, một đài Quan canh ở giữa cao 5 thước rộng 40 thước, làm một khu đàn Tiên nông cao 7 thước, rộng 36 thước, 4 mặt đắp tướng đất, cùng là cửa ngựa vào, đều nằm trên địa phận xã Hồng Mai, huyện Thanh Đàm(9). Làm điện Đại Thành ở Văn Miếu cùng nhà đông vu tây vu, điện Canh phục, kho chứa ván in và đồ tế lễ; làm nhà Minh luân, giảng đường đông tây, nhà bia đông tây, phòng học của sinh viên ba xá, và các cửa, xung quanh xây tường bao [43b, 44a].

Năm Canh Tuất (Hồng Đức thứ 21 -1490), ngày 18 tháng 5 vua ra ngự điện Kính Thiên, truyền loa xướng danh các tiến sĩ…., treo bảng vàng ở cửa Đông Hoa…. Tháng 11 đắp rộng thêm Phụng thành dựa theo qui mô nhà Lí Trần [65a].

Năm Tân Hợi (Hồng Đức thứ 22 - 1491), mùa thu tháng 8, ngày 28, 29 mưa to suốt cả ngày lẫn đêm không ngớt, đổ cả tường điện Kính Thiên, nước ngập sâu đến 4 thước [66a]. Tháng 10, ngày 18 vua sai thợ làm đình ở ngoài cửa Đại Hưng(10)để làm nơi treo các pháp lệnh trị dân. Làm xong ban tên là Quảng Văn đình (có nghĩa là truyền bá rộng). Đình này nằm phía trong Long thành, phía trước Phụng lâu, có ngòi Ngân Câu chảy quanh hai bên tả hữu [67b].

Năm Nhâm Tý (Hồng Đức thứ 23 -1492), tháng 12 đặt kho tiền ở hồ Hải Trì, bên trong có Thượng Lâm tự [68b].

Năm Bính Thìn (Hồng Đức thứ 27 - 1496), ngày 19 tháng 3 vua thân hành khảo thi ở Đan Trì điện Kính Thiên hỏi về đạo trị nước [73a]. Ngày 26 dẫn các sĩ nhân vào điện Kim Loan vua tự xem dung mạo từng người.

Năm Đinh Tỵ (Hồng Đức thứ 28 - 1497), ngày 30 tháng giêng vua băng ở điện Bảo Quang [77a]. Ngày mùng 3 tháng 5 xây Đãi Lậu viện. Trước đây Thái Tổ làm Đãi Lậu viện ở ngoài cửa tây. Thái Tông, Nhân Tông đều nhân theo đó. Thánh Tông cho làm thêm hai dãy nhà ở ngoài cửa Đại Hưng [85a].

5. Hiến Tông Duệ Hoàng đế. Lên ngôi năm Đinh Tỵ (Hồng Đức thứ 28 - 1497), Mậu Ngọ (1498) đổi niên hiệu là Cảnh Thống thứ 1.

Năm Kỉ Mùi (Cảnh Thống thứ 2- 1499) ngày 16 tháng 7 vua thân ngự điện Kính Thiên dự lễ xướng danh, Lễ bộ đem bảng vàng treo ở cửa Đông Hoa. [12b].

Năm Tân Dậu (Cảnh Thống thứ 4 - 1501) tháng 12 phủ Phụng Thiên bị cháy. [27b].

Năm Quí Hợi (Cảnh Thống thứ 6 - 1503), mùng 10 tháng 9, cháy lớn ở chợ Đông, phố xá bị thiêu trụi [34a].

Năm Giáp Tý (Cảnh Thống thứ 7 - 1504) ngày 24 tháng 5 vua băng ở điền Đồ Trị [34b].

6. Túc Tông Khâm Hoàng đế lên ngôi năm 1504, đổi niên hiệu là Thái Trinh. Ngày 8 tháng 12 vua băng ở điện Hoàng Cực [38a].

7. Uy Mục đế sau khi Túc Tông mất, lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu là Đoan Khánh.

Năm Ất Sửu (Đoan Khánh 1 - 1505) ngày 27 tháng 3 rước thần chủ của mẹ là Chiêu Nhân Hoằng Ý thái hậu thờ vào cung Minh Đức nhà Thái Miếu ở Đông Kinh [40b]. Tháng 4 vua dựng điện Chân Nguyên làm Bảo Thụy Đường ở hương Phù Chẩn huyện Đông Ngàn(11)…, làm điện Quang Mỹ ở phường Lệ Viên huyện Quảng Đức(12)để thờ tiên tổ của Hoàng Thái hậu. [40a].

Năm Kỉ Tỵ (Đoan Khánh thứ 5 - 1509), tháng 2, quai chuông lớn Càn Nguyên ở điện Kính Thiên bị gãy, chuông rơi [46a].

Tháng 11, ngày mùng 8 Giản Tu công Dinh từ Tây Đô đem các dinh thủy bộ cùng tiến, vua bắt được 20 sĩ tốt đem về cửa Đông Hoa [52a]. Ngày 28 vua chạy tới phường Nhật Chiêu(13)[53a].

8. Tương Dực đế, là cháu của Thánh Tông, con thứ 2 của Kiến Vương Tân. Tháng 10 năm Đoan Khánh thứ 5 - 1509 đem quân đến Đông Kinh để giết Uy Mục đế, tự lập làm vua [1b].

Năm Canh Ngọ, Hồng Thuận thứ 2 -1510, tháng 4 ngày 25 hoạn quan Nguyễn Khắc Hài làm loạn, ép vua tới cung Trùng Hoa, lại đến các điện Vạn Thọ, Cẩn Đức, Kính Thiên … Vua sai bọn Thọ Quận công Trịnh Hựu đi đánh, đuổi đến phường Đông Hà(14) bọn phản nghịch bị giết quá nửa, số còn lại vượt sông qua Bồ Đề(15)trốn vào núi Tam Đảo [2b]. Tháng 10 làm điện Thiên Quang [6b].

Năm Quí Dậu (Hồng Thuận thứ 5-1513), ngày 28 tháng 2 vua ngự điện Quang Trị xem voi đấu nhau với hổ; sông Cơ Xá(16) có rắn hiện 20 ngày [21b]. Mùa hạ tháng 6, ngày mùng 7 nước lũ, vỡ đê phường Yên Hoa(17) thông vào Hồ Tây [22a].

Năm Giáp Tuất, (Hồng Thuận thứ 6- 1514), tháng 5 đắp thành bao sông Tô Lịch, làm điện Tường Quang. [24a].

Năm Ất Hợi (Hồng Thuận thứ 7 - 1515), tháng 2 vua thân hành đi xem tập trận ở xã Định Công(18) [BK,25a] .

9. Cung Hoàng đế: cháu bốn đời của Thánh Tông, lên ngôi năm 1522. Năm Quí Mùi Thống Nguyên 2 - 1523 ngày 29 tháng 3 vua ở hành dinh Bồ Đề [61a]…, xuống chiếu cho học trò bốn xứ Sơn Nam, Sơn Tây, Hải Dương, Kinh Bắc cùng tới bãi Xuân Đỗ huyện Gia Lâm để thi [BK,61b].

Năm Bính Tuất (Thống Nguyên thứ 5-1526), ngày 12 tháng 2 vua ngự về Tây Kinh, giao cho Đoan Lễ hầu Dương Kim Ao lưu giữ Đông Kinh [BK,65a].

Năm Định Hợi (Thống Nguyên thứ 6 - 1527), tháng 6 Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai vào Kinh, bắt vua phải nhường ngôi [BK,67b].

10. Trang Tông Dụ Hoàng đế lên ngôi tháng giêng năm Quí Ty ở Ai Lao đặt niên hiệu là Nguyên Hòa.

Năm Đinh Mùi (Nguyên Hòa thứ 15 - 1547) tháp Báo Thiên bị đổ [BK,8b]

11. Trung Tông Hoàng đế, là con trưởng của Trang Tông. Năm Kỉ Dậu (Thuận Bình thứ 1 - 1549), Mạc Phúc Nguyên bỏ chính điện ở kinh thành Thăng Long, dời ra ở ngoại thành, trong cõi rỗi loạn.

12. Anh Tông Tuấn Hoàng đế, là dòng dõi Lê Trừ (anh Lê Lợi). Năm Kỉ Mùi (Chính Trị thứ 2-1559), quân Mạc bị thua trận, Mạc Phúc Nguyên hoang mang lo sợ, bỏ kinh Thăng Long dời ra ở Cửa Nam [BK,16b].

Năm Canh Thân (Chính Trị thứ 3-1560), tháng 2, Mạc Phúc Nguyên đem quân tướng về giữ kinh thành Thăng Long [BK,18a].

13. Thế Tông Nghị Hoàng đế, con thứ 5 của Anh Tông. Năm Quí Dậu (Gia Thái 1-1573), tháng 10, Mạc Kính Điển đem Mạc Mậu Hợp trở về Thăng Long [BK,3b].

Năm Đinh Hợi (Quang Hưng thứ 10-1587), tháng giêng, họ Mạc sai sửa chữa tầng ngoài thành Thăng Long và sửa sang các đường. [BK,16b].

Năm Mậu Tý (Quang Hưng thứ 11 - 1588), tháng 2, họ Mạc cho quân dân các huyện trong bốn trấn đắp thêm ba lớp lũy ngoài thành Đại La ở Thăng Long bắt đầu từ phường Nhật Chiều(19)vượt qua Hồ Tây, qua cầu Dừa (20) đến Cầu Dền (21) suốt Thanh Trì giáp phía tây bắc sông Nhị Hà, cao hơn thành Thăng Long đến vài trượng, rộng 25 trượng, đào 3 lớp hào, đều trồng tre, dài tới mười mấy dặm để bọc lấy phía ngoài thành [BK,18b].

Năm Nhâm Thìn (Quang Hưng thứ 15 - 1592), tháng giêng, ngày mùng 5, Tiết chế Trịnh Tùng đốc quân vượt sông, tiến đến chùa Thiên Xuân(22), gần đến cầu Nhân Mục(23) Mạc Mậu Hợp sợ quá, bỏ thành Thăng Long vượt sông Nhị Hà đến bến Bồ Đề, ở tại Thổ Khối(24)để lại các đại tướng chia nhau giữ thành. Ngày mùng 6, Tiết chế Trịnh Tùng đốc quan qua sông Tô Lịch đến cầu Nhân Mục đóng quân ở núi Xạ Đôi(25)… hẹn hôm sau đánh phá thành Thăng Long [BK,27b, 28a].

Năm Quí Tỵ (Quang Hưng thứ 16 - 1593), tháng giêng, mùng 9, Tiết chế Trịnh Tùng đốc suất đại quân quan sông Nhị sang phía phía đông [BK,37b].

Năm Ất Mùi (Quang Hưng thứ 18 - 1595), ngày 23 tháng 7, đại hội các quan văn võ tuyên thệ ở bên tả cửa Nam thành Thăng Long [52a].

Năm Mậu Tuất (Quang Hưng thứ 21 - 1598), tháng 10 ngày 28 hạ lệnh thắt cổ Mạc Kính Dung ở chợ Cửa Đông [BK,68a].

Kỷ Hợi (Quang Hưng thứ 22 - 1599), tháng 4 ngày 7… một góc điện Kính Thiên bị sập. [BK,72b].

14. Kính Tông Huệ Hoàng đế, là con thứ của Thế Tông. Canh Tý (Thận Đức thứ 1 - 1600, tháng 8 bắt được mẹ của Mạc Mậu Hợp ở Trung Đô(26), thuyền ra sông Hát, tiến thẳng vào Kinh, quân mạc thua to… từ đấy thu phục đất Kinh thành. [BK,4a].

Tháng 11 (đổi niên hiệu là Hoằng Định 1), bắc cầu phao qua sông Cái(27) ở bến Ông Mạc(28). Tháng 12 giết Vạn Quận công ở Thảo Tân(29) [BK,5a]. Năm Ất Mão (Hoằng Định thứ 16- 1615) tháng 3 ngày 28 nước đầm các xã Hoằng Liệt, Thịnh Liệt (30) bỗng dưng khô cạn, sau 5 khắc lại đầy lại như cũ [BK,10b].

Bổ sung Đại Việt sử kí bản kỉ tục biên của Phạm Công Trứ: Năm Canh Tý (Thận Đức 1- 1600), ngày rằm tháng 8, chúa báo tin thắng trận cho xe rước vua về, sửa đường đê từ Chương Đức đến Mĩ Lương [BK,6b]. Tháng 10, xe vua trở về kinh sư. Vua ngự ở chính điện để nhận chầu mừng, có rồng vàng xuất hiện ở trước điện Kính Thiên, đổi niên hiệu là Hoằng Định,…, bắc cầu phao ở bến Ông Mạc(31) [BK,7a].

Năm Kỉ Mùi (Hoằng Định 20 - 1619), màu xuân tháng giêng ngày 16, kinh thành cháy to, bắt đầu từ cửa sau sang vương phủ, lan ra phố phường, đến lầu cửa Đoan Môn của triều đường và các nhà trực hai bên tả hữu [BK,21a].

15. Thần Tông Uyên Hoàng đế, là con trưởng của Kính Tông. Năm Quí Hợi (Vĩnh Tộ thứ 5- 1623), tháng 5, giếng đá ở chùa Báo Thiên bỗng dưng bị lấp hỏng [BK,20].

Năm Canh Ngọ (Đức Long thứ 2 - 1630), tháng 6, nước to đổ về, sông Nhị đầy nước, ngập vào đường phố. Cửa Nam nước chảy như thác, phố phường nhiều người bị chết đuối. Lại thêm đê điều các xã Yên Duyên, Khuyến Lương huyện Thanh Trì vị vỡ, thóc lúa hao tổn nhân dân đói kém [BK,27a,b].

Năm Tân Mùi (Đức Long 3 - 1631) tháng 4 giếng đá ở xã Hoàng Mai(32) huyện Thanh Trì kêu vang như sấm. Tháng 6, … có lửa cháy lan đến cả cửa tả của vương phủ, phố phường hai bên và các nhà Triều Nguyên, Triều Đường trong thành nội. Tháng 9, mưa to, nước sông Nhị dâng cao, điện đình trong ngoài thành đều ngập sâu đến 1 thước [BK,29b].

Bổ sung Đại Việt sử kí bản kỉ tục biên của Phạm Công Trứ: Năm Nhâm Tuất (Vĩnh Tộ thứ 4-1622) tháng 8 mưa to hoàng thành bị lở đổ hơn 30 trượng [BK,3a]. Năm Mậu Thìn (Vĩnh Tộ thứ 10 - 1628), tháng 9, sửa chùa Long Ân ở phường Quảng Bá [13a].

16. Chân Tông Thuận Hoàng đế, là con trưởng của Thuần Tông.

Năm Bính Tuất (Phúc Thái thứ 4-1646), tháng 2, kinh sư mưa đá [BK,38b].

17. Huyền Tông Mục Hoàng đế, con thứ của Thần Tông, em Chân Tông.

Năm Quí Mão (Cảnh Trị thứ 1 - 1663), tháng 9, sửa điện Chiêu Sự ở đàn Nam Giao. Trước đây đàn Nam Giao đã có điện nhưng qui mô còn nhỏ hẹp, đến đây sai làm thêm. Nhà chính điện thì cột vuông, lát nền bằng đá, trong sàn ngoài sàn đều xây đá, cột, rường, hoành, rui đều sơn son thếp vàng, qui mô chế độ mới mẻ rực rỡ [BK,4a].

Năm Giáp Thìn (Cảnh Trị thứ 2 - 1664), tháng 12, điện Nam Giao làm xong [BK,38b].

18. 19. Gia Tông Mĩ Hoàng đế: con thứ của Thần Tông, lấy niên hiệu là Đức Nguyên. Tháng 12 năm Đức Nguyên 2 thì Hoàng đệ Duy Cáp lên ngôi, lấy niên hiệu là Vĩnh Trị. Ở 2 đời vua này không thấy nhắc đến địa danh nào của Thăng Long xưa.

Một số nhận xét:

1. Ngay từ ngày đầu tiến vào Thăng Long - Đông Đô, triều đình nhà Lê do Lê Lợi đứng đầu đã được “những hào kiệt ở kinh lộ và nhân dân các phủ huyện cùng các tù trưởng ở biên trấn” chào đón nồng nhiệt. Đây là tiền đề để nhà Lê sơ “đi đến đâu là thành công đến đấy”.

2. Ngay từ những ngày đầu, kinh đô Thăng Long đã được cực kỳ coi trọng. Ngày vẻ vang nhất trong cuộc đời của Lê Lợi sau bao ngày “nếm mật nằm gai” chính là ngày người lên ngôi đã diễn ra tại kinh đô Thăng Long. Ngày 15, tháng 4 năm 1428, Lê Lợi chính thức lên ngôi ở điện Kính Thiên thành Đông Đô.

3. Nhiều công trình được xây mới, các công trình cũ hỏng, dột nát được trùng tu tôn tạo. Qua đó chúng ta biết được tên gọi, thời điểm xây dựng trùng tu và cả qui mô của các công trình đó. Như năm Thuận Thiên thứ 3 - 1430, vua đổi Đông Đô thành Đông Kinh. Ngày 22 tháng 12 năm Mậu Thân (1428) vua làm điện Vạn Thọ, lại làm Tả điện, hữu điện, điện Kính Thiên, điện Cần Chính. Tháng 8, năm Quang Thuận thứ 6 - 1465 cho dựng điện Cẩn Đức. Tháng 11, hai điện Kính Thiên và Cẩn Đức làm xong. Năm Quang Thuận thứ 8 - 1467, tháng 3, đào hồ ở đình Giảng Võ. Ngày 15 tháng 8, dựng lan can bằng đá ở điện Kính Thiên và xây điện nhỏ ở sân Giảng Võ…

 

Chú thích:

*. Cuốn sử này có 2 phần là Ngoại kỉ và Bản kỉ. Các đời Hoàng đế nhà Lê đều nằm ở phần Bản kỉ và sách cũng chia các quyển theo từng đời vua vì thế từ đây trở đi chúng tôi sẽ không ghi trích dẫn là Bản kỉ và số quyển nữa mà chỉ ghi số trang (theo bản chữ Hán). Ví dụ [Bản kỉ, q10, 19b] thì chúng tôi sẽ chỉ ghi là [19b] và sẽ được hiểu là sự kiện vừa được dẫn nằm ở phần Bản kỉ, quyển số 10, đời Lê Thái Tổ, tờ 19b.

1. Đất thuộc Gia Lâm ngày nay

2. Tức thành Thăng Long, vì Tây Đô là Thanh Hóa nên gọi Thăng Long là Đông Đô.

3. Chùa thuộc thôn Văn Giáp, huyện Thường Tín ngày nay

4. Chùa vốn có thời Lí, đến thời này mở rộng qui mô.

5. Bến Đông chỉ bến sông Hồng, nằm ở phía đông kinh thành Thăng Long.

6. Sông Đông Ngàn: sông chảy qua huyện Đông Ngàn.

7. Bến Đông (xem chú thích 5), sông Thiên Đức cũng tức là sông Đuống.

8. Sông Bình Lỗ, đoạn sông chảy qua huyện Sóc Sơn, cầu Phù Lỗ, tức cầu qua sông Cà Lồ ở xã Phù Lỗ huyện Sóc Sơn ngày nay.

9. Nay là phố Hồng Mai, phường Bạch Mai, Hai Bà Trưng. ĐVSKTT Hoàng Văn Lâu chú là xã Hoàng Mai huyện Thanh Trì, Hà Nội. Nhưng theo khảo sát thực tế của chúng tôi thì hiện vẫn còn một con mang tên là Hồng Mai nằm trên đường Bạch Mai gần đường Đại La và Trương Định.

10. Nay là khu vực Cửa Nam, Hà Nội.

11. Nay thuộc xã Phù Chẩn, tỉnh Bắc Ninh.

12. Huyện Quảng Đức sau là huyện Vĩnh Thuận, thuộc phủ Phụng Thiên, nay thuộc Hà Nội.

13. Phường Nhật Chiêu nay là phường Nhật Tân, Hà Nội.

14. Phường Đông Hà: nay là Ô Quan Chưởng, phố Hàng Chiếu, Hà Nội.

15. Bồ Bề: nay vẫn còn chùa Bồ Đề, đất thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội.

16. Đoạn sông Hồng chảy qua phường Cơ Xá, phía bắc cầu Long Biên ngày nay.

17. Phường Yên Hoa: sau đổi là phường Yên Tĩnh, nay là phường Yên Phụ, Hà Nội.

18. Định Công nay thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội.

19. Nay là Nhật Tân, Hà Nội.

20. Cầu Dừa thuộc phường Thịnh Quang, Hà Nội.

21. Cầu Dền là ô Cầu Dền gần Bạch Mai, Hà Nội.

22. Chùa Thiên Xuân ở xã Thanh Xuân huyện Thanh Oai.

23. Cầu Nhân Mục tức Cống Mọc, phía tây Hà Nội.

24. Thổ Khối: nay thuộc xã Thổ Khối, huyện Gia Lâm.

25. Xạ Đôi: nghĩa là Gò Rắn, ở khu Giảng Võ, Hà Nội.

26. Trung Đô: cũng tức là thành Thăng Long.

27. Sông Cái: tức sông Hồng.

28. Ông Mạc: tức là Ô Đông Mác ngày nay.

29. Bến Thảo Tân: ngờ rằng là tên chữ của ga Hàng Cỏ ngày nay.

30. Nay thuộc phường Thịnh Liệt - quận Đông Đa.

31. Xem chú thích số 28.

32. Nay thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội./.

 

Vương Thị HườngViện Nghiên cứu Hán Nôm

 

Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 2011, tr.686-698, phiên bản trực tuyến ngày 05.12.2013.

Thông tin truy cập

63694724
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
15016
23426
63694724

Thành viên trực tuyến

Đang có 687 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website