Một vài vấn đề về ngôn ngữ văn học viết bằng chữ Hán, chữ Nôm những năm đầu thế kỷ XX và vai trò của chúng trong tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam

20181119 Sach hoc tan tuyen

Ảnh: Bìa sách Sách học tân tuyển in năm Duy Tân, Kỷ Dậu (1909)

Văn học Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ XX dần dần bước vào quỹ đạo hiện đại hóa để chuyển từ phạm trù văn học truyền thống sang văn học hiện đại. Văn học truyền thống được đặc trưng bằng một loạt những nét chuyên biệt cả từ phương diện lý tưởng thẩm mỹ đến các thủ pháp nghệ thuật, trong đó có các vấn đề liên quan đến ngôn ngữ văn tự. Văn học truyền thống do được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, nên có người gọi đó là văn học Hán – Nôm. Văn học Hán – Nôm truyền thống mang trong mình bộ phận văn học viết bằng chữ Hán trên cơ sở một hình thái ngôn ngữ viết vốn được phổ biến rất rộng khắp ở một loạt nước Đông – Á các thế kỷ trung đại – văn ngôn. Là ngôn ngữ - văn tự vay mượn, do vậy, nó xa rời với thực tế đời sống ngôn ngữ nói của quảng đại quần chúng, nó không trực tiếp dựa trên cơ sở của ngôn ngữ nói dân tộc.

Bộ phận văn học dân tộc viết bằng ngôn ngữ văn học dân tộc - chữ Nôm, trên đại thể là bộ phận văn học trực tiếp dựa vào ngôn ngữ nói, có liên quan trực tiếp đến đời sống ngôn ngữ dân tộc… Song, trong suốt quá trình hình thành và phát triển của mình, cho đến những năm đầu thế kỷ XX, do nhiều nhân tố xã hội - lịch sử, ngôn ngữ của nó chủ yếu là vận văn… Văn xuôi, văn chính luận rất thưa thớt, hiếm vắng. Theo đà đi lên của lịch sử, quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam ắt hẳn sẽ phải chịu sự ảnh hưởng của một loạt những nhân tố xã hội - lịch sử, trong đó có những nhân tố liên quan đến ngôn ngữ truyền thống.

Các nhà nghiên cứu bây giờ có hồ đều thống nhất cho rằng văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX dần bước vào phạm trù văn học hiện đại. Văn học hiện đại có một đặc trưng cơ bản xét về góc độ ngôn ngữ - văn học, đó là văn học có ngôn ngữ viết trực tiếp dựa trên cơ sở ngôn ngữ nói. Giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết có sự thống nhất. Bởi thế, cho nên, quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam tự mang trong mình cả nhiệm vụ “văn - ngữ nhất thể) (phải làm sao cho ngôn ngữ viết thống nhất với ngôn ngữ nói, ngôn ngữ viết phải trực tiếp dựa trên cơ sở của ngôn ngữ nói…). Chỉ có khi nào văn học viết trực tiếp viết bằng khẩu ngữ thì mới có thể coi rằng quá trình hiện đại hóa đã đạt được những cơ sở vững vàng về ngôn ngữ…

Những điều nêu trên cho phép chúng ta hình dung quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam xét từ phương diện ngôn ngữ sẽ không giản đơn chỉ gồm những bước nhảy vọt mà ngược lại, nó sẽ phải trải qua những bước quá độ, chuyển tiếp… Ở những bước quá độ này, chúng ta vừa nhìn thấy những đặc trưng của truyền thống, vừa nhìn thấy những mầm mống cho những bước chuyển tương lai… Vả lại, quá trình hiện đại hóa văn học dân tộc không phải bắt nguồn từ mảnh đất hoang, chưa có người cày xới… mà ngược lại, như trên đã nói, hiện đại chỉ là sự tiếp tục đi lên của truyền thống ở những giá trị và tầm cao mới theo yêu cầu và tình hình của thời đại… Điều đó có nghĩa là nhân tố văn học Hán – Nôm sẽ đóng vai trò của mình cho tiến trình hiện đại hóa. Tiến trình hiện đại hóa ít nhiều sẽ bị nhân tố xuất phát này quy định. Từ cách nhìn như thế, để tìm hiểu được quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam, cần phải nghiên cứu kỹ văn học viết bằng chữ Hán, chữ Nôm những năm đầu thế kỷ XX, bởi nó, một mặt vừa là hậu duệ, vừa là những sản phẩm gần như cuối cùng của văn học truyền thống. Mặt khác, nó là nhân tố kề bên của văn học hiện đại. Có lẽ vì thế, văn học Hán – Nôm những năm đầu thế kỷ XX sẽ có quan hệ nào đó với văn học Việt Nam hiện đại những thập niên sau đó.

Tình hình phát triển của văn học chữ Hán chữ Nôm đầu thế kỷ cho thấy văn học viết bằng chữ Hán, chữ Nôm trong những năm đầu thế kỷ XX về cơ bản vẫn là bộ phận văn học chủ đạo trong đời sống văn học dân tộc. Các bộ Hợp tuyển, các công trình nghiên cứu về văn học Việt Nam giai đoạn này chủ yếu sưu tầm các tác phẩm viết bằng chữ Hán, chữ Nôm. Chẳng hạn như công trình Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX của cố giáo sư Đặng Thai Mai một công trình khá lớn về văn học giai đoạn này được viết bằng con mắt, cái nhìn, tâm tưởng của một người chứng kiến lịch sử, của một người rất gần gũi với thời đại bấy giờ về mọi phương diện… đã chủ yếu dành cho văn học Hán – Nôm của các sĩ phu yêu nước. Trong sô 66 đơn vị văn bản được đưa vào phần hai của tập sách với tư cách như là phần Hợp tuyển thì có tới 32 văn bản mà nguyên tác được viết bằng chữ Hán, 34 văn bản bằng quốc âm, quốc ngữ nhưng quốc âm, quốc ngữ ở đây chủ yếu được ghi bằng chữ Nôm… Trong số 32 văn bản Hán văn ấy thì chủ yếu là các văn bản chính luận… Điều ấy nói lên quang cảnh và vai trò của văn học Hán – Nôm giai đoạn này trong tiến trình tiến hóa của văn học dân tộc.

Nghiên cứu văn học chữ Hán, chữ Nôm Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX là những vấn đề rất lớn và đã có nhiều công trình. Chúng tôi, trong bài viết này chủ yếu đề cập đến một số vấn đề có liên quan đến phương diện ngôn ngữ của loại ngôn ngữ văn học này, để qua đó, ở những mức độ rất hạn chế góp phần làm sáng tỏ tiến trình vận động của ngôn ngữ văn học Hán – Nôm, cũng như vai trò của nó ở giai đoạn này cho tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam… Và cũng trong chừng mực nhất định, cũng đặt vấn đề xem xét văn học chữ Hán, chữ Nôm của các sĩ phu yêu nước đầu thế kỷ như là văn học của giai đoạn quá độ, văn học đóng vai trò bước chuyển từ truyền thống sang hiện đại về phương diện ngôn ngữ…

Do yêu cầu của bài viết được đặt ra là như vậy, cho nên, cấu trúc các vấn đề ở đây sẽ là:

1. Trạng huống ngôn ngữ ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX.

2. Nhân tố chữ Hán (Hán văn) và chữ Nôm trong đời sống ngôn ngữ văn học những năm đầu thế kỷ XX.

3. Những đặc điểm về chức năng và cấu trúc của ngôn ngữ văn học Hán – Nôm giai đoạn này.

4. Vai trò chiếc cầu nối giữa truyền thống và hiện đại của ngôn ngữ văn học Hán – Nôm.

1. Trạng huống ngôn ngữ ở Việt Nam đầu thế kỷ XX

Với hiệp ước Patơ nốt (1884), thực dân Pháp đã cơ bản đặt được nền thống trị của chúng trên toàn cõi Việt Nam. Lực lượng yêu nước (phái chủ chiến) trong triều đình đã phát động phong trào Cần Vương khắp trong cả nước, song phong trào này cơ bản bị thực dân Pháp tiêu diệt sau cái chết của Phan Đình Phùng – lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Hương Khê vào năm 1897. Cũng trong thời gian đó, thực dân Pháp dần chú ý đến việc đặt cơ sở, xây dựng bộ máy cho các mục đích khai thác thuộc địa.

Rút kinh nghiệm ở Nam Kỳ nơi chúng sớm dùng loại chữ Hán trong thi cử (1867), do muốn nhanh chóng Pháp hóa… song lại gặp phải sự kháng cự dữ dội của nhân dân - nhất là tầng lớp sĩ phu… cho nên các tên cáo già của chủ nghĩa thực dân Pháp với những kinh nghiệm đầy người đã nghĩ ra rất nhiều âm mưu trong việc cố sử dụng những gì đã có để phục vụ cho âm mưu của chúng như: vua quan nhà Nguyễn và hệ thông thi cử cũ… để tạo ra lớp người phục vụ cho quyền lợi của người Pháp… Bởi vậy, từ khi ký hiệp ước Patơnốt, chúng tiến hành một loạt các biện pháp nhằm cải đổi cơ cấu xã hội, trong đó, chúng đặc biệt chú ý đến giáo dục, vì sau khi nhiệm vụ của những tên lính xâm lược kết thúc thì bắt đầu nhiệm vụ của người giáo viên… Lối học hành, thi cử theo kiểu truyền thống không thể đào tạo ra bộ máy thư lại mà xã hội thực dân yêu cầu. Kinh điển thánh hiền với những sáo ngữ về thời Tam hoàng, Ngũ đế… không dạy kỹ thuật làm thư ký, lập bảng biểu thống kê… Cải biến giáo dục - chuyển từ nền giáo dục phong kiến sang thực dân được coi là nhiệm vụ quan trọng của giai đoạn mới. Trong cuộc cải biến này, có một vấn đề trung tâm, đó là vấn đề ngôn ngữ - văn tự vì không thể có một nền giáo dục nào lại không thông qua ngôn ngữ văn tự.

Trong suốt mười thế kỷ tồn tại của nền giáo dục dưới thời phong kiến, giáo dục Việt Nam chủ yếu được thực hiện trên cơ sở của ngôn ngữ - văn tự vay mượn – Văn ngôn và chữ Hán với sự tham gia của tiếng Việt ở những mức độ nhất định. Hán văn tuy là ngôn ngữ chính thống, quan phương trong giáo dục, song việc giáo dục không thể diễn ra tốt đẹp và ổn thỏa được nếu không xác định đến vai trò của tiếng mẹ đẻ. Tiếng mẹ đẻ (quốc âm, quốc ngữ) được ghi bằng chữ Nôm luôn đóng vai trò là cái cầu chuyển ngữ… Thực tế dạy chữ Hán cho những người mới bắt đầu yêu cầu phải dùng chuyển ngữ, và cả khi dạy kinh điển (Thi, Thư…) cũng có khi đã dùng chuyển ngữ - quốc ngữ, quốc âm (Phạm Văn Khoái. H, 1996).

Mục tiêu trong cải biến giáo dục về phương diện ngôn ngữ của thực dân Pháp là phổ biến tiếng Pháp. Chúng đã mở trường Thông ngôn (ở Nam Kỳ từ năm 1961), trường Thông ngôn ở Bắc Kỳ vào đầu những năm 90 thế kỷ thứ XIX, trường Hậu bổ… ) song, trước thực tế ngôn ngữ ở Việt Nam buộc chúng phải điều chỉnh, chọn những yếu tố cần thiết cho ý đồ thực dân của mình.

Nếu trước đây trong lịch sử, Hán học cần phải có sự giúp đỡ của quốc âm, quốc ngữ… thì bây giờ bọn thực dân cũng thấy rằng Pháp học (tiếng Pháp) cũng cần phải có sự giúp đỡ của tiếng người bản ngữ - Đó là quốc ngữ, quốc âm.

Quốc âm, quốc ngữ vốn là cái thuật ngữ chỉ tiếng mẹ đẻ, ngôn ngữ dân tộc. Trong các điều kiện của thời phong kiến, tiếng mẹ đẻ đã sớm được các bậc thức giả coi là một trong những nhân tố cho sự độc lập dân tộc, cho sự đối lập Bắc Nam… Cái tiếng mẹ đẻ ấy khi được ghi lại bằng chữ Nôm, thì loại văn bản naà (cả tiếng mẹ đẻ, cả chữ Nôm) được gọi là quốc âm, quốc ngữ. Với nghĩa là ngôn ngữ của người trong nước, dù chưa phải là “ngôn ngữ nhà nước”.

Tiếng mẹ đẻ được gọi là quốc âm, quốc ngữ trong nhiều thế kỷ trung đại… đã lớn mạnh rất nhanh, để tự mình có một nội lực. Nó là ngôn ngữ của văn học dân tộc mà một trong những đỉnh cao là ở nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX… Quá trình vươn lên của tiếng mẹ đẻ về mặt cấu trúc và chức năng trong suốt thời phong kiến là một thực tế lịch sử hiển nhiên. Có thể coi sự vương lên đó là quá trình xây dựng và làm phong phú ngôn ngữ viết (ngôn ngữ văn học). Tiếng mẹ đẻ cho đến những năm đầu thế kỷ XX có hai hệ thống văn tự phổ biến hơn cả ghi lại - chữ Nôm và văn tự chữ cái âm – cũng được gọi là chữ quốc ngữ (Phạm Văn Khoái. 1997).

Thực tế phát triển vững vàng của tiếng Việt đã làm cho bọn thực dân phải tính đến nhân tố tiếng Việt trong chính sách phổ biến tiếng Pháp của chúng. Đương nhiên, người Pháp sẽ chú ý đến tiếng Việt được ghi ở dạng văn tự chữ cái La tinh. Cáo già thực dân Pôn Be từng nói: “Việc người bản xứ có thể đọc, viết bằng chữ quốc ngữ đối với chúng ta là hết sức có lợi. Các công chức của chúng ta, các nhà buôn của chúng ta có thể học rất dễ dàng các ký hiệu đó, và sự liên hệ của chúng ta với người bản xứ sẽ dễ dàng hơn nhiều” (NCLS.96. 3/1967. tr.15).

“Học rất dễ dàng cách ký hiệu đó” đúng như Pôn Be nói, nhưng nắm được tiếng Việt thì lại là một vấn đề khác. Việc đó khó khăn vô cùng chứ không phải giản đơn nắm được các chữ cái là đủ… thực dân Pháp đã sử dụng tiếng Việt ở dạng ghi bằng chữ cái làm chuyển ngữ… Từ năm 1897 chúng mở một số trường Pháp - Việt ở các thành phố và các tỉnh lớn, trong đó học tiếng Pháp là chính nhưng có học chữ Quốc ngữ và chữ Hán. Năm 1898, thực dân Pháp ra nghị định sử dụng Quốc ngữ và Pháp văn vào chương trình thi Hương (chưa bắt buộc). Năm 1906, chính quyền thực dân tiến hành cải cách giáo dục làm ba cấp… Ở kỳ thi chọn Cử nhân thì thi luận chữ Nho, thi luận chữ Việt (Quốc ngữ) và có một bài dịch chữ Pháp ra chữ Nho.

Thi cử là nhân tố có ảnh hưởng lớn đến tiến trình học tập và sử dụng ngôn ngữ. Thi cử sẽ kéo theo mọi vấn đề liên quan đến việc định hướng học tập… Lối thi cử truyền thống ở Việt Nam khiến cho người đi học không học và viết bằng ngôn ngữ đương thời mà bằng ngôn ngữ cổ, ngoại lai. Ở những khoa thi đầu thế kỷ, dần dần ngôn ngữ nói được sử dụng - nhất là trong dạng bài luận. Điều đó buộc người đi học phải học tiếng mẹ đẻ, tìm hiểu cách viết luận của nó, mà luận (hay văn xuôi nói chung) vốn là hầu nhưu hoàn toàn trống vắng trong văn Nôm quá khứ…

Những bước dạo đầu cho cuộc thay đổi chế độ thi cử đã được gióng lên từ những thập niên cuối thế kỷ XIX và sau đó gần 20 năm, đến năm 1919, chế độ học hành cũ chấm dứt trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam chuyển sang chế độ giáo dục Pháp - Việt.

Như vậy, nếu kể từ 1898 – năm thực dân Pháp ra Nghị định sử dụng chữ Quốc ngữ và chữ Pháp vào kỳ thi Hương cho đến khi nền giáo dục sử dụng chữ Hán bị loại bỏ hoàn toàn, ta thấy ở nước ta đồng thời 3 ngôn ngữ (cả ở dạng viết lẫn dạng nói) và 4 loại hình văn tự. Có thể kể ra là:

a, Ba ngôn ngữ:

- Hán văn (Văn ngôn)

- Tiếng Việt.

- Tiếng Pháp.

b, Bốn loại văn tự cho 3 ngôn ngữ trên là:

- Chữ Hán

- Chữ Nôm

- Chữ Quốc ngữ

- Chữ Pháp

Có thể thể hiện các yếu tố đó ở bảng sau:

NGÔN NGỮ VĂN TỰ (CHỮ VIẾT)
1 Văn ngôn (Hán văn) Chữ Hán 1
Tiếng Việt Chữ Nôm 2
2 Chữ Quốc ngữ 3
3 Tiếng Pháp Chữ Pháp 4

Qua bảng đó ta thấy vai trò của chữ Hán (Văn ngôn) được xếp vào hạng thứ nhất. Nhưng tình hình đã thay đổi dần vào các năm 1903, 1906… và có thể nói thay đổi theo từng kì thi đến mức độ chóng mặt… Sự thay đổi đó dẫn đến những biến động tâm lý trong đám sĩ tử nói riêng và cả xã hội nói chung. Người ta lắng nghe từng tin đồn…

“Mong gì nhà nước còn thi nữa.

Biết rõ anh em chẳng chắc rồi”

“Nghe nói khoa này sắp đổi thi.

Các thầy đồ cổ đỗ mau đi…”

(Tú Xương)

Những thay đổi dữ dội khiến cho học trò như lũ gà phải cáo, sợ hãi trước những biến động trong thi cử… và dẫn đến biến động trong thế phân phối của các ngôn ngữ - chữ viết. Với việc chấm dứt thi cử bằng chữ Hán vào năm 1919, về cơ bản chữ Hán đã giải thể về chức năng (cho dù chữ Hán vẫn được dạy một hai giờ trong tuần..). Vị thế của các ngôn ngữ - văn tự đã có sự đảo lộn ghê gớm. Sự đảo lộn đó được thể hiện bằng bảng sau:

NGÔN NGỮ VĂN TỰ (CHỮ VIẾT)
1 Tiếng Pháp Chữ Pháp 1
2 Tiếng Việt Chữ Quốc ngữ 2
Chữ Nôm 3
3 Văn ngôn (Hán văn) Chữ Hán 4

Qua hai bảng trên chúng ta thấy sự đảo lộn vị trí ghê gớm trong bức tranh về trạng huống ngôn ngữ - văn tự ở Việt Nam từ những năm cuối thế kỷ XIX đến năm 1919. Dường như sự đảo lộn vị trí của các yếu tố cấu thành trạng huống (hoàn cảnh) ngôn ngữ có tính chất dây chuyền và kéo theo nhưng mang đầy nghịch lý về chức năng.

Sự sa sút vủa chữ Hán đến mức loại bỏ văn ngôn ra khỏi phạm vi giáo dục, hầu như gây ra phản ứng dây chuyền lan đến dẫn đến sự sa sút của chữ Nôm. Nhưng dường như lại có sự trớ trêu, sự vượt trội thăng hoa của chữ Pháp không kéo theo sự thăng hoa về chức năng xã hội, chức năng nhà nước của chữ Quốc ngữ.

2. Nhân tố chữ Hán - chữ Nôm trong đời sống ngôn ngữ Việt Nam đầu thế kỷ

Trên đây chúng tôi đã mô tả trạng huống ngôn ngữ (chủ yếu là ngôn ngữ viết) ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Hai bảng lược đồ trên đây đã cho ta hình dung sự sa sút của chữ Hán đến mức nào. Loại bỏ vị trí độc tôn của chữ Hán đã kéo theo ngay lập tức sự sa sút của hệ thống văn tự ghi tiếng Việt dựa trên cơ sở chữ Nôm.

Nói đến sự sa sút của hệ thống văn tự chữ Hán, nhưng mặt khác, chúng ta phải nhận thấy rằng gần như suốt 20 năm đầu thế kỷ XX chữ Hán vẫn còn được sử dụng, vẫn còn có uy lực nào đó (thậm chí còn có sức ỳ rất mạnh). Điều ấy thể hiện ở chỗ nó vẫn là ngôn ngữ của thi cử (mặc dù đã thu hẹp phạm vi và không còn giữ vị trí độc tôn nữa và đang dần đi đến loại bỏ).

Gần như tất cả các văn kiện của nhà nước thực dân và vua quan nhà Nguyễn đều có dạng viết chữ Hán hay chuyển sang chữ Nôm. Tình hình trên vẫn tiếp tục cho đến tận những năm 30 của thế kỷ này. Theo thống kê của chúng tôi qua bộ sách Di sản Hán – Nôm, Thư mục đề yếu, viết bằng chữ Hán vẫn là những văn bản cơ bản của lối quản lý đời sống truyền thống như sử ký, địa dư chí, hình luật, như các bộ:

1. Bắc Kỳ địa dư lược sao (A 2669) soạn thời Đồng Khánh – Duy Tân.

2. Bắc Kỳ quan chế Nghị định (VHv.2b) in năm Khải Định năm thứ 3 (1918).

3. Quốc triều luật lệ toát yếu (VHv.1706). Tóm tắt luật thời Duy Tân.

4. Quốc triều sử toát yếu. Cao Xuân Dục chủ biên. Viết tựa năm Duy Tân thứ 2 (1908)…

Danh sách các văn bản thuộc vào loại căn bản cho các hoạt động và các thiết chế nhà nước được viết bằng chữ Hán có thể còn được kéo dài nữa. Ấy là chúng tôi không kể đến các tác phẩm viết về chủ đề trên của các cá nhân trong xã hội…

Địa vị của chữ Hán còn thể hiện ở chỗ thời gian này đã xuất hiện một trào lưu tóm tắt biên soạn lại các sách vở xưa. Nhiều bộ sách tiết yếu các kinh điển của Nho gia phục vụ cho chương trình cải cách giáo dục ở giai đoạn những năm đầu thế kỷ XX (Trung học Ngũ kinh toát yếu, Trung học Việt sử toát yếu…). Sách chữ Hán không chỉ giới hạn ở những vấn đề có liên quan đến học thuật truyền thống mà còn được sử dụng cả ở lĩnh vực sách giáo kho đề cập đến các tri thức mới như sách Cách trí của Trần Văn Khánh…

Vẫn còn tồn tại thi cử bằng chữ Hán nhưng có đổi mới về thể văn, cho nên số sách luyện thi chữ Hán theo kiểu mới cùng với các chủ trương mới của nhà nước thực dân và Nam triều xuất bản nhiều tựa hồ như nấm mọc sau trận mưa rào. Nhưng sách có tên như: Cử nghiệp luận tuyển, Hội đình văn tuyển, Luận thể tân tuyển, Sách học tân tuyển, Sách văn tân thức, Tân thức luận thể hợp tuyển… phục vụ thi cử vẫn chiếm số lượng lớn nhất trong số các sách chữ Hán trong thời kỳ này, đủ thấy thi cử theo kiểu cũ đã lụi tàn vì lối học vô dụng, nhưng vẫn còn tồn tại nên người ta vẫn chạy theo các loại văn chương trường ốc đó.

Càng về sau, tiếng Việt càng phát triển, càng có khả năng hơn trong chức năng thông báo các chính sách của chính quyền đến với dân cả ở dạng chữ Nôm và Quốc ngữ. Trên cơ sở của nền Hán học vẫn còn, nên chữ Nôm vẫn lại được dùng như một chuyển ngữ… Rất nhiều nghị định của chính quyền thực dân được dịch từ tiếng Pháp ra chữ Nôm như: Bản dịch Nôm nghị định 1911 của Thống sứ Bắc Kỳ (NHv 119). Bắc Kỳ bảo hộ - Quốc ngữ công báo in năm Khải Định 1923; (VNv 15); Bắc Kỳ dân luật quốc âm dịch bản (VNv 18); Bắc Kỳ dân luật tân san (VNv12)…

Chữ Nôm đặc biệt được sử dụng trong các lĩnh vực có liên quan đến luật pháp, dân sự, thương mại, tố tụng, thuế khoá… thậm hcí ghi cả những tiết lễ ở Bắc Kỳ…

Hán văn được sử dụng trong báo chí… Có tiếng nhất là Đại Nam Đồng Văn nhật báo, Đăng Cổ tùng báo…, các công báo khác chủ yếu bằng chữ Hán… Báo chí bằng chữ Nôm thì cơ hồ như vắng bóng.

Giáo dục truyền thóng đã sản sinh ra một lớp đông đảo những người biết chữ Hán. Không ít người trong số họ đã tham gia con đường cử nghiệp, họ từng đỗ đạt, từng giành các vị trí đứng đầu trong các kỳ thi Hương, thi Hội ngay ở giai đoạn giao thời này. Với học vấn của họ (mà con đường cơ bản biết được qua sách vở viết bằng chữ Hán), họ nhận thấy rằng cứu nươc theo con đường cũ (con đường Cần Vương) đã không hợp với tình hình nữa, kinh điển của thánh hiền, lối văn bát cổ không còn thích hợp “Hiền thánh còn đâu học cũng thừa” – mà cần phải tiến hành một cách khác, khi mà đại bộ phận giai cấp phong kiến đã đầu hàng, câu kết làm tay sai cho chủ nghĩa thực dân Pháp… Họ có nhận thức mới về thời cuộc, họ muốn duy tây để tự cường, họ xuất dương hay gửi con em xuất dương… Tiêu biểu nhất trong số các trí thức ấy là; Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp… Sự hiểu biết của họ về tinh thần thời đại, khu vực lúc đầu chủ yếu qua con đường sách vở bằng chữ Hán. Các áng thơ văn, các cương lĩnh hoạt động chính trị của họ cũng chủ yếu viết bằng chữ Hán và sau đó lại được diễn Nôm (một lối diễn rất truyền thống…). Việc tài liệu của họ Viết chữ Hán và diễn Nôm là chủ yếu đã thấy nhân tố chữ Hán và chữ Nôm trong khoảng hơn 20 năm đầu thế kỷ này vẫn có một bộ phận độc giả đông đảo. Họ sáng tác văn thơ không phải để làm văn làm thơ mà làm nhiệm vụ giác ngộ, tổ chức, tuyên truyền cách mạng. Các bộ Hợp tuyển văn học giai đoạn này chủ yếu sưu tập các tác phẩm viết bằng chữ Hán, chữ Nôm đủ mọi thể loại và phong cách.

Sự phân tích trên đây về nhân tố chữ Hán (Hán văn) và nhân tố chữ Nôm trong đời sống ngôn ngữ của đất nước đầu thế kỷ XX đã phần nào cho chúng ta thấy ở thời gian ba thập niên đầu thế kỷ XX, nhân tố chữ Hán, chữ Nôm vẫn còn vị trí của mình trong trạng huống ngôn ngữ - xã hội đặc biệt trong lịch sử nước nhà, thường được gọi là trạng huống giao thời Âu – Á. Nhân tố chữ Hán vốn là vay mượn, song, do đó là sự vay mượn tự giác (Hán học Việt Nam phát triển chủ yếu vào giai đoạn nước nhà độc lập sau thế kỷ X), cho nên vẫn có những sức mạnh nào đó có tính chất bề dày… Cái sức mạnh ấy có được chính là ở chỗ: qua Hán học, cha ông chúng ta đã xây dựng được một nền học thuật dân tộc, là cái để cho chúng ta tự hào có truyền thống văn hiến, chẳng kém gì Trung Hoa… Chính bọn thực dân cũng đã nhìn thấy điều này qua lời của Pôn Be: “Việc dạy chữ Pháp sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho việc học quốc ngữ. Cũng cần có một khoá trình chữ Nho, nếu trẻ em An Nam rời bỏ nhà trường của chúng ta mà không biết đọc và viết chữ Nho thông dụng… họ sẽ trở thành những kẻ ngoại quốc trong xứ sở củ họ. Và sau hết, các trường của chúng ta sẽ không chiêu tập được ai vào học” (NCLS.5.1967. Tr.44).

Nhiều người khi giải thích sự luyến tiếc của các tầng lớp nhân dân khi chữ Hán bị đẩy ra khỏi phạm vi giáo dục, mới chỉ nghiêng về một phía cho rằng các tầng lớp nhân dân luyến tiếc một nền học vấn Trung Hoa, hay đi học chữ Nho dùi mài nghiên bút theo con đường cử nghiệp, bổng lộc cũng ở trong đó… nay bỗng dưng con đường đó bị đóng cửa… mà không thấy rằng: chính Hán học Việt Nam trong truyền thống (chủ yếu là sau khi nước nhà độc lập) đã tạo dựng nên những nét đặc thù, những giá trị trong truyền thống học thuật, văn hóa Việt Nam. Cha ông chúng ta trong truyền thống rất trân trọng những trước tác của người Việt Nam. Họ từng than dài trước các nguy cơ, lý do văn thơ Lý - Trần bị hủy hoại trong các điều kiện nhà Minh xâm lược. Họ than phiền về một nước có tiếng là văn hiến mà làm thơ, làm văn phải lấy các nhà thơ đời Đường ra làm khuôn mẫu. Điều này đã được các tác giả của Văn minh tân học sách một lần nhắc lại: “Nước ta từ xưa tới giờ, các nhà viết văn kể cũng khá nhiều như Khâm Định Việt sử cương mục, Thực lục, Liệt truyện, Nhất tống chí, Lịch triều chí, Vân đài loại ngữ, Công hạ kiến văn, đều đủ để cung cấp tài liệu về sơn xuyên, phong tục, văn vật, điển chương và để cho người sau mượn đó làm gương nữa…” (Chương Thâu 1982, Tr.112 – 113).

Cho nên, điều thứ hai trong cương lĩnh canh tân của Văn minh tân học sách là hiệu đính sách vở chữ Hán của nước nhà. Họ đã nhận thấy giá trị của văn hóa truyền thống tích tụ trong các văn bản chữ Hán. Và cũng do yêu cầu của thời đại, họ cho rằng việc số một là phải dùng văn tự nước nhà - chữ Quốc ngữ, nhưng họ thấy việc xóa bỏ chữ Hán là gây nên sự đứt đoạn giữa truyền thống và hiện đại. Lý do họ đề xuất phải cấp bách hiệu đính sách vở là như vậy.

Nhân tố chữ Hán – và kèm theo đó là chữ Nôm ghi tiếng Việt đã được các nhà yêu nước sử dụng một cách rộng khắp để làm lợi khi tuyên truyền, tổ chức cách mạng. Những người ấy đã dùng ngọn bút và cái mình sáng tác ra bằng ngòi bút (chủ yếu là bút lông) để làm cách mạng. Khi thực dân Pháp đàn áp, bắt bớ thì nhà tù đầy những Tiến sĩ, Phó bảng, Cử nhân… Việc họ chủ yếu viết bằng chữ Hán và chữ Nôm cần phải được nhận thấy vẫn còn đông đảo số người đọc chữ Hán. Viết chữ Hán… chữ Nôm chứ không phải đơn thuần cho rằng đó là sự dị ứng với lại bút chì, bút sắt với chữ Quốc ngữ… Nếu dị ứng, các cụ đã không nêu lên việc cấp bách đầu tiên là phải dùng chữ Quốc ngữ… Chữ Quốc ngữ được các cụ cho là “hồn trong nước” nhưng cũng phải thừa nhận rằng viết chữ Quốc ngữ ở giai đoạn này còn phôi thai lắm, nó chưa có bề dày truyền thống, xã hội dường như chưa kịp chuẩn bị… Ngay cả công báo, công văn, dân luật của nhà nước thực dân vẫn phải dùng chữ Hán, chữ Nôm kia mà. Sự chưa chuẩn bị của xã hội về Quốc ngữ đã là chỗ cho chữ Hán, chữ Nôm vẫn còn chỗ đứng của mình trong những năm đầu thế kỷ.

3. Những đặc điểm về chức năng và cấu trúc của ngôn ngữ văn học Hán – Nôm trong giai đoạn này

Hán văn (văn ngôn) một mặt vẫn được sử dụng trong 20 năm đầu thế kỷ với tư cách là ngôn ngữ của giáo dục, của sáng tác nhưng càng tàn dần. Mặt khác cũng phải thấy rằng Hán văn thời gian này đã thay đổi rất nhiều về chức năng xã hội cũng như về mặt cấu trúc.

Về mặt chức năng xã hội, như trên đây chúng tôi đã trình bày, văn ngôn trong chức năng là ngôn ngữ độc quyền trong giáo dục trong thời điểm này tuy cứ dần dần lụi tàn… song nó lại mở rộng trong chức năng là công cụ nhận thức cuộc sống (trong báo chí… trong biên soạn sách giáo khoa mới…). Văn ngôn trong giai đoạn này khác hoàn toàn, khác với bất kỳ giai đoạn nào trước đó. Chúng ta thấy Hán văn giai đoạn này là một trong những công cụ nhận thức các vấn đề do cuộc sống của đất nước. Nếu không kể việc chủ nghĩa thực dân và triều đình nhà Nguyễn sử dụng Hán văn và chữ Nôm vào việc phổ biến các chính sách thực dân, phục vụ cho chính sách khai thác thuộc địa của chúng, thì văn chương yêu nước và cách mạng đầu thế kỷ này chủ yếu viết bằng chữ Hán, chữ Nôm. Đó là loại văn chương giác ngộ tập hợp động viên quần chúng với một bầu nhiệt huyết chứa chan. Có thể gọi đó là văn chương giác thế - một lối viết chịu ảnh hưởng của Tân văn thể của Lương Khải Siêu và Hán văn Trung Quốc thời cận đại. Văn chương chủ yếu có nhiệm vụ giác ngộ đồng bào, tổ chức động viên họ vào con đường cứu nước… Chức năng giác thế của Hán văn giai đoạn này là chức năng nổi bật nhất.

Cùng với những biến đổi của xã hội Việt Nam trong hai chục năm đầu của thế kỷ này, Hán văn đã có thay đổi về thể loại và phong cách. Nếu như trước đây lối học cử tử đã làm cho người ta chỉ học theo các kinh truyện, làm văn không phải bằng các ngôn từ của mình mà bằng ngôn từ của thánh kinh hiền truyện, khiến cho văn chương cử tử trở nên khuôn sáo và trống rỗng, những người đi học chỉ biết “nhai lại bã mía của tiền Nho” không có sáng tạo trong cách diễn đạt, trong các chủ đề đề cập (nếu có chỉ có thể viết sách thuốc, viết truyện ký…)… thì giờ đây lối văn bát cổ bị lên án và lại bị chính những đại diện có uy quyền nhất của văn chương cử tử phê phán - những Tiến sĩ… những Phó bảng… những tay cự phách về văn chương khoa cử… Hán văn thời này không chỉ giới hạn mình trong kinh truyện mà còn là ngôn ngữ viết các loại sách giáo khoa khác như luân lý, cách trí… Do vậy chức năng nhận thức của Hán văn lại mở rộng hơn.

Sự thay đổi về chức năng trên đây đã dẫn đến những thay đổi to lớn về phương diện cấu trúc của Hán văn đầu thế kỷ. Do chức năng phổ biến của mình, Hán văn Việt Nam đã bước vào thể nghiệm ở một số thể loại và phong cách mà trước đó chưa hề có. Đó là Hán văn trong công báo, thông tư, (phong cách báo chí), tức là các phong cách chính luận, tuyên truyền. Đã xuất hiện rất nhiều tờ báo viết bằng chữ Hán như Đồng văn nhật báo, chẳng hạn.

Đồng văn nhật báo vốn là tờ báo của chính quyền thực dân, nó chỉ là tờ công báo. Trên báo chúng ta chủ yếu thấy công bố việc bổ nhiệm, thuyên chuyển quan lại, các nghị định, thông tư… Mục tuyển văn thì nói chung là nghèo nàn. Mục tin tức thì chủ yếu là đưa lại (tin trong đó không ít tin báo đưa lại trên cơ sở tin của các báo chí Thượng Hải… Xét về giá trị văn học và báo chí thực, Đại Nam Đồng văn nhật báo rất bị hạn chế. Song điều quan trọng đây là tờ báo xuất hiện vào thập niên cuối cùng của thế kỷ XIX, có nó số lượng độc giả rộng rãi hơn nhiều so với độc giả của những thi phẩm bình thường vốn có của truyền thống. Phong cách ngôn ngữ của Đại Nam Đông văn nhật báo là phong cách công văn… một phong cách chủ yếu chỉ có câu đơn, lối diễn đạt tránh hiểu hai nghĩa… Ở Việt Nam chúng ta không có những báo chữ Hán trong giai đoạn này đã đóng vai trò nào đó trong việc làm đổi mới phong cách của ngôn ngữ viết - chữ Hán.

Do chức năng nhận thức quy định, Hán văn thời này định về cơ bản viết theo lối văn ngôn mà lối văn ngôn này khác với văn ngôn của các giai đoạn trước đó. Sự khác biệt của văn ngôn giai đoạn này so với các giai đoạn trước đó, có thể được nhìn thấy trong các loại văn thể khác nhau. Trước hết, chúng ta hãy kể đến văn chương cử tử. Tuy lối văn chương này, nói chung, là kiểu trả bài thi, lời nói trống rỗng, khuôn mẫu, song, trước những biến đổi của thời cuộc và do ảnh hưởng của các cuộc cải cách chế độ học hành, dư luận nhìn chung đã thấy rằng văn chương khoa cử những khoa thi đầu thế kỷ XX đã khác nhiều so với văn chương trước đó… Môn thi chữ Nho chủ yếu là hai môn Luận và Sách. Đề tài của hai môn này chủ yếu lấy từ các vấn đề thời vụ… Do đó kéo theo cách trình bày vấn đề thời vụ liên quan đến cuộc khai thác thuộc địa phải khác các vấn đề theo kinh truyện… Thế là có dịp người ta tung ra thị trường một loạt sách làm bài mẫu (tựa như sách luyện thi). Những từ tân thức, tân tuyển, tân thức, luận thể, tân văn,… luôn luôn được dùng làm định ngữ cho các bộ sách luyện thi mới này. Có thể kể ra ở đây một số quyển như sau:

Luận thể tân truyện (A.1489) do nhà Tụ Văn đường in năm Duy Tân thứ 5 (1911).

Luận thể tân truyện (VHv.1489) do nhà văn Mỹ Văn đường in năm Duy Tân thứ 5 (1911).

Sách văn tân thức (VHv 965/1) in năm Duy Tân, Tân Hợi (1911).

Sách học tân tuyển (VHv 712/1-2/ in năm Duy Tân, Kỷ Dậu (1909).

Tân thức ở đây được hiểu là những bài làm theo lối mới mà đề tài chủ yếu đề cập đến các vấn đề thời sự như về kỹ nghệ, canh nông, du học, lý tài… Ngôn từ do vậy phải mới, ít dùng những lời “Tử viết, Thi vân…”. Tất nhiên do lối văn cử tử quy định, khi vắng những từ “Tử viết, Thi vân thì lại xuất hiện những lối nói mới làm đẹp lòng các quan Công sứ, Thống sứ, Toàn quyền…

Cấu trúc các nhóm văn bản Hán văn cũng thay đổi khác hoàn toàn trước đó. Nếu như trước đây sách giáo khoa chỉ giới hạn ở Tứ thư, Ngũ kinh với các lời chữ số của Tống Nho thì bây giờ Hán văn được sử dụng làm ngôn ngữ viết sách giáo khoa các lĩnh vuẹc đời sống xã hội như luân lý, cách trí, sử…

Hán văn giai đoạn này không có những bộ loại thư loại lớn (ngoại trừ các bộ sử và các bộ địa dư chí…). Có thể được giải thích bằng tình hình đầy biến động và sự thay đổi của tinh thần học thuật đầu thế kỷ. Nếu trước tác theo học thuật truyền thống thì không hợp với tinh thần của thời cuộc. Dễ hiểu, Hán văn thời kỳ này thiếu vắng những loại bộ thư lớn, những bộ khảo cứu trường thiên…

Hán văn thời kỳ này bị thời đại chi phối, do vậy được viết ra trong tinh thần đả đảo văn khoa cử, đả đảo lối viết văn tối tăm không đề cập đến những vấn đề thời cuộc… Trong số các tác giả lớn của văn học cách mạng đầu thế kỷ XX ta thấy dường như đa số họ là những người đã qua vòng khoa cử nhưng ai cũng ghét khoa cử. Khoa cử tựa như ách cường quyền thực dân:

Vạn dân nô lệ cường quyền hạ.

Bát cổ văn chương tuý mộng trung.

(Phan Châu Trinh)

Họ thấy mình có nhiệm vụ phải thức tỉnh mọi người… Trong điều kiện con số người biết chữ Hán những năm đầu thế kỷ XX không phải là lớn so với toàn bộ nhân dân, do vậy, họ chủ yếu sử dụng chữ Hán, tập trung vào khơi gợi những người có học. Còn những người không biết chữ họ quay sang sáng tác bằng Nôm cho dễ truyền miệng, một con đường truyền thống của văn học viết bằng chữ Nôm khi xưa…

4. Vai trò chiếc cầu nối giữa truyền thống và hiện đại của ngôn ngữ văn học Hán – Nôm

Một trong những điều dễ thấy của Hán văn giai đoạn này là sự xuất hiện của các từ biểu thị các khái niệm mới theo kiểu quá độ. Các vấn đề được tập trung nói đến lại là các vấn đề mà trước đây trong kinh truyện không thể có được như về đường sắt, điện, về thực nghiệp, về công thương… và phần lớn các vấn đề đó vào lúc ấy không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà là vấn đề của các nước Châu Á.. Họ học tập cách diễn đạt của các đại diện Trung Quốc thời cận đại như Lương Khải Siêu, Nghiêm Phục… Những vấn đề có tính chất khu vực và thời đại như vậy đã tạo nên tinh thần Đông học của cả khu vực. Do thế họ có cách nói của các nhà Tân thư, ngôn ngữ của họ đã được đổi mới, khác xa ngôn ngữ của nhà Nho cử tử khi xưa… Tác phẩm của họ viết ra không đòi hỏi phải có trình độ Hán học quá cao vì ít tầm chương trích cú… Họ viết tự nhiên, ít dùng điển cố (nếu buộc phải dùng thì có mức độ và được dùng rất đắt)…

Cần phải nói rằng mức độ ảnh hướng Tân thư và phong cách viết mới (Tân văn thể) ở Hán văn Việt Nam là rất rõ. Có thể dẫn ra trường hợp ở các văn bản Văn minh tân học sách và Quốc dân độc bản có một loạt trường hợp các tác giả đã dùng cách dịch thuật ngữ theo Lương Khải Siêu. Chẳng hạn như chữ “chủ nghĩa” ở cả hai văn bản trên dùng với nghĩa là “nghĩa chính”. Khái niệm kinh tế hiện nay lại được dùng theo thuật ngữ của Lương Khải Siêu là kế học (khoa học tính toán). Bởi thế, có cở sở để nói rằng ngôn ngữ các nhà Nho đã đổi mới nhưng sự đổi mới ấy chịu ảnh hưởng của Tân văn thể - phong cách viết của Lương Khải Siêu và báo chương khu vực viết bằng chữ Hán.

Số lượng văn bản Hán văn Việt Nam của giai đoạn những năm đầu thế kỷ XX không phải là quá nhiều, nhưng xét về mặt chức năng và cấu trúc ngôn ngữ ta thấy đó là một loại các văn bản được viết theo một ngôn ngữ mới, khác hẳn với ngôn ngữ được dùng ở các giai đoạn trước đó. Đó là lối viết của thời cận đại.

Nếu ta thấy vốn từ và thuật ngữ hiện đại đi vào tiếng Hán và các ngôn ngữ khác như tiếng Nhật ở những năm cuối thê kỷ XIX đầu thế kỷ XX phải dựa vào các bối cảnh lịch sử cụ thể lúc bấy giờ, phải vào qua con đuờng “bình cũ rượu mới”… để cho những người sử dụng chấp nhận và quen dần (chẳng hạn một loạt các thuật ngữ chính trị, khoa học… đều được xây dựng trên cơ sở các căn tố, các từ có trong các kinh điển cổ…), và bản thân hệ thống thuật ngữ này cũng đang ở giai đoạn vận động để đi đến định hình, thì tình hình này cũng thể hiện trong các văn bản Hán văn Việt Nam. Như trên đây chúng tôi đã đề cập đến một số thuật ngữ tương đương với các thuật ngữ của các nước Châu Âu được sử dụng trong tiếng Hán giai đoạn cận đại và các văn bản Hán văn Việt Nam đầu thế kỷ XX mang tính chất chuyển tiếp… ít nhiều có gắn với lịch sử, chưa ổn định, có nhiều nét khác với hệ thống thuật ngữ hiện đại. Chẳng hạn như để diễn đạt khái niệm economy người ta đã phải dùng nhiều thuật ngữ khác nhau và sau đó người ta đã dùng thuật ngữ do người Nhật đặt là kinh tế và vỏ ngôn ngữ (và cả nội dung) của thuật ngữ này được dùng cho đến tận ngày nay. Song, ngay khi đã dùng thuật ngữ kinh tế rồi, nhiều nhà Nho vẫn hiểu nó theo cách hiểu truyền thống mà trong đó kinh tế có nghĩa là “kinh thế tế dân”, “kinh bang tế thế”… chữ không hiểu ngang với nội dung hiện đại. Phải mất một giai đoạn các thuật ngữ có nội dung hiện đại mới được những người biết chữ Nho hiểu đúng. Tuy có tình hình trên, song qua đó, ta cũng thấy rằng: Hán văn thời kỳ cận đại, trong những chừng mực nhất định – qua hệ thống vốn từ, thuật ngữ của mình đã góp phần rất đắc lực để làm cái cầu trung chuyển cho học thuật từ truyền thống đến hiện đại. Không có nó, chắc hẳn việc xây dựng hệ thống thuật ngữ hiện đại (viết bằng chữ Quốc ngữ sau này) sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn…

Khi nhận xét về ngôn ngữ văn học của văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX, cố giáo sư Đặng Thai Mai có viết: “Văn học chữ Hán không phải là văn học của đại chúng nhân dân nước ta” (Đặng Thai Mai, Tr.198). Ngay cả văn Nôm cũng có nét thiếu tính đại chúng “Một ấn tượng không được thoải mái cho lắm trong khi ta đọc một số văn Nôm của thời đại này là: với các nội dung mới của nó, thơ ca các nhà chiến sĩ cách mạng vẫn chưa thể nói là hợp với khẩu vị của đại chúng được. Phần lớn các bài văn thơ viết theo thể loại nhà trường… vẫn quá nhiều những ám thị, tượng trưng, những biểu tượng quá uyên bác và mới. Tư liệu văn học lại đã quá xa lạ với thời đại rồi. Tư liệu mới lẽ ra gần với bạn đọc hơn. Khốn một nỗi là trên trình độ học thức phổ thông thời này, bao nhiêu danh từ “tân thư” từ tên đất, tên người cho đến các khái niệm khoa học – khoa học tự nhiên và nhất là khoa học xã hội đều phải vay mượn từ chữ Hán để đưa về vận dụng vào tiếng Việt. Thành ra nội dung của bấy nhiêu thực tế đối với con người thông thường lắm lúc có phần lạ tai, lạ mắt quá! Tình trạng này có phần trách nhiệm của thời đại: trí thức của người bạn đọc Việt Nam về các phạm trù khoa học đang đình đốn lại trên một trình độ quá lạc hậu” (Đặng Thai Mai, tr.199).

Nhận xét của cố giáo sư Đặng Thai Mai thật là đúng với tình hình ngôn ngữ Hán và Nôm giai đoạn này. Ngôn ngữ học viết bằng chữ Hán và chữ Nôm đã tự bộc lộ những hạn chế của mình trong điều kiện những năm đầu thế kỷ. Những hạn chế, nhược điểm của ngôn ngữ văn học chữ Hán và chữ Nôm trên đây cũng là hạn chế của ngôn ngữ văn học chữ Hán nói chung. Hán văn, tự nó là ngôn ngữ vay mượn, ngoại lai thì rõ ràng không bao giờ có thể là ngôn ngữ đại chúng được. Ngôn ngữ văn học dân tộc viết bằng chữ Nôm cũng không thể tránh khỏi tình hình phát triển thấp kém của đời sống của dân trí nói chung. Tuy có những nhược điểm như vậy, song ngôn ngữ văn học Hán – Nôm giai đoạn những năm đầu thế kỷ XX quả là một bộ phận trong phức thể của các ngôn ngữ văn học của buổi giao thời. Do vậy, trong những chừng mực nhất định, chúng mang những đặc điểm của buổi giao thời.

Văn học truyền thống cũng viết bằng chữ Hán nhưng ngôn ngữ văn học này về căn bản dựa vào ngôn ngữ truyền thống. Ngôn ngữ văn học này dựa vào tiếng Hán, và sau đó, dựa vào những thành tựu cải tiến ngôn ngữ viết – văn ngôn thời Đường - Tống.

Đến những năm cuối thế kỷ XIX (và nhất là những năm đầu thế kỷ XX) tình hình cuộc sống khác hẳn đã khiến cho ngôn ngữ văn học – văn xuôi ở ngay Trung Quốc cũng phải biến đổi để chuyển thành Tân văn thể. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đều thống nhất cho rằng giai đoạn Tân văn thể là giai đoạn quá độ - là bước chuyển của văn học Trung Quốc từ truyền thống sang hiện đại (Lương Quang Khánh, 1996). Văn học Trung Quốc và ngôn ngữ văn học giai đoạn những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã làm nhiệm vụ của giai đoạn quá độ, để rồi với Ngũ Tứ vận động, một ngữ văn học mới - bạch thoại được xác lập thay thế văn ngôn. Như vậy, sự cải biến trong cách viết do Tân văn thể đã đặt tiền đề, là bước quá độ cho cuộc tiến hóa về ngôn ngữ viết ở Trung Quốc.

Còn ở Việt Nam, như trên đây đã trình bày, tình hình có phần phức tạp hơn nhiều, bởi văn ngôn là ngôn ngữ ngoại lại. Văn Nôm ở những cuối thế kỷ XVIII – cho đến đầu thế kỷ XX chủ yếu vẫn là ngôn ngữ của vận văn. Văn xuôi bằng ngôn ngữ dân tộc viết bằng chữ Nôm quả là ít ỏi. Những thay đổi trong chính sách thi cử đầu thế kỷ XX đã làm cho người ta chú ý đến viết luận trong thi cử bằng chữ Quốc ngữ. Cách viết luận này tuy xuất hiện một cách muộn mằn, nhưng dù sao, cũng đã góp phần tạo cho cả xã hội (trước hết là tầng lớp sĩ tử) chú ý đến việc rèn dũa tiếng mẹ đẻ… ở dạng rất cao cấp, nghiêm túc: viết luận. Tiếng Việt, do thế không chỉ là ngôn ngữ của sự “mua vui, giải trí, viết chơi” như trước nữa, mà nó được tập dượt trong phong cách chính luận, một vị trí mà không phải dễ dàng giành được.

Ngôn ngữ văn học chữ Hán thời này đã góp phần của mình để thúc đẩy cho thể luận của văn tiếng Việt tiến lên. Điều này thể hiện ở nhiều phương diện, chẳng hạn như Hán văn thời kỳ này là nguồn cung cấp từ vựng cho tiếng Việt. Những từ ngữ, thuật ngữ mới lấy từ Hán văn sẽ là nguồn cung cấp từ vựng chủ yếu cho tiếng Việt, nhất là ở phong cách chính luận. Không ít những người viết bằng chữ Hán lại là những người tích cực hô hào sử dụng tiếng Việt trong giáo dục, tỏng sáng tác, hô hào mọi người sử dụng chữ Quốc ngữ. Thực tế vận động sử dụng Hán văn giai đoạn này sẽ là nguồn cổ động cho công cuộc xây dựng ngôn ngữ văn học dân tộc viết bằng chữ Quốc ngữ… Khỏi phải nhắc lại vai trò của tác giả lớn trong giai đoạn này trong việc hạ bệ văn chương khoa cử… cổ vũ tân học… ta cũng thấy vai trò chuẩn bị, quá độ của ngôn ngữ ngữ văn học viết bằng chữ Hán, chữ Nôm.

Sự tăng tiến quá nhanh của các thuật ngữ khoa học cũng như nhân danh, địa danh từ các ngôn ngữ Châu Âu (nhất là của các ngành khoa học xã hội) ở giai đoạn này quả là gánh nặng quá tải cho một ngôn ngữ văn học viết bằng chữ Nôm. Thật khó bằng chữ Nôm mà dịch và phiên đúng âm đọc của một loạt nhân danh, địa danh, thuật ngữ khoa học… có nguồn gốc Âu Châu. Nếu cứ dùng chữ Nôm thì những yêu cầu trên không thể hiện thực một cách thỏa đáng được. Nhưng, phải thừa nhận rằng sáng tác bằng chữ Nôm ở giai đoạn này vẫn còn có sức sống của mình, song nếu cứ dùng nó trong khi đã có phương án lựa chọn khác - chữ Quốc ngữ thì thật là không hợp thời và hợp lôgic của lịch sử nữa… Xét về một phương diện nào đó - chữ Nôm trong điều kiện mới đã đóng vai trò làm cái nền, cái phồng mà qua đó xã hội nhận thấy sự tiện lợi của việc sử dụng Quốc ngữ. Do vậy, nó đã đóng vai trò bước chuẩn bị cho việc chiến thắng của Quốc ngữ vào các năm 20 của thế kỷ này.

Để kết thúc bài viết này, chúng tôi một lần nữa khẳng định vai trò của ngôn ngữ văn học viết bằng chữ Hán và ngôn ngữ văn học viết bằng chữ Nôm giai đoạn đầu thế kỷ XX đối với quá trình tiến hóa của ngôn ngữ văn học Việt Nam và văn học Việt Nam. Xét theo nhiều khía cạnh và ở những mức độ nhất định, hai ngôn ngữ văn học có tính chất truyền thống này, trong những năm đầu thế kỷ XX đã biến đổi về cấu trúc và chức năng, chuẩn bị những tiền đề quan trọng (và tự chúng là bước quá độ) cho sự tiến hóa của ngôn ngữ văn học Việt Nam từ truyền thống sang hiện đại.

Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu tuy không giống các sĩ phu yêu nước đầu thế kỷ XX (ông có sáng tác đầu tay in vào những năm đầu của thập kỷ thứ hai của thế kỷ XX) được mọi người của phong trào Thơ Mới coi như là người của sự giao thời, là dấu nối của hai thế hệ. Tản Đà như ông đã từng tự nhận mình:

Chữ nghĩa Tây Tàu trót dở dang

Nôm na phú nghiệp kiếm ăn xoàng…

Nếu xét trong tiến trình hiện đại của văn học Việt Nam, Tản Đà như một gạch nối giữa truyền thống và hiện đại. Điều đó đã được cả thời đại, cả thế hệ những người tiếp theo ông thừa nhận và tôn vinh, cùng chiêu anh hồn ông về để chứng tỏ rằng họ (thế hệ các nhà thơ mới) không phải là đứa con không có quan hệ gì với dân tộc, giống nòi. Nhưng Tản Đà lại là một người có quan hệ rất chặt chẽ với văn học truyền thống. Tản Đà chịu ảnh hưởng nặng của giáo dục truyền thống. Ông cũng là một trong những người tích cực nhất trong việc chuyển những giá trị của truyền thống sang hiện đại (chẳng hạn ở phương diện dịch thuật…). Vai trò ấy của Tản Đà ắt hẳn có quan hệ với văn học Hán – Nôm đầu thế kỷ và được dựa trên cơ sở của ngôn ngữ văn học Hán Nôm giai đoạn này.

Chúng ta không phải chờ đợi lâu đến vài thế kỷ mới có những thành tựu của nền văn học hiện đại. Chưa đến hai mươi năm sau khi chữ Hán bị loại khỏi phạm vi là ngôn ngữ trong giáo dục chúng ta đã chứng kiến những thành công lớn lao trong văn học Việt Nam như Thơ Mới, Tự Lực Văn Đoàn… Sự thành công ấy không thể nảy sinh trên cánh đồng hoang mà đó là sự nảy mầm, ra hoa, kết trái trên một vùng đất có sự chuẩn bị trước. Nền văn học dân tộc phát triển nhờ chính vào nội lực của mình từ nhiều phương diện. Về phần này cần phải nhận ra rằng ngôn ngữ của văn học Hán – Nôm đầu thế kỷ đã phần nào đóng vai trò làm cái cầu cho bước chuyển từ truyền thống sang hiện đại.

Nền văn học Việt Nam hiện đại xét về mặt ngôn ngữ là một nền văn học có ngôn ngữ viết trực tiếp dựa trên cơ sở của ngôn ngữ nói, của ngôn ngữ thông dụng… Cái ngôn ngữ thông dụng này được sử dụng trong mọi thể loại và phong cách viết. Nó đã khắc phục được các nhược điểm căn bản của văn học trung đại khi sử dụng ngôn ngữ - văn tự nước ngoài (Hán văn) và sử dụng Quốc ngữ (chữ Nôm) nhưng ở dạng không đầy đủ… Ngôn ngữ văn học Việt Nam hiện đại không thể có những bước nhảy vọt nếu như không có sự đóng góp của ngôn ngữ văn học truyền thống, trong đó trước hết phải kể đến ngôn ngữ văn học Hán – Nôm trong những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN

1. Trần Đình Hượu – Lê Chí Dũng

Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900-1930

NXB Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp. H.1988.

2. Chu Quang Khánh

Hán ngữ dữ Trung Quốc tân văn hóa khải mông.

Đông Thổ đồ thư công ty. Đài Bắc.1996

3. Phạm Văn Khoái

Hai cuộc cải cách văn ngôn lớn trong lịch sử Trung Quốc.

Tạp chí Hán – Nôm số 4.1996.

4. Phạm Văn Khoái

Tân văn thể và sự ảnh hưởng của nó với ngôn ngữ văn học Việt Nam. Trong tập. Tân thư và xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. NXB Chính trị Quốc gia. H.199.

5. Phạm Văn Khoái

Nét truyền thống và hiện qua tên gọi CHỮ QUỐC NGỮ

Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống. Số 2. 1977.

6. Phạm Văn Khoái

Một vài vấn đề về sách giáo khoa dạy chữ Hán trong kho sách Hán – Nôm. Trong tập Thông báo Hán – Nôm 1995.

NXB BKHXH.1996.

7. Nguyễn Hiến Lê

Đại cương văn học sử Trung Quốc.

NXB. Trẻ.1997.

8. Trần Nghĩa (chủ biên)

Di sản Hán – Nôm thư mục đề yếu.

NXB. Khoa học xã hội. H.1993.

9. Đặng Thai Mai

Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX.

NXB Văn học. H.1971.

10. Trần Văn Giàu. Đinh Xuân Lâm. Nguyễn Văn Sự.

Lịch sử cận đại Việt Nam. Tập 3.

NXB Giáo dục. Hà Nội. 1961.

11. Trần Văn Giàu

Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ 19 đến cách mạng tháng 8 – 1945. Tập II.

NXB. BKHXH.H.1975.

12. Chương Thâu

Đông Kinh nghĩa thục và phong trào cải cách văn hóa đầu thế kỷ XX. NXB Hà Nội. 1982.

13. Chương Thâu. Triêu Dương. Nguyễn Đình Chú

Hợp tuyển thơ văn yêu nước và cách mạng đầu thế kỷ XX (1900-1930). NXB Văn học. H.1997.

14. Nguyễn Đăng Tiến (chủ biên)

Lịch sử giáo dục Việt Nam (trước cách mạng tháng 8 – 1945).

NXB Giáo dục. 1996.

15. Tú Xương thơ và đời (Lữ Huy Nguyên tuyển chọn và biên soạn).

NXB Văn học. H.1997.

16. M.V. Sophronov

Tiếng Trung Quốc và xã hội Trung Quốc (tiếng Nga).

NXB Khoa học. M.1979.

17. Nghiên cứu lịch sử. 5 – 1967.

 

Phạm Văn Khoái

Đại học KHXH và Nhân văn Hà Nội

Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 1997, tr.259-291, phiên bản trực tuyến ngày 03.10.2007.

Thông tin truy cập

63695917
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
16209
23426
63695917

Thành viên trực tuyến

Đang có 366 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website