Về ba bản kinh giáng bút tiêu biểu trong phong trào Thiện đàn đầu thế kỷ XX

20200711 8

Ảnh: Một buổi cầu tiên giáng bút ngày trước ở đền Bích Câu. (Nguồn: http://vnca.cand.com.vn/)

Vào thời điểm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khi thực dân Pháp tiến hành xâm lược, khai thác thuộc địa, vơ vét của cải, tài nguyên, ra sức đàn áp phong trào đấu tranh của dân tộc ta, thuần phong mỹ tục, giá trị cương thường của ta theo đó ít nhiều đã bị ảnh hưởng, đảo lộn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến một bộ phận nhà Nho có lòng yêu nước bất đắc chí về quê mở trường dạy học hoặc dựng Thiện đàn để mong làm được điều gì đó cho dân tộc ta. Trong bối cảnh xã hội ấy, một phong trào yêu nước dấy lên ở nhiều nơi trong cả nước như: Nam Định, Vĩnh Yên, Bắc Ninh, Sơn Tây, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ… có tên gọi là Thiện đàn.

Thiện đàn trong suốt quá trình tồn tại và phát triển với những tên gọi khác nhau như: Chính Tâm đàn, Lạc Đạo đàn, Hội Thiện đồng, Phổ Thiện đường, Khuyến Thiện đàn, Thất Diệu đàn… được thiết lập bởi một nhóm người đứng lên. Thành phần tham gia bao gồm nhiều tầng lớp từ thân hào, nông dân cho đến các tầng lớp nho sĩ, trí thức. Tất cả tham gia cuộc giáng bút đều có chung một mục đích đó chính là thông qua việc tổ chức Thiện đàn, cầu cơ, giáng bút nhằm tiếp tục tuyên truyền những tư tưởng ái quốc; khuyến thiện, phục dựng đạo lý luân thường đang bị đảo lộn; gắn chặt tinh thần đoàn kết dân tộc… Phong trào này mỗi lúc một rầm rộ ở Bắc kỳ cho đến vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh cũng như tầm ảnh hưởng của nội dung các bản kinh giáng bút qua phong trào Thiện đàn đã khiến thực dân Pháp thời kỳ này bắt đầu bất an.

Nhằm phục vụ nhiều tầng lớp, thế nên ngôn ngữ trong kinh giáng bút theo đó được sử dụng chủ yếu là Quốc âm, Nam âm. Tuy nhiên cũng không loại trừ một số tác phẩm có sử dụng xen kẽ Quốc âm và Hán tự. Đặc biệt, ẩn sau hoạt động tín ngưỡng - phong trào Thiện đàn này chính là lòng yêu nước, đoàn kết dân tộc trước thời khắc kẻ địch đang đặt “đế giầy” xâm lược lên nước ta. Theo thống kê của Nguyễn Xuân Diện, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, hiện Viện Nghiên cứu Hán Nôm đang lưu giữ 166 bản kinh giáng bút có niên đại vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX và tinh thần yêu nước quật cường là một trong những nội dung xuyên suốt trong các áng thơ, văn kinh giáng bút ở vào thời đoạn này.

Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu qua về 3 bản kinh giáng bút tiêu biểu của phong trào Thiện đàn trong giai đoạn trên, đó là bản Tăng quảng Minh Thiện quốc âm chân kinh 曾廣明善國音真經(1904); Tam bảo quốc âm chân kinh 三宝國音真經(1906) và Hồi xuân Nam âm chân kinh 回春南音真經(1910).

I. Giới thiệu và mô tả ba bản kinh đại diện

1. Tăng quảng Minh Thiện quốc âm chân kinh (1904) 曾廣明善國音真經

Văn bản Tăng quảng Minh Thiện quốc âm chân kinh 曾廣明善國音真經 được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu AB.143. Văn bản này có kích thước 27x15cm và dày 228 trang. Toàn bộ nội dung của văn bản được in trên nền giấy dó mỏng loại tốt. Sách còn khá đẹp, bìa cứng được gập đôi, đã rách gáy tuy nhiên nó được khâu bằng chỉ thừng tương đối chắc chắn. Ngay tờ đầu tiên, tên sách được nhà chế bản cho in bằng nét mực đen. Năm tờ kế tiếp được sử dụng mực đỏ để làm nổi lên hình ảnh 4 bức ảnh của Quan Âm 觀音 và Thánh Mẫu 聖母 khá đẹp. Những trang còn lại của văn bản thì đều sử dụng một màu mực đen bình thường.

+ Mặt 1 của văn bản được trang trí hoa văn với con chim phượng đang uốn lượn ngậm phong thư. Xung quanh là đám mây uốn lượn.

  • Thân giữa có đề dòng chữ Tăng quảng Minh Thiện quốc âm chân kinh 曾廣明善國音真經

+ Mặt 2 được chia làm 3 ô:

  • Ô giữa đề: Hoàng triều Thành Thái Giáp Thìn niên tứ nguyệt vọng trùng san 皇朝成泰甲辰年四月望重刊 [Trùng san vào ngày rằm tháng 4 năm Giáp Thìn niên hiệu Thành Thái].
  • Ô phải đề: Nam Định Đồng Lạc Khuyến Thiện đàn tàng nguyên bản 南定同樂勸善壇藏原本[Nguyên bản lưu giữ tại đàn Khuyến Thiện, Đồng Lạc, tỉnh Nam Định].
  • Ô trái đề: Mộc ân tín nữ Phan thị cẩn phụng thuyên khắc 沐恩信女潘氏謹奉鐫刻 [Tín nữ họ Phan đội ơn kính cẩn phụng khắc].

Kế đó là 4 bức tranh Quán Thế Âm Bồ Tát 觀世音菩薩, Vân Hương đệ nhất Thánh Mẫu 雲鄉第一聖母, đệ nhị Thánh Mẫu第二聖母, đệ tam Thánh Mẫu 第三聖母.

Văn bản Tăng quảng Minh Thiện quốc âm chân kinh 曾廣明善國音真經 đã được biên tập vào năm Canh Tý niên hiệu Thành Thái (tức năm 1900) do các tín chủ phụng san. Đó là tập hợp thi văn giáng bút của Đệ nhất công chúa Liễu Hạnh cũng như của Đệ nhị, Đệ tam Thánh Mẫu, khuyên mọi người lấy thiện làm gốc, vợ kính chồng, trẻ giúp già, con kính thờ cha mẹ, em tôn trọng anh, trong nhà ngoài làng phải đối xử theo đúng đạo lý. Bản kinh được đàn Khuyến thiện Đồng Lạc (Nam Định) in, dày 144 trang. Bản kinh Minh Thiện này hiện đang được lưu giữ tại Pháp mà theo Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu, có ghi ký hiệu là Paris SA.PD 2343. Còn văn bản mà Viện Nghiên cứu Hán Nôm đang giữ là bộ kinh Minh Thiện 明善 đã được tăng quảng, có ký hiệu AB.143, có niên đại Hoàng triều Thành Thái Giáp Thìn niên tứ nguyệt vọng trùng san 皇朝成泰甲辰年四月望重刊[Trùng san vào ngày rằm tháng tư năm Giáp Thìn niên hiệu Thành Thái triều ta (1904)] cũng do đàn Khuyến thiện Đồng Lạc (Nam Định) in nhưng độ dày lên tới 228 tr.

2. Tam bảo quốc âm chân kinh (1906) 國音真經

Văn bản Tam bảo quốc âm chân kinh 三宝國音真經hiện đang được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu VNv.529. Văn bản gồm 72 tờ, in hai mặt khổ 28x16cm. Mỗi trang gồm 7 dòng, mỗi dòng có 221 chữ xuất hiện. Qua thống kê thủ công bằng phương pháp đếm thấy được trong văn bản xuất hiện 21.462 lượt chữ. Toàn bộ chữ được khắc in theo lối chân phương khá rõ nét.

Ở trang bìa của văn bản được chia làm 3 ô rõ rệt:

  • Ô giữa đề: Tam bảo quốc âm 三宝國音真經
  • Ô bên phải đề: Thành Thái, Bính Ngọ niên, trọng đông, thượng hoán tân thuyên 成泰丙午年仲冬上浣新鐫 [San khắc mới vào tiết Thượng nguyên (thượng tuần) tháng trọng đông (tháng một) năm Bính Ngọ niên hiệu Thành Thái (1906)].
  • Ô bên trái đề: Đông Đồ xã Thiên Hoa đường tàng bản 東塗社天花堂藏板[Bản cất giữ ở Thiên Hoa đường, xã Đông Đồ (nay thuộc huyện Đông Anh - Hà Nội)].

Văn bản Tam bảo quốc âm chân kinh 三宝國音真經 không có kết cấu các chương mục một cách rõ ràng. Nó được thể hiện theo lối chữ viết có kiêng húy và viết đài. Điều này được thể hiện ở chữ kiêng húy thời 時 thành thìn Và tên của các quần chân giáng bút đều được viết cao hơn so với những chữ thể hiện nội dung thông thường khác. Ngay tại lời TựaTam Cung thánh cứu, Tam Chúa tiên thương 三宮聖救, 三主仙愴để có mừng nay Tam bảo nên kinh, lời in cẩm tú, rót trước tam tào yêu chỉ, thể rõ chương tương 明呢三宝年經唎印錦繡,捽著三曹腰只,体爐章襄… rồi đến Tam giáo dạy khuyên đà thống thiết 三教?勸它痛設đã cho thấy phần nào hoàn cảnh ra đời cũng như mục đích của văn bản Tam bảo quốc âm chân kinh 三宝國音真經Và sau khi đã khái lược qua nội dung và ý nghĩa cơ bản của kinh, Tam bảo quốc âm chân kinh 三宝國音真經 đề cập ngay đến quần chân giáng bút.

3. Hồi xuân Nam âm chân kinh (1910) 回春南音真經

Là một bộ kinh giáng bút tàng bản tại đàn Phổ Thiện đường, xã Xuân Kỳ huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên (nay là xã Đông Xuân huyện Sóc Sơn thành phố Hà Nội). Hồi xuân Nam âm chân kinh 回春南音真經 gồm “nội tập” và “ngoại tập”. Nội tập của bộ kinh này hiện nay còn được ông Đào Văn Cốt lưu giữ ở dạng ván khắc (không đủ cả bộ) tại Phổ Thiện đường trên khuôn viên mảnh đất nhà ông ở xã Đông Xuân - Sóc Sơn - Hà Nội. Văn bản mà chúng tôi mô tả ở đây là bản “Ngoại tập” hiện đang được lưu giữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu là AB.237, dày 107 trang. Bộ kinh giáng bút này được giáng trước vào ngày tốt tháng ba năm Canh Tuất (1910).

+ Mặt 1: trán được trang trí họa tiết hoa văn (giống hình thức trang trí của một tấm bia), bên dưới trán là hình chữ nhật chia làm 3 ô. Ở giữa có dòng chữ Hồi xuân Nam âm chân kinh 回春南音真經. Ở 2 bên có in hình con rồng đang uốn lượn. Bốn góc của hình chữ nhật là biểu tượng 4 bông hoa giống nhau.

+ Mặt 2: trán có hình hoa văn giống như mặt 1, phía bên dưới cũng là hình chữ nhật và được chia làm 3 ô.

  • Ô bên phải đề dòng chữ Phúc Yên, Kim Anh, Xuân Kỳ 福安金英春棋 [Xuân Kỳ, huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên].
  • Ô giữa đề Canh Tuất niên, tam nguyệt, cát nhật giáng trứ 庚戌年三月吉日降著 [Ngày lành, tháng ba năm Canh Tuất giáng bút].
  • Ô bên trái đề Phổ Thiện đàn tàng bản 普善壇藏板 [Bản lưu trữ tại đàn Phổ Thiện].

Văn bản được chia ra làm hai phần chính:

Phần đầu: Gồm từ trang bìa đến trang (2b). Trong phần này nói đến địa điểm, thời gian và nơi cất giữ văn bản. Đồng thời gồm có một bài tựa do Phật tổ Quán Thế Âm động Hương Sơn giáng 佛祖觀世音洞香山降.

+ Phần thứ hai: Là phần nội dung của văn bản bao gồm các bài thơ ca, phú, dụ, v.v… do các vị tiên nữ liệt thánh giáng bút.

Về niên đại: Được ấn hành vào năm Duy Tân, tức ngày vào ngày lành, tháng 3 năm 1910 (Duy Tân thứ 4).

II. Lược điểm giá trị nội dung, tư tưởng

Dẫu được thể hiện, ra đời trong thời điểm khác nhau, thế nhưng có một điều dễ nhận thấy ở 3 tập kinh giáng bút trong thời kỳ này: Tăng quảng Minh thiện Quốc âm chân kinh (1904), Tam bảo Quốc âm chân kinh (1906) và Hồi xuân Nam âm chân kinh (1910); đó chính là việc, các bản kinh đều ra đời từ trong phong trào Thiện đàn đầu thế kỷ XX. Nội dung của nó không nằm ngoài hệ thống tư tưởng mà phong trào Thiện đàn đã phản ánh. Ba tập kinh đều thể hiện sâu sắc các vấn đề có liên quan đến cuộc vận động ái quốc, chấn hưng văn hóa dân tộc.

1. Thúc giục lòng yêu nước

Trong bối cảnh xã hội thời bấy giờ, khi mà thực dân Pháp tiến hành xâm lược, khai thác thuộc địa, vơ vét của cải, tài nguyên thiên nhiên. Những cuộc đàn áp, đầu độc người dân nước ta bằng rượu cồn, thuốc phiện…đòi hỏi nhân dân phải đứng lên đấu tranh, đoàn kết giành chính quyền. Để rồi quá trình tập hợp lực lượng cũng như định hướng cho phong trào đấu tranh theo đó được hình thành và chú trọng. Ngay từ đầu tập kinh Hồi xuân Nam âm chân kinh 回春南音真經 (1910), đã có những vần thơ giáng bút ám chỉ một xã hội đương thời đang bị lệ thuộc:

Ba núi đá rêu in dấu ngựa,

Bốn sông cát lở lấp mình voi.

Buồn khi thánh thót chim chào khách,

Ngán nỗi vu vơ cóc đớp ruồi

Quán Âm Phật tổ. Thi

(Hồi xuân Nam âm chân kinh)

Hình ảnh “Ba núi đá”, “Bốn sông cát”, đó chính là hình bóng của non sông dân tộc ta, những hình ảnh gắn liền với một nước nông nghiệp với 3/4 diện tích là đồi núi. “ba, bốn” là những con số nhiều, nó ngầm định cho ta hiểu rằng vùng in bóng kẻ thù không phải là một vùng hay hai vùng mà nó là rất nhiều. Sự kết hợp hài hòa giữa số từ “ba”, “bốn” với danh từ “núi đá”, “sông cát” đã làm cho bức tranh “cóc đớp ruồi” thêm sống động hơn.

Rước voi về dày mả

Ai chết mặc ai

Mặc sức nay bàn mai cuộc

Khi cấp nạn chân le chân vịt

Ẩy chó vào bụi rậm

Chú chết mặc chú

Tìm đường cao chạy xa bay

Hoàng Mai Doãn công chúa. Tỉnh mê phú

(Tăng Quảng Minh thiện Quốc âm chân kinh)

2. Khuyên con người ta hướng thiện, yêu thương đùm bọc lẫn nhau

Có thể nói rằng, nội dung tu đức hướng thiện, khuyên con người ta luôn yêu thương đùm bọc lẫn nhau là một trong những giá trị nội dung, tư tưởng xuyên suốt trong các tác phẩm Kinh giáng bút của phong trào Thiện đàn đầu thế kỷ XX.

Lời dụ của Quốc Vương công chúa muốn nói tới việc mọi người phải bớt xa hoa tu tâm tích đức, thành kính thần chẳng xa, thánh chẳng xa. Có như vậy mới tránh được cảnh “hậu táng bại gia”. Tương tự trong lời phú của Hoàng Mai Doãn công chúa (Tăng Quảng Minh thiện Quốc âm chân kinh) cũng nêu rõ về việc không nên ăn gian nói dối, chớ đem lòng gian tham mà hại người. Bởi khi đó gieo nhân nào sẽ gặt quả nấy, ác giả ác báo:

Trời cao đất dầy

Con tạo vần xoay

Ơn trời nhờ thánh

Sinh được hội này

Ai là chẳng nức lòng nức dạ

Ai chẳng mong mở mặt mở mày

Hậu giả hậu lai

Ở hiền lại gặp lành

Mới biết tre già măng mọc

Ác giả ác báo

Ăn mặn thì khát nước

Khác nào cây yếu gió lay

Trong cuộc sống, ta cần nhận thức rõ gia đình là một tế bào của xã hội. Gia đình có ấm no, hạnh phúc, mọi thành viên trong gia đình biết yêu thương đoàn kết với nhau thì mới mong xã hội theo đó phồn vinh, thịnh vượng được. Căn nguyên cũng bởi, con người ta luôn có tổ, có tông, ta phải luôn chú trọng truyền thống “uống nước nhớ nguồn” đã tồn tại từ ngàn đời nay.

Những lời ca, tiếng hát của Quần chân trong 3 tập kinh trên về việc khuyên con người ta phải tu thân, hướng thiện, đùm bọc yêu thương lẫn nhau dẫu được thể hiện dưới những thái cực khác nhau, song nó rất thích hợp với thời thế bấy giờ - thời điểm mà giá trị nhân luân, đạo đức của một bộ phận người dân đang bị lực lượng thù địch đầu độc, phá vỡ bởi tệ nạn xã hội.

3. Vãn hồi đạo cương thường

Để chà đạp lên giá trị đạo đức, nô dịch dân tộc ta, ngay từ những ngày đầu đặt chân xâm lược nước ta, thực dân Pháp, một trong những “vũ khí” được chúng sử dụng triệt để đó chính là văn hóa nô dịch, chúng núp dưới danh chủ nghĩa khai sáng để đồng hóa, biến dân tộc ta trở thành một nước thuộc địa của chúng về mọi mặt. Chúng muốn mọi truyền thống văn hóa tốt đẹp vốn tồn tại từ lâu đời ở ta bị mai một, sớm đảo lộn mọi giá trị, làm băng hoại đạo đức nhân luân.

Những kẻ xâm lược dùng chính sách văn hóa nô dịch đã khiến một bộ phận người sống trong xã hội bị đảo lộn nhân tâm, không còn nhớ đến ơn sinh thành, đạo phụ, phu - tử nữa. Chuyện xằng bậy thì diễn ra ở nhiều nơi:

Rồi trong cuộc sống xuất hiện những hiện tượng như: không giữ chữ trinh nhu, đạo luân thường:

Rằng hiền không phải rằng ngu,

Sao mà chẳng giữ trinh nhu đạo thường.

Thiện môn nay cũng biết đường,

Biết đường con phải biết phương tu trì.

Khuyên con chớ lãng hào ly

Quốc Vương công chúa. Ca. (Tăng quảng Minh thiện Quốc âm chân kinh)

Thậm chí, dù đã môi ấp, gối kề chung sống với nhau gần cả đời người, song một số cá nhân đã không quan tâm những lời phê phán, oán trách rồi tự đắc với cái mác lấy chồng, bỏ mặc chồng đau ốm sưng tấy mà cầu thác đi, thậm chí sau khi người chồng chết liền “bước thêm bước nữa”:

Trước những gì đã và đang tồn tại trong thời cuộc có liên quan đến văn hóa dân tộc, đạo đức nhân cách, lời ca, tứ thơ, dẫn dụ… của các Quần chân đã gióng lên hồi chuông báo động, thức tỉnh những người đang bị đánh mất mình hãy ngoảnh đầu lại, chung tay đoàn kết đẩy lùi kẻ thù.

4. Đề cao vị thế người phụ nữ

Qua 3 tập kinh đại diện trên cho chúng ta thấy đối tượng được nhắc đến trong văn bản chiếm đa phần là phụ nữ. Thánh Mẫu Liễu Hạnh cùng với các vị thần tiên như Đệ nhị Thánh Mẫu, Đệ tam Thánh Mẫu, Đông Ngạc Tiết phụ, Thượng Ngàn công chúa, Tam giang Trương công chúa, Quế Hoa công chúa… đã dốc tâm, đem những lời khuyên, tán dương chân thành mang đậm giá trị nhân văn sâu sắc đối với chị em phụ nữ. Từ thuở xưa, người phụ nữ trong xã hội đều thể hiện rõ thiên chức làm mẹ, làm vợ cao cả của mình. Không có chị em phụ nữ, thế giới sẽ không còn tồn tại. Đây cũng chính là lý do chứng minh vì sao tần suất, lời văn giáng được dành nhiều cho phụ nữ.

Họ luôn thẹn mình không đem được sức ra giúp ích cho dân tộc, đất nước khi mà xung quanh đầy rẫy những bất công rình rập, nô dịch. Nhiều khi họ đã phải thốt lên muốn được đem thân liệt nữ đọ gan anh hùng:

Thẹn mình phấn bạc son phai,

Những người tài sắc ấy trời hay ghen.

Canh khuya chong một ngọn đèn,

Trách mình chịu phận bạc đen thế mà.

Thân bèo bao quản nước xa,

Một thuyền một lái một nhà một sông.

Tam giang Trương công chúa. Ca. (Hồi xuân Nam âm chân kinh)

Có lẽ chính vì thiên chức của người phụ nữ như vậy nên bên cạnh việc đề cao nhân cách, đức tính, nhiều bài giáng toát lên những câu từ, lời văn khuyên nhủ chị em phụ nữ. Ví như, khi người con gái về nhà chồng thì phải luôn coi cha mẹ chồng là cha mẹ của mình, hiếu kính với cha mẹ chồng sao cho phải đạo làm con dâu, không để người đời chê trách.

Những vần thơ, mạch văn khuyên răn, đề cao vị thế của người phụ nữ đã được các vị thần tiên đề cập trên nhiều bình diện. Từ cuộc sống đời thường cho đến ý chí quật khởi muốn cùng đọ gan với anh hùng, đánh đuổi kẻ thù. Chấn hưng văn hóa dân tộc. Đây cũng chính là những lời khuyên răn quý báu có giá trị để lại cho muôn đời sau. Ngoài những nội dung tư tưởng chính ở trên ra, 3 tập kinh trên còn đề cập đến một số lĩnh vực khác như: suy tôn đạo phật, đề cao dân trí, ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên đất nước, diễn đạt về đạo lý gia đình…

Như vậy, với việc nghiên cứu những giá trị về văn bản cũng như nội dung các bản kinh giáng bút trong phong trào Thiện đàn đầu thế kỷ XX, được thể hiện đa phần bằng Quốc âm, sẽ góp phần hiểu rõ hơn về đời sống Quốc văn Nôm Việt Nam ở một thời điểm đặc biệt của lịch sử - thời điểm cho sự giao thời Âu - Á, cho bước chuyển của truyền thống và hiện đại.

ThS. Trần Quang Huy

(Báo Công an nhân dân)

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, số 6 (115). 2012, tr.35-42.

----

Tài liệu tham khảo

[1] Henri Maspero: Đạo giáo và các tôn giáo Trung Quốc, Lê Diên dịch, Nxb. KHXH, H. 2000, 834 tr.

[2] Kinh Đạo Nam - Thơ văn giáng bút của Vân Hương đệ nhất thánh mẫu (Liễu Hạnh) và các vị thánh nữ. Đào Duy Anh khảo chứng, Nguyễn Thị Thanh Xuân phiên âm và chú thích, Nxb. Lao động, H. 2007, 390 tr.

[3] Đào Duy Anh: Nhớ nghĩ chiều hôm, Hồi ký, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 1989, tr.217-218.

[4] Toan Ánh: Nếp cũ tín ngưỡng Việt Nam, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1997, 420 tr.

[5] Điển cố Trung Hoa, Võ Ngọc Châu dịch, Nxb trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 1994, 419 tr.

[6] Nguyễn Xuân Diện: Văn thơ Nôm giáng bút với việc kêu gọi lòng yêu nước và chấn hưng văn hóa dân tộc cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Nghiên cứu chữ Nôm (Kỷ yếu Hội nghị Quốc tế về chữ Nôm), Nxb. KHXH, H. 2006, tr.218-230.

[7] Nguyễn Xuân Diện: Về các tác phẩm thơ văn giáng bút hiện lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán NômThông báo Hán Nôm học năm 2000, Nxb. KHXH, H. 2001, tr.96-104.

[8] Phạm Đức Duật: Thơ ca giáng bút và Hồi thuần chân kinh hạ tậpThông báo Hán Nôm học năm 1997, Nxb. KHXH, H. 1998, tr.85-90.

[9] Nguyễn Đăng Duy: Đạo giáo với văn hóa Việt Nam, Nxb. Hà Nội, H. 2001, 502 tr.

[10] Trần Quang Huy: Phổ Thiện đường và văn bản Hồi xuân Nam âm bảo kinh ngoại tập, Khóa luận tốt nghiệp, khóa 49, 2008, 119 tr.

[11] Nguyễn Văn Huyên: Tục thờ cúng thần tiên ở Việt NamGóp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam(tập 2), Nxb. KHXH, H. 1996, tr.135-250.

[12] Đinh Thị Lệ Huyền: Tìm hiểu đạo mẫu ở Việt Nam qua tư liệu Hán Nôm, Luận văn Thạc sĩ, H. 2007, 153 tr.

[13] Vũ Đình Ngạn, Triệu Triệu: Mượn việc “giáng bút” để lưu hành thơ văn yêu nướcTạp chí Hán Nôm, Số 2 (19) - 1994, tr.65-66.

[14] Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu, Trần Nghĩa và François.Gros đồng chủ biên, 3 tập, Nxb. KHXH, H. 1993.

[15] Nguyễn Thị Nguyệt: Văn giáng bút của Trạng Trình ở các đền thờ các vua Trần tại xã Tức Mặc, Kỷ yếu Hội nghị Thông báo Hán Nôm học năm 1996, Nxb. KHXH, H. 1997, tr.297-304./.

Thông tin truy cập

63694378
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14670
23426
63694378

Thành viên trực tuyến

Đang có 572 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website