Tự Đức thánh chế tự học giải nghĩa ca - Từ điển song ngữ Hán Nôm thánh chế theo môn loại có tính bách khoa thư

Biên soạn tự điển theo môn loại giải nghĩa chữ Hán bằng chữ Nôm là một lĩnh vực đạt nhiều thành tựu của ngữ văn Việt Nam truyền thống, nhất là vào giai đoạn những thập niên cuối thế kỷ XIX. Trong đó có Tự Đức Thánh chế Tự học giải nghĩa ca嗣德聖製字學解義歌(Diễn ca giải nghĩa cho việc học chữ Hán do vua Tự Đức sáng suốt làm ra - TĐTCTHGNC) của vua Tự Đức. Tự Đức Thánh chế Tự học giải nghĩa ca từ tên gọi, kết cấu nội tại theo môn loại và tính thánh chế trong sự ban hành, phổ biến quả là như là một bách khoa thư Hán học song ngữ Hán Nôm. Qua bộ từ điển này chúng ta có thể thấy những tri thức Hán học theo định hướng chính thống, nhà nước do chính vua Tự Đức chế cho thần dân của ông cũng như con đường phổ biến những tri thức ấy qua tiếng Việt ghi bằng chữ Nôm.

20220206 6

1. Giới thiệu tổng quát về bộ sách Tự Đức Thánh chế Tự học giải nghĩa ca

Vua Tự Đức (1829-1883) tên là Nguyễn Phúc Thì, làm vua từ năm 1848 đến 1883. Ông luôn đề cao Nho học, nên đã đem các sách nho học và hướng dẫn chính học nho giáo như Luận ngữ và Huấn địch thập điều ra diễn Nôm, theo văn vần để hy vọng có thể mang đạo lý thánh hiền đến với dân qua truyền khẩu thơ ca. TĐTCTHGNC cũng là bộ sách học chữ Hán nhằm truyền tải đạo đức thánh hiền, tri thức mang tính chất tam tài cho dân chúng đã được ông biên soạn trong hoàn cảnh và tinh thần như thế.

Bộ sách này khá đồ sộ gồm 13 quyển, sách in ván gỗ, giấy bản, gồm 295 tờ, mỗi tờ 2 mặt thành 590 trang, khổ 26x15cm. Đơn vị chữ Hán được mang ra diễn ca là tự (từ) tới 9.028 mục. Một mục tự (từ) thường bao gồm thứ tự như sau: mục tự (từ) chữ Hán - chữ Nôm - chú thích (nếu có). Chữ Hán được viết to, chính giữa dòng. Chữ Nôm diễn nghĩa cho chữ Hán được viết nhỏ bằng nửa chữ Hán về kích cỡ. (Do vậy trong bản viết này, mục từ chữ Hán được chúng tôi viết bằng chữ in).

Dưới cùng là phần giải nghĩa cho chữ Hán đó bằng Hán văn. Âm đọc của chữ Hán có thể được ghi bằng chữ Hán theo lối phiên thiết hay sử dụng đồng âm. Mục tự (từ) chữ Hán nối với phần diễn nghĩa bằng chữ Nôm được diễn theo thơ lục bát với tổng số là 4.572 câu.

Nếu so sánh về dung lượng mục tự (từ) so với các bộ tự điển song ngữ Hán Nôm khác thì TĐTCTHGNC là bộ sách có dung lượng đồ sộ nhất. Nó được vua Tự Đức tự mình thực hiện nhưng chưa được tổ chức khắc in khi ông còn sống. Đến năm Thành Thái thứ 8 (1896), Phủ Phụ chính mới giao cho Quốc sử quán kiểm chính lại. Năm sau (Thành Thái thứ 9, 1897), Tu Thư cục của Quốc sử quán tổ chức khắc ván cho in. Bản in này hiện đang được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm mang số hiệu VHv.626/1-4 và một số số hiệu khác.

Toàn bộ vốn chữ của 9032 mục tự (từ) trong TĐTCTHGNC được chia thành 7 môn loại, phân bố trong các quyển như sau:

1. Kham dư loại (thượng, hạ): quyển 1 - 2, gồm 1379 mục tự (từ)

2. Nhân sự loại (thượng, trung, hạ): quyển 3 - 5, gồm 2162 mục tự

3. Chính hóa loại (thượng, hạ): quyển 6 - 7, gồm 1587 mục tự

4. Khí dụng loại (thượng, hạ): quyển 8 - 9, gồm 1474 mục tự

5. Thảo mộc loại (thượng, hạ): quyển 10-11, gồm 1114 mục tự

6. Cầm thú loại: quyển 12, gồm 770 mục tự

7. Trùng ngư loại:quyển 13 gồm 546 mục tự

Nếu so sánh với những bộ tự điển song ngữ Hán Nôm biên soạn theo môn loại thì số lượng môn loại ở đây rút gọn hơn. Ở các bộ từ điển song ngữ Hán Nôm theo chủ đề khác, số môn loại thường nhiều hơn.

Chẳng hạn, 指南玉音解義Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, bộ từ điển Hán Nôm sớm nhất có 40 môn loại cả thảy (1. Thiên văn / Phong vũ loại/ Vân vụ loại/ Tinh thần loại; 2. Địa lý bộ; 3. Nhân luân bộ; 4. Thân thể bộ; 5. Tạng phủ bộ; 6. Thực bộ;7. Ẩm bộ; 8. Bính bộ; 9. Y quan; 10. Cẩm tú bộ; 11. Cung thất bộ; 12. Chu xa bộ;13. Nông canh loại; 14. Hoà cốc bộ; 15. Tàm thất; 16. Chức nhiễm; 17. Chú dã bộ; 18. Mộc công bộ; 19. Kim ngọc bộ; 20. Tản võng loại; 21. Khí dụng loại; 22. Văn tự bộ; 23. Hôn nhân bộ; 24. Báo hiếu tế khí; 25. Tang lễ bộ; 26. Nhạc khí bộ; 27. Công khí bộ;28. Binh khí bộ; 29. Pháp khí bộ; 30. Tạp khí bộ; 31. Vũ trùng loại; 32. Mao trùng loại; 33. Lân trùng loại; 34. Giáp trùng loại; 35. Mộc loại; 36. Hoa loại; 37. Quả loại; 38. Căn đằng loại; 39. Bì đằng loại; 40. Nam dược loại).

Tương tự như vậy, các sách khác cũng chia nhiều môn loại hơn như 日用常談Nhật dụng thường đàm do Phạm Đình Hổ soạn vào khoảng nửa đầu thế kỉ XIX có 32 môn loại; 大南國語 Đại Nam quốc ngữ do Hải Châu tử Nguyễn Văn San, Văn Sơn đường tàng bản, Thành Thái Kỷ Hợi (1899) có 50 môn loại; hay 南方名物備攷Nam phương danh vật bị khảo do Đặng Xuân Bảng soạn, Thiện Đình tàng bản, Thành Thái Nhâm Dần (1902), gồm 30 môn loại.

Đa phần các bộ sách học chữ Hán dạng tự điển song ngữ Hán Nôm đều là những bộ sách biên soạn theo môn loại, phản ánh nội dung học vấn theo quan điểm tam tài THIÊN ĐỊA NHÂN đang ngự trị trong học giới đương thời. Sự khác biệt về số lượng môn loại trên đây phản ánh mức độ phân loại chi ly, chi tiết hóa mang tính bài học cho từng bộ sách. Càng nhiều môn loại thì càng chi ly, chi tiết, tính bài giảng, bài học càng cao. Còn trong trường hợp ngược lại, số môn loại ít thì mức độ tổng hợp bao quát cao hơn. TĐTCTHGNC trình bày số môn loại ít hơn các bộ sách khác chỉ thể hiện sự khác biệt trong quan điểm và cách làm của chính vua Tự Đức so với các tác giả khác đối với việc chi ly, chi tiết hóa cái học tam tài mà thôi.

Dưới đây chúng tôi sẽ đề cập đến từng môn loại cụ thể. Trong mọi ví dụ minh họa dưới đây, mục tự chữ Hán sẽ được trình bày bằng chữ in. Còn phần giải nghĩa tiếng Việt ghi bằng chữ Nôm phiên ra quốc ngữ in nghiêng.

2. Môn loại và chủ đề vốn từ của môn loại

2.1. Môn loại KHAM DƯ (堪輿類KHAM DƯ LOẠI)

“Kham” theo thuật ngữ của phong thủy là chỗ cao; “dư” là chỗ thấp. Theo sách Hoài Nam tử, “Kham tức là đạo trời, dư là đạo của đất. 堪天道也輿地道也kham thiên đạo dãdư địa đạo dã). Kham dư loại là môn loại bao gồm những sự trỏ về trời đất nói chung với 1379 đơn vị mục tự. Mở đầu là những chữ nói về đặc tính chung của trời đất.

“THIÊN trời ĐỊA đất VỊ ngôi. PHÚ che TÁI chở LƯU trôi MÃN đầy. CAO cao BÁC rộng HẬU dày. THẦN mai MỘ tối CHUYỂN xoay DI dời”.

Từ sự bao quát chung về trời đất như thế, tiếp theo là sự cụ thể hoá về những sự vật, hiện tượng như: NGUYỆT, NHẬT, ÂM, DƯƠNG, PHONG, VŨ, VÂN, TUYẾT, SƯƠNG, LÔI…. Các phạm trù thời gian, không gian (TUẾ, CAN, CHI; XUÂN, HẠ, THU, ĐÔNG; ĐÔNG, TÂY, NAM, BẮC; các sự vật cụ thể có trên mặt đất: SA, LỊCH, NÊ,… KHÂU, TRẠCH, TUYỀN, KHÊ, SƠN, XUYÊN…

Các địa danh sơn xuyên thành quách cụ thể và đặc trưng của chúng có quá nhiều không thể liệt kê hết được.

Các sự vật, hiện tượng này lại mang trong mình những đặc tính, hay biểu hiện của mình. Những đặc tính đó rất chi ly, cụ thể, mang đặc trưng phân tích tính cao. Chẳng hạn: PHONG là gió nhưng lại có rất nhiều biểu hiện cụ thể của gió cũng như các đặc tính phân tích hay đặc trưng chi tiết chi ly của những biểu hiện cụ thể đó như sau: “VŨ mưa, PHONG gió, TINH sao, LỘ mù… PHIÊU PHIÊU gió thổi, LƯU LƯU gió hòa…THUYÊN gió động, ÂM mây che… CHIÊM là gió thổi sóng dồi… CỤ là gió bão khắp vòng bốn phương…SIÊU gió lạnh, HÁCH gió nồng…QUÁT gió dữ, SẦM mưa dầm… TIÊU gió bắc, SẮT gió thu. PHI PHI phơi phới, SƯU SƯU ào ào. ÔI gió thấp, ẢNH gió cao. BỒNG gió dậy, ĐỀ mưa tan…LY trời gió bụi tối ngày. YẾN trời trong sáng, Ế trời gió mây. LIỆT gió dữ, TƯ mưa bay….CHÚ mưa thuận, HIỆP gió đều. TÚC là gió lớn tiếng kêu ù ù. HỒNG tiếng gió, PHÂN khí mù. THÊ THÊ mưa gió hơi thu lạnh lùng… HOÀNH gió mạnh, TỪ mưa giong. NỖI gió lất, PHIÊU gió bay. VĨ VĨ gió bão rạp cây ầm ầm. LƯƠNG gió bắc, KHẢI gió nam…

Có thể nói, quyển 1 của môn loại KHAM DƯ là sự bao quát về trời đất và nhiều đặc tính cụ thể của trời đất cũng như các sự vật, hiện tượng tự nhiên có trong khoảng trời đất. Quyển 2 của KHAM DƯ chủ yếu nói về các địa danh nhưng các địa danh này chủ yếu ở Trung Quốc, gắn liền với các sách cổ, các sự kiện lịch sử xa xưa.

2.2. Môn loại NHÂN SỰ (人事類NHÂN SỰ LOẠI)

Nhân sự (việc người) là môn loại có mục tự lớn nhất (2162 mục), bố trí thành 3 quyển thành 3 tên gọi xác định: Nhân sự loại thượng, Nhân sự loại trung, Nhân sự loại hạ. Mở đầu mỗi loại nhân sự là sự bao quát về con người như sau: “PHỤ cha MẪU mẹ SẢN sinh. PHU da PHÁT tóc THÂN mình KIÊN vai”

Câu mở đầu về con người như thế đã gợi lên cho ta thấy đây là một sự diễn nghĩa theo sách Hiếu kinh (Thân thể phát phu. Thụ chi phụ mẫu. Bất cảm huỷ thương. Hiếu chi đại dã - Thân thể tóc da. Nhận từ cha mẹ. Chẳng dám hủy thương. Đấy điều hiếu lớn).

Nhân sự loại thượng (quyển 3) là một danh mục chứa những mục tự trỏ về giải phẫu sinh lý con người bằng Hán văn kèm lời dịch nghĩa như sau: “ĐẦU đầu, TỊ mũi, NHĨ tai. NGẠCH trán, MỤC mắt, ĐỒNG ngươi, MI mày. XỈ răng, THIỆT lưỡi, THẦN môi. BỐI lưng, DIỆN mặt, YÊM tai, TÌNH tròng. NÃO óc, HUYẾT máu, MAO long. YÊU lưng, DỊCH nách, DƯƠNG trong trang mày. TÚC chân, KHOANG bụng, THỦ tay. KHẨU miệng, CẢNH cổ, MÂU ngươi, THỦ đầu. THÙY tai rủ, LỤC mắt sâu. CỐT xương, NHỤC thịt, TU râu, HÀM cằm.

Nhân sự loại trung (quyển 4) lại là danh mục về các hoạt động cơ bản của con người như: nói năng, suy nghĩ, nhiều hoạt động mang tính bản năng của con người. Các hoạt động ấy được diễn tả và biểu hiện cụ thể đến mức chi ly, chi tiết. Chẳng hạn, trở về “nói” có đến hàng trăm từ diễn đạt hành động “nói” và các sắc thái nói năng: “CHIÊM nhìn, THUYẾT nói, THAI cười. BIỂN lời nói khéo, NGẠN lời nói quê. LŨY nói đón, BỘC nói che. DỰ khen, THÍ ví, SAN chê, ĐÀM bàn. TRỌNG nói khích, HU nói càn. KHÁ trách, MẠ mắng, TÁ than, ĐÊ . MIẾN nói dỗ, TẤN nói lừa. DU dua trước mặt; DUYỆT ưa trong lòng. MỴ nói dối, THIỀM nói không. TỐ kêu oan uổng, ÁI cùng âm tư. KHÔI diễu cợt, TÚY gièm chê. BIỆT lời nói lý phân chia rõ ràng…

Các động tác biểu thị các hoạt động cảm xúc vốn có của con người cũng có đến vài chục cách nói, thể hiện ở mức độ chi ly, chi tiết: “AI thương, TẮNG ghét, ÁI ưng. ƯU lo, CỤ sợ, HÂN mừng, CẤM ham. THÔI lo, NỘ giận, MÂU tham. HAO hờn, BẠO nhớ, HIỆU lầm, DU lo. ĐỘT TỐT là dáng thẹn thùng. ĐỊNH HUỲNH buồn giận, BIỆT PHU vội vàng

Nhân sự loại hạ (quyển 5) lại chứa đựng những mục từ diễn tả các danh từ trỏ tên gọi những người có khả năng biết các hoạt động chế tác mang tính tài năng khéo léo, được hình thành trong quá trình lao động của con người, các động tác của con người và những danh từ chỉ các quan hệ xã hội của con người. Nhờ tham gia quá trình lao động nên con người biết cải tạo tự nhiên, biết biến những vật còn thô sơ của tự nhiên thành đồ dùng tinh xảo, biết tổ chức, tạo nên một xã hội có tôn ty, trật tự, thoát cảnh bầy đàn, quần hôn nguyên thủy. Sống trong xã hội nên con người có chức vụ, địa vị, phẩm chất. Con người lại biết đến bệnh tật và khắc phục bệnh tật. Đó quả là những gì mang đặc trưng cho phẩm chất tính cách của con người trong các mối quan hệ với tự nhiên và xã hội, chẳng hạn:“TÚC thợ ngọc, HUỲNH thiếp vàng. MA mài, TRÁC chạm,VIÊN mang, BẢ cầm. SOẠN tắm ngựa, NGHĨ dời tằm. DUNG là người mướn, CỐ làm việc thuê. VÃN là dắt ở trước xe. LAO mò dưới nước, phu bè đưa qua. TẠM khắc đá, KIỆT thuộc da. TRUY là đẽo ngọc, SỐT là tôi dao”… “DUỆ dòng, TÍNH họ, TRÙ loài. NAM trai, NỮ gái, NHÂN người, NGÃ ta. TỔ tổ, BÁ bác, KHẢO cha. Tỉ mẹ, THÚC chú, BÀ bà, ÔNG ông. HUYNH anh, THÊ vợ, PHU chồng. TRỤC LÝ là bạn dâu cùng gọi nhau. NGHIỆT con thứ, ĐÍCH con đầu. ĐỆ em, TỶ chị, THIẾP hầu, TỨC dâu. TRĨ con trẻ, THỦ con so. MỤ mẹ, THẨM thím, CÔ cô, DÌ dì”.

2.3. Môn loại CHÍNH HÓA (政化類CHÍNH HÓA LOẠI)

Chính hóa là môn loại gồm 1587 đơn vị mục tự, như là một danh mục hệ thống hoá các vấn đề của chính trị giáo hoá theo tinh thần nho học. Môn loại Chính hoá có các nội dung chủ yếu như sau: Những vị thánh nhân theo như huyền thoại như Chuyên Húc, Phục Hy. Các sự kiện về văn hóa nhận thức buổi sơ khai có tính chất thần bí như số đếm, Hà đồ, Lạc thư, Bát quái, Thương Hiệt tạo nên chữ viết. Các việc chế tác lịch số, luật lệ, văn tự, thư khế, dùng thuốc chữa bệnh, vấn đề viết chữ, các thể chữ. Các loại văn bản viết và thuật ngữ về viết, thể văn, Thi, Thư. Các vấn đề về văn hóa tổ chức chính quyền (các vua thời Nhị đế, Tam vương: Đế Cốc, vua Nghiêu, vua Thuấn, các phẩm chất của Đế Nghiêu, Đế Thuấn (ôn, nhâm, tư, cương, kỷ, quỹ, bình, đạo, chính trung). Những sự kiện và nhân vật thời Tam Đại Hạ - Thương - Chu: Hiền quân (Vũ Thang, Văn Vương, Vũ Vương), tư tưởng cách mạng (Thành Thang cách mệnh), điếu dân phạt tội, cứu phần chửng nịch. Tôi hiền (Y Doãn, Lã Vọng). Đàn bà làm hỏng sự nghiệp của quân vương (Đát Kỷ, Bao Tự). Chế độ lễ nhạc thời Tam đại; Sự nghiệp của Khổng Tử. Văn hóa chính trị sắp xếp thứ quan. Tổ chức chính quyền các cấp. Tổ chức chế độ học hành. Chế độ thuế. Chế độ hình luật… Xin dẫn ra đây trích đoạn mở đầu môn loại làm minh họa:

“TỰ từ, TIỀN trước, VIỄN xa. ĐẾ vua, HOÀNG cả, THI ra, TRIỆU gầy. TRIẾP bèn, TRẠCH chọn, AI bày.CAN gốc, CHI nhánh, ĐIỆT thay, LŨY chồng. Y nương, DI để, HỖ thông. HẬU sau, TIÊN trước, TƯƠNG cùng, GIÁM soi. TỒN còn, CỬ cất, DUẬT noi.QUÂN vua, THÁNH thánh, THẦN tôi, HIỀN hiền. ĐẠI đời, THỊ họ, DANH tên.HIỆU hiệu, THẾ thế, QUYỀN quyền, OAI uy. HÚC vua Húc, HY vua Hy. THỤC đầu, ỨNG ứng, KỲ kỳ, ĐẢN sinh. LINH linh, ĐỐC hậu, THIỆN lành. ĐỒ đồ, THƯ sách, TRÌNH chiềng, XUẤT ra. NHẤT một, NHỊ hai, TAM ba. TỨ bốn, LỤC sáu, SỔ vài, NGŨ năm. THẬP mười, CỬU chín, BÁCH trăm. THẤT bảy, BÁT tám, ÁC cầm, THỪA nhân. GIA thêm, BỘI gấp, XÂM dần. THIÊN nghìn, VẠN vạn, XỨNG cân, ĐIỀU đều. TRÙNG trùng, QUÁI quẻ, HÀO hào. NGẪU đôi, KỲ lẻ, DIỆU mầu, HỖ ghi. KHẢM quẻ Khảm, LY quẻ Ly. CẤN là quẻ Cấn, KHOÁI chia, TỶ liền. CHẤN là quẻ Chấn, TẤN lên. TỐN quẻ Tốn, CÀN quẻ Càn, TÔN tôn. ĐOÀI quẻ Đoài, KHÔN quẻ Khôn. BIẾN biến, HÓA hóa, VIÊN tròn DUNG thông. TUY tuy, DỊ khác, ĐỒNG đồng. TÁC làm, CHẾ sửa, TINH ròng, LỰ lo. TU KHU là ngươi Tu Khu. HIỆT ngươi Thương Hiệt, SƯU cầu, HOÁN thay. LỊCH là sách lịch xem ngày. LUẬT ống hậu khí, TỀ tày, THÍCH bưa. BẢNG thiếp, TỰ chữ, KHẾ tờ…HỖ là giao hỗ, TIỄN đưa, TRÌ cầm. DƯỢC thuốc, CHÍCH cứu, CHÂM đâm”…

Như vậy, CHÍNH HÓA loại là giáo trình trình bày các mục từ hệ cổ về tổ chức chính trị, Tôn Nho sùng chính học của vua Tự Đức.

2.4. Môn loại KHÍ DỤNG (器用類KHÍ DỤNG LOẠI)

Môn loại KHÍ DỤNG gồm 1474 mục tự (từ) là danh mục sưu tập danh xưng của các đồ dùng, vật dụng như nhà cửa cung thất đền đài… Mở đầu các môn loại là mấy câu có tính bao quát cho cả môn loại như sau: “KHÍ là giống DỤNG là dùng. CƠ máy, XẢO khéo, CUNG cung, THẤT nhà. MIẾU tôn miếu, ĐIỆN đền tòa. THỰ nhà quan thự, SẢNH nhà công sảnh. ĐÀI đài, CÁC các, ĐÌNH đình. VIỆN viện, PHỦ phủ, THÀNH thành, LÂU lầu

Từ danh mục đồ vật này có thể phân loại ra các nhóm như sau:

Danh mục vật dụng, đồ dùng thuộc phạm trù nhà cửa, và liên quan tới nhà cửa. Danh mục vật dụng thuộc phạm trù thuyền bè và liên quan với thuyền bè. Danh mục vật dụng thuộc phạm trù nhạc khí (dụng cụ âm nhạc) và liên quan đến âm nhạc. Danh mục vật dụng thuộc phạm trù xe cộ và liên quan đến xe cộ. Danh mục vật dụng thuộc phạm trù cờ, quạt, tán, lọng và liên quan đến cờ, quạt, tán, lọng. Danh mục vật dụng thuộc phạm trù ấn túi. Danh mục vật dụng thuộc phạm trù cung tên, binh khí và liên quan đến cung tên binh khí. Danh mục tên vật kim loại. Danh mục tên các vật dụng về ngọc và liên quan đến ngọc. Danh mục tên các loại vải lụa và liên quan đến vải lụa. Danh mục tên các loại dép, guốc và thuộc về dép, guốc. Danh mục tên các loại bàn ghế và liên quan đến bàn ghế. Danh mục các vật dụng gia đình.

2.5. Môn loại THẢO MỘC (草木類THẢO MỘC LOẠI)

Môn loại THẢO MỘC gồm 1114 mục tự (từ) nhằm liệt kê danh mục tên các loài cây cỏ cũng như các thuộc tính, công dụng của chúng. Câu mở đầu của môn loại này đã cho ta một sự khái quát chung về nó: “THỤ cây THẢO cỏ HOA hoa. CỐC trăm giống lúa ấy là tên chung”.

Từ danh mục các loài thảo mộc này có thể chia ra các nhóm loài nhỏ như: Danh mục các loại lúa và các đặc tính công năng của lúa. Danh mục các loại đậu và thuộc tính công năng của đậu. Danh mục các loại rau, dưa và thuộc tính của rau, dưa. Danh mục các loài cây khác (…)

2.6. Môn loại CẦM THÚ (禽獸類CẦM THÚ LOẠI)

Môn loại này gồm 770 mục tự (từ), liệt kê và hệ thống hóa tên gọi của các loại cầm thú cũng như một vài đặc trưng tiêu biểu cho từng loài về mặt hình dáng, màu sắc, sinh hoạt. Câu mở đầu cho môn loại này là đã bao quát tên và các bộ phận đặc trưng cho loài cầm như: “CẦM chim ĐỘC nghê THÚ muông. VĨ đuôi LINH cánh VŨ lông TỐ diều”. Sau đó là một danh sách dài các loài chim về các phương diện: hình dáng, màu sắc, đặc tính sinh hoạt của các loài cầm này. Còn phần thú thì ở nửa phía cuối với sự bao quát như sau: “KỲ muông kỳ LÂN muông lân. NGƯU trâu MÃ ngựa THUẦN thuần SÚC nuôi”.

2.7. Môn loại TRÙNG NGƯ (蟲魚類TRÙNG NGƯ LOẠI)

Môn loại này có 546 mục tự (từ) nhằm hệ thống lại các loài côn trùng, cá tôm theo tên gọi bằng chữ Hán, cắt nghĩa sang tiếng Việt ghi bằng chữ Nôm các loại.

Côn trùng cá tôm này về mặt tên gọi cũng như những đặc điểm chủ yếu dễ nhận ra. Mở đầu môn loại này được diễn đạt bằng câu như sự định nghĩa vậy: “TRÙNG sâu NGƯ cá LONG rồng. QUY rùa XÀ rắn LY dòng rồng con”.

Qua sự giới thiệu tóm lược trên đây về 7 môn loại của TĐTCTHGNC cho thấy, Diễn ca giải nghĩa học chữ Hán do vua Tự Đức soạn là một bộ tự (từ) điển song ngữ Hán Nôm theo môn loại, có tính chất bách khoa thư, thể hiện những kiến thức về các lĩnh vực chủ yếu của Hán học đương thời. Sự giới thiệu và mô tả đó sẽ là cơ sở cho chúng tôi đi vào tìm hiểu cách thức xây dựng và những định hướng nội dung của bộ sách.

3. Quy mô và cách thức xây dựng, tính phân tích của vốn tự (từ), chủ nghĩa lịch sử trong định hướng thông tin của bộ sách

3.1. Quy mô của bộ sách

Do chỗ TĐTCTHGNC vừa là một bộ từ điển song ngữ Hán Nôm vừa là một bộ sách học chữ Hán và các kiến thức Hán học nên quy mô của bộ sách cần được xem từ góc nhìn của một bộ từ điển và một bộ sách học chữ Hán. Nếu từ góc nhìn một bộ từ điển, với 9.028 mục tự cũng như so sánh nó với các bộ từ điển song ngữ Hán Nôm khác, có thể nói, TĐTCTHGNC là một bộ sách có quy mô lớn. Quy mô lớn của nó về mục tự so với các bộ từ điển song ngữ Hán Nôm khác được thể hiện qua bảng đối chiếu dưới đây:

 

TT Tên sách Kí hiệu(1) Số mục tự
大南國語Đại Nam quốc ngữ(2) AB.106 4.779
南方名物備攷Nam phương danh vật bị khảo(3) A.155/VHb.288 4.461
指南玉音解義Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa giải nghĩa(4) AB.372/VNv.201 3.394
三千字解音Tam thiên tự giải âm(5) AB.19 2.988
日用常談Nhật dụng thường đàm(6) AB.511 2.560
難字解音Nan tự giải âm(7) A.1542 1.066
千字文解音Thiên tự văn giải âm(8) AB.227/AB.91 1.000
嗣德聖製字學解義歌Tự Đức Thánh chế Tự học giải nghĩa ca VHv.626/1-4 9.028

Nếu như so sánh nó với các bộ tự điển chữ Hán của Trung Quốc trong lịch sử thì nó ngang với說文解字Thuyết văn giải tự của Hứa Thận, thế kỉ I (9.353 chữ). Như chúng ta đã biết, lượng chữ Hán ngày càng nhiều lên theo tiến trình thời gian. Do vậy, theo thời gian lượng chữ Hán được sưu tập trong các tự điển cũng tăng lên. 說文解字Thuyết văn giải tự của Hứa Thận, biên soạn vào thế kỉ I, sưu tập 9.353 chữ; 康熙字典Khang Hy tự điển biên soạn xong vào năm 1710, sưu tập 47.035 chữ Hán.

Còn như nếu so sánh với các bộ sách học chữ Hán song ngữ Hán Nôm khác, qua bảng trên cũng có thể nói, TĐTCTHGNC là một bộ sách có quy mô lớn. Các bộ sách học chữ Hán nói chung trong lịch sử do người Trung Quốc và người Việt Nam do yêu cầu về mặt sư phạm chỉ nhằm vào vốn chữ thông dụng. Lượng chữ Hán thông dụng mang ra dạy và học luôn chỉ là một phần trong tổng số chữ Hán nói chung. Thiên tự văn của Chu Hưng Tự thời Lương dạy 1000 chữ thông dụng. Lượng chữ trong Khang Hy tự điển tuy lớn (47.035 chữ) nhưng chỉ khoảng 3000 chữ thông dụng. Ngay cả ở thời hiện đại, lượng chữ thông dụng cũng có tình hình tương tự.

Ta biết rằng truyền thống tự điển học, tự thư học, văn thư học chữ Hán từ buổi sơ khai bắt đầu bằng sự sưu tập chữ Hán thành các bảng chữ như Sử Trựu thiên, Thương Hiệt thiên… Bộ Tam Thương của Lý Tư, Triệu Cao, Hồ Vô Kính ở thời Tần sưu tập trên 3 ngàn chữ cũng là một bảng sưu tập chữ. Khi chú giải các kinh điển Nho học ở thời Hán, giới ngữ văn học Trung Hoa truyền thống đã biên soạn nên Nhĩ nhã - bộ tự điển chữ Hán, chữ Hán được sắp xếp theo môn loại mà bảng hiện còn gồm 19 môn loại. Đến thế kỷ thứ nhất sau công nguyên, Thuyết văn giải tự của Hứa Thận biên soạn theo bộ thủ (540 bộ). Từ đây sắp xếp chữ Hán theo bộ thủ trở thành phương thức chủ yếu. Từ thế kỷ thứ III trở đi, ở Trung Quốc lại nảy sinh biên soạn vận thư, một loại tự điển chữ Hán sắp xếp theo vần, kéo dài vài thế kỷ với các bộ vận thư lớn như Thiết vận do nhóm Lục Pháp Ngôn thực hiện vào đầu thế kỷ VII, Đường vận, Quảng vận. Sang đến thời Minh Thanh, việc biên soạn tự điển thành điển chế phục vụ cho chuẩn chính tả trong các lĩnh vực hoạt động của nhà nước và dân gian. Tính pháp định, tính điển chế về văn tự đã được đánh dấu bằng uy quyền của vua ngay trong tên sách. Khang Hy tự điển là một bộ sách được một tập thể các nhà bác học biên soạn khi mang tên thì theo niên hiệu của triều vua Khang Hy (1662-1721), triều vua thứ 3 của nhà Thanh. Ta có thể thấy TĐTCTHGNC đã tiếp thu những điểm cơ bản của truyền thống biên soạn tự thư, tự điển, sách học chữ Hán Trung Quốc nói chung cả về nội dung, cách thức biên soạn, đặt tên cũng như truyền thống biên soạn tự điển và sách học chữ Hán song ngữ Hán Nôm Việt Nam nói riêng.

Có lẽ vua Tự Đức cũng muốn theo gương vua Khang Hy xác định tính pháp định cho thần dân của mình trong việc học chữ Hán. Nhà vua đã tự mình biên soạn bộ sách học chữ Hán dạng tự điển có tính chất bảng chữ, sắp xếp chúng theo môn loại, kèm giải nghĩa theo lời ca vần điệu. Cách làm đó vừa thể hiện một cách triết trung các phương pháp biên soạn sách học và tự điển chữ Hán nói chung và thể hiện tính biến thể Việt Nam của loại sách này. Do chỗ bộ sách tuân thủ theo tiêu chuẩn kép vừa là tự điển vừa là sách học chữ Hán và truyền tải các tri thức Hán học cho nên một loạt vấn đề đã nảy sinh. Để đáp ứng yêu cầu của tự điển thì phải thu thập nhiều chữ Hán. Song nhiều chữ Hán quá thì lại khó học và khó dạy và khó lưu truyền. Chính điều này đã làm cho vốn chữ Hán của TĐTCTHGNC mang tính phân tích tính mà dưới đây chúng tôi sẽ đề cập tới.

3.2. Tính phân tích của vốn tự (từ) trong TĐTCTHGNC

Như trên đây đã nói, về qui mô tự điển chữ Hán nói chung thì đây là bộ tự điển chữ Hán vào loại trung bình. Lượng chữ thường dùng ở đây cũng tuân theo quy luật chung về lượng chữ thường dùng của chữ Hán lúc bấy giờ nói chung. Điều này có nghĩa là lượng chữ Hán thuộc vào số thường dùng chỉ chiếm khoảng một phần ba, phần tư là cùng. Do vậy, quá nửa ở đây là những chữ ít dùng hay rất ít dùng. Có hiện tượng này là do trong chữ Hán, số chữ đồng nghĩa hơi nhiều và cũng do tích đọng của nhân tố thời gian nữa. Điều này tạo nên tính phân tích tính của vốn chữ.

Phân tích tính của vốn từ là một sự vật, hiện tượng được chi ly theo nhiều nét nghĩa mà mỗi một nét nghĩa ấy lại được diễn đạt bằng nhiều từ, còn trên văn tự thì được ghi bằng nhiều chữ khác nhau. Điều này ta có thể thấy qua một số ví dụ mang ra minh họa ở mục 2 của bài viết này. Ở đây, chúng tôi xin minh họa thêm về tính phân tích tính của vốn chữ qua trường hợp những chữ biểu thị “núi”. Trong chữ Hán để biểu thị “núi” với nhiều sắc thái và nghĩa khác nhau thì có những chữ khác nhau thể hiện qua những câu như: “XUYÊN sông, SƠN núi, HẠN ngăn… SUNG khe dưới núi, ĐÊ cồn giữa sông… MẬT dáng núi như nền nhà… ĐỒNG núi trọc, YẾT núi quanh. TIỆT hình núi cắt, QUY hình núi giăng… LỘC nơi chân núi, QUYNH nơi ngoài rừng. BÌ là núi có hai tầng. BIỆT núi Biệt, HÀO núi Hào. PHONG đầu chót vót, ĐIÊN đầu thôi ngôi. CHƯƠNG là núi giống bình phong. ĐÀ là núi đứng như chồng cối xay. DĨ là núi không cỏ cây. HỖ là núi có cỏ cây rườm rà. TIÊU dốc đứng, LIỄU rộng xa. CƯƠNG là sống núi, NHAI là mép sông. HIẾN là núi giống nồi hông. TOANH hòn đất đỏ, AO dòng nước đen… THÁP đất thấp, NAO núi bằng. KHANG LANG núi trống, LĂNG TẰNG núi cao. TRÁCH núi Trách, THAO núi Thao. KIÊM HIỂM núi dốc, LIÊU TÀO núi không. NGUNG DI núi ở cõi đông. PHỈ là lớp núi như trồng như xây. YÊM TƯ núi ở cõi tây. TỤ nơi hang núi, PHẤT nơi đường đèo. CỰ núi lớn, HOÃN núi nhiều. LINH DINH núi thẳm, LIÊU SÀO đỉnh cao. TRỞ núi đá lộn đất vào. ÔI LỖI dạng núi thấp cao nhiều tầng. OAI HOÀI hang núi chẳng bằng. TÙNG rằng núi lớn, nhạc rằng núi tôn. SẦM đỉnh nhỏ, LOAN đỉnh tròn. ĐẢO non giữa biển, châu cồn giữa sông. CÔN LUÂN núi ở địa trung. CÂU LÂU là đỉnh cao phong núi Hành. KỲ KHU đường núi gập ghềnh. TOÀN NGOAN lởm chởm, TRANH VINH chon von. LANG núi Lang, KHIÊN núi Khiên. TIỆP LIỆP dạng núi liên diên kéo dài. HIỆN núi Hiện, LAI núi Lai. NHAM hang đá hiểm, LĨNH vai núi bằng. Ủ núi Ủ, DƯƠNG núi Dương. LỰC dạng lớn, NGANG TÀNG dạng cao. ĐIỆN núi Điện, CAO núi Cao. THÔI NGÔI đất trộn đá vào lô xô. VẬN núi Vận, NGÔ núi Ngô (…). Ngoài những danh từ riêng chỉ tên núi, chúng tôi đã thống kê được hơn một trăm mục tự có ý nghĩa chỉ về núi và các nét đặc trưng của núi. Tình hình với nhiều danh từ khác cũng tương tự. Điều này cho phép chúng ta nói đến tính phân tích tính của vốn tự chữ Hán như là một điểm dễ nhận ra trong TĐTCTHGNC.

Tính phân tích của vốn tự (từ) Hán học trong TĐTCTHGNC cần phải được đề cập trong một nghiên cứu chuyên sâu. Ở đây chúng tôi chỉ mới đặt vấn đề mang tính minh họa mà thôi.

4. Tiếng Việt và chữ Nôm trong khả năng truyền tải tri thức Hán học

Qua sự trình bày các môn loại, các chủ đề vốn từ của từng môn loại, các định hướng nội dung của toàn bộ sách, tính phân tích tính của vốn từ đã cho thấy Tự học giải nghĩa ca của vua Tự Đức là một bộ sách mang tính bách khoa về Hán học theo định hướng chính thống và nệ cổ. Một bộ sách học chữ Hán và các kiến thức Hán học như thế thật khó đến với thần dân của hoàng đế. Điều này đã được vua Tự Đức nhận ra và khắc phục bằng cách đặt lời ca giải nghĩa cho chúng. Lời ca giải nghĩa Việt ngữ đã trở thành điểm sáng đặc biệt cho toàn bộ bộ sách. 9.028 mục tự (với 9827 chữ Hán vì có những mục tự gồm 2 hay 3 chữ Hán) đã được giải nghĩa. Độ dài giải nghĩa với tổng số 21.334 lượt chữ Nôm. Hầu hết phần giải nghĩa cho các mục tự đã đóng vai trò là vị ngữ có hệ từ trong các cụm chủ vị hay các câu (cả lục lẫn bát). Phân xuất 21.334 lượt chữ Nôm giải nghĩa ấy, chúng tôi đã lập được danh mục 4.458 chữ Nôm của toàn văn bản. Lượng chữ Nôm đó chỉ bằng nửa lượng chữ Hán nhưng đã giải thích được toàn bộ mục tự chữ Hán theo cách đối dịch hay diễn dịch. Chúng ta có thể thấy lối văn giải nghĩa của cả bộ sách qua một số ví dụ mà chúng tôi đã dẫn ra trong chính bài viết này. Vốn từ tiếng Việt ghi bằng chữ Nôm ở đây đã diễn đạt được toàn bộ các tri thức Hán học mang tính bách khoa tương ứng của 9.028 mục tự trong 7 môn loại. Đây là một trong số những minh trưng quý giá cho vốn từ tiếng Việt thế kỷ XIX ở dạng từ điển ghi bằng chữ Nôm.

Với độ dài phần giải nghĩa cũng như lượng chữ Nôm có trong văn giải nghĩa đã làm cho TĐTCTHGNC trở thành một bộ từ điển Hán Nôm chứa đựng nhiều chữ Nôm nhất, nhiều từ vựng tiếng Việt nhất và cũng là một trong số không nhiều những bộ sách Hán Nôm nói chung, Hán Nôm cuối thế kỷ XIX nói riêng, chứa đựng nhiều từ vựng tiếng Việt ứng với các vấn đề Hán học mang tính học thuật nhất.

Do vậy, phần giải nghĩa Nôm của từ điển cần phải được trình bày trong những nghiên cứu riêng cả về mặt ngôn ngữ cũng như văn tự.

Qua sự trình bày trên đây cho phép chúng ta có một nhận thức chung rằng, TĐTCTHGNC từ tên gọi, kết cấu nội tại theo môn loại và tính thánh chế trong sự ban hành, phổ biến như là một bách khoa thư Hán học song ngữ Hán Nôm. Qua bộ từ điển này chúng ta có thể thấy những tri thức Hán học theo định hướng chính thống, nhà nước do chính vua Tự Đức chế cho thần dân của ông cũng như con đường phổ biến những tri thức ấy qua tiếng Việt ghi bằng chữ Nôm. Bộ từ điển song ngữ Hán Nôm này đã phản ánh những vấn đề học thuật chứa đựng trong chữ Hán của nhà nho và xã hội lúc bấy giờ. Đó là cái học tam tài THIÊN - ĐỊA - NHÂN mang dấu ấn lịch sử cả về thực trạng cũng như hạn chế mà cái học ấy do đích thân vua phổ biến.

Từ điển song ngữ Hán Nôm cuối thế kỉ XIX nói chung, TĐTCTHGNC nói riêng đã nảy sinh, tồn tại, phổ biến và phản ánh chính bối cảnh ngôn ngữ - xã hội Việt Nam và những đặc trưng của cấu trúc văn hóa của Việt Nam những thập niên cuối cùng của thời trung đại. Trong bối cảnh ngôn ngữ - xã hội đó, một mặt, Hán văn, chữ Hán là ngôn ngữ chữ viết của thánh hiền, cao quý, thượng đẳng, quyền uy đến độc tôn. Nhưng mặt khác, muốn cái thượng đẳng, độc tôn ấy đến với đông đảo thần dân thì phải dùng phương ngữ phương ngôn, quốc ngữ, quốc âm, chữ Nôm như cái cầu chuyển ngữ. Do vậy, nó cũng là một trong những nhân tố có ý nghĩa cho sự nhận thức về khả năng và tiếng mẹ đẻ, của quốc âm, quốc ngữ Nôm trong việc diễn đạt những vấn đề học thuật Nho học mang tính bách khoa, chính học và thánh chế cả đối với tác giả soạn nó cách đây hơn một thế kỷ cũng như cả với chúng ta, những người đọc nó bây giờ.

Phạm Văn Khoái 

PGS..TS. Đại học KHXH & Nhân văn Hà Nội

Hà Đăng Việt

NCS. Khoa Việt Nam học Đại học Sư phạm Hà Nội

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, số 1 (116) 2013, tr.17-28.

 

Chú thích:

(1) Theo kí hiệu sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

(2) Cuốn sách do Nguyễn Văn San biên tập, Văn Sơn đường tàng bản khắc in năm 1899. Sách được chia ra 50 mục-bộ, như Nhân luân mônTàm tang môn, Tục ngữ môn...

(3) Đặng Xuân Bảng: Từ điển Hán - Nôm, Thiện Đình khắc in năm 1902. Các chữ trong cuốn sách được xếp theo 32 mục, như Thiên văn, Địa lí, Thời tiết, Nhân phẩm, Quan chức…; có đặc điểm là tập hợp nhiều tên gọi các sản vật nước Nam.

(4) Cuốn sách còn có tên là Chỉ Nam phẩm vựng, tác giả là Hương Chân pháp tính. Sách được chia làm 40 bộ môn loại và trình bày theo thể văn vần, chủ yếu là lục bát.

(5) Do Ngô Thì Nhậm soạn, Phú Văn đường tàng bản khắc in năm 1831. Đây được xem là cuốn sách dạy chữ cho người mới học chữ Hán.

(6) Sách do Phạm Đình Hổ soạn năm Minh Mệnh thứ 8 (1827), Đồng Văn trai tàng bản khắc in năm Tự Đức thứ 4 (1851). Đây là một bộ tự điển Hán - Nôm, xếp theo 32 môn loại như: Thiên văn, Đại lí, Nho giáo,…

(7) Sách chép tay, không ghi tên người soạn. Các chữ trong sách không sắp xếp theo môn loại, tập hợp những chữ khó để giải nghĩa.

(8) Cuốn sách do Quan Văn đường tàng bản khắc in năm 1890, không ghi tên người soạn. Chữ trong cuốn sách sắp xếp theo mục, có giải nghĩa và chú âm, trình bày theo lối lục bát.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

I. TÀI LIỆU TIẾNG VIỆT

1.Thiều Chửu: Hán Việt tự điển, Nxb. Văn hóa - Thông tin, 1999.

2.Thơ văn Tự Đức. Phan Đăng chủ biên, (tập 3 - Tự Đức Thánh chế Tự học giải nghĩa ca), Nxb. Thuận Hóa, 1996.

3.Trần Văn Giáp: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tập 2, Nxb. KHXH, H. 1990.

4.Phạm Văn Khoái: Một số vấn đề chữ Hán thế kỉ XX, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001.

5.Phạm Văn Khoái: Từ “Tứ thư ước giải” đến “Tự Đức Thánh chế Luận ngữ thích nghĩa ca” suy nghĩ về bước vận động xây dựng chính tả chữ Nôm, Hội nghị Quốc tế về chữ Nôm, Hà Nội 2004.

6.Phương Thủ Nguyễn Hữu Quì:Tự Đức Thánh chế Tự học giải nghĩa ca (phiên âm), Ủy ban dịch thuật phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa của chính quyền Sài Gòn cũ xuất bản, 1971.

7.Lạc Thiện: Tự điển Hán Việt thông dụng, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1996.

8.Hà Đăng Việt: “Tự Đức Thánh chế Tự học giải nghĩa ca” và vấn đề chuẩn hóa chữ Nôm thời Nguyễn, Nghiên cứu về chữ Nôm, Nxb. KHXH, H. 2008.

II. TÀI LIỆU TIẾNG TRUNG QUỐC

9.Khang Hi tự điển, Trương Ngọc Thư chủ biên, Thượng Hải thư điếm xuất bản xã, Thượng Hải, 2000.

10. Khang Hi tự điển thông giải, Thời đại văn nghệ xuất bản xã.

11. Từ nguyên, Trung Hoa thư cục phát hành, 1956.

12. Thư Tân Thành, Từ Nguyên Cật, Thẩm Di, Trương Tương, Từ Hải, Trung Hoa thư cục phát hành, 1966.

III. TÀI LIỆU HÁN NÔM (theo kí hiệu của Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm).

1.指南玉音解義Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa giải nghĩa, AB.372/ VNv.201.

2.大南國語Đại Nam quốc ngữ, AB.106.

3.南方名物備攷Nam phương danh vật bị khảo, A.155/ VHb.288.

4.日用常談Nhật dụng thường đàm, AB.511.

5.難字解音Nan tự giải âm, A.1542.

6.三千字解音Tam thiên tự giải âm, AB.19.

7.千字文解音Thiên tự văn giải âm, AB.227/AB.91.

8.嗣德聖製字學解義歌Tự Đức Thánh chế Tự học giải nghĩa ca, VHv.626/1-4./.

Thông tin truy cập

63688656
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
8948
23426
63688656

Thành viên trực tuyến

Đang có 903 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website