“Tiên Sơn tự kí”: Một bài kí hay về Thạch Động và họ Mạc và đất Hà Tiên

20250325 3

Ảnh: Chùa Tiên Sơn

Trong văn học cổ Việt Nam thể tài du kí, danh thắng kí nói chung là khá ít. Loại kí này ở vùng đất mới phương Nam lại càng hiếm thấy hơn nữa. Trong tình hình đó, có được một bài kí viết về một danh thắng ở mảnh đất cuối trời Nam thật là đáng quý, và càng đáng quý hơn nữa vì đấy là một bài kí giàu chất văn chương: bài Tiên Sơn tự kí của Lê Duy Thái 黎維泰 là một bài kí như vậy.

Bài kí này được chép trong quyển Đại Nam anh nhã tiền biên 大南英雅前編, kí hiệu A.2286, hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội. Nguyên tác chữ Hán được viết trên 5 trang (từ trang 81a – 83a), nhưng tính ra số chữ tương đương với 4 trang vì phần đầu và cuối chỉ chiếm nửa trang giấy.

Bài kí tuy ngắn nhưng giàu văn học tính, đem lại nhiều cảm xúc cho người đọc. Nội dung bài kí hết sức uyển chuyển. Tuy là một bài danh thắng kí, nhưng người viết không chỉ chú tâm giới thiệu về danh thắng mà còn dẫn dắt người đọc đến với con người và với những suy tư vượt ra ngoài cảnh vật. Mở đầu tác giả miêu tả khá chi tiết về núi Tiên Sơn (hay Vân Sơn – Hòn Mây), về Thạch Động với Tiên Sơn tự và Vân Sơn tự. Tiếp theo tác giả nói về mối quan hệ giữa danh thắng và danh nhân, rồi từ đó chuyển mạch suy tư về những bể dâu đổi dời trong cõi trần thế. Người đọc khá bất ngờ khi thấy ở đoạn cuối tác giả chuyển bút hẳn, viết về Mạc Thiên Tứ - người đã tạo dựng nên mảnh đất Hà Tiên vang danh với Tao đàn Chiêu Anh Các, với Hà Tiên thập cảnh mộng mơ. Mạch suy tư được chuyển tiếp từ cái vô thường của vạn vật đến cái còn mất của đời người. Ôi, “trăm năm bia đá còn mòn”! “Lập bia làm chi, dựng bia làm gì!”. Mạc Thiên Tứ sở dĩ được người đời nhớ đến, họ tên không tan biến cùng thân xác, “ấy là do cái mà chính cuộc đời ngài truyền lại”. Không hiểu sao chúng tôi lại nghĩ đến những bài kí của các đại gia thời Đường-Tống khi đọc bài kí này. Nó quả là một áng văn chương đầy dư vị.

Lê Duy Thái là ai? Chúng tôi đã bỏ công tra cứu tìm lai lịch của tác giả trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam thực lục, Minh Mệnh chính yếu, Gia Định thành thông chí,… nhưng vẫn chưa thấy dòng nào viết về ông. Qua những ghi chép ngắn ngủi ở đầu bài Tiên Sơn tự kí thì Lê Duy Thái giữ chức Công bộ lang trung thời Nguyễn. Theo quan chế lục bộ thời Nguyễn thì lang trung là chức quan đứng đầu một ty, dưới chức quan thị lang, trật chánh tứ phẩm.

Trong bài Hà Tiên trấn thành ký 河僊鎮城記 cũng do Lê Duy Thái viết, được chép tiếp sau bài Tiên Sơn tự kí trong sách Đại Nam anh nhã tin biên, có đoạn tác giả viết rằng: “Năm Gia Long nguyên niên (1802), định yên bờ cõi, cho cháu là Thiêm làm Trấn thủ Hà Tiên, vẫn ban cho đất đó, nối truyền về sau cùng được ngang với các trấn khác. Năm Nhâm Ngọ, ta theo hầu quan Tổng trấn đi kinh lược đến trấn này, mới được thong dong du lãm,…” (嘉隆元年,大定,以孫添為河僊鎮守,仍賦其地,嗣後與諸鎮同嵗.壬午,余奉陪總鎮官經略抵鎮,遂得縱步遊,…). Ở đoạn sau, nói về sự kiện Phi Nhã Tân đem quân đánh chiếm, đốt phá Trấn thành Hà Tiên vào năm Tân Mão (1771), tác giả viết: “…từ sau cuộc binh hoả của người Xiêm, một tờ giấy cũng không tìm lại được, những thứ còn lại nói chung chỉ mới cách nay năm sáu mươi năm thôi” (… 則自暹人兵火之後,片紙無復,存者蓋距今纔五六十年耳 ).

Qua những năm tháng do chính tác giả ghi ở trên, chúng ta có thể xác định được năm Nhâm Ngọ khi ông theo hầu quan Tổng trấn đi kinh lược trấn Hà Tiên là năm 1822 (nếu năm 1882, tức năm Nhâm Ngọ tiếp theo thì quá muộn). Sự kiện năm 1771 cách thời gian ông đến Hà Tiên là năm sáu mươi năm, tính ra cũng hoàn toàn trùng khớp (1771 + 50 = 1821).

Vậy ta có thể kết luận rằng, Lê Duy Thái sống vào thời Gia Long đến Minh Mạng, tức khoảng nửa đầu của thế kỉ 19. Hiện tại những gì chúng tôi tìm được về lai lịch tác giả chỉ vẻn vẹn như trên. Rất mong các bậc thức giả biết sâu đọc rộng quan tâm bổ cứu.

Dưới đây là bài Tiên Sơn tự kí của Lê Duy Thái. Bản phiên dịch của chúng tôi chắc không tránh khỏi sai sót, nên cũng rất mong các bậc thức giả phủ chính cho.

NGUYÊN TÁC:

僊山寺記

僊山寺在河僊鎮城之西三里許.地為高蠻東下延袤鰔藪千餘里,臨于海突起鹿峙山,五嶺迤邐橫插,如飛鳳翅黏(1)頭起石山一嵿.狀如覆鐘,高可十餘丈,周圍倍之.脚下稍平者為僧房,有石磴疊級以上.峒門懸石乳,鍾一金匾曰仙山寺,蹤跡未古.峒廣十餘尺,長二十尺,高稱之,設佛像,一背後石壘橫截.右竇有通天谷,梯之可出山嵿.左竇有透地谷,狹不可入,所謂後峒也.從左右竇燭行可出前峒,高廣較勝後峒.脊上硬石稍加斧斵磚隙,並用灰板蓋塞中構一寺三間,四圍以板蓋以瓦制亦簡古次第排置佛像,墨匾曰雲山寺.屋瓦漸漸剝落,石色皺古不甚鮮麗,年久無復修理也.峒口高與脊等,石壁直峻不可下前.

臨滄海一碧萬里,島嶼出沒煙波中,如臥如立,如起如伏,如屏如城,如飛如沿,徙倚四裡,真令人有絕塵之想.土人語余曰: “峒莫知其始.自二鄚公(2)來始點出眉目峒,而寺之寺(3),而匾之則自鄚國老公始”.上下百年于今矣,欲寔其事蓋無碑記可傳人,咸以為創者缺事.噫,物各有教辰至皆盡.雖天地日月莫能逃而何有於山.詎知數百年之前,此山不自滄桑結構,又安知千百年之後,此山不與江河相推移而復歸于無.何有此豈塵泯之能為久遠而何有其傳.

余聞鄚家二公世濟忠義,國凶身竄,避地南來,開拓斯土.是豈志於斯峒之傳與不傳哉.他鄕寞落,借景自寬.邀子陵一線之清風;寄王子登樓之遐想.使百世之下知有鄚公也可,不知有鄚公也可.碑何為哉,碑何為哉.夫公之名節固不待峒而傳,而峒之所以名亦不待碑而顯.今人之所以悲公,此正公之所以傳也.悲夫.

PHIÊN ÂM:

Tiên Sơn tự kí

Tiên Sơn tự tại Hà Tiên Trấn thành chi tây tam lí hứa. Địa vi Cao Man đông há diên mậu cảm tẩu thiên dư lí, lâm vu hải đột khởi Lộc Trĩ sơn, ngũ lĩnh dĩ lị hoành tháp, như phi phượng xí niêm đầu khởi thạch sơn nhất đính. Trạng như phúc chung, cao khả thập dư trượng, chu vi bội chi. Cước hạ sảo bình giả vi tăng phòng, hữu thạch đặng điệp cấp dĩ thướng. Động môn huyền thạch nhũ, chung nhất kim biển viết “Tiên Sơn tự”, tung tích vị cổ. Động quảng thập dư xích, trường nhị thập xích, cao xứng chi, thiết Phật tượng, nhất bối hậu thạch luỹ hoành tiệt. Hữu đậu hữu thông thiên cốc, thê chi khả xuất sơn đính. Tả đậu hữu thấu địa cốc, hiệp bất khả nhập, sở vị hậu động dã. Tùng tả hữu đậu chúc hành khả xuất tiền động, cao quảng giảo thắng hậu động. Tích thượng ngạnh thạch sảo gia phủ trác chuyên khích, tịnh dụng hôi bản cái tắc trung cấu nhất tự tam gian, tứ vi dĩ bản cái dĩ ngoã chế diệc giản cổ thứ đệ bài trí Phật tượng, mặc biển viết “Vân Sơn tự”. Ốc ngoã tiệm tiệm bác lạc, thạch sắc trứu cổ bất thậm tiên lệ, niên cửu vô phục tu lí dã. Động khẩu cao dữ tích đẳng, thạch bích trực tuấn bất khả hạ tiền.

Lâm thương hải nhất bích vạn lí, đảo tự xuất một yên ba trung, như ngoạ như lập, như khởi như phục, như bình như thành, như phi như duyên, tỉ ỷ tứ lí, chân linh nhân hữu tuyệt trần chi tưởng. Thổ nhân ngữ dư viết: “Động mạc tri kì thuỷ. Tự Nhị Mạc công lai thuỷ điểm xuất mi mục động, nhi tự chi tự, nhi biển chi tắc tự Mạc Quốc Lão công thuỷ”. Thượng hạ bách niên vu kim hĩ, dục thực kì sự cái vô bi kí khả truyền nhân, hàm dĩ vi sáng giả khuyết sự. Y, vật các hữu giao thời chí giai tận. Tuy thiên địa nhật nguyệt mạc năng đào nhi hà hữu ư sơn. Cự tri sổ bách niên chi tiền, thử sơn bất tự thương tang kết cấu, hựu an tri thiên bách niên chi hậu, thử sơn bất dữ giang hà tương suy di nhi phục quy vu vô. Hà hữu thử khởi trần mẫn chi năng vi cửu viễn nhi hà hữu kì truyền.

Dư văn Mạc gia Nhị công thế tế trung nghĩa, quốc hung thân thoán, tị địa Nam lai, khai thác tư thổ. Thị khởi chí ư tư động chi truyền dữ bất truyền tai. Tha hương mịch lạc, tá cảnh tự khoan. Yêu Tử Lăng nhất tuyến chi thanh phong; kí Vương tử đăng lâu chi hà tưởng. Sử bách thế chi hạ tri hữu Mạc công dã khả, bất tri hữu Mạc công dã khả. Bi hà vi tai, bi hà vi tai! Phù công chi danh tiết cố bất đãi động nhi truyền, nhi động chi sở dĩ danh diệc bất đãi bi nhi hiển. Kim nhân chi sở dĩ bi công, thử chính công chi sở dĩ truyền dã. Bi phù!

DỊCH NGHĨA:

Bài kí chùa Tiên Sơn

Chùa Tiên Sơn nằm ở phía tây Trấn thành Hà Tiên khoảng 3 dặm. Đất này từ Cao Miên chạy xuống phía đông, kéo thành một dải cỏ cây rậm rạp trù phú suốt hơn ngàn dặm, ra đến biển nổi lên núi Lộc Trĩ (Mũi Nai), 5 ngọn giăng ngang quanh co liên tiếp, như dáng con chim phượng bám trên một đỉnh núi đá vươn cao tung cánh bay. Núi hình dạng như cái chuông úp, cao khoảng trên 10 trượng, chu vi gấp mấy lần chiều cao. Dưới chân núi chỗ khá bằng phẳng làm tăng phòng, có bậc đá nhiều tầng để đi lên. Cửa động thạch nhũ rủ xuống, gắn một tấm biển bằng kim loại đề “Tiên Sơn tự”, dấu tích chưa xưa lắm. Động rộng trên 10 thước, dài 20 thước, chiều cao tương đương với chiều dài, đặt tượng Phật, phía sau là một bức vách đá chắn ngang. Bên phải động có hang thông lên trời, trèo lên có thể ra bên ngoài đỉnh núi. Bên trái động có hang thấu xuống đất, hẹp không thể vào, được gọi là hậu động. Cầm nến theo bên trái và bên phải động mà đi thì ra được tiền động(4). Tiền động cao hơn hẳn hậu động. Đá cứng trên trần động đục đẽo, trám gạch vào các khe hở thêm một ít, rồi dùng gạch ngăn dựng thành một ngôi chùa ba gian, bốn bên dùng gạch ngói tạo thành một ngôi cổ tự đơn sơ lần lượt đặt bày tượng Phật, có tấm biển đen đề “Vân Sơn tự”. Mái ngói tróc vỡ theo thời gian, màu đá xỉn ố không còn tươi đẹp nữa, đã lâu năm rồi không được tu sửa lại. Cửa động cao ngang trần động, vách đá thẳng cao vút không thể xuống phía trước. 

Núi đứng trông ra một vùng biển xanh vạn dặm, đảo lớn đảo nhỏ ẩn hiện trong khói sóng, hình dáng như nằm như đứng, như vươn dậy như ẩn mình, như bình phong như thành trì, như bay lên như men theo, nhấp nhô bốn bên, thật khiến cho người ta có cảm tưởng ra khỏi cõi trần. Người địa phương bảo với ta rằng: “Động này chẳng biết có từ bao giờ. Từ khi Nhị Mạc công(5) đến, khởi đầu tạc vẽ mày mắt cho động, rồi làm cho nó thành chùa. Kế đến đề biển hiệu cho nó thì bắt đầu từ Mạc Quốc Lão công(6)”. Đến nay đã khoảng một trăm năm rồi, muốn biết rõ chuyện ấy nhưng không có bi kí để truyền lại cho người, tất cả đều cho rằng người tạo lập chùa là chuyện chẳng rõ. Ôi, sự vật mỗi thứ đều có lúc đến ngày cùng tận. Dẫu là trời đất nhật nguyệt cũng chẳng thể thoát được, nói chi đến chuyện có gì ở ngọn núi này. Làm sao biết được mấy trăm năm trước, ngọn núi này chẳng từ bể xanh ruộng dâu mà thành hình, và cũng nào biết được trăm ngàn năm sau, ngọn núi này không đổi thay cùng sông suối mà trở về với hư vô. Có gì ở đây, há cõi bụi tiêu tán có thể trở thành vĩnh cửu và có gì đó để truyền lại.

Ta nghe Nhị công họ Mạc(7) là bậc trung nghĩa giúp đời, nước nguy thân trốn, tránh nạn mà đến phương Nam, mở mang đất này. Vậy chí của ngài há để vào việc truyền lại với không truyền lại của động này hay sao? Đất khách quạnh hiu, mượn cảnh tiêu sầu. Mời khách Tử Lăng(8) hưởng một làn gió mát; gửi bậc Vương tử(9) ý nghĩ cao xa trong lúc lên lầu. Để cho trăm năm sau biết đời có Mạc công cũng được, không biết có Mạc công cũng được. Lập bia làm chi, dựng bia làm gì! Ôi, danh tiết của ngài hẳn nhiên chẳng phải nhờ động này mà truyền lại, và động sở dĩ vang danh cũng chẳng phải nhờ bia đá. Người thời nay sở dĩ cảm thương ngài, ấy là do cái mà chính cuộc đời ngài truyền lại. Thương thay!  

Nguyễn Văn Hoài

Nguồn: Tạp chí Xưa và Naysố 489 (11-2017),  tr. 48-50.

Chú thích

Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) trong mã đề tài số VII 1.2-2012.26

(1) 黏: Chữ này bản nguyên tác viết không rõ ràng. Chúng tôi tạm đoán theo hình chữ.

(2) Các chữ Mạc 鄚 trong bài đều bị viết nhầm thành Trịnh 鄭. Chúng tôi chữa lại.

(3) Chúng tôi nghĩ chữ 寺 thứ 2 này là thừa.

(4) Nếu đọc chữ 行 là “hàng” thì câu này cũng có thể dịch là: Đi theo hàng nến bên trái và bên phải động thì ra được tiền động.

(5) Nhị Mạc công, (7) Nhị công họ Mạc (nguyên văn: Mạc gia Nhị công): chỉ Mạc Cửu. Có thể đây là cách dịch một cách gọi Việt là “Ông Hai”.

(6) Mạc Quốc Lão công: chỉ Mạc Thiên Tứ (Tích). Mạc Thiên Tứ được phong tước là “Quốc Lão Quận Công”.

(8) Tử Lăng: tên tự của Nghiêm Quang 嚴光, một ẩn sĩ nổi danh thời Đông Hán.

(9) Vương tử: chỉ Vương Xán 王粲, một trong bảy tác gia lớn thời Kiến An (Kiến An thất tử), có bài phú Đăng lâu  登樓賦  nổi tiếng.

Thông tin truy cập

65777265
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
273
15612
65777265

Thành viên trực tuyến

Đang có 335 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website