I. Gs. Bửu Cầm là một trong những nhà giáo, nhà nghiên cứu Hán Nôm có uy tín của giới nghiên cứu ở miền Nam những năm trước 1975. Ông sinh năm 1920 tại Huế. Là người trí thức có vốn Hán học, ông còn giỏi Pháp ngữ. Ông đã học và làm việc với cac nhà Hán học nổi tiếng đương thời. Ông đã từng là Trưởng ban Hán văn trường Quốc học Huế và trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn, chuyên nghiên cứu lịch sử và ngữ văn cổ trung đại Việt Nam, văn hóa, triết học cổ Trung Hoa. Quá trình làm việc của ông là quá trình đóng góp nhiều công trình giá trị về lịch sử, văn học, ngữ âm, văn hóa... cho nước nhà. Các công trình nghiên cứu khoa học của ông còn để lại bao gồm cả sách, bài báo dịch thuật, biên khảo, sáng tác trên các tạp chí uy tín khoa học bấy giờ , cung cấp cho người đọc nhiều kiến thức có giá trị khoa học và thực tiễn. Bên cạnh những giá trị đó, chúng tôi, những kẻ hậu sinh còn thấy một giá trị lớn ở ông: một tấm gương về phong cách nghiên cứu khoa học. Trong cuộc hội thảo hôm nay, chúng tôi xin trân trọng trình bày những đóng góp vô giá này của ông.
II. Có thể nói hầu hết các công trình của ông làm ra đều thể hiện gần như trọn vẹn những tính chất đáng quí của một nhà nghiên cứu khoa học chân chính:
1. Kiến thức rộng và uyên thâm
Không thể phủ nhận được vốn ngoại ngữ tiếng Hán hiện đại, tiếng Pháp và vốn Hán học cổ điển của nhà nghiên cứu Gs. Bửu Cầm là sâu rộng, chắc chắn. Phạm vi ông nghiên cứu thuộc các lĩnh vực chuyên ngành cơ bản của khoa học xã hội rất đa dạng bao gồm:
- Biên khảo có: Tống Nho, Nhân văn thư xã Huế xuất bản lần thứ 1, năm 1954, Tìm hiểu kinh Dịch, tập 1, Nxb. Nguyễn Đỗ Sài Gòn, 1957, Quốc hiệu nước ta từ An Nam đến Đại Nam, Tủ sách Sử học Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, 1969, Thư mục về Nguyễn Du, soạn chung với Lê Ngọc Trụ, Dẫn nhập nghiên cứu chữ Nôm, Lam bản tác phẩm Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du.
- Dịch thuật có: Hoàng Việt giáp tý niên biểu, Hồng Đức bản đồ, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam hội điển…
- Chú giải có: Nam cầm khúc của Tuy Lý Vương, Hồi cổ ngâm của Tương An quận vương, Trăm thương của Tương An quận vương.
Trong từng đối tượng nghiên cứu, không phân biệt lớn nhỏ, ông đều tham khảo tài liệu sách, báo, tạp chí bằng tiếng Pháp, tiếng Hoa và tiếng Hán cổ. Ông nắm vững và trình bày những kiến thức sâu chắc về các thuật ngữ chuyên môn như triết học Nho, Lão, Phật, am tường các địa danh xưa để đối chiếu với nay, thông thuộc ý nghĩa của điển cố, các khái niệm về kỹ thuật... Nhờ thế, người đọc được trang bị thêm nhiều tầng kiến thức liên quan một cách rõ ràng, sâu chắc.
2. Phương pháp khoa học thực nghiệm
2.1. Phương pháp phân tích tài liệu
Do được trang bị một nền tảng kiến thức sâu chắc, phong phú của phương Đông (Trung Hoa), nên phương pháp nghiên cứu của ông ở bất kỳ đối tượng nào, đề tài nào cũng chặt chẽ, hiệu quả. Thông thường, phương pháp chính yếu được ông sử dụng là phân tích trực tiếp các tài liệu tham khảo. Bằng phương pháp này, ông đã thực hiện nghiên cứu đồng thời lĩnh vực văn bản học, hiệu chỉnh hiện tượng thật giả lẫn lộn của tác phẩm. Với ông, trong công trình Nguồn gốc chữ Nôm, để tìm cho ra thời gian chữ Nôm được sáng chế, ông tham khảo kỹ các ý kiến trước của Văn Đa cư sĩ, Phạm Huy Hổ, Pelliot, Nguyễn Văn Tố và Dương Quảng Hàm, tra cứu tất cả tài liệu, cứ liệu lịch sử, nghiên cứu, phân tích và phê phán rồi đưa ra nhận định của mình một cách thận trọng. Chỉ bằng phương pháp này, ông mới không bị sa đà vào thiên kiến chủ quan khi nhận định vấn đề, đặc biệt là xác định một chứng cứ mang tính lịch sử, hoặc xác định độ chân-giả của tài liệu, cung cấp cho bạn đọc cái nhìn khách quan và những nhận định chân xác.
2.2. Kế thừa và sáng tạo
Sưu tầm, khai thác tích cực các tài liệu có liên quan đến đề tài nghiên cứu là một việc làm khoa học và cần thiết. Trên cơ sở đó, nhà nghiên cứu Gs. Bửu Cầm đã tiếp thu có chọn lọc thông qua quá trình phân tích, phê phán các tài liệu, thể hiện cao nhất tinh thần kế thừa và sáng tạo độc đáo. Khi nghiên cứu về lai lịch quốc hiệu Đại Nam, các nhà nghiên cứu trước ông đều nói rất mơ hồ là quốc hiệu này bắt đầu có từ triều Minh Mạng. Gs. Bửu Cầm đã tổng hợp các ý kiến này và tra cứu những tài liệu để xác định một cách xác đáng thông qua những cứ liệu lịch sử, địa lý một cách rõ ràng, khoa học và chính xác rằng danh xưng Đại nam bắt đầu có từ năm 1838, đến năm 1839 mới được chính thức dùng trong các công văn.
Tính chất kế thừa và sáng tạo của ông thể hiện rõ nhất qua công trình Thư viện Quốc tử giám dưới thời Minh Mệnh-Thiệu Trị. Tiếp thu phương pháp thư mục, áp dụng lại tất cả những thông tin về thư mục học, ông phân loại, sắp xếp các tác phẩm theo thời gian thư viện tiếp nhận sách. Ngoài ra, ông còn trình bày rất rõ ràng cơ cấu tổ chức, cảnh trí, sinh hoạt học tập thi cử và ký túc xá của trường Quốc Tử Giám, giúp người đọc hình dung hệ thống hoạt động của trường xưa và tra cứu tài liệu dễ dàng, nhanh chóng.
2.3. Tính dân tộc trong phương pháp
Là một trí thức am hiểu Hán học và tiếng Pháp vào thời kỳ thực dân xâm lược, nhưng Gs. Bửu Cầm không hoàn toàn rập khuôn theo nước ngoài mà chỉ chọn lọc lấy những gì có lợi cho nghiên cứu phục vụ dân tộc. Khi đi tìm chứng cử về một vấn đề lịch sử như quốc hiệu Đại Nam, nguồn gốc chữ Nôm, xuất xứ của thể lục bát… ông nhận thấy các nhà khảo cứu đầu tiên đã lấy những bản văn của sử quán. Ngoài tài liệu của Trung Hoa, ông còn tận dụng tất cả những tài liệu của nước nhà có liên quan đến nguồn gốc ở Việt Nam để vẽ ra được quá trình hình thành và phát triển của vấn đề ông nghiên cứu.
2.4. Chú thích, phụ lục mang giá trị tham khảo và tính hệ thống cao
Hầu hết các công trình nghiên cứu của Gs. Bửu Cầm đều trình bày phần chú thích và phụ lục hết sức công phu. Có khi ở mỗi cuối chương đều có chú thích, dẫn giải. Rõ nhất là những chú thích về những câu trích dẫn nguyên văn bằng chữ Hán hoặc tiếng Pháp kèm theo xuất xứ (tên tác giả, số tờ, số hàng chữ, miêu tả kích thước, đặc điểm và lợi ích của tài liệu). Chỉ đọc những phần này thôi, chúng ta có thể thấy được một lượng lớn kiến thức về từ ngữ, thuật ngữ triết học, văn học, tôn giáo, những sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử, địa phương, địa danh, ngôi chùa v.v... Điều đáng nói nhất ở đây là phụ lục chú thích của Gs. Bửu Cầm không chỉ để dẫn giải mà ông còn trình bày quan điểm riêng của mình về vần đề nào đó chưa được xác định rõ hoặc không chính xác trong câu trích. Chẳng hạn, trong Nguồn gốc chữ Nôm, khi dẫn ý kiến của Phạm Huy Hổ chữ Hán có từ khi họ Hồng Bàng mới dựng lên”, ông dẫn chứng cứ ngữ liệu Hán từ tài liệu Thuyết văn giải tự của Hứa Thận, Lộ sử của La Bí, Văn tự học toản yếu của Tưởng Bá Tiềm, rồi kết luận rằng: “.. việc sáng chế văn tự chưa chắc đã có từ đời Hoàng Đế” và “thuyết của Phạm huy Hổ không đứng vũng, vì dù đời Hoàng Đế đã có chữ viết, thì người nước ta cũng không thể biết chữ Hán từ khi họ Hồng Bàng mới lập quốc, bởi vì Hồng Bàng nguyên niên (2879 trước T.L.) trước Hoàng Đế nguyên niên (2697 trước T.L.) những 182 năm.
2.5. Luận cứ chính xác, lập luận xác đáng, vững chắc
Bằng kiến thức sâu rộng, am hiểu nhiều lĩnh vực thuộc khoa học xã hội và áp dụng những phương pháp khoa học, nhà nghiên cứu Gs. Bửu Cầm xây dựng công trình nghiên cứu của mình bằng những luận cứ chính xác và lập luận xác đáng, vững chắc. Gs. Bửu Cầm thông qua cứ liệu lịch sử của ta và của Tàu để xác định nhiều sự kiện quan trọng như Hai bức thư chữ Nôm mở màn cuộc phân tranh Trịnh-Nguyễn, xác định lãnh thổ Việt Nam từ triều Nguyễn về sau v.v... Sự vững chắc trong chứng minh và lập luận của Gs. Bửu Cầm đã xây dựng độ tin cậy cho từng chi tiết, từng cứ liệu về thời gian, nơi chốn..., làm tăng uy tín khoa học cho công trình. Nội dung trích dẫn tập trung, không dàn trải, dài dòng. Lời văn mạch lạc, rõ ràng, hoàn chỉnh và sinh động tạo sự thú vị cho người đọc.
3. Tính cẩn trọng, chịu khó
Điều thấy rõ nhất ở mỗi tác phẩm khảo cứu kể cả chú thích của Gs. Bửu Cầm là tính cẩn trọng, chịu khó, tỉ mỉ và cầu toàn. Đó là những yêu cầu cơ bản nhất của người nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nghiên cứu Hán Nôm. Bước đầu tiên khi ông bắt tay vào nghiên cứu một vấn đề là sưu tầm tài liệu và khai thác chúng một cách triệt để nhất. Nhờ thế, ông tìm ra được nhiều manh mối cho cứ liệu lịch sử nước nhà, xác định sự kiện và làm sáng tỏ nhiều vấn đề trước đó còn tồn nghi vì thiếu chứng cứ. Khi nghiên cứu lịch sử Giao Châu, ông không bỏ sót một chi tiết nào dù là nhỏ nhất để tìm cho ra sự thật bằng cách khảo lại tất cả họ tên của các tên đất có từ đời Trần, đời Lê để xác định địa lý cuyên hải Việt Nam qua tác phẩm Hải môn ca.
Tất cả những sự kiện, tên triều đại, tên người, tên đất khi được đề cập đến, ông luôn luôn chua thêm đầy đủ những chi tiết như chữ Hán, tiếng Pháp, tiếng Anh năm tháng âm lịch có đối chiếu với năm Tây lịch. Khi trích dẫn câu chữ Hán, ông đều nhất nhất theo thứ tự trích câu chữ Hán, phiên âm, dịch nghĩa hẳn hoi, phân tích, nhận xét câu trích. Không chỉ ở nội dung chính mà phần chú thích, phụ lục cũng là một công trình nghiêm cẩn và có giá trị thông tin rất cao.
4. Tính trung thực và tinh thần cầu thị
Sự nghiêm cẩn trong nghiên cứu kéo theo sự thể hiện tính trung thực và tinh thần cầu thị đáng quí ở Gs. Bửu Cầm, một đức tính cần có trong nghiên cứu. Bàng bạc khắp nơi trong các công trình nghiên cứu của ông đều thể hiện đức tính này. Thấy rõ nhất là ở phần chú thích và phụ lục. Nội dung được giới thiệu được trình bày đúng như các hiện tượng và sự kiện xảy ra. Những câu trích dẫn được chép lại trung thực, tài liệu tham khảo đều được ghi đầy đủ theo trình tự tên tác giả, nguồn gốc, lược thuật nội dung, số trang, số tờ, số hàng chữ, viết bằng ngoại ngữ nào, miêu tả những đặc điểm về hình dạng, đánh giá chung về nguồn tài liệu, rất bổ ích cho người sau tham khảo.
III. Những đức tính đáng trân trọng kể trên của nhà nghiên cứu Gs. Bửu Cầm là tấm gương sáng về phong cách, phẩm chất cần có và nên được phát huy của một người làm công tác nghiên cứu khoa học. Cũng giống như suy nghĩ của ông, chúng ta, những kẻ hậu sinh học tập, noi gương ông rèn luyện một phong cách nghiên cứu khoa học với đầy đủ những đức tính như cẩn trọng, tỉ mỉ, trung thực, cầu thị và trang bị kiến thức sâu rộng, chọn lọc phương pháp khoa học, sáng tạo để nghiên cứu một cách hiệu quả. Đó là điều cần thiết và đáng hoan nghênh nhằm vào mục đích vì khoa học và phục vụ dân tộc. Kẻ hậu sinh chúng ta xem việc thực hiện ấy là lời tri ân chân thành nhất, trân trọng nhất của chúng ta đối với ông, nhà nghiên cứu, người thầy Gs. Bửu Cầm.
Đ.A.L.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bửu Cầm, Các thi phái đời Đường, Văn hóa, số 64.
2. Bửu Cẩm, Cổ văn Việt Nam,
3. Bửu Cầm, Đồ sứ đời Tống,
4. Bửu Cầm, Giao Châu thời Lục triều,
5. Bửu Cầm, Hai bức thư mở màn cuộc phân tranh Trịnh-Nguyễn, Văn hóa nguyệt san (1963)-9.
6. Bửu Cầm, Hải môn ca, Văn hóa nguyệt san (1969)-6.
7. Bửu Cầm, Khương Công Phụ, Văn hóa nguyệt san số 54.
8. Bửu Cầm, Một bức thư chữ Nôm của Trịnh Cương gửi Nguyễn Quán Nho, Văn hóa nguyệt san số 69.
9. Bửu Cầm, Một sử liệu quý giá về Nam phần Việt Nam,
10. Bửu Cầm, Một vị thiền sư đã dung hòa nghệ thuật và đạo lý-Thích Viên Thành,
11. Bửu Cầm, Nam cầm khúc-một áng văn chương miền Trung,
12. Bửu Cầm, Nam ông mộng lục-một tác phẩm của Hồ Nguyên Trừng, con Hồ Quý Ly, Văn hóa nguyệt san XI
13. Bửu Cầm, Ngày xuân nói chuyên hoa lan, Văn hóa nguyệt san XII số 58.
14. Bửu Cầm, Nguồn gốc chữ Nôm, Văn hóa nguyệt san số 50.
15. Bửu Cầm, Những câu ca dao liên quan đến Huyền Trân công chúa, Văn hóa nguyệt san số-66
16. Bửu Cầm, Non sông gấm vóc và mùa xuân dân tộc, Văn hóa nguyệt san số (1964)-1.
17. Bửu Cầm, Nữ phạm diễn từ, Văn hóa nguyệt san số 65.
18. Bửu Cầm, Quốc hiệu Việt Nam và Đại Nam, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xb, 1969.
19. Bửu Cầm, Sách “Tự học giải nghĩa ca” của vua Tự Đức, Văn hóa nguyệt san số 43.
20. Bửu Cầm, Thanh Hóa quan phong-một quyển kinh Thi Việt Nam, Văn hóa nguyệt san 1961.
21. Bửu Cầm, Thanh Tâm tài nhân là ai? Văn hóa nguyệt san số 42.
22. Bửu Cầm, Thơ mới Trung Quốc, Văn hóa nguyệt san số 57.
23. Bửu Cầm, Thử tìm nguồn gốc văn thể lục bát, Văn hóa nguyệt san số 69.
24. Bửu Cầm, Tương quan giữa những hình chạm trên trống đồng Việt tộc và bài “Đồng Quân” trong Sở từ,
25. Bửu Cầm, Văn hóa Việt Nam dưới hai triều Lý và Trần, Văn hóa nguyệt san XI (1962)-6.
26. Bửu Cầm, Xuân đào, Văn hóa nguyệt san XII (1963)-6.
27. Bửu Cầm, Yêu ngủ-Ái miên ca, Văn hóa nguyệt san số 40.