Về việc chú thích điển cố trong "Kim thạch kỳ duyên" của Bùi Hữu Nghĩa

Vào thời đại ông cha ta còn dùng chữ Hán, do quan niệm của các nhà Nho sáng tác, do tính chất miêu tả hiện thực một triều đại phong kiến, các loại tuồng, nhất là tuồng pho, lời thoại phải vừa hàm chứa nội dung linh hoạt để tránh câu nệ, vừa phải được xây dựng theo cách điệu, có âm hưởng và trang trọng nhằm tránh dung tục, tầm thường. Kịch bản hát bội chính là một tác phẩm văn học sân khấu, là bản trường ca nhiều màu sắc và phong phú về giai điệu. Hát bội kết hợp hài hoà, nhuần nhuyễn giữa văn xuôi, văn vần và thơ. Các thể thơ khác nhau được viết bằng chữ Hán lẫn chữ Nôm, như tứ tuyệt, ngũ ngôn, thất ngôn, lục bát, song thất lục bát, vè... để thể hiện tâm trạng và tình huống. Những đặc điểm đó nhằm phục vụ trước hết cho thị hiếu của các nhà quý tộc triều đình, nên trong văn hát bội, chữ Hán và điển cố chiếm tỷ lệ cao.

 

 

 

Nếu trong một tác phẩm thơ thuần tuý, số lượng điển cố được vận dụng tối đa trong từng câu, từng chữ, thì ở tác phẩm văn học - sân khấu, chúng được đưa vào một cách dè dặt, có tính toán để phù hợp nhất với ý nghĩa lời thoại sân khấu, cho người xem dễ hiểu nhất.

 

Kim Thạch kỳ duyên là một tác phẩm hát bội của Bùi Hữu Nghĩa. Khi nói đến Bùi Hữu Nghĩa, người ta thường nhắc đến Kim Thạch kỳ duyên. Đây là vở hát bội được ông viết trong thời gian đã về hưu ở Bình Thủy, Cần Thơ. Ông coi việc sáng tác là một thú vui giải trí, là nơi gửi gắm tâm tư, cuộc sống của riêng mình. Tuy vậy, tác phẩm được nhân dân ưa thích, đặc biệt là nhân dân vùng Bình Thủy, được phiên ra nhiều bản chữ Quốc ngữ và đã được P.Midan dịch sang tiếng Pháp.

 

Tuy là tác phẩm văn học - sân khấu, nhưng do Kim Thạch kỳ duyên nặng tính bác học trong lối viết, bố cục kịch bản khá rườm rà, âm điệu khó hát... nên chỉ để đọc, để ngâm chứ không diễn trên sân khấu được. Do vậy, Kim Thạch kỳ duyên nặng tính văn học thuần túy hơn là một tác phẩm sân khấu. Tuy nhiên, chúng ta không phủ nhận tài năng của tác giả trong cách xây dựng hình tượng nhân vật, phong cách viết và cách vận dụng điển cố làm cho câu văn thêm hàm súc.

 

Khi nghiên cứu về điển cố của tác phẩm này, chúng tôi nhận xét cách chú giải trong "Nghi Chi Bùi Hữu Nghĩa, Tuồng hát bội Kim Thạch kỳ duyên, Trần Văn Hương chú thích, Lê Ngọc Trụ hiệu đính, nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1966", có tham khảo thêm Kim Thạch kỳ duyên, Edition Bùi Quang Nhơn, Saigon, Imp Claude et C.ie, 1895 - Edittion Thạnh Phát (Cần Thơ) Hanoi, Imp. du Trung Bắc Tân Văn, 1919", và "Bui Quang Nghia - L'union merveilleuse de Kim et de Thach - Manuscit en chữ Nôm précédé d'une introduction et des commentaires par P. Midan, in BSEI., nouv. sér, t.9, 1934 No. 1-2" Chúng tôi thấy có nhiều điển giải thích chưa rõ, chưa chính xác hoặc còn nhiều thiếu sót, có điển không giải thích. Trong bài viết này, chúng tôi tiến hành giải thích lại những điển ấy và có nhận xét ngắn gọn về sự khác nhau.

 

Chúng tôi xin trích ra đây vài điển tiêu biểu:

 

I. Những điển giải thích sai:

 

Ở hồi 2, cảnh 1, lớp 3, Nhị nhơn đồng vãn viết: Bùi ngùi thay lúc chia bâu.

 

Trần Văn Hương chú: "Bâu là cổ áo. Lối ăn mặc xưa bắt buộc áo phải có bâu. (Ai từng mặc áo không bâu ?). Chỉ tình thân vợ chồng như bâu với áo. Chia bâu: vợ chồng xa nhau"

 

P.Midan chú có rõ hơn: séparer (diviser) col. Les deux époux sont comparés à la tunique et au col. Un mari qui se sépare de sa femme est comme le col qu'on arrache de la tunique. Dans les scènes de séparation, I'épouse essaie de retenir son mari par le pan de la tunique. Le mari le lui arrache brusquement.

 

Theo chúng tôi, "bâu" không chỉ là cổ áo, mà còn có nghĩa là vạt áo. Khi chia tay, người vợ hoặc chồng dùng vạt áo thấm nước mắt mình hoặc nắm vạt áo chồng, rồi lúc ra đi phải rời tay ra. Có người lúc chia tay, cắt vạt áo tặng người ra đi, ngầm biểu hiện sự thủy chung chờ đợi, nên gọi là "Chia bâu". Đỗ Mục có thơ rằng: Phân duệ hoàn ưng lập mã khán, Hướng lai ly tứ thủy tri nan = Chia bâu còn dừng ngựa mà nhìn. Xưa nay chia ly mới biết là khó.

 

Ở hồi 1, cảnh 7, lớp 4, Kim Ngọc vãn viết:

 

Khuôn linh đã đúc anh hùng
Dẫu ra gan chuột, cánh trùng quản bao.

 

Bùi Quang Nhơn chú: Gan chuột cánh trùng: sách cổ văn có câu: "Trùng tí thử can tùy thiên phú dự" (cánh trùng gan chuột tuỳ thời cấp cho, ngụ ý: tất cả đều do trời sắp đặt). Anh hùng gặp thế nào phải theo thế nấy.

 

P.Midan không chú điển này.

 

Theo chúng tôi, "Gan chuột cánh trùng" trong hoàn cảnh ấy không chỉ sự tùy cơ ứng biến mà chỉ sự nhỏ bé, thấp hèn, không ra gì, do câu Trùng tí thử can. ý Kim Ngọc nói khiêm tốn rằng: vì đại nghĩa, dù thân mình có không ra gì hoặc chết, thì cũng chẳng màng đến.

 

II. Những điển giải thích chưa rõ:

 

Ở hồi 1, cảnh 8, lớp 6, Kim Ngọc, Vô Hà viết:

 

Trên đã có lòng ái ốc,
Dưới nguyền nhờ đức cập ô.

 

Trần Văn Hương chú: ái ốc cập ô là tiếc cái nhà nên thương đến con quạ (Con quạ đậu trên cái nhà; lấy cây đá ném con quạ sợ hư đến cái nhà).

 

P.Midan chú rõ hơn: aimer la maison et les corbeau. Epargner quelqu'un ou lui témoigner de la sympathie par egard pour une autre. "L'affection portée à une maison, embrasse même le corbeau perché sur son toil, à plus forte raison s'étend-elle à la personne qui y loge". C.P.p.115. Kim Ngọc et Vô Hà souhaitent que Thành Trai reporte sur eux l'amitié qu'il avait pour le père de Kim Ngọc.

 

Chúng tôi đồng ý với P.Midan, "ái ốc cập ô" là thương cái nhà và con quạ. Yêu thích cả những ai, những gì của người mình yêu. Trong Thượng thư đại truyện có câu: Ái nhân giả, ái ốc thượng chi ô = Yêu người, yêu cả con quạ đậu trên nhà người". Kim Ngọc nói lời cảm ơn Thành Trai vì tình bạn với cha chàng mà thương yêu, lo toan cho cả hạnh phúc của chàng.

 

Ở hồi 2, cảnh 1, lớp 3, Kim Ngọc viết:

 

Như vợ chồng ta Chung áo trâu khắng khít những ngày.

 

Bùi Quang Nhơn chú: "Tích Vương Chương vị ngộ, phu thê dạ ngọa ngưu y:: Vương Chương thuở chưa làm nên, vợ chồng đêm lạnh, dùng áo da trâu lót cỏ mà nằm".

 

P.Midan chú: (Chinois: Wang Tchang Tchong K'ing). Encore Pauvre il couchait avec sa femme sous une couverture grossière, dans un misèrable grabat. Plus tard il parvint à être nommé Préfet de la Capitale. Sa femme lui conseilla de mettre des bornes à son ambition et de ne pas oublier les larmes versées jadis sur la pauvrre couverture. Le áo trâu (habit ou couverture, buffle) était fait de chanvre.

 

Cả Bùi Quang Nhơn và P.Midan đều cho "áo trâu" là áo làm bằng da trâu. P.Midan chua thêm ý cuối cùng hợp lý hơn. Theo chúng tôi, "áo trâu" không phải là áo bằng da trâu mà là áo tơi, chỉ tình cảnh nghèo khổ hoặc tật bệnh. Vương Tiên Khiêm khi chú thích đã dẫn Diễn phồn lộ: "Ngưu y biên thảo sử noãn dĩ bị ngưu thể, cái thoa y chi loại = áo trâu do cỏ đan bện rất ấm, dùng để đắp cho trâu, vốn là loại áo tơi".

 

Ở hồi 3, cảnh 5, lớp 3, Kim Ngọc viết:

 

Cùng Thiết đệ vầy duyên châm kiểu.

 

Bùi Quang Nhơn chú là hòn đe đập lúa, ví người chồng nhưng lại không nói tại sao là hòn đe ?

 

 (èÕ  Âé cũng viết là ©é  Âé"Châm kiểu" do chữ Cảo châm Cảo: thân lúa; Châm: chày đá), tức chày đá để đập lúa, chỉ người chồng. Sách Danh nghĩa khảo giải thích rằng ngày xưa, người có tội phải cúi xuống cái chày đá đập lúa, đao phủ dùng cây rựa để chém đầu. Hễ nói đến chày đập lúa thì nói luôn đến cây rựa (tức chữ phu  ò·). Chữ này đồng âm với chữ  phu   là người chồng, nên người ta ngầm nói người chồng là cảo châm.

 

III. Những điển giải thích chưa chính xác:

 

Ở hồi 3, cảnh 5, lớp 3, Kim Ngọc viết:

 

Huê ngạc rỡ, việc nhà rày toan liệu.

 

Trần Văn Hương chú: "Huê ngạc: búp hoa. Chữ Huê ngạc tương huy chỉ rằng anh em sung túc giàu sang".

 

P.Midan chú cách khác, nhưng có lẽ không thuyết phục lắm: "Huê ngạc: calice des fleurs. L'empereur Đường Minh Hoàng (T'ang Yun Tsong), Nguyên tôn, avait fait bâtir près de son palais un pavillon sur les murs duquel on lisait ces mots. "Les calices des fleurs marient leur éclat "Il aimait venir avec ses frères dans ce pavillon.

 

Theo chúng tôi, "Huê ngạc" (Huê: hoa; ngạc: đài hoa) chỉ tình huynh đệ; chỉ anh em thương yêu nhau, do câu trong Kinh Thi: "Đường đệ chi hoa, ngạc bất vĩ vĩ, phàm kim chi nhân, mạc như huynh đệ = Hoa Đường đệ trông dáng ngoài há không rực rỡ sao. Phàm người bây giờ, không ai bằng anh em". Huê ngạc mang nghĩa này mới hợp ý nghĩa với chữ Thới giai (chỉ sự thái bình) của câu trên:

 

Thới giai lòa, chánh nước lúc thanh nhàn.

 

Ở hồi 1, cảnh 2, lớp 2, Giải Thị vãn viết:

 

Sớm khuya tiếng hạc, tiếng đờn gần nhau.

 

Trần Văn Hương chú: "Tiếng hạc, tiếng đàn do chữ Cầm hạc, chỉ đức tánh thanh nhã của một ông quan cai trị".

 

P.Midan chú: "Hạc: grue, grus montignesia, grue de Mandchourie. "Trong như tiếng hạc bay qua", clair comme la voix de la grue qui passe (Dic. Génibrel). "Đờn" terme général qui désigne tous les instruments à corde: harpe, lyre, guitare etc... Les accents de la grue représentent la voix du mari, les accents de la lyre représentent la voix de la femme.

 

Theo nội dung câu thơ, P.Midan giải thích có phần đúng với ngữ cảnh, nhưng thiếu cơ sở. Còn ý nghĩa "đức tính thanh nhã của một ông quan cai trị" do Trần Văn Hương chú thì chưa thật đúng với tinh thần câu thơ. Theo chúng tôi, điển này do tích Triệu Biện, người đất Tây An đời Tống, tự là Duyệt Đạo, đậu Tiến sĩ. Đầu niên hiệu Cảnh Hựu, ông làm quan đến chức Điện trung thị ngự sử, tính tình thẳng thắn, liêm chính. Khi chỉ trích lỗi các quan thì không kiêng nể kẻ quyền quý, được người đời ngợi khen là quan ngự sử mặt lạnh lùng như sắt. Khi làm quan ở Thành Đô, ông chỉ đem theo một cây đàn và một con hạc. Chính trị của ông rất giản dị. Khi vua Thần Tông lên ngôi, ông được cất nhắc làm Tham tri chính sự. Không hợp với Vương An Thạch, ông xin từ quan về hưu. Điển này ngoài hàm ý chỉ đức độ của ông quan thanh liêm, chính trực, còn chỉ một tình cảm chân thành, thiết tha và trước sau như một.

 

IV. Những điển còn thiếu, chưa giải thích:

 

Ở hồi 2, cảnh 7, lớp 5, Thiết Hoan viết:

 

Niệm Cơ Bá, Phi Liêm.

 

Trần Văn Hương không chú điển Cơ Bá, Phi Liêm.

 

"Cơ Bá" là thần gió, hiện thân qua hình ảnh ông già râu bạc. Tay trái ông ôm một cái túi gió, còn tay phải thả lỏng miệng túi xuống tuyết. Không khí trong túi tuôn ra ngoài, tạo thành gió. "Phi Liêm" là con rồng thường bay rất nhanh, người ta gọi là thần gió.

 

Ở hồi 1, cảnh 6, lớp 1, Giải Thị viết:

 

Gội tuyết phải gắng công Lý Cố.

 

Trần Văn Hương, Bùi Quang Nhơn và P.Midan không chú điển này.

 

"Lý Cố" người đời Hậu Hán, tự là Tử Kiên, lúc trẻ trì chí học tập, kiến thức uyên thâm, làm Thái úy đời vua Trùng Đế (146 trước công nguyên). Ý Giải Thị khuyên con trai nên kiên trì chịu đựng, đợi thời cơ đến hãy ra tay báo thù cha.

Có thể nói, việc chú thích điển cố trong Kim Thạch kỳ duyên của Bùi Hữu Nghĩa của Bùi Quang Nhơn, Trần Văn Hương và P.Midan là khá đầy đủ. Nội dung giải thích ngắn gọn, vừa đủ, phù hợp với ngữ cảnh câu thơ và tình huống kịch. Tuy nhiên có khi vì muốn sát hợp với hoàn cảnh câu nói của nhân vật, mà lối giải thích trở nên khiên cưỡng hoặc quá cô đọng, làm người xem không nắm rõ. Nhìn chung, do đặc điểm phải tiếp xúc trực tiếp với khán giả, do yêu cầu lời thoại phải dễ hiểu, điển cố trong văn hát bội thường là thông dụng, phổ biến và dễ hiểu. Riêng Kim Thạch kỳ duyên, vở hát bội nặng tính bác học, nên lối dùng điển gần giống như một tác phẩm văn học thuần túy. Giải thích lại những điển của người trước đã chú chưa chính xác là điều cần thiết, để việc đánh giá kiến thức tác giả cũng như giá trị tác phẩm, ở góc độ dùng điển, được đúng đắn hơn.

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm số 3.1998

Thông tin truy cập

63662309
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
6027
17595
63662309

Thành viên trực tuyến

Đang có 1104 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website