Những đức tính đáng trân trọng của GS Bửu Cầm là tấm gương sáng về phong cách, phẩm chất của người làm công tác nghiên cứu khoa học
GS Bửu Cầm là một trong những nhà giáo, nhà nghiên cứu Hán Nôm có uy tín của giới nghiên cứu ở miền Nam những năm trước 1975. Ông đã học và làm việc với các nhà Hán học nổi tiếng đương thời, từng là trưởng Ban Hán văn Trường Quốc học Huế và Trường ĐH Văn khoa Sài Gòn, tiếp tục giảng dạy Hán Nôm tại Trường ĐH Tổng hợp TPHCM sau ngày giải phóng. Ông đã đóng góp nhiều công trình giá trị về lịch sử, văn học, ngữ âm, văn hóa...
GS là người có vốn ngoại ngữ tiếng Hán hiện đại, tiếng Pháp và vốn Hán học cổ điển sâu rộng. Phạm vi ông nghiên cứu thuộc các lĩnh vực chuyên ngành cơ bản của khoa học xã hội rất đa dạng. Với ông, sưu tầm, khai thác tích cực các tài liệu có liên quan đến đề tài nghiên cứu là một việc làm khoa học và cần thiết. Trên cơ sở đó, GS Bửu Cầm đã tiếp thu có chọn lọc thông qua quá trình phân tích các tài liệu, thể hiện cao nhất tinh thần kế thừa và sáng tạo độc đáo.
GS Bửu Cầm tên thật là Nguyễn Phúc Bửu Cầm, sinh ngày 14-8-1920 tại Vỹ Dạ, Huế. Ông là con đầu lòng của thi sĩ Ưng Oanh và nữ sĩ Trịnh Thị Tố, dòng dõi của Tuy Lý vương Miên Trinh (cháu gọi Tuy Lý Vương bằng cố). GS đã từ trần ngày 19-6-2010, hưởng thọ 91 tuổi. GS Bửu Cầm đã xuất bản hàng chục tác phẩm: Hồng Đức bản đồ (1962), Chú thích Khâm định Việt sử thông giám cương mục (quyển đầu, 1960), Chú thích Hoàng Việt Giáp Tý niên biểu (1963), Chú thích Bang giao trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (1968), Hiệu đính Khâm định Việt sử thông giám cương mục tiền biên (quyển 2, 1965), Tìm hiểu Kinh Dịch, tập 1 (1957), Tống Nho: Triết học khảo luận (1954)...
V.Gia |
Là một trí thức am hiểu Hán học và tiếng Pháp vào thời kỳ thực dân xâm lược nhưng GS Bửu Cầm không hoàn toàn rập khuôn theo nước ngoài mà chỉ chọn lọc những gì có lợi cho nghiên cứu phục vụ dân tộc. Bằng kiến thức sâu rộng, am hiểu nhiều lĩnh vực thuộc khoa học xã hội và áp dụng những phương pháp khoa học, nhà nghiên cứu - GS Bửu Cầmxây dựng công trình nghiên cứu của mình bằng những luận cứ chính xác và lập luận xác đáng, vững chắc.
Điều thấy rõ nhất ở mỗi tác phẩm khảo cứu, kể cả chú thích của GS Bửu Cầm, là tính cẩn trọng, tỉ mỉ và cầu toàn. Đó là những yêu cầu cơ bản nhất của người nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nghiên cứu Hán Nôm. Bước đầu tiên khi ông bắt tay vào nghiên cứu một vấn đề là sưu tầm tài liệu và khai thác chúng một cách triệt để nhất. Nhờ thế, ông tìm ra được nhiều manh mối cho cứ liệu lịch sử nước nhà, xác định sự kiện và làm sáng tỏ nhiều vấn đề trước đó còn tồn nghi vì thiếu chứng cứ.Sự nghiêm cẩn trong nghiên cứu thể hiện tính trung thực và tinh thần cầu thị đáng quý ở GS Bửu Cầm, một đức tính cần có trong nghiên cứu.
Bàng bạc khắp nơi trong các công trình nghiên cứu của ông đều thể hiện đức tính này. Thấy rõ nhất là ở phần chú thích và phụ lục. Những câu trích dẫn được chép lại trung thực, tài liệu tham khảo đều được ghi đầy đủ theo trình tự tên tác giả, nguồn gốc, lược thuật nội dung, số trang, số tờ, số hàng chữ, viết bằng ngoại ngữ nào, miêu tả những đặc điểm về hình dạng, đánh giá chung về nguồn tài liệu, rất bổ ích cho người sau tham khảo...
Những đức tính đáng trân trọng kể trên của GS Bửu Cầm là tấm gương sáng về phong cách, phẩm chất của người làm công tác nghiên cứu khoa học. GS đã bước vào tuổi đại thọ và thanh thản ra đi sau một đời nghiên cứu và dạy học. Các thế hệ học trò noi gương, rèn luyện cho mình phong cách nghiên cứu khoa học với đầy đủ những đức tính cần thiết, bởi đó cũng là lời tri ân chân thành, trân trọng đối với Thầy – GS Bửu Cầm.
TS Đoàn Ánh Loan (Trường ĐH KHXH-NV TPHCM)
Nguồn: http://nld.com.vn/20100621105618382P0C1020/vinh-biet-giao-su-buu-cam.htm