Giáo sư Bửu Cầm - học giả Hán Nôm

1- Vài dòng tiểu sử

Giáo Sư Bửu Cầm (1920- ): Là một học giả, giáo sư Đại học Văn khoa, sinh ngày 14 tháng 8 năm 1920 tại Huế, tằng tôn của thi hào Tuy Lí Vương.

Thuở nhỏ ông sống và học tại Huế, xuất thân là viên chức bộ Lễ ở Huế từ năm 1943-1945. Từ năm 1950 là giáo sư trường Quốc học Huế, năm 1954 làm trưởng phòng Tu thư Viện Văn hóa Trung Việt.

Từ năm 1954, ông chuyển vào Sài Gòn làm chuyên viên Viện Khảo cổ (1956-1968). Từ những năm 60 ông được thỉnh giảng tại Đại học Văn khoa Sài Gòn, sau đó được chính thức phong giáo sư thực thụ Đại học tại Đại học Văn khoa Sài Gòn đến năm 1975. Ông là một trong 4 vị không tốt nghiệp Đại học, nhưng học vấn uyên thâm nên được chính phủ Sài Gòn đặc cách phong chức danh giáo sư Đại học (4 vị trên gồm Gs Nghiêm Toản, Nguyễn Duy Cần, Lê Ngọc Trụ và ông), có lúc ông được cử làm Trưởng ban Hán học tại Đại học văn khoa Sài Gòn. Ông là người góp công nhiều trong việc đào tạo một số học giả Hán Nôm trẻ ở Sài Gòn trước đây. Hiện nay ông vẫn sống an nhàn trong những ngày vãn niên tại quận Tân Bình TP.HCM.

Các tác phẩm chính :

- Du lịch Thái Hư (1948)

- Việt ngữ chính tả tự vựng (1949)

- Tống Nho (NXB Nhân Văn, Huế, 1954)

- Hoài cổ ngâm (chú thích – Nghệ thuật, 1950)

- Nam Cầm khúc (chú thích NXB Tinh Hoa, 1949)

- Tìm hiểu Kinh Dịch I (NXB Nguyễn Đỗ, 1957)

- Thư mục về Nguyễn Du (Viện Khảo cổ Sài Gòn, 1965)

- Quốc hiệu nước ta từ An Nam đến Đại Nam (Phủ Quốc vụ Khanh Văn hóa, 1969)

và một số bản thảo:

- Nước ta dưới thời Bắc thuộc

- Đào Duy Từ và Ngọa Long cương ngâm

- Nghiên cứu chữ Nôm

 - Văn hóa Việt tộc

- So sánh và phê bình văn hóa Đông Tây

- Trung Quốc triết học sử

..........

2- Tác phẩm

Giáo sư Bửu Cầm là một học giả chuyên về Hán Nôm học thâm sâu, uyên bác siêng năng, cần cù trong học giới miền Nam (Việt Nam) trước đây. Các công trình văn hóa của ông đều thuộc lĩnh vực Việt Nam học cổ học Á Đông; nhất là triết học Trung Hoa, văn chương cổ Việt Nam và Trung Quốc.

Công trình nghiên cứu triết học sớm nhất của ông là cuốn Tìm hiểu Kinh Dịch (NXB Nguyễn Đỗ, 1957, Sài Gòn) được viết và hoàn thành từ lúc ông mới trên 30 tuổi (1955) về một tác phẩm triết học kinh điển, nhất là phần nhân sinh quan của Kinh Dịch : tìm hiểu cái đạo người, hay triết lí trong Kinh Dịch. Nói rõ hơn là tác giả tìm hiểu về cách xử thế, tu thân của bậc chánh nhân quân tử ngày xưa.

Những chủ đề đó được tác giả trình bày tuy sơ lược mà có hệ thống, mạch lạc giúp độc giả hiểu được phần nào triết học của bộ kì thư có một không hai của triết học cổ Trung Quốc (Kinh Dịch). Trong cách nhìn đó, ông tìm hiểu Kinh Dịch bằng cách vạch ra ba quan niệm cơ bản của Kinh Dịch, như cách lí giải của tác giả về bộ kì thư này.

- Số của Hà Đô

- Thứ tự sinh ra và thứ tự vận hành của các số trong Hà Đồ

- Nhật xét

- Số của Lạc Thư

- Thứ tự sinh ra và thứ tự vận hành của các số trong Lạc Thư

- Nhận xét

- Thái Cực, Lưỡng Nghi, Tứ tượng

- Ngũ hành

- Bát Quái

- Vài con số quan trọng trong Kinh Dịch

- Sáu mươi bốn quẻ Dịch

- Ý nghĩa sáu mươi bốn quẻ

- Một bài thơ tóm được yếu chỉ sáu mươi bốn quẻ

Thiệu Khang Tiết (triết gia Trung Hoa) có một bài thơ tóm tắt được yếu chỉ của 64 quẻ dịch như sau :

Nhĩ mục thông minh nam tử thân,

Hồng quân phú dữ bất vi bần.

Tu tham nguyệt quật phương tri vật,

Vị nhiếp thiên căn khởi thức nhân ?

Kiền ngộ Tốn thời quan nguyệt quật

Địa phùng Lôi xứ kiến thiên căn.

Thiên căn nguyệt quật nhàn lai vãng

Tam thập lục cung đô thị xuân.

Nghĩa :

Thân người con trai có tai thông mắt sáng

Ấy là do trời đất phú cho nên không thiếu thốn.

Phải viếng hang trăng mới biết được vật”

Chưa tới gốc trời làm sao hiểu được người”?

Lúc Kiền gặp Tốn xem hang Trăng

Nơi Đất gặp Sấm thấy gốc trời

Gốc trời, hang trăng quen lui tới

Ba mươi sáu cung đều là xuân

Tức, Câu 1 : lấy thân người đàn ông làm điển hình cho toàn thể nhân loại (trong đó gồm có đàn bà) và cho cả loài sinh vật nữa. Con người sở dĩ sống được là nhờ có đủ vật chất (thân) và tinh thần (thông minh).

Câu 2 : Vật chất và tinh thần đó do trời đất (Hồng quân hay Kiền Khôn) phú cho, nên không ai thiếu thốn (bần).

Câu 3-4 : Nhưng khi con người, hoặc sinh vật, đã có đủ điều kiện để sống, tất hai giống khác tính phải hấp dẫn nhau để nối theo sự sinh hóa của trời đất. Cho nên, trai (hay giống đực) phải biết “hang trăng”; gái (hay giống cái) phải biết gốc trời”.

Câu 5-6 : Lấy quẻ Cấu “gồm có hai quả Kiền và Tốn) để chỉ trai (giống đực) gặp gái (giống cái); cái tượng của nó là trên cương kiện (Kiền), dưới nhu thuận (Tốn); một hào âm (––) ở dưới cũng tượng cho âm vật. Lại lấy quẻ Phục (gồm có hai quẻ Khôn và Chấn) để chỉ gái (giống cái) gặp trai (giống đực); cái tượng của nó là trong đất (Khôn) có sấm (Chấn), động ở trong tĩnh, dương ở trong âm; một hào dương () ở dưới cũng tượng cho dương vật. Thế là khi Kiền gặp Tốn thì thấy được hang trăng (cấu), lúc Khôn gặp Chấn hẳn biết được gốc trời (Phục).

Câu 7-8 : Hang trăng gốc trời (âm dương, gái trai, đực cái) quen lui tới với nhau, nên tất cả ba mươi sáu cung đều chứa đầy xuân ý(1).

Trên đây là lời giải thích bài thơ theo quan điểm sinh vật học. Nhưng ta phải biết rằng bài thơ trên lấy người hay sinh vật tức là tiểu vũ trụ (microcosme) để bàn đến đại vũ trụ (macrocosme), vì sáu mươi bốn quẻ Dịch đã bao quát cả thời gian và không gian. Hai câu 5, 6 không những chỉ nói về sự giao cảm của hai giống khác tính mà còn nói đến sự hồi chuyển của quả đất (hành tinh) để có ngày đêm. Như “Kiền ngộ Tốn thời” tức là quẻ Cấu, ứng vào khoảng cuối giờ Ngọ (13 giờ), buổi chiều bắt đầu, cho nên quẻ Cấu tượng cho một âm mới sinh (một hào âm dưới năm hào dương); “Địa phùng Lôi xứ” tức là quẻ Phục, ứng với khoảng cuối giờ Tý (1 giờ), buổi sáng bắt đầu, thành thử quẻ Phục tượng cho một dương mới sinh (một hào dương dưới năm hào âm). Đó là nói về ngày đêm, còn như nói về năm tháng thì quẻ Cấu ứng với tiết Hạ chí, quẻ Phục ứng với tiết Đông chí.

Tóm lại, tác giả bài thơ trên rất tinh thông Dịch lý, đã lấy con người – một vật cụ thể và linh động – để chứng giải sự tuần hoàn và biến hóa không ngừng của vũ trụ.

Và đó cũng là suy nghĩ của tác giả về bộ Kì thư  này của triết học ở Trung Quốc(2)

Nhân đây chúng tôi xin giới thiệu lại Chương trình Hán học Hoàng Xuân Hãn bậc trung học phổ thông (tức Trung học cơ sở ngày nay của Bộ Giáo dục Việt Nam), mà GS Bửu Cầm từng tham gia giảng dạy. như muốn góp ý về việc học và dạy chữ Hán ở Trung và Đại học Việt Nam nhằm xây dựng một chương trình Hán Nôm trong việc củng cố và phát triển môn Việt Nam học hiện đại.

1- Lớp đệ nhất (tức lớp sáu bây giờ)

Bắt đầu học chữ Hán, mỗi tuần 4 giờ (tiết)

Học văn tự: Đơn thể tự, hợp thể tự, đơn ngữ, phức ngữ (khi dạy đơn thể tự và họp thể tự thì dạy luôn cách viết)

Tự tính, thực tự, hư tự – Những điều giảng yếu về cú pháp. Luật hạn định ngữ (dẫn giải trong khi giảng bài học ở khóa bản). Từ ngữ: Lựa chọn những từ ngữ và những bài đại khái theo tầng thứ sau này: người, thân thể, y phục, gia đình.

Tập đọc và học thuộc:  Những bài văn xuôi trích ở khoá bản.

Những bài thơ Lý Trần.

Luyện tập: Tập viết, ám tả, thính tả.

Điền chữ, đặt câu, điền câu.

Dịch Hán văn ra quốc văn.

Dịch quốc văn ra Hán văn.

Khóa bản: Quyển I và quyển II bộ Tân Quốc văn  của nhà Thương vụ ấn thư quán (hoặc sách tương tự).

Ấn học giáo khoa thư của Đoàn Triển.

Thơ Lý Trần.

2- Lớp Đệ Nhị  (tức lớp Bảy bây giờ)
(Mỗi tuần học 4 giờ)

Học văn tự: Văn pháp, tự tính, thực tự, danh tự, đại tự, tĩnh tự, động tự, trạng tự.

Từ ngữ (Lựa chọn những từ ngữ và những bài đại khái theo tầng thứ: nghề nghiệp, động vật, thực vật, khoáng vật).

Tập đọc và học thuộc: những bài văn xuôi trích ở khóa bản.

Những bài thơ Lý Trần.

Luyện tập: Tập viết, ám tả, thính tả.

Đặt câu.

Phân biệt thự tự và hư tự.

Nhận bộ tự, đếm nét.

Khóa bản: Quyển III và quyển IV bộ Tân quốc văn.

Ấu học giáo khoa thư.

Hán văn trích thái của Bủi Kỷ.

Thơ Lý Trần.

3- Lớp Đệ Tam (tức lớp Tám bây giờ)

                            (Mỗi tuần học 4 giờ)

Học văn tự: Ôn lại văn pháp.

Cú pháp – Luật hạn định ngữ – Thành phần của một câu; Chủ ngữ, thuật ngữ, tân ngữ, bổ túc ngữ – phép vấn đáp; phép thiết nghi; phép đối ngẫu; phép đảo trang; phép dư thiết.

Từ ngữ : (Lựa chọn những từ ngữ và những bài đại khái theo tầng thứ sau này: Tự nhiên, thời gian, giao thông, gia đình, học hiệu).

Văn thể: Thể ký thuật, thể thuyết minh, thể luận thuyết. (Nên dùng những tỉ dụ dễ dàng trích trong các bài họcđể so sánh cú pháp Hán văn và cú pháp quốc văn).

Tập đọc và học thuộc: Những bài trích trong khóa bản.

Luyện tập: Tập viết ám tả, thính tả, đặt câu.

Phân tích câu ngắn về tự tính và về cú pháp.

Nhận bộ tự, đếm nét.

Phóng tác, cải tác.

Dịch Hán văn ra quốc văn.

Dịch quốc văn ra Hán văn.

Khóa bản: Tân quốc văn (V,VI)

Ấu học giáo khoa thư.

Thơ Lý Trần.

Luận ngữ (trích).

Mạnh tử (trích).

4- Lớp Đệ TỨ (tức lớp Chín bây giờ)
(Mỗi tuần học 4 giờ)

Học văn tự: Văn pháp: hư tự, liên tự, trợ tự, thán tự.

Cách tra chữ; phép thất âm, tu thanh.

Cú pháp – Nhắc lại luật định ngữ pháp trực dụ, phép ám dụ, phép hoán dụ, phép phúng dụ, phép nghi nhân, phép ức dương, phép chiếu ứng.

Từ ngữ (lựa chọn những từ ngữ và những bài đại khái theo tầng thứ sau này: xã hội, hương thôn, thành thị, quốc gia, quốc tế, vân vân : luật thơ Đường).

Đại cương về văn học sử Hán Việt (đời Lý Trần).

Giảng nghĩa và học thuộc: những bài trích trong các khóa bản.

Luyện tập: Tập viết. Ám tả, thính tả, đặt câu.

Phân tích một thiên về cú pháp và thiên pháp.

Dịch Hán văn ra quốc văn.

Dịch quốc văn ra Hán văn.

Khóa bản:  Tân quốc văn (VII,VIII.

Thi văn Lý Trần.

Luận ngữ, Mạnh tử (trích).

Đường thi, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị (dịch);

Thị Kính (trích)

TRUNG HỌC CHUYÊN KHOA
(tức phổ thông trung học bây giờ)

(BAN HÁN TỰ)

5- Lớp Đệ Nhất (tức lớp 10 bây giờ)

Học văn tự:  Ôn lại văn pháp, cú pháp. Nhắc lại luật hạn định ngữ.

Thiên pháp: Phép thuần tự, phép phân tự, phép đầu quát, phép lưỡng quát.

Từ ngữ (Lựa chọn những từ ngữ và những bài đại khái theo tầng thứ  sau này: Nghệ thuật, du ký, giao tế, thương nghiệp, nông nghiệp, công nghiệp, tài chính, pháp luật).

Vận thơ: Thơ cổ phong.

Chữ nôm: Cách đọc, cách viết.

Đại cương về văn học sử Hán Việt (đời Lê) và văn học sử Trung Hoa (đời Tam đại) theo những bài dịch văn và giảng nghĩa.

Giảng nghĩa và học thuộc: Bài trích trong các khóa bản.

Luyện tập: Tập đọc chữ thảo.

Phân tích về thiên pháp.

Phóng tác, cải tác, sáng tác (ký sự, du ký, truyền ký).

Dịch Hán văn ra quốc văn.

Dịch quốc văn ra Hán văn.

Khóa bản: Cao đẳng quốc văn tân khóa bản (quyển I, II) của nhà Từ Gia Hội ở Thượng Hải.

Đời Lê: Nguyễn Trãi:  Bình Ngô đại cáo.

Nguyễn Dữ: Truyền kỳ mạn lục.

Lê Quý Đôn: Đại Việt thông sử (tựa)

Việt sử danh nhân – Việt sử giai sự (Trích ở những sách như Việt sử tổng vịnh, Lịch triều hiến chương, Nhân vật chí, Đại Nam Liệt truyện, Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử).

Đời Tam đại – Thi kinh – Đại học – Tả truyện, Chiến quốc sách (xem cổ văn).

Đường thi (xem Đường thi tam bách thủ).

Chinh phụ ngâm (bản nôm).

6- Lớp Đệ Nhị (tức lớp 11 bây giờ)

Học văn tự:  Ôn lại văn pháp, cú pháp, và thiên pháp trong khi học giảng nghĩa.

Từ ngữ (lựa chọn những từ ngữ và những bài đại khái theo tầng lớp sau này: Các tình cảm, những tác dụng của lý trí v.v…).

Vận văn: Phú cổ, phú Đường luật.

Bạch thoại: Những đặc điểm của văn pháp bạch thoại.

Những phương ngôn thành ngữ của bạch thoại (lựa trong các sách tiểu thuyết Tam Quốc, Tây Du).

Chữ nôm: Đại cương về văn học sử Hán Việt (đời Nguyễn) và văn học sử Trung Hoa (đời Hán, Đường, Tống).

Giảng nghĩa và học thuộc:  Bài trích trong các khóa bản.

Luyện tập:  Tập đọc, tập viết chữ thảo.

Phong tác, cải tác, sáng tác (ký thuật, thuyết minh, thư tín).

Dịch Hán văn ra quốc văn.

Dịch quốc văn ra Hán văn.

Khóa bản: Cao đẳng quốc văn tân khóa bản (quyển III, IV).

Nhà Nguyễn: Nguyễn Du : Thanh Hiên thi tập (trích).

Tùng Thiện Vương: Thương Sơn thi tập (trích).

Phạm Đình Hổ: Vũ trung tùy bút (trích).

Một bài văn bi, ký, hịch, dụ, chiếu (chọn những bài xuất sắc có thể tiêu biểu cho mấy lối văn ấy).

Đời Chu Tần: Thư kinh (trích).

Tả truyện (trích).

Nhà Hán: Tư Mã Thiên: Sử ký (trích).

Đường: Hàn Dũ (xem cổ văn).

Đường thi (xem tam bách thủ).

Tống: Tô Thức: Tiền, hậu Xích Bích.

Kim Vân Kiều truyện (bản nôm).

Xem thêm: Tam quốc diễn nghĩa, Tây Du Ký.

7- Lớp Đệ Tam (tức lớp 12 bây giờ)

Học văn tự: Ôn lại văn pháp, cú pháp, thiên pháp.

Từ ngữ (lựa chọn những từ ngữ và những bài đại khái theo tầng lớp sau này: những ý niệm trừu tượng thuộc về luân lý, tôn giáo, triết học v.v.)

Vận văn: Từ khúc.

Bạch thoại: Giảng tiếp những đặc điểm của văn pháp bạch thoại và những phương ngôn thành ngữ (lựa trong sách tiểu thuyết: Thủy Hử, Liêu Trai, Hồng lâu mộng).

Chũ nôm.

Đại cương về văn học sử Trung Hoa; giảng kỹ về Nguyên, Minh, Thanh và Dân quốc.

Giảng nghĩa và học thụôc: Bài trích trong các khóa bản.

Luyện tập: tập đọc, tập viết chữ thảo.

Phóng tác, sáng tác (kỹ thuật, luận thuyết)

Dịch văn ngôn ra bạch thoại.

Dịch Hán văn ra quốc văn.

Dịch quốc văn ra Hán văn.

Khóa bản: Cao đẳng quốc văn khóa bản (quyển IV,V).

Cao Bá Quát: Chu Thần thi tập.

Phan Thanh Giản: Lương khê thi tập.

Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương (Tựa).

Nguyễn Trường Tộ: Điều trần tập.

Trung dịch (trích)

Trang Tử (trích)

Tả truyện (trích)

Ly Tao (trích)

Ẩm băng thất toàn tập

Hồ Thích văn tồn (trích)

Quốc Sử diễn ca (bản nôm)

Xem thêm: Thủy Hử, Liễu trai chí dị, Hồng lâu mộng.(3)

Trên đây chúng tôi sơ lược lại chương trình chữ Hán trong bậc Trung học Việt Nam (từ lớp 6 đến lớp 12) của chương trình Hoàng Xuân Hãn năm 1945.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) chương trình Trung học trong vùng Pháp kiểm soát cũng dạy phần chữ Hán như trên. Đến năm 1957 (chương trình Nguyễn Dương Đôn) cập nhật hóa thêm bằng cách đặt ra cho chương Trung học phổ thông gồm 4 ban:

A- Tú tài Ban A (khoa học thực nghiệm – Lý Hóa Sinh)

B- Tú tài Ban B (khoa học Toán Lý Hóa)

C- Tú tài Ban C (Văn chương sinh ngữ: Pháp hoặc Anh ngữ)

D- Tú tài Ban D (Văn chương + Hán tự), Hán tự: 8 giờ/tuần

- Tú tài Ban Đ (Văn chương + La tinh tự), La tinh: 8 giờ/tuần

Sau khi đỗ Tú tài, nếu là Ban D, sinh viên ghi tên vào học chương trình Đại học văn khoa ngành Văn chương cổ ngữ  (Hán văn) hoặc thi vào Ban Việt Hán Đại học Sư phạm.

Trong 4 năm học, sinh viên văn khoa sẽ học một số lớn giờ (tiến về văn chương cổ ngữ – Hán Nôm – và văn chương Trung Hoa cả cổ và hiện đại.

Trên đây là những suy nghĩ của chúng tôi (NQT) nguyên là cựu môn sinh của GS Bửu Cầm – và quí GS Nghiêm Toản, Giản Chi, Nguyễn Đăng Thục, Lê Ngọc Trụ…. Ở Đại học Văn khoa Sài Gòn trong những năm 60-70 của thế kỉ trước – nhân cuộc hội thảo về Hán Nôm và mừng thọ 90 của GS Bửu Cầm để gọi là góp ý mà Ban Tổ chức Hội thảo có mĩ ý mời chúng tôi phát biểu.

Trân trọng kính chào liệt vị.

NQT

 

 

Chú thích:

(1) Nói về sự trùng quái : Thượng kinh có 6 quẻ bất dịch : Kiền, Khôn, Khảm, Ly, Di, Đại quá. Hạ kinh có 2 quẻ bất dịch : Trung phu, Tiểu quá. Cả thảy có 28 quẻ phản dịch (như Nhu phản thành Tụng. Vì thế mới có số 36 : 8 quẻ bất dịch cộng với 28 quẻ phản dịch thành ra 36. Số 36 cũng do số 64 (28x2+8=64) mà có. Nhưng có thuyết cho rằng số 36 là 1/10 độ số của cái vòng tròn (360o); tác giả bài thơ trên lấy số 36 để chỉ vòng trời đất. Câu cuối bài thơ ý muốn nói : Dịch lý lưu hành khắp cả mọi nơi, ở trong người ta cũng như ở trong vạn vật.

(2) Theo Nguyễn Q. Thắng, Văn học Việt Nam nơi miền đất mới (mục từ GS Bửu Cầm) NXB Văn học 2007, 2008.

(3) Nguyễn Q. Thắng, Khoa cử và Giáo dục Việt Nam,  NXB Văn hóa Thông tin, 1998. NXB TP.HCM 2006 trong sách in lại chương trình Hoàng Xuân Hãn – Hà Nội, 1946.

 

Thông tin truy cập

63694394
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14686
23426
63694394

Thành viên trực tuyến

Đang có 578 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website