Lời dẫn
Đại Nam Quốc sử diễn ca là một trong các bộ sử ca của lịch sử sử học Việt Nam mà cũng là của văn học sử cổ cận đại Việt Nam. Bộ sử ca này nguyên là một tác phẩm văn chương được trước tác và khắc in vào những năm giữa thế kỉ thứ XIX (1860, 1870, 1874) ở trong nước và nước ngoài (Trung Quốc).
Trước đây và hiện nay đã có một số nhà nghiên cứu phiên âm, chú thích giới thiệu bản sử ca này, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi đã may mắn lưu giữ được một bản Hán Nôm – gọi là bản Hán Nôm vì bản có trong tay độc giả là một bản vừa chữ Nôm và chữ Hán – khắc in tại Việt Đông Phật trấn đại nhai Phước Lộc, Kim Ngọc lâu ở Quảng Đông, Trung Quốc – vào năm Đồng Trị, Giáp tuất (1874) do Duy Minh Thị sao chép, chú thích (chữ Hán) từ bản chữ Nôm cũ trước đó vài ba năm.
Bộ Đại Nam Quốc sử diễn ca chữ Nôm này chúng tôi để lẫn trong tủ sách gia đình, mãi cho đến năm 2002 khi soạn Bộ Tuyển tập Phan Văn Hùm (NXB Văn hóa – Thông tin 2002) chúng tôi phát hiện được hai mươi số báo Tự do xuất bản tại Sài Gòn năm 1938 [của ông Nguyễn Văn Sâm (1902-1947) là chủ nhân kiêm chủ bút] trong đó có loạt bài giới thiệu Đại Nam Quốc sử diễn ca do học giả Phan Văn Hùm (1902-1946) phiên âm, chú thích và giới thiệu trên báo vừa dẫn. Loạt bài đăng trên báo Tự do từ cuối năm 1938 đến giữa tháng 3 năm 1939 thì người chú thích có “Lời cẩn cáo”: Vì đương bận việc, tôi [Ph.V.H] không có thì giờ ngồi tra cứu sách vở mà chú thích Đại Nam Quốc sử diễn ca nên chi mục này xin gác lại trong ít lâu. Mong độc giả lượng thứ…” Người chú thích (PVH) bảo ông “đương bận việc” (lúc ông tranh cử vào Hội đồng Quản hạt) nhưng thật sự trong tháng 4-1939 ông có bài Chống 10 triệu bạc thuế Quốc phòng đăng trên báo Tranh đấu hồi tháng 4-1939. Chính quyền thuộc địa Pháp dựa vào lí do chiến tranh nên ông bị bắt – ông mới đắc cử Hội đồng Quản hạt – cùng một lần với Trần Văn Thạch, Tạ Thu Thâu, Nguyễn Văn Tạo ngày 28-6-1943) và đồng chí khác bị đày ra giam ở Côn Đảo. Tại đây, ông bị giam chung cùng chí sĩ Nguyễn An Ninh (1900-1943), nhưng sau khi Nguyễn An Ninh tuyệt thực chết trong tù; thực dân Pháp vừa hoảng sợ, vừa bị áp lực từ nhiều phía và dư luận về cái chết của Nguyễn An Ninh (ông là bạn mà cũng cùng khuynh hướng) thực dân phải trả tự do với điều kiện là đương sự phải chọn nơi cư trú trong thời gian bị quản thúc. Phan Văn Hùm chọn Tân Uyên thuộc tỉnh Biên Hòa – nay thuộc tỉnh Bình Dương - làm nơi tạm trú vì nơi đó có một xưởng gỗ của thân phụ ông.
Số tác phẩm và sách của Phan Văn Hùm chúng tôi sưu tầm được gần đủ, riêng bộ Đại Nam Quốc sử diễn ca do sự sơ suất nên sách bị thất lạc trong tủ sách gia đình và mãi đến năm 2006 vừa rồi tôi mới tìm thấy lại. Thật là “Châu hoàn Hợp Phố” vì cả hai phần (Quốc ngữ khoảng hơn 200 câu và bản chữ Nôm) nằm tại Việt Nam và cả bên trời Âu (Thư viện Quốc gia Franois Mitérrand Pháp).
Nhân trong một lần trao đổi với các nhà biên khảo khác, tôi được biết gần đây ông Nguyễn Khắc Thuần (giáo sư hưu trí) có cuốn Đại Nam Quốc sử diễn ca (NXB Giáo dục, 2007), tôi liền mua về đọc lại và khảo sát hồ sơ Đại Nam Quốc sử diễn ca (cả Nôm và Quốc ngữ) thì thấy có một số ưu tư; do đó tôi “hạ quyết tâm” nghiên cứu, phiên âm bộ sách chữ Nôm mà tôi đang lưu giữ.
Được biết sách của ông Nguyễn Khắc Thuần mới xuất bản trong năm 2007, mà sách [của NXB Giáo dục] in trên giấy báo với giá cực kì rẻ so với giá thị trường hiện nay; do vậy chúng tôi cũng cảm thấy chùn tay. Tuy thế, tôi nghĩ: thôi thì cứ làm, in được hay không được thì cứ bỏ đó. Thế cho nên, chúng tôi vẫn mạnh dạn và vui vẻ làm công việc, tưởng nhẹ nhàng mà nặng nhọc và lắm nhiêu khê này. Đó là giới thiệu một công trình tập thể của ba vị: Lê Ngô Cát, Đặng Huy Trứ và Trần Quang Quang (Duy Minh Thị) hồi cuối thế kỉ XIX (1874) để giới thiệu đến độc giả yêu cổ văn, và cẩn trọng Quốc sử Việt Nam.
Như đã viết ở trên Đại Nam Quốc sử diễn ca (bản chữ Nôm) được khắc in từ thế kỉ XIX theo niên kỉ sau:
1- Bản đầu tiên là năm 1870 do hiệu Trí Trung đường - Chủ nhân là Đặng Huy Trứ (xem tiểu sử ở sau) khắc in vào năm Canh ngọ tức Tự Đức năm 23, Canh ngọ mùa hè, Trí Trung đường giữ bản khắc gỗ.
2- Bản thứ hai, theo GS Hoàng xuân Hãn, thì đến năm Quí dậu, Tự Đức thứ 26 (1873) Phạm Đình Toái (1818-1905) lại tự mình thuê khắc in một bản thứ hai, với lời tựa của ông (PĐT) như sau: “Bình Chuẩn (Bình Chuẩn là chức vụ của ĐHT – NQT chú) sứ quân xem lấy làm thích, đã đem khắc bán, nhưng giá lại cao, việc in và việc mua có nhiều điều chưa tiện, nhân đó lại khắc lượt nữa để chung cho mọi người”(1). Tuy vậy, trong công trình nghiên cứu của mình GS Hoàng Xuân Hãn cũng không công bố bản chữ Nôm,
3- Bản thứ ba là đến năm 1881 (Tân tị) Tự Đức thứ 34 có bản khắc lại của hiệu Trí Trung đường
4- Bản thứ tư là năm 1908 (Mậu thân) Duy Tân thứ 2 có bản của nhà Liễu Văn đường, cùng năm hiệu Quan Văn đường ở phố Hàng Gai – Hà Nội khắc in một lần nữa.
5- Bản thứ năm, vào năm 1934 (Giáp tí) Khải Định thứ 9 có bản của nhà Quảng Thịnh đường rồi đến năm 1933 có bản Giáp tí in ở Hà Nội (2).
Theo các nhà nghiên cứu văn bản, thì các bản in trên đều ghi tên tác giả Lê Ngô Cát, và Phạm Đình Toái hiệu đính cùng một số vị tham gia hiệu chỉnh, thêm bớt đã có như các bản đã giới thiệu.
6- Bản thứ sáu này do chúng tôi (NQT) phát hiện có tên Đại Nam Quốc sử diễn ca khắc in năm 1874 (Giáp tuất) tại Việt Đông Phật trấn đại nhai Phước Lộc, Kim Ngọc lâu ở Quảng Đông Trung Quốc năm Đồng Trị Giáp tuất (1874). Bản in khắc “Tại Đề Ngạn, phát khách, Gia Định thành Duy Minh Thị phó trạch Việt Đông Phật trấn Phước Lộc đại nhai, Kim Ngọc Lâu tàng bản” (Tại Chợ Lớn phát khách, Gia Định thành Duy Minh Thị trao giữ, Việt Đông Phật trấn, đường lớn Phước Lộc, Kim Ngọc lâu tàng bản).
Bản này được học giả Phan Văn Hùm (1902-1946) phiên âm, chú thích giới thiệu như đã viết ở trên, trong báo Tự do (số 1 ngày 1 tháng 10 năm 1938) của ông Nguyễn Văn Sâm xuất bản ở Sài Gòn. Gần đây (năm 2002) theo Tuyển tập Phan Văn Hùm thì ông Phan Văn Hùm là một nhà Tây học(3) mà cũng là một người am tường cổ học, một chuyên gia về Hán Nôm từng phiên âm chú thích hầu hết các tác phẩm Hán Nôm của nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) như: Lục Vân Tiên, Dương Từ – Hà Mậu, Ngư Tiều vấn đáp y thuật (4)… xuất bản từ các năm 1936-1964 tại Sài Gòn, Hà Nội.
Và một tập bản thảo chú thích Hoa tiên truyện của Nguyễn Huy Tự (1743-1790) mà chúng tôi đã giới thiệu trong Tuyển tập Phan Văn Hùm đã dẫn.
Sau đây là Lời dẫn của Phan Văn Hùm khi ông giới thiệu bộ sử ca Đại Nam quốc sử diễn ca, hiệu giả viết:
Trong những áng văn xưa, có bổn Đại Nam Quốc sử Diễn ca đáng yêu quí. Về mặt sử liệu không phải đó là một công trình vô giá trị. Về mặt văn chương, đó là một công trình lớn lao.
Kẻ chú thích này mặc dầu theo duy vật sử quan, cũng không dám xốc nổi khinh lờn lối sử biên niên ở trong bổn sử ca đó. Hoặc có khi sẽ lạm bút phê bình, chẳng qua là để đánh dấu ngờ cho người đọc xét lại.
Kẻ chú thích này vốn ở Tây học mà ra, bên chữ nho thì nhờ công tự học mà biết lam nham mớ nhắm. Như thế ắt không khỏi chú thích sai lầm. Mong bực cao minh dạy bảo cho, ơn phá ngu chi xiết kể.
Đại Nam Quốc sử Diễn ca, là do Quốc sử quán vâng chỉ vua Tự Đức mà đặt ra. Điều ấy ai cũng đã công nhận. Duy trong Quốc sử quán bấy giờ có những ai? Kẻ chú thích này chưa có cơ hội để khảo về chỗ đó, chỉ nghe truyền rằng chính ông Ngô Cát người huyện Chương Đức, là người đặt ra bổn sử ca ấy, còn người hiệu chính là ông Đặng Huy Trứ, quán ở tỉnh Thừa Thiên, đỗ giải nguyên đời vua Minh Mạng, làm đến chức Bình Chuẩn đời vua Tự Đức. Ông sau này đi buôn các nước có sang Nhật, sang Tàu.
Bổn Đại Nam Quốc sử Diễn ca sao lục ra đây, là chép theo bổn chữ nôm của Duy Minh Thị, người ở Xóm Dầu (Sài Gòn), xuất bản năm 1874, do hiệu Kim Ngọc Lâu ở Việt Đông (bên Tàu) khắc bản.
Toàn bổn có một ngàn lẻ hai mươi bảy (1027) câu lục bát. Ở đây lần lượt lục đăng, tùy lời chú thích dài vắn mà khi ít khi nhiều câu, không có chừng.
Về những con số ngày tháng, kẻ chú thích sẽ chua cả âm lịch và dương lịch, mỗi khi có thể tìm kiếm được hai lịch đối chiếu nhau. Từ mấy năm nay lưu tâm về lịch pháp, kẻ chú thích này muốn làm một quyển “Vạn niên lịch” để riêng cho mình, đem âm dương lịch đối chiếu từ đời Nghiêu Thuấn xuống tới ngày nay. Tiếc vì không có thì giờ để làm cái công trình mệt nhọc ấy, đặng kiểm tra những can chi sóc hối trong sử Tàu, nhứt là trong kinh Xuân Thu”(5).
Về bản chữ Nôm chúng tôi sưu tầm được vào các năm 1968-1970 tại nhà một người chơi sách, vị này trao lại cho biên giả với điều kiện “trao đổi vật ngang giá” nghĩa là hai bên tặng sách cũ cho nhau. Sau khi mang sách về nhà thì chúng tôi mới biết đây là sách của chủ nhân Phan Văn Hùm người viết đoạn văn trên!
Phần phiên âm, chú thích này cụ Phan Văn Hùm cho đăng trong báo Tự do đã dẫn được 283 câu (từ số 1 ngày 1-10-1938 - 18-3-1939 thì ngưng với lí do như đã viết.
Như vậy trên báo Tự do số 20 ngày 18-3-1939 người chú thích có lời cẩn cáo như đã dẫn mà các thư viện ở Sài Gòn không còn (các số báo có bài phiên âm, chú thích Đại Nam Quốc sử diễn ca này do GS Phan Kiều Dương - thứ nam cụ Phan Văn Hùm - photo tặng cho, nhân chúng tôi biên soạn bộ Tuyển tập Phan Văn Hùm
Trong bản khắc gỗ do Duy Minh Thị “trao giữ” in ở Việt Đông – Tr.Q chú thích viết bằng chữ Hán rất chi tiết rõ ràng. Thế cho nên trong “Lời người chú thích” ông Phan Văn Hùm viết (xin trích lại) “chỉ nghe truyền”(6) rằng chính ông Ngô Cát người huyện Chương Đức, là người đặt ra bổn sử ca ấy, còn người hiệu chính là ông Đặng Huy Trứ, quán tỉnh Thừa Thiên, đỗ Giải nguyên đời vua Minh Mạng, làm đến chức Bình Chuẩn đời vua Tự Đức. Ông sau này đi buôn các nước có sang Nhật, sang Tàu”. (Xem tiểu sử Lê Ngô Cát, Đặng Huy Trứ, Duy Minh Thị ở cuối bài).
Có lẽ như đã viết và ngay chính bản Duy Minh Thị trao giữ mà năm 1875 Trương Vĩnh Ký người phiên âm một bản chữ Nôm nào đó nên họ Trương chỉ ghi tác giả là Lê Ngô Cát mà không có tên Phạm Đình Toái. Nhưng theo GS Hoàng Xuân Hãn bộ sử ca này được khắc in là “cốt nhờ óc thực tế của hai nhà nho Phạm Đình Toái là người sửa chữa và Đặng Huy Trứ là quan Bình Chuẩn ở Hà Nội mà có một nhà xuất bản ở Hà Nội hiệu Trí trung đường.
Hiệu Trí trung đường này đã xuất bản nhiều sách, nhất là sách của Đặng Huy Trứ. Ông Đặng Huy Trứ trước tác rất nhiều, nhờ hiệu Trí trung đường mà sách ông được khắc rất đẹp. Ông lại thích xem sách người khác. Hễ thấy quyển nào có giá trị, ông lại khuyên đem hiệu ông khắc”.(7)
Như đã viết ở trên, Trương Vĩnh Ký (1837-1898) là người đầu tiên phiên âm bản chữ Nôm Đại Nam Quốc sử diễn ca ra chữ Quốc ngữ La tinh trước nhất vẫn không ghi tên Phạm Đình Toái và trong Lời chú (note) bằng tiếng Pháp ông chỉ viết Lê Ngô Cát là tác giả. Bản này hiện chúng tôi sao chụp từ một quyển sách có tên Đại Nam Cuốc sử kí diễn ca (10,5x17cm) Sài Gòn, bản in Nhà nước 1875. Trong Note (Lời chú) bằng tiếng Pháp, Trương Vĩnh Ký viết; (nguyên văn):
“L’histoire annamite en vers, dont nous pubions la transcription, a été écrite, en 1860, par un mandarin annamite du nom de Lê-ngô-cát, homme de forte érudition, chargé de la rédaction des annles de l’Annam sous le règne de Tự-đức.
Cenpendant, il faut remarquer que l’auteur est critiqué par les lettrés pour avoir trop souvent mêlé des expressions en caractères chinois à l’annmite vulgaire.
Quoi qu’il en soit, ce poème est très-instructif et approprié à la portée, au goùt de la population.
C’est d’ailleurs une coutume dans la littérature annamite de traiter en vers les sujets intéressants, de sorte que, aidés par la cadence, la mesure et la rime, les il lettrés qui les entendent lire ou réciter les retiennent aidément dans leur mémoire.
C’est ainsi que beaucoup de ces écrits versifiés sont transmiside père en fils.
Notre pensée, en transcrivant le Đại-nam cuốc sử kí diễn ca, a été de répandre dans le peuple la connaissance de l’écriture latine, en lui offrant sous cette forme des sujets attrayants et de le préparer ainsi, dans la mesure de nos moyens, à se mettre plus aisément au courant des progrès de la civilisation moderne.
Le but est peut-être au-dessus de nos forces; mais, si nous n’y réussissons, il nous restera du moins avec notre conscience satisfaite, l’honneur de l’entreprise.
Dans ce travail, nous nous sommes appliqué à soigner l’orthographe du Quốc ngữ en lui donnant la valeur exacte de la prononciation dans la langue parlée. Les mots diffciles à cause de leur origine se trouveront expliqués d’ailleurs dans le grand dictionnaire annamite-franais que nous comptons publier bientôt.”
Tạm dịch:
Sử kí An Nam bằng thơ do một viên quan tên là Lê Ngô Cát học rộng, giữ việc chép sử thời Tự Đức, soạn năm 1860.
Tuy nhiên có nhiều nhà Nho chỉ trích tác giả dùng xen quá nhiều chữ Hán. Nhưng dù sao áng thơ cũng rất có ích cho việc học và thích hợp với quần chúng.
Trong văn học An Nam những đề tài quan trọng thường được viết theo thể thơ, như vậy nhờ vào vần điệu mà dễ đọc, dễ ngâm, dễ nhớ hơn. Bằng cách này những áng thơ thường được truyền từ đời cha đến đời con.
Khi diễn Nôm Đại Nam Cuốc (sic) sử diễn ca chúng tôi có ý phổ biến trong dân chúng loại chữ La tinh, nhằm cống hiến những đề tài hấp dẫn giúp mọi người tiếp cận nền văn minh tân tiến.
Mục đích có lẽ quá sức chúng tôi, nhưng thản như không thành công thì ít ra lương tâm chúng tôi cũng thỏa mãn vì đã làm xong bổn phận.
Khi làm công việc này chúng tôi cố gắng theo đúng chánh tả Quốc ngữ, theo đúng cách phát âm trong lời nói. Những chữ khó chúng tôi sẽ giải nghĩa trong cuốn Tự vị An Nam – Lang Sa mà chúng tôi dự định sẽ xuất bản trong ngày gần đây.”(8)
Và tiếp theo (trang III) Trương Vĩnh Ký viết thêm chủ đích của ông về việc “đặt sách Đại Nam Cuốc sử diễn ca bằng chữ Quốc ngữ như sau:
Về kẻ đặt sách Đại Nam Cuốc sử kí diễn ca
Ta chép sách này ra chữ Quốc ngữ có ý cho con trẻ các trường, trước là coi cho biết truyện, sau là tập viết chữ cho trúng tiếng trúng dấu cho quen.
Người đặt ra sách này là Lê Ngô Cát, là quan sử quán (năm Tự Đức 12 niên) là kẻ thông kinh sử lâm cứ trong sử kí mà làm ra, có một điều ông ấy hay để tiếng chữ vô nhiều quá, lộn với tiếng Nôm, nên kẻ chưa từng coi thì có ý khó hiểu một chút. Nhưng vậy mấy tiếng ấy ta cũng đã có đem vô tự vị lớn tiếng An Nam rồi.
Kế sau đây ta biên ra tên tuổi các đời vua từ Hồng Bàng thị tới nay, để cho kẻ siêng học coi đó mà nhớ thứ lớp cho kĩ.” (9)
Đó là cách làm việc khoa học, khách quan của học giả họ Trương vì trong sách có ai nhắc đến Phạm Đình Toái và ông Phạm có can hệ gì đến tác phẩm này đâu! (theo Trương Vĩnh Ký và cả chúng tôi - NQT - nữa)
Như vậy, có thể Trương Vĩnh Ký phiên âm từ bản Duy Minh Thị in năm 1874 hoặc bản Trí Trung đường hay một bản nào khác, cho nên Trương Vĩnh Ký không hề nhắc đến Phạm Đình Toái. Thế nên sau năm 1940 một số nhà chú thích, nghiên cứu có ý phiền trách họ Trương là không nhắc gì đến họ Phạm. Nếu khảo sát về lai lịch, nguồn gốc sáng tác Đại Nam Quốc sử diễn ca, từ đời Tự Đức thứ 12 tức năm Kỉ Mùi (1859) [có vị ghi 1860, mà năm 1860 âm lịch là năm Canh thân] nhà vua [Tự Đức] ra lệnh cho Quốc Sử quán sửa chữa sách Sử kí Quốc ngữ ca, Thiên Nam ngữ lục… để soạn một cuốn Sử ca từ năm Tự Đức thứ 8 (1855). Quốc sử quán liền lệnh cho Lê Ngô Cát và Trương Phúc Hào thân làm việc và soạn ra Việt sử Quốc ngữ. Theo GS Hoàng Xuân Hãn thì đến năm 1865 ông Phạm Đình Toái tự ý đem bản “nhuận chính” trên mà chữa rất kĩ càng (…) ông lại đưa cho Phan Đình Thực sửa chữa. Kết quả ra sách Đại Nam Quốc sử diễn ca (1870)(10). Thế cho nên các bản Trí trung đường (1870, 1873, 1881) Liễu văn đường (1908), Quán văn đường (không thấy ghi năm). Tiếp đó là các bản nôm khắc in Giáp tí (Khải Định thứ 4–1924) và cuối cùng là bản in lại của Quảng Thịnh đường năm 1933 ở Hà Nội(11). Đó là nhận định và ý kiến của Đinh Xuân Lâm, Chu Thiên trong sách Đại Nam Quốc sử diễn ca do hai ông phiên âm, hiệu đính, chú thích và giới thiệu trên sách đã dẫn vì theo hai nhà nghiên cứu này thì không còn bản thảo nào khác. Do đó nhị vị viết một cách chắc mẩm (cả ông Nguyễn Khắc Thuần cũng vậy) rằng:
“Bản khắc đầu tiên vào năm 1870, do hiệu Trí trung đường ở Hà Nội phụ trách. Đến năm Tân tị, Tự Đức thứ 34 (1881), hiệu Trí trung đường khắc lại, hiện Thư viện khoa học còn giữă một bản (kí hiệu AB.328). Năm Mậu thân, Duy Tân thứ hai (1908), Liễu văn đường cũng khắc lại (kí hiệu Thư viện Khoa học VNV.I) Tiếp đó là bản nôm khắc in năm Giáp tí, Khải Định thứ 9 (1924) của Quảng Thịnh đường ở Hàng Gai (kí hiệu Thư viện khoa học VNV.207) và cuối cùng là bản in lại cũng của Quảng Thịnh đường năm 1933 ở Hà Nội(12).
Như vậy các nhà phiên âm, chú thích, giới thiệu… Đại Nam Quốc sử diễn ca từ bản Xuân Lan (1914) Nguyễn Trọng Doanh và Đoàn Như Khuê (1937) Nguyễn Đỗ Mục (1943) Bùi Kỷ và Nguyễn Quang Oánh (1944), Hoàng Xuân Hãn (1949) Đinh Xuân Lâm và Chu Thiên (1966) đến Nguyễn Khắc Thuần (2007) đều một mực cho rằng tác giả bộ sách trên là của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái.
Trong khi đó các nhà chú thích, giới thiệu… Đại Nam Quốc sử diễn ca trong Nam từ Duy Minh Thị (1874) Trương Vĩnh Ký (1875), Phan Văn Hùm (1938) đều xác định tác giả bộ sử ca này là của Lê Ngô Cát và Đặng Huy Trứ (Đặng Huy Trứ là người hiệu chính). Điều khẳng định này được thấy rõ qua bản khắc in (ở Quảng Đông) nầy (xin xem bản chữ Nôm in ở sau); nhất là phần phủ chính, chú thích rất rõ ràng và khúc chiết (xem thêm bản dịch chữ Hán). Chính vì vậy chúng tôi rất phấn khởi và mạnh dạn làm công việc nhiêu khê, phức tạp này để giới thiệu đến độc giả xa gần và nhân đây có thể đính chính một số ngộ nhận khác đã có từ lâu trong văn học sử nước nhà.
Tóm lại, theo chúng tôi hiện Đại Nam Quốc sử diễn ca (chữ Nôm) có hai bản khắc gỗ:
- Một bản khắc in do nhà Trí trung đường, Quảng thịnh đường, Liễu văn đường là bản khắc in trong nước do Đặng Huy Trứ, Phạm Đình Toái hiệu đính và các bản này được phổ biến rộng rãi ở miền Bắc.
- Một bản khắc in ở Quảng Đông (TrQ) Kim Ngọc lâu tàng bản, do Đặng Huy Trứ, Duy Minh Thị phủ chính, chú thích, và bản này phổ biến ở miền Nam chứ không phải như hai nhà chú thích, phiên âm, hiệu đính… Đinh Xuân Lâm, Chu Thiên khẳng định kiểu “ba bó một giạ” rằng: “hoàn toàn không cần thiết phải tạo ra một cuốn thứ ba nữa”(13). Phải chăng theo nhị vị không có bản khắc in khác của Trí trung đường, Liễu văn đường, hay Quảng thịnh đường…
Hiện nay trong tủ sách gia đình, chúng tôi còn lưu giữ được cái bản Đại Nam Quốc sử diễn ca chữ Quốc ngữ sau:
- Bản Trương Vĩnh Ky (1875, Sài Gòn)(14)
- Bản Hoàng Xuân Hãn (1949, 1952, 1956, Sài Gòn)(15)
- Bản Định Xuân Lâm và Chu Thiên (1966, Hà Nội)(16)
- Bản Nguyễn Khắc Thuần (2007, Hà Nội, Cần Thơ) (17)
Trong 4 bản trên thì bản Trương Vĩnh Ký phiên âm và in như một tập thơ, không chú thích, giảng giải… theo đúng chủ trương của người phiên âm là “Ta chép sách này ra quốc ngữ có ý cho trẻ con các trường, trước là coi cho biết truyện , sau là tập viết cho trúng tiếng, trúng dấu cho quen.” Chứ không phải là một công trình nghiên cứu, khảo dị văn học cổ; tuy rằng ông là một nhà khoa học. Ở đây họ Trương chỉ làm công việc phổ thông, thực tế là khi chữ Quốc ngữ mới phôi thai ở Nam Kì (1875) vào thời điểm trên. Đó là công mở đường cho nền văn học mới của học giả họ Trương.
Riêng ba bản sau được giới thiệu với tinh thần nghiên cứu – nhất là bản Hoàng Xuân Hãn – một áng văn cổ của văn học dân tộc. Mỗi công trình đều có nét đặc thù của một tác phẩm văn chương cổ Việt Nam mà cũng là bản sử ca dân tộc. Do vậy, phần phiên âm, khảo dị, chú thích này chúng tôi chỉ khảo dị, so, đọ với bản HXH là chính, còn các bản sau chì là phụ khảo thôi, vì dù sao bản HXH vẫn là tác phẩm đầu tiên nghiên cứu Đại Nam Quốc sử diễn ca với tinh thần khoa học thuần túy văn sử, nên có thể tránh được ý niệm chủ quan của người khảo luận tác phẩm văn sử cổ.
Duy Minh Thị là một tác gia và cũng là một trong những người giữ bản khắc gỗ, chú thích - phần Hán Văn - trước nhất tác phẩm này như trên đã viết. Công trình này của cụ Phan Văn Hùm bị dỡ dang đã 70 năm (1938) nay mới tìm thấy lại. Ấy có thể là do mối duyên hàn mặc và sự tình cờ hiếm có mà biên giả sưu tầm lại đủ cả hai phần Quốc ngữ và Nôm của cố khổ chủ. Nay tôi tiếp tục phiên âm, chú thích phần còn lại (744 câu) nhằm trân trọng cung hiến độc giả yêu cổ văn xa gần để thưởng thức một áng văn cổ mà cũng là bản sử ca hiếm có của Văn học và Sử học Việt Nam.
Theo đây biên giả tóm tắt tiểu sử và tác phẩm của ba vị có liên quan đến Đại Nam Quốc sử diễn ca là Lê Ngô Cát. Đặng Huy Trứ và Duy Minh Thị đối với Văn học sử Việt Nam.
Trong bản dịch này chúng tôi (NQT) chua thêm ngày tháng âm lịch, dương lịch của từng triều đại, năm lên ngôi, năm mất của từng vị vua trong biên niên sử Việt Nam mà trong nguyên tác không có. (Phần chua thêm năm Dương lịch này cũng rất tốn công vì phải tham khảo một số sách sử học, lịch học). Còn các sai sót khác có trong sách là trách nhiệm của biên giả (NQT).
Gia Định tháng 12-2008
NQT
LÊ NGÔ CÁT
(1827 - 1875)
Danh sĩ, sử gia đời vua Tự Đức, tự Bá Hanh, hiệu Trung Mại, quê xã Hương Lang, huyện Chương Đức tỉnh Hà Đông (nay thuộc huyện Chương Mĩ, tỉnh Hà Tây), con cụ cử Lê Ngô Duệ. Năm Mậu thân 1848 ông đỗ cử nhân, sơ bổ giáo thọ phủ Kinh Môn (Hải Dương) ít lâu bổ tri huyện Thất Khê (Lạng Sơn) rồi thăng Hàn lâm viện biên tu.
Năm Mậu ngọ 1858, làm việc ở Quốc sử quán, sau làm Án sát Cao Bằng.
Trong năm Kỉ vị 1859, ông được Phan Thanh Giản đề cử, cùng với Trương Phúc Hào dự vào việc hiệu đính Việt sử ca hay Sử kí quốc ngữ ca tức Đại Nam quốc sử diễn ca.
Nguyên quyển Đại Nam quốc sử diễn ca theo truyền văn vốn của một tác giả vô danh ở cuối đời Lê, người tỉnh Bắc Ninh, khởi thảo và nộp vào viện Tập hiền năm Đinh tị 1857. Lê Ngô Cát sửa lại và chép tiếp thêm đến hồi vua Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc. Bộ sử này có Phạm Xuân Quế nhuận sắc. Đến Quí dậu 1873, Phạm Đình Toái có sửa chữa nữa, ba phần rút lấy một, rồi Phan Đình Thực, và các danh sĩ lại nhuận sắc thêm. Xong Phạm Đình Toái cho khắc ván in ở Trí Trung đường của quan Bình chuẩn Đặng Huy Trứ tiếp sức trong việc hiệu chính.
Lê Ngô Cát rất sính thơ lục bát. Còn truyền một giai thoại: khi ông dâng tập Đại Nam quốc sử diễn ca lên vua Tự Đức, Tự Đức đọc đến đoạn “Triệu thị” cỡi voi đánh quân Ngô, phê “Như thế hèn cho đàn ông nước Nam lắm”, sau đó thưởng cho ông tấm lụa và hai đồng tiền. Ông có câu tự biếm:
“Vua khen thằng Cát có tài
Thưởng cho cái khố với hai đồng tiền”.
Ông không tha thiết với công danh, nên chẳng bao lâu cáo quan về vui thú ruộng vườn.
Năm Ất hợi 1875, ngày 20 tháng 5 chưa được phép cáo quan, ông mất tại lúc tại chức ở Cao Bằng, hưởng dương 48 tuổi(1).
– Đại Nam Quốc sử diễn ca là một cuốn sử bằng thơ (lục bát) tóm tắt các sự việc lớn xảy ra trong nước ta từ đời Hồng Bàng đến cuối đời Tây Sơn. Sách rút từ các sử sách của Quốc sử quán, như: Đại Việt sử kí toàn thư, Lê sử tục biên...
Đặc điểm của sách là dùng văn Nôm và thể thơ lục bát. Bản ý của người soạn là làm bài vè về quốc sử để cho mọi người, mọi giới đọc được và thích ý dễ nhớ. Thế cho nên mục đích của bản sử này là phổ thông cho người bình dân chứ không phải giành cho giới khảo cứu.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, nhất là Phan Văn Hùm, Hoàng Xuân Hãn từng khẳng định Lê Ngô Cát là tác giả sách này cho nên năm 1874 khi khắc in ở Trung Quốc, Duy Minh Thị đã không ghi tên Phạm Đình Toái là người hiệu chính như các nhà nghiên cứu về Đại Nam Quốc sử diễn ca.
Các tác phẩm của ông gồm: Đại Nam Quốc sử diễn ca và một số câu đối tỏ chí đã được các nhà biên khảo sưu tầm in trên tạp chí Tri Tân năm 1943 ở Hà Nội.
Bài thơ Vịnh thả diều nói lên được thái độ thản nhiên tự tại của ông đối với xã hội và con người, khi con người đạt đến “đường mây”
“Xuân nhật nhàn du tác chỉ diên,
Bạch bì, trúc cốt dực phiên phiên.
Hung trung tố uẩn lăng vân chí,
Thừa phỉ hùng phong diệc lệ thiên.”
Dịch thơ:
Ngày xuân thong thả, thả diều chơi,
Da giấy xương tre bộ cánh dài.
Thẳng bước đường mây lòng vốn ước,
Gió mây gặp hội cũng tung trời
ĐẶNG HUY TRỨ
(1825 - 1874)
Danh sĩ đời Thiệu Trị, hiệu Hoàng Trung, tục gọi Bố Trứ hoặc Bố Đặng vì từng làm Bố chánh, quê làng Bát Vọng, sau sang ngụ ở làng Thanh Lương, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay là tỉnh Thừa Thiên – Huế).
Ông thuở trẻ dĩnh ngộ có tiếng là thần đồng, năm Đinh vị 1847, đỗ Hương tiến. Theo Quốc triều Hương khoa lục và Quốc triều đăng khoa lục thì ông thi Hương đỗ cử nhân, thi Hội đỗ tiến sĩ, đến khi vào thi Đình bị phạm húy nên bị cách và cấm trọn đời không được đi thi nữa.
Nguyên khoa thi Hội năm 1847, ông trúng cách (tức đậu Tiến sĩ) nhưng quan độc quyển là Hà Duy Phiên phát hiện bài thi ông viết có câu: “Gia hại chi miêu” (hại lúa tốt) như vậy là phạm húy vào tên làng vua (làng [Gia Miêu], tỉnh Thanh Hóa) nên ông bị đánh hỏng và bị truất cả bằng cử nhân đậu từ năm 1843. Sau ông đi dạy học nơi nhà một vị quan lớn, cảm vì tài học ông quan lớn ấy tâu vua xin cho ông thi lại. Ông đỗ Hương nguyên, thế là trước sau ông đã thi đỗ hai lần cử nhân, một lần Tiến sĩ.
Đời Tự Đức, ông làm Tri huyện, nổi tiếng thanh liêm rồi lần thăng Ngự sử rồi Bố chánh sứ Nam Định, sau đổi làm Biện lí bộ Hộ. Ông từng đi sứ các nước Trung Quốc, Triều Tiên, Xiêm (Thái).
Ông tích cực phục vụ dân nghèo, xin đặt ra ti Bình chuẩn, khi đầu mùa thì nhà nước mua lúa tàng trữ, khi mất mùa thì đem bán rẻ cho dân. Vua Tự Đức nghe theo và giao ông trách nhiệm điều khiển nhân viên trong ti ấy.
Sau, vì có kẻ vu cáo ông bị giáng làm Trước tác, sung Bang biện Ninh Thái. Tại đây, ông lãnh đạo quân dân Bắc Ninh, Thái Nguyên đánh Pháp xâm lược ở các tỉnh thượng và trung du Bắc Kì. Ông bị bệnh tại chiến trường rồi mất ở Đồn Vàng (chiến khu chống Pháp) năm Giáp Tuất (1874), sau đó thi hài được đưa về an táng tại quê nhà với sự thương tiếc của quốc dân và vua Tự Đức.
Ông bình sinh khảng khái, có chí lớn, nên khi ông mất, kẻ thức giả đều tiếc. Ông là tác giả và tự lo trông nom khắc các bộ:
- Tùng chinh di qui, (in ở Trung Quốc).
- Hoàng Trung thi văn sao
- Tứ thập bát hiếu kỉ sự tân biên.
- Khang Hi canh chức đồ.
- Nhị vị tập
- Tứ thư văn uyển
- Bách duyệt tập
- Nhị hoàng di ái tập
- Đông Nam tập mĩ lục
- Nữ giới diễn ca
- Việt sử thánh huấn diễn nghĩa
- Đại Nam quốc sử diễn ca (hiệu chính)
Theo các nhà văn bản học và nghiên cứu văn học thì hầu hết tác phẩm Đặng Huy Trứ in ít sai sót nhất (vì ông là chủ nhân Trí trung đường ở Hà Nội) cũng là một văn sĩ lớn của lịch sử văn học Việt Nam.
(Tham khảo, Nguyễn Q. Thắng, Văn học Việt Nam nơi miền đất mới, NXB Văn học, 2007, mục từ Đặng Huy Trứ)
Nhận xét Đại Nam Quốc sử diễn ca Giáo sư Hoàng Xuân Hãn cho rằng:
“Về phương diện sử kí, cuốn này chỉ là một công tác phổ thông, chứ không phải có tính cách khoa học. Cho đến các việc kể trong đó, cũng chỉ phác theo lối triều đại sử, kể chuyện thay vua đổi chúa phần lớn mà thôi. Đến như lịch sử sinh hoạt và văn hóa của dân tộc ta, thì thỉnh thoảng có một vài chi tiết đơn giản thôi.
Về phương diện văn chương, nhờ các tác giả vào bực túc nho, nên dùng tiếng, mượn điển một cách chính xác, gọn gàng. Nhưng cũng vì thế, văn kém phần giản dị. Vả văn thuộc loại tự sự, cố ý vắn tắt, cho nên tác giả ít khi gửi tâm tình vào” (HXH, Đại Nam Quốc sử diễn ca, NXB Trường Thi, 1956, Sài Gòn).
DUY MINH THỊ
Nhà văn, tên thật là Trần Quang Quang viên chức hành chánh thời Pháp mới chiếm Nam Kì, nguyên quán huyện Duy Minh (tên cũ của phủ Hoằng An, tỉnh Vĩnh Long) sau là tỉnh Bến Tre, tên Nôm xưa gọi là Rạch Nước Trong, (nay thuộc huyện Mõ Cày, tỉnh Bến Tre) không rõ năm sinh, năm mất.
Thuở nhỏ ông học tập tại Gia Định, ngụ tại Xóm Dầu (An Bình) Chợ Lớn, nên sau khi viết văn còn lấy bút danh là Phụng Du Lí (người Xóm Dầu Phụng).
Năm 1862-1863 Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kì, ông chuyển sang học Pháp ngữ. Sau vào học Trường Thông ngôn Nam Kì, tốt nghiệp được bổ làm Kinh lịch (lettré) tại Chợ Lớn (thuộc Sài Gòn nên gọi là Gia Định thành Duy Minh Thị.
Ngoài thì giờ làm công chức của chính quyền thuộc địa, ông còn cầm bút chuyên sưu tầm, biên soạn, phóng tác một số sách về văn, sử, địa Việt Nam vào triều Nguyễn.
Các tác phẩm còn tìm thấy:
– Lục Vân Tiên (đính chánh bản Nôm), sao chép từ bản đầu tiên được khắc in, trên đầu sách ghi “Gia Định thành Duy Minh Thị đính chánh - Phật sơn Bửu Hoa các tàng bản, 1865 tỉnh Quảng Đông Trung Quốc.
Đây là bản chép đầu tay do các môn đệ Nguyễn Đình Chiểu chép lại. Ông chép lại đính chính và khắc in ở Phật Sơn Bửu Hoa các tàng bản, tỉnh Quảng Đông (Tr.Q), là bản in sớm nhất (1865).
– Đoạn trường tân thanh (đính chính bản Nôm, 1872) cũng do Duy Minh Thị khắc in ở Quảng Đông (TrQ).
Theo các nhà Kiều học, nhất là GS Hoàng Xuân Hãn thì bản Duy Minh Thị là bản gần với nguyên tác của Tố Như nhất. Trong 9 bản Kiều mà ông có được, sau khi khảo dị, nghiên cứu kĩ càng theo ông thì bản này sát nhất những gì mà Nguyễn Du viết. Tham khảo: Nguyễn Tài Cẩn, Tư liệu truyện Kiều (từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu). NXB Văn học và T.T nghiên cứu Quốc học, 2004. Bản Kiều (Đoạn trường tân thanh) do Duy Minh Thị khắc in là bản được GS Hoàng Xuân Hãn xem như là truyền bản đứng đầu danh sách 8 bản Kiều mà GS Hoàng đã tham khảo. Hiện chúng tôi (NQT) có lưu giữ một số bản Kiều này. Ý kiến trên chúng tôi nhắc lại ý kiến của GS Nghiêm Xuân Hải nghĩa tế GS Hãn và là người bảo quản các tư liệu, tác phẩm và di cảo Hoàng Xuân Hãn tại Paris. Điều này GS từng khẳng định với chúng tôi tại Pháp, khi chúng tôi trao đổi về bản Nôm Chinh phụ ngâm của Phan Huy Ích và Kiều tầm nguyên của GS Hoàng Xuân Hãn. Hi vọng Kiều tầm nguyên sẽ xuất bản trong một ngày gần đây ở Việt Nam do sự thỏa thuận và đồng ý của GS Nghiêm Xuân Hải.
– Đại Nam thực lục: bộ sách này gồm 4 quyển, tác giả dựa theo bộ Thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn viết về các việc xảy ra trong triều Nguyễn từ chúa Nguyễn đến đời Gia Long. Nhất là về việc Nguyễn Ánh từng phong trần ở Nam Kì mà tác giả gọi là “Gia Long tẩu quốc”. Bộ sách này năm 1943, Đặng Thúc Liêng chuyển thành thơ lục bát in trên Đại Việt tập chí của Hồ Biểu Chánh ở Long Xuyên.
– Nam Kì lục tỉnh là một cuốn địa dư về đất nước Nam Kì xưa, nội dung tương tự Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, nhưng giản lược hơn.
Nam Kì lục tỉnh còn gọi Nam Kì Dư địa chí là một tác phẩm địa lí học mô tả về diên cách, lịch sử, đất đai và con người đất Nam Kì thuở chúa Nguyễn mới khai thác. Ngoài các mục vừa kể, tác giả còn điểm xuyết một ít thơ ca về đất nước, con người Nam Kì lúc đương thời.
Nhân đây xin bổ túc về nơi nhau rún của ông (DMT) như cố sự sau:
Trong bản dịch của mình Thượng Tân Thị kể về sách Nam Kì dư địa chí về từ Cụm và Rạch đôi ma, Trương Vĩnh Ký gọi là Sông ma hay Tình trinh giang tức Vàm Nước trong gần đây. Tại đây có miễu thờ một cặp tình nhân chết trên rạch, người đương thời đặt là rạch Đôi Ma. Đương thời quân Tây Sơn khi đi ngang qua rạch nghe: đôi ma vừa sợ, vừa ghét... cho đập miếu thờ ngay bên rạch, nên nay không còn (18).
Tương truyền có một cặp trai gái yêu nhau mà cha mẹ hai đàng không khứng. Ban đêm hai người dìu dắt nhau qua rạch đi trốn, không dè qua giữa rạch, nước xiếc bơi không nổi, chết đuối. Khi nổi lên, hai người còn ôm chặt lấy nhau, gỡ không ra, cha mẹ hai bên thấy vậy thương tình cho chôn chung hai người một huyệt. Và sau đó, người đời cho cất miễu thờ gần bên rạch, vong linh hai người đêm đêm vào ở trong miếu ú ớ, nên có người làm thơ (19) truy điệu hai hồn ma. Hồi cuối thế kỉ XIX có một tác giả (khuyết danh) cảm cảnh và sự kiện này có thơ đề vịnh.
Vực hẳm cây cao chiếm một tòa
Sống không li cặp chết Đôi Ma.
Hồn hoa đem gởi chòm mây bạc,
Phách quế nương theo bóng nguyệt tà.
Con nước chảy ròng rồi kế lớn,
Tấm lòng có bậu lại cùng qua.
Căn duyên ai khiến xui cho đấy,
Tiếng để ngàn thu cũng cũng là.
Khi dịch cuốn sách của Duy Minh Thị, Thượng Tân Thị (Phan Quốc Quang) năm 1907 có làm bài đề vịnh về cố sự này.
Trải qua Rạch Kiếng ác chinh chinh
Nghe nói Đôi Ma bắt lạnh mình.
Thảm nỗi con nhà sanh bất hiếu,
Ngán cho giọt nước khéo vô tình.
Sống thề chưa vẹn duyên kim cải
Thác nguyện cùng theo chốn thủy tinh.
Ai hỏi hồn thiêng như có biết,
Tiếng đờn lượn sóng nổi linh đinh.
(Thượng Tân Thị, Nam Kì lục tỉnh địa dư chí.)
Về sau (1909) Nguyễn Liên Phong cũng viết về rạch Đôi Ma như sau:
“Đôi bên cha mẹ ngậm ngùi,
Nghĩ duyên tức tối sụt sùi thở than!
Tử đồng huyệt, sanh đồng sàng,
Cho chôn chung lại một phang mộ phần.
Hồn linh hiển hiện nhiều lần,
Người ta ngó thấy kêu rằng Đôi Ma”.(1)
(Nam Kì phong tục nhơn vật diễn ca).
Và bản Đại Nam Quốc sử diễn ca này (khắc in năm 1874) cũng tại Quảng Đông như các cuốn trên.
Điều đáng nói và chú ý là hầu hết các tác phẩm Hán Nôm của Duy Minh Thị đều khắc gỗ và in ở Quảng Đông (TrQ) nên ít sai sót so với các sách khắc gỗ ỡ Việt Nam.
Chú thích
(1) Phạm Đình Toái, Lời Tựa in lần thứ hai, Tự Đức năm 26, Quí dậu mùa hè, Đại Nam Quốc sử diễn ca (bản Quốc ngữ) do Giáo sư Hoàng Xuân Hãn dẫn trong Đại Nam Quốc sử diễn ca, NXB Sông Nhị Trường Thi, Hà Nội 1949, Sài Gòn 1956.
(2) Theo Hoàng Xuân Hãn giới thiệu trong Sách đã dẫn
(3) Nguyễn Q. Thắng, Tuyển tập Phan Văn Hùm, NXB Văn hóa – Thông tin, 2002. Phan Văn Hùm (1902-1946) tốt nghiệp Cao đẳng Công chánh (Hà Nội), cử nhân, cao học triết học tại Sorbonne – Paris. Ông là tác giả nhiều công trình về triết học, văn học cổ Việt Nam đã xuất bản trước năm 1964.
(4) Các cuốn trên đều do NXB Tân Việt xuất bản tại Hà Nội và Sài Gòn từ 1936-1964.
(5) Báo Tự do số 1 ngày 01 tháng 10 năm 1938, Sài Gòn
(6) Phan Văn Hùm viết “Chỉ nghe truyền rằng” nhưng sự thật là Lê Ngô Cát đã vâng lệnh Quốc sử quán (vua Tự Đức) chính thức viết nên trong tác phẩm này như ông viết:
“Lan Đài dừng bút thảnh thơi
Vâng đem quốc ngữ, diễn lời sử xanh”.
Do đó GS Hoàng Xuân Hãn viết “Vậy ông (LNC) đã vâng lời vua lấy sử bằng Hán văn rồi ông dịch hoàn toàn mới” (Hoàng Xuân Hãn sđd, xem thêm tiểu sử Lê Ngô Cát. Vả lại ý kiến này chỉ “nghe truyền” Phan Văn Hùm viết từ năm 1938 thì lúc đó chưa ai nghiên cứu về Đại Nam Quốc sử diễn ca. )
(7) Hoàng Xuân Hãn, Tựa và Dẫn trong Đại Nam Quốc sử diễn ca… Trường Thi tái bản, 1956, Sài Gòn.
(8) P.J.B Trương Vĩnh Ký, Đại Nam Cuốc sử diễn ca, Note, Bản in Nhà nước, Sài Gòn, 1875 trang I, II.
(9) P.J.B Trương Vĩnh Ký, Đại Nam Cuốc sử diễn ca, Sài Gòn, Bản in Nhà nước, 1875, trang III
(10) Hoàng Xuân Hãn, Sách đã dẫn trg 18-19
(11)(12) Đinh Xuân Lâm, Chu Thiên, Đại Nam quốc sử diễn ca, Đinh Xuân Lâm, Chu Thiên phiên âm…, NXB Văn học, 1966, Hà Nội.
(13) Đinh Xuân Lâm, Chu Thiên, Sđd
(14) Bản in Nhà nước 1875, Sài Gòn
(15) NXB Sông Nhị Hà Nội, Trường Thi Sài Gòn 1952, 1956
(16) NXB Văn học Hà Nội, 1966
(17) NXB Giáo dục, Cần Thơ, 2007
(18) Theo Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, Sài Gòn 1972 Trương Vĩnh Ký, Thượng Tân Thị, hoặc Lý Việt Dũng chú dịch, NXB Đồng Nai, 2004. Theo Trịnh Hoài Đức thì người con trai họ Nguyễn, người con gái họ Phạm không được lấy nhau công khai nên bỏ trốn rồi gặp nạn.
(19) Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, 2006.