Tiếp tục thực hiện dự án hợp tác về Hán Nôm với Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp (École francáie d’ Extrême - Orient) - biên soạn tập IV, tập cuối cùng của bộ sách Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu gồm 4 tập mà 3 tập đầu đã xuất bản(1) - mới rồi tôi sang làm việc 3 tháng tại Paris và dành ra gần 2 tuần lễ để đi Anh, với mục đích đọc và nghiên cứu các thư tịch, tài liệu Hán Nôm Việt Nam hiện tản lạc ở đảo quốc sương mù đầy quyến rũ này. Đáng lẽ phải đi cho khắp các tàng thư có liên quan đến công việc của mình ở Luân Đôn như Khoa nghiên cứu Phương Đông và châu Phi (School of Oriental and African Studies), Xã hội vua chúa châu Á (Royal Asiatic Society) v.v... thì do thời gian hạn hẹp (từ 18-5-95 đến 30-5-95), tôi chỉ có thể đến làm việc tại Thư viện Vương quốc Anh (The British Library), với ý nghĩ rằng đây là nơi tiêu biểu nhất.
Thư viện Vương quốc Anh gồm nhiều chi nhánh. Chi nhánh mà tôi đến là Phân kho sách Phương đông và Ấn Độ (Oriental and India Office Collections) nằm trên đại lộ Blackfriars(2). Trước tôi, đã có một số nhà nghiên cứu Việt Nam tới đây đọc sách và sau đó cũng đã viết những bài giới thiệu về tình hình chung, hoặc về khía cạnh này khía cạnh khác của Thư viện(3). Nhưng đối với mảng thư tịch và tài liệu Hán Nôm thì cho tới nay, vẫn chưa ai thực sự đi sâu. Bài viết này của chúng tôi vì thế có thể xem như là một bổ sung cần thiết.
Để tiện theo dõi, ta có thể chia toàn bộ sách Hán Nôm hiện tàng trữ tại Thư viện Vương quốc Anh thành 2 bộ phận lớn:
- Sách Hán Nôm do người Việt Nam soạn thảo;
- Sách Hán Nôm do người nước ngoài soạn thảo (có liên quan tới Việt Nam).
Sau đây là tình hình cụ thể thuộc từng bộ phận sách.
Sách Hán Nôm do người Việt Nam soạn thảo.
1. AN NAM CHÍ LƯỢC 安 南 志 略
Cổ Ái Đông Sơn Lê Trắc 黎 崱 biên soạn.
1 bản in, 1 bản viết tay, 7 tập, 20 quyển.
15408.g.86
An Nam chí lược, chữ in, Vương Vân Ngũ 王 云 五 chủ biên, bản sách quý hiếm gồm 7 tập của Tứ khố toàn thư 四 庫 全 書 , Tường hiệu quan Giám sát Ngự sử Tra Oánh 查 瑩 hiệu đính, Kiểm thảo Đức Sinh 德 生 xem lại. Có dấu ấn “Càn Long Ngự giám chi bảo” bằng mực đỏ ở trang đầu các quyển 1, 6, 10 và bằng mực đen ở trang cuối các quyển 14, 20. Riêng trang đầu quyển 15 có dấu ấn “Văn uyên các bảo” bằng mực đỏ. Cuối phần Tự sự ở Q.20, có để chữ “khuyết”. Trong sách cũng còn có chỗ để “khuyết” như vậy.
Đây là sách mới nhập kho Thư viện Vương quốc Anh.
ADD.MSS.1623
An Nam chí lược, chữ viết trên hai mặt a và b của những tờ giấy bản gấp đôi, khổ 25x15,3cm, có giấy lồng ở giữa để bảo vệ. Mỗi mặt 8 dòng, mỗi dòng có từ 19 đến 20 chữ. Cuối phần Tự sự ở Q.20 có để chữ “khuyết”. Sách được đóng thành 7 tập: tập 1 gồm 2 quyển; các tập 2, 3, 4, 5, 6 mỗi tập gồm 3 quyển; tập 7 gồm 4 quyển. Các tập được đựng chung trong một hộp giấy bằng bìa cứng bọc vải, có khuy cài bằng ngà (xương) theo kiểu truyền thống.
* Cả hai bản đều giống nhau về câu chữ, cách chia tập và chia quyển. Chỗ khác nhau giữa chúng là một đằng thì in, một đằng thì viết tay. Đặc biệt ở phần Đề yếu (Tứ khố toàn thư tổng mục đề yếu), trong khi bản in chép: “An Nam chí lược 20 quyển”, thì bản viết tay lại chép: “An Nam chí lược 19 quyển”, dù rằng trên thực tế, bản viết tay vẫn có đủ 20 quyển như bản in. Chưa rõ vì sao có hiện tượng này và cũng khó đoán biết giữa 2 bản, bản nào ra đời trước.
Cần nói thêm rằng hiện nay, tại Tĩnh Gia Đường văn khố 静 嘉 堂 文 庫 ở Tokyo, Nhật Bản cũng có 1 bản An Nam chí lược chép tay gồm 20 quyển, đây là truyền sao bản của Văn Lan Các 文 瀾 閣 傳 抄 本 . Theo Trần Kinh Hòa, bản này “không có mục lục và các bài tựa”(4), tức là cùng một loại bản với bản in và bản chép tay hiện tàng trữ tại Thư viện Vương quốc Anh.
Nếu so sánh loại bản An Nam chí lược 20 quyển này với loại bản An Nam chí lược 19 quyển hiện hành(5), ta sẽ thấy chúng khác nhau 2 điểm:
a. Loại bản 19 quyển có Quyển thủ gồm 14 bài tựa và bài Đề yếu, trong khi lại bản 20 quyển lại không có Quyển thủ, mà chỉ có bài Đề yếu trong Quyển thủ thôi.
b. Về việc chia quyển, trong khi loại bản 19 quyển xếp Lịch đại cơ thần, Triệu Thị thế gia và Ngũ đại thời tiếm thiết vào Q.10, và Lê Thị thế gia vào Q.11, thì loại bản 20 quyển lại xếp Lịch đại cơ thần vào Q.10, Triệu Thị thế gia, Ngũ đại thời tiếm thiết, Đinh Thị thế gia và Lê Thị thế gia vào Q.11. Cũng vậy, trong khi bản 19 quyển xếp Chí Nguyên dĩ lai danh hiền phụng sứ An Nam thi và Ngọc đường chư công tặng tống thiên sứ thi tự vào Q.17, An Nam danh nhân thi vào Q.18, Đồ chí ca và Tự sự vào Q.19, thì loại bản 20 quyển lại xếp Chí Nguyên dĩ lai danh hiền phụng sứ An Nam thi vào Q.17, Ngọc đường chư công tặng tống thiên sứ thi tự vào Q.18, An Nam danh nhân thi vào Q.19, Đồ chí ca và Tự sự vào Q.20.
Trừ mấy điểm nêu trên, phần còn lại của 2 loại bản An Nam chí lược nhìn chung không có gì khác nhau lắm.
Điều đáng nói là trong 2 loại bản vừa nêu đều thiếu phần Danh công đề vịnh “An Nam chí” vốn có trong thủ cảo An Nam chí lược của Lê Trắc. Nghĩa là nó nằm trong phần “khuyết” của cả loại bản 19 quyển (tương đương với Q.20 lẫn loại bản 20 quyển (tương đương phần cuối của Q.20).
Việc phát hiện các bản An Nam chí lược 20 quyển tại Thư viện Vương quốc Anh cho thấy vần đề đặt ra hiện nay không phải làm thế nào tìm cho được Q.20, mà là cố sức sưu tầm những bài thơ người Trung Quốc đề vịnh An Nam chí lược của Lê Trắc khi tác giả hoàn thành bộ sách.
Cả 2 bản sách này trong nước đều chưa có.
2. BẮC SỨ THỦY LỤC ĐỊA ĐỒ 北 使 水 陸 地 圖
Không đề tên tác giả. Vẽ năm Tự Đức Canh Thìn (1880).
1 bản, 138 tr., 31,4x18cm, vẽ bằng 3 loại mực đen, đỏ và xanh.
OR. 14907
138 trang bản đồ, vẽ theo lối cũ, về lộ trình đi sứ Trung Quốc bằng đường bộ (mực đỏ) lẫn đường thủy (mực xanh) từ Bắc Thành (tên thủ đô Hà Nội dưới triều Nguyễn) đến Bắc Kinh. Có vẽ cả đường về, nhiều đoạn không trùng hợp với đường đi. Trên bản đồ, có ghi độ dài các cung đường tính bằng dặm, cùng những sông, núi, danh thắng, công trình kiến trúc... dọc hai bên đường.
Bản sách này trong nước chưa có.
3. CHIẾU 詔
Hai tờ chiếu của vua Cảnh Thịnh gửi những người trong sứ bộ Anh.
2 bản, chữ viết cỡ lớn bằng mực đen trên giấy vàng nền có vẽ hình rồng. Lạc khoản có dấu ngọc tỉ màu đỏ. Cả 2 bản được đựng chung trong một bọc bằng vải.
OR. 14817/a
Chiếu của vua Cảnh Thịnh gửi cho Vương thân Đại thừa tướng v.v.. nước Anh. Toàn văn như sau:
“Tờ chiếu gửi Vương thân Đại thừa tướng Dầu, Khâm sai Ma Khiêu Nhĩ Nê, và... (mất 2 chữ) thuộc nước Hồng Mao Anh Cát Lợi.
Vì sóng to gió lớn, các khanh phải ghé thuyền vào biên cảnh nước trẫm để ẩn náu, có làm tờ biểu tâu lên, nói rằng hiện đang thiếu lương thực, ngỏ ý muốn mua. Lại gửi một số quà tặng nhằm tỏ tình giao hảo. Quan trấn thủ địa phương đã vì các khanh mà chuyển đạt mọi ý kiến với trẫm rồi.
Vả lại, bản triều thâu tóm cả Nam Hải. Phàm tàu viễn dương các nước muốn đến náu nơi chợ búa vùng này để buôn bán, hoặc vì sóng gió mà trôi dạt tới đây, mong được yên ổn, no đủ, trẫm đều lấy lòng nhân mà đối xử, cùng sinh cùng nuôi, coi người trong bốn biển như anh em một nhà.
Huống chi các khanh vâng lệnh quý quốc vương đi sứ Thiên triều (chỉ Trung Quốc - TN), giữa đường thiếu thốn, trẫm biết làm sao đây? Đặc biệt cấp cho các khanh 3.000 hộc gạo để dùng vào việc đi đường cũng như tiến hành buôn bán. Và thưởng thêm cho Vương thân Đại thừa tướng của quý quốc một đôi ngà voi cùng 5 gánh hạt tiêu để tỏ lòng quý mến, thông cảm với khách đường xa. Cung kính thay, đặc biệt ban tờ chiếu !
Ngày 1 tháng 5 năm Cảnh Thịnh 1 (1793)
OR.14817/b
Chiếu của vua Cảnh Thịnh gửi cho Tướng quân Mã Kim Đa v.v.. nước Anh. Toàn văn như sau:
“Tờ chiếu gửi Tướng quân Mã Kim Đa, Đại học sĩ Nghĩa Lan, Ngự sử Mã Tư Ích, Đại bút sử Bố Tư Ách và Á Di Nhĩ, Dương thế tập Án sát ty Bả La Ni nước Hồng Mao Anh Cát Lợi để biết.
Trẫm nghe từ xưa các nước đi lại với nhau thường có quà tặng cho người từ nơi xa đến. Các khanh vâng lệnh quý quốc vương vào cống Thiên triều, bị bão nên thiếu lương thực, hiện đậu thuyền ở xứ Quảng Nam thuộc nước trẫm, quan trấn thủ địa phương đã đề đạt mọi việc lên trên.
Trẫm nghĩ quý quốc ở cách xa hàng nghìn vạn dặm đường biển, vì mến đức mà sai sứ tới, giữa đường bị bão, phải trôi giạt vào đây. Thần tử của quý quốc cũng là thần tử của ta. Các khanh là những bậc tôi hiền, chịu đựng vất vả, trẫm thấy rất đáng khen. Vậy đặc biệt ban chiếu chỉ sai quan trấn thủ địa phương cung cấp thực phẩm cho các khanh để tỏ lòng quý mến, thông cảm với khách đường xa. Các khanh một lòng trung tín, mong được thuận buồm xuôi gió vượt trùng dương đi sứ phương xa. Không bao lâu công việc hoàn thành, được nước nhà tin sủng, đáp lại kỳ vọng của quốc vương, tấm lòng các khanh thật đáng khen. Cung kính thay, đặc biệt ban tờ chiếu!
Ngày 20 tháng... (mất 1 chữ) năm Cảnh Thịnh... (mất 2 chữ)
* Tờ chiếu này tuy không ban ra cùng ngày với tờ chiếu đầu, nhưng xét về nội dung cũng như về câu chữ, ta thấy giữa 2 tờ chiếu có sự nhất quán với nhau. Từ đó có thể nghĩ các chữ bị mất ở lạc khoản tờ chiếu thứ 2 không khác với các chữ đã xuất hiện trong tờ chiếu đầu, tức vẫn là tháng “5” năm Cảnh Thịnh “1” (nguyên niên)
Cả hai tờ chiếu này trong nước đều chưa có.
4. HÒA ƯỚC THƯ 和 約 書
Soạn năm Tự Đức 15 (1862) tại Gia Định.
1 bản in, 16 tr, 26,5x16cm, chữ Hán. Mỗi trang có 8 dòng, mỗi dòng có từ 15 - 18 chữ. Các trang đều có khung viền kép. Trên bìa sách có dòng chữ Pháp mới viết thêm vào: “Texte chinois du Traite de paix et d’amitie’ conclu, entre la France et I’Espagne d’unepart, et le royaume d’Annam, d’autre part, le 5 Juin 1862”.
15241.c.5
Bản hòa ước gồm 12 điều khoản, được ký kết tại Gia Định (TP. Hồ Chí Minh) ngày 9 tháng 5 năm Tự Đức 15 (5-6-1862) giữa Thiếu tướng Bô Na (Bonard) đại diện cho nước Pháp (la France), Đại tá Ba Lãng Ca (Palanca) đại diện cho nước Y Pha Nho (I’Espagne) một bên, và bên kia là sứ thần nước Nam gồm Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp.
* Xem thêm Di sản Hán Nôm… Sđd, Tập 3, tr.802, mục sách 1417.
5. KIM VÂN KIỀU HỘI BẢN 金 雲 翹 繪 本
Không đề tên tác giả. Không ghi nơi và năm làm sách.
1 bản, 146 trang, 34x21cm, 1 tiểu dẫn, có chữ Hán, chữ Nôm.
Sách gồm những tờ giấy bản gấp đôi, có lót giấy tây ở giữa. Bìa sách bọc vải màu vàng, trêu thêu hình rồng và một số họa tiết bằng các loại chỉ xanh, trắng và vàng nhạt.
OR.14844
146 bức vẽ (mỗi trang giấy 1 bức) minh họa sách Kim Vân Kiều tân truyện với những chủ đề lựa chọn như: “Kim Vân Kiều tân truyện” (bức vẽ 1); “Thúy Kiều truyện tiểu dẫn” (bức vẽ 2); “Diễn Thúy Kiều tổng mạo” (bức vẽ 3); “Mỹ Viên ngoại tam tử” (bức vẽ 4); “Mỹ Thúy Kiều tài sắc” (bức vẽ 5); “Thúy Kiều du thanh minh” (bức vẽ 5); “Thúy Kiều thanh minh quy” (bức vẽ 7) v.v..
Hình vẽ chiếm nửa dưới các trang sách. Nửa trên dành cho các lời dẫn hoặc bài văn, đoạn thơ tương ứng trích từ Kim Vân Kiều tân truyện, cùng lời bàn về ý nghĩa đoạn trích, và các chú giải, nếu cần. Hãy nêu một thí dụ: bức vẽ 4 với tiêu đề Mỹ Viên ngoại tam tử = Ca ngợi 3 con người của Viên ngoại. Mở đầu là câu văn Nôm viết bằng mực đen: “Đây là nói ba con ông bà Viên ngoại: Vương Quan là con trai thứ ba thời làm nghề học, chị thứ nhất là Thúy Kiều, chị thứ hai là Thúy Vân đều là con gái tốt đẹp”. Tiếp đó là đoạn thơ Kiều liên quan tới bức vẽ, từ câu “Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh” đến câu “Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da”, viết bằng mực đỏ. Sau đến lời bình bằng văn Hán, viết bằng mực đen, dịch ra như sau: “Vương Viên ngoại vốn thuộc dòng hoa, con nhà danh vọng, cũng bực anh hào. Vợ ông cầu khấn ở Hành Sơn, mộng thấy một cụ già trao cho ba cành đào: một cành hoa đã kết trái, một cành hoa vừa hé nở, và một cành hoa tàn một nửa. Lúc tỉnh dậy, bà ghi nhớ những điểm căn bản, hớn hở cho rằng giấc mộng vừa rồi chắc không ngoa, vội vàng trở về mách cùng Viên ngoại. Viên ngoại nói: “Trời cho ta một cành kết trái, ắt sinh con trai; hai cành nở hoa, ắt sinh hai con gái, dáng hình lại kiều diễm, tiếng tăm nhà ta chưa hết, hẳn là nhờ ở đây chăng?”. Cuối cùng là một chú thích cũng bằng văn Hán, viết bằng mực đen, dịch ra như sau: [“Mây thua nước tóc” ] xuất ý từ câu “Chẩn phát như vân, bất tiết thế giã = Râu tóc như mây, chẳng cần tóc giả” trong bài Quân tử giai lão ở phần Dung phong trong Kinh Thi [“Tuyết nhường màu da” ] xuất ý từ câu “Cơ nhược bạch tuyết = Da trắng như tuyết” trong bài Hảo sắc phú của Tống Ngọc.
* Trang bìa trong của sách có ghi mấy chữ tiếng Ý, viết bằng bút sắt: “Anno 1894); trang cuối sách có ghi dòng chữ tiếng Pháp, cũng viết bằng bút sắt: “Paul Pelliot, acheté 432 Fr, Porte Sully, Juin 1929, No 518”. Nếu những ghi chép trên đây là chính xác, thì các bản vẽ được hoàn thành vào năm 1894; đến năm 1929, Paul Pelliot, một học giả người Pháp mua được, và cuối cùng, sách được nhập vào kho Thư viện Vương quốc Anh.
Bản sách này trong nước chưa có.
6. NGUYỄN THUẬT VÃNG TÂN NHẬT KÝ 阮 述 往 津 日 記
Trần Kinh Hòa 陳 荊 和 biên chú, dựa vào bản sao Vãng Tân nhật ký, sách do Paul Demiéville tàng trữ. Có bài Đại tự và bài Giải thuyết của Trần Kinh Hòa soạn năm 1979, cùng bài Bạt của Nhiêu Tông Di 饒 宗 頤 . Tủ sách sử liệu (in đợt 1) của Sở Nghiên cứu Văn hóa Trung Quốc thuộc trường Đại học Trung văn Hương Cảng. Trung văn Đại học xuất bản xã xuất bản năm 1980.
1 bản, 93 tr. 22,6x15,4cm, 1 tựa, 1 thay lời tựa, 1 giải thuyết, 1 bạt, chữ Hán, có chữ Pháp. Sách yên theo phương pháp hiện đại, nhưng vẫn giữ một vài cách thể hiện truyền thống: viết theo hàng dọc, từ phải sang trái v.v..
1565.f.19
Bản chỉnh lý và chú giải sách Vãng Tân nhật ký của nguyễn Thuật, với các phần chính sau đây:
- Thay lời tựa (Đại tự).
- Giới thiệu (Giải thuyết): Chính sách đóng cửa, cấm đạo của triều Nguyễn và sự can thiệp của nước Pháp. Đường đi sứ Trung Hoa của Nguyễn Thuật.
- “Vãng Tân nhật ký” của Nguyễn Thuật; Bài tựa sách Vãng Tân nhật ký, do Vi Dã Lão Nhân viết. Vãng Tân nhật ký. Chú thích. Phần Bút đàm. Câu đối (trích).
- Bài bạt, viết cho bản sao Vãng Tân nhật ký của Nguyễn Hà Đình do Nhiêu Tông Di, người Hồng Kông soạn.
* Xem thêm Di sản Hán Nôm… Sđd, Tập 3, tr.533, mục sách 4169: Vãng sứ Thiên Tân nhật ký.
7. SẮC 敕
Sắc của vua Khải Định phong cho thần Đông Hải (1917), thần Nam Hải (1924) và thần Phạm Công (1924).
3 bản, chữ viết cỡ lớn bằng mực đen trên giấy màu vàng. Lạc khoản có dấu ngọc tỉ màu đỏ. Mỗi bản mang một ký hiệu riêng của Thư viện.
OR.14631
Nhân dịp lên ngôi, vua Khải Định ban sắc chỉ gia phong cho Tôn thần Đông Hải hiện thờ ở xã Hậu Bổng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương làm “Trung đẳng thần”.
Đạo sắc đề ngày 18 tháng 3 năm Khải Định 2 (1917).
OR.14632
Nhân dịp thọ 40 tuổi, vua Khải Định sắc phong cho thần Phạm Công hiện thờ ở xã Văn Lâm, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương làm “Tôn thần”.
Đạo sắc đề ngày 25 tháng 7 năm Khải Định 9 (1924).
OR.14665
Nhân dịp thọ 40 tuổi, vua Khải Định ban sắc chỉ gia phong cho Trung đẳng thần Nam Hải hiện thờ ở xã Hậu Bổng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương làm “Thượng đẳng thần”.
Đạo sắc đề ngày 25 tháng 7 năm Khải Định 9 (1924).
8. THIẾU VI TIẾT YẾU 少 微 節 要
Tên đầy đủ của sách là Tân san bổ chính Thiếu vi thông giám tiết yếu đại toàn 新 刊 補 正 少 微 通 鋻 節 要 大 全 Đa Văn Đường khắc in lại năm Tự Đức 16 (1863) theo nguyên bản của họ Bùi 裴 氏 原 本 , Chung Viên 鐘 袁 tăng đính.
1 bản in (4T, 28Q), 4602 tr., 27x16cm.
15287.b.2
Tóm lược bộ sử Thiếu vi của Trung Quốc: lịch sử Trung Quốc từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế đến năm Nguyên Chí Chính 27 (1367).
Xem Di sản Hán Nôm… Sđd, Tập 3, tr.246, mục từ 3557: Thiếu vi tiết yếu đại toàn.
9. THƯƠNG ƯỚC, TÂN HÒA ƯỚC 商 約 新 和 約
Soạn năm Tự Đức 27 (1874), tại thành Gia Định
1 bản viết, 80 tr., 31x19cm, chữ Hán.
OR. 11683
1, Một bản Thương ước gồm 29 điều khoản do nước Pháp và nước Nam ký kết tại Gia Định ngày 20 tháng 7 năm Tự Đức 27 (31-8-1874). Đại diện nước Nam có Khâm sung giảng định Thương ước toàn quyền đại thần, Hình bộ Thượng thư Kỹ Vĩ bá Nguyễn Văn Tường và Lại bộ Thị lang Nguyễn Tăng Doãn. Đại diện nước Pháp có Ca Lăng (Krantz), v.v..
Nội dung Thương ước quy định việc mở thêm đường buôn bán từ cửa Ninh Hải tỉnh Hải Dương ngược sông Nhị đến địa giới tỉnh Vân Nam nước Thanh; mở thêm các điểm buôn bán như Hà Nội, Thi Nại cho người nước ngoài; tỷ lệ thuế xuất nhập khẩu; việc tàu hoa tiêu nước Nam dẫn tàu hoa tiêu nước ngoài vào cảng; thủ tục hải quan; các quy định đối với thuyền nhân nước ngoài; việc làm “cấp chiếu”; việc bốc hàng giỡ hàng và thời gian quy định; việc tàu buôn nước Nam khi tới buôn bán ở Pháp hoặc các thuộc địa của Pháp v.v..
2, Một điều khoản bổ sung nhằm tránh sự hiểu lầm về một số câu chữ trong Thương ước đối với Hòa ước 1862; cần đặt Lãnh sự của hai nước Pháp và Nam tại Hà Nội để thu thuế các thương nhân nước ngoài. Văn kiện này được ký kết ngày 20 tháng 7 năm Tự Đức 27 (31-8-1874). Các bên ký kết giống như ở bản Thương ước.
3, Một văn kiện do Nguyễn Văn Tường đại diện nước Nam và Ca Lăng (Krantz) đại diện nước Pháp ký ngày 15 tháng 10 năm Tự Đức 27 (23-11-1874) cốt làm rõ thêm khoản 2 của Thương ước, có liên quan tới việc buôn bán của người Thanh ở nước Nam.
4, Bản Tân hòa ước gồm 22 khoản do nước Pháp và nước Nam ký tại thành Gia Định ngày 27 tháng 1 năm Tự Đức 27 (15-3-1874) để thay cho bản Hòa ước ký ngày 9 tháng 5 năm Nhâm Tuất, Tự Đức 15 (5-6-1962). Đại diện nước Pháp có Du Bi Lê (Dupré).
* Xem thêm Di sản Hán Nôm… Sđd, Tập 1, tr.803, mục sách 1418: Hòa ước, Thương ước.
10. TUỒNG VIỆT NAM (VIETNAMESE THEATRE)
Phần lớn không ghi tên tác giả hoặc người sao chép (trừ 7 vở: Lưu Bình - Dương Lễ ca truyện, Ngũ hổ bình Liêu truyện, Ngự Văn Quân truyện, Phong lưu ca truyện, Tây du Đường Tăng cầu kinh ca truyện, Trương Viên tiết nghĩa ca truyện và Vũ Nguyên Long ca truyện có ghi “Lê Quý vâng lệnh chép” 黎 贵 奉 寫 ) cũng như năm sáng tác (trừ vở: Sự tích ra tuồng có ghi “Làm vào ngày lành tháng tốt năm Tự Đức 3 (1850)” 嗣 德 三 年 轂 月 日 造 ).
1 bộ gồm 10 tập, 6.540 tr., 26x21, chữ Nôm, có Hán, có dấu ấn “Bảo tàng Vương quốc Anh” (British Museum).
IX. OR. 8218
Gồm 46 vở tuồng, trong đó có bộ tuồng pho Tam quốc chí (TQC) gồm 9 vở. Sau đây là tên các vở tuồng (xếp theo thứ tự A, B, C... ).
TT |
TÊN VỞ TUỒNG |
Số hồi, thứ tiết |
Tập |
|
1 |
An triều kiếm |
安 朝 劍 |
3 |
7 |
2 |
Châu Lý Ngọc truyện |
珠 李 玉 傳 |
3 |
4 |
3 |
Đà Hắc Báo truyện |
陀 黑 豹 傳 |
1 |
2 |
4 |
Đào Phi Phượng truyện |
桃 飛 鳳 傳 |
4 |
2 |
5 |
Đào Tư Huệ truyện |
陶 思 惠 傳 |
4 |
7 |
6 |
Đương Duơng Trường bản (TQC) |
當 揚 長 版 (三 國 志) |
1 |
6 |
7 |
Giang Tả cầu hôn truyện (TQC) |
江 左 求 婚 傳 (三 國 志) |
1 |
6 |
8 |
Hán Sở tranh hùng truyện |
漢 楚 爭 雄 傳 |
1 |
9 |
9 |
Hoa chúc truyện (TQC) |
花 燭 傳 (三 國 志) |
1 |
6 |
10 |
Hoa Dung truyện (TQC) |
華 容 傳 (三 國 志) |
1 |
6 |
11 |
Hồ Thạch Hổ truyện |
胡 石 虎 傳 |
3 |
3 |
12 |
Kim Thạch kỳ duyên truyện |
金 石 奇 緣 傳 |
3 |
7 |
13 |
Kim Vân Kiều truyện |
金 雲 翹 傳 |
3 |
4 |
14 |
Kinh Châu phó hội truyện (TQC) |
荊 州 赴 會 傳 (三 國 志) |
1 |
6 |
15 |
Lã Chu Hy truyện |
呂 朱 希 傳 |
1 |
6 |
16 |
Lạc Phượng Pha truyện (TQC) |
落 鳳 坡 傳 (三 國 志) |
1 |
6 |
17 |
Lê Ngụy Khôi truyện |
黎 偽 魁 傳 |
3 |
6 |
18 |
Liễu Nhứ truyện |
柳 絮 傳 |
|
9 |
19 |
Lưu Bình Dương Lễ ca truyện |
劉 平 揚 禮 歌 傳 |
1 |
10 |
20 |
Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai truyện |
劉 阮 入 天 台傳 |
1 |
9 |
21 |
Lý Thiên Long truyện |
李 天 龍 傳 |
4 |
1 |
22 |
Mã Đăng Long truyện |
馬 登 龍 傳 |
3 |
1 |
23 |
Mã Sĩ truyện |
馬 士 傳 |
3 |
2 |
24 |
Nghĩa thích Nghiêm Nhan truyện (TQC) |
義 釋 嚴 顏 傳 (三 國 志) |
1 |
6 |
25 |
Ngũ hổ bình Liêu truyện |
五 虎 平 遼 傳 |
1 |
10 |
26 |
Ngự Văn Quân truyện |
御文 君 傳 |
4 |
10 |
27 |
Nhạc Hoa Linh Truyện |
岳 花 靈 傳 |
5 |
5 |
28 |
Phong lưu ca truyện |
風 流 歌 傳 |
1 |
10 |
29 |
Sơn hậu truyện |
山 後傳 |
3 |
3 |
30 |
Sự tích ra tuồng |
事 迹 韠 木旬 |
1 |
5 |
31 |
Tam cố mao lư (TQC) |
三 顧 茅 蘆 (三 國 志 ) |
1 |
6 |
32 |
Tam úy tân truyện |
三 畏 新 傳 |
2 |
8 |
33 |
Tây du Đường Tăng cầu kinh ca truyện |
西 遊 唐 僧求 經 歌 傳 |
1 |
10 |
34 |
Thạch Kim Anh truyện |
石 金 英 傳 |
3 |
7 |
35 |
Thù thế tân thanh truyện |
酬 世 新 聲 傳 |
6 |
9 |
36 |
Thuyết Đường truyện |
說 唐 傳 |
1 |
8 |
37 |
Tiệt giang truyện (TQC) |
截 江 傳 (三 國 志 ) |
1 |
6 |
38 |
Tống Từ Minh truyện |
宋 慈 明 傳 |
3 |
1 |
39 |
Trần Bồ truyện |
陳 蒲 傳 |
2 |
9 và 10 |
40 |
Trần Nhạc Vũ truyện |
陳 岳 武 傳 |
3 |
2 |
41 |
Trương đồ nhục truyện |
張 屠 肉 傳 |
1 |
8 |
42 |
Trương Viên tiết nghĩa ca truyện |
張 員 節 義 歌 傳 |
1 |
10 |
43 |
Tứ tinh giáng thế truyện |
四 星 降 世 傳 |
3 |
4 |
44 |
Tửu hội truyện |
酒 會 傳 |
1 |
7 |
45 |
Vũ Nguyên Long ca truyện |
武 元 龍 歌 傳 |
3 |
10 |
46 |
Vũ Thành Lân truyện |
武 成 璘 傳 |
2 |
5 |
|
Sách nguyên tên là Đại Việt sử lược 大 越 史 略 , do một tác giả Việt Nam khuyết danh đời Trần soạn xong vào năm Xương Phù ! (1377). Tiền Hi Tộ 錢 熙 祚 (người Trung Quốc) đời Thanh hiệu đính và in trong Thủ sơn các tùng thư, Sử bộ 守 山 閣 叢 書 , 史 部 . I. Chưa có ký hiệu thư viện Lịch sử Việt Nam từ Hùng Vương đến Lý Huệ Tông. Có bảng kê niên hiệu và số năm ở ngôi của các vua triều Trần, từ Trấn Thái Tông đến Trần Dụ Tông. * Gần đây, có người cho rằng tác giả Đại Việt sử lược là Sử Hy Nhan 史 希 顏 (Can Lộc, Hà Tĩnh), đỗ Trạng nguyên vào đời Trần Duệ Tông (1373-1377). Trước kia, Trần Văn Giáp đoán là Lê Chu Phổ (Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Tập 1, Nxb. Văn hóa, H. 1984, tr.190). Xem thêm Di sản Hán Nôm… Sđd, Tập 3, tr.608, mục sách 4315: Việt sử lược. II. Sách Hán Nôm do người nước ngoài soạn thảo Bên cạnh những sách Hán Nôm do người Việt Nam viết, Thư viện Vương Quốc Anh còn tàng trữ một số thư tịch, tài liệu Hán Nôm do người nước ngoài soạn thảo có liên quan tới Việt Nam. Đáng chú ý hơn cả là những tác phẩm sau đây: 1. DICTIONARIUM ANNAMITICO LATINUM (NAM VIỆT DƯƠNG HIỆP TỰ VỊ) Editum AJL. Taberd. Serampore (India): Marsham; 1838. ORW.1986.a.880 Đây là một trong số những bộ từ điển được biên soạn trên cơ sở bộ từ điển viết tay Anamitico - Latinum của Pigneau de Béhaine (1741-1799) làm từ 9-1772 đến 6-1773 tại miền Nam Việt Nam. Xem thêm Trần Nghĩa: Một bộ từ điển Việt - Latinh viết tay vào cuối thế kỷ XVIII vừa sưu tầm được, Tập san Nghiên cứu Hán Nôm, 1984, tr.127-136. 2. TECHNIQUE DU PEUPLE ANNAMITE (KỸ THUẬT DÂN TỘC VIỆT NAM) Henri Oger, cựu học sinh Trường Thuộc địa (Ecole coloniale) và Trường Cao học thực hành (Ecole pratique des Hautes - Etudes) ở Sorbone, Paris, biên soạn với sự cộng tác của một số người Việt Nam trong các năm 1908 và 1909 tại Hà Nội. Công trình gồm 1 tập chuyên luận và 1 bộ tranh vẽ. Tập chuyên luận do Hiệu sách Geuthner, 68 rue Mazarine (VIe) và Nhà in Jouve & Cie, 15 rue Racine (VIe) xuất bản tại Paris năm 1910. Bộ tranh vẽ được khắc in tại chùa Vũ Thạch (nay là Vũ Thạch linh từ, 13 phố Bà Triệu), Hà Nội vào thời gian trước đó (1908-1909). 1 bản, 161 tr., 27x21,5, chữ Pháp in trên giấy tây (Volume de Textes = Tập chuyên luận). 1 bộ (2T, 14Q), 700 tr., khổ lớn, mỗi tờ sách gồm một số tranh vẽ in trên một mặt giấy dó sản xuất tại Bưởi, Hà Nội. Một số tranh vẽ có chú thích chữ Nôm hoặc chữ Hán bên cạnh (Volume de Planches = Bộ tranh vẽ). OR.T.C.4 1, Phần chuyên luận: nghiên cứu kỹ thuật của dân tộc Việt Nam qua các bản vẽ về nguyên liệu (nông nghiệp, ngư nghiệp, săn bắn, vận tải, hái lượm); chế biến các nguyên liệu (làm giấy, mộc, gốm, sành sứ, đan lát, ươm tơ, dệt vải, thuộc da...); sử dụng các nguyên liệu đã được chế biến (buôn bán, vẽ và sơn, chạm trổ và nặn tượng, đồ thờ, máy, mứt kẹo…); đời sống riêng và chung của người Việt Nam (sinh hoạt cộng đồng, cuộc sống riêng tư, dụng cụ âm nhạc, đồng bóng bói toán, thuốc men trị liệu, lễ hội, trò chơi, tranh dân gian…). 2, Phần tranh vẽ: Khoảng 4000 bức vẽ gồm tranh (gravure), ký họa (croquis), bình đồ (plan) về các thứ công cụ, đồ dùng, máy, tư thế làm việc trong các ngành nghề, cùng các sinh hoạt cá nhân và cộng đồng của người Việt nam ở miền Bắc. * Đây là một trong những nguồn tài liệu quý giá để nghiên cứu về kỹ thuật cũng như về dân tộc học, xã hội học, kể cả tự dạng chữ Hán, chữ Nôm của Việt Nam đầu thế kỷ XX. 3. TĨNH TỊNH TRAI ĐỆ BÁT TÀI TỬ THƯ HOA TIÊN KÝ 静 净 齋 第 八 才 子 書 花 箋 記 Tĩnh Tịnh Trai 静 净 齋 bình luận. Thánh Thán 聖 嘆 ngoại thư. Khảo Văn đường tàng bản. 2 sách, 6 quyển, 16 x 11, chữ Hán. XI. 15334.a.3 Mở đầu sách, có 5 tranh vẽ: - Tranh vẽ hình Lương Phương Châu, với câu “Tiềm lai hoa hạ tiếu tầm phương 潛 來 花 下 笑 尋 芳” của Ái Nguyệt Chủ Nhân. - Tranh vẽ hình Dao Tiên, với câu “Phù dung diện sắc liễu mi trường 芙 容 面 色 柳 眉 長 của ấp Mỹ Đường. - Tranh vẽ hình Vân Hương, với câu “Hồng lâu tiết lậu xuân tiêu tức 紅 樓 泄 漏 春 消 息 ” của Thảo Đường. - Tranh vẽ hình Bích Nguyệt, với câu “Mãn diện xuân phong tần đới tiếu 滿 面 春 風 頻 帶 笑” của Lâm Xuyên thư ốc. - Tranh vẽ Ngọc Khanh, với câu “Yên thủy mang mang táng thiếp sầu 煙 水 茫 茫 葬 妾 愁 Tiếp đó là phần chính văn truyện Hoa Tiên, gồm 6 quyển. * Đây là tác phẩm mà Nguyễn Huy Tự (1743-1790) người Việt nam đã dựa vào để soạn truyện Hoa Tiên bằng thơ Nôm, thể lục bát, dài 1826 câu. 4. VIỆT NAM ĐỊA DƯ ĐỒ 越 南 地 與 圖 Sa Khâu Từ Diên Húc 沙 邱 徐 延 旭 người Trung Quốc đời Thanh vẽ. Góc dưới, bên trái tấm bản đồ, có bài chí nhan đề: Việt Nam quốc toàn đồ thuật lược 越 南 國 全 圖 述 略 của tác giả. 1 bản vẽ, 103 x 62, giấy bản bồi trên vải mịn, mực vẽ gồm 4 màu: đen, xanh, vàng và đỏ. Có 1 bài chí. OR.11682 Bản đồ địa lý của nước Việt Nam vào thời Tự Đức, vẽ theo lối truyền thống (cũng đã cải tiến chút ít như đưa phương Bắc lên trên). Có địa giới cả nước và các tỉnh. Vị trí núi, biển, sông ngòi. Trên bản đồ, màu xanh là nước, màu vàng là đường sá, màu đỏ là các đường biên giới. * Từ Diên Húc đồng thời là tác giả bộ sách Việt Nam tập lược 越 南 輯 略 gồm 2 quyển Thượng và Hạ, soạn vào năm Quang Tự 3 (1877)(6).
CHÚ THÍCH (1) Xem Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu (Catalogue des livres en Han Nom), 3 tập, PGS. Trần Nghĩa và GS. François Gros đồng chủ biên, Nxb. KHXH, H. 1993. (2) Orental and India Office Collections, 197 Blackfriars Road, London SE 1 8NG. (3) Xem PTS Nguyễn Quang Ngọc: Kho sách Việt Nam ở Thư viện Anh, báo Quân đội nhân dân, số 11287, Chủ nhật 25-10-1992, tr.1; Quang Vinh; Kho sách Việt Nam tại Thư viện Anh, Nội san Hướng về nguồn của Hội người Việt Nam tại Anh, số 17, tháng 12-1993, tr.12; Nguyễn Văn Hoàn : Tìm thấy bản Kiều quí ở Luân Đôn, báo Nhân dân Chủ nhật, số 36 (292), 4-9-1994, tr.9; v.v.. (4) Xem Trần Kinh Hòa: “Soạn niên, tài liệu và truyền bản của An Nam chí lược” in trong An Nam chí lược, Bd. của Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam thuộc Viện Đại học Huế, Huế, 1960, tr.XV. (5) Xem Bd. An Nam chí lược vừa dẫn, có in kèm nguyên văn chữ Hán ở cuối sách. (6) Xin chân thành cảm tạ Bộ Ngoại giao Pháp đã giúp đỡ về kinh phí và Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp đã tạo mọi điều kiện để tác giả bài viết này có thể sang làm việc một thời gian ngắn tại Anh quốc. Đồng thời cũng tỏ lòng biết ơn Ô.G W Shaw, Phó giám đốc Thư viện Vương Quốc Anh và Ô. Nguyễn Ngọc Trí, người phụ trách kho sách Việt Nam tại Thư viện, đã tận tình giúp đỡ tác giả trong những ngày đọc sách ở The British Library - TN./. |