Duyên nợ Việt của hai học giả Pháp

Hành trình hơn một thế kỷ nghiên cứu văn hóa Việt Nam của Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) được đánh dấu bằng một cột mốc quan trọng và ý nghĩa: màn chào đón bộ sách tranh Lục Vân Tiên về lại cố hương...

Học giả Olivier Tessier (trái) và Pascal Bourdeaux

Đi cùng là những chứng nhân bằng xương bằng thịt của hành trình đó - Pascal Bourdeaux và Olivier Tessier, hai học giả người Pháp lắm duyên nhiều nợ với Việt Nam.

Ngoài vị trí đắc địa giữa trung tâm quận 1 “tấc đất tấc vàng”, địa chỉ 113 Hai Bà Trưng không tạo nhiều ấn tượng khi nhìn từ bên ngoài.

Đây là nơi đặt văn phòng phía Nam của Viện Viễn Đông Bác Cổ (École Française d'Extrême-Orient - EFEO), nơi tôi gặp gỡ người phụ trách Olivier Tessier cùng vị tiền nhiệm Pascal Bourdeaux - hai nhà nghiên cứu đóng vai trò chính trong dự án biên soạn, sản xuất và đưa bộ sách Lục Vân Tiên cổ tích truyện (Histoire de Lục Vân Tiên) của tác giả Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) về lại quê hương Việt Nam từ kho lưu trữ của Viện Văn khắc và mỹ văn Pháp (Académie des Inscriptions et Belles-Lettre), một trong năm viện hàn lâm của Học viện Pháp (Institut de France).

Với tình yêu và sự may mắn cùng Việt Nam

Với mái tóc hoa râm và nụ cười hiền hậu, lối trò chuyện nhẹ nhàng và từ tốn, tác phong giản dị và khiêm nhường, nhà nhân học Olivier Tessier, 50 tuổi, trông giống một nhà nghiên cứu khoa học xã hội điển hình, đặc biệt khi ông ngồi giữa văn phòng, xung quanh là những tủ sách cao quá đầu người.

Có tổng cộng khoảng 800 cuốn sách” - ông nói về bộ sưu tập sách khảo cứu của mình, nhìn thoáng cũng nhận ra những cái tên như Đại Nam thực lục hay Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm (hợp tác giữa NXB Văn hóa thông tin, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, EFEO và Trường cao học Thực hành Pháp).

Ông trao đổi với tôi bằng một thứ tiếng Việt gần như hoàn hảo, dẫu cho một chấn thương ở đầu đã khiến ông gần như phải học lại tiếng Việt từ đầu cách đây vài năm. “Ban đầu, tôi là kỹ sư thủy lợi (của Đại học Université d’Aix - Marseille I) chứ chưa học về nhân học” - ông kể.

Năm 1993, khi 28 tuổi, nhân dịp tổ chức phi chính phủ GRET tại Việt Nam cần đến một kỹ sư thủy lợi, “tôi tự nhủ tại sao lại không?”.

Và thế là ông bắt đầu chuyến đi đầu tiên đến Việt Nam tới miền Bắc, tỉnh Phú Thọ. Kết thúc chuyến thực tập được nhà trường tài trợ (100 đôla Mỹ mỗi tháng sinh hoạt phí), ông Olivier trở về Pháp.

Đến năm 1995, nhờ “được Chính phủ Pháp cấp học bổng 3 năm để theo đuổi luận án tiến sĩ tại Việt Nam”, Olivier đã hoàn thành luận án tiến sĩ về làng xã Việt Nam vào năm 2003, tham gia một số dự án của các đại học Pháp và Bỉ đến năm 2006, khi ông chính thức về làm việc tại EFEO đến nay. 20 năm gắn bó với Việt Nam đã mang lại cho ông một người vợ cùng hai con trai mang song tịch Pháp - Việt.

Trước Lục Vân Tiên, những thành quả trong các dự án nghiên cứu văn hóa Việt Nam như bộ ảnh về Hoàng thành Thăng Long thế kỷ 19-20 đã mang lại cho ông Olivier giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội vào năm 2012. “Tôi rất may mắn được đến đây (Việt Nam). Tôi rất yêu thích công việc của mình” - ông nói.

Với người tiền nhiệm Pascal Bourdeaux, 43 tuổi, mối “lương duyên” với Việt Nam cụ thể hơn nhiều: Bà ngoại ông là người Việt Nam, sinh ra ở Tuyên Quang.

Thời điểm khóa cử nhân chuyên ngành lịch sử tại Đại học Paris 7 của Pascal kết thúc (những năm 1990) cũng là khi mối quan hệ giữa Việt Nam và Pháp được tăng cường.

Lúc học thạc sĩ, tôi muốn hiểu thêm về bên ngoài khu vực châu Âu. Mà nếu không biết tiếng Việt thì làm sao nghiên cứu về Việt Nam được, thế là tôi học thêm tiếng Việt” - ông Pascal nói bằng thứ tiếng Việt có phần còn trôi chảy hơn ông Olivier, song đậm giọng Nam bộ hơn. “Tôi muốn đến sống cùng nông dân Việt Nam để hiểu về cuộc sống, lối sống và phong tục của họ” - ông nói.

Bảo vệ xong luận án tiến sĩ về đề tài Phật giáo Hòa Hảo, năm 2007 ông Pascal “may mắn có được công việc chính thức tại Trường cao học Thực hành Pháp trong vai trò phó giáo sư”. Khung cảnh nghiên cứu chính của ông khi đó là về lịch sử tôn giáo Đông Nam Á.

Nhưng tôi quan tâm đến Việt Nam nhiều hơn cả”. Song phải đến năm 2012, ông Pascal mới chính thức gắn bó lâu dài với Việt Nam thông qua việc mở lại văn phòng EFEO tại TP.HCM trong một dự án hợp tác giữa EFEO với Trường cao học Thực hành Pháp.

Gọi là “mở lại” vì trụ sở đầu tiên của EFEO ở Việt Nam được đặt tại Sài Gòn, Nam kỳ vào năm 1900, rồi dời ra Hà Nội hai năm sau đó (1902), thời điểm thủ đô Việt Nam được vị toàn quyền Paul Doumer nâng cấp thành kinh đô của Đông Dương.

Cùng với việc mở lại văn phòng chi nhánh EFEO ở Sài Gòn, chúng tôi quyết định chọn dự án Lục Vân Tiên làm đối tượng nghiên cứu để biến nó thành biểu tượng cho hoạt động mới của EFEO tại miền Nam Việt Nam, vì Lục Vân Tiên là một di sản của văn hóa Việt Nam, chưa kể nghiên cứu văn học cũng là một trong những nhiệm vụ truyền thống của EFEO” - ông Pascal hào hứng kể lại hành trình đưa ông cùng Lục Vân Tiên đến Việt Nam qua sợi dây liên kết đầy tình cờ của số phận là giáo sư sử học Phan Huy Lê - người vừa nhận tấm bằng tiến sĩ danh dự do EFEO trao tại Pháp vào tháng 5-2016.

Năm 2010, nhân một chuyến thăm đến Viện Văn khắc và mỹ văn Pháp, giáo sư Phan Huy Lê cùng các đồng nghiệp Pháp phát hiện bộ truyện thơ có tranh màu minh họa Lục Vân Tiên.

Ngay trước khi giáo sư Phan Huy Lê đến, người phụ trách thư viện đã chọn lọc, lấy ra sẵn vài tài liệu quý liên quan đến Việt Nam và châu Á, như từ điển của Jean-Louis Taberd (nhà truyền giáo Pháp thuộc Hội Thừa sai Paris đến Nam kỳ, Việt Nam từ năm 1820), một tác phẩm của Huỳnh Tịnh Của và bộ truyện Lục Vân Tiên...

Tôi cũng viết rõ trong trang đầu của cuốn một rằng nhất định là duyên số đã khiến giáo sư Phan Huy Lê phát hiện bộ sách - ông Pascal nhấn mạnh - Và thế là chúng tôi (Pascal và Olivier) biết ngay mình phải làm sao để người Việt Nam biết đến tài liệu này, vì đây là một di sản văn hóa của Việt Nam”.

Như một câu chuyện lãng mạn mang màu sắc “xuyên không”, bộ truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu đã được dịch giả Abel des Michels dịch sang tiếng Pháp từ năm 1864. Song chỉ chữ không thì chưa đủ, một sĩ quan hải quân Pháp tên Eugene Gibert đã nhờ một họa sĩ cung đình Huế tên Lê Đức Trạch vẽ minh họa cho bản dịch tiếng Pháp của bộ truyện từ năm 1895 tới 1897.

Sau này, Eugene tặng lại công trình cho Viện Văn khắc và mỹ văn, tác phẩm nằm yên trong kho lưu trữ của viện từ đó đến năm 2010. “Eugene Gibert tặng bộ sách cho Viện Văn khắc và mỹ văn có lẽ vì vào thời điểm đó EFEO vẫn chưa ra đời. Từ năm 1899, Lục Vân Tiên đã được đăng ký lưu chiểu ở Paris... - ông Pascal bổ sung - Lục Vân Tiên là công trình nghiên cứu quan trọng và có ý nghĩa nhất với chúng tôi”.

Giờ đây, khi không còn làm đại diện cho văn phòng EFEO nữa, ông Pascal cùng ông Olivier vẫn tiếp tục theo đuổi những dự án hợp tác với Viện Nghiên cứu phát triển Pháp (Institut de recherche pour le développement - IRD) và EFEO quanh những vấn đề về thủy lợi và môi trường nước.

Đây là một dự án liên quan đến việc phát triển hồ Dầu Tiếng ở Tây Ninh và một hồ mới ngược lên phía bắc để cung cấp nước từ sông Bé, từ đó là một số kênh cấp nước cho TP.HCM cùng Tây Ninh, Long An...” - ông Pascal tiết lộ và cho biết thêm ông đang nghiên cứu về lịch sử phát triển văn minh sông nước và văn minh kênh rạch đồng bằng sông Cửu Long thời Nguyễn, lịch sử đạo Tin Lành ở Đông Nam Á nói riêng và lịch sử tôn giáo hiện đại nói chung, đồng thời “cùng Olivier tham gia nghiên cứu dự án thủy lợi Phước Hòa”.

 
Tranh minh họa trong Lục Vân Tiên cổ tích truyện

Khó khăn thời hiện đại

Câu chuyện giữa chúng tôi bèn chuyển sang chủ đề về thực trạng suy giảm nhân lực cũng như nguồn tài trợ cho những chương trình nghiên cứu KHXH & NV đang ngày càng bị thu hẹp. “Đúng là như thế, ngay cả ở văn phòng EFEO này, bạn trẻ nào muốn thực tập, làm việc thì không có vấn đề gì, chúng tôi rất hoan nghênh, nhưng chúng tôi không có tiền trả lương đâu (cười!)” - ông Olivier hóm hỉnh.

Hóa ra, trong số hơn một tá văn phòng của EFEO khắp châu Á (không tính văn phòng chính ở Paris, Pháp) cũng chỉ có ngần ấy nhân viên (trên dưới 14 người). “Văn phòng EFEO nào có tầm hai, ba người là rất lớn đấy. Thường chỉ có một người thôi. Tôi phụ trách văn phòng EFEO trong này, còn ngoài Hà Nội là Andrew Hardy (người Anh)”.

Lý do? “Nhà nước và Chính phủ Pháp chỉ đủ tiền trả lương cho người phụ trách cùng các chi phí sinh hoạt như tiền điện, tiền nước... Nếu chúng tôi muốn tổ chức dự án nghiên cứu nào thì phải tự thân vận động, tự đi tìm nhà tài trợ. Dự án Lục Vân Tiên cũng thế” - ông Olivier cười.

Lúc này trời đã sẩm tối, dưới ánh sáng của đèn điện, tòa nhà thanh nhã xây theo lối Pháp cổ với cửa sổ chớp và mái ngói lọt thỏm sau lưng một tòa cao ốc hiện đại, tạo ra sự tương phản mạnh mẽ khiến tôi xúc động... Rồi chúng tôi nói về cố nhà văn Sơn Nam, người mà theo nhận xét của ông Pascal “là một phần hồn của miền Tây Nam bộ Việt Nam và muốn hiểu về Nam bộ thì phải đọc Sơn Nam”.

“Ông có điều nhắn nhủ gì đến thế hệ trẻ không?” - tôi hỏi. “Không chỉ riêng người trẻ Việt Nam, tôi cũng muốn tâm sự điều này cả với người trẻ Pháp: Là một nhà nghiên cứu, tôi rất quan tâm đến quá khứ. Nếu sống trong hiện tại mà không biết gì về quá khứ thì khó tư duy và dự đoán về tương lai. Quá khứ, hiện tại và tương lai chính là một” - ông Pascal đáp trước khi chúng tôi tạm biệt nhau. 

Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO), tiền thân là “Phái đoàn khảo cổ học Đông Dương”, thành lập ngày 15-12-1898, sau được toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đổi tên thành Viện Viễn Đông Bác Cổ (ngày 20-1-1900). Ban đầu, suýt chút nữa phái đoàn đã neo đậu ở Ấn Độ, song đã chọn Việt Nam sau khi cân nhắc thấy nơi này “hứa hẹn nhiều hơn về mặt văn hóa”.

EFEO là cơ quan khoa học lâu đời nhất của Pháp chuyên nghiên cứu châu Á, xuất phát từ ý muốn lấp đầy sự thiếu hụt đầu tư cho việc nghiên cứu ngôn ngữ, di tích, văn học và lịch sử vùng Viễn Đông của một nhóm nhà Đông phương học, các thành viên của Viện hàn lâm Văn khắc và văn chương (AIBL).

EFEO có văn phòng tại TP.HCM và Hà Nội (Việt Nam), Phnom Penh và Siem Reap (Campuchia), Seoul (Hàn Quốc), Pondicherry và Pune (Ấn Độ), Jakarta (Indonesia), Tokyo và Kyoto (Nhật Bản), Vientiane (Lào), Kuala Lumpur và Yangon (Malaysia), Hong Kong và Bắc Kinh (Trung Quốc), Đài Bắc (Đài Loan), Bangkok và Chiang Mai (Thái Lan).

(Trích lược từ sách Lịch sử một thế kỷ nghiên cứu - Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Việt Nam của Pascal Bourdeaux và Olivier Tessier).

 Nguồn: http://cuoituan.tuoitre.vn/tin/van-hoa-nghe-thuat/20170206/duyen-no-viet-cua-hai-hoc-gia-phap/1254649.html

Thông tin truy cập

63701538
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
21830
23426
63701538

Thành viên trực tuyến

Đang có 139 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website