Và lịch sử vẫn tiếp diễn: Khái lược về ngành Việt học tại Nhật Bản

20180504 Bao tang Luis Finot

Bảo tàng Louis Finot của EFEO đầu thế kỷ 20, ảnh - Wikipedia

 

(Et l’histoire continue: petite présentation du monde des études vietnamiennes au Japon)

Nguyên tác: Frédéric Roustan

Biên dịch: Nguyễn Nam Trân

Dẫn nhập của người biên dịch:

Nhân vào trang của cơ quan nghiên cứu Réseau-Asie trên mạng, tôi tình cờ gặp bài tham luận bằng tiếng Pháp của nhà nghiên cứu trẻ Frédéric Roustan (đọc tại cuộc hội thảo khoa học về Á Châu do Réseau-Asie qui tụ các học giả và chuyên gia về châu Á  ngày 28-29-30 tháng 9 năm 2005 tại Paris). Lúc đó, tác giả hãy còn là nghiên cứu sinh tiến sĩ sử học tại Đại học Ngoại Ngữ Ôsaka. Trong tinh thần cầu học, chúng tôi mạn phép ông để chuyển ngữ hầu các bạn đọc quan tâm có thêm thông tin về lịch sử ngành nghiên cứu Việt Nam ở Nhật Bản dưới cái nhìn của người thuộc một nước thứ ba. Ông Roustan đã viết một luận án tiến sĩ vào niên khóa 2006-2007 nhan đề “Xã hội sử cuộc di dân của người Nhật vào miền bắc Việt Nam từ năm 1885 đến 1954” (Socio-histoire de l’immigration japonaise à Tonkin entre 1885 et 1954) dưới sự đồng chỉ đạo của hai giáo sư Gérard Noiriel (EHESS, Paris) và Sakurai Yumio (Đại học Tôkyô).

Có thể nói nội dung bài này phản ánh khá trung thực quan điểm của tác giả Frédéric Roustan ở thời điểm 2005. Dĩ nhiên những sơ sót về mặt kỹ thuật dịch và cách trình bày là trách nhiệm của người dịch.

 

Nhập đề:

Có hai điều đã thúc đẩy tôi chọn những công trình nghiên cứu của người Nhật về Việt Nam làm đề tài thuyết trình:

-         Một là, những nghiên cứu có tính cách “hiện đại” về Á Châu đã ra đời tại Nhật . Lý do là vì người Nhật muốn người Tây Phương hiểu về Á Châu[1].

-         Hai là, theo lời ông Furuta Motoo, nhà sử học và chuyên viên nghiên về Việt Nam, cũng là một khuôn mặt sáng giá trong giới nghiên cứu Việt Nam hiện tại ([5] Furuta, tr. 18, [6] Furuta, tr. 227) thì Nhật Bản hiện này là một quốc gia mà ngành Việt Học phát triển mạnh nhất, tính theo số lượng, kể từ con số nhà nghiên cứu, báo cáo khoa học cho đến cơ quan nghiên cứu.

Tuy vậy, trừ vài ngoại lệ hiếm hoi, những báo cáo được dịch ra tiếng nước ngoài hãy còn quá ít; dầu chúng có được dịch ra đi nữa thì đó cũng chỉ là những bài viết ngắn chứ không phải những tác phẩm tiêu biểu trong ngành, xứng đáng được tham khảo một cách rộng rãi. Vả lại, khó lòng hiểu được bản dịch của một bài viết đơn độc khi nó bị cắt đứt khỏi bối cảnh hàn lâm và trí thức mà từ đó nó đã ra đời?

Bản báo cáo sau đây của tôi đề cập đến vần đề nghiên cứu Việt Nam ở Nhật Bản trong khoảng thời gian trên một thế kỷ, nghĩa là từ lúc ngành Đông phương học Nhật Bản bắt đầu.

I) Cấu tưởng một khu vực địa lý. Nghiên cứu về Việt Nam theo quan điểm Đông phương học Nhật Bản:

Trước tiên phải hiểu được sự cấu tưởng một không gian địa lý gọi là Đông phương. Xuất hiện từ thập niên 1890 ( [36] Tanaka, tr. 47-50) và đối lập với những nghiên cứu về Trung Quốc xưa kia[2], môn Tôyôgaku hay Đông phương học (chính ra trên mặt chữ Hán, họ viết là Đông dương học東洋学 ) đã giúp cho các sử gia Nhật Bản[3], trong vai trò học giả Đông phương học, tạo ra một “môn học khác”, hay nói đúng hơn, tự tạo cho mình một tư thế khác ([36] Tanaka, tr.11-15). Khu vực được gọi là Tôyô 東洋 (trong cái nghĩa Đông phương) chỉ có nghĩa là vùng đất không phải là Tây phương (hay Tây dương西洋, [40] Tsuda, tr. 112)[4]. Đông phương mà những sử gia này tạo ra là một chốn có chung nguồn gốc thần bí, nhưng trước tiên nó là một nơi được tách biệt khỏi cái gọi là Á châu[5]. Việc tạo nên sự tách biệt này không có mục đích lộ rõ ý muốn nhập bọn với Tây phương mà chỉ để tự tạo cho mình một thực thể khác tương xứng với họ. Không gian ban sơ được định nghĩa như Đông phương là phần đất phía đông châu Âu, nghĩa là Trung Đông, Ấn Độ, đại lục Á châu và Nhật Bản.

Bối cảnh ra đời của Đông phương học Nhật Bản:

Những nhân vật đã xây đắp nên khoa nghiên cứu Đông phương trong buổi đầu là các sử gia chuyên môn về Trung Quốc như Shiratori Kurakichi白鳥庫吉 (1865-1942) ([Goi, tr. 15-70], [45]Yoshikawa, [41] Tsuda, tr. 325-387), giáo sư khoa sử rồi khoa  Đông phương ở Đại học đế quốc Tôkyô [39] Tôkyô Daigaku, tr. 628-669], Ichimura Sanjirô市村瓚次郎 , giáo sư về Hoa ngữ ở Đại học đế quốc Tôkyô và Naitô Torajirô内藤虎次郎tức Naitô Kônan内藤湖南 [6] (1866-1934), giáo sư và cũng là người đã mở ra khoa Đông Phương ở Đại học đế quốc Kyôtô ([14] Ienaga, tr.3-27). Vài nhân vật như vậy đã qui tụ thành một thế hệ học giả Đông phương học. Thế hệ này cho ra đời một kiến thức rất tổng quát, một học thuyết có tính lịch sử để làm chất liệu giúp thành hình khái niệm Đông phương mà họ thai nghén. Phải đợi đến thế hệ thứ hai, kể từ những năm của thập niên 1920, mới có việc chọn một quốc gia nào đó hay một thời kỳ nào đó để làm đề tài nghiên cứu chuyên biệt. Họ bắt đầu xây dựng nền tảng và điều khiển, ít nhất là trong buổi đầu, những cơ quan nghiên cứu chính yếu cung cấp kiến thức về Á châu cho nước Nhật. Quan trọng hơn hết là phân bộ nghiên cứu của Mantetsu[7] 満鉄研究所hay Tổng cục đường sắt Mãn Châu ([46] Young), thư viện mang tên Tôyô Bunko東洋文庫 của Tôa Dôbunkai東亜同文会 [8]cũng như các phân khoa nghiên cứu Đông phương của các đại học đế quốc Tôkyô và Kyôto. Trên thức tế, trước Thế chiến thứ hai, ở Nhật có rất nhiều hội đoàn hay nhóm nghiên cứu về Đông phương. Thường thường giữa họ đều có liên hệ với nhau.       

Từ buổi đầu của thập niên 1910, Shiratori 白鳥đã đặt ra những phạm trù để lồng khung các kiến thức thâu thập được. Ông còn đi đến việc phân biệt giữa loại kiến thức khoa học có tính thực dụng và loại kiến thức khoa học thuần túy. Loại kiến thức thực dụng là những thành quả nghiên cứu của nhóm Mantetsu vốn có mục đích phục vụ cho các hoạt động cụ thể có tính cách chính trị hay kinh tế. Loại kiến thức thuần túy có tính lý thuyết và văn bản đến từ những công trình nghiên cứu của các đại học, đặc biệt là hai Đại học đế quốc Tôkyô và Kyôto ([36] Tanaka, tr. 231-253). Phái theo khoa học thuần túy muốn đặt mình bên ngoài những đòi hỏi của chính quyền. Ý tưởng này tiến hóa thêm một chút trong những năm 1930 dưới ảnh hưởng của học thuyết Marx lúc đó là một hệ tư tưởng rất phổ biến trong giới trí thức, nghiên cứu và giáo chức đại học ([2] Barshays, tr. 53-59; [3] Duus, tr. 147-206; [20] Najita). Từ đó, có sự phân chia thành hai nhóm, một bên nghiên cứu khoa học, khách quan, một bên nghiên cứu phục vụ đế quốc. Phạm trù này bao gồm cả hai phạm trù do Shiratori白鳥 đặt ra mà ta đã nhắc đến bên trên. Tuy nhiên, cho dù những nhà nghiên cứu mác-xít và những nhà nghiên cứu phục vụ đế quốc có khác nhau về quan điểm, hầu như họ đều chấp nhận việc Nhật Bản đóng vai trò lãnh đạo Á Châu để đối đầu với Tây phương. Cũng vì thế, phần đông đã hợp tác công khai kể từ năm 1938 trong nhiều trung tâm nghiên cứu khác nhau để phục vụ chính quyền đương thời ([36] Tanaka, tr. 253-262) và nghĩ rằng mình đang giúp đỡ các nước bị áp bức. Thực tình, họ không có một lựa chọn nào khác ngoài việc ngậm miệng làm thinh nếu không muốn vào tù và như thế thường là chọn cái chết ([ 2] Barshays; [36] Tanaka, tr.57;[46] Young, tr. 26-32).

Liên hệ giữa Việt học và Đông phương học:

Nói đúng ra, Việt Nam không phải là một phần Đông phương của Nhật Bản nhung nó đã sớm được coi như thuộc vào trong vòng đai. Các nghiên cứu về quốc gia này trong thời kỳ gọi là cận đại đã bắt đầu cùng lúc với những nghiên cứu về Tôyôgaku東洋学 , nghĩa là vào thời điểm thập niên 1880. Đã có một vài tác phẩm viết về lịch sử An Nam như sách của Hikita Toshiaki引田利章 ([26] Satô), một giảng viên quân sự. Trước khi Thế chiến thứ hai kết liễu, công trình nghiên cứu về Việt Nam có thể chia thành hai loại. Trước tiên là loại nghiên cứu về quá trình thuộc địa hóa dưới bàn tay người Pháp, dựa lên nguồn tư liệu Pháp. Hai là loại nghiên cứu thời tiền thuộc địa trong mối bang giao với Trung Quốc khi người Pháp chưa đặt chân đến, dựa lên trên nguồn tư liệu Trung Quốc. Cho đến thập niên 1930, tác phẩm đã phát hành chỉ vỏn vẹn có những ký sự du hành ([32] Takada, tr.44) ví như sách của [34] Takegoshi Yosaburô竹越與三郎 (1865-1950). Trong thập niên 1920, các công trình nghiên cứu đạt được đã phản ánh ý hướng bành trướng kinh tế mới nhú mầm của một số tập đoàn tư lợi Nhật Bản qui tụ dưới hình thức hiệp hội. Chúng ta có thể kể đến tác phẩm của Maeda Hôjirô前田宝治郎nhan đề Futsuryô Indo-shina仏領印支那 (Đông Dương thuộc Pháp) do Nanpô Kenkyuukai 南方研究会xuất bản ở Tôkyô năm 1924 như một thí dụ tiêu biểu. Nó đã được yểm trợ tài chánh bởi Nanpô Kenkyuukai, nôm na là Hiệp hội nghiên cứu về vùng biển Nam. Những hiệp hội này sau đó đã xúc tiến việc nghiên cứu về khu vực thuộc địa Đông Dương trong tinh thần gọi là Nanshinron 南進論hay lý luận bành trướng về phương Nam. Chính là phạm trù không gian ấy là nơi đã ghi dấu những công trình nghiên cứu về sau, trước thời điểm Chiến tranh Thái Bình Dương và cũng lấy Việt Nam làm đề tài. Chúng được biết đến dưới cái tên Nanpô Kenkyuu南方研究hay những nghiên cứu về phương Nam. Chúng có vẻ gần gủi với loại nghiên cứu khoa học có tính “thực dụng” mà chúng ta đã trình bày. Để thỏa mãn những đòi hỏi nẩy sinh từ cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương, những cơ quan nhà nước của Nhật cũng cho ra đời những công trình nghiên cứu về Việt Nam ([46] Young, tr.44 và 597-606)[9]. Thường đề tài chủ yếu liên quan đến tài nguyên thiên nhiên, giao thông, khí hậu, canh nông và các nhóm dân tộc vv...

Việt học và Nam tiến luận:

Thành quả đạt được trong lãnh vực “khoa học thuần túy” có lẽ là công trình của nhóm đệ tử Shiratori 白鳥mà người ta thường đánh giá như những nhà khoa học thực nghiệm. Chúng ta có thể nhắc đến Matsumoto Nobuhiro松本信弘 (1897-1981)[10], Fujiwara Riichirô 藤原利一郎 (1915- 2008 LND )[11], và nhất là Yamamoto Tatsurô 山本達郎 (1910-2001). Nhân vật được nhắc sau cùng xứng đáng được gọi là nhà nghiên cứu chuyên ngành tiên phong ở Nhật Bản trong lãnh vực Việt Nam Học và Đông Nam Á Học ([5] Furuta, tr. 18). Sử quan của các vị nói trên là nhìn Việt Nam qua hình ảnh Trung Quốc và liên hệ của Việt Nam đối với Trung Quốc. Do đó những nhà chuyên môn này thông thạo cả tiếng Pháp lẫn tiếng Trung. Một phần vì vai trò của tác phẩm ngoại quốc được chuyển ngữ (họ dùng), một phần do gốc gác chuyên môn Đông phương học của các nhà nghiên cứu Nhật Bản chuyên viết về Việt Nam, việc xây dựng một kho kiến thức về vùng đất ấy chỉ nằm trong một hệ thống có tương quan trung tâm / ngoại vi, và không cho phép nó có được cá tính riêng.

Song song với việc nói trên, Đông Dương (Ấn Độ Chi Na) lại được kể vào trong khu vực gọi là Nan.yô南洋 (Nam Dương) hay là phía Nam Thái Bình Dương. Kể từ cuối thế kỷ 19, những người chủ trương phải “tiến xuống phương Nam” đã triển khai và bình thường hóa khái niệm địa lý này.Từ Nan.yô được định nghĩa như một vùng đất không thuộc về Đông phương lẫn Tây phương ([43] Yano, tr.57). Vùng này không thuộc vào Á châu. Quyển sách của Takegoshi Yosaburô 竹越與三郎vừa được nhắc đến bên trên là đại diện cho quan điểm cấu tạo nên một không gian tương đương với vùng Đông Nam Á của thời đại chúng ta. Sau Thế chiến thứ nhất, nó được những đoàn thể tư lợi xem như là một vùng có tiềm năng để bành trướng về mặt kinh tế ([27] Shimizu, tr.13]. Cùng một lúc , cụm từ Tônan Ajia, Đông Nam Á東南アジア được đem vào trong giáo trình, và Nhật Bản cũng bắt đầu có mặt nột cách chính thức trong vùng đất Á châu này. Sự kiện đơn sơ này tỏ rõ cho ta thấy những tín hiệu dự báo khu vực Á Châu sẽ bành trướng về phía Nam, và với khái niệm địa lý vừa được cấu tưởng, sẽ có một sự tiếp cận về văn hóa và dân tộc trước đó vốn chưa hề có giữa Nhật Bản và vùng đất này. Những công trình nghiên cứu về khu vực ấy sẽ tạo ra gốc rễ và mối liên lạc chung cho cả hai bên như các học giả Tôyôgaku東洋学 đã làm với Trung Quốc trước đây. Hơn nữa, hình ảnh của Việt Nam được trình bày trong những nghiên cứu trên chỉ là một xứ chậm tiến mà nói một cách khác thì nó phải cần đến Nhật Bản để được giải phóng ra khỏi bàn tay người Tây phương và sau đó là nhận sự giúp đỡ. 

Như vậy sau khi họp lại thành một nhóm như đối tượng cho các công trình nghiên cứu về Á châu tại Nhật Bản, Việt Nam đã được nhập vào vùng Đông phương Nhật Bản. Những thành quả đạt được, dù các tác giả của chúng đã đến từ chân trời ý thức hệ nào, vẫn còn bị giam hãm trong một cái khung quyền uy của chế độ gia trưởng, lúc nào cũng muốn tỏ ra che chở và chực can thiệp.

II) Những công trình nghiên cứu thời hậu chiến về Việt Nam:

Đối với những nhà Việt học người Nhật , thời hậu chiến là một giai đoạn kéo dài (từ 1945) cho đến giữa thập niên 1960, cũng là thời kỳ hoàng kim của công cuộc nghiên cứu về Việt Nam.    

Không thấy có những thế hệ tự phát. Hầu hết các nhà chuyên môn về châu Á thời hậu chiến đều là những kẻ đã được đào tạo bởi các môn đệ của Shiratori白鳥. Như thế, khi môn phái Đông phương học Nhật Bản và Đông phương học Pháp đại diện bởi EFEO (Trường Viễn Đông Bác Cổ)[12] hợp lưu để khai sinh thế hệ đầu tiên của những chuyên gia về Việt học.

Thế hệ gạch nối giữa tiền chiến và hậu chiến với Yamamoto Tatsurô:

Đối với Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung, Yamamoto Tatsurô đã đóng được vai trò gạch nối hai thời tiền chiến và hậu chiến. Ông đã hiển nhiên trở thành một khuôn mặt lớn trong giới nghiên cứu Nhật Bản về Đông Nam Á cho đến thập niên 1970. Môn Việt Học thời hậu chiến chịu ảnh hưởng nặng của những sử gia chuyên môn về lịch sử thời kỳ tiền thuộc địa, họ nghiên cứu lịch sử pháp chế Việt Nam như thể nó một bộ phận nối dài của luật lệ Trung Quốc. Thế nhưng cùng lúc đã bắt đầu thấy một số nghiên cứu liên quan đến các vương triều độc lập tự chủ hay về Vương Quốc Chăm ([32] Takada, tr.44). Quyển Nghiên cứu lịch sử An Nam (Annanshi Kenkyuu安南史研究, Tôkyô, nhà xuất bản Yamakawa, 1950) của Yamamoto là một tác phẩm đáng ghi nhớ. Trong đó, Yamamoto 山本sử dụng những công trình nghiên cứu tiền chiến và tìm hiểu về những đợt xâm lăng của hai triều Nguyên, Minh cũng như các cuộc kháng chiến của người Việt Nam. Chủ đề liên quan đến mối bang giao giữa Trung Quốc và Việt Nam rất phổ biến trong học giới hậu chiến. Những công trình nghiên cứu lấy Việt Nam làm đề tài của giai đoạn này đã được [42] Yamamoto biên tập thành một tác phẩm chung gồm nhiều tác giả vào năm 1975. Cho đến bây giờ, nó vẫn được xem như một tác phẩm lớn đáng được tham khảo và là đỉnh cao của Đông phương học Nhật Bản. Dầu vậy, thành quả về nghiên cứu một cách trực tiếp về Việt Nam sau thời chiến hãy còn tương đối hạn chế.

Mọi sự bắt đầu tiến triển thực sự từ thập niên 1950 vì những lý do có tính cách kinh tế và địa chính học. Còn đứng về phương diện hàn lâm mà nói thì mọi nghiên cứu đã dựa vào khái niệm chuyên môn gọi là area studies ([16] Kitagawa, tr. 11-29).

Thế hệ hậu chiến I (1945) và học thuyết Yoshida:

Rõ ràng lúc ấy nhà nước Nhật Bản đang mong mỏi trở lại Á châu bởi vì Nhật đang cần có một sự ổn định về mặt chính trị. Mặt khác lnhững liên hệ kinh tế có thể giúp họ thoát ra khỏi sự tùy thuộc vào kinh tế Mỹ. Đó là tinh thần của cái mà người ta gọi là “Học thuyết Yoshida”, gọi theo tên của Thủ tướng Nhật Bản, Yoshida Shigeru吉田茂[13]. Học thuyết đó đã giúp cho các area studieschiiku kenkyuu (地域研究nghiên cứu địa vực) phát triển bởi vì nhà nước đang cần những thông tin của họ hướng dẫn cho những quyết định chính trị. Chẳng mấy chốc mà cụm từ chiiki kenkyuu 地域研究được theo một nghĩa đặc thù khi nói về nghiên cứu ở Á châu. Nó bàn về Á châu trong cái nghĩa một nhóm quốc gia hãy còn chưa phát triển ([10] Hashiguchi, tr. 3-5). Tuy nhiên, giữa area studies và chiiki kenkyuu hãy còn có một sự khác biệt cơ bản. Đó là ở Tây Phương, những nhà chuyên môn nghiên cứu về một một không gian nghiên cứu đặc biệt nào đó thường họp nhau để bàn về một nước dưới cái nhìn đa khoa, trong khi đó, người Nhật lại làm ngược họ bằng cách không chú trọng vào một chuyên khoa nào. Thẩm quyền của họ đến từ sự hòa mình hoàn toàn trong ngôn ngữ và văn hóa của quốc gia đối tượng quan sát.

Có hai hiệp hội đã mở đường cho hình thức nghiên cứu địa vực đó. Tháng chạp năm 1951, tổ chức tên là Ajia Kyôkai[14] (アジア協会Á châu hiệp hội) được thành lập bởi Fujizaki Nobuyuki, một viên chức cai trị ở thuộc địa. Sau chiến tranh, ông ta đã liên hệ vói Đại học Keiô ở Tôkyô để tổ chức một nhóm nghiên cứu về Á châu. Cũng vào thời điểm đó, Kishi Nobusuke岸信介, nguyên Tổng trưởng thương mại, vừa ra khỏi nhà tù nơi ông bị giam cầm với tu cách một chiến phạm hạng A...Ông Kishi tỏ ra thích thú với kế hoạch do Fujizaki soạn thảo nên giúp ông này, cả bằng tiền nong, để trước tiên thành lập một nhóm nghiên cứu phi chính thức vào năm 1951, và sau đó một hiệp hội có tính công cộng vào năm 1953. Ajia Kyôkai sẽ xúc tiến những công trình nghiên cứu theo đúng những hướng chính của “Hoc thuyết Yoshida” . Cụ thể là hiệp hội này chỉ đặt trọng tâm vào tình hình kinh tế Á châu cho nên họ muốn việc làm của mình là thực dụng chứ không nhuốm màu sắc ý thức hệ[15]. Người ta cũng nhận ra rằng trong nhóm nghiên cứu hồi mới bắt đầu, có một tình cảm chống Tây Phương khá rõ. Một trong những đề tài nghiên cứu của nhóm là sự tái thiết quốc gia ở Á châu sau khi chiến tranh kết thúc, cũng như liên hệ giữa chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa cộng sản. Các nhà nghiên cứu đã đến tận nơi tận chỗ để thu hoạch càng nhiều thông tin càng tốt và sau đó chuyển lại cho nhóm nghiên cứu. Năm 1957, Fujizaki được Thủ tướng Kishi đồng ý cho tổ chức một trung tâm nghiên cứu quốc gia. Đến năm 1960, dưới sự quản lý của Bộ Công Thương (MITI), Ajia Keizai Kenkyuujôアジア経済研究所 [16] đã được thành lập, và kể từ ngày đó, vẫn là một trung tâm nghiên cứu chính về Á châu có ảnh hưởng rất lớn đến việc soạn thảo chính sách nhà nước (policy making)[17]. Giám đốc đầu tiên của trung tâm là Tohata Seiichi cũng đã góp viên đá đầu tiên cho tòa nhà. Nhân vì Nhật Bản cần phát triển sự nghiên cứu về từng nước một, chứ trước kia họ chỉ làm về Trung Quốc và trong những điều kiện mà chúng ta đã biết, Tohada đã nghĩ ra một phương pháp làm việc mới, gửi các chuyên gia đi đến tận nơi sống hai, ba năm, để có thể tích lũy tất cả những gì họ biết về nước đó. Khái niệm chiiki kenkyuu 地域研究giúp cho Nhật Bản tái định nghĩa Á châu như những quốc gia thuộc thế giới thứ ba ([15] Shizawa, tr. 8-10). Dĩ nhiên là Nhật Bản cũng nhân đó tự định nghĩa lại mình trong tương quan với họ. Dẫu sao, trong khi chính phủ Nhật đang đi theo một chính sách thân Mỹ và với tất cả những gì mà Mỹ đang biểu lộ ra như là chủ nghĩa đế quốc ở Nhật, cái ý chí khu vực của các nhà nghiên cứu Nhật Bản có thể xem như một hình thức đề kháng.

Đối với những trào lưu tư tưởng ở Nhật, dù Mác-xít hay hiện đại, hậu chiến có nghĩa là dân chủ hay cuộc đấu tranh cho dân chủ, cho dù muốn định nghĩa dân chủ là thế nào đi nữa. Không riêng giới trí thức mà cả giới kinh doanh, sinh viên, đều dấn thân trên con đường này. Thế nhưng điều đó có nghĩa họ lại quay về với Tây Phương thêm một lần nữa ( [7] Gayle, tr. 152-165). Dẫu sao, cùng lúc, khi cả Á châu sôi sục, hội nghị Bandung tổ chức vào năm 1955 được coi như là một cơ hội kết hợp của những nhà nghiên cứu này và cống hiến một mô hình đầy tiềm năng cho những ai không chấp nhận Tây Phương ([29] Shiraishi, tr.101).

Cũng vào khoảng thời gian đó, một hiệp hội khác đã đi tiếp con đường. Năm 1959, Đại học Kyôto tổ chức được một nhóm nghiên cứu Á châu. Năm 1963, Tônan Ajia Kenkyuu Senta 東南アジア研究センターtức Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á được thành lập. Khác với IDE (tức Ajia Keizai Kenkyuujô), nhóm này chỉ qui tụ toàn những giáo chức đại học, những muốn đi theo một hướng có tính hàn lâm hơn. Lãnh vực nghiên cứu của họ lại rộng hơn nhiều. Ngoài ra, số đông trong nhóm không thuộc truyền thống mác-xít. Như vậy, ta thấy là khái niệm chiiki kenkyuu 地域研究của họ có hơi khác với các đồng nghiệp ở Tôkyô ([31] Suehiro, tr.25, [18] Motooka, tr. 5-19)[18].

Thế nhưng trung tâm này đã và vẫn còn là một tượng trưng giữa lòng khoa nghiên cứu về châu Á. Bắt đầu từ năm 1960, họ đã bắt liên lạc với Quỹ nghiên cứu của hãng Ford (Foundation Ford). Ba năm sau, nhờ sự tài trợ của Ford, trung tâm chính thức ra đời ([4] Ford tr.48), ([30] Stonor). Một số lớn các nhà nghiên cứu không để bị đánh lừa bởi vì họ đã thấy ngay liên hệ giữa những đề tài nghiên cứu và nguồn gốc của sự tài trợ. Quỹ này đã được xem như một dụng cụ của chủ nghĩa tân thực dân của người Mỹ và chính sách chống cộng của họ ở Á Châu. Trung tâm trở thành một thí dụ điển hình về một lối sản xuất tri thức mà một phần những nhà nghiên cứu thuộc thế hệ xưa và nhất là hầu hết những người vào đại học này không chấp nhận.

III)     Chiến tranh Việt Nam:

Khi bắt đầu có sự tăng cường dội bom trên miền bắc Việt Nam từ năm 1965 thì ở Nhật, thời hậu chiến coi như đã chấm hết. Nhìn chung, cuộc chiến ở Việt Nam đã có ảnh hưởng sâu sắc đối với xã hội Nhật Bản ([12] Havens), ([21] Nakajima). Ngoài nó ra, phải kể thêm cuộc “Cách mạng văn hóa” ở Trung Quốc, vốn đã đề nghị một mô hình sản xuất tri thức lôi cuốn được một số đông những nhà nghiên cứu Nhật ([35] Takeuchi tr. 316-323). Cuộc chiến Việt Nam đã gây ra một khoảng cách không hàn gắn được giữa những thế hệ[19] là điều khó lòng chối cãi. Trái ngược lại với thế hệ của hội nghị Bandung, lần này, hiện tượng này đã vượt ra ngoài phạm vi của giới trí thức và đại học. Tổ chức Beiheirenべ平連 (Hòa bình cho Việt Nam!) ([22] Oguma tr. 117-192) thành lập bởi một nhà trí thức tượng trưng cho cánh tả mới (New Left) của Nhật, Oda Makoto小田真, đại diện được cho tư duy của thời đại.Tổ chức phản chiến này đã huy động một con số khổng lồ những người Nhật, không vì lý do ý thức hệ mà bởi nó giúp cho những người ấy một cơ hội để trình bày quan điểm ([17] Maruyama tr. 303-310). Cùng lúc đó, các đại học Nhật Bản đã trở thành những bãi chiến trường thực sự, suốt hầu hết giai đoạn chiến tranh.

Thế hệ hậu chiến II (1966) với chiến tranh Việt Nam:

Cũng trong bối cảnh đó, những khóa dạy tiếng Việt đầu tiên ở đại học đã được khai giảng. Một khóa ở Đại học Keiô do giáo sư Kawamoto Kunie川本邦衛 (sinh năm 1929), một khóa khác ở Đại học ngoại ngữ Đông Kinh (Tôkyô Gaidai) bởi giáo sư Takeuchi Yonosuke 竹内与之助 (1922-2004) vào năm 1966. Hai ông đều từng đến miền NamViệt Nam sống trong thập niên 1950. Họ đã nghiên cứu tiếng Việt cổ điển (chữ Nôm? LND) và tiếng Việt hiện đại trong tinh thần chiiki kenkyuu. Chiến tranh đã giúp cho họ có cơ hội giảng dạy tiếng Việt ở đại học (Nhật, LND). Cơ hội này đánh dấu sự khai sinh đích thực của một đứa bé con, nó sẽ lớn lên không ngừng cho đến tận ngày hôm nay. Việc đi học tiếng Việt của họ trở thành một dấu hiệu đặc biệt của thế hệ này. Lớp người mà chúng tôi tạm mệnh danh “thế hệ chiến tranh Việt Nam” là những sinh viên đi học tiếng Nhật như một hình thức tham gia vào việc chống chiến tranh và sau đó họ đã trở thành nhà chuyên môn Việt học. Đối với họ, nghiên cứu Việt Nam là hiểu được thế giới[20]. Đại học ngoại ngữ Đông Kinh tức Tôkyô Gaidai không những chỉ giúp cho sinh viên có những lớp học tiếng Việt mà còn thêm cả một giáo trình về Việt Nam càng về những năm sau càng phong phú. Cũng nên ghi nhận sự góp mặt từ buổi đầu tiên và hầu như không hề bị gián đoạn của các giảng sư người Việt trong phân khoa này[21] ([21] Tanaka tr. 117-140).

Sức đề kháng của Việt Nam đã làm thay đổi lối nhìn của người Nhật. Họ không còn xem Việt học như một vòng đai của Trung Quốc học mà chuyển qua chủ đề nghiên cứu về sự kiến thiết đất nước của người Việt. Chúng ta có thể nhắc đến các công trình của Gotô Kimpei後藤均平 (sinh năm 1926), Katakura Minoru 片倉穣 (sinh năm 1934) và Sakurai Yumio 桜井由躬雄 (sinh năm 1945)[22]. Tinh thần kháng chiến của người Việt Nam trở thành một đề tài thời thượng của các sử gia. Mio Tadashi 三尾忠志và Kimura Tetsusaburô 木村哲三郎 biết sử dụng các tư liệu viết bằng tiếng Việt một cách thành thạo. Một công trình hợp soạn xuất bản vào năm 1977-78 với nhan đề “Vietnam” đã qui tụ được những thành tựu nghiên cứu trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam ([1] Ajia). Tác phẩm này đã được chào đời nhờ ở Ajia Africa Kenkyuujôアジアアフリカ研究所 tức Trung tâm nghiên cứu Á Phi, một tổ chức nghiên cứu về Á châu và Phi châu được Okakura Koshirô岡倉古志郎 (1912-2001) thành lập vào năm 1961. Ông Okakura là một nhà lãnh đạo trong phong trào không liên minh với Mỹ và là chuyên gia về chính trị quốc tế. Nhóm tác giả này đã ấn hành một nguyệt san cùng tên, trong có có rất nhiều bài viết liên quan đến Việt Nam.

Như thế, ta thấy chiến tranh (1945-1954 và 1965-1975, LND) đã giúp cho những công trình nghiên cứu về Việt Nam hiện đại khai hoa kết trái. Hai ông Matsumoto Nobuhiro 松本信弘với bộ thông sử nói về nước này của mình và Shimbo Jun.ichi rô真保潤一郎 , người đặt trọng tâm nghiên cứu vào chính trị sử, đại diện cho thế hệ đầu tiên sau năm 1945. Họ đã ảnh lưởng rất lớn đến các sinh viên của thế hệ chiến tranh Việt Nam. Giai đoạn ấy cũng đánh dấu bằng sự phiên dịch rất nhiều tác phẩm học thuật của các tác giả người Pháp như Coedes, Mason, Chesneaux, Condominas vv...

Chiến tranh đã chấm dứt trong bối cảnh sinh hoạt hàn lâm cao độ như thế.

IV)    Từ thập niên 1960 cho đến nay:

Ở Hoa Kỳ, việc chiến tranh chấm dứt cũng có nghĩa là sự chấm dứt của những nghiên cứu về Việt Nam. Nhật Bản thì không thế, tình thế mới ngược lại đã thúc đẩy thêm cho nghiên cứu. Thế nhưng, chiến tranh kết liễu, các nhà nghiên cứu bị lâm vào cảnh thiếu thốn tư liệu và hết còn cơ hội để đi làm việc ngay tại bản địa. Đó cũng là thời điểm mà các sinh viên của thế hệ chiến tranh Việt Nam dần dần gia nhập vào giáo ban đại học và trong các trung tâm nghiên cứu. Vào năm 1977, một phân khoa tiếng Việt đã được khai giảng tại Đại học (quốc lập) ngoại ngữ Ôsaka bởi Tomita Kenji富田憲次, một sinh viên từng theo học Takeuchi 竹内và Kawamoto川本. Việc có khả năng học tiếng Việt tại một đại học quốc lập thứ hai có một tầm quan trọng rất lớn cho việc đào tạo các nhà nghiên cứu. Ở đây, họ có những giờ học về văn hóa, lịch sử chính trị, pháp luật vv...khác hẳn với giáo trình của ngôi trường đàn anh ở Tôkyô vốn chú trọng đến Đông phương học và văn bản học nhiều hơn. Lại nữa, ta nhận thấy lúc ấy có những tiến bộ trong việc nghiên cứu về ngôn ngữ qua việc soạn thảo và phát hành những bộ từ điển và giáo khoa thư dành cho người Nhật ([37] Tomita tr. 55-61). Ngoài ra, vào những năm 1970, Nhật Bản đã có được một địa vị càng ngày càng quan trọng ở châu Á. Một số nhà nghiên cứu về châu Á đã tố giác sự hiện diện nói trên của Nhật như một hình thái của chủ nghĩa đế quốc. Vài người trong đám đã từ giã những trung tâm nghiên cứu như IDE (Ajiken) để gia nhập các đại học.    

Vào cuối thập niên 1970, đã có phong trào nghiên cứu về Đảng cộng sản Việt Nam cũng như về những cuộc vận động chống thực dân và đòi độc lập (như của Yoshizawa Minami吉沢南và Furuta Motoo古田元夫). Công trình của Furuta sở dĩ thực hiện được là vì ông có cơ hội hiếm có được tiếp xúc với nguồn tư liệu. Ông đã thử giải thích với quan điểm lịch sử tình hình giữa ba nước Trung / Việt / Cam-pu-chia vào cuối thập niên 1970. Một trong những công trình sáng gia nhất của thế hệ này có lẽ là cuốn Betonamu minzoku undô to Nihon, Ajia ベトナム民族運動と日本、アジアhay Những phong trào dân tộc ở Việt Nam và liên hệ của nó với Nhật Bản, Á Châu do Gannandô 巖南堂ở Tôkyô xuất bản vào năm 1993, chủ yếu nghiên cứu về nhà cách tân Việt Nam là Phan Bội Châu.    

Thế hệ hậu chiến III (1986) sau chính sách Đổi Mới:

Tuy nhiên, sau khi Việt Nam thống nhất thì các nhà nghiên cứu hầu như không còn cách gì để có thể nghiên cứu thực địa, họ bắt buộc phải tổ chức lại để làm việc với nhau bằng cách khác. Từ đầu thập niên 1980, những thành viên thuộc thế hệ thứ ba sẽ tụ họp với nhau thường xuyên hơn để thử rút là những điều lợi ích từ những thông tin mà họ có trong tay. Một nhóm đã được thành lập do sáng kiến của Gotô Fumio 後藤文夫với tôn chỉ là không cần hình thức và không đả động đến những vấn đề chính trị. Nhân vì những nhà nghiên cứu thuộc thế hệ thứ hai đã có những sự bất đồng quan điểm cho nên sáng kiến của Gotô khi thành lập nhóm này là để làm dịu bớt những cuộc cải vã sinh ra từ tinh thần phe nhóm. Dầu sao, nhân vì nguồn thông tin qua hiếm hoi, những cuộc gặp gỡ như vậy trở thành một chỗ tranh giành ảnh hưởng trong giới nghiên cứu về Việt Nam. Một hiệp hội đã dược chính thức thành lập và trở nên bộ phận đầu não cho môn Việt học cho đến giai đoạn Đổi Mới vào năm 1986. Từ thời điểm đó, nhờ được dễ dãi hơn trước trong việc tìm kiếm tư liệu cũng như khả năng đặt chân đến thực địa mà công việc nghiên cứu có phần thuận lợi hơn. Nói như vậy chứ trong thời kỳ 1975-1968, cánh cửa cũng không phải bị đóng kín hoàn toàn.Vài người được tuyển lựa sang Việt Nam kể từ cuối thập niên 1970 với tư cách giảng dạy Nhật ngữ trong một đại học ở Hà Nội hoặc đi đường vòng theo Bộ Ngoại Giao Nhật. Họ là lực lượng lớn lao nhất trong việc nghiên cứu của Nhật Bản về Việt Nam trong giai đoạn đó. Nhật Bản đã giữ được một cánh cửa thông ra hai chiều nhờ ở mối liên hệ ưu đãi đặc biệt giữa một vài nhà nghiên cứu với những cơ quan nhà nước Việt Nam.

Kể từ năm 1986, thế hệ trẻ dưới sự dìu dắt của Sakurai Yumio桜井由躬雄 đã có thể nghiên cứu thực địa. Sự quay về Việt Nam với hình thức nghiên cứu điền dã (fieldwork) là một chặng đường không thể thiếu được đối với những thế hệ nghiên cứu viên trẻ về Việt Nam kể từ thời kỳ này. Nó giống như một sự tìm về nguồn của chiki kenkyuu地域研究. Điều này đã giúp cho các nhà nghiên cứu Nhật tiếp thu được một vốn liếng tiếng Việt rất chuẩn xác và tạo nên những mối liên hệ chặt chẽ và chân tình với người bản xứ. Vào năm 1990, cuộc hội thảo về Hội An ở Đà Nẵng bên Việt Nam do Việt Nam và Nhật Bản đồng tổ chức, sau đó được xem như thành quả kết tinh những cố gắng của “thế hệ chiến tranh Việt Nam” và là biểu tượng 25 năm dấn thân của họ.

Cuộc Đổi Mới cũng mở ra một thời kỳ mới về mặt chủ đề khai thác. Tình hình Việt Nam “sau năm 1986” trở thành đề tài cho những nhà nghiên cứu. Lãnh vực nghiên cứu trở nên đa dạng, không chỉ giới hạn trong phạm vi Sử học. Người ta nhận thấy đề tài nghiên cứu về các vương triều Việt Nam thời độc lập tự chủ rất phổ cập. Vào những năm cuối cùng của thập niên 1980, một thế hệ mới đã đăng đàn với những người như Momoki Shiro 桃木室朗nghiên cứu về triều Lý và lịch sử chính trị cũng như quân sự của triều Trần, hoặc Yao Takao 八尾隆生đặt trọng tâm vào tổ chức quân sự dưới triều Lê.Ngoài ra, kể từ thời Đổi Mới hay nói chính xác hơn vào khởng giữa thập niên 1990, những chuyên gia Nhật Bản đã có dịp đóng một vai trò năng động trong việc đặt nền móng cho chính trị của thời kỳ quá độ ở Việt Nam, nối tiếp được một truyền thống nào đó đã tạo ra sự liên hệ chặt chẽ giữa tri thức và quyền lực, và như thế, có lẽ là một trong những hình thức đem lại lợi ích cho tất cả các bên liên hệ.

Kết Luận:

Để thay cho lời kết luận, tôi (F. Roustan) chỉ mong sao cho những công trình nghiên cứu về Việt Nam của người Nhật được chúng ta dịch ra tiếng Pháp nhiều hơn nữa. Điều này chắc chắn sẽ hữu ích cho chúng ta thôi. Xin nói thêm là ngày nay, vấn đề danh tánh nằm ngầm bên dưới những công trình nghiên cứu về Á châu đang thực hiện tại Nhật Bản vẫn không ngớt được bàn tán. Chúng tôi xin mời quí vị lên tham khảo trên mạng, vào trang của một nhóm nghiên cứu Á châu vừa mới được thành lập ở một đại học tiếng tăm Nhật bản là đủ biết. Phương châm làm việc của họ (Anh văn trong nguyên văn) chắc đủ để trả lời thay:

Cho đến hôm nay, lãnh vực gọi là Á châu học thường được phân tích theo quan điểm của các học giả Tây phương. Trong khi khó lòng phủ nhận việc quan điểm ấy là một cơ sở vững chắc để phân tích, ta thấy các nhà nghiên cứu Tây phương thường có tầm  nhìn của kẻ đứng bên lề, không hiểu cặn kẽ lịch sử địa phương và con người sở tại. Ý định của chương trình chúng tôi là đưa ra những nhận xét về Á châu đến từ bên trong, để cho các học giả Á châu có một cơ hội phát triển phương pháp luận riêng của họ về phần đất Á châu đang vươn lên...”.[23]

Giữa các nhà Á châu học, chắc chắn phải có những cách nhìn dị biệt nhưng chẳng lẽ lại xem điều đó đã xảy ra là vì hiểu biết hạn hẹp hay sao?

Frédéric Roustan 

Thư Tịch Trích Dẫn Của Tác Giả:

[ 1] Ajia Africa Kenkyujoアジアアフリカ研究所, Betonamu, Vietnam, shizen rekishi bunka (ベトナム、自然、歴史、文化 ) and seji keizai政治、経済, Ajia Africa Kenkyujoアジアアフリカ研究所編, Tokyo, Suiyôsha水曜社, 1977 -1978.

[2] Barshays, Andrew E., The Social Science in Modern Japan, the Marxian and the Modernist Traditions, Berkeley, University of California Press, 2004.

[3] Duus, Peter, “Socialism, Liberalism and Marxism, 1901-1931” in Tadashi Bob, Modern Japanese Thought, Cambridge University Press, 1998.

[4] Ford Foundation Annual Report, 1963.

[5] Furuta Motoo, Japanese Research on Vietnam, Social Science, Japan, numéro 8, January 1987, pp. 18-19.

[6] Furuta Motoo古田元夫, Nihon ni okeru betonamu kenkyuu 日本におけるベトナム研究, in Kimura Hiroshi木村汎, グエンズイズ、古田元夫日本、ベトナム関係を学ぶひとのためにTokyo, Sekai Shisôsha世界思想社, 2001, pp. 227-240.

[7] Gayle, Curtis Anderson, Marxist Theory and Japanese Postwar Nationalism, London, Routledge, 2003.

[8] Goi, Naohiro, 五井直弘Kindai Nohon to toyoshigaku近代日本と東洋史学, Les études d’histoire orientale et le Japon moderne, Tokyo, Aoki shoten, 1976.

[9] Hamon, Hervé, Rotman, Patrick, Génération, Paris, Points Seuil, 1088.

[10] Hashiguchi, Tomosuke, “What are the Concepts to Define “Asia” ? ” in Search of New Ground of Asian Cultures -Area Studies and Southeast Asia, Tokyo, Institute of Asian Cultures, 1985. p. 3-5.

[11] Hashikawa, Bunso, “Japanese Perspectives on Asia: From Dissociation to Coprosperity” in Iriye, Akira, The Chinese and Japanese Essays in Political and Cultural Interactions, Princeton, Princeton University Press, 1980, pp.328-355.

[12] Havens, Thomas, Fire Across the Sea, Princeton, Princeton University Press, 1987.

[13] Horii, Kenzo, “Southeast Asia, the Economy”, in Yamaguchi Hiroshi, Sato Hiroshi, Understanding the Developing World, Thirty Five Years of Area Studies at the IDE, Tokyo, IDE, 1996, pp. 59-82.

[14] Ienaga, Saburo家永三郎, Tsuda Sokichi no shisoteki kenkyu津田左右吉の思想史的研究, Etudes de la pensée historique de Tsuda Sokichi, Tokyo, Iwanami Shoten岩波書店, 1972, p. 3-27.

[15] Shizawa Yoshiaki, “Area studies and Southeast Asia. Outline of Subjects Proposed for Studies”, in In Search of New ground for Asian Cultures-Area Studies and Southeast Asia, Tokyo, Institute of Asian Studies, 1985, pp. 8-10.

[16] Kitagawa Katsuhiro, “Japanese Perspectives on Independence of African Countries in the Late 1960s and the early of 1960s: A Preliminary Investigation”, in Agora: Journal of International Center for Regional Studies, numéro 1, 2003, pp. 11-29.

[17] Maruyama Shizuo, “Japanese Opinion of the Vietnam War”, in Japanese Quaterly, Vol. VII, numero 3, July-September 1965, pp. 303-310.

[18] Motohoka Takeshi本岡武, “Chiiki Kenkyuu to wa nani ka?地域研究とは何か “Qu’est ce que les aires culturelles?, in Tonan Ajia Kenkyu 東南アジア研究, numero 2, 1963, pp. 5-19.

[19] Myers, Ramon h., “Japanese Imperialism in Manchuria: The South Manchuria Railways Company, 1906-1933, in Duus Peter, “The japanese Informal Empire in China, 1895-1937, Princeton, Princeton University Press, 1989, pp. 101-132.

[20] Najita, Tetsuo, Koschmann Victor J., Conflict in Modern Japanese History: the Neglected Tradition, Princeton, Princeton University Press, 1982.   

[21] Nakajima, Makoto中島誠, Sengo shisoshi nyumon戦後思想史入門, Introduction à l’histoire de la pensée d’après-guerre, Tokyo, Ushio Shinsho, 1968.

[22] Oguma, Eiji小熊英二, Minshu to aikoku民主と愛国, La démocratie et le nationalisme, Tokyo, Shinyôsha新曜社, 2003, pp. 717-792.

[23] Reynolds, Douglas R., “Training Young China Hands; Toa Dobun Shoin and its Percursors, 1886-1945”, in Duus Peter eds, The Japanese Informal Empire in China, 1895-1937, Princeton, Princeton University Press, 1989. 

[24] Sabot, Jean-Yves, Le syndicalisme étudiant et la guerre d’Algérie, Paris, L’Harmattan, 1995.

[25] Sakai Yoshiki酒井良樹, “Betonamu Bunka”ベトナム文化, La culture vietnamienne, in Sekai no Rekishi世界の歴史, Vol. 13, Tokyo, Chikuma Shobô 筑摩書房, 219-234.

[26] Sato, Shigenori佐藤茂教, Hikita Toshiaki noryakureki ni tsuite引田利章の略歴について, A propos du curriculum vitae de Hikita Toshiaki, Tonan Ajia rekishi to bunka東南アジア歴史と文化, numéro 2, 10/1972, pp. 203-205.

[27] Shimizu Hajime, “Southeast Asia as a Regional Concept in Modern Japan: An Analysis of Geography Textbooks” in Shiraishi Masaya, Shiraishi Takashi, The Japanese Colonial Southeast Asia, Ithaca, Cornell University Press, 1993, pp.21-61.

[28] Shimao, Minoru, Sakurai Yumio, “Vietnamese Studies in Japan, 1975-1996”, Acta Asiatica, numéro 76, 1999, pp. 81-105.

[29] Shiraishi Masaya, “A Short Essay on Scientific exchanges between Japan and Southeast Asia”, Journal of Asia Pacific Studies, numéro 1, pp. 97-106.

[30] Tonor Saunders, Frances, Who Paid The Piper? The CIA and the cultural Cold War, Granta Books, New York, 1999.

[31] Suheiro, Akira, “Bodies of Knowledge: How Think-tanks have affected Japan’s Postwar Research on Asia”, in Social Science Japon, numéro 9, 1997, pp. 20-27.

[32] Takada Yoko高田洋子, Nihon ni okeru Betonamushi kenkyu no sokatsu to tembo日本におけるベトナム史研究の総括と展望, Présentation des études historiques sur le Vietrnam au Japon. In Ajia Africa Kenkyuアジアアフリカ研究, vol. 29, numero 3, 1989, pp. 43-80, pp. 44.

[33] Takada Yoko, “Vietnamese Sudies in Japan”, Asian Research Trends, numero 1, 1991, pp. 57-73.

[34] Takegoshi, Yosaburo竹越與三郎, Nangokuki南国記, Carnet de voyages des pays du sud, Tokyo, Bunka Sosho文化叢書, 1910.

[35] Takeuchi Minoru, “The Background to Chinese Studies in Japan, Japan Quaterly, Vol. 18, numéro 3, 1971, pp. 316-323.

[36] Tanaka Stefan, Japan’s Orient, Rendering Past into History, Berkeley, University of California Press, 1993.

[37] Tanaka, Tadaharu田中忠治, Tokyo Gaikokugo Daigaku Indochinago Gakka Hyakunenshi東京外国語大学インドシナ語学科百年史, Tokyo, Mekonkaiメコン会, 2002.

[38] Tomita Kenji富田憲次, Nihon ni okeru Betonamugo kyoiku / kenkyu日本におけるベトナム語教育、研究. Les études et l’enseignement du vietnamien au Japon, in Yamaguchi Keishiro山口慶四郎、我が国における外国語研究、教育の師的考察、大阪、大阪外国語大学、1989, pp. 55-61.

[39] Tokyo Daigaku Hyakunenshi: bukykyokushi 1 東京大学百年史、部局史1. Histoire des cents ans de l’Université de Tokyo. Histoires des Départements, Tokyo, Tokyo Daigaku Shuppankai東京大学出版会, 1986.

[40] Tsuda Sokichi津田左右吉, Shina shiso to Nihon支那思想と日本. Le Japon et la pensée chinoise, Tokyo, Iwanami Shinsho岩波新書, 1938.

[41] Tsuda Sokichi津田左右吉, Shiratori Hakushi Shoden白鳥博士小伝, Bibliographie du Docteur Shiratori, Toyogakuho東洋学報,numéro 29, 1944, 325-387.

[42] Yamamoto Tatsuro山本達郎, Betonamu Chuugoku kankeishiベトナム中国関係史; 曲氏の台頭さら清仏戦争までKyoku-shi no taito kara Shin-Futsu senso made. Histoire des relations entre le Vietnam et la Chine, Tokyo, Yamakawa Shuppansha山川出版社, 1975.

[43] Yano Toru矢野暢, Nanshin no Keifu南進の系譜, Généalogie de l’avancée vers le Sud, Tokyo, Chuokoronsha中央公論社, 1985.

[44] Yasunaka, Akio, “Southeast Asia: Policy and Society”, in Yamaguchi Hiroshi, Sato Hiroshi, Inderstanding the Developing World, Thirty Five Year of Area Studies at the IDE, Tokyo, IDE, 1996, pp. 83-98.

[45] Yoshikawa Kojiro吉川幸次郎, Toyogaku no Shisoshatachi東洋学の創始者たち, Les créateurs des Toyogaku, Tokyo, Kodansha講談社, 1976

[46] Young, John, The Research Activities of the South Manchurian Railways Company, New York, Columbia University Press, 1966.


[1] Á Châu hiểu ở đây là một Á Châu “thực sự” nhìn dưới “nhãn quan của người châu Á”, và nhân đấy người Nhật muốn trình bày cho người Tây Phương biết cần phân biệt giữa họ và các dân tộc Á Châu khác.

[2] Tức nghiên cứu các sách vở cổ điển Trung Hoa, còn gọi là Hán học.

[3] Nhà nghiên cứu Naka Michio (1851-1904) thường được xem như người đã sáng lập ra môn học này [36] Tanaka, tr.48.

[4] Seiyô.

[5] Sự tách biệt ra khỏi Á Châu (Datsu-a-ron) mà Fukuzawa Yuukichi chủ trương vẫn còn bị đóng khung trong cách dùng chữ của người Tây Phương. Các nhà Tôyôgaku thì khác, họ sử dụng từ này theo một cái nhìn văn hóa tương đối luận (relativisme culturel) [11] Hashikawa. tr. 328 – 355).

[6] Naitô đã khai triển khái niệm về Shinagaku, môn học về Shina hay Trung Quốc.

[7]  Phân bộ nghiên cứu của Mantetsu 満鉄調査部là một cơ quan nghiên cứu Đông phương học rất ưu tú. Mantetsu lúc đầu chỉ là một cơ quan bàn công bán tư có mục đích phát triển đường xe hỏa tại Mãn châu sau trận chiến tranh Nhật Nga. Cho đến năm 1945, những công trình nghiên cứu chính yếu về khoa Đông phương của Nhật hầu như đã phát xuất từ những phân bộ nghiên cứu thay nhau liên tiếp ra đời của nhóm Mantetsu ([19] Myers, tr.101-132).

[8] Tôa Dôbunkai hay Đông Á Đồng Văn Hội là một học viên chuyên môn và là phân nhánh của Tôa Dôbun Shoin 東亜書院hay Đông Á Đồng Văn Thư Viện東亜同文書院. Tôa Dôbunkai được thành lập vào năm 1898 bởi Munakata Kôtarô để huấn luyện khả năng ngôn ngữ,tri thức văn hóa xã hội về Trung Quốc cho thanh niên Nhật, phục vụ cho mục đích nới rộng giao thương với nước này [23] Reynolds, tr. 210-271).

[9] Do Bộ Ngoại Giao Nhật Bản, chính phủ đảo Đài Loan và những trung tâm nghiên cứu như Nhóm nghiên cứu Đông Á của Mantetsu, Tôa Kenkyuukai (東亜研究会Đông Á Nghiên Cứu Hội) và Taiheiyô Kyôkai (太平洋協会Hiệp hội Thái Bình Dương). 

[10] Matsumoto ta đã cho ra mắt công trình về Đông Dương thuộc Pháp. Chính khảe năng nói tiếng Pháp của ông đã đưa đẩy ông đến việc nghiên cứu về Đông Dương.

[11] Fujiwara chuyên môn nghiên cứu về Hoa kiều. Năm ông mất là do người dịch viết thêm vào.

[12] Nguyên văn Ecole Francaise d’Extrême Orient. Sự dung lợp giữa hai luồng nghiên cứu đã thành hình trong giai đoạn quân Nhật chiếm đóng Đông Dương.

[13] Ông Yoshida đã làm thủ tướng 2 nhiệm kỳ: 1946-47 và 1948-54. “Học thuyết Yoshida” nhằm bình thường hóa quan hệ ngoại giao với các quốc gia Á châu và thiết lập những cơ quan với hoạt động có mục đích khuyến khích sự giao lưu kinh tế.

[14] Tên này mới có từ 1954 chứ trước đó nó có tên là Ajia Mondai Chôsakaiアジア問題調査会.

[15] JAAS (Japan Asociation for Asian Studies) thành lập năm 1953 cũng chủ trương giống y như thế.

[16] Thường được gọi tắt là Ajiken hay IDE.

[17] Muốn biết rõ hơn IDE nghiên cứu những gì, xin xem ([Horii, tr. 59-82), ([44] Yasunaka tr. 83-98) cũng như tạp chí mang tên Kinh tế Á châu hay Ajia Keizai, phát hành từ 1960.

[18] Tuy vậy, kể từ thập niên 1980, trung tâm này đã thay đổi lối làm việc và tiến về một phương pháp  tương tự như IDE.

[19] Phải hiểu câu nói này theo cái nghĩa thấy trong luận văn của ([24] Sabot tr.127-134 và [9] Hamon.

[20] Trao đổi với Furuta Motoo ngày 29/08/2004.

[21] Người ta hãy còn nhớ các thầy Đàm Quang Tuấn, Huỳnh Trí Chánh… ở Tôkyô Gaidai, Phan Đức Lợi ở Ôsaka Gaidai là những cựu sinh viên du học Nhật Bản đã có cống hiến lớn lao cho việc truyền bá ngôn ngữ văn hóa Việt Nam ở Nhật, bên cạnh các thầy đến từ trong nước từ hai miền Nam (Nguyễn Khắc Kham), Bắc (Nguyễn Cao Đàm). Con số giảng sư khá đông nhưng riêng thầy Đàm Quang Tuấn là người đi tiên phong đã dạy ở Tôkyô Gaidai từ khóa đầu tiên (LND).

[22] Ảnh hưởng của Paul Mus và của EFEO (Trường Viễn Đông Bác Cổ)

[23] Http://waseda-coe-cas.jp/e/about 3 ito.html (đăng tải ý kiến của tác giả với tất cả sự dè dặt thường lệ. LND)


* Nguyễn Nam Trân :

Một trong những bút hiệu của Đào Hữu Dũng, sinh năm 1945 gần Đà Lạt. Nguyên quán Hương Sơn, Hà Tĩnh. Theo học Chu Văn An (1960~1963) và Đại Học Sư Phạm Sài Gòn trước khi đến Nhật năm 1965. Tốt nghiệp Đại Học Đông Kinh (University of Tokyo) và Đại Học Paris (Pantheon-Sorbonne). Tiến sĩ khoa học truyền thông. Giáo sư đại học. Hiện sống ở Tokyo và Paris. E-mail: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.">This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Nguồn: Exryu Cuối Tuần (ERCT) http://www.erct.com/2-ThoVan/NNT/VietHoc-tai-NhatBan.htm

Thông tin truy cập

63677174
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
20892
17595
63677174

Thành viên trực tuyến

Đang có 221 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website