Lê Quý Đôn (Nguồn ảnh: Internet)
Chuyến đi sứ Trung Quốc của phái đoàn Trần Huy Mật, Lê Quý Đôn và Trịnh Xuân Thụ khởi trình ngày 28 tháng giêng năm Canh Thìn 1760 và về nước vào cuối tháng giêng năm Nhâm Ngọ 1762. Hơn hai năm đi sứ, các sứ thần Việt Nam đã hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ bang giao tuế cống, báo tang và cầu phong. Đặc biệt, trong thời gian ở Trung Quốc, đoàn sứ đã gặp gỡ tiếp xúc với rất nhiều quan lại các cấp Trung Quốc cùng với các sứ thần Hàn Quốc và cống sinh Nhật Bản. Tư liệu ghi chép liên quan về chuyến đi sứ này được lưu giữ ở trong nước và nước ngoài khá nhiều. Chúng tôi thông qua văn bản Bắc sứ thông lục, A.179 lưu giữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm bước đầu thống kê những cuộc gặp gỡ đàm luận chuyên sâu về học thuật giữa các sứ thần nước ta với quan viên Trung Quốc, sứ thần Hàn Quốc và cống sinh Nhật Bản.
Bắc sứ thông lục là cuốn nhật kí hành trình đi sứ trong hơn hai năm 1760 -1762 của đoàn sứ thần nước ta do Phó sứ Lê Quý Đôn biên soạn trên đường đi về và hoàn thành năm 1763 - sau khi về nước một năm. Bắc sứ thông lục có bốn quyển, bị mất hai quyển (quyển 2 và quyển ba) ghi chép về hành trình chiều đi và thời gian ở lại Yên Kinh. Bởi vậy chúng tôi chỉ còn căn cứ vào văn bản Bắc sứ thông lục quyển một và quyển bốn, chủ yếu thống kê những cuộc đàm luận học thuật trên đường về của đoàn sứ.
BẢNG THỐNG KÊ CÁC CUỘC BÚT ĐÀM TRAO ĐỔI HỌC THUẬT CHỦ YẾU
Thời gian | Địa điểm | Nội dung | |
Mùa đông năm Canh Thìn 1760 | Công quán của sứ thần An Nam, Yên Kinh | Cử nhân nước Lưu Cầu là Trịnh Hiếu Đức và Thái Thế Xương đến yết kiến. Sứ thần nước ta vui vẻ trò chuyện và hỏi han tình hình du học, chế độ khoa cử của họ. | |
Ngày 30, tháng chạp năm Canh Thìn 1760 | Hồng Lô tự, Yên Kinh | Sứ thần An Nam và Hàn Quốc Hồng Khải Hy, Triệu Vinh Tiến và Lý Huy Trung gặp nhau, cùng rải chiều mời nhau ngồi, lấy bút mực đàm luận hỏi han phong thổ đất nước và tặng quà cho nhau. | |
Đầu năm mới Tân Tỵ 1761 | Ở công quán sứ thần An Nam | Hồng Toản Hối, Triệu Quang Quỳ và Lý Trích Phương đến chúc tết xướng họa thơ văn. | |
Tháng 8 năm Tân Tỵ 1761 | |||
Ngày mồng 5 |
Cửu Giang, Giang Tây | Khâm sai Tần Triều Vu mời Lê Quý Đôn qua thuyền hỏi han về điển chương chế độ (triều chính, khoa cử, lễ nghi), tình hình xã hội, địa lý phong tục và sản vật địa phương An Nam. | |
Ngày 14 | Vũ Huyệt, Quảng Tế, Hồ Bắc | Khâm sai Tần Triều Vu gửi thư mời Lê Quý Đôn qua thuyền, hỏi xem sách Sử biện và đưa cuốn Độc thư kí của ông ta cho Lê Quý Đôn xem, cùng trao đổi bàn luận về nhiều kinh sách Nho giáo. | |
Ngày 16 | Bàn Đường, huyện Thông Thành, Hồ Bắc | Khâm sai Tần Triều Vu mời Lê Quý Đôn qua chơi cùng đàm đạo sách Sử biện và hỏi xem thêm các sách khác. Lê Quý Đôn giới thiệu sách Thánh mô hiền phạm lục. Khâm sai còn hỏi thăm về chế độ khoa cử và tuyển chọn các Bồi thần đi sứ. | |
Ngày 27 | Xích Bích, Hoàng Châu, Hồ Bắc | Khâm sai Tần Triều Vu mời Lê Quý Đôn qua chơi, nói chuyện sách Thánh mô hiền phạm lục đưa cho Lê Quý Đôn bài tựa Quần thư khảo biện. | |
Tháng 9 | |||
Ngày mồng 9 |
Vũ Xương, Hồ Bắc | Lê Quý Đôn đến yết kiến quan Án sát sứ Tác Bằng | |
Tháng 10 | |||
Ngày mồng 1 |
Trường Sa, Hồ Nam | Lê Quý Đôn đến yết kiến Tuần phủ Phùng Trân, cùng nói chuyện, hoạ thơ với ông ta và thuộc hạ ông ta là viên tướng Quách Tham. | |
Lê Quý Đôn đến yết kiến quan Bố chánh họ Vĩnh đàm luận về quan chế, triều chính và tình hình đi sứ. | |||
Ngày 21 | Vĩnh Châu, Hồ Nam | Tần Triều Vu mời Lê Quý Đôn qua chơi hỏi thăm về chế độ triều chính An Nam, đàm đạo về kinh sách trước tác khảo biện, chú thích của hai vị. | |
Tháng 11 | |||
Ngày 5 | Đê Đại Dung, Hưng An, Quảng Tây | Khâm sai Tần Triều Vu mời Lê Quý Đôn qua thuyền uống rượu hỏi han về địa lý An Nam và thù tạc thơ văn. | |
Tháng 12 | |||
Ngày 26 | Phủ Thái Bình, tỉnh Quảng Tây | Sứ thần đến công quán yết kiến hai vị Sách sứ Đức Bảo và Cố Nhữ Tu. Hai quan Sách sứ hỏi thăm sức khỏe, lại hỏi thêm về kinh đô An Nam, xướng họa mấy vần thơ với quan Phó sứ Lê Quý Đôn, lại gửi lời cảm ơn vua chúa An Nam đã tiếp đón nhiệt tình. | |
Lê Quý Đôn đến yết kiến Thự đạo đài Tra Lễ, đàm luận thơ văn đến quá canh hai mới ra về. | |||
Ngày 27 | Phủ Thái Bình, tỉnh Quảng Tây | Lê Quý Đôn đến yết kiến quan Đề đốc Chu Bội Liên, cùng đàm luận về lịch sử địa lý quận huyện của An Nam. | |
Ngày 28 | Phủ Thái Bình, tỉnh Quảng Tây | Sách sứ Trung Quốc đưa bốn bài thơ (do quan Sách sứ viết tặng An Nam quốc vương và An Nam quốc vương họa lại) gửi các sứ thần mang về nước. | |
Ngày 29 | Phủ Thái Bình, tỉnh Quảng Tây | Chu Bội Liên gửi lời tựa sách Thánh mô hiền phạm lục và mấy lời nhắn nhủ. Lê Quý Đôn sang cảm ơn và lại trao đổi thêm | |
Tháng Giêng năm Nhâm Ngọ 1762 | |||
Ngày mồng 2 |
Phủ Thái Bình, tỉnh Quảng Tây | Lê Quý Đôn tới chúc tết Chu Bội Liên. Hai ông tặng thơ cho nhau. | |
Ngày mồng 3 |
Phủ Thái Bình, tỉnh Quảng Tây | Lê Quý Đôn đến yết kiến Chu Bội Liên và trao đổi các vấn đề về cương vực địa lý. | |
Ngày mồng 6 |
Phủ Thái Bình, tỉnh Quảng Tây | Sách sứ sai quan huyện Tuyên Hóa Tả Đường My đem tặng thơ mỗi vị sứ thần ba bài thơ, hai câu đối và một quyển Tập nghiệm lương phương | |
Ngày mồng 7 |
Phủ Thái Bình, tỉnh Quảng Tây | Chu Bội Liên trả sách Quần thư khảo biện và lời tựa sách ấy cho Lê Quý Đôn | |
Phủ Thái Bình, tỉnh Quảng Tây | Đạo quan Tra Lễ gặp gỡ trao đổi tập thơ Dung Sào tiểu tập với Lê Quý Đôn. |
Trong chuyến đi sứ, các sứ thần nước ta có dịp gặp gỡ rất nhiều các nhân sĩ Trung Quốc như quan Bác sĩ trợ giảng họ Trương, quan huyện Hoài Ninh Trương Triệu Dương, Quan Kinh lịch Đường Bính Anh, quan Khâm sai Bạn tống Tần Triều Vu, quan Đề đốc Chu Bội Liên, quan Đạo đài Tra Lễ, Bố chánh xứ Diệp Tồn Nhân, quan Bạn tống Bành Thế Huân, quan Bạn tống La Đăng Quý, quan huyện Tuyên Hóa Tả Đường My, quan Khâm sai Chánh sứ Đức Bảo, Khâm sai Phó sứ Cố Nhữ Tu và một số nhân vật như Âu Dương Mẫn, Lữ Tổ Sư, Thẩm Thu Hồ, Chu Bách Tổng… Trong đó người có quan hệ thường xuyên và tần số tham gia bút đàm học thuật với đoàn sứ nhiều nhất là quan Khâm sai Bạn tống Tần Triều Vu và quan Đề đốc học Quảng Tây Chu Bội Liên. Tần Triều Vu từng sáu lần bút đàm, Chu Bội Liên bốn lần trao đổi về các vấn đề học thuật như kinh học, cổ sử, địa lý, điển chương chế độ… Cùng với các buổi bút đàm trực tiếp, các vị còn trao đổi sách sử, viết lời đề tựa giới thiệu, xướng họa thơ ca và bình giá trước tác của nhau. Sách Quần thư khảo biện và Thánh mô hiền phạm lục của Lê Quý Đôn được Tần Triều Vu, Chu Bội Liên và Chánh sứ Hàn Quốc Hồng Khải Hy đề tựa và tham gia góp ý kiến đánh giá, trở thành một trong các đối tượng trao đổi xoay quanh nhiều vấn đề học thuật.
Ngoài ra trong bài khải chữ Nôm gửi về cho vua nước ta, Lê Quý Đôn sơ lược tường thuật lại thời gian ở Yên Kinh gặp gỡ một số quan lại cấp cao Trung Quốc, Hàn Quốc và cống sinh Nhật Bản, thư từ qua lại, viết thơ đề tựa, xướng họa thơ văn, trao đổi học thuật, tình cảm càng thêm trân trọng gắn bó.
Những hoạt động giao lưu học thuật như tọa đàm trực tiếp, thư từ qua lại, thơ ca xướng họa, đề tựa bình duyệt, đàm đạo trao đổi về kinh học, cổ sử, địa lý, điển chương chế độ diễn ra trên đường đi lối về, khi chiều tà, lúc ban trưa, khi dừng thuyền đợi gió, lúc yết kiến công đường, ý kiến có khi tương đồng, khi khác nhau, phản bác, ca ngợi… đều được ghi chép rất chi tiết cụ thể trong sách Bắc sứ thông lục và một số sách khác, phản ánh hoạt động giao lưu học thuật sôi nổi của đoàn sứ. Có thể nói chuyến đi sứ Trung Quốc năm 1760-1762 của phái đoàn Trần Huy Mật, Lê Quý Đôn và Trịnh Xuân Thụ không chỉ hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ bang giao mà còn nổi bật hơn hẳn các đoàn sứ khác bởi hoạt động bút đàm giao lưu học thuật sôi nổi giữa các sứ thần Việt Nam với các nhân sĩ Trung Quốc, sứ thần Cao Ly (Hàn Quốc) và các Cống sinh Lưu Cầu (Nhật Bản), phần nào phản ánh được không khí học thuật ở các nước Đông Á trong thế kỉ XVIII./.
NGUYỄN THỊ TUYẾT
Viện nghiên cứu Hán Nôm
Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 2012, tr.821-826, phiên bản trực tuyến ngày 09.02.2015.