Từ trước đến nay khi nói tới những người Bồ Đào Nha tiên phong trong việc truyền bá đạo Chúa Jesus[1]và mở đường cho quá trình tiếp xúc giữa Việt Nam với châu Âu vào thế kỷ 17-18, những cái tên thường được nhắc đến nhiều nhất là:Fransisco de Pina, Gaspar do Amaral, António Barbosa và Antonio de Fontes…Tuy nhiên, vàonửa cuối thế kỷ 18 còn có một người Bồ Đào Nha rất gắn bó với Việt Nam (đúng hơn là Xứ Đàng Trong) và để lại một số công trình khoa học rất có giá trị, nhưng chưa được biết đến nhiều đó là João de Loureiro[2].
Bài viết này giới thiệu vài nét về João de Loureiro và chữ Quốc ngữ thế kỷ XIII theo cách ghi của ông trong cuốn sách nổi tiếng “Thực vật Đàng Trong”.
1. Vài nét về João de Loureiro (1710-1791)
João (Joannis - tiếng Latin) de Loureiro sinh ở Lisbon, Bồ Đào Nha năm 1710. Sau khi tốt nghiệp trường College of Santo Antão (Lisbon), năm 1732 Loureiro gia nhập giáo đoàn đạo Chúa Jesus. Năm 1735Loureiro được cử sang Goa (Ấn Độ), song lúc bấy giờ là lãnh địa của Bồ Đào Nha, truyền giáo và ở đấy 3 năm. Năm 1738 ông chuyển sang Ma Cao và ở lại đâytruyền giáo 4 năm.
Năm 1742 ông được cử sang Đàng Trong trong một sứ mệnh đặc biệt. Vì lúc bấy giờ việc truyền giáo ở Đàng Trong cũng như ở Đàng Ngoài của các giáo sĩ gặp khó khăn, Loureiro đã phục vụ trong triều đình chúa Nguyễn như một nhà toán học và thiên nhiên học rồi ở lại Đàng Trong 35 năm[3]. Tại đây ông đã đem lòng yêu thích thực vật xứ này và dành gần trọn thời gian tìm hiểu cây cỏ và việc sử dụng chúng để làm thuốc. Có lẽ Loureiro là một trong những nhà truyền giáo châu Âu có thời gian sống lâu nhất ở Việt Nam.
Từ năm 1750 đến 1752 Loureiro rời Đàng Trong vì việc cấm đạo và sang nghiên cứu thực vật ở Philippines và Sumatra[4]. Năm 1753 ông trở lại Đàng Trong và tiếp tục nghiên cứu thực vật ở Đàng Trong.
Năm 1777 Loureiro rời Đàng Trong sang Quảng Đông và ở lại 3 năm nghiên cứu thực vật ở đây. Tháng Ba năm 1781Loureiro trở về Bồ Đào Nha và hoàn thành cuốn Thực vật Đàng Trong năm 1788. Năm 1790 cuốn sách được Viện Hàn lâm Bồ Đào Nha xuất bản ở Lisbon. Trên đường từ Quảng Đông trở về Lisbon, ông đã dừng lại ở Mozambique ba tháng và nghiên cứu, so sánh thực vật ở đây với cây cỏ ông thu thập được ở châu Á và bổ sung vào cuốn từ điển nói trên trước khi đem xuất bản.
Ông là người say mê nghiên cứu cây cỏ và các loại dược liệu làm từ cây cỏ của người bản địa. Các nghiên cứu về thực vật của ông dựa trên hai tác phẩm về thực vật của Dioscorides và Linnaeus, nhà thực vật học nổi tiếng người Thụy Điển mà ông mang theo khi tới Đàng Trong[5].
Năm 1780 Loureiro được Joseph Banks, chủ tịch Hội Hoàng Gia London (Royal Society of London) mời sang thăm và thuyết giảng ở Anh, nhưng ông đã từ chối lời mời. Mặc dù vậy, ông vẫn được kết nạp làm thành viên của Hội Hoàng Gia London năm đó. Sau khi trở về Lisbon vào năm 1781, Loureiro còn được mời làm thành viên của Viện Hàn Lâm khoa học Lisbon (và cũng là Viện Hàn Lâm khoa học Bồ Đào Nha).
Loureiro mất ở Lisbon năm 1791. Ông để lại tất cả các tư liệu về thực vật mà ông sưu tập đươc, gồm các mẫu thực vật, các hình vẽ, thư từ và ghi chép của mình cho Viện Hàn Lâm khoa học Lisbon.
Năm 1793, sách Flora Cochinchinensis được dịch sang tiếng Đức và xuất bản ở Berlin[6].
Bên cạnh sách Flora Cochinchinensis,cho đến nay Loureiro chỉ có một bài viết được in trong Memoris da Academia Real das Sciencias de Lisboa, 1805. Vol. I, p. 402-415[7]. Có nhà nghiên cứu cho rằng:Loureiro còn để lại một số “văn bản viết tay chưa xuất bản trong đó có 12 tập khổ lớn, được viết trên giấy Trung Quốc, gồm các thông tin lịch sử, 2 tập với các hình vẽ về các con suối, cây cỏ và động vật, và 2 tập khác với 397 hình vẽ màu về cây cối với tên khoa học của chúng và nơi sinh trưởng, tức là ‘thực vật bằng tranh” từ Đàng Trong (Cochinchina) viết bằng tiếng Việt, thậm chí một cuốn từ điển tiếng Việt-Bồ Đào Nha.”[8]Lại có ý kiến khác cho rằng: trong số tư liệu chép tay đó, có văn bản mang tên: “De nigris Moi et Champanensibus.”[9]
Chúng tôi đã liên lạc với Thư viện Quốc gia Bồ Đào Nha và Viện Hàn lâm khoa học Bồ Đào Nha để biết thêm thông tin và cố gắng sưu tầm các tài liệu này, song đáng tiếc là cho đến nay thông tin mà chúng tôi nhận được khôngthấy có tất cả những tài liệu được nói đến đó.
2. Sách “Thực vật Đàng Trong” của João de Loureiro
“Flora Cochinchinensis” (Thực vật Đàng Trong - TVĐT) là viết tắt từ tên đầy đủ: Flora Cochinchinensis: sistens plantas in regno Cochinchina nascentes: quibus accedunt aliae observatae in Sinensi imperio, Africa orientali, Indiaeque locis variis: omnes dispositae secundum systema sexuale Linnaeanum[10]. Theo lời giới thiệu, cuốn sách được Loureiro hoàn thành năm 1788 và Viện Hàn lâm khoa học Bồ Đào Nha xuất bản năm 1790 ở Lisbon.
Sách được in làm 2 tập. Tập I gồm có 20 trang (đánh dấu từ I-XX) là lời giới thiệu của nhà xuất bản và tác giả, trong đó có giới thiệu một số dấu phụ sử dụng trong sách (trang XV) và một danh mục các tài liệu tham khảo (trang XVII-XX).
H.1. Ghi chú các dấu phụ được dùng ghi tên tiếng Đàng Trong (trang XV)
Từ trang 1-353 là phần nội dung,bắt đầu bằng mục từ tiếng Latin, tiếp theo là tên địa phương với tiếng Việt (Đàng Trong) được ghisau kí hiệu (a),tên tiếng Trung Quốc (nếu có) sau kí hiệu (b) và sau hai kí hiệu khác là tên tiếng châu Phi (γ)và tiếng Ấn Độ (ẟ). Ví dụ: tên tiếng Đàng Trong và tiếng Trung Quốc của Amomum Zingiber (tên Latin)được ghi như sau:
H.2. Các kí hiệu ghi tên tiếng địa phương trong TVĐT (tr.2)
Tiếp theo tên gọi (tiếng Latin và tiếng địa phương) là miêu tả thực vật học, giá trị kinh tế, thời gian nở hoa và cuối cùng là nơi sinh sống của thực vật đó. Ví dụ: Cây lọ nghẹ, “sống trong rừng ở Đàng Trong (Habitat in sylvis Cochinchina)”.
Tập II gồm 391 trang (được đánh số từ trang 357-744), trong đó phần nội dung (từ trang 357- 698) và phần Index (từ trang 699-744). Phần Index gồm Index họ và loài bằng tiếng Latin với 23 trang (từ trang 699 -722), được xếp theo vần chữ cái tiếng Latin (trong đó V được xếp chung với U), mỗi trang chia làm hai cột, tên loài viết trước và tiếp đến là số trang xuất hiện trong cuốn sách.
Tiếp theo là một trang đính chính cho cả hai tập, không đánh số trang, cũng chia làm hai cột, trong đó phần lớn là các đính chính tên Latin, chỉ có 13 đính chính tên tiếng Việt (5 tên ở tập 1 và 8 tên ở tập 2), được ghi bắt đầu bằng các kí hiệu: số tập, p. số trang, l. số dòng, tiếp theo là tên sai và tên đúng được ngăn cách với nhau bằng hai dấu “gạch ngang”. Ví dụ: TOM.I. p.9. l.8. Mịo -- Mọi, p.199. l.9 Roung mác - - Boung mác; TOM. II. P. 465. l.6. Tanh - - Thanh, p. 659. l.25. Muóng troúng - - Muong truóng, p.683. l.4. Raubạc - - rêu bạc.
Sau trang đính chính là Index tiếng Việt gồm 22 trang (đánh số từ 723-745). Mỗi trang cũng được chia làm 2 cột, các tên được xếp theo vần chữ cái của chính tả tiếng Latin (20 chữ cái, từ A-X, song chỉ có chữ cái <U> mà không có chữ cái <V> như Index tiếng Latin: các tên có chữ cái <V> được xếp trong mục chữ cái <B> hoặc <U>, các tên có chữ cái <Đ> được xếp vào mục chữ cái <D> kèm theo số trang xuất hiện trong cả hai tập từ điển với tổng cộng 1065 tên tiếng Việt, được ghi như sau: Ví dụ: Bí dao. 593, Chua me. 285.
Ngoài các từ trong Index, có một số từ tác giả không đưa thành một mục từ riêng và không có tên Latin tương ứng. Ví dụ: Trong mục từ “Mía”, còn có các loại nhỏ: mía lau, mía mung, mía boi; hay các từ: Tle nua, Tle lang nga, Tle Oúng thaóng. Như vậy, với 1068 tên thực vật bằng chữ Quốc ngữ tất cả, song chỉ có 13 lỗi, ta có thể thấy tác giả công trình đã làm việc cẩn trọng tới mức độ nào.
Bên cạnh 1065 tên cây tiếng Việt, theo nhà thực vật học Mỹ, E. D. Merrill, trong TVĐT, còn có tên 254 cây chỉ có ở Trung Quốc, 29 cây từ Đông Phi, 9 cây từ Mozambique, 8 cây từ Zanzibar, 5 từ Ấn Độ, 2 từ Bán đảo Mã Lai, 1 từ Sumatra, Philippines và Madagascar. Merrill cho biết João de Loureiro đã mô tả tất cả 672 họ (genera) và 1292 loài (species), trong đó có 185họ và 630 loài chưa từng được miêu tả trước đó. “Đó là một đóng góp rất có giá trị và hết sức đáng trân trọng vì Loureiro không hề được đào tạo chính thức về thực vật học và trong suốt thời gian thực hiện công trình của mình ông không hề có mối liên hệ nào với các nhà thực vật học khác.” (Merrill, 1933).
Đặc biệt, cũng theo Merrill, không ít hơn 54 giống và 750 loài trùng tên được Loureiro mô tả trong TVĐT đã được các nhà thực vật học đề nghị đưa vào danh sách thực vật trong 140 năm qua. Trong bài khảo cứu hiếm hoi về cuốn sách của Loureiro, nhà thực vật học Mỹ cho biết hơn 16 loài cây được coi là mới vào năm 1900 đã được Loureiro mô tả một cách chính xác trong công trình cách đó hơn 100 năm của ông. “Rất nhiều mô tả của Loureiro sáng rõ và chính xác, cân bằng về mọi phương diện, thực sự là khuôn mẫu cho những người đi sau ông.”
Từ mô tả của Loureiro nhiều tên cây cỏ mang thêm tên Đàng Trong trong tên gọi Latin của chúng, như: rau má > Trisanthus cochinchinensis(Latin), Cây bồn bồn (Việt) >Garciana cochinchinensis (Latin), Cỏ Choung > Phleum cochinchinense (Latin), Cỏ tranh > Stegosia cochinchinensis (Latin), Rau giáp cá > Polypara cochinchinensis (Latin), Cỏ luoi mèo > Scabiosa cochinchinensis (Latin), Cây bụp bụp > Periploca cochinchinensis (Latin)…[11]
Một nhà nghiên cứu Bồ Đào Nha đã viết: “tác phẩm của João de Loureiro là công trình tiên phong được điều tra và thực hiện ở ngoài châu Âu”. Theo ông, “Tác phẩm của João de Loureiro đã cung cấp một nguồn tư liệu về lịch sử khoa học, văn hóa và xã hội vẫn là một cột mốc đánh dấu vai trò của các nhà truyền giáo trong việc trao đổi khoa học giữa châu Âu và phương Đông từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18.” Ông nhận xét “João de Loureiro, có lẽ là một người quảng bá Việt Nam nhiều nhất ở châu Âu nhờ tiếng vang rộng rãi của cuốn sách Flora Conchichinense.”[12]Trong cuốn sách “The Jesuits: Cultures, Sciences, and the Arts, 1540-1773, Volume 1”, tác giả J. Harris cho rằng: “De Loureiro là một trong những nhà thực vật học quan trọng nhất của thế kỷ 18.”[13]
Được biết, ở Việt Nam có một bản in của cuốn sách này, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng thực vật Viện Sinh học Nhiệt đới (ITB) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST)[14].Đáng tiếc là cuốn sách được viết bằng chữ Latin, song một số nhà thực vật học Việt Nam lại cho là sách viết bằng tiếng Bồ Đào Nha và ít người dùng đến: “Bộ sách này gồm hai quyển và viết bằng tiếng Bồ Đào Nha và có phần index tên thực vật bằng tên Latin và tên Việt ở cuối quyển. Hiện nay rất ít người sử dụng sách này có lẽ vì nó hiếm và không hiểu tiếng Bồ.”[15]
Nhiều tên trong “Flora Cochinchinensis” đã được J. L. Taberd (1794-1840) dùng làm tư liệu cho phần phụ lục “Hortus Floridus Cocincinae” (Cây cỏ xứ Đàng Trong) trong cuốn từ điển “Nam Việt Dương Hiệp Tự Vị”-Dictionarium Anamitico-Latinum” xuất bản năm 1838, như tác giả đã viết trong lời giới thiệu ở phần này.[16]
Tuy nhiên, trong cuốn sách vẫn còn khá nhiều tên có sự phân loại chồng chéo, nhiều tên Latin chưa được công nhận và có những tên Latin thiếu tên Việt, như Merrill đã chỉ ra trong bài viết của ông (Merrill. 1933). Về điểm này, chúng tôi cũng nhận thấy một trường hợp khá rõ là tác giả đã xếp các từ: Tle nua, Tle lang nga, Tle Oúng thaóng vào tiểu loại của mục từ Cây hóp (Arundo Muntiplex) và không có từ Nua (nứa)riêng.
H.4. Tên các loại tre được xếp là tiểu loại của từ “Hóp” trong TVĐT (trang 58)
Mặc dù vậy, chúng tôi rất đồng ý với các tác giả trang “Biodivn - Đa Dạng Sinh học và Bảo Tồn Việt Nam” rằng đây là một cuốn sách về thực vật Đàng Trong rất quý với các nhà thực vật học, nhất là các nhà thực vật học Việt Nam. Đáng tiếc là vì sách được viết bằng chữ Latin nên rất ít người có thể đọc và khai thác được giá trị của nó. Còn các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, có lẽ vì sách hiếm nên chưa biết đến hay những điểm khác lạ của chữ Quốc ngữ trong cuốn sách không thực sự quan trọng?
3. Chữ Quốc ngữ trong sách “Thực vật Đàng Trong”
Như trên đã nói, sách “Thực vật Đàng Trong” (từ đây viết tắt là TVĐT) được Loureiro hoàn thành năm 1788 và được xuất bản năm 1790, song đây là sản phẩm được ông sưu tầm, ghi chép trong nhiều năm từ trước đó. Vì vậy, tuy thời gian hoàn thành muộn hơn “Dictionarium Anamitico-Latinum” (VL, 1772) của Pegneau de Béhaine (1741-1799)6 năm[17], song chữ Quốc ngữ của tên cây cỏ tiếng Đàng Trong trong cuốn sách có nhiều điểm khác với chữ Quốc ngữ trong hai cuốn từ điển vừa nêu cũng như trong các tác phẩm của Philiphê Bỉnh cùng thời[18] và còn giữ khá nhiều cách viết trong “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” (VBL, 1651) hay “Phép Giảng Tám ngày” (PGTN, 1651) của Alexandre de Rhodes (1591-1660). Theo học giả André-Georges Haudricourt, João de Loureiro là nhân chứng quan trọngcủa sự thay đổi phát âm tiếng Việt và “Flora Cochinchinensis của de Loureiro là một tác phẩm cực kì quý giá về thực vật học (botany) và dân tộc học thực vật (ethnobotany) Việt Nam.Nó gồm hàng trăm tên cây được phiên âm một cách thận trọng.”[19]
3.1. Những chữ đặc biệt.
Như trong lời giới thiệu, Loureiro có nói vì lý do in ấn nên một số dấu phụ (nét ngang, dấu móc) trong một số chữ cái không giữ như hình thức vốn có trong VBL, mà bị lược bỏ và thay thế bằng các hình thức khác (xem H.1). Cụ thể:
-Vạch ngang ở nửa trên của nét thẳng trong chữ <đ>được thay bằng một chỗ hở nhỏ ở phần thẳng nơi vòng ra của chữ <d>. Ví dụ: hai chữ <đ> trong từ: “Cây đủ đủ deầu” ở tr.584
-Nét vòng xuống ở phần dưới của chữ cái <b>dùng để ghi một âm xát, môi-răng giữa /b/ và /v/ (tức âm /ꞗ/) trong VBL được thay bằng chỗ hở ở nửa dưới của chữ thường và ở giữa nét thẳng của chữ hoa/in.Ví dụ: “ꞗòi ꞗoi” (tức “vòi voi”) được viết là “bòi boi” trong các tên: “bòi boi cỏ” (tr.103), “bòi boi deei” (tr.116), “nấm cứt boi” (tr.696) và “mía boi” (tr.52)
Cây “ꞗòi ꞗoi” (tức “vòi voi”) tr. 103
Do vậy, chữ <B> ghi âm /ꞗ/ trong các tên sau đây ở phần index tiếng Việt (tr.723) của TVĐT.
Trong bài viết được dẫn ở trên, André-Georges Haudricourt viết về các chữ Quốc ngữ đặc biệt này của de Loureiro như sau: “dấu móc” và “nét ngang” (các dấu đặc biệt của de Rhodes) được biểu thị bằng một chỗ đứt trong hình thể của con chữ. Vì vậy, chữ <b> có nét ngang khác với <b> không có nét ngang và <d> có nét ngang khác với <d> không có nét ngang. Nhưng có một lỗi ở ở hai từ thường được dùng, “voi” và “vòi” được viết với <b> có nét ngang [ꞗoi, ꞗòi] trong tên cây “cỏ vòi voi, deei vòi voi, vànâm cưt voi”. Cả từ điển của de Rhodes cũng như từ nguyên học chứng tỏ một cách rõ ràng rằng phụ âm đầu của các từ ấy là /v/ vốn là một âm /*w/. Như vậy vào giữa thế kỷ 18, việc phát âm như ngày nay đã hoàn thành và việc J. de Loureiro dùng <ꞗ>trong cách ghi của ông không có gì khác hơn là một cách ghi chính tả theo truyền thống.”(xem tài liệu ở chú thích 19) Tuy nhiên, như Alexis Michaud chú thích trong bản dịch tiếng Anh bài viết nói trên, rằng “Haudricourt không nói đến ghi chú ngữ âm của Loureiro (có thể ông không nhìn thấy) trong lời giới thiệu TVĐT “Chữ b với nét thẳng đứt đoạn biểu thị một âm giữa âm /b/ thông thường và phụ âm /v/” (xem tài liệu ở chú thích 19). Như vậy có thể nói rằng vào giữa thế kỷ 18, âm âm xát, môi-răng giữa /b/ và /v/ (tức âm được ghi /ꞗ/ trong VBL) vẫn còn tồn tại trong tiếng Đàng Trong theo quan sát của Loureiro. Chúng tôi thấy có ít nhất 27 có chữ ghi âm này trong sách TVĐT.
- Dấu móc phía trên, bên phải trong chữ <ư>, <ơ>được thay bằng chỗ hở ở nét bên trái của chữ <u> và<o>. Chẳng hạn như trong tên “cây gừng”/“sinh cường” (H.2) hay “Cây mướp sác” (tr.136) ở ví dụ dưới đây:
3.2. Về các chữ ghi phụ âm đầu:
3.2.1. chữ kép ghi phụ âm kép:
- Trong tiếng Việt thế kỷ 17 có 3 tổ hợp phụ âm: /bl/, /tl/ và /ml/ được ghi bằng <bl, tl, ml>trong từ điển VBL, như: blời(trời),tlước (trước), mlời (lời). Trong từ điển VL (1772 & 1838) các phụ âm kép này được ghi bằng các chữ <tr>, <l> như chữ Quốc ngữ ngày nay. Tuy nhiên, trong TVĐT của Loureiro, chữ kép <tl>vẫn được dùngghi âm vị /ʈ/ mà chữ Quốc ngữ ngày nay ghi bằng tổ hợp chữ cái <tr>, ví dụ: Tlầu(trầu), Tlám (trám), Tle (tre). Trong 1068 tên thực vật bằng chữ Quốc ngữ của TVĐT, chúng tôi tìm được 84 tên ghi với chữ kép <tl>, bên cạnh các tên viết với <Tr>, như: trúc, trâm, (cỏ) tranh… Dưới đây là từ Boung tlang tláng “Bông trang trắng” ở (tr.76)
- Trong TVĐT còn có một số tên được ghi với chữ kép <de>. Ví dụ: Cây dea (cây da), Cây deẻ (cây dẻ), Cây déo bầu(Cây dó bầu). Đây là cách ghi phụ âm /dj/ được de Rhodes dùng chữ kép <dĕ> trong từ điểnVBL, ví dụ: dĕài (dài), cây dĕa (cây da), dĕạy (dạy). Hình thức này không còn được sử dụng trong từ điển VL. Ví dụ dưới đây là cây deó bầu (tr.267)
3.2.2. Chữ ghi phụ âm đơn
Ngoài bốn chữ có dấu hiệu riêng được dùng để ghi các phụ âm /ꞗ, d, ə, ɯ/ như đã nói ở trên, trong sách TVĐT còn có một số chữ được dùng khác với chữ Quốc ngữ ngày nay, song lại phản ảnh cách ghi như trong từ điển VBL (xem bảng trang sau). Đáng chú ý nhất là có 2 tên được ghi với <v>trong chữ Quốc ngữ ngày nay vẫn được Loureiro ghi với <u>là: Uối deài lá(vối dài lá),Uối tlòn lá(vối tròn lá). 3.3. Chữ ghi các nguyên âm và vần |
||||
Chữ dùng trong TVĐT |
Ghi âm vị, vần | Chữ viết ngày nay |
Ví dụ (Trong ngoặc đơn là cách viết hiện nay) |
|
Ghi phụ âm | tl | /ʈ/ | tr | Tlầu (trầu), tlám (trám), tle (tre) |
b (với dấu hiệu riêng) | /ꞗ/ | v | Cây bòi boi (vòi voi), Cây chìa bôi (chìa vôi), Cây bả (vả), bải (vải) | |
b | /m/ | m | Cây boung tɔi (mồng tơi), | |
d (với dấu hiệu riêng) | /d/ | đ | Dậu nanh (đậu nành), Dào (đào) Annam | |
g | /z/ | d | Rau gền tláng (dền trắng) | |
j | /z/ | d | Rau jùa (dừa nước), nấm juá (dứa) | |
de | /dj/ | d | Cây dea (da), Cây deẻ (dẻ) gai, Cây déo (dó) bầu, Deâu (dâu) tàu | |
c | /k/ | q | Lá trung cuǒn (quân), | |
k | /k/ | c | Rau kần nước (cần), Hoa kách (cách), | |
q | /k/ | q | Hoa kùy (quỳ), Hoa koế (quế) | |
ſ | /s/ | s | Hoa ſói (sói), hoa ſu tláng (sứ trắng) | |
u | /v/ | v | Uối deài (vối dài) lá, Uối tlòn (vối tròn) lá | |
Ghi nguyên âm và vần | aong | -ɔŋ | ong | Laong (long) nảo, raong (rong), Lá deaong (dong) |
ăoc/aoc | /ɔ/-k | oc | Củ chăóc (chóc), rau kaóc (cóc), Ngaọc (ngọc) tram | |
ieo | iew | ieu | Hò tieo (tiêu), Chúoi tieo (tiêu) | |
ei | -âi | ây | Deei (dây) dinh dang, | |
ɔ (với dấu hiệu riêng) | /ɤ/ | ơ | Rau mɔ (mơ), Phaong lɔn (phong lan), ɔt tlòn tlái (ớt tròn trái) | |
oung | -oŋ | ông | Boung tlang (bông trang), Cây thoung (thông) Hoa moung (mồng) gà | |
a | /ă/ | ă | Rau ram (răm) | |
ă | /â/ | â | Cây bằn tlòn (bần tròn) lá | |
u (với dấu hiệu riêng) | /ɯ/ | ư | Cỏ cút lọn (cứt lợn), Nấm cút ngụa (cứt ngựa) | |
êi | -âj | ây | Cây báy giéi (giấy), Cây ngếi tlòn (ngấy tròn) lá |
Ngoài hai chữ <ơ, ư> với dấu hiệu riêng dùng để ghi nguyên âm /ɤ, ɯ /, trong sách TVĐT còn có một số cách ghi được dùng trong từ điển VBL, song không dùng trong từ điển VL cũng như chữ Quốc ngữ ngày nay. Những cách ghi này có thể thấy qua bảng ở trên.
4. Kết luận
Sách Thực vật Đàng Trong là một công trình có giá trị về thực vật học không chỉ của Đàng Trong như tên gọi của nó mà còn là của thực vật học Việt Nam. Đây là cuốn sách về thực vật Việt Nam đầu tiên được thế giới biết đến. Nhờ có cuốn sách này mà, như nhà thực vật học Mỹ, Merril nhận xét, 185 họ và 630 loài chưa từng được miêu tả trước đó đã được các nhà thực vật học biết đến.
Thực vật Đàng Trong còn là một cuốn sách có giá trị về mặt ngôn ngữ. Cùng với từ điển Việt-Latin và một số văn bản viết tay của người Việt ở thế kỷ thứ 18, tên gọi cây cỏ trong cuốn sách này đã giúp cho chúng ta biết rõ hơn sự phát triển của tiếng Việt và chữ Quốc ngữ trước khi có được hình thức như chữ viết ngày nay.
Điều đáng tiếc là do được viết bằng chữ Latin nêncho đến nay cuốn sách không được nhiều người biết đến và khai thác các giá trị của nó.
Tài liệu tham khảo và trích dẫn chính
1. Bernardino Antonio Gomes, 1865, Elogio Historico do Padre João De Loureiro, Academia Real das Sciencias de Lisboa. Có thể download tại (https://digitalis.uc.pt/pt-pt/fundo_antigo/elogio_historico_do_pe_jo%C3%A3o_de_loureiro_lido_na_sess%C3%A3o_solemne_da_academia_real_das).
2. Joana Mestre Costa, Nair Castro Soares, João Manuel Torrão, Jorge Paiva; “The Flora Cochinchinensis of João de Loureirostill breaking new ground in science”. Có thể xem tại (https://www.ua.pt/cllc/page/18678)
3. E. D. Merrill, 1933, Loureiro and His Botanical Work, Proceedings of the American Philosophical Society, Vol. 72, No. 4, pp. 229-239 (http://www.jstor.org/stable/984687)Truy cập ngày 15/7/2018
4. Joaquim Magalhães de Castro, 2016. João de Loureiro, the botanist from Asia (1) http://www.oclarim.com.mo/en/2016/05/20/joao-de-loureiro-the-botanist-from-asia-1/, & (2): http://www.oclarim.com.mo/en/2016/05/27/joao-de-loureiro-the-botanist-from-asia-2/. Truy cập ngày 20/7/2018
5. The Jesuits: Cultures, Sciences, and the Arts, 1540-1773, Volume 1, edited by John W. O'Malley, Gauvin Alexander Bailey, Steven J. Harris, T. Frank Kennedy, T Frank Kennedy, S J; University of Toronto Press, 1999.
6. Alexei Volkov, Evangelization, politics and technology transfer in 17th century Cochinchina: The case of Joao da Cruz, in: Portugal and East Asia IV, Europe and China: Science and the Art in the 17th and 18thCenturies, World Scientific Publishing Co. Pte. Ltd. 2013. P. 31- 67
[1]Thuật ngữ “Đạo chúa Jesus” được dùng theo cách gọi của tác giả: Trần Văn Toàn, Ðạo Thiên Chúa, đạo Gia Tô, đạo Cơ Ðốc, đạo Công giáo? Nên gọi thế nào cho chính danh? Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, Hà Nội, số 4. 2003
[2]Về số giáo sĩ Bồ Đào Nha đến truyền giáo ở Việt Nam có những con số khác nhau:
- Theo Đỗ Quang Chính: Từ năm 1615 đến 1788 có 145 tu sĩ Dòng Tên thuộc 17 quốc tịch đến truyền giáo ở Việt Nam (không kể 31 tu sĩ Dòng Tên người Việt Nam), trong đó có 74 người Bồ Đào Nha. Xem: Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659, Nhà xuất bản Tôn Giáo 2008, tr.26.
- Còn theo chú thích 31 (tr.39) của cuốn sách “Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học (cho đến 1650), Nhà xuất bản khoa học Xã hội 2007”, Roland Jacques viết: “Năm 1623, trên tổng số 65 linh mục có 38 người Bồ Đào Nha, 15 người Ý, 7 người Nhật, 4 người Castillan (Tây Ban Nha) và 1 người Pháp.”
- Nhưng trong phần viết “Bồ Đào Nha và chữ Quốc ngữ” đăng tải trên trang mạng BBC bằng tiếng Việt, Roland Jacques lại viết: “Vào năm 1658,…, thì bấy giờ đã có gần 70 nhà truyền giáo với tám quốc tịch khác nhau kế tiếp đến Việt Nam, trong đó có 35 người Bồ Ðào Nha, 19 người Ý và 7 người Nhật Bản.” (https://www.bbc.com/vietnamese/specials/1232_jacques_roland/page3.shtml)
[3]Các tư liệu có được đã nhắc đến một số Giáo sĩ phương tây từng phục vụ như là những nhà vật lý hoàng gia ở Huế, trong đó có Bartolomeu da Costa (hay d’Acosta) (1629?-1695?), Giambattista Sanna (1682-1726), Sesbastien (hay Etienne?) Pirès (vào những năm 1720), Johann Siebert (1708-1745), Karl Slamenski (1708?-1746), Johann Koffler (1711-1785). Xem: Alexei Volkov, Evangelization, politics, and technology transfer in 17th -century Cochinchina: the case of João da Cruz, trong sách: Europe and China: Science and Art in the 17th and 18th Centuries, Luis Saraiva edited, World Scientific 2013, p.31-69. Xem thêm: Vũ Đức Liêm, “Tái định vị xứ Đàng Trong trong không gian Đông Á và Đông Nam Á, thế kỷ XVI-XVIII”, in trong: Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 4 (130). 2016, tr.12-42. (http://www.vjol.info/index.php/ncpt-hue/article/viewFile/25874/22726) Truy cập ngày 19/7/2018
[4]Ngày 6.5.1750 sắc lệnh cấm đạo do Võ Vương tức Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) ban hành. Sắc lệnh viết: “Bắt tất cả các thày giảng đang ở các sở truyền giáo, tịch thu các tài sản của các thừa sai Âu châu, nếu có gì đáng giá thì đưa về kinh đô, còn lại phải lưu trữ cho đến khi có lệnh. Còn đất đai, theo lệnh của nhà vương, sẽ làm của chung trong làng.” Dẫn theo: https://vinhsonferrio.wordpress.com/2014/05/13/cac-van-kien-cam-dao-trong-lich-su-viet-nam/
[5]Đó là sách Species Plantarum (Các loài thực vật) của Carl Linnaeus(tiếng Thụy Điển:Carl von Linné), được xuất bản lần đầu tiên năm 1753
[6]Loureiro, Joao de, 1793. Flora Cochinchinensis. Edited and added notes by Caroli Ludovici Willdenow; Bernolini (Berlin).
[7]Bài viết này đã được dịch sang tiếng Anh với tiêu đề: «On the nature and mode of production of Agallochum or aloes-wood», in trong sách: Tracts relative to botany, traanslated from different languages, London.1805, tr. 75-90. Có thể xem tại: https://www.biodiversitylibrary.org/item/97382#page/96/mode/1up
[8]http://www.oclarim.com.mo/en/2016/05/27/joao-de-loureiro-the-botanist-from-asia-2/. Truy cập ngày 20/7/2018
[9]Dẫn theo Oscar Salemin, “The Ethnography of Vietnam’s Central Highlanders: A Historical Contextualization, 1850-1900”, University of Hawai’i Press, Honolulu 2003. Tuy nhiên, trong một bài đăng trên mạng, tác giả Nguyễn Văn Huy viết rằng: “Trong thế kỷ 18, giáo sĩ João de Loureiro xuất bản cuốn De nigris Moi et Champanensibus (Người Mọi đen và Champa)”. Xem (https://nghiencuulichsu.com/2016/08/31/cong-dong-nguoi-thuong-tren-cao-nguyen-mien-trung/). Truy cập ngày 19/7/2018.
[10]Có thể đọc cuốn sách này từ các trang mạng được chỉ ra tại: https://www.univie.ac.at/Geschichte/China-Bibliographie/blog/2010/05/16/loureiro-flora-cochinchinensis/
[11]Ít nhất có 52 tên Latin với từ Cochinchinensis đi kèm trong TVĐT
[12]http://www.oclarim.com.mo/en/2018/02/02/homage-to-the-priest-and-the-martyr-conference-on-relations-between-portugal-and-vietnam/
[13]University of Toronto Press, 1999 do John W. O'Malley, Gauvin Alexander Bailey, Steven J. Harris, T. Frank Kennedy, T Frank Kennedy, S J, Steven biên tập, tr.213
[14]http://www.vast.ac.vn/tin-tuc-su-kien/tin-vien/1577-gia-tri-khoa-hoc-va-lich-su-cua-bao-tang-thuc-vat-hon-100-nam-tuoi
[15]http://www.biodivn.com/2013/12/thuc-vat-chi-nam-bo-flora.html. Và. Truy cập ngày 25/7/2018
[16]J. L. Taberd, Nam Việt Dương Hiệp Tự Vị- Dictionarium Anamitico-Latinum, Nhà xuất bản Văn học & Trung tâm nghiên cứu quốc học, in lại năm 2004, tr. 621-658.
[17]Có thể kể cả từ điển “Nam Việt Dương Hiệp Tự Vị- Dictionarium Anamitico-Latinum” của J. L. Taberd, vì dù nó được xuất bản năm 1838, song về cơ bản vẫn dựa trên bản thảo năm 1772 của de Béhaine.
[18]Ví dụ: “Nhật trình kim thư khất chính chúa giáo” (1799) và “Sách sổ sang chép các việc” (1882).
[19]Haudricourt, André-Georges, The two b’s in the Vietnamese dictionary of Alexandre de Rhodes (1974), translated by Alexis Michaud (xem: https://halshs.archives-ouvertes.fr/halshs-01631486/document)
Nguồn: Văn hóa Nghệ An, ngày 14.9.2018.