Văn chương và con đường của sự hòa hợp

Năm 2018, chưa bao giờ báo chí Việt Nam lại quan tâm đến một giải thưởng của nước Mỹ như thế. Đó là giải Pulitzer. Nguyên nhân thật đơn giản: giải thưởng đó được trao cho một nhà văn gốc Việt là Nguyễn Thanh Việt (Viet Thanh Nguyen) cho dù hầu hết mọi người trong nước chưa biết nội dung cuốn sách như thế nào.

Dù rằng sau này, khi đọc được cuốn sách đó vẫn có người cảm thấy khó chịu hay phản đối nội dung mà cuốn sách đề cập thì việc những người Việt Nam trong nước quan tâm nhiều đến cuốn sách cũng nói lên một điều: đó là niềm tự hào về những người mang dòng máu Việt cho dù họ đang sinh sống ở đâu và với quốc tịch gì, một khi họ giành được thành công trong công việc của họ. Sau đó, một số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thanh Việt đã được Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành. 

Năm 2017, cuộc gặp mặt lần thứ nhất “Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc” do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Đó là cuộc gặp gỡ giữa các nhà văn Việt Nam trong và ngoài nước được tổ chức ở Hà Nội. Dù thế nào đây cũng là một nỗ lực của Hội Nhà văn Việt Nam. Nhưng chủ yếu là các nhà văn đi từ miền Bắc đến định cư ở các nước châu Âu mà quá ít những nhà văn ra đi từ miền Nam bởi cuộc chiến tranh.

Tôi là một trong những người tham gia cuộc gặp gỡ đó và mang theo một nỗi buồn. Thậm chí trước đó, có những lời lẽ đau lòng giữa một nhà văn trong nước và một nhà văn gốc Việt sống ở nước ngoài. Và tôi có cảm giác, con đường mà những người Việt trong và ngoài nước, đặc biệt là các nhà văn đến với nhau vẫn còn xa ngái.

20200217

“Chủ yếu là các nhà văn đi từ miền Bắc đến định cư ở các nước châu Âu, mà quá ít những nhà văn ra đi từ miền Nam bởi cuộc chiến tranh”. Ảnh TL

Gần một nửa thế kỷ sau khi cuộc chiến tranh kết thúc, hầu hết những người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài đã trở về thăm gia đình, quê hương nhưng không phải là cuộc trở về thực sự trong tinh thần hòa hợp lớn của một dân tộc bị chia cắt bởi chiến tranh. Cái hố sâu ngăn cách họ vẫn chưa có một cây cầu thực sự và chính thức được bắc qua.

Thực tế, những cuộc gặp gỡ của các nhà văn hai phía đã được thực hiện và nhiều chia sẻ với nhau về văn chương và số phận của dân tộc trong một thời đại mới. Nhưng đó vẫn chỉ là những cuộc gặp gỡ cá nhân chứ không được chính thức hóa.

Ai sẽ là người tiên phong để dựng lên cây cầu bắc qua cái hố sâu nhiều đau đớn ấy? Tôi nghĩ là các trí thức, đặc biệt là các nhà văn. Tôi nhớ năm 1992, tôi được Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc mời đến thăm và làm việc. Khi đến Sydney, có một người rất đặc biệt ra đón tôi. Đó là nhà văn Hoàng Ngọc - Tuấn, một nhạc sĩ, một tay ghi ta tài danh, một trong những nhà khảo cứu người Việt xuất sắc nhất mà tôi biết đang dạy tại đại học New South Wales.

Trước khi sang Úc, một số người gặp tôi và khuyên tôi không nên liên lạc hay tiếp xúc với Việt kiều ở đó vì “rất nguy hiểm”. Nhưng tôi không hề thấy chút gì đáng lo sợ trong chuyện đó. Ngược lại, tôi muốn gặp những người Việt Nam sinh sống ở Úc, đặc biệt là các nhà văn.

Tôi cứ tự hỏi vì sao tôi lại sợ hãi những người có thể gọi là đồng bào tôi? Nếu những người Việt Nam trong nước và ngoài nước cứ trốn tránh nhau, thậm chí thù hận nhau vì bất cứ lý do gì đó sau gần một nửa thế kỷ, thì đấy là điều bất hạnh cho cả dân tộc. Bởi các nhà văn là những người luôn hướng tới tự do, sự gắn kết và luôn tìm cách bước qua những rào cản bởi những bất đồng chính trị. Nếu các nhà văn trong lương tâm mình không thấu hiểu điều đó và sẵn sàng dấn bước thì thật khó mong đợi điều gì tốt đẹp hơn.

Vì thế, trong chuyến đi đó, tôi đã rời bỏ những khách sạn năm sao sang trọng để sống trong nhà của nhà văn Hoàng Ngọc - Tuấn. Tại sân bay, ông Neil Manton, Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, là người đại diện nước chủ nhà cũng ra đón tôi. Khi biết tôi quyết định về ở nhà của Hoàng Ngọc - Tuấn, ông Neil Manton lo lắng hỏi tôi có thấy an toàn không vì lúc đó quan hệ giữa Việt kiều và người trong nước sang công tác vô cùng căng thẳng và có những việc đau lòng đã xảy ra. Tôi nói với ông cho dù họ mang quốc tịch Úc nhưng lại là người Việt cùng máu đỏ da vàng với tôi. 

Khi nhà văn Hoàng Ngọc - Tuấn đưa tôi về đến nhà anh thì tôi thấy có khoảng vài chục người đã chờ sẵn. Hoàng Ngọc - Tuấn nói: “Đây là nhà thơ Việt cộng Nguyễn Quang Thiều từ Hà Nội sang. Tối nay anh ấy sẽ đọc thơ cho chúng ta nghe. Sau đó, chúng ta sẽ quyết định hoặc bắn anh hoặc trải đệm cho anh’’.

Chỉ là một câu giới thiệu vui nhưng chứa đựng trong đó những vấn đề khác thật nhức nhối. Và đêm đó, tôi vừa nói chuyện vừa đọc hết bản thảo tập thơ Sự mất ngủ của lửa của tôi. Nghe xong, một người nói “Anh đã thay đổi suy nghĩ của tôi về các nhà thơ miền Bắc’’. Người đó là tiến sĩ hóa dầu Phạm Quang Tuấn, anh là người làng Chèm, Hà Nội, làm tiến sĩ hóa dầu ở Tân Tây Lan và về Úc định cư.

Năm 1976, anh Phạm Quang Tuấn đã được Chính phủ Việt Nam mời về nước và gặp cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Lúc đó, Chính phủ muốn những trí thức giỏi người Việt trên thế giới giúp xây dựng lại đất nước sau chiến tranh. Nhưng mong muốn đó hầu như không thực hiện được. Anh Phạm Quang Tuấn trở về Úc với nỗi buồn day dứt mãi trong lòng. 

Một buổi tối, nhà văn Hoàng Ngọc - Tuấn và một số nhà văn khác dẫn tôi ra một khu phố ẩm thực với rất nhiều nhà hàng và nói: “Bao giờ ông ăn hết các nhà hàng ở phố này thì về nước’’. Như vậy nghĩa là họ đã không bắn tôi. Thơ ca hay văn học đã xóa đi một phần nào những cách biệt, những đau đớn và cả hận thù.

Sau này, trong những chuyến sang Úc, đến Sydney tôi thường ở nhà của nhà văn Hoàng Ngọc - Tuấn. Và anh lại tổ chức những buổi tối đọc thơ và chơi nhạc, mời những người Việt yêu thơ ca đến dự. Những lúc đó, không còn khoảng cách, không còn ngờ vực và hận thù giữa những người Việt ở hai chế độ chính trị khác nhau. Chúng tôi, những nhà văn, đã bắt đầu bước qua vực sâu ngăn cách.

Lúc đó, tôi nghĩ, những người Việt Nam trong và ngoài nước sẽ đi tới một con đường chung rất sớm.

Nhưng tôi đã sai.

Cho tới tận bây giờ, chúng tôi không gần nhau hơn mà còn có những khoảng cách bị đẩy ra xa hơn. Có một điều là khi tôi tham gia trong Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam thì nhà văn Hoàng Ngọc - Tuấn đã nhìn tôi với một sự thay đổi nào đó không chấp nhận được vì ông nghĩ tôi là người của chính quyền. Đây là một trong những điểm “chết’’ mà không ít những nhà văn ở nước ngoài đã lúng túng, và chính cái điểm “chết’’ ấy đã đẩy những nhà văn trong và ngoài nước xa nhau hơn khi họ đã có những cơ hội để cùng nhau đi tới và quan trọng hơn, họ đã có những suy nghĩ chung về một con đường cho sự hòa hợp những người con của một dân tộc để làm cho dân tộc ấy lớn mạnh.

Chúng ta không muốn sau này con cháu chúng ta phải đọc những trang sử của một sự thù hận kéo dài mà ông cha chúng, những người ở trong sự thù hận ấy nhưng không thể nào xóa bỏ được. 

Cho dù những năm gần đây, tác phẩm của các nhà văn Việt Nam sống ở nước ngoài ngày càng xuất hiện trong nước một cách chính thức. Điều đó thực sự là nỗ lực của các nhà văn sống ở nước ngoài và của những tờ báo, tạp chí và một số nhà xuất bản trong nước. Thế nhưng những nỗ lực ấy vẫn rời rạc và vẫn còn những điểm “mắc kẹt’’ mà chúng ta không mở ra được. Và sự “mắc kẹt’’ này làm chúng ta không thể khai thông được một con đường lớn. Chúng ta vẫn luẩn quẩn trong bốn bức tường của những vấn đề do quá khứ để lại.

Chúng ta đang đi trên con đường về phía lợi ích của một dân tộc nhưng chúng ta đi quá chậm. Người Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược đất nước ta nhưng họ đã trở thành một trong những người bạn mang tính chiến lược. Thế nhưng, giữa những người Việt Nam trong nước và ngoài nước vẫn chưa có được những bước đi đáng lẽ phải có trước cả những bước đi của chính quyền Mỹ và Việt Nam.

Một quốc gia thật rộng lớn nhưng chúng ta hãy thu nhỏ quốc gia ấy như một gia đình hay như một dòng họ, chúng ta sẽ thấy thật dày vò và xấu hổ khi hơn bốn mươi năm, anh em trong một nhà, một dòng họ cho dù có người đúng, người sai ở chỗ này hay chỗ khác mà vẫn không muốn bỏ qua quá khứ, không muốn về cùng dưới một mái nhà tinh thần thì cả hai phía đều có lỗi với chính gia đình, dòng họ của mình.

Chúng ta cũng gặp biết bao câu chuyện về những người bố, người mẹ đã nói với những đứa con của mình đang sống cắt chia bởi những chuyện buồn trong quá khứ của họ: “Anh em con về với nhau đi, nếu không bố mẹ chết không nhắm mắt được”.

Và tôi cũng nghĩ những người Việt Nam trong nước và những người bỏ đi bởi chiến tranh, về bản chất cũng giống như những câu chuyện về anh em trong một nhà từ bỏ nhau. Hai nước Đức đã phá bỏ bức tường thù hận và  trở thành một nước Đức hùng mạnh. Còn chúng ta không làm được như họ. Chúng ta vẫn còn ra “điều kiện’’ đối với nhau trong khi lẽ ra chúng ta phải tìm ra những “điều kiện’’ chung để hòa hợp.

Con đường của sự hòa hợp phải đến từ hai phía dưới bầu trời của những khát vọng và lợi ich cho dân tộc Việt. Dân tộc không bao giờ thuộc quyền sở hữu của một người này hay một người khác, của một phía nay hay của một phía khác. Nếu điểm gặp nhau là ở giữa con đường thì mỗi người ở một phía của con đường phải cùng cất bước thì mới có thể gặp nhau. Nếu một bên bắt bên kia phải bước đến với mình mà mình không cùng bước tới thì không bao giờ có được điều cả hai cùng mong muốn.

Cho dù phần đường đi của mỗi phía đều có những thách thức và khó khăn của riêng mình. Nhưng tất cả những người Việt trên thế giới phải cùng nhau làm cho dân tộc Việt Nam được vinh danh. Bởi mọi hình thức cuối cùng sẽ biến mất mà chỉ còn lại một cái tên duy nhất: Dân tộc. Những người Việt Nam thuộc về một giai đoạn lịch sử đau thương của dân tộc đã và đang lần lượt rời bỏ đời sống thế gian. Chúng ta không muốn những người Việt Nam của giai đoạn lịch sử đó ôm mối hận thù xuống suối vàng và mắc tội với tương lai.

Trước sau thì người Việt Nam trong và ngoài nước cũng sẽ đồng hành vì dòng máu chung, vì lòng tự trọng và kiêu hãnh của dân tộc Việt. Chúng ta không muốn sau này con cháu chúng ta phải đọc những trang sử của một sự thù hận kéo dài mà ông cha chúng, những người ở trong sự thù hận ấy nhưng không thể nào xóa bỏ được. Lịch sử không làm ra chúng ta mà chúng ta là người làm ra lịch sử.

Và cuối cùng, tôi vẫn muốn và vẫn tin rằng: chính các nhà văn của hai phía mới là những sứ giả đầu tiên, là những người dám hy sinh những mất mát, những đau đớn, những khác biệt của mình để thúc đẩy con tàu hòa hợp lên đường. Còn nếu không làm được như vậy, chúng ta đã thất bại trong chính tư tưởng và khát vọng của mình về dân tộc. 

Nguyễn Quang Thiều

Nguồn: Người đô thị, ngày 16.02.2020.

Thông tin truy cập

63671632
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
15350
17595
63671632

Thành viên trực tuyến

Đang có 492 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website