Từ ngày 8 đến 10-1 vừa qua, hội thảo “Nghiên cứu Việt Nam dưới tầm nhìn học thuật liên ngành” - do Viện Nghiên cứu Việt Nam thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc và Học viện Nghiên cứu lịch sử văn hóa và du lịch, đều đặt tại ĐH Sư phạm Quảng Tây, đồng tổ chức - đã diễn ra tại Quế Lâm.
“Lấy điều du học hỏi thuê,
Túi đàn cặp sách đề huề dọn sang”
(Truyện Kiều, Nguyễn Du)
Hơn 60 học giả, chuyên gia từ các ĐH và viện nghiên cứu khắp Trung Quốc đã tham dự, thảo luận chủ yếu về chủ đề quan hệ Trung - Việt trong lịch sử và hiện tại. Hội thảo này nằm trong hạng mục học thuật quốc gia phục vụ đại dự án chiến lược “Nhất đới nhất lộ”, cũng là tiểu kết cho một kế hoạch mang tính bước ngoặt được khởi động từ đầu năm 2019.
Trước đó, ngày 1-1-2019, tập san Việt Nam nghiên cứu (VNNC) số 1 được xuất bản, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử nghiên cứu khu vực, Việt Nam học ở Trung Quốc tách ra làm một ngành độc lập với cơ quan quản lý và tập san chuyên biệt.
Bìa tạp chí Việt Nam nghiên cứu số 1. Ảnh: amazon.com
Trước đây, nhiều bộ phận nghiên cứu Việt Nam thuộc các sở nghiên cứu Đông Nam Á ở các ĐH hoặc viện nghiên cứu. Tập san VNNC do Ty Hợp tác và giao lưu quốc tế (Bộ Giáo dục Trung Quốc) chủ trì, giao cho ĐH Sư phạm Quảng Tây thực hiện.
Hội đồng và ban biên tập quy tụ các học giả hàng đầu trong nước và cả quốc tế, như 2 chuyên gia Đinh Khắc Thuân (Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Việt Nam) và giáo sư Tôn Lai Thần (ĐH California, Fullerton), hay 2 học giả thâm niên về Việt Nam học từng nghiên cứu về “lịch sử chủ quyền Nam Hải” Lương Chí Minh (ĐH Bắc Kinh) và Vu Hướng Đông (ĐH Trịnh Châu).
Ngày 5-1, cùng sự kiện tập san VNNC ra mắt trọng thể tại ĐH Ngôn ngữ Bắc Kinh là buổi lễ ký kết hợp tác liên viện đầu tiên về Việt Nam học giữa các cơ quan gồm Bộ Giáo dục, Viện Khoa học xã hội, ĐH Bắc Kinh, Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á - ĐH Trung Sơn (Quảng Đông), Viện Nghiên cứu Việt Nam - ĐH Sư phạm Quảng Tây, ĐH Khoa học xã hội nhân văn Quảng Tây, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam - Đại học Trịnh Châu (Hà Nam), Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam - ĐH Công nghiệp Chiết Giang và Trung tâm Nghiên cứu Nam Hải - ĐH Nam Kinh.
Hơn 200 trang VNNC số đầu tiên bao gồm các bài viết đa dạng: “Quan hệ Việt - Mỹ có chiều hướng phát triển ở tầng cao”, “Tác động của Thanh phỉ ở biên giới Trung - Việt trong chiến tranh Pháp - Thanh”, “Vấn đề quản lý Hoa kiều Việt Nam trở về sau chiến tranh của Chính phủ Quốc dân (1946 - 1948)”, “Khảo sát xã hội ngư dân truyền thống ở cảng cá Vân Đồn - Bàn về hướng phát triển du lịch văn hóa nghề cá Trung - Việt”, “Ảnh hưởng của sử học Trung Quốc đối với sự phát triển của sử học An Nam thời Hậu Lê dưới góc nhìn khoa cử khảo thí”, “Khái luận về văn bia chữ Hán ở Việt Nam trước thế kỷ 10”, “Nghiên cứu gia phả người Hoa ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam”…
Chuyên luận VNNC đến nay đã ra thêm được 2 số (tháng 1-2020 và 1-2021).
Mục lục tóm tắt VNNC có thể chưa phản ánh hết thực lực của học giới TQ, nhưng đã cho thấy định hướng nghiên cứu Việt Nam khá rõ, thể hiện sự bài bản, toàn diện, xuyên suốt quá khứ và hiện tại, có cả những vấn đề lịch sử sâu xa lẫn hiện thực rất gần.
Do những điều kiện lịch sử, giới nghiên cứu Việt Nam học ở Trung Quốc có những đặc điểm khác biệt so với phần còn lại của thế giới, với các thành tựu học thuật rất tiếc là còn chưa được tiếp cận rộng ở Việt Nam.
Ngoài các bài viết, phải nhắc đến một vài tựa sách tiêu biểu xuất bản gần đây: Tìm hiểu văn hóa ngôn ngữ Việt Nam (Phạm Hoằng Quý, Lưu Chí Cường), Nghiên cứu vấn đề dân tộc Việt Nam đương đại và chính sách dân tộc (Đằng Thành Đạt, Trang Quốc Thổ), Nghiên cứu tình trạng sử dụng vốn Hán tự trong tiếng Việt đương đại (La Văn Thanh); có cả những công trình hợp tác với Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam như Nghiên cứu thư tịch chữ Hán Đông Á và từ điển Hán Nôm cổ Việt Nam, Nghiên cứu chỉnh lý Văn hiến Hán Nôm Việt Nam và Hán tự Đông Á (đều của Hà Hoa Trân, Nguyễn Tuấn Cường).
Chừng 15 năm trước, một khảo sát và kiến nghị của Đường Thế Bình và Trương Khiết trên tạp chí Nghiên cứu Nam Á - Đông Nam Á từng nêu rõ hai yếu kém then chốt của giới học giả Trung Quốc lĩnh vực này là thiếu thâm nhập thực tế xã hội và không am tường ngôn ngữ của quốc gia đối tượng.
Đến nay, những rào cản đó đang được chinh phục, điều vốn càng thuận lợi với giới nghiên cứu Trung Quốc do Việt Nam từng là một nước đồng văn suốt nhiều thế kỷ.
Việc nghiên cứu sâu sát nguồn tư liệu Hán Nôm Việt Nam và dùng nó đối chiếu hoặc phối hợp với sử liệu Trung Quốc đã từng bước cho ra những kết quả mới.
Chẳng hạn trong đề tài lịch sử quan hệ giữa các chính quyền Trung - Việt, gần đây một số học giả Trung Quốc đọc nhiều sách Hán Nôm Việt Nam phát hiện ra trong giới trí thức người Việt có xu hướng tránh cách dùng từ đặt Việt Nam ở thế yếu, mà gọi mối quan hệ song phương là “bang giao”, tức coi đó là một sự bình đẳng.
Mặt khác, dù nhiều sử liệu Việt nói đến việc triều cống và thỉnh phong nhưng hầu hết đều chỉ là động thái giả vờ.
Cá nhân tôi thấy rằng việc nghiên cứu Việt Nam từ góc nhìn Trung Quốc có mấy điểm nổi bật:
Về lịch sử, ngoài việc tập hợp, hiệu khám, nghiên cứu văn bản như vẫn làm trước giờ, gần đây giới học thuật còn chú ý đến hình thái thượng tầng, với sử cũ chữ Hán lẫn sử mới chữ quốc ngữ.
Về sử liệu, việc khai thác nhanh nguồn tư liệu chữ Hán Nôm và văn khắc Hán Nôm Việt Nam, bao gồm thu thập, chỉnh lý, phân chuyên đề, xuất bản, rất sôi động. Trong việc này, giới nghiên cứu Trung Quốc có chú trọng đến nguồn lực là chuyên gia Việt Nam.
Về chính trị ngoại giao, chú trọng lịch sử quan hệ chính quyền.
Về văn hóa, ngôn ngữ, thông qua tư liệu sử Việt và thực tiễn xã hội, nhiều nghiên cứu chuyên sâu về tâm lý và tính cách dân tộc, các loại hình văn hóa dân gian, sự tương quan và tiếp biến phong tục tín ngưỡng, chú trọng điền dã và tiếng Việt hiện đại hơn.
Về xã hội, nghiên cứu nhiều mặt về xã hội cổ đại và hiện đại, xã hội Hoa kiều ở Việt Nam cổ đại và hiện đại, bộ phận Việt kiều ở Trung Quốc.
Về kinh tế, gắn với mục tiêu chiến lược “Nhất đới nhất lộ”.
Trong buổi ra mắt tạp chí VNNC, chủ biên Lâm Xuân Dật, phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm Quảng Tây, có nêu một ý mà các báo đưa tin thường trích dẫn rằng “hiểu nhiều để mà biết rõ”.
Còn GS Lương Chí Minh (ĐH Bắc Kinh) nói “phải tập trung nghiên cứu các tác phẩm Việt Nam, vận động người nước ta nghiên cứu Việt Nam, góp phần đẩy nhanh chiến lược Con đường tơ lụa trên biển”.
Đằng sau lời giáo sư Lâm e không phải là hướng tới sự hiểu và biết trong phạm vi nghiên cứu học thuật đơn thuần. ■
“Thế giới ít biết tới quan điểm học giả người Việt” Trao đổi với PGS.TS Đoàn Lê Giang, trưởng khoa Việt Nam học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Hiện trạng ngành Việt Nam học ở chính Việt Nam giờ ra sao, những ai sẽ quan tâm theo đuổi ngành học này, cả người nước ngoài và Việt Nam, thưa ông? Ngành Việt Nam học vẫn phát triển mạnh mẽ gắn liền với việc phát triển kinh tế, thương mại giữa các nước với Việt Nam cùng sự có mặt của 4 - 5 triệu người Việt ở nước ngoài. Hiện nay người Việt ở Mỹ có hơn 2 triệu người, Nhật 420.000, Hàn Quốc 220.000, Nga hơn 100.000, ở Ba Lan và Tiệp Khắc khoảng 40 - 60.000 người… Họ là một trong những cầu nối quan trọng cho quan hệ thương mại, lao động, hôn nhân…, từ đó làm gia tăng nhu cầu học tiếng Việt và tìm hiểu về Việt Nam. Các nhà Việt Nam học hiện nay chủ yếu là các giáo sư đại học, vừa nghiên cứu Việt Nam vừa giảng dạy các môn học về Việt Nam như lịch sử, văn học, ngôn ngữ, văn hóa, tư tưởng Việt Nam… Ở châu Âu có Anatoli Sokolov, Vladimir Kolotov (Nga), Thomas Engelbert (Đức). Ở Nhật Bản có các nhà ngữ văn học Kawaguchi Kenichi, Tomita Kenji, Imai Akio, Shimizu Masaaki, Nohira Munehiro, các nhà sử học Shiraishi Masaya, Sakurai Yumio, Tsuboi Yoshiharu…. Ở Hàn Quốc là các nhà ngữ văn học Bae Yang Soo, Jeon Hye Kyung, Ahn Koyng Hwan, các nhà sử học Song Jung Nam, Yu Insun… Ở Trung Quốc có Triệu Ngọc Lan, La Trường Sơn, Hạ Lộ, Li Tana. Ở Đài Loan có Trần Ích Nguyên, Tưởng Vi Văn, La Cảnh Văn… Riêng ở Hoa Kỳ, việc nghiên cứu Việt Nam nở rộ, không chỉ nhiều lĩnh vực mà còn có nhiều cách tiếp cận mới, có tính gợi mở về phương pháp luận quan trọng. Đó là các nhà sử học Keith Taylor, David Marr, Alexander Woodside, John K. Whitmore, Oliver W. Wolters, William Duiker…; các nhà ngữ văn học Peter Zinoman, Nora A. Taylor, Jayne Werner… Mối liên hệ giữa Việt Nam học và việc quảng bá lịch sử, văn hóa Việt Nam với thế giới ra sao, thưa ông? Hiện giờ đã có nỗ lực có chủ đích nào - cả của Nhà nước hoặc tư nhân - với việc đó chưa? Việc giới thiệu quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, được các cơ quan nhà nước thực hiện liên tục từ hàng mấy chục năm nay, càng ngày càng đa dạng. Đó là các họa báo về Việt Nam, các chương trình phát thanh, truyền hình cho cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài bằng tiếng Việt và người nước ngoài bằng tiếng các nước sở tại, các trang web của Nhà nước và tư nhân, các chương trình dịch thuật sách, cũng có một vài tạp chí bằng tiếng nước ngoài. Tuy nhiên, theo tôi, hiện nay khâu yếu nhất có lẽ là các tạp chí nghiên cứu sâu về Việt Nam bằng tiếng Anh và các ngôn ngữ khác có uy tín học thuật (có chỉ số ISI, Scopus). Các tạp chí nghiên cứu về Việt Nam bằng tiếng Anh, Pháp… hiện đa số chỉ dừng ở giới thiệu nhập môn, chưa phải những tạp chí chuyên sâu của giới học thuật chuyên nghiệp. Vì vậy, kiến giải của học giả nước ngoài qua các tạp chí có uy tín cao vẫn tiếp tục có tiếng nói áp đảo, định hình cách nghĩ của người nước ngoài về Việt Nam, trong khi các nhà nghiên cứu Việt Nam chưa tham gia sâu rộng vào cộng đồng đó để có tiếng nói trao đổi một cách khách quan. Ngay cả những vấn đề sống còn của quốc gia như biển đảo thì tư liệu và quan điểm của học giả Việt Nam vẫn ít được biết đến, ít có dịp cọ xát với các học giả nước ngoài. Tình hình này đang bắt đầu được cải thiện, tuy rất chậm chạp và nhỏ lẻ. ■ C.Văn (thực hiện) |
Phạm Hoàng Quân
Nguồn: Tuổi trẻ Cuối tuần, ngày 01.5.2021.