Hải quốc văn kiến lục: khảo sát và trích dịch (1)

Hải quốc văn kiến lục “海國聞見綠” do người đời Thanh là Trần Luân Quýnh 陳倫炯 soạn, ghi chép về địa lý, phong tục, vật sản và tình hình thương mại của nhiều quốc gia, vùng, đảo thuộc đông, tây, nam Á và hải trình từ Trung Quốc đến các nơi ấy. Một phần của sách dành mô tả duyên hải Trung Quốc và nhiều đảo, đá, quần đảo nằm quanh các hải đạo.

Năm 1956, Hải quốc văn kiến lục bắt đầu được học giới Trung Quốc đề cập và sau đó liên tục trích dẫn, phân tích và suy luận quanh yếu tố địa danh Vạn Lý Trường Sa, Thiên Lý Thạch Đường nhằm chứng minh chủ quyền lịch sử của Trung Quốc đối với Tây Sa và Nam Sa, tức là Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Trong văn kiện xác định chủ quyền Tây Sa và Nam Sa do Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố ngày 30-1-1980, Hải quốc văn kiến lục là một trong 8 sách được dẫn dụng.

Khảo sát và trích dịch Hải quốc văn kiến lục chúng tôi nhằm cùng với độc giả tiếp cận ý nghĩa căn bản của nội dung sách này, qua đó có cái nhìn khách quan và cẩn trọng đối với những tài liệu thuộc về cổ sử biển Đông.

Đề yếu:

I. Hải quốc văn kiến lục: tác giả, tác phẩm, mục lục, văn bản, soạn niên, ấn niên, sai dị, bất nhất.

II. Tứ hải tổng đồ: sự dị bản từ nguyên bản, sự trưng dẫn hiện nay, vài điểm cần lưu ý.

III. Nam Dương ký, Nam Áo khí: trích lục sai nguồn và lý luận quàng xiên của học giới Trung Quốc, trích lục nhầm và lý luận bồng bột của học giới Việt Nam.

* Phụ lục: Nam Dương ký, dịch và chú thích

I. Hải quốc văn kiến lục

Trần Luân Quýnh tự Thứ An 次安, hiệu Tư Trai 資齋, người huyện Đồng An tỉnh Phước Kiến, cha tên Trần Mão 陳昴, là người có nhiều kinh nghiệm về hải đạo. Trần Mão thuở nhỏ nhà nghèo, bỏ việc đọc sách mà theo nghề đi buôn, do thường xuyên qua lại trên biển và để tâm học hỏi nên tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm hàng hải. Năm Khang Hy Nhâm Tuất (1682) Đề đốc Thi Lương nhận mệnh Thanh đình tấn công Bành Hồ, Đài Loan. Mão tự tiến cử và được Thi Lương tin dùng, nghe theo kế hoạch tác chiến của Mão. Thắng trận Bành Hồ, Đài Loan, cháu nội của Trịnh Thành Công là Khắc Sảng quy hàng, Đài Loan nhập bản đồ Thanh quốc. Mão lại nhận lệnh truy nã dư đảng họ Trịnh, bôn ba đông tây dương suốt 5 năm. Nhờ vào chiến công, Trần Mão được phong Tổng binh trấn Kiệt Thạch, năm 1718 thăng phó Đô thống Quảng Đông.

Luân Quýnh nối nghiệp cha, chú tâm học hỏi về thiên văn, địa lý, chú trọng phần duyên hải Trung Quốc và các nơi trên biển ngoại quốc. Ban đầu được tuyển làm Thị vệ, năm 1721 được đặc cách thăng Tham tướng Nam lộ Đài Loan. Năm Ung Chính nguyên niên (1723) thăng Thủy sư phó tướng Đài Loan, sau lại thăng Tổng binh Đài Loan, sau chuyển sang trấn thủ Cao Châu, Lôi Châu, Liêm Châu (Quảng Đông). Trong thời gian trấn thủ Cao, Lôi, Liêm, Luân Quýnh tiếp xúc nhiều với khách thương các nước Tây dương, nghe biết và thu thập nhiều kiến thức, thông tin về các hải đảo, đảo quốc ở miền biển phía Nam Trung Quốc.

Tổng hợp những điều nghe được từ cha mình, từ các thương nhân ngoại quốc, những điều thấy được trên thực địa trong quá trình qua lại Đài Loan, Phước Kiến, Quảng Đông…, tham cứu địa đồ và những kiến thức trong sách vở của người trước, Trần Luân Quýnh viết thành sách Hải quốc văn kiến lục [HQVKL].

Lược truyện về Trần Luân Quýnh trên đây, chúng tôi dựa theo lời tựa tự viết của họ Trần ở đầu sách HQVKL và phối hợp một ít sử liệu tổng quát. Tên Trần Mão (昴) thấy có vài sách viết là Ngang (昂); sự kiện Đề đốc Thi Lương tấn công Bành Hồ, Đài Loan xảy ra vào tháng 8 năm Khang Hy Quý Hợi (1683), lời tựa họ Trần viết lầm là Khang Hy Nhâm Tuất (1682).

Tên sách HQVKL nghĩa là “Ghi chép những điều nghe, thấy về các nước trên biển”, thành sách năm 1730, gồm 2 phần riêng biệt: Phần Văn và phần Đồ.

A. Phần Văn ước khoảng một vạn bảy ngàn chữ, gồm lời tựa ở đầu sách và 8 chương, như sau:

  1. Thiên hạ duyên hải hình thế lục 天下沿海形勢錄, ghi chép về các đảo, đá, quần đảo, hải khẩu từ Kinh sư (Bắc Kinh) đến Quỳnh Châu (Hải Nam); hải đạo đến Triền Tiên, Nhật Bản, Lưu Cầu.
  2. Đông Dương ký 東洋記, ghi chép về Triều Tiên, Nhật Bản, Lưu Cầu, hải đạo, hải trình đến các xứ ấy.
  3. Đông Nam Dương ký, 東南洋記 ghi chép về Đài Loan, Lữ Tống, Lợi Tử Nghi, Vạn Lão Cao 萬老高, Đinh Cơ Nghi 丁機宜, Tô Lộc 蘇祿, Cát Lý Vấn 吉里問, Văn Lai 文來, Châu Cát Tiêu Lạt 朱葛礁喇, Mã Thần 馬神, Trà Bàn 茶盤…
  4. Nam Dương ký, 南洋記 ghi chép về Giao Chỉ, Chiêm Thành, Giản Phố Trại, Tiêm La, Cát Lạt Ba… (xem bản dịch phụ lục).
  5. Tiểu Tây Dương ký, 小西洋記 ghi chép về các nước Bạch Đầu Phiên 白頭蕃, Tam Mã Nhĩ Đan 三馬爾丹, Tế Mật Lý Dã 細密里邊也, Nga La Tư 俄羅斯, Dân Nha 民呀, Đa Nhĩ Kỳ 多爾其, A Lê Mễ Dã 阿黎米也, Ô Quỷ 烏鬼 [vài nước thuộc Đông Phi, Nam Á và các tiểu quốc thuộc Ấn Độ]
  6. Đại Tây Dương ký, 大西洋記 ghi chép về các nước Bồ Đào Nha 葡萄呀, Thị Ban Nha 是班呀, Phật Lang Tây 佛蘭西, Na Mạ 那嗎, Hà Lan 荷蘭, Hoàng Kỳ 黃旗, Phổ Lỗ Xã 普魯社, Lận Nhân 吝因, Anh Khuê Lê 英圭黎, Hồng Mao 紅毛…[vài nước thuộc châu Âu, vài nước Tây Phi].
  7. Côn Lôn, 崑崙 ghi chép về đảo Côn Lôn trong biển Nam Dương [nay gọi Côn Đảo, Việt Nam].
  8. Nam Áo khí, 南澳氣 ghi chép về nhóm đảo, đá, bãi cát có tên chung là Nam Áo, trong biển Đông dương [phần (vùng) biển Trung Quốc].

B. Phần Đồ được ghi là phần phụ lục, gần 50 trang, trang đầu có tiêu đề “Hoa Đình Hạ Tuyền Uyên hội tịnh hiệu – 華亭夏璇淵 繪并校” [Hạ Tuyền Uyên hiệu Hoa Đình[1] vẽ và khảo đính], chia làm 6 bức như sau:

  1. Tứ hải tổng đồ, 四海總圖 (2 trang) là một địa đồ thế giới không hoàn chỉnh, so với bản đồ thế giới ngày nay, Tứ hải tổng đồ chỉ thể hiện một cách đại khái và chỉ có 3 châu, Á, Âu, Phi.
  2. Duyên hải toàn đồ, 沿海全圖 (34 trang), địa đồ bờ biển Trung Quốc, tương ứng với chương 1 “Thiên hạ diên hải hình thế lục” ở phần văn.
  3. Đài Loan đồ 臺灣圖 (4 trang)
  4. Đài Loan hậu sơn đồ 臺灣後山圖 (3 trang)
  5. Bành Hồ đồ 澎湖圖 (2 trang)
  6. Quỳnh Châu đồ 瓊州圖(2 trang)

[mục lục này căn cứ bản in Đài Loan 1958].

Về văn bản HQVKL, theo Phạm Tú Truyền 范秀傳 trong một bài tóm lược vắn tắt in chung trong mục Trung Quốc Biên cương sử địa cổ tịch đề giải[2] thì ở phần sau địa đồ (tức ở cuối sách HQVKL) còn có thêm 2 phụ lục khác là: “Chiết Giang thải tập di thư tổng lục 浙江采集遺書總錄” [chép chung các sách gom góp được ở Chiết Giang] và “Hải Quốc văn kiến lục bạt văn” [lời bạt sách HQVKL]. Hai phụ lục này không có trong bản chúng tôi khảo sát. Cũng theo Phạm Tú Truyền, HQVKL còn lưu truyền 3 bản, in trong các tùng thư: “Nghệ Hải Châu Trần 藝海珠塵”, “Chiêu Đại tùng thư 昭代 叢書”, và “Minh Biện Trai tùng thư sơ tập –明辯齋叢書初集”. Văn bản chúng tôi khảo sát thuộc tùng thư “Nghệ Hải Châu Trần”.

Về năm thành sách, hầu hết các tác giả Trung Quốc hiện nay – khi dẫn dụng HQVKL – đều ghi nhận năm Ung Chính thứ 8 (1730) là năm Trần Luân Quýnh viết xong HQVKL, đại diện cho các tác giả này có thể kể nhóm Trần Sử Kiên 陳史堅 trong Nam Hải chư đảo địa danh tư liệu hối biên[3], nhóm Hàn Chấn Hoa 韓 振華 trong Ngã quốc Nam Hải chư đảo sử liệu hối biên[4], Lưu Nam Uy 劉南威 trong Trung Quốc Nam Hải chư đảo địa danh luận cảo[5], Phạm Tú Truyền hoặc như nhóm Trịnh Thiên Đĩnh 鄭天挺 trong Trung Quốc lịch sử Đại từ điển[6].

Trường hợp khác, Joseph Needham trong Science and Civilisation in China (1959) ghi năm thành sách HQVKL là 1744[7]; các tác giả Việt Nam khi đề cập đến HQVKL trong Tập san Sử địa (số 29 – 1975) như Lãng Hồ [ở trang 78], Hãn Nguyên [trang 144, 149], Trần Thế Đức …[trang 323] cũng đều ghi năm thành sách là 1744. Tuy nhiên, do J. Needham và các tác giả Việt Nam không nêu nguồn trích dẫn và không chú thích về xuất xứ bản in đã căn cứ, nên chúng tôi không rõ thông tin “HQVKL thành sách năm 1744” xuất phát từ đâu. Ở góc độ cá nhân, khi tham khảo bản HQVKL trong tùng thư “Nghệ Hải Châu Trần” do Đài Loan in lại năm 1958, chúng tôi thấy trong lời tựa của Trần Luân Quýnh đề năm Ung Chính thứ 8 (1730) [Ung Chính bát niên, tuế thứ canh tuất, trọng đông vọng nhật, Đồng An Trần Luân Quýnh cẩn chí].

Về ấn bản, theo một số thư mục tham khảo hoặc các chú thích kê cứu chi tiết (như của Lâm Kim Chi, Hàn Chấn Hoa, Lưu Nam Uy) thấy hầu hết dựa vào bản khắc in năm Càn Long thứ 58 (1793), tức là – nếu sau này không phát hiện bản khắc in nào sớm hơn – thì hơn 60 năm sau khi thành sách, HQVKL mới được khắc in. Thời hiện đại, do có nhiều ghi chép liên quan đến lịch sử Đài Loan nên HQVKL được nhập vào bộ “Đài Loan văn hiến tùng san’’ (tập 26) xuất bản năm 1958, bản in này do Chu Hiến Văn dựa vào bản “Nghệ Hải Châu Trần” phân đoạn chấm câu, không chú thích. Gần đây, theo Trung Quốc lịch sử đại từ điển, Trung Châu cổ tịch xuất bản xã đã xuất bản bản có chú giải (1984).

Nội dung HQVKL có nhiều điểm quan trọng cần phải lưu ý.

1. Hải danh

Trong 8 chương của phần Văn, chúng ta thấy xuất hiện các tên gọi Đông Dương, Đông Nam Dương, Nam Dương, Tiểu Tây Dương và Đại Tây Dương. Đây là những quy ước riêng của Trần Luân Quýnh về khu vực địa lý trong HQVKL, cách gọi này của họ Trần có khác hơn so với cách gọi của Trương Tiếp 張燮 trong Đông Tây Dương khảo東西洋考 viết khoảng năm 1617 đời Minh. Trương Tiếp là người đầu tiên dùng danh xưng Đông Dương phân biệt với Tây Dương để chia vùng biển phía nam Trung Hoa thành 2 mảng, từ Văn Lai [Brunei] trở qua phía Đông gọi chung là Đông Dương, từ Văn Lai trở qua phía Tây gọi chung là Tây Dương. Trương Tiếp đặt tên sách là Đông, Tây dương khảo nghĩa là khảo về các nước Đông Dương và các nước Tây Dương. Cũng lưu ý rằng, trước Trương Tiếp, tên Tây Dương có được nói đến trong sách của một tùy viên trong đoàn Trịnh Hòa, tức Tây Dương phiên quốc chí (1434) của Củng Trân 鞏珍, tuy nhiên, trong giai đoạn này từ “Tây dương” chỉ được dùng với hàm ý chung là chỉ về vùng biển ở hướng Tây.

Trần Luân Quýnh lại chia vùng biển Đông, Tây Dương [theo cách gọi của Trương Tiếp] thành 5 vùng: Đông Dương [tức vùng Đông Bắc Á ngày nay], Đông Nam Dương [khoảng từ Philippines đến Brunei], Nam Dương [biển Đông Việt Nam qua vịnh Thái Lan, dừng ở Johore (Malaysia)], Tiểu Tây Dương [khoảng trong Ấn Độ Dương], Đại Tây Dương [một phần Đại Tây Dương]. Trong đó, danh xưng Nam Dương và Đông Nam Dương có thể xem là bắt đầu từ Trần Luân Quýnh.

2. Địa danh ngoài Trung Quốc

Nhiều địa danh được Trần Luân Quýnh phiên âm khác hẳn so với cách phiên âm trong Đông Tây Dương khảo và trong Minh sử, thí dụ như tên nước España, HQVKL viết là Thị Ban Nha 是班呀, Minh sử viết là Y Tây Bả Ni Á 依西把尼亞 (trang 8461)[8]; như tên nước Singapore, HQVKL viết là Cát Lạt Ba 噶喇吧, Minh sử viết là Tam Phật Tề 三佛齊 (tr. 8406), Đông Tây Dương khảo viết là Hạ Cảng Gia Lưu Ba 下港加留吧, (tr. 41)[9]Minh sử thành sách năm 1735, tức xem như đồng niên đại với HQVKL và Đông Tây Dương khảo thành sách năm 1617 tức trước HQVKL chỉ hơn 100 năm. Việc phiên âm sai biệt này không chỉ xảy ra ở trường hợp HQVKL, nếu kể thêm Chư Phiên chí 諸蕃志 đời Tống, Đảo Di chí lược島夷志略 đời Nguyên hay Hải Quốc Đồ chí 海國圖志 (1842)… thì chúng đều nằm trong tình trạng tương tợ. Việc nghiên cứu cổ sử biển Đông nói riêng và quan hệ, giao thông Đông – Tây nói chung, khi dựa vào sử liệu Trung Quốc thường gặp trở ngại bởi vấn đề địa danh phức tạp nêu trên, và chúng ta sẽ trở lại vấn đề này ở một chuyên khảo khác.

3. Văn- Đồ bất nhất

như ở phần lược thuật về mục lục sách HQVKL, chúng ta thấy rõ là phần Văn của Trần Luân Quýnh và phần Đồ là của Hạ Tuyền Uyên, điểm này không thấy học giới Trung Quốc nêu ra, trong các mục lục tham khảo có thể viện cớ tinh giản cho tiện. Tuy nhiên, trong bài giới thiệu riêng về HQVKL của Phạm Tú Truyền, hoặc ở mục từ “Hải quốc văn kiến lục” trong Trung Quốc lịch sử đại từ điển đều không ghi nhận đồng tác giả Hạ Tuyền Uyên. Các bài viết có liên quan hoặc trích in “Tứ hải tổng đồ” – là công trình riêng của họ Hạ – đều được ghi tác giả là Trần Luân Quýnh. Qua tham cứu HQVKL đối chiếu quan sát “Tứ Hải tổng đồ”, chúng tôi khẳng định rằng phần Văn và Đồ trong sách này này là do 2 người thực hiện, bởi chúng có rất nhiều điểm không khớp nhau, Văn tả một đằng, Đồ vẽ một nẻo, cụ thể, nêu 3 trường hợp:

a. Thất Châu Dương: Văn của họ Trần mô tả Thất Châu Dương ở phía đông nam Vạn Châu đảo Quỳnh Châu. Đồ của họ Hạ vẽ Thất Châu Dương ở phía tây nam đảo Quỳnh Châu.

b. Cao Ly – Triều Tiên: đối với bán đảo Triều Tiên hiện nay, Văn của họ Trần viết là Triều Tiên, Đồ của họ Hạ tiêu danh là Cao Ly (tên dùng hồi đời Minh).

c. Lợi Tử Nghi: Văn họ Trần viết “phía đông nam Lợi Tử Nghi là 5 đảo: Ban Ái, Ác Đảng, Túc Vụ, Miêu Vụ Yên, Cương Cân Tiều Não”. Xem Đồ của họ Hạ thì thấy phương hướng ngược lại, 3 đảo ở phía Tây và 2 đảo ở phía Nam Lợi Tử Nghi. Ngoài ra, ở hòn đảo thứ 5, Văn viết “Cương Cân Tiều Não – 綱巾礁腦”, Đồ lại tiêu danh là “Giao Trùng Tiều Lão –蛟蟲礁老” .

Sự chênh lệch quá xa về phương hướng và văn từ bất cập như trên không thể là do sơ xuất trong hành văn và cũng khó xem là lỗi kỹ thuật trong việc kê cứu. Tuy nhiên, chủ đích của khảo cứu này chưa phải để tìm cho Hạ Tuyền Uyên một ghế trong kho tàng văn hiến Trung Hoa, nên nhất thời, vì sự tiện dụng trong văn từ và tra cứu thư mục, chúng tôi cứ tạm xem Trần Luân Quýnh là tác giả của phần Văn và cả phần Đồ trong HQVKL.

(Còn tiếp 2 kì)


[1] Hoa Đình cũng có thể là tên huyện, bản quán của Hạ Tuyền Uyên. Huyện Hoa Đình thuộc tỉnh Cam Túc, phía đông bắc.

[2] Trung Quốc biên cương sử địa nghiên cứu [中國邊疆史地研究], số 1, 1992 tr. 95.

[3] Nam Hải chư đảo địa danh tư liệu hối biên [南海諸島地名資料匯編]– Quảng Đông tỉnh Địa danh Ủy viên hội biên – Quảng Đông tỉnh địa đồ xuất bản xã (xbx) – 1987.

[4] Ngã Quốc Nam Hải chư đảo sử liệu hối biên [我國南海諸島史料匯編]– Đông Phương xbx – 1988.

[5] Trung Quốc Nam Hải chư đảo địa danh luận cảo [中國南海諸島地名 論稿]– Khoa học xbx – Bắc Kinh – 1996.

[6] Trung Quốc Lịch sử đại từ điển [中國歷史大辭典]– Thượng Hải Từ Thư xbx. 2000.

[7] Science and civilisation in China. Cambridge at the University Press – 1959. Vol.3, p. 699 (Bibliography A) [Record of Things seen and Heard about the coastal Regions].

[8] Minh sử [明史]- (Thanh) Trương Đình Ngọc chủ biên – Trung Hoa Thư cục – Bắc Kinh – 2003. Quyển 326, Liệt Truyện 214, Ngoại Quốc 7.

[9] Đông Tây Dương Khảo東西洋考 [Minh] Trương Tiếp. Tạ Phương hiệu chú. Trung Hoa Thư cục – Bắc Kinh – 1981.

Thông tin truy cập

63674189
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
17907
17595
63674189

Thành viên trực tuyến

Đang có 529 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website