Trên Tạp chí Hán Nôm số 1-1999, chúng tôi đã giới thiệu sách Hán Nôm Việt Nam tại 4 tàng thư lớn của Nhật Bản, gồm Đông Dương văn khố, Quốc lập Quốc hội đồ Thư quán, Thư viện Đại học Khánh Ứng, và Thư viện Nghiên cứu văn hóa Đông Dương thuộc Đại học Tokyo. Ở cuối bài viết lần đó, chúng tôi có chú thích: “Riêng thư viện Đại học Khánh Ứng hãy còn một số sách do E. Gaspardone hiến tặng, đang chờ kiểm kê, chúng tôi chưa có điều kiện tìm hiểu và giới thiệu với bạn đọc trong dịp này”(1).
Nói “chưa có điều kiện tìm hiểu” là với hàm ý “chưa có thì giờ đọc kỹ”, chứ thực ra hồi ấy, chúng tôi cũng đã dành ra hai ngày, tất nhiên là quá ít, để tiếp cận với mảng sách do Gaspardone hiến tặng cho Thư viện trường Đại học Khánh Ứng.
Trong khi chờ đợi một cơ may khác khả dĩ tiếp tục công việc còn lưu, tôi muốn đem những gì mà bản thân ghi chép được, dù chưa nhiều, về tủ sách Hán Nôm Việt Nam của Gaspardone tại Tokyo chia sẻ cùng bạn đọc, trong tinh thần “biết đến đâu tâu đến đấy”.
Nhưng trước hết, hãy nói một chút về Gaspardone, chủ nhân của tủ sách, cùng nguyên nhân vì sao mảng thư tịch Hán Nôm Việt Nam này lại có mặt tại Tokyo.
Emile Gaspardone, theo như cuốn Ai là ai ở Pháp (Who’s Who in France, 1956) cho biết, “sinh ngày 20-6-1895 tại quận Bouche du Rhône, thị trấn Peypin nằm giữa vùng Aix-en-Provence và thành phố Marseille ở ven bờ Địa Trung Hải. Ông là con của Engine Gaspardone và một phụ nữ Pháp (xuất thân từ gia đình Bonne). Ông kết hôn với một phụ nữ Nhật Bản tên là Muramatsu Kazu. Năm 1926, ông là cộng tác viên của Học viện Viễn đông Pháp tại Hà Nội. Năm 1928, là nghiên cứu viên thường trú. Năm 1946, là Giáo sư thỉnh giảng Trường Collègue de France. Ông có nhiều bài viết liên quan đến các vấn đề như lịch sử, văn bản, biên soạn, thư tịch chí, ngôn ngữ học... được công bố trên Kỷ yếu Học viện Viễn đông Pháp (BEFEO) xuất bản ở Hà Nội, hay trên Kỷ yếu Hội Nhật - Pháp ở Tokyo, hoặc in trong cuốn Hành trình về châu Á ở Paris...”(2). Bà Muramatsu Kazu, vợ ông, cho biết thêm về phần đời còn lại của ông kể từ sau năm 1956 trở đi như sau: “Emile Gaspardone - TN) giảng dạy cho Trường Collègue de France trong 18 năm. Năm 1965 Emile nghỉ hưu, nhưng ông vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu với tư cách là Giáo sư danh dự của trường, và cư trú phần đời còn lại trên đất Nhật. Năm 1967, Emile Gaspardone tự mình vận chuyển trên 10 tấn sách lên tàu Le Tunggus của Na Uy đi từ Marseille tới Kobe trong 2 tháng (tới Nhật ngày 18 tháng 10)”(3). Bà Kazu viết tiếp: “Cuối năm Chiêu Hòa thứ 55 (1980), sau khi mua hàng ở một cửa hàng trong thành phố Tokyo, Emile bị ngã giữa thang máy...”(4). Từ đó, sức khỏe ông mỗi lúc một kém dần. Ngày 19-2-1982, ông qua đời tại thành phố Zama tỉnh Kanagawa nơi ông sống, thọ 87 tuổi.
Trong bài viết của mình, Kazu còn nhắc tới những kỷ niệm khó quên của bà và Gaspardone đối với Việt Nam, Hà Nội: “Kết thúc thời gian khảo sát ở Nhật Bản và Trung Quốc (vào khoảng năm 1933-TN), Emile quay trở về Học viện Viễn đông Pháp tại Hà Nội. Học viện là nơi rất đẹp, có nhiều cây cổ thụ, hoa trồng xung quanh. Có một thư viện rộng lớn trưng bày nhiều cuốn sách liên quan đến Viễn đông. Tôi và Emile sống trong ngôi nhà tập thể của Học viện. Thời gian này, tôi biết thêm được nhiều điều, nhờ những chuyến đi công tác của Emile trên bán đảo Đông Dương suốt từ phía Bắc đến phía Nam, chẳng hạn như: Huế, Thanh Hóa, Nam Định, Cao Bằng... các vùng bờ biển Việt Nam, Sum Reap ở Campuchia. Nhờ có Học viện này, Emile đạt nhiều thành tích trong công việc”.
Kazu, vẫn trong bài viết trên, còn cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin về nguồn gốc của tủ sách Hán Nôm Việt Nam trong bộ sưu tập của chồng bà: “Trong kho sưu tập của Emile, quý hiếm nhất là thư tịch Việt Nam. Tôi nghĩ lúc đó Emile đã mua nhiều sách sẵn có ở nước này. Trường hợp không mua được, Emile nhờ người khác sao chép lại. Trước thế chiến thứ II, ở Việt Nam có nhiều người giỏi chữ Hán, Emile có thuê một thanh niên giỏi chữ Hán sao chép lại những sách ông không có. Sách sao chép được mấy chục cuốn và hầu như không có trường hợp nào chữ viết bị nhầm lẫn (...). Giấy của Việt Nam được làm từ vỏ cây dó. So với giấy Nhật Bản, nó mỏng hơn, màu vàng. Nhìn bề ngoài chất lượng không cao, nhưng đã hơn 50 năm trôi qua, những cuốn này của chồng tôi vẫn còn đó, thật ngoài tưởng tượng của tôi”(5). Và bà chân tình mời giới chuyên môn tới nghiên cứu. “Hiện nay, những tài liệu cổ Emile thu thập được trong thời gian sống và làm việc vẫn được cất giữ cẩn thận, chờ người nghiên cứu”(6).
Thật vậy, bộ sưu tập tài liệu cổ vô cùng quý giá này sau khi hiến tặng cho Đại học Khánh Ứng, đã được nhà trường đem gửi vào Công ty Kho chứa Tự điển tại Tokyo để bảo quản cho đến tận ngày nay, chưa lên ký hiệu sách và do đó, cũng chưa đưa ra phục vụ bạn đọc rộng rãi.
Trong lần tới Kho chứa Tự điển để khảo sát vào năm 1998, chúng tôi thấy sách Hán Nôm Việt Nam được đựng trong 24 chiếc hòm lớn, từ hòm số 5 đến hòm số 28. Trong các hòm sách còn để lộn xộn, chưa theo một nguyên tắc sắp xếp nào. Giữa hòm này và hòm khác, tài liệu hầu như vẫn chưa qua phân loại, nghĩa là chúng được dồn vào hòm một cách ngẫu nhiên...
Kết quả khảo sát cho thấy trong 24 hòm sách nói trên, có khoảng 136 cuốn rất đáng chú ý.
Trước hết là những thư tịch, tài liệu mà Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện NCHN) hiện nay chưa có, như Bắc hành tạp vịnh, Đại Nam tổng hội đồ lục, Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ, Nam Giao việt Thường dã sử lục, Trịnh Thị kim giám thực lục v.v., cả thảy 35 tác phẩm.
Tiếp đến là những thư tịch, tài liệu tuy Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng có, nhưng chất lượng văn bản không tốt bằng, như Đăng long biểu quyết (bản in, trong khi Viện NCHN chỉ có bản viết tay), Kiến văn tiểu lục (Viện NCHN cũng có, nhưng không đầy đủ bằng), Lịch triều hiến chương loại chí (Viện NCHN cũng có, nhưng chép không đẹp bằng) v.v, cả thảy chừng 16 tác phẩm.
Thứ ba là những thư tịch, tài liệu được chân tả, dễ đọc hơn nhiều so với bản gốc hiện có tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, như Lê triều dã sử (chân tả từ bản gốc A.17), Lê kỷ tục biên dã sử (chân tả từ bản gốc A.1235), Lịch triều tạp kỷ (chân tả từ bản gốc A.15) v.v.
Thứ tư là những thư tịch, tài liệu mang ký hiệu sách của Học viện Viễn đông Bác cổ, nhưng ở Viện NCHN hiện nay đang thiếu vắng, như Bách ty thứ vụ A.828, Đại Nam tổng hội đồ lục A.73, Đăng khoa bị khảo A.485, Tùng Hiên tập A.1502.
Và cuối cùng là số thư tịch, tài liệu còn lại, chúng đều là những dị bản đáng tham khảo khi nghiên cứu những tác phẩm cùng tên hiện có ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Tình hình cụ thể, xin xem bảng Danh mục bên dưới.
Hy vọng một ngày nào Viện Nghiên cứu Hán Nôm sẽ có những bản chụp số thư tịch, tài liệu Hán Nôm quý giá đó để phục vụ bạn đọc trong nước.
DANH MỤC NHỮNG SÁCH HÁN NÔM VIỆT NAM ĐÁNG CHÚ Ý
TRONG TỦ SÁCH E. GASPARDONE
(xếp theo A, B, C...)
TT |
Tên sách * |
Hòm số |
Đặc điểm |
1 |
Bách ti thứ vụ A.828 |
14 |
In, một ký hiệu mà Viện NCHN hiện thiếu |
2 |
Bản quốc ký sự |
17 |
Vt, Viện NCHN có |
3 |
Bản quốc lịch triều khoa thí chi pháp |
10 |
Vt, Viện NCHN chỉ có Bản quốc lịch đại khoa cử chi pháp, hiện chép trong Lịch đại khoa cử khảo. |
4 |
BẮC HÀNH TẠP VỊNH |
17 |
Vt, của Bắc Giang Nguyễn Lê Quang. |
5 |
Bắc hành tùng ký |
17 |
Vt, Viện NCHN có. |
6 |
BẮC THÀNH ĐÔNG NAM MÔN TRÌNH LỤC |
6 |
Vt. |
7 |
BÍCH CÂU KỲ NGỘ THỰC LỤC |
6 |
Vt, phải chăng chính là Bích câu kỳ ngộ mà Viện NCHN có? |
8 |
BÍCH UNG CANH CA HỘI TẬP |
20 |
In, 3 tập |
9 |
BIỆN OAN GIẢI LỤC |
21 |
Vt, “Hồi giáo nhập Trung Hoa”. Phải chăng là sách Trung Quốc |
10 |
BINH CÓ BÍ LƯỢC |
20 |
Vt. |
11 |
BÌNH GIANG PHẠM THỊ GIA THỤC NGHĨA KINH LÃI TRẮC QUYỂN |
19 |
Vt. |
12 |
Càn khôn nhất lãm |
27 |
Vt, |
13 |
Công văn thiện bản |
27 |
Vt, không rõ có liên quan gì với sách Công văn tổng quyển của Viện Nghiên cứu Hán Nôm? |
14 |
Dã sử A.2877 |
18 |
Vt, tức Lê triều dã sử. Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện thiếu ký hiệu này. |
15 |
Danh thi hợp tuyển |
17 |
In, Viện NCHN có |
16 |
Đại Nam hội điển sự lệ |
24;25; 26 |
In, Viện NCHN có, nhưng không đẹp bằng. |
17 |
Đại Nam liệt truyện |
28 |
In, Viện NCHN có |
18 |
Đại Nam nhất thống chí |
24 |
In, Viện NCHN có |
19 |
ĐẠI NAM TỔNG HỘI ĐỒ LỤC A.73 |
27 |
In, chuẩn định năm Minh Mệnh, Viện NCHN hiện không có sách này. |
20 |
Đại Nam văn tuyển thống biên |
24 |
Vt, Viện NCHN có |
21 |
Đại Việt cổ kim diên cách địa chí khảo |
18 |
Vt, Viện NCHN có |
22 |
Đại Việt sử ký |
22;24 |
In (22), Vt (24), Viện NCHN chỉ có bản viết tay |
23 |
Đại Việt sử ký toàn thư |
5 |
In, Viện NCHN có |
24 |
Đại Việt sử ước |
10 |
In, tức Việt sử tân ước toàn biên, Viện NCHN có |
25 |
Đăng khoa bị khảo A.485 |
17 |
Vt, 5 tập, tức Thiên Nam lịch triều liệt truyện đăng khoa bị khảo, Viện NCHN hiện thiếu ký hiệu này. |
26 |
Đăng khoa lục |
8,18(2) |
In, tức Đỉnh khiết Đại Việt lịch triều đăng khoa lục, Viện NCHN có. |
27 |
Đăng khế lục sưu giảng |
10 |
Vt, Viện NCHN có |
28 |
Đăng long biểu quyết |
21 |
In, Viện NCHN chỉ có bản Vt. |
29 |
Địa lý Cao Biền cảo |
19 |
In, Viện NCHN có, trong Địa lý đồ chí |
30 |
ĐỊA LÝ PHONG THỔ BÙA CHÚ |
9 |
VT, Viện NCHN không có |
31 |
Đỉnh khiết Đại Việt lịch triều đăng khoa lục |
10 |
In, Viện NCHN có |
32 |
Đường An Mộ Trạch Vũ tộc gia phả |
16 |
Vt, Viện NCHN không có |
33 |
Gia Định thành thông chí |
23 |
Vt, Viện NCHN có |
34 |
Giá Viên toàn tập |
23 |
Vt, Viện NCHN có |
35 |
Hàn uyển anh hoa A.407 |
7 |
Vt, chính là Bang giao văn tập, Viện NCNH có |
36 |
HOÀNG LÊ CẢNH HƯNG BẢN ĐỒ |
18 |
Vt, Viện NCHN không có |
37 |
Hoàng Việt địa dư chí |
23 |
In, Viện NCHN có |
38 |
Hoàng Việt địa lý chí |
23 |
In, phải chăng là một tên gọi khác của Hoàng Việt địa dư chí? |
39 |
Hoàng Việt luật lệ |
8 |
In, phải chăng là một tên gọi khác của Hoàng Việt hình luật? |
40 |
Hổ trướng khu cơ |
21 |
Vt, Viện NCHN có |
41 |
Hồng Đức bản đồ |
22 |
Vt, Viện NCHN có |
42 |
Hưng Hóa ký |
19 |
Vt, Viện NCHN có, dưới tiêu đề Hưng Hóa ký lược, hoặc Hưng hóa địa chí |
43 |
Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ |
13 |
Vt, chữ rất đẹp.Sách này Viện NCHN có |
44 |
Khâm định Việt sử |
28 |
Vt, Viện NCHN chỉ có loại bản vt. |
45 |
Khâm định Việt sử thông giám cương mục |
5 |
In, đủ bộ 53 quyển. Viện NCHN không có bộ nào đầy đủ bằng |
46 |
Kiến văn tiểu lục |
14,19 |
Vt, 3 sách, 10 quyển. Viện NCHN không có bản nào đầy đủ bằng |
47 |
KHÓA HƯ LỤC |
10 |
In, Tên đầy đủ là Thiền tông Khóa hư ngữ lục AB.268. Viện NCHN không có |
48 |
Lã Đường thủ cảo thi tập |
10, 19 |
In, còn gọi là Lã Đường di cảo toàn tập, Viện NCHN có loại bản này với tên gọi Lã Đường di cảo thi tập |
49 |
Lam Sơn thực lục |
5 |
Vt, Viện NCHN có |
50 |
Lê triều dã sử A.17 |
18 |
Vt, chép theo bản A.17/1-2 hiện có tại Viện NCHN, xem lại mục 14. Dã sử ở trên |
51 |
Lê kỷ tục biên dã sử A.1235 |
18 |
Vt, chép theo Lê kỷ tục biên (Phụ bổ An Nam địa dư chí), Viện NCHN có |
52 |
Lê triều hội điển |
18 |
Vt, Viện NCHN có |
53 |
Lê triều hội thí sách văn |
11 |
Vt, phải chăng là Lê triều Hội thí Đình đối sách văn hoặc Lê triều Hội thí văn tập hiện có ở Viện NCHN? |
54 |
Lê triều lịch khoa Tiến sĩ đề danh bi ký |
27 |
Vt, Viện NCHN có |
55 |
Lịch khoa tứ lục |
10 |
In năm Đinh Dậu (?), gồm một số bài văn tứ lục trong các khoa thi từ Chính Hòa đến Cảnh Hưng. Viện NCHN có loại này (A.1236) |
56 |
Lịch triều hiến chương loại chí |
5, 6 |
Vt, Viện NCHN có, nhưng chép không đẹp bằng. |
57 |
Lịch triều tạp kỷ A.15 |
6 |
Vt, chép theo bản Lê triều tạp kỷ A.15 hiện có ở Viện NCHN |
58 |
Lĩnh Nam chích quái |
7, 9 |
Vt, 4 dị bản (3 ở hòm số 7, 1 ở hòm số 9) Lĩnh Nam chích quái |
59 |
Long Biên bách nhị vịnh A.1310 |
14 |
Vt, chép theo bản sách cùng tên, cùng ký hiệu hiện có tại Viện NCHN |
60 |
Lữ trung tạp thuyết |
9 |
Vt, Viện NCHN có |
61 |
Mai dịch trâu dư |
17 |
Vt, tên đầy đủ là Mai dịch trâu (tâu) dư văn tập, Viện NCHN có |
62 |
Man thi A.2708 |
11 |
Vt, chép theo bản Yên Bái tỉnh Văn Châu châu các chủng Man thư A.2708, gồm 21 tập, Viện NCHN có |
63 |
MAN THƯ |
22 |
Vt, nói về Mán Tiểu Hản, phong tục Đà Mỏ, châu Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Viện NCHN không có |
64 |
MAN THƯ |
14 |
Vt, Viện NCHN không có |
65 |
MẪU ĐƠN KÝ TOÀN BẢN |
11 |
Vt, tên đầy đủ là Tú tượng Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài toàn bản. Trùng đính Lương Sơn Bá, Mẫu đơn ký, Nam âm. Viện NCHN không có |
66 |
Minh lương cẩm tú thi tập |
17 |
Vt, Viện NCHN có |
67 |
Minh Mệnh chính yếu |
8 |
Vt, Viện NCHN có |
68 |
Nam giao dị lục = Bản quốc dị văn lục A.1544 |
21 |
Vt, Viện NCHN có, nhưng không phải ký hiệu A.1544. Ký hiệu này là của sách Tế thần nghi tiết |
69 |
NAM GIAO VIỆT THƯỜNG DÃ SỬ TẬP |
11 |
Vt, Viện NCHN có, nhưng không phải ký hiệu A.1544. Ký hiệu này là của sách Tế thần nghi tiết |
70 |
Nam phương danh vật bị khảo |
21 |
In, Viện NCHN có |
71 |
NAM QUỐC CHÍ DỊ |
10 |
Vt, Viện NCHN không có |
72 |
NAM XƯƠNG LIỆT NỮ VŨ THỊ TÂN TRUYỆN |
7 |
Vt, Nôm. Viện NCHN chỉ có Nam Xương liệt nữ truyện, vt. |
73 |
NGHỆ AN CỔ TÍCH LỤC |
13 |
Vt, Viện NCHN không có |
74 |
Ngô gia văn phái |
7 |
Vt, 15 sách. Viện NCHN cũng có |
75 |
NGŨ QUẾ ĐƯỜNG CHÍNH TỰ LƯƠNG SƠN BÁ |
12 |
Vt, Viện NCHN kkông có |
76 |
Nguyễn gia phả ký A.2351 |
18 |
Vt, tên đúng là Nguyễn gia phả, chép lại theo bản A.2351 Viện NCHN có |
77 |
Nhân quả thực lục |
21 |
In, Viện NCHN có |
78 |
Nhân thế tu tri |
23 |
In, Viện NCHN có |
79 |
Nhân vật tính thị khảo |
16 |
Vt, Viện NCHN có |
80 |
Nhất thống dư địa chí |
27 |
Vt, Viện NCHN có |
81 |
Nhị Khê Nguyễn thị đại tông gia phả A.944 |
18 |
Vt, chép theo bản Viện NCHN có |
82 |
NINH BÌNH NHẤT THỐNG CHÍ |
14 |
Vt, do Nguyễn Văn Nhượng biên soạn. Vt, Viện NCHN không có |
83 |
Ôn Khê phủ man tạp lục |
19 |
In, 3 quyển, Nguyễn Tử Vân soạn. Viện NCHN có |
84 |
Phan gia thế tự lục |
15 |
Vt, Viện NCHN có |
85 |
Phủ biên tạp lục |
9 |
Vt, Viện NCHN có |
86 |
PHÚ TẮC TÂN TUYỂN |
10 |
In, Viện NCHN không có |
87 |
Phụng sứ Yên Đài tổng ca |
27 |
Vt, Viện NCHN có |
88 |
Phương Đình địa chí |
10,19 |
In 3 sách, 5 quyển. Vt, Viện NCHN có |
89 |
Phương Đình vạn lý thi tập |
10 |
In, Viện NCHN có, dưới tiêu đề Phương Đình thi loại |
90 |
Phương Đình vạn lý |
10 |
In, Viện NCHN có (A.187) |
91 |
Quả báo tân truyện |
19 |
In, Nôm, Vt, Viện NCHN có |
92 |
Quần thư khảo biện |
6 |
Vt, Viện NCHN có |
93 |
Quốc triều chánh phó khoa bảng lục |
19 |
In, Viện NCHN không có tên sách như thế, mà chỉ có Quốc triều khoa bảng lục |
94 |
Quốc triều Hương khoa lục |
8 |
In, Viện NCHN không có |
95 |
SÁCH CHỮ NGƯỜI THỔ |
22 |
Vt, Viện NCHN không có |
96 |
Sách học đại toàn |
18 |
Vt, tức Sách học đề cương. Viện NCHN có |
97 |
SÁCH SỰ TÍCH CỦA NGƯỜI THỔ CHÂU LANG CHÁNH TỈNH THANH HÓA |
16 |
Vt, thứ chữ ngoằn ngoèo |
98 |
Sinh từ văn tập |
21 |
In, tên đầy đủ là Tống Khê Nguyễn Vĩnh Lại Công sinh từ văn tập (trong A.165: Tống Khê Nguyễn Vĩnh Lại công sinh từ tấu tập). Viện NCHN có |
99 |
Sơn cư tạp thuật |
17 |
Vt, Viện NCHN có |
100 |
Sơn cư tạp thuật. Phục Thái thực ký văn |
17 |
Vt, Viện NCHN có cả hai tác phẩm, đóng rời. |
101 |
Sủng từ thể |
19 |
Vt, Viện NCHN không có |
102 |
Sứ trình tiện lãm khúc |
17 |
Vt, Viện NCHN có |
103 |
Sứ Hoa tùng lục |
17 |
In, Vt, Viện NCHN có |
104 |
Tam tổ thực lục |
10,27 |
In, Vt, Viện NCHN có |
105 |
TẠP KÝ |
13 |
Vt, có Xuân Hương thi tập, Dã sử tập biên. Viện NCHN không có |
106 |
TÂN KHẮC TAM HỢP MINH CHÂU PHƯƠNG LUÂN TOÀN BẢN |
12 |
Vt, đều dịch thành thơ Nôm lục bát. Viện NCHN không có |
107 |
TÂN XUẤT TOÀN BẢN NAM ÂM THÙ TI CẦM KÝ, MAI PHI BÁO MÔNG, V.V. |
12 |
In, (?),Viện NCHN không có |
108 |
TỀ THIÊN ĐẠI THÁNH KHÔI HÀI SỰ TÍCH |
19 |
Vt, Nôm, Viện NCHN không có |
109 |
Thanh Hóa tỉnh chí |
13 |
Vt, Viện NCHN có |
110 |
Thánh đăng ngữ lục |
24 |
Vt, Viện NCHN có Thánh đăng lục, bản in. |
111 |
Thi họa viên cơ hoạt pháp đại thành |
19 |
In, Vt, Viện NCHN có. Đây là sách Trung Quốc do ta in lại để dùng. |
112 |
Thảo Đường thi nguyên tập |
22 |
Vt, Viện NCHN có |
113 |
Thiên Nam dư hạ tập |
17 |
Vt, Viện NCHN có |
114 |
Thiên Nam tứ chí lộ đồ |
18 |
Vt, Viện NCHN có |
115 |
Thiền uyển truyền đăng lục |
22 |
Vt, Q. Thượng. Viện NCHN có bản in |
116 |
Thiệu Trị ngự bút |
20 |
Vt. Có bài chế phong vương cho Sá Ông Đôn, hậu duệ của Cao Miên, năm 1847. Viện NCHN không có |
117 |
Thông quốc duyên hải chử |
27 |
Vt, Viện NCHN có |
118 |
Thư mục Hán Nôm ở các thư viện Việt Nam trước 1945 |
23 |
Vt, Viện NCHN đều có (Tụ Khuê, Tân thư viện thủ sách, Quốc thư thủ sách, Tàng thư lâu bạ tịch, Nội các) |
119 |
Thượng Phúc Trần Thị gia phả thực lục |
12 |
Vt, Viện NCHN có Thượng Phúc Trần Thị gia phả A.643 và A.1001 |
120 |
TIẾN SĨ ĐỀ DANH KÝ |
9 |
Vt, Viện NCHN không có |
121 |
Tinh sà kỷ hành |
17 |
Vt, Viện NCHN có |
122 |
Tùng Hiên tập A.1502 |
6 |
Vt, Viện NCHN thiếu ký hiệu này |
123 |
TỨ LỤC TÂN PHẢ |
7 |
In, Song Thanh chính bản, Gia Liễu trùng san |
124 |
TRỊNH THỊ KIM GIÁM THỰC LỤC |
11 |
Vt, Viện NCHN không có |
125 |
Tưởng Sơn Vu Am Dực Hòa thượng hoằng giới ngữ lục |
19 |
In, sách Trung Quốc do ta in lại để sử dụng. Viện NCHN có |
126 |
Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh |
24 |
Vt, Viện NCHN có |
127 |
Ước Trai văn tập |
19 |
In, 2 quyển. Vt, Viện NCHN có |
128 |
Vân đài loại ngữ |
10 |
Vt, Viện NCHN có |
129 |
Việt du thặng chí toàn biên |
13 |
Vt, Viện NCHN có |
130 |
Việt điện u linh |
9 |
Vt, Viện NCHN có |
131 |
Việt giám thông khảo tổng luận |
22 |
In, Viện NCHN có |
132 |
Việt Nam khai quốc chí truyện |
9 |
Vt, chữ đẹp, đủ 8 quyển. Viện NCHN có |
133 |
Việt Nam kỳ phùng sự lục |
18 |
Vt, Viện NCHN có |
134 |
Việt Nam vong quốc sử, phụ lục Việt Nam tiểu chí... |
19 |
In. Viện NCHN chỉ có phần Phụ lục Việt Nam tiểu chí ở Đại Nam văn minh khởi điểm sử, vt, VHv.2370 |
135 |
Việt sử địa dư |
14 |
Vt, Viện NCHN có |
136 |
Việt sử thặng bình |
18 |
Vt, Viện NCHN có |
* - Tên sách in bằng chữ thường: chỉ loại sách ở Viện NCHN có.
- Tên sách in bằng chữ nghiêng: chỉ loại sách tuy ở Viện NCHN có, nhưng bản của Gaspardone có nhiều chỗ ưu trội hơn, hoặc có điểm khác biệt.
- Tên sách in bằng chữ hoa: chỉ loại sách Viện NCHN không có./.
Chú thích:
(1) Xem Trần Nghĩa - Nguyễn Thị Oanh: Thư mục tổng hợp sách Hán Nôm Việt Nam tại bốn tàng thư lớn của Nhật Bản. - Tạp chí Hán Nôm, số 1 (38)-1999, tr.70-99.
(2), (3), (4) Xem Muramatsu Kazu: Hình bóng của Emile Gaspardone, Tạp chí Hán Nôm số 2 (47)-2001, tr.90-99.
(5), (6) Xem bài viết đã dẫn.
(7) TS. Nguyễn Thị Oanh đã giúp đỡ tôi không ít trong việc tiếp cận với tủ sách Hán Nôm Gaspardone. Nhân đây xin có lời cảm ơn - TN./.
PGS. TRẦN NGHĨA
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
(Tạp chí Hán Nôm, Số 6 (85) 2007; Tr.28-36)