Dòng ý thức trong "Khi tôi nằm chết" như một cách thức xây dựng nhân vật

(VH-NN) – Khóa luận NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG TÁC PHẨM KHI TÔI NẰM CHẾT CỦA WILLIAM FAULKNER của SV Lăng Đức Lợi (SV chuyên ngành Văn học hệ Cử nhân tài năng khóa 2010-2014, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) do PGS.TS Đào Ngọc Chương hướng dẫn, đã được bảo vệ tại Trường ĐH KHXH và Nhân văn tháng 6 năm 2014 vừa qua. Khóa luận được Hội đồng đánh giá loại giỏi với số điểm 9,5 điểm. VH-NN xin giới thiệu Chương 3 và Mục lục của khóa luận.

CHƯƠNG 3: DÒNG Ý THỨC TRONG KHI TÔI NẰM CHẾT NHƯ MỘT CÁCH THỨC XÂY DỰNG NHÂN VẬT

3.1. Nghệ thuật xây dựng thế giới nhân vật

3.1.1. Về cách xây dựng nhân vật trong tác phẩm

Từ thời cổ đại, Aristore đã chỉ ra một trong những chức năng hàng đầu của văn học là “mô phỏng” cuộc sống và “thanh lọc” tâm hồn con người. Về sau Maxim Gorky cho rằng “Văn học là nhân học”, là một thứ dưỡng chất tinh thần giúp tăng cường tính người của con người. Như thế, văn học là cách hữu hiệu nhất để người nghệ sĩ tạo ra con người, mở rộng chiều kích tồn tại của mình, sống thêm một cuộc sống khác, thông qua những mối tương quan tinh thần. Do đó, văn học chính là nghệ thuật về con người. Hình ảnh con người biểu hiện cụ thể nhất, sinh động nhất thông qua việc xây dựng nhân vật trong văn học.

Đối với văn xuôi nói chung và tiểu thuyết nói riêng, nhân vật là thành phần vô cùng quan trọng, không thể thiếu của bất kỳ một tác phẩm tự sự nào. Thông qua cuộc sống và con người, nhà văn bộc lộ nhân sinh quan, thế giới quan của mình trong việc khắc họa, xây dựng nên nhân vật. Có điều, nhân vật trong tác phẩm nghệ thuật không phải là bản sao của hình mẫu con người sống, mà đó là một sáng tạo nghệ thuật phù hợp với ý đồ và tư tưởng của nhà văn. Vì xét cho cùng bản chất của thể loại tiểu thuyết là tập trung mô tả con người cá nhân. Trong khi đặt con người vào các mối quan hệ xã hội phức tạp và đa chiều, tiểu thuyết đồng thời phải đưa nhân vật trở thành “con người ấy” – có cuộc sống riêng tư phân biệt với nhân loại xung quanh. Nói về điều này, Nguyễn Đình Thi cho rằng: “Vấn đề trung tâm của nghệ thuật viết tiểu thuyết là miêu tả con người và con đường đi của họ trong xã hội. Người viết tiểu thuyết nghĩ mọi vấn đề đều phải thông qua các nhân vật, xuất phát từ nhân vật hơn là từ sự việc. Một cuốn tiểu thuyết có đứng được hay không là ở chỗ có tạo ra được những nhân vật làm cho bạn đọc nhớ được hay không.” [50, 103]. Bởi lẽ, nhân vật là phương tiện tất yếu để thể hiện tư tưởng nghệ thuật và lý tưởng thẩm mỹ của nhà văn trong tác phẩm. Trong một ý nghĩa nào đó, nhân vật cũng sẽ quyết định phần lớn cốt truyện, kết cấu, kể cả nghệ thuật trần thuật từ việc xây dựng điểm nhìn, giọng điệu đến việc lựa chọn ngôn ngữ để diễn ngôn nội dung tác phẩm.

Do nhân vật có một vai trò quan trọng như vậy nên nhiều nhà văn đã xem vấn đề xây dựng nhân vật là yếu tố sống còn trong quá trình tạo ra một tác phẩm văn học. Tuy nhiên, có một thời kỳ, nhiều trào lưu văn học đã tìm cách thủ tiêu nhân vật, tiêu biểu là Tiểu thuyết Mới ở Pháp. Điều đó chứng tỏ cái chết của nhân vật gắn liền với nỗi lo lắng về lời ai điếu cho tiểu thuyết. Và như thế khẳng định rằng vai trò khó có thể thay thế của nhân vật đối với tác phẩm văn xuôi nói chung và tiểu thuyết nói riêng. Trong sự vận động và đổi mới nghệ thuật viết tiểu thuyết, vấn đề xây dựng nhân vật đã có nhiều thay đổi, từ dòng tiểu thuyết truyền thống đến dòng tiểu thuyết thể nghiệm. Với mỗi trào lưu nhất định và tương ứng của tiểu thuyết, nhà văn chú trọng đến yếu tố này hay yếu tố khác của nhân vật. Cho nên, bản thân việc xây dựng nhân vật cũng nói lên ý đồ của nhà văn, là một trong những cơ sở thẩm định tài năng của nhà văn.

Nói đến thế giới của Faulkner là nói đến thế giới của những biểu tượng sống động hòa lẫn với hiện thực nghiệt ngã, của những vết thương tinh thần đồng vọng cùng những xáo trộn đời sống. Thế giới ấy đã tự chọn cho mình trung tâm là nhân vật. Qua nhân vật và bằng nhân vật, thế giới ấy thể hiện được cả tư tưởng và sự phản ánh thế giới. Nội tâm và sự trần tình của nhân vật chính là nơi mà tính hình tượng và hiện thực có thể cùng tồn tại và soi chiếu lẫn nhau. Nhân vật thực sự là yếu tố mà Faulkner đã đưa vào đó rất nhiều tâm sức, nó cho thấy cái tài lẫn cái tâm của ông trong việc sáng tạo con người.

Do đó, nghệ thuật tự sự quan trọng nhất làm nên tác phẩm Khi tôi nằm chết của Faulkner chính là nghệ thuật xây dựng nhân vật. Bởi lẽ, những kì công sáng tạo của Faulkner từ nghệ thuật xây dựng kết cấu, cốt truyện đến nghệ thuật trần thuật cũng chỉ nhằm mục đích duy nhất là tạo nên tính ấn tượng mãnh liệt của việc xây dựng nhân vật. Đó là một thế giới nội tâm nhân vật luôn luôn vận động cùng với những diễn tiến tâm hồn đầy những trăn trở và suy tư dữ dội trong dòng chảy bất định của ý thức bao gồm ý thức và vô thức. Vì thế mà những nhân vật trong tác phẩm Khi tôi nằm chết đã mở ra một thế giới ẩn hiện trong dòng chảy của ý thức, đồng thời dẫn dắt người đọc bước vào thế giới của riêng họ hiện hữu trong một lãnh địa văn chương vừa hiện thực vừa kỳ ảo mà Faulkner đã tạo ra trong tác phẩm của mình.

Và cứ như thế, Faulkner đã xây dựng hệ thống nhân vật bằng cách tái hiện lại đời sống tinh thần vừa mang vẻ đẹp sống động của hiện thực, vừa chất chứa sự dồn nén của ý thức, hàm chứa sự cô đúc của tư tưởng, luôn có nội tâm băn khoăn, tâm lý hỗn độn. Nhân vật trong tác phẩm với những cay đắng và tâm huyết ông gửi gắm, chính là nhân chứng cho những hiện thực cay đắng đã cuốn hút ông, cũng là người phát ngôn cho những đấu tranh tinh thần của ông. Hình tượng nhân vật Faulkner sáng tạo đã đưa sức sống của nhân vật trở thành trung tâm của thế giới, là sự trần tình và cũng là tiếng nói của thế giới ấy.

 

3.1.2. Hệ thống nhân vật

Như đã tìm hiểu ở chương trước, kết cấu cũng như cốt truyện của tác phẩm Khi tôi nằm chết được hợp thành từ 59 phiến đoạn qua 15 điểm nhìn của 15 nhân vật. Có thể nói, với hệ thống nhân vật tuy không phải là đồ sộ từng được thấy trong bộ tiểu thuyết lớn Chiến tranh và hòa bình của L. Tolstoy, nhưng đã thực sự tạo nên điểm nhấn trong việc khái quát hiện thực một cách hình tượng. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào kiểu kết cấu như thế thì không thể nói rằng hệ thống nhân vật trong tác phẩm chỉ có 15 nhân vật. Hệ thống nhân vật ở đây đã được Faulkner nới rộng ra trong sự tương tác giữa các nhân vật với nhau. Nói cách khác, mỗi nhân vật từ 15 nhân vật khởi điểm lại hé mở thêm nhiều nhân vật khác làm nên hệ thống nhân vật. Khảo sát toàn bộ tác phẩm, chúng tôi thấy hệ thống nhân vật lên đến hơn 40 nhân vật, tức là có thêm hơn 25 nhân vật khác có tên hoặc không tên (và nếu tính luôn nhân vật đám đông thì con số này thật khó xác định) được khắc họa một cách trực tiếp hoặc gián tiếp qua lời trần thuật từ 15 nhân vật khởi điểm.

Có thể kể ra trước hết là 15 nhân vật khởi điểm dựa theo thứ tự xuất hiện điểm nhìn trần thuật của họ trong tác phẩm: Darl, Cora, Jewel, Dewey Dell, Tull, Anse, Peabody, Vardaman, Cash, Samson, Addie, Whiftfield, Armstid, Moseley, Macgovan.

Và toàn bộ hệ thống nhân vật được sắp xếp:

Nhà Bundren: Anse, Addie (vợ Anse), và những đứa con như Cash, Darl, Jewel, Dewey Dell (Eula cái tên khác của Dewey Dell qua lời trần thuật của Cora) và Vardaman.

Những người hàng xóm và những người đã giúp đỡ hoặc gặp gỡ gia đình Bundren trên cuộc hành trình đến với Jefferson: Tull, Cora (vợ của Tull), Kate (đứa con); Whiftfield; Samson, Rachel (vợ của Samson); Armstid, Lula (vợ của Armstid); Quick, chú Billy, Houston, Littejohn, MaccCallum, Eustace Grimm (người làm chỗ Snopes), Gillespie, Mack (con của Gillespie), Viên cảnh sát trưởng, Những người da đen, Một người đàn ông da trắng và Nhân vật đám đông.

Bên cạnh đó, hệ thống nhân vật còn có những nhân vật chỉ được nhắc đến qua lời trần thuật từ các nhân vật khác: cô Lawington (cái tên qua lời nói của Cora), Bà mẹ quá cố của Tull (được hồi tưởng lại qua lời của Tull), Lafe (người tình của Dewey Dell), Jody (con của chú Billy, được nhắc đến qua lời nói của chú Billy), Surrat (người mà Cash định mua chiếc máy hát, được đề cập qua lời nói của Darl, trong lời trần thuật của Tull), Flem Snopes (là người mà Anse đã dùng ngựa của Jewel để đổi một tốp la, chỉ xuất hiện qua lời trần thuật từ Tull), Fenn (ông chú của Snopes), Albert (người giúp Moseley hoàn thành câu chuyện của ông khi gia đình Bundren đến Mottson), Grummet (một người bán xi măng thông qua câu chuyện của Alford kể cho Moseley nghe và được trần thuật lại bởi Moseley), Jody, Alford (là những y, bác sĩ được nhắc đến qua lời trần thuật của Macgonvan) và cuối cùng là người phụ nữ không tên tuổi chỉ biết đến vai trò “Bà Bundren mới” trong lời giới thiệu của Anse ở cuối tác phẩm.

Từ hệ thống nhân vật kể trên, có thể thấy, tiểu thuyết Khi tôi nằm chết dĩ nhiên có các nhân vật chính thay cho việc chỉ có một nhân vật chính. Ngoài các nhân vật chính (chủ yếu là các thành viên gia đình Bundren), còn có các nhân vật phụ xen vào. Hệ thống nhân vật ở đây có những mối liên hệ chồng chéo lên nhau đến nỗi nhân vật này có mặt trong dòng ý thức ở nhân vật kia và ngược lại. Qua những lời trần thuật của chủ thể trần thuật và qua các mối liên hệ giữa họ với nhau, các nhân vật xuất hiện chồng chéo, hòa hợp, xung đột tạo cho tình tiết và sự kiện được trần thuật có hình hài, màu sắc.

Các nhân vật bao gồm chính – phụ ở đây thực sự đã tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh, giữa các nhân vật đều có mức độ liên quan, dính líu với nhau, không chỉ là sự nối kết nhau bằng tiến trình sự kiện mà còn bằng tư duy nghệ thuật của Faulkner.  Do đó, hệ thống nhân vật là một khâu quan trọng trong công việc sáng tạo của chính tác giả, đem lại tính thống nhất và tính chỉnh thể cho hình thức nghệ thuật của tác phẩm. Như vậy, hệ thống nhân vật không chỉ là một phương diện của kết cấu tác phẩm mà còn gắn kết chặt chẽ với nghệ thuật xây dựng cốt truyện, cũng như gắn liền với việc thể hiện nội dung, tư tưởng tác phẩm.

3.1.2.1. Hệ thống nhân vật chính

            Và cũng như đã tìm hiểu ở chương trước, hệ thống kết cấu, cốt truyện và điểm nhìn trần thuật của tác phẩm tồn tại từ điểm nhìn của 15 nhân vật khác nhau nên việc xây dựng nhân vật chính không thể chỉ có một, mà có nhiều hơn thế làm nên cả hệ thống nhân vật chính. Sự hiện diện của hệ thống nhân vật chính trong tác phẩm đảm nhiệm chức năng quan trọng trong quá trình vận động, phát triển của cốt truyện và dẵn dắt người đọc bước vào nội dung tác phẩm. Nhân vật chính được xem như xuất hiện nhiều hơn cả trong tác phẩm, nhằm thể hiện tập trung chủ đề và tư tưởng tác phẩm. Tuy nhiên, nhân vật chính trong tác phẩm Khi tôi nằm chết không phải là người xuất hiện nhiều hơn hết thảy các nhân vật còn lại, mà bóng dáng của họ hầu như bao trùm và ảnh hưởng xuyên suốt đến diễn biến của cốt truyện. Nói cách khác, hệ thống nhân vật chính trong tác phẩm là hệ thống những nhân vật có mặt cho đến giây phút cuối cùng trong hệ thống cốt truyện và để lại dấu ấn riêng trong lòng độc giả. Với ý nghĩa ấy, chúng tôi cho rằng hệ thống nhân vật chính trong tác phẩm chủ yếu tập trung ở các thành viên trong gia đình nhà Bundren bao gồm: Anse, Cash, Darl, Jewel, Dewey Dell và Vardaman (Với riêng nhân vật Addie đóng vai trò một người đã chết, hầu như chỉ được đề cập qua dòng ý thức từ các nhân vật khác; sự xuất hiện của bà ở giữa tác phẩm giúp cho cốt truyện đột ngột thay đổi, nên chúng tôi xếp bà vào hệ thống nhân vật phụ). Có thể thấy, các nhân vật chính này được Faulkner đặt mối quan tâm của ông vào đó rất nhiều, vì mỗi ý nghĩ, lời nói, hành động của họ đều tập trung thể hiện tư tưởng của ông trong đó. Faulkner xây dựng hệ thống nhân vật từ việc miêu tả hình dạng bên ngoài đến đời sống bên trong một cách gián tiếp hoặc trực tiếp thông qua điểm nhìn trần thuật từ nhân vật khác hoặc của chính họ. Đặc điểm nhân vật được hiện lên từ đặc điểm sinh lý đến đặc điểm tâm lý và được đặt trong mối quan hệ xung quanh với các nhân vật khác tạo nên tính hoàn chỉnh của hình tượng nghệ thuật cũng như khái quát hiện thực một cách hình tượng.

Sau đây là hệ thống nhân vật chính:

            Asne: Hệ thống nhân vật chính được bắt đầu từ Anse. Đặc điểm nhân vật Anse được dựng lên từ điểm nhìn của một số nhân vật khác như Darl, Tull. Qua lời trần thuật của Darl thì người đọc hình dung vẻ bề ngoài của ông với “bàn chân rộng bẹt xấu xí, những ngón chân của ông cong vênh co quắp, những ngón út không có móng, do làm nhiều việc dưới nắng nước trong những đôi giày nhà làm lấy khi ông còn là một cậu bé.” Hình ảnh của Anse hiện lên đầy tiều tụy, lo âu và tội nghiệp “Ông ấy nhìn ra xa qua bãi đất, chà xát tay lên đầu gối. Từ khi ông ấy bị rụng mất hàm răng, mồm ông rúm ró mỗi khi ông uống nước, bộ râu mọc lởm chởm khiến phần dưới khuôn mặt ông trông giống con chó già.” Tác giả đã bóp mép hình dạng của ông giống như một con chó chỉ vì mồm đã rụng hết răng. Và đó chính là nguyên do dẫn đến đặc điểm tâm lý của ông, khiến ông luôn mặc cảm trước mọi người. Ánh mắt ông nhìn xa xăm qua bãi đất như đang chờ một điều gì đó vô định, lời nói của Anse lúc nào cũng nghẹn ngào, chất chứa một nỗi niềm sâu kín. Và cái chết của bà Addie vợ ông đã mang đến cho ông một niềm gì đó khó nói. Trong tâm thức ấy vẫn luôn thường trực một lời hứa với người vợ quá cố là đưa xác về Jefferson chôn cất. Qua điểm nhìn trần thuật của Darl hình dạng ông với lời nói đã nói lên tất cả “Bố thở khẽ và rin rít, nhét thuốc lá bột và lợi. “Ý Chúa sẽ được hoàn thành” ông ấy nói. “Bây giờ mình có thể kiếm bộ răng được rồi.” Đây mới là động cơ chính của ông cho chuyến đi đến Jefferson. Tâm thức ấy luôn chi phối mọi suy nghĩ, lời nói và hành động của ông trong suốt chuyến đi “Tôi đã hứa với bà ấy. Bà ấy đã quyết như thế rồi.” (khi nói với Samson) và lúc nào cũng lầm bầm trong miệng như than thân, trách phận “Tôi đã cố gắng làm tốt nhất”, lão nói. “Có Chúa mới biết, nếu trên đời này có người chịu những thử thách và bị nhục mạ thì tôi là người chịu nhục đó.” (khi nói với Armstid). Có thể nói, Anse như một con ngựa đầu đàn điều khiển chuyến đi, chính ông là người cương quyết đến Jefferson cho bằng được, và ông đã làm được, phần thưởng xứng đáng mà Faulkner ban tặng cho ông chính là một bộ răng mới trong niềm sung sướng với một mối quan hệ cùng “Bà Bundren mới”.

Cash: Nhân vật Cash là một người con cả trong gia đình. Ngay từ đầu tác phẩm, Darl đã giới thiệu anh là một thợ mộc giỏi trong một tư thế đóng và cưa những tấm ván làm thành chiếc hòm cho bà Addie. Điểm nhìn trần thuật từ Cash không nhiều, nhưng anh lại được hiện lên qua lời trần thuật của những nhân vật khác chẳng khác nào như anh đang nói về chính mình. Trong lời trần thuật duy nhất từ Jewel, Cash “cứ đứng đó, ngay dưới cửa số của má, đóng búa và cưa cái hòm chết tiệt” và dường như Cash không chú ý đến ai ngoài việc cưa và đóng cái hòm cho mẹ anh. Có vẻ như Cash nghĩ rằng đó là trọng trách cao cả của anh đối với mẹ. Âm thanh của tiếng cưa gỗ, đóng búa phát ra chi phối mọi ánh nhìn đặc biệt là bà Addie “Mày, Cash” bà kêu, giọng bà khắc nghiệt, khỏe, và nguyên vẹn. “mày, Cash!” (qua lời trần thuật của Darl). Cho đến khi bà Addie chết, Cash vẫn tiếp tục làm chiếc hòm với một cường độ chóng mặt, và sau khi hoàn thành họ đặt bà vào và đóng đinh lại. Trong suốt cuộc hành trình, Cash là người ít nói, anh quan sát mọi thứ xung quanh bằng một vẻ ngoài trầm lặng. Faulkner đã thử thách để cho Cash bị thương trong dòng nước lũ, sự hiện diện của anh trong chuyến đi nằm dài trên chiếc quan tài của một bộ dạng đầy thương tật. Cuối cuộc hành trình, vết thương nghiêm trọng đã lấy đi một phần thân thể của anh khiến anh trở thành một người khuyết tật. Tuy nhiên, những vết thương bên trong tâm hồn có lẽ vẫn còn bị tổn thương trong một thời gian dài.

Darl: Một nhân tố vô cùng quan trọng góp phần làm nên hệ thống nhân vật chính tiếp theo là Darl. Không phải ngẫu nhiên mà Faulkner lại để anh là người làm nhiệm vụ mở đầu tác phẩm. Thông qua điểm nhìn của Darl mọi diễn biến, sự kiện, biến cố của cốt truyện được mở ra một cách toàn vẹn. Darl chính là nhân chứng của gia đình anh, mọi cử động của các thành viên còn lại đều nằm trong sự quan sát tinh tế của Darl. Với vẻ ngoài kỳ quặc khác người, Darl không nhận được sự quan tâm từ mọi người. Tuy nhiên, qua lời suy nghĩ của Cora thì hoàn toàn ngược lại “Tôi lúc nào cũng bảo thằng Darl khác hẳn mọi đứa khác. Tôi luôn nói nó là đứa duy nhất trong lũ con có tâm tính giống mẹ, có tình thương.” và nữa “Tôi thấy rằng với Jewel từ trước đến nay bà ấy chỉ giả vờ, nhưng giữa bà ấy và thằng Darl là sự thông hiểu và tình yêu thương.”. Darl được khắc họa vừa lý trí vừa tình cảm, chứng tỏ anh là một người mạnh mẽ và có đời sống nội tâm mãnh liệt. Khi bà Addie chết, dòng ý thức của Darl linh cảm được điều đó, anh thuật lại sự việc y như nó vốn có. Trong khi Anse và Dewey Dell quyết thực hiện di nguyện cuối cùng của bà Addie thì Darl ngược lại, anh ý thức được chuyến đi ấy sẽ làm tan rã gia đình mình, anh thuận theo ý Chúa từ từ để cho chiếc hòm cuốn trôi theo dòng nước lũ, rồi anh dùng lửa thiêu đốt chiếc quan tài để chấm dứt chuyến đi. Hành động của Darl dưới một góc độ nào đó không sai cũng không đúng, mặc dầu anh đã làm đúng. Tuy nhiên, chính hành động “đốt nhà kho” ấy đã quyết định số phận của anh. Một ai đó đã tố cáo với Gillespie và chính Anse là người đã đẩy Darl đến trại tâm thần Jackson vì ông sợ sẽ gánh lấy trách nhiệm. Trong tâm thức của Dewey Dell và Vardaman, có vẻ Darl là một người đặc biệt chiếm lấy tình thương của họ và sự ra đi của Darl đã để lại những khoảng trống vô vị trong trái tim của các thành viên còn lại trong gia đình.

Jewel: Trái với nhân vật Darl, nhân vật Jewel là một hình mẫu của sự lạnh lùng bao bọc, tâm tính của Jewel còn hơn cả Anse (dù Jewel và Anse không có cùng huyết thống). Trong hệ thống kết cấu, cốt truyện, Jewel chiếm một số lượng rất ít, sự xuất hiện của anh hầu như được thể hiện qua điểm nhìn từ các nhân vật khác, chủ yếu là Darl, Vardaman. Cũng thông qua các điểm nhìn ấy, hình ảnh của Jewel được khắc họa chân thực và đậm nét “đôi mắt xám nhạt của nó giống như gỗ gắn trên khuôn mặt đờ đẫn, nó bước qua sàn nhà bằng bốn bước chân dài, với vẻ nghiêm nghị cứng đơ của một hình nổi người Indian bằng gỗ trước cửa tiệm thuốc lá, khoác chiếc áo vá thùng thình và chỉ sống động từ hông trở xuống”, qua lời giới thiệu của Darl ở đầu tác phẩm. Hình dạng bề ngoại của Jewel lúc nào cũng cứng đơ, trơ lì “Bất động, mặt gỗ, lưng gỗ, nó thúc ngựa lao nhanh về phái trước, trên lưng ngựa nó khom mình cứng nhắc như con diều hâu, cánh quặp.” khi linh cảm được mẹ mình đã chết như một con ngựa phi nhanh về nhà. Jewel là người vô cùng thương mẹ, anh cố khiêng chiếc hòm bà Addie xuống chiếc xe ngựa như thể ngay lập tức bắt đầu di nguyện của bà vậy. Trên suốt cuộc hành trình, Jewel lặng lẽ, lạc loài, anh không muốn nhìn thấy chiếc quan tài, anh cưỡi con ngựa đuổi theo từ phía sau, có khi vượt mặt chiếc xe ngựa. Trải qua sự cố nước lũ và lửa thiêu, tính cách của Jewel bộc lộ một cách rõ rệt. Anh rất dứt khoát, quyết bảo vệ chiếc quan tài bất chấp cả tính mạng của mình và dường như anh biết được sự ngăn cản từ Darl, điều đó dẫn đến sự xung đột giữa anh với Darl. Khi đến Jefferson, chính Jewel là người cầm xẻng đào huyệt chôn chiếc quan tài, mặc cho Darl bị bắt và bị còng đưa đi Jackson. Có vẻ như sau những gì xảy ra với gia đình, Jewel trở nên bình thản hơn bao giờ hết.

            Dewey Dell: Nhân vật Dewey Dell được dựng lên dường như có một cái gì đó rất gần với Anse trong suy nghĩ và hành động mặc dù cô và ông ấy không có sự thông hiểu nhau. Qua điểm nhìn từ các nhân vật khác, Dewey Dell là một người lạnh lùng, lúc nào cũng cầm trên tay quạt quạt cho bà Addie và cố không cho ai làm phiền bà ấy. Cô còn là “một đứa con gái tính con trai” (qua lời nhân xét của Cora) bởi vì cô sống chung với bốn người đàn ông chai sạn và một đứa trẻ mới lớn chưa biết gì, bên cạnh một người mẹ kiêu hãnh chẳng mấy mặn nồng dành cho cô những tình cảm mà cô hằng ao ước; duy chỉ có Lafe, người đã cùng cô hái bông dưới bóng râm kín đáo mới có thể làm cô thực sự thích thú. Dewey Dell và Lafe đã làm chuyện đó dưới bóng râm kín đáo, khi họ đến cuối hàng và họ không thể nào đừng được. Tuy nhiên, đúng lúc đó Darl đã biết, nó làm cho cô vô cùng khó xử và tỏ ra ghét Darl, sợ anh mách bố, làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa cô với Lafe. Khi bà Addie mất, Dewey Dell cũng như Anse, những ý nghĩ cứ luôn thôi thú cô, cô cất giữ một bí mật cho đến một thị trấn nào đó sẽ được hóa giải. Và cuối cùng, định mệnh bất hạnh một lần nữa ập vào cô khi cô gặp tên lừa gạt Macgovan. Có thể nói, Dewey Dell là một cô gái bất hạnh, dường như trái tim cô cũng đông cứng đi nhiều so với một cô gái mười bảy tuổi.

            Vardaman: Nhân vật cuối cùng làm hoàn chỉnh hệ thống nhân vật chính đó là Vardaman. Bằng điểm nhìn của một cậu bé lên mười, Faulkner đã để cho Vardaman xuất hiện với một dáng vẻ, suy nghĩ như những gì nó là và không là. Có lẽ vì thế mà Faulkner đã dành cho Vardaman thể hiện khá nhiều điểm nhìn tác động mạnh mẽ đến diễn biến cốt truyện. Tuy là một đứa bé nhưng đời sống nội tâm của Vardaman hết sức dữ dội. Vardaman ý thức được nỗi đau mất mẹ và trong tâm thức lúc nào cũng nghĩ mẹ mình là một con cá. Từ những đoạn đối thoại ngây ngô của một đứa bé đến những lời độc thoại nội tâm trong dòng ý thức của Vardaman tuôn ra một cách vô thức đã góp phần thể hiện một thứ ngôn ngữ diễn đạt từ trong cõi vô thức mà Faulkner dành nhiều công sức để tạo ra. Từ những điểm nhìn và sự xuất hiện của mình trong tổng thể tác phẩm, hình ảnh cậu bé Vardaman hiện lên làm cho sự kiện được thuật lại chân thực, sinh động, chuyên chở một thế giới trẻ con vô thức và sẽ ý thức được những gì đang xảy ra xung quanh nó như nó vốn có.

3.1.2.2. Hệ thống nhân vật phụ

Nếu các nhân vật chính đảm nhận vai trò then chốt cho sự hình thành và phát triển xuyên suốt của cốt truyện thì các nhân vật phụ xen vào có một chức năng gọi là dây cót, mốc xích làm cho bộ máy của cốt truyện vận động.

Tác phẩm không chỉ có một vài nhân vât phụ mà có cả một hệ thống nhân vật phụ chiêm vào bên cạnh hệ thống nhân vật chính. Sự xuất hiện của các nhân vật phụ này có thể xuất hiện một cách trực tiếp qua điểm nhìn của chính họ hoặc gián tiếp qua điểm nhìn của nhân vật khác. Các nhân vật phụ đồng thời cũng là chủ thể trần thuật có thể kể ra như Cora, Tull, Peabody, Samson, Whiftfield, Armstid, Moseley, Macgovan. Song song đó, qua điểm nhìn từ các nhân vật chính và các nhân vật phụ này, một số nhân vật phụ kéo theo cũng đã để lại dấu ấn như Kate (con của Cora và Tull); Lafe, Snopes, Rachel (vợ của Samson); Lula (vợ của Armstid); Quick, chú Billy, Houston, Littejohn, MaccCallum, Eustace Grimm, Gillespie, Mack (con của Gillespie), Albert, Viên cảnh sát trưởng, Nhân vật đám đông, Một người đàn ông da trắng, Người đàn bà với vai trò “Bà Bundren mới”. Mỗi một vị trí xuất hiện của nhân vật phụ này đều có một vai trò nhất định trong tổng thể hệ thống nhân vật, cũng như tác động đến hệ thống kết cấu và cốt truyện.

Với các nhân vật phụ đồng thời cũng là người kể chuyện như Cora, Tull, Peabody, Samson, Addie, Whiftfield, Armstid, Moseley, Macgovan. Điểm nhìn của họ làm hoàn chỉnh nghệ thuật tổ chức trần thuật, đồng thời sự xuất hiện của họ xen vào những nhân vật chính làm thúc đẩy tiến trình diễn biến cốt truyện tiến lên, tạo tiền đề triển khai và tạo cơ sở để kết thúc cốt truyện. Trong số hệ thống nhân vật phụ kể trên có thể chia nhỏ thành các cặp nhân vật phụ có mối tương đồng góp phần thể hiện ý đồ sáng tạo của Faulkner trong việc hình thành tác phẩm.

Trước hết là cặp nhân vật Cora và Tull. Hai nhân vật này nếu xét đến mức độ xuất hiện ít nhiều trong tác phẩm thì có thể xem như nhân vật chính. Tuy nhiên, sự xuất hiện của họ cũng chỉ tạo nên những mối nối của hệ thống “móc xích” giúp liên kết hệ thống nhân vật, kết cấu, cốt truyện được diễn ra hoàn chỉnh mà thôi. Với nhân vật Cora, Faulkner đã xây dựng bà như một người phụ nữ phúc hậu tương phản với cuộc đời kiêu hãnh của nhân vật Addie. Ở bà cho thấy đức tính cao cả và đầy lòng vị tha của một trái tim ngoan đạo, một lòng hướng đến Chúa, cũng như có sự tương đồng với mục sư Whiftfield. Do đó, trong một chừng mực nào, bà chính là nhân vật tư tưởng về một đức tin tôn giáo mà Faulkner hướng đến. Còn với Tull, ông là một người đàn ông vừa tốt bụng vừa hài hước, ông luôn có mặt đúng lúc khi gia đình Bundren xảy ra khó khăn, cũng như đồng hành cùng họ trải qua nước lũ. Thông qua điểm nhìn thấu đáo của ông, sự kiện được bộc lộ một cách chân thực, khách quan, vì thế mà cốt truyện mang tính đa chiều, chuyển động. Qua hai nhân vật này, Faulkner đã cho thấy mỗi lời nói, hành động của họ đều nằm trong sự tương quan và đối sánh với gia đình Bundren, thông qua đó họ thể hiện suy nghĩ của chính mình, liên hệ với chính họ.

Tuyến nhân vật Peabody cũng có chức năng tương tự. Qua điểm nhìn trần thuật của ông, một bác sĩ đã ngoài sáu mươi nhưng vẫn khỏe mạnh đến chữa bệnh cho bà Addie theo lời gọi của Anse. Peabody không chữa được bệnh tình vì đã quá trễ, bà ấy đã qua đời (điều này khiến Vardaman nghĩ là ông đã chiết bà ấy). Peabody là một người tốt, sẵn sàng giúp đỡ họ khi cần. Ở cuối tác phẩm, ông đã giúp Cash cưa mất một phần chân và thể hiện sự bức xúc đối với hành động ngu xuẩn của Anse, nói qua lời trần thuật của Cash thì “Lạy Chúa toàn năng, sao Anse không chở cậu vào xưởng cưa gần nhất và nhét chân cậu vào cái máy cưa? Như thế sẽ chữa được đấy. Rồi tất cả các cậu sẽ nhét đầu lão vào cái máy cưa luôn thể để cứu chữa cho cả nhà… Anse đâu rồi? Lão bây giờ ở đâu?”.

Kế đến, với các cặp đôi Samson và Armstid xuất hiện trên cuộc hành trình của gia đình Bundren. Hai nhân vật này xen vào giữa cốt truyện với vai trò cho gia định họ một chỗ nghĩ ngơi, ăn uống. Nhân vật Samson hiện ra qua chính lời trần thuật của ông, ông khuyên gia đình họ nên quay trở lại và chôn bà Addie ở New Hope trước khi mọi chuyện trở nên phức tạp. Nhân vật Armstid cũng được hiện ra qua lời trần thuật của ông, ông giới thiệu với Anse mua tốp la của Snopes để thay thế cho tốp la đã bị nước lũ cuốn trôi, dẫn đến sự xuất hiện của các sự kiện tiếp theo: Anse thương lượng với Snopes, Jewel phi con ngựa của mình đến chỗ của Snopes và sau đó Eustace (người làm của Snopes) đem đến một tốp la cho họ để họ tiếp tục cuộc hành trình của mình.

Xen vào giữa các nhân vật phụ trên, sự xuất hiện bất ngờ của Addie và Whitfied làm cho cốt truyện biến đổi và chịu sự chi phối từ dòng chảy ý thức của họ. Qua lời trần thuật trần tình của Addie, cốt truyện chuyển động trong hồi ức của dòng ý thức của chính bà, lý giải một cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc với Anse, nên bà đã lừa dối ông để đến với Whitfied. Với Addie, bà luôn ghi nhớ câu nói của cha mình “lý do sống là để chịu đựng một cái chết kéo dài”, và khi bà đã đẻ cho Anse những đứa con liên tiếp từ Cash, Darl, Dewey Dell đến Vardaman thì bà “đã có thể sẵn sàng để chết.”. Sự xuất hiện của mục sư Whitfied liền kề với sự xuất hiện của Addie sau đó giúp lý giải một vấn đề mà Addie đặt ra trước đó là người đàn ông mà bà ấy chờ đợi trong khu rừng chính là Whitfied. Việc Faulkner xây dựng nhân vật Whitfied đã tạo được cái độc đáo ở cốt truyện Khi tôi nằm chết, vì Whitfied vốn là một mục sư, nhưng hành động vụng trộm của ông và bà Addie lại chính là một sai lầm, một tội lỗi đối với Anse, đối với Chúa. Phải chăng tác giả muốn nói “không một ai là hoàn hảo hết, kể cả một mục sư suốt đời tôn thờ Đức tin và lẽ phải.”

Cuối cùng, hai nhân vật Moseley và Macgovan xuất hiện ở gần cuối tác phẩm. Một bác sĩ tiệm thuốc Moseley ở thị trấn Mottson với một thái độ nghiêm túc, khuyên dạy Dewey Dell không nên phá thai và quay trở về nhà cùng Lafe kế hôn. Nhân vật Moseley cũng là người triển khai mạch cốt truyện ở thị trấn Mottson khi gia đình Bundren đến đó và chịu sự xa lánh, xua đuổi từ mọi người. Còn với nhân vật Macgovan, sự xuất hiện của anh ở cuối tác phẩm như một định mệnh tác động đến Dewey Dell, anh lừa gạt cô về cái sự phá thai và thay vào đó là chiếm đoạt thân xác cô để thỏa mãn sự dục vọng. Nhưng cuối cùng, nó không có tác dụng gì với Dewey Dell cả, cô bỏ đi trong hẫng hụt, bên cạnh sự đợi chờ của Vardaman.

Đối với các nhân vật phụ kéo theo, tuy sự xuất hiện của họ chỉ được nhắc đến qua lời trần thuật từ các nhân vật chính – phụ khác nhưng họ đã chiếm giữ một vai trò then chốt tạo nên tính thắt – mở của cốt truyện. Chẳng hạn nhân vật Lafe là người tình của Dewey Dell được biết đến như một nhân ảnh, anh không trực tiếp xuất hiện cùng Dewey Dell, nhưng anh vô tình tạo ra một móc xích “thắt nút” biến cố Dewey Dell, dẫn đến động cơ “phá thai” của cô ở cuối tác phẩm. Hai nhân vật Rachel (vợ của Samson) và Lula (vợ của Armstid) thì xuất hiện qua điểm nhìn trần thuật của chồng mình. Sự có mặt có họ xen vào giữa các nhân vật chính trong gia đình nhà Bundren giúp miêu tả vấn đề nào đó của tình tiết, sự kiện. Nhân vật Rachel là một phụ nữ hiếu khách sẵn sàng đón tiếp họ nhưng cực đoan đến nỗi “nếu có ai đó đến nhà chúng tôi vào đúng bữa mà không vào ăn, thì vợ tôi coi đó là sự lăng nhục.” hay khi Samson và Rachel sửa soạn giường ngủ cho họ thì chẳng có ai chịu vào ngủ và ngồi xổm quanh chiếc quan tài bên ngoài thì Rachel tỏ vẻ khó chịu và thốt lên “Thật là quái đản,”, “Một sự lăng nhục.” trước mặt Samson. Còn về nhân vật Lula, cũng có tính cách tương tự như Rachel, một mặt rất hiếu khách và tốt bụng, mặt khác tỏ rõ thái độ khó chịu về cái mùi bốc ra từ quan tài của bà Addie khiến hàng chục con kền kền đậu trên nắp quan tài. Khi nhìn thấy Vardaman vừa chạy vừa đuổi vừa thét gào thì bà Lula bước ra nói với Armstid những lời của một quý bà quyền lực đầy những cảm thông sâu sắc: “Ông phải làm cái gì đi”, “Thế này thì quá lắm.”, “Thật là quá lắm”, “Đáng phải kiện lão ấy vì đã đối xử với bà ấy như thế.”, “Thật quái đản”, “Thật quái đản.”. Ý thức và thái độ của Rachel cũng như Lula cho thấy một tiếng nói của lương tri con người; bà Rachel đã đặt cái tôi của mình quá lớn, còn bà Lula đã để cái tôi của mình chống lại cái tôi của những người làm chuyện quái đản (hành động đưa xác bà Addie đến Jefferson chôn cất mặc cho cái xác ấy đã phân hủy đi nhiều).

Trong một sự cố từ dòng nước lũ làm đôi la của Anse chết đuối khiến họ nghỉ lại nhà Armstid, nhân vật Flem Snopes xuất hiện qua lời trần thuật từ Tull trong cuộc nói chuyện giữa ông với Anse. Snopes như một cứu tinh đã giúp gia đình Bundren có một tốp la mới trong một cuộc thương lượng với Anse (trao đổi ngựa của Jewel), qua đó cuộc hành trình của họ mới được tiếp tục.

Khi đến với thị trấn Mottson, qua lời trần thuật của Moseley, nhân vật Albert đột ngột xuất hiện có vai trò giúp Moseley hoàn thành câu chuyện của ông; nhân vật Grummet cũng như Viên cảnh sát trưởng hiện và nhân vật đám đông hiện ra trong câu chuyện của Albert đã giúp hoàn thành bức tranh phản ứng kịch liệt khi gia đình Bundren mang cái xác nặng mùi đi qua thị trấn.

Và một sự cố tai họa khác đến từ cơn lửa thiêu, nhân vật Gillespie và Mack (con của Gillespie) chen vào qua lời trần thuật của Darl với hành động hốt hoảng khi nhà kho bị cháy, và qua lời trần thuật từ Vardaman, hai nhân vật này có mặt sau đám cháy với mục đích tìm Darl. Điều này dẫn đến kết cục bi thảm của Darl ở cuối tác phẩm khi mà Anse sợ Gillespie kiện ông vì Darl đã đốt nhà kho.

Cuối cùng, sự xuất hiện của nhân vật người phụ nữ bí ẩn chỉ được biết đến qua lời giới thiệu của Anse “Bà Bundren mới” ở cuối tác phẩm khi cuộc hành trình đã chấm dứt. Sự có mặt của bà chiêm ngang vào một cái kết tưởng chừng như đi vào định mệnh (xác chết cũng đã chôn, Anse cũng có bộ răng mới, Cash chỉ còn một cái chân, Darl bị đưa đến trại tâm thần Jackson, Dewey Dell không biết sẽ ra sao với cái bào thai, Vardaman thì có chuối ăn và nhận ra nhiều điều trong vị trí thân phận nhà nghèo của mình). Nhưng không, hình ảnh người phụ nữ bí mật với cái vali con đang đi cùng Anse như một sự “mở nút” mở ra một cuộc sống khác đi, để kết liễu một kết thúc đau lòng. Với hình ảnh nhân vật thay thế cho bà Addie này, phải chăng Faulkner muốn nhấn mạnh một điều “đôi khi sự xuất hiện của một nhân tố mới trong một gia đình vốn dĩ có dấu hiệu rạn nứt sẽ tạo ra một phép nhiệm mầu chữa lành vết thương về mặt thể xác lẫn tâm hồn cho họ?”

Có thể thấy, việc xây dựng cả một hệ thống nhân vật phụ, nhân vật kéo theo (tồn tại bên cạnh hệ thống nhân vật chính) được sản sinh từ dòng ý thức của chủ thể trần thuật đã làm cho sự kiện của cốt truyện trở thành một thể thống nhất, hoàn chỉnh. Do đó, tác phẩm trở thành một thực thể sống động và phức tạp không kém so với thế giới thực mà nó phản ánh.

3.1.3. Hệ thống biểu tượng

Trong quá trình khám phá hệ thống nhân vật, chúng tôi nhận thấy tồn tại song song cùng với hệ thống nhân vật là cả một hệ thống biểu tượng được Faulkner sáng tạo ra như những ký hiệu, tín hiệu nhằm giúp thể hiện trọn vẹn nội dung, tư tưởng tác phẩm.

Những hình ảnh vừa chân thực vừa sinh động không chỉ mang đến từ nhân vật là con người mà còn đến từ những hình tượng nhân vật khác được gọi chung là biểu tượng, nhằm tập trung thể hiện những suy nghiệm của hệ thống nhân vật. Hệ thống biểu tượng trong tác phẩm được quy về dưới hai dạng, dựa vào hình hài và thần thái của biểu tượng: từ những biểu tượng có tính cổ mẫu như con ngựa, con cá, con bò đến những biểu tượng gắn liền với đời sống tâm linh như nước, lửa và Chúa. Hệ thống biểu tượng này xuất phát từ ý nghĩa “vạn vật hữu linh”.

3.1.3.1. Những biểu tượng có tính cổ mẫu: ngựa, cá, bò

Trước tiên là hình ảnh con ngựa xuất hiện hầu hết trong tác phẩm. Không phải ngẫu nhiên mà Faulkner lại để hình ảnh con ngựa tồn tại song hành cùng nhân vật là con người. Đi vào thời gian và không gian trong tác phẩm, ta thấy đó là những thập niên đầu của thế kỷ XX và gia đình nhà Bundren sống ở vùng ngoại ô nơi cao nguyên, đồi núi trập trùng, khi ấy phương tiện đi lại chủ yếu là xe ngựa. Những con ngựa, đôi la là con vật nuôi dùng để chuyên chở và đồng hành cùng con người trong mỗi chuyến đi. Ở đầu tác phẩm, Darl và Jewel dùng xe ngựa để chở gỗ kiếm thêm ba đô la trong khi mẹ mình đang hấp hối. Gia đình Vernon Tull, Cora, bác sĩ Peabody, mục sư Whitfield và những người hàng xóm tốt bụng dùng xe ngựa đến thăm bà Addie cũng như đưa tiễn bà đến thế giới bên kia. Và cuộc hành trình đưa xác bà Addie đến Jefferson cũng được thực hiện trên xe ngựa. Chú ngựa như một hình tượng cổ mẫu mà Chúa đã ban đến để giúp đỡ con người kể cả những lúc cặn kề cái chết.

Khi miêu tả hình ảnh con ngựa, tác giả thường đặt nó trong sự đối sánh với con người, người và ngựa như là đôi bạn thân thiết với nhau. Hình ảnh con ngựa với những đặc điểm sinh lý và tâm lý được tác giả khắc họa giống như con người “con ngựa chạy xuống đồi, đôi chân cứng cáp, đôi tai nó vểnh lên và vẫy nhẹ, đôi mắt không cân xứng quay đảo, và nó dừng lại cách xa hơn ba mét, nhìn Jewel qua vai với thái độ nghịch ngợm và cảnh giác”. Đặc biệt khi nó đứng cạnh Jewel như thể nó và Jewel là một “trừ đôi chân của Jewel người và ngựa như hai nhân vật tạo thành một hoạt cảnh hoang dã dưới ánh mặt trời” hay trong một tư thế hòa hợp “người và ngựa đứng im một lúc, cứng nhắc, con ngựa run rẩy và rên rỉ. Rồi Jewel nhảy lên lưng ngựa. Nó vọt lên theo tư thế nằm ngang nhanh như một nhát roi quất, thân hình nó trên không trung hòa hợp với con ngựa. Trong một khoảng khắc con ngựa đứng vươn mình, đầu cuối thấp trước khi vùng chuyển động. Nó lao xuống đồi bằng hàng loạt những bước nhảy xóc nảy, mang Jewel ngồi cao, dai như đỉa trên u vai, tới tận hàng rào con ngựa mới chụm chân bước lon ton để dừng”. Tác giả có lý khi ông đặt ngựa và Jewel lại với nhau và cùng với đó là bà Addie. Hình ảnh con ngựa có linh hồn tượng trưng cho họ, “Jewel là một con ngựa vì mẹ của Jewel là một con ngựa” theo cách nói của Darl và Vardaman. Vardaman quan sát hành động của Jewel trong từng ý nghĩ “Jewel đã bỏ đi rồi. Anh ấy với con ngựa đã bỏ đi vào lúc ăn tối.” Rồi cậu sẵn miệng hỏi cả Darl dẫu chỉ trong ý nghĩ “Có phải vì mẹ của anh Jewel là một con ngựa không, anh Darl?”. Tiếp tục trong ý nghĩ chưa thành lời “Đó là lý do tại sao cả tôi và Jewel ở trong nhà kho và mẹ ở trong xe, bởi vì con ngựa thì sống trong chuồng và tôi phải liên tục đuổi những con kền kền đi khỏi.” Điều này lý giải rằng, Jewel và Addie là hai con ngựa lạc loài trong chính gia đình của mình, khó nắm bắt và luôn ở tư thế chạy nhảy.

Trong khi đó, mẹ của Vardaman là một con cá.

Con cá trong tác phẩm tượng trưng cho người mẹ, được tác giả khắc họa trong tư thế cùng với cái chết của bà Addie. Hình ảnh con cá được giới thiệu qua điểm nhìn của bác Tull khi Vardaman mang nó về và định đưa cho mẹ xem, con cá với “cái mồm há, con mắt lồi rúc xuống đất như thể nó xấu hổ vì đã chết, như thể nó hối hả muốn trốn đi lần nữa…”. Tác giả có dụng ý của ông trong khi miêu tả hình dạng con cá gắn liền với tình cảnh người mẹ trực chờ cái chết khô. Với Vardaman, mẹ của cậu là một con cá mặc dù bà ấy đã chết: “Đó không phải là bà ấy vì nó nằm đằng kia trong đất bùn. Và lúc này nó đã bị chặt ra rồi. Tôi đã chặt nó ra. Nó nằm trong bếp trong cái chảo đang rỉ máu, đợi bị nấu lên và ăn. Lúc ấy nó không là và bà ấy là, còn bây giờ nó là và bà ấy là. Và ngày mai nó sẽ bị nấu lên và ăn và bà ấy sẽ là lão ta và bố và Cash và Dewey Dell và không có gì trong cái hòm ấy và như vậy bà ấy có thể thở được.” Cậu vẫn tin mẹ mình là một con cá và bà ấy vẫn còn thở được như con cá ấy. Bên cạnh đó, khi Cash đóng chiếc hòm cho mẹ anh, qua cách anh miêu tả mười ba đặc điểm khi làm chiếc hòm theo hình dạng tà giác cũng giống như hình dạng của con cá và bà Addie nằm xuống cũng khớp với hình dạng con cá theo dạng tà giác ấy. Điều này khiến Vardaman luôn miệng gọi: “Mẹ tôi là một con cá”. Hình ảnh con cá một lần nữa cho thấy dụng ý của tác giả khi chiếc hòm của bà Addie bị nước lũ cuốn trôi như thể khẳng định bà là một con cá và bà trở về với môi trường sống của bà dẫu khi đã chết.

Một điều nghịch lý, Vardaman luôn nghĩ mẹ của Jewel là một con ngựa trong khi cậu và Jewel là hai anh em cùng mẹ khác cha và đôi khi điều này khiến cậu nghĩ cậu là một con ngựa. Tuy nhiên cậu lại phủ định “Nhưng mẹ Jewel là một con ngựa. Mẹ tôi là một con cá. Darl bảo khi chúng tôi xuống nước lần nữa, tôi có thể thấy bà ấy và Dewey Dell bảo, Bà ấy nằm trong hòm, làm thế nào bà ấy ra được? Bà ấy ra qua những cái lỗ tôi đã khoan, chui vào nước, tôi nói và khi chúng tôi xuống lần nữa, tôi sẽ thấy bà ấy. Mẹ tôi không ở trong cái hòm đó. Mẹ tôi không có mùi như thế. Mẹ tôi là một con cá.”. Do đó cậu đã khoan những cái lỗ trên quan tài cho mẹ cậu thở vì đơn giản cậu nghĩ bà ấy là một con cá và cậu cũng là một con cá, cậu và mẹ cậu cũng cần phải thở.

Và hình ảnh một con bò cái được đặt ở đầu và ở cuối tác phẩm biểu tượng cho ý nghĩa phồn thực. Hình ảnh con bò ở đầu tác phẩm được miêu tả trong mối quan hệ với Dewey Dell, cô chăm cho bò và vắt sữa từ nó. Faulkner đã nhân hóa con bò lên, có những cử chỉ, hành đồng giống như con người“Con bò sữa rống lên ở chân dốc. Nó sục mõm vào tôi, thở thành luồng hơi ngọt, nóng. Qua quần áo tôi, vào tận lớp da tôi, rên rỉ. “Mày phải đợi một chút nữa. Rồi tao sẽ chăm cho mày” Nó theo tôi vào nhà trại ở đó tôi ném cái xô xuống. Nó thở vào xô, rên lên.”. Khi Dewey Dell đứng trong bóng tối có ý định tự vẫn thì cũng chính con bò ấy cứu lấy cô ra khỏi cái chết “Tôi hơi rướn người ra trước, một chân đưa ra trước với bước đi chết. Tôi cảm thấy bóng tối lao qua ngực tôi, qua con bò, tôi bắt đầu lao vào bóng tối nhưng con bò chặn tôi lại, và bóng tối lao nhanh vào luồng hơi ngọt ngào của hơi thở rên rỉ của nó, chứa đầy rừng và im lặng.”. Có thể thấy, con bò và Dewey Dell như là hai chị em thân thiết đến nỗi Dewey Dell nói chuyện với nó và nó thì làm nũng trước mặt chị nó “Con bò sục mõm vào tôi, rên rỉ. “Mày phải đợi thôi. Cái mày có trong mày không là cái gì so với cái tao có trong tao, dù mày cũng là giống cái đấy.”. Lúc này, tác giả đã đồng hóa con bò thành một người phụ nữ xuất hiện trong dòng suy nghĩ của Dewey Dell khi cả hai có cái gì đó trong bụng.

Hình ảnh con bò một lần nữa được tác giả tái hiện lại ở cuối tác phẩm khi bên trong Dewey Dell và Macgovan đang tình tự với nhau, trong khi đó Vardaman đợi Dewey Dell ở bên ngoài “Tôi nghe tiếng con bò cái đã lâu, đi lộp bộp           [1]trên phố. Rồi nó đến quảng trường. Nó đi  vào quảng trường, nó đi xuyên qua quảng trường, nó đi mãi   lộp bộp       Nó rống lên. Trước khi nó rống lên trên quảng trường không có gì, nhưng không phải là trống trải. Bây giờ nó trống trải sau khi con bò rống lên. Nó đi tiếp, lộp bộp           . Nó rống lên.”. Lúc bấy giờ những thanh âm mà con bò rống lên được tác giả xen vào như một khúc biến tấu tạo không khí khắc khoải của sự đợi chờ và độ ngừng nghỉ của dòng ý thức nhân vật. Giữa một đêm khuya tĩnh lặng, tiếng bước chân của con bò “lộp bộp” như xé tan màn đêm rồi biến thành thứ âm thanh lặng câm khiến người đọc phải giật mình nhận ra cái không gian tâm lý thực sự trống trải sau khi nó rống lên qua lời độc thoại của Vardaman “Chị ấy đã ở trong ấy lâu lắm rồi. Và con bò cái cũng đã đi lâu rồi. Lâu rồi. Chị ấy đã ở trong ấy lâu hơn con bò. Nhưng không lâu bằng sự trống trải.” Con bò cái lẻ loi bước đi trên cuộc hành trình của nó, cũng giống như sự đơn độc bước đi của các thành viên trong gia đình Bundren khi người mẹ Addie đã mất.

Như vậy, việc xây dựng những hệ thống biểu tượng như con ngựa, con cá, con bò luôn được đặt trong mối quan hệ với hệ thống nhân vật. Hình ảnh con bò cái là hóa thân cho Dewey Dell, hình ảnh con ngựa được xem hiện thân của Jewel, hình ảnh con cá với Vardaman có mối liên hệ mật thiệt với nhau, và trong liên tưởng của Vardaman thì cả con ngựa và con cá đều do mẹ mình biến thành. Những con vật này luôn xuất hiện trong dòng suy nghĩ của các nhân vật trong chừng mực ý thức hoặc vô thức. Hệ thống biểu tượng này góp phần hoàn thiện thêm mạch suy nghĩ của nhân vật, làm tăng thêm tính ấn tượng cho cốt truyện.

3.1.3.2. Đến những biểu tượng gắn liền với đời sống tâm linh: nước, lửa, Chúa

Nước và lửa là một biểu tượng của sự sống, nhưng Faulkner đã hướng nó đến sự hủy diệt, một vật cản tai ương để ngăn cản cuộc hành trình của gia đình Bundren mang xác bà Addie đến miền đất lạ. Cũng có thể, nước và lửa như là những tín hiệu mà Chúa đã ban xuống theo cách lý giải của những người ngoan đạo.

Trước hết, hình ảnh nước lũ là một hiện tượng hết sức bình thường từ thiên nhiên. Nước lũ hung tợn đã làm cho chiếc cầu bị cuốn trôi qua lời kể của Tull “Thằng con trai ngồi nhìn chiếc cầu nơi nó bị chìm một nửa và những thân cây bị trôi giạt thành đống trên nó, và nó sập và run lẩy bẩy như thể toàn bộ sự việc có thể xảy ra bất cứ phút nào…”. Hệ quả của dòng lũ lụt đã làm “Nước lên gần đến mặt đê ở cả hai bên, đất bị ngập che đi chỉ còn lộ ra một lưỡi đất chúng tôi đang đi trên đó ra đến chiếc cầu và sau đó xuống nước, và nếu không biết lúc trước con đường và cái cầu trông như thế nào, thì người ta không thể nói chỗ nào là sông chỗ nào là đất. Nó chỉ còn là một mớ lộn xộn vàng vàng và con đê chỉ còn rộng hơn một cái dao một chút” khiến gia đình họ không thể đi qua cầu. Qua nhìn của Darl, dòng nước lũ đã được nhân hóa lên như con người “Nó nói với chúng tôi bằng vô số giọng rì rầm không ngưng nghỉ, bề mặt mầu vàng của nó gợn lăn tăn một cách kỳ quái thành những xoáy nước nhỏ dần di chuyển dọc theo bề mặt trong chốc lát, êm lặng và không bền, và có ý nghĩa sâu xa thế nào đó, như thể ngay bên dưới mặt nước một cái gì đó khổng lồ và sống động đã thức dậy trong một khoảnh khắc tỉnh táo lười nhác, ra khỏi rồi lại chìm vào một giấc ngủ nhẹ nhàng.”

Và rồi nước lũ được nâng lên thành một biểu tượng của sức mạnh siêu nhiên điều khiển con người “Tôi cảm thấy dòng nước đưa chúng tôi đi và tôi biết chúng tôi đang trên chỗ nước cạn vì chính lý do ấy, bởi vì chỉ nhờ cú tiếp xúc trượt ấy mà chúng tôi có thể nói rằng chúng tôi còn đang di chuyển. Nơi trước đây từng là một mặt phẳng thì bây giờ là một vùng đầy những hố lõm và mô cao kế tiếp nhau, khiến chúng tôi nhô lên thụt xuống, xô đẩy chúng tôi, chọc ghẹo chúng tôi bằng những cú chạm nhẹ biếng nhác trong những khoảng khắc lừa dối về đất cứng dưới chân. Cash quay lại nhìn tôi và khi đó tôi hiểu rằng chúng tôi đã bị khốn rồi. Nhưng tôi không hiểu tại sao lại cần dây thừng, cho đến khi tôi nhìn thấy cây gỗ ấy. Nó vọt lên từ dưới nước, đứng yên trong khoảnh khắc rồi nhô lên thẳng đứng trên mặt nước, cô độc như Chúa Giê xu nói. Nhảy ra và để dòng nước cuốn mày đi đến khúc cong, Cash nói. Mày sẽ ổn. Không, tôi nói, cách nào thì tôi cũng ướt sủng cả rồi.”. Cứ như thế dòng nước lũ được tiếp sức bởi Chúa đã lần lượt cuốn trôi tất cả, chiếc hòm, những con ngựa, Darl, Jewel và riêng Cash bị thương nặng ở chân.

Tuy nhiên nước lũ không thể ngăn chặn cuộc hành trình của họ, họ vượt qua cơn lũ và tiếp tục chuyến đi để đối đầu với cơn lửa thiêu. Lần này Darl lại là người châm lửa đốt nhà kho với mong muốn hỏa thiêu chiếc quan tài, vì anh muốn kết thúc chuyến đi “Trong một lúc lâu hơn nó chạy loang loáng như ánh bạc dưới trăng, sau đó nổi lên như một hình phẳng rõ nét bằng sắt tây trên nền một vụ nỗ đột ngột và vô thanh, khi toàn bộ vựa cỏ khô của khu nhà trại đồng loạt bốc cháy, như thể nó đã được nhồi thuốc súng.” Nhưng lần này Darl đã bị Jewel làm hỏng kế hoạch. Quá trình vật lộn với cơn lửa thiêu của Jewel cứu lấy người mẹ được Darl mô tả “Chúng tôi thấy đôi vai của nó căng ra khi nó lật úp cỗ quan tài và trượt nó bằng một tay từ trên các chân niễng xuống. Nó cao lên lù lù đến khó tin, che lấp cả thằng này: tôi đã không thể nào tin rằng Addie Bundren lại cần nhiều chỗ thế để nằm cho thoải mái bên trong nó; vì chỉ khoảnh khắc sau nó dựng đến lên trong khi cơn mưa lửa rắc trên nó những đốm bùng ra như thể chúng sinh ra những tia lửa khác từ sự tiếp xúc ấy. Rồi nó đổ nhào về phía trước, có được động lượng, để Jewel lộ ra và trận mưa lửa trên nó trong những tia lửa đang sinh ra, khiến nó trông như bị bao bọc trong một quầng lửa. Không dừng tay lật và lại ngẩng lên, tạm nghỉ, rồi từ từ đẩy nó lên phía trước và qua màn lửa…”. Với vật cản lửa thiêu này, một lần nữa tác giả đã nói lên dụng ý của mình, ông muốn dùng lửa để hủy diệt sự mê muội, cho rằng chỉ có thiêu đốt cỗ quan tài thì mọi thứ mới chấm dứt. Hành động tiếp lửa của Darl đã thổi bùng ngọn lửa siêu thoát mà ngay cả Cash cũng thừa nhận “nó đã hành động đúng.” Faulkner như thể là Chúa Trời và Darl chính là bàn tay để thực hiện ý Chúa.

Thông qua hai biểu tượng nước và lửa nói trên, lý giải biểu tượng dưới một góc độ tâm linh thì đây được xem là tín hiệu từ một thế lực vô hình dưới sự điều khiển bởi sức mạnh của Chúa. Nói như dòng suy niệm của Cash sau khi trải qua những thử thách ấy “Tôi đã hơn một lần nghĩ đến nó trước và sau khi chúng tôi vượt qua sông, rằng sao có thể là Chúa phù hộ nếu Người giằng bà ấy ra khỏi tay chúng ta để đưa bà ấy đi một cách sạch sẽ nào đó, và đối với tôi dường như việc thằng Jewel vật lộn để cứu bà ấy khỏi dòng nước là nó đã cưỡng lại ý chí của Chúa, và khi thằng Darl cho rằng phải có một người trong chúng tôi làm điều gì đó, thì tôi hầu như tin rằng nó đã hành động đúng.” Biểu tượng nước và lửa được tạo ra thực sự phù hợp với biểu tượng con cá và con ngựa cũng là nỗi ám ảnh quá lớn từ người mẹ đã chết đến tâm thức của những đứa con. Nếu Vardaman nghĩ rằng mẹ em là một con cá thì nước lũ xuất hiện sẽ đưa bà ấy trở về với căn nguyên nguồn gốc như bà ấy vốn được là. Tương tự như vậy, nếu người mẹ là một con ngựa thì tình huống lửa thiêu sẽ giúp bà ấy quay về với cát bụi tro tàn. Như vậy, hai biểu tượng nước và lửa được sản sinh hoàn toàn có ý đồ, một mặt tạo ra tình huống cao trào cho cốt truyện nhằm bộc lộ tính cách, hành động của nhân vật, mặt khác hợp thành hệ thống biểu trưng cho đời sống tâm linh, họ xem đó là những tín hiệu của Chúa.

Và như thế hình ảnh Chúa như một thứ ánh sáng nhiệm mầu soi chiếu mọi ý nghĩ của nhân vật trong suốt chiều dài thể lý và tâm lý. Hình ảnh Chúa được tác giả nâng lên thành một biểu tượng, một ý niệm thường trực trong tâm thức nhân vật. Mỗi một nhân vật sẽ có niềm tin và cách biểu hiện khác nhau khi đề cập đến Chúa trong tâm thức của mình. Thông qua những đối thoại và độc thoại nội tâm của các nhân vật Vardaman, Dewey Dell, Cash, Peabody, Cora, Tull, Anse, Addie, mục sư Whitfield, Faulkner đã để biểu tượng Chúa xuất hiện một cách tinh tế và sâu sắc. Trong số những nhân vật này, hình ảnh Chúa được thể hiện rõ nhất qua các nhân vật Cora, Addie, Anse, Whitfield.

Với nhân vật Cora, lời dạy của Chúa luôn là lẽ sống cho bà. Khi nói chuyện với Addie, Cora luôn đề cập đến Chúa như một chuẩn mực của đạo đức “Phán xét là thuộc phần của Chúa, phần của chúng ta ca ngợi lòng nhân từ của Người và danh tiếng của Người trong phiên tòa xử những người trần chúng ta bởi vì chỉ có Người mới có thể nhìn thấu vào tận trái tim…”. Cora tin rằng “Người ban cho chúng ta cái năng khiếu để cất cao giọng ngợi ca Thiên Chúa vĩnh hằng.”, bởi thế bà luôn miệng cất tiếng hát “Con tin vào Chúa của con và sự hân thưởng của con”.

Trong khi đó, Addie vốn là một phụ nữ kiêu hãnh đã đóng cửa trái tim với Chúa nhưng hình ảnh Chúa vẫn xuất hiện trong ý nghĩ của bà qua lời độc thoại “Tôi nghĩ về tội lỗi như nghĩ về quần áo mà cả hai chúng tôi trưng ra trước mặt thiên hạ, về sự thận trọng cần thiết để ông ấy là ông ấy và tôi là tôi, cái tội lỗi rõ ràng và khủng khiếp hơn vì ông ấy là công cụ mà Chúa - người tạo ra tội lỗi - ban ra để thánh hóa cái tội mà Người đã tạo ra.” Bởi lẽ bà là con của Chúa, bà nợ Chúa và cho đến khi chết đi rồi, Chúa vẫn ở bên cạnh bà.

Với Anse, hầu như trong mọi suy nghĩ của ông thì hình ảnh Chúa luôn là chỗ dựa tinh thần cho ông. Đứng trước những khó khăn trong cuộc sống ông tự nhủ “Tôi là lựa chọn của Chúa, bởi vì kẻ nào mà được Ngài thương, thì Ngài trừng phạt như vậy.” Và đứng trước cái chết của vợ mình, ông nói “Ý Chúa sẽ được hoàn thành” và đứng trước những khó khăn trên đường đưa xác vợ mình ông đã nghĩ về Chúa “Tôi đã cố gắng làm như bà ấy mong muốn. Chúa sẽ tha tội cho tôi và tha thứ cho hạnh kiểm của chúng, những kẻ mà Chúa đã gửi xuống cho tôi.”.

Hình ảnh Chúa không chỉ tồn tài trong ý nghĩ mà còn biểu hiện trực tiếp thông qua sự đối đáp phân thân của mục sư Whitfield. Khi hay tin Addie đã chết, Whitfield tự giày vò bản thân dưới ánh sáng của Chúa “Tôi thức dậy với sự tàn ác của tội lỗi của tôi, cuối cùng tôi đã nhìn thấy ánh sáng thực, và tôi khuỵu xuống thú nhận với Chúa và cầu xin Người hướng dẫn và nhận nó. “Đứng dậy”, Người nói, “Hãy tới cái ngôi nhà mà ngươi đã đặt điều nói dối, giữa những người mà cùng với họ ngươi đã xúc phạm Lời Ta, lớn tiếng thú tội của ngươi. Chính họ, người chồng bị ngươi lừa dối, sẽ tha tội cho ngươi, không phải Ta!”. Và ông đã nghe theo lời Chúa, ông đến để thay mặt Chúa đưa tiễn người tình Addie lên đường.

Như vậy, cùng với các biểu tượng khác, biểu tượng Chúa hầu như có mặt xuyên suốt trong độ dài tác phẩm, làm cho thời gian và không gian nghệ thuật nhuốm màu sắc huyền bí của tôn giáo, của đời sống tâm linh. Cũng vì lẽ đó mà qua điểm nhìn của mỗi nhân vật, hình ảnh Chúa, cũng như các hình ảnh khác luôn tồn tại trong suy tư khắc khoải của dòng chảy ý thức nhân vật.

3.2. Dòng ý thức trong việc xây dựng đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm

Đối với một tác phẩm tự sự, lời nói của nhân vật là một phương diện quan trọng nhất của tính tạo hình khách thể “tái hiện các sự vật xung quanh con người, miêu tả diện mạo bên ngoài, hành vi và thế giới bên trong của nó” [33, 267]. Lời nói của nhân vật chiếm một bộ phận đáng kể thậm chí là rất lớn, tồn tại song hành cùng với lời trần thuật của người kể chuyện. Trong Dẫn luận nghiên cứu văn học, V.E. Khalizep cho rằng bản chất của “lời đối thoại và độc thoại (trong những nghĩa rộng của từ này) là những lời phát biểu có ý nghĩa biểu hiện, dường như nhấn mạnh, “biểu thị” thuộc tính “tác giả” của chúng. Lời đối thoại gắn liền với việc những người nói hướng vào nhau và tác động vào nhau. Lời độc thoại là lời không nhằm hướng đến người khác và tác động qua lại giữa người với người.” [33, 224]. Bên cạnh lời nói của nhân vật dưới dạng đối thoại và độc thoại được phát ra thành tiếng thì trong tác phẩm tự sự, lời nói của nhân vật còn tồn tại một dạng khác ẩn mình bên trong tâm thức nhân vật đó là độc thoại nội tâm. Đây được xem là thành phần chủ yếu và quan trọng nhất biểu hiện thế giới tinh thần của nhân vật. Các tác giả Từ điển văn học đã định nghĩa độc thoại nội tâm là “lời phát ngôn của nhân vật nói với chính mình, thể hiện tiếp quá trình tâm lý nội tâm, mô phỏng hoạt động cảm xúc, suy nghĩ của con người trong dòng chảy trực tiếp của nó” [43, 108].

Trong tác phẩm Khi tôi nằm chết, lời nói của nhân vật do chính nhân vật phát ngôn từ hình thức đối thoại, độc thoại cho đến độc thoại nội tâm và được thể hiện thông qua điểm nhìn trần thuật gián tiếp của người kể chuyện hoặc qua lời trần thuật trực tiếp của chính họ. Nhân vật trong tác phẩm Khi tôi nằm chết thực hiện vai trò của mình trong việc truyền tải ý đồ, tư tưởng của Faulkner và việc thực hiện ấy phải được thông qua hình thức giao tiếp cá nhân giữa họ với nhau làm nên lời nói của nhân vật. Lời nói của nhân vật trong tác phẩm chẳng qua chỉ là công cụ “viết chính tả” cho dòng chảy ý thức của nhân vật và biểu hiện thành các hình thức phân biệt với nhau: đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm. Sự phân biệt này cũng chỉ mang tính tương đối, vì không thể vạch một ranh giới rõ ràng, dứt khoát giữa các hình thức này, chúng có thể tồn tại và hòa trộn vào nhau hết sức phức tạp.

Hệ thống nhân vật là hình tượng nghệ thuật nghệ thuật trung tâm dùng hệ thống đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm làm phương tiện sử dụng để bộc lộ chức năng giao tiếp khách quan lẫn chủ quan của mình trong dòng chảy của ý thức. Vì đời sống tâm lý nhân vật vốn bị chìm trong cái vòng ý thức và vô thức nên khoảng cách giữa đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm là “khoảng trống” nhỏ tuôn ra từ tâm thức nhân vật. Có thể nói, dòng ý thức đã chi phối rất nhiều đến sự hình thành của ý nghĩ nhân vật.

Tuy nhiên, hình thức đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm vẫn có một ranh giới xác định tạo nên tính tạo hình khách thể đa chiều, sinh động.

3.2.1. Dòng ý thức trong sự hình thành đối thoại, độc thoại của nhân vật

            Vốn là một tiểu thuyết dòng ý thức được thể hiện thông qua những lời độc thoại nội tâm và dòng ý thức của các nhân vật nên hình thức đối thoại trong tác phẩm Khi tôi nằm chết thực sự không phải là hình thức giao tiếp chính yếu. Hệ thống đối thoại vì thế chia nhỏ theo hai dạng: đối thoại trực tiếp, có mục đích rõ ràng và đối thoại lỏng lẻo giữa các nhân vật với nhau tạo thành dạng thức của độc thoại một chiều.

3.2.1.1. Lời đối thoại của nhân vật

Hình thức đối thoại tuy không là hình thức tồn tại chủ yếu trong mô hình giao tiếp nhân vật, nhưng thông qua những lời đối thoại từ các nhân vật, Faulkner đã xây dựng nên tính tạo hình khách thể một cách hoàn chỉnh. Những lời đối thoại vừa tái hiện các sự vật xung quanh nhân vật, vừa giúp miêu tả diện mạo bên ngoài cũng như hành vi và thế giới bên trong nhân vật. Có thể thấy, những lời đối thoại luân phiên nhau, ngắt nhau trong quá trình đối đáp với những lời của nhân vật trước đó và hướng đến một nhân vật xác định, có thể là trực diện hoặc không trực diện. Vì thế, đối thoại của nhân vật trở thành một trong những yếu tố sống còn của nhân vật, tạo nên tính tương tác, tác động qua lại giữa các nhân vật nhằm đáp ứng một mục đích nào đó của quá trình đàm thoại, giao tiếp.

            Có những đoạn đối thoại giữa các nhân vật với nhau đã góp phần mổ xẻ diễn biến của cốt truyện, thúc đẩy động cơ hành động của nhân vật và hiện ra ngay trước mắt người đọc về tính cách, hành vi của nhân vật đối thoại cũng như nhân vật được nói đến một cách rõ nét. Đoạn đối thoại giữa Darl, Jewel và Anse ở đầu tác phẩm xoay quanh chuyến đi kiếm thêm ba đô la trước sự hấp hối của người mẹ Addie qua lời trần thuật của Darl đã nói lên vai trò của nó đối với sự phát triển của hệ thống kết cấu, cốt truyện:

            “Có nghĩa là ba đô la” tôi nói. “Bố có muốn chúng con đi, hay là không?” Bố xoa đầu gối. “Mai chúng con sẽ về. Lúc mặt trời lặn.”

            “Ờ,” bố nói. Bố nhìn qua bãi đất, tóc tai bơ phờ, nhăn nhó hít thuốc qua cái mồm đã rụng hết răng.

            “Nào đi” Jewel nói. Nó bước xuống các bậc thang. Vernon nhổ trúng đống rác.

            “Vậy lúc mặt trời lặn nhé” Bố nói. “Tao không thể để bà ấy chờ.”

            Thế là cuộc đối thoại kết thúc, Darl cùng Jewel ra đi chỉ để kiếm thêm ba đô la. Hành động này đã chi phối đến ý nghĩ của các nhân vật khác “vì ba đô la mà từ chối hôn giã biệt người mẹ đang hấp hối.” (ý nghĩ của Cora) và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc đối thoại giữa Anse và Tull đang ở dưới đợi họ về qua lời trần thuật của Tull:

            “Lão nhìn ra xa ngoài bãi đất, xoa đầu gối. “Sao tôi ghét nó đến thế.”

            “Phải lâu nữa chúng nó mới về” tôi nói. “Tôi không lo lắng gì cả.”

            “Có nghĩa ba đô la.” Lão nói.

            “Có lẽ chúng nó không cần vội về làm gì.” Tôi nói “Tôi hy vọng thế.”

            “Bà ấy sắp đi rồi” lão nói. “Đầu óc bà ấy đã để cả trên ấy.”

            Sau đó là dòng ý thức của Tull xen vào giữa đoạn đối thoại “Một cuộc sống thật cực nhọc đối với một người phụ nữ, thật thế. Với một số phụ nữ. Tôi nhớ mẹ tôi sống trên bảy mươi tuổi, còn hơn. Làm việc hằng ngày, dù nắng hay mưa, không hề có một ngày ốm từ khi sinh thằng con cuối cùng đến một ngày bà nhìn quanh và sau đó bà đi và mang theo chiếc áo dài viền đăng ten mặc buổi tối mà bà có từ bốn mươi lăm năm trước mà chưa bao giờ lấy ra khỏi tủ áo mặc vào và nằm xuống trên giường rồi kéo chăn lên và nhắm mắt lại. “Các con phải chăm sóc bố cho thật tốt,” Bà nói “Tôi mệt quá”

Lời nói của bà mẹ của Tull còn được thuật lại vẹn nguyên trong dòng ý thức của ông. Rồi sau đó Tull tiếp tục lời trần thuật về lời đối thoại giữa ông với Anse:

Anse chà bàn tay lên đầu gối. “Chúa phù hộ” lão nói.

“Chúa phù hộ” Tôi nói.”

            Từ đoạn đối thoại được thuật lại qua điểm nhìn của Tull, ta thấy dòng ý thức đã chi phối đến lời nói đối thoại giữa các nhân vật. Ở họ luôn có một trạng thái nghĩ ngợi từ dòng chảy ý thức, ý nghĩ kịp phát ra thành tiếng trong quá trình đối thoại trực tiếp với người đối diện có cái gì đó lan man, khó kiểm soát của ý thức, tức nghĩ thế nào thì nói thế ấy. Do đó, lời đối thoại chỉ là một dạng khác hình hài có vẻ có hình hài rõ rệt của dòng ý thức mà thôi.

Một đoạn đối thoại khác cũng cho thấy sự chi phối của dòng ý thức đến ý nghĩ của nhân vật trong khi đối thoại. Qua lời trần thuật của Vardaman (đoạn cậu bé đợi Dewey Dell ngoài cửa, khi cô đang ở bên trong cùng với Macgovan), lời đối thoại với chị gái Dewey Dell:

“Dewey Dell ra. Chị ấy nhìn tôi.

“Bây giờ chúng ta đi vòng lối này,” tôi nói.

Chị ấy nhìn tôi. “Cái ấy không có tác dụng,” chị ấy nói. “Thằng chó đẻ ấy.”

“Cái gì không có tác dụng, chị Dewey Dell”

“Tao vừa mới biết nó không…” Chị ấy không nhìn cái gì cả. “Tao vừa mới biết.”

“Chúng ta đi lối này,” tôi nói.

“Chúng mình phải về khách sạn. Muộn rồi. Chúng mình phải lẻn vào.”

“Chúng mình không đi qua và xem một tí được sao, chị?

“Sao mày không lấy chuối? Sao mày không lấy?”

“Thôi được”, Anh tôi vừa bị điên lại vừa phải đi Jackson. Jackson thì xa hơn là bị điên.

“Nó không có tác dụng,” chị Dewey Dell nói. “Tao chỉ biết là nó sẽ không có tác dụng.”

“Cái gì sẽ không có tác dụng?” tôi nói. Anh ấy phải lên tàu để đi đến Jackson. Tôi chưa đi tàu, nhưng anh Darl đã đi tàu rồi. Darl. Darl là anh tôi. Darl. Darl.”

Vừa đối đáp xong thì Vardaman đã để ý nghĩ của mình hướng về anh Darl, như tận dụng hết khoảng trống của ý nghĩ, không ngưng nghỉ ý nghĩ để suy nghĩ về Darl qua những dòng độc thoại nội tâm (những câu nói được in nghiêng). Ngoài ra, ta thấy lời nói của Dewey Dell với Vardaman đôi lúc không có liên quan gì với nhau, trong lối đối thoại thì Dewey Dell để tâm trí của mình đến gã Macgovan kia và thốt ra những lời độc thoại làm cho Vardaman không hiểu. Đây cũng là một sự tác động của dòng ý thức làm cho suy nghĩ của nhân vật bị phân tán dẫn đến “lệch pha” trong quá trình đối thoại.

3.2.1.2. Lời độc thoại của nhân vật

Bên cạnh những đoạn đối thoại có lời hỏi, lời đáp có mục đích giao tiếp rõ ràng, vẫn còn tồn tại những dạng đối thoại lỏng lẽo và hầu như chịu sự chi phối bởi dòng chảy ý thức, tạo ra những lớp vỏ đối thoại rời rạc và khập khiễng trong quá trình giao tiếp nhân vật. Đây được xem lời nói nhân vật tồn tại dưới dạng thức của độc thoại một chiều, gắn liền với hành động tự nói của nhân vật trong quá trình đối thoại.

Qua lời tường thuật từ Vardaman, sau khi Jewel liều mình cứu quan tài mẹ mình trong đám lửa thiêu, thì Vardaman chạy đến hỏi và cuộc đối thoại diễn ra:

 “Có đau không, anh Jewel?”. “Lưng anh trong như lưng một người da đen ấy, anh Jewel ạ”.

Tiếp sau đó, Jewel nằm yên không đáp lại lời Vardaman, đổi lại cậu bé nhận được từ câu nói của Dewey Dell:

“Mày ra đằng sau và nằm xuống,” . “Mày đáng lẽ phải ngủ rồi.”

Vardaman không thấy có sự đối đáp từ lời nói của Dewey Dell, thay vào đó là lời của người nhà Gillespie:

“Thằng Darl đi đâu rồi?” họ nói.

Không một ai trả lời, nhưng qua lời trần thuật từ Vardaman thì biết Darl đang ở ngoài kia dưới cây táo với bà ấy. Lúc này, Vardaman chạy đến Darl và nói:

“anh sẽ đuổi con mèo ra xa chứ, anh Darl?”

Darl không trả lời và nằm khóc, Vardaman tiếp tục nói:

“Anh không cần phải khóc,”. “Jewel đã đưa bà ấy ra ngoài rồi. Anh không cần phải khóc, anh Darl ạ”

Từ đoạn tường thuật trên, chúng tôi nhận thấy không một câu hỏi hay lời nói nào của các nhân vật thốt lên được đáp trả lại. Dường như nhân vật nói ra là tự nói với chính mình và sự tồn tại của người đối diện như là vô hình. Những lời đối thoại cũng vì thế mà trở nên rời rạc, chấp vá, mỗi người tự nói một vẻ và người đối diện cũng không cần phải đáp ứng lời nói của họ. Đây là dạng độc thoại một chiều trong đối thoại.

Trong một hình thức đối thoại khác, chúng tôi bắt gặp những kiểu đối thoại có vẻ khập khiểng với nhau, lời hỏi và câu trả lời không ăn nhập với nhau. Hãy nghe phần đối thoại của Darl và Jewel qua điểm nhìn trần thuật từ Darl:

“Jewel,” “Mày là con ai?”

Jewel không nói gì. Darl hỏi tiếp:

“Mẹ của mày là một con ngựa, nhưng ai là bố mày, Jewel?”

Lúc này, Jewel trả lời:

“Mày là thằng chó đẻ nói dối”

“Đừng gọi tao thế.” (Darl nói)

“Mày là thằng chó đẻ nói dối” (Jewel nói)

“Mày đừng gọi tao thế chứ, Jewel,” (Darl nói).

Thế đấy, trước những câu hỏi của Darl, Jewel không trả lời mà trái lại còn chửi Darl chỉ một câu duy nhất “Mày là thằng chó đẻ nói dối” được lặp đi lặp lại trong suốt cuộc đối thoại. Đây cũng là một hình thức thể hiện lời độc thoại trong lời đối thoại một cách vô thức trong ý thức của nhân vật Jewel.

Mặt khác, lời độc thoại được hình thành từ một dạng đối thoại khác. Có những khi nhân vật nói chuyện với con vật, vô tình tạo ra một tình huống giao tiếp ở dạng độc thoại, điển hình là lời nói của Jewel và Dewey Dell. Sau đây là những lời nói từ phía Jewel nói với con ngựa cũng là tự nói với chính mình được thốt ra thành tiếng được thuật lại qua điểm nhìn của Darl:

“Lại đây, thằng quỷ,” Jewel nói. Nó chạy đến.

Trong lúc đang cưỡi ngựa, Jewel nói “Tốt,” “bây giờ mày nghỉ được rồi, nếu mày đã chán.” Con ngựa dừng lại.

Đến khi cưỡi ngựa xong, Jewel dẫn nó vào chuồng và nói “Ăn đi! Thằng nỡm chó chết này,” “Liệu mà tránh cho khuất mất tao nghe con, đồ chó đẻ.”

Tồn tại bên cạnh những lời đối thoại kiểu độc thoại như trên, quá trình giao tiếp đã tạo ra những khoảng ngừng nghỉ trong dòng ý thức nhân vật dẫn đến việc hình thành những lời độc thoại xuất phát từ bên trong nhân vật và được thốt ra thành tiếng. Những lời độc thoại này mang đậm sự chất chứa, kìm nén từ bên trong nhân vật, đến một mức nào đó, nó bùng phát thành lời. Ở những phần đầu, người đọc bắt gặp những câu nói mang tính độc thoại của Kate (một đứa con của Cora) khi luôn miệng thốt ra “Lẽ ra bà ấy phải lấy số bánh sau khi đã hứa”. Trong một tình tiết nhỏ được kể qua lời trần thuật của Peabody, lời độc thoại một chiều của bà Addie đột ngột vang lên áp đảo mọi thứ xong quanh bà, kể cả “tiếng cưa đều đều như tiếng ngáy vào tấm ván” của Cash: “Một phút sau bà ấy gọi tên nó, giọng bà mạnh và khắc nghiệt: “Cash ơi, Cash, mày ấy, Cash!”, và không lâu sau đó bà cũng tắt thở. Ở một tình tiết khác sau khi bà Addie đã chết, trong một khoảnh khắc nào đó của quá trình đối thoại giữa Vardaman và Dewey Dell, cậu bé tự nhiên thốt lên trong trạng thái tức giận, không làm chủ bản thân “Lão đã giết bà ấy” (tức đề cập đến Peabody, sự xuất hiện của ông là để chữa bệnh cho bà Addie, nhưng chính sự xuất hiện ấy mà bà Addie đã chết nên làm cho Vardaman nhầm tưởng là lão đã giết bà ấy). Trong một ý nghĩa nào đó, lời hát của Cora cũng là một dạng tồn tại của hình thức độc thoại thành lời “Con tin vào Chúa của con và sự hân thưởng của con” sau cái chết của bà Addie.

Như vậy, lời nói của nhân vật được biểu hiện ra nhiều hình thức khác nhau, cho thấy một tâm trạng luôn mang tâm trạng chất chứa trong dòng chảy ý thức từ các nhân vật trong quá trình đối thoại và độc thoại.

3.2.2. Dòng ý thức trong việc hình thành lời độc thoại nội tâm của nhân vật

Trong Đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây hiện đại, Đặng Anh Đào đã phân biệt độc thoại và độc thoại nội tâm. Theo ông, nếu độc thoại gắn liền với hành động của nhân vật thì độc thoại nội tâm lại mang tính chất thuần túy, tính chất tức thời của dòng tâm tư. Tức là độc thoại nội tâm giúp thông báo một ý nghĩ trong lúc nó đang được hình thành từ dòng ý thức của nhân vật. Ở một góc độ nào đó thì độc thoại nội tâm cũng chính là dòng ý thức của nhân vật. Nói như V.E Khalizep trong Dẫn luận nghiên cứu văn học thì khi suy nghĩ về một điều gì đó, con người thường không thể hiện ý nghĩ của họ dưới một hình thức ngữ pháp rõ rệt, từ ngữ và câu không trọn vẹn, nghĩa là nó dường như lan man và khó kiểm soát. Và ông cho rằng “Nhà văn, vì để dễ hiểu, bắt buộc phải làm cho độc thoại nội tâm có một tính tổ chức chặt chẽ mà nó vốn không có. Nhà văn dường như dùng lời nói để quy chiếu các vận động chưa thành hình của tâm hồn con người vào các hình thức của lời nói mà ai cũng hiểu.” [33, 271]. Độc thoại nội tâm suy cho cùng cũng là một quá trình chịu sự tác động của dòng chảy ý thức nên hình hài cũng như thanh âm của nó đơn giản chỉ là một hình dung hỗn độn trong dòng ý thức của nhân vật.

Cũng trong cuốn Dẫn luận nghiên cứu văn học, Pôxpêlôp đã nhận định: “Độc thoại nội tâm trong các tác phẩm của Folkner lại có nhiều bình diện. Các lời độc thoại - đối đáp ngắn gọn của cùng một nhân vật có khi trực tiếp đuổi theo nhau. Văn bản ở đây dường như là sự ghi chép lần lượt những gì nhân vật thốt lên thành tiếng; những gì nó suy nghĩ; những gì xuất hiện trong chốc lát, lần đầu (không lời) trong ý thức nhân vật; những gì nó đã biết trước kia trực tiếp bằng tình cảm chứ chưa phải bằng trí tuệ; và những gì nhân vật thoáng nhớ lại hiện thời. Một số lời và câu nào đó nói lên đặc điểm của các lớp ý thức sâu thẳm của nhân vật được Folkner nhấn mạnh bằng gạch dưới (đó thường là các lời độc thoại “chưa hoàn thành”). [33, 273]. Trường hợp tác phẩm Khi tôi nằm chết, những lời độc thoại nội tâm có lẽ cũng không nằm ngoài quy luật này. Khi khảo sát toàn bộ tác phẩm, chúng tôi nhận thấy những lời độc thoại nội tâm tồn tại khắp nơi, nó vừa là lời trần thuật trong suốt 59 phần tường thuật của 15 nhân vật trực tiếp nói với chính mình, vừa là lời của những nhân vật (trực diện hoặc không trực diện) được đề cập qua điểm nhìn của chủ thế trần thuật ấy. Do đó, những lời đối thoại và độc thoại đều nằm trong những lời của độc thoại nội tâm và ngược lại, và chịu sự chi phối mạnh mẽ của dòng chảy ý thức, tạo nên tính tự nhiên và chân thực của đời sống nội tâm nhân vật.

Vì dòng ý thức của nhân vật bao gồm trong đó cả phần ý thức và vô thức, nên độc thoại nội tâm thể hiện qua hai dạng: độc thoại nội tâm trong ý thức và độc thoại nội tâm trong vô thức.

3.2.2.1. Độc thoại nội tâm trong ý thức

            Độc thoại nội tâm trong ý thức được hiểu một cách đơn giản là những ý nghĩ của nhân vật chưa thành hình kể cả thành hình xuất hiện trong dòng chảy của nhân vật một cách có ý thức. Nhân vật xác định được mình suy nghĩ gì, có điều nó không được thốt ra thành lời như đối thoại và độc thoại mà thôi.

            Ngay từ những phần trần thuật đầu tiên của Darl ở đầu tác phẩm, những lời độc thoại nội tâm được hiện lên trong điểm nhìn trần thuật của anh “Một thợ một giỏi. Addie Bundren chắc chẳng mong có một chiếc hộp tốt hơn thế này để nằm vào. Nó sẽ làm cho bà thêm tự tin và được an ủi.”. Và nó tồn tại bất chợt trong dòng suy nghĩ của Darl một cách có ý thức, bởi vì Darl biết rằng bà Addie sẽ cần nó và ý nghĩ ấy xảy ra tức thời trong dòng ý thức của chính Darl. Khi nhìn thấy Cash đóng búa và cưa cái hòm chết tiệt thì trong dòng ý thức của Jewel hình thành một suy nghĩ dưới dạng độc thoại nội tâm mà ngay chính Jewel vẫn ý thức được “Chỗ ấy chắc má phải nhìn thấy anh ấy. Ở đó mỗi hơi thở của má chất đầy những tiếng cưa tiếng búa, ở đó má có thể nghe tiếng anh ấy bảo: Xem này. Xem này, xem cái đồ con đóng cho má có đẹp không này.” Và dĩ nhiên, ý thức của Jewel thì hoàn toàn không muốn điều đó xảy ra. Lời độc thoại nội tâm có ý thức cũng được thể hiện qua dòng ý thức từ Cora khi bà đặt ra một giả định bà cũng sẽ chết đi nhưng không tiện nói ra trong lúc đối thoại với chồng của bà “…khi tôi nằm xuống trong ý thức về bổn phận và sự tưởng thưởng của tôi, tôi sẽ được vây quanh bởi những khuôn mặt thân yêu mang đến cái hôn từ biệt của mỗi người thân yêu làm thành sự đền bù cho tôi. Không như bà Addie Bundren chết cô độc cố giấu niềm kiêu hãnh và nỗi lòng tan nát. Vui vẻ ra đi. Nằm đó ngóc đầu lên để có thể nghe được tiếng thằng Cash đóng quan tài cho bà ấy, phải nhìn nó để nó khỏi làm qua loa, có lẽ, với những người đàn ông chẳng lo lắng gì ngoài việc làm sao kiếm thêm cho được ba đô la trước khi trời đổ mưa và dòng sông lên quá cao không vượt qua được. Có lẽ, nếu họ không nhất quyết phải bốc xếp xe gỗ cuối cùng ấy thì họ đã có thể đặt bà ấy lên xe ngựa trên một tấm chăn và qua sông trước đã rồi sau đó mới dừng lại cho bà ấy có thời gian để chết, như thể họ để cho bà ấy chết cái chết của người công giáo.”

Lời độc thoại nội tâm của Peabody khi ông ý thức về cái chết “Tôi nhớ khi tôi còn trẻ tôi tin rằng chết là một hiện tượng của thân thể; bây giờ tôi biết nó chỉ là một chức phận của linh hồn - và chức phận linh hồn của những người chịu cảnh mất người thân. Những kẻ hư vô chủ nghĩa nói nó là kết thúc, những kẻ chính thống chủ nghĩa nói nó là khởi đầu; trong khi thật ra nó không hơn một kẻ tá điền đơn độc hay một gia đình rời khỏi một đất đai hay một thị trấn.”

Khi bà Addie chết, qua lời trần thuật của Darl và trong hình dung có ý thức của Darl trong lời trần thuật cũng chính là những lời độc thoại nội tâm hợp với lôgic tâm lý Dewey Dell như thể đọc được ý nghĩ của cô vậy “Nó sẽ ra ngoài nơi Peabody đang đứng, nơi nó có thể đứng trong bóng tối chạng vạng và nhìn vào lưng ông với vẻ khẩn thiết đến mức, cảm thấy nó đang nhìn ông, ông quay lại và ông sẽ nói: Tôi sẽ không để nó làm tôi đau lòng tôi lúc này đâu. Bà ấy già, lại đau ốm nữa. Đau khổ hơn điều chúng ta biết. Bà ấy sẽ không khỏi được. Thằng Vardaman bây giờ đã lớn rồi, và cùng với cháu chăm sóc tốt cho mọi người. Tôi sẽ cố không để cho nó làm tôi đau buồn. Tốt nhất cháu đi mà làm bữa ăn tối đi. Không cần làm nhiều đâu. Nhưng mọi người phải ăn, và nó đang nhìn ông ấy như muốn nói ông có thể làm thật nhiều cho tôi miễn chỉ cần ông làm. Chỉ cần ông biết. Tôi là tôi và ông là ông tôi biết thế mà ông không biết thế và ông có thể làm thật nhiều cho tôi miễn chỉ cần ông làm và nếu ông làm thì tôi có thể nói với ông và khi đó không ai biết ngoài ông, tôi và Darl.”. Lời độc thoại nội tâm này một mặt nằm trong sự kiểm soát của ý thức, mặt khác, hỗn độn trong vô thức, các ý nghĩ dính chặt vào nhau. Và đúng như thế, trong phần trần thuật của mình, Dewey Dell đã suy nghĩ như vậy qua những dòng độc thoại nội tâm tư duy bằng hình ảnh “Ông ấy có thể làm thật nhiều cho tôi nếu chi cần ông ấy làm. Ông ấy có thể làm tất cả cho tôi. Đối với tôi giống như tất cả mọi thứ trên đời nằm bên trong cái chậu đầy lòng mề, do đó người ta có thể tự hỏi làm thế nào trong đó có chỗ cho bất cứ cái gì khác quan trọng nữa. Ông ấy là một cái chậu lòng to và tôi là một cái chậu lòng bé và nếu không còn chỗ nào cho bất cứ cái gì khác quan trọng trong cái chậu lòng to thì làm sau có thể có chỗ trong cái chậu lòng bé. Nhưng tôi biết có đấy bởi vì Chúa cho đàn bà một dấu hiệu khi có chuyện xấu xảy ra.”

            Những dòng độc thoại nội tâm cũng được xuất hiện trong dòng ý thức từ lời trần thuật của người đã chết là bà Addie. Những lời độc thoại nội tâm bộc lộ ý nghĩ sâu thẳm của bà về Anse bằng một sự lý giải của ý thức “Lão không biết rằng lúc đó lão đã chết. Đôi khi tôi nằm bên lão trong bối tối, lắng nghe đất bây giờ đã là máu thịt tôi, và tôi nghĩ: Anse. Sao lại là Anse. Tại sao ông là Anse. Tôi đã nghĩ về cái tên của lão hồi lâu cho đến khi tôi có thể thấy cái từ ấy như một hình dáng, một cái chậu và tôi thấy lão biến thành nước chảy vào đó giống như mật đường lạnh từ bóng tối chảy vào cái chậu ấy, cho đến khi chiếc bình đầy và đứng yên: một hình dạng có ý nghĩa sâu mà không có sự sống giống như một khung cửa trống không; và lúc đó tôi thấy rằng tôi đã quên tên chiếc bình. Tôi nghĩ: hình dạng của thân thể tôi khi tôi còn là con gái trinh là hình dạng của một   và tôi không thể nghĩ Anse, không thể nhớ Anse. Không phải tôi có thể nghĩ về bản thân tôi như không còn trinh, bởi vì tôi còn đây. Và khi tôi nghĩ Cash và Darl theo cách đó cho đến khi tên của chúng chết đi và hóa cứng thành một hình dạng và sau đó mờ đi, tôi nói, Thôi được. Điều đó không quan trọng. Người ta gọi chúng là gì không quan trọng.”

Khi nghĩ về tội lỗi của mình với Whitfield , Addie ý thức được “Tôi đã nghĩ về ông ấy như tôi nghĩ về tôi cũng ăn mặc bằng tội lỗi, ông ấy trông đẹp hơn vì quần áo mà ông ấy đổi lấy tội lỗi đã được thánh hóa. Tôi đã nghĩ về tội lỗi như quần áo mà chúng tôi cởi bỏ ra để nặn và ép dòng máu khủng khiếp thành tiếng vọng đau khổ của cái từ chết choc cao trên không trung. Rồi tôi lại nằm với Anse - tôi không nói dối lão: tôi chỉ từ chối như tôi đã từ chối bầu sữa với Cash và Darl, khi chúng đã lớn - nghe mặt đất tối tăm nói những lời vô thanh.”. Bà ý thức được điều mình làm và bà đã không giấu giếm Anse “Tôi đã cố gắng để không lời dối ai. Với tôi sao cũng được. Tôi chỉ cẩn thận những gì ông ấy nghĩ cần cho ông ấy, không phải cho sự an toàn của tôi, mà chỉ như tôi ăn mặc chỉnh tề trước mọi người. Và trong lúc Cora nói với tôi, tôi nghĩ rằng với thời gian, những từ ngữ chết cao cả dường như còn vô nghĩa hơn cả những âm thanh chết của chúng. Rồi tất cả kết thúc. Kết thúc theo nghĩa ông ấy ra đi và tôi biết điều đó, lại gặp ông mặc dù không bao giờ còn thấy ông ấy vội vã và bí mật với tôi trong rừng, trang phục bằng tội lội giống như áo quần lịch sự đã bị thổi bay đi bởi tốc độ đi đến bí mật của ông. Nhưng với tôi đó không phải là hết. Tôi muốn nói hết theo cái nghĩa bắt đầu và kết thúc, bởi vì đối với tôi lúc đó chẳng có cái gì bắt đầu mà cũng chẳng có cái gì kết thúc.” Như thế, những lời độc thoại nội tâm được bao bọc bởi lớp vỏ của ý thức hết sức cứng cáp và mạnh mẽ. Addie ý thức được sự trôi chảy của thời gian gắn liền với cuộc đời rằng, không có gì là mãi mãi.

Những lời độc thoại nội tâm cũng chính là những lời trần tình, bộc bạch tâm sự dưới sự tác động của dòng chảy ý thức được cất lên từ nội tâm nhân vật như một cuộc đối thoại với chính họ. Tất cả cũng chỉ để hướng đến một ai đó (kể cả chính mình) đang chăm chú lắng nghe và sẵn sàng để chia sẻ. Cũng chính vì vậy, những lời độc thoại nội tâm vẫn luôn hiện hữu trong dòng ý thức của nhân vật và nhân vật vẫn luôn ý thức rất rõ trạng thái nội tâm của chính mình.

3.2.2.2. Độc thoại nội tâm trong vô thức

Trong đời sống tinh thần con người, ngoài thế giới ý thức ra vẫn còn tồn tại trong đó thế giới vô thức. Địa hạt vô thức chiếm phần lớn tâm tư con người và được biểu hiện thông qua trạng thái không bình thường trong tâm lý nhân vật, sự lỡ lời, những hồi ức, giấc mơ…

Độc thoại nội tâm vô thức tồn tại dưới dạng khi một nhân vật nhớ lại một điều gì đó trong hồi ức, có thể là một kỷ niệm hay một ám ảnh đối với nhân vật. Khi Darl nhúng bầu vào gầu nước và uống, mặc cho Anse hỏi “Thằng Jewel đây?”, dòng hồi ức của anh quay về với tuổi thơ qua lời độc thoại nội tâm:

“Khi còn bé tôi lần đầu biết uống nước ngon hơn biết bao nhiêu khi được đựng một lúc trong chiếc gầu bằng gỗ tuyết tùng. Hơi ấm, với một mùi ngai ngái như cơn gió nóng tháng Bảy mang mùi của những cây tuyết tùng. Cần phải ngâm ít nhất sáu tiếng, và uống bằng một chiếc bầu. Đừng bao giờ nên uống nước từ đồ đựng bằng kim loại.

Và ban đêm thì yên tĩnh hơn. Tôi thường nằm trên nệm rơm trong gian sảnh, đợi đến khi nghe thấy mọi người đã ngủ cả, lúc ấy tôi có thể dậy và quay ra chỗ gầu nước. Trời rất tối, ngoài thềm tối, mặt nước phẳng lặng một lỗ tròn trong hư không, đó là nơi trước khi tôi khuấy cho nó thức bằng một chiếc gáo tôi có thể thấy lúc thì một hai ngôi sao trong gầu, lúc thì một hai ngôi sao trong gáo trước khi tôi uống. Sau đó tôi thấy mình lớn lên, già đi. Lúc đó, tôi đợi cho mọi người đi ngủ cả, để tôi có thể nằm kéo vạt áo sơ mi lên, nghe họ ngủ, tự cảm thấy thân thể mình mà không cần sờ vào người mình, cảm thấy cái im lặng mát mẻ thôi qua người, qua đầu mình chân tay và tự hỏi không biết anh Cash ở đằng kia trong bóng tối có đang làm thế không, hay vẫn làm thế cả hai năm nay rồi, trước khi tôi muốn làm và có thể làm thế.”

Những lời độc thoại nội tâm được qua dòng hồi ức của Tull khi nghe Anse nói “Bà ấy sắp đi rồi” đã gợi về sự ra đi của mẹ ông “…đến một ngày bà nhìn quanh và sau đó bà đi và nằm xuống trên giường rồi kéo chăn lên và nhắm mắt lại. “Các con phải chăm sóc bố cho thật tốt,” Bà nói “Tôi mệt quá” cũng được hiện lên một cách vô thức.

Khi nhìn thấy Cash đóng đinh mẹ vào hòm, Vardaman có những dòng độc thoại nội tâm hết sức vô tư trong lớp vỏ vô thức của ý thức: “Đó không phải là bà ấy. Tôi đứng đó, nhìn. Tôi đã thấy. Tôi nghĩ đó là bà ấy, nhưng không phải. Đó không phải là mẹ tôi. Bà đi đâu mất khi có một người nào khác nằm vào giường bà và kéo chăn lên. Bà đi đâu mất rồi, “Liệu bà có lên tận thành phố không?” “Bà ấy đi xa hơn thành phố” “Liệu những con thỏ ấy và những con ôpôt ấy có đi xa hơn thành phố không?” Chúa tạo ra những con thỏ và những con ôpôt. Ngài làm ra mưa. Tại sao Ngài phải làm ra một chỗ khác cho chúng đến nếu bà ấy chỉ là một con thỏ. Và thế là Cash đóng đinh cái hòm rồi, bà ấy không phải là con thỏ... Và như vậy nếu bà ấy không phải là con thỏ bà ấy không thể thở trong cái hòm ấy và Cash sắp sửa đóng đinh nó lại. Và như vậy nếu bà ấy để cho anh ấy đóng đinh thì đó không phải là bà ấy. Tôi biết. Tôi ở đó mà. Tôi thấy khi đó không phải là bà ấy. Tôi đã nhìn thấy. Họ nghĩ đó là bà ấy và Cash đóng đinh nó lại.”

Những lời độc thoại nội tâm vô thức còn được thể hiện qua một tình trạng bất ổn trong tâm lý của nhân vật Dewey Dell. Đó là một nỗi ám ảnh trong tâm thức của cô, khiến cô luôn trong trạng thái lo âu, lời nói và hành động của cô chỉ được thốt lên qua sự cảm nhận, hình dung trong trạng thái hồi ức và tưởng tượng trộn lẫn vào nhau thành lời:

 “Giả sử tôi bảo anh ấy quay lại. Anh ấy sẽ làm như tôi nói. Anh ấy có biết anh ấy làm theo những gì tôi nói hay không? Có lần tôi đã ngồi thức với một khoảng trống đen ngòm đổ xô vào bên dưới tôi. Tôi không thể nhìn. Tôi không thể thấy Vardaman đứng lên ra chỗ cửa sổ và cố gắng đâm dao vào con cá, máu nó phun vọt ra, xì xì như hơi nước nhưng tôi không thể nhìn. Anh ấy sẽ làm như tôi nói. Anh ấy luôn luôn nhìn thế. Tôi có thể thuyết phục anh ấy làm bất cứ việc gì. Anh biết là tôi có thể mà. Giả sử tôi bảo quay lại đây. Đó là khi tôi chết lúc đó. Giả sử tôi nói. Chúng ta sẽ đi New Hope. Chúng ta sẽ không được vào thành phố. Tôi đứng lên và cầm lấy con dao từ con cá đang phun trào máu vẫn đang xì xì, và tôi giết Darl.”

Rồi cho đến ngôn ngữ của giấc mơ, những dòng độc thoại của Dewey Dell giống như viết lại dòng hồi ức của giấc mơ vô định vị, cho nên khó nắm bắt nhưng dường như vẫn tồn tại đâu đó trong tâm thức của Dewey Dell, khiến cô hồi tưởng lại những “ám ảnh” và những kí ức đã từng xảy ra trong giấc mơ vốn từng tồn tại trong quá khứ:

“Trước đây khi tôi thường ngủ với Vardaman, có lần tôi có một cơn ác mộng lúc đó tôi nghĩ là tôi đang thức nhưng mà tôi không thể nhìn không thể cảm, tôi không cảm thấy chiếc giường bên dưới tôi, tôi không thể nghĩ tôi là ai, tôi không thể nghĩ đến tên của tôi thậm chí tôi không thể nghĩ tôi là con gái, không thể ngay cả nghĩ rằng tôi muốn thức dậy, cũng không thể nhớ ra ngược lại với thức là gì, bởi vậy tôi có thể làm điều tôi biết là có cái gì đó đang đi qua nhưng thậm chí tôi không thể nghĩ về thời gian rồi bỗng nhiên tôi biết rằng có một cái gì đó chính là gió đang thổi vào người tôi nó giống như gió đến và thổi tôi ngược về nơi chính là tôi không phải đang thổi căn phòng và Vardaman đang ngủ và tất cả chúng lại ngược trở lại bên dưới tôi và tiếp tục giống như một mảnh lụa mát lạnh kép qua hai chân để trần của tôi.”. Dường như Dewey Dell không ý thức được trạng thái của mình là đang thực hay đang mơ, nó dường như mơ hồ trong dòng hồi tưởng của cô.

Một trong những đoạn độc thoại nội tâm thể hiện tính chất tức thời của dòng chảy ý thức tồn tại một cách vô thức đã được Faulkner viết ra bằng ý nghĩ của Vardaman. Khi gặp sự cố nước lũ, chiếc quan tài bị nước xoáy cuốn trôi, Vardaman đã có những hốt hoảng trong ý thức hỗn độn giống như dòng nước lũ chảy xiết được thể hiện qua những lời trần thuật cũng chính là lời đối thoại, độc thoại một chiều, đây chính là lời độc thoại nội tâm mang tính vô thức, không kiểm soát được lời nói của mình. Dòng ý thức của  Vardaman vô cùng miên man:

“Cash cố gắng nhưng bà ấy bị rơi xuống và Darl nhảy phốc xuống lội trong nước và Cash la lên nắm lấy bà ấy và tôi vừa la vừa chạy và la và Dewey Dell la tôi Vardaman mày vardaman mày vardaman, và Vernon chạy vượt qua tôi vì ông ta vừa thấy bà nổi lên và bà ấy lại chìm xuống nước và Darl vẫn chưa bắt đươc bà ấy.

Anh ấy đến gần để nhìn tôi và tôi la lên tóm lấy bà ấy Darl tóm được bà ấy và anh ấy chưa trở lại vì bà ấy quá nặng anh ấy vẫn còn phải tiếp tục nắm chắc bà ấy và tôi la lên tóm lấy bà ấy darl tóm lấy bà ấy darl bởi vì trong nước bà ấy có thể đi nhanh hơn một người đàn ông và Darl phải mò tìm bà ấy vì thế tôi biết anh ấy có thể tóm được bà ấy bởi vì anh ấy là người mò giỏi nhất ngay cả với những con la theo cái cách chúng nó lại lặn lên những cái chân cứng quèo giơ lên lại đổ xuống và bây giờ lưng chúng nổi lên và Darl lại phải làm lại bởi vì trong nước bà ấy có thể đi nhanh hơn một người đàn ông hay một người đàn bà và tôi đi qua Vernon và ông ấy không lội xuống nước giúp Darl ông ấy có thể mò bà ấy cùng với Darl ông ấy biết nhưng đã không giúp.

Nhưng con la lại lặn lên lần nữa lặn những chân của chúng đơ ra những chân cứng đơ của chúng ngả xuống từ từ và Darl lại một lần nữa và tôi la tóm lấy bà  ấy Darl đẩy vào ấy vào bờ Darl và Vernon không giúp và sau đó Darl né tránh qua những con la ở chỗ anh ấy có thể anh ấy tóm được bà ấy dưới nước đưa vào bờ đưa vào chầm chậm bởi vì ở dưới nước bà ấy vùng vẫy để ở lại trong nước nhưng Darl khỏe hơn nên anh ấy đang đưa chầm chậm vào và bởi vậy tôi biết anh ấy đã tóm được bà bởi vì anh ấy đi chậm và tôi chạy xuống nước để giúp và tôi không thể ngừng la bởi vì Darl khỏe và đang nắm chắc bà ấy dưới nước ngay cả bà ấy quẫy anh ấy cũng không buông bà ra anh ấy đang nhìn tôi và anh ấy đã nắm được bà ấy và bây giờ ổn rồi bây giờ ổn rồi bây giờ ổn.”

Những hình ảnh, sự kiện bị biến dạng bởi lớp ngôn từ phi lôgic thốt ra từ dòng suy nghĩ liên miên, nối đuôi nhau tuôn trào dữ dội như một sự lặp đi lặp lại cấu trúc ý nghĩ giống như một điệp khúc không ngớt và buông ra một cách vô thức. Dòng chảy ý thức của Vardaman cho thấy tính chất tức thời của ý thức như thể cậu bé đang viết chính tả cho suy nghĩ bằng lớp ngôn từ vô thức không đầu không đuôi không chấm không phẩy và phân biệt với nhau bằng những khoảng trống vô định vị của của dòng ý thức bất định. Vì thế mà tạo nên tính tự nhiên và chân thực trong dòng chảy ý thức của Vardaman.

Có vẻ như những lớp ngôn từ vô thức chủ yếu được thể hiện qua những lời độc thoại nội tâm của một đứa bé vô tư nhưng lúc nào cũng suy nghĩ về một điều gì đó ám ảnh. Chẳng hạn như khi có một bí mật bị kìm nén, Vardaman tỏ ra ức chế, trong ý nghĩ lúc nào cũng trực chờ những câu nói độc thoại thoại tâm như thế này:

“Và tôi thấy một chuyện mà chị Dewey Dell bảo tôi đừng nói với ai.”

“Và tôi thấy một chuyện mà chị Dewey Dell bảo tôi đừng nói với ai. Chuyện ấy không phải về bố và nó không phải về anh Cash và nó không phải về anh Jewel và nó không phải về chị Dewey và nó không phải về tôi.”

“Khi tôi đi tìm xem chúng lưu lại ở đâu vào ban đêm, tôi thấy một chuyện.”

“Khi tôi đi tìm xem chúng lưu lại ở đâu vào ban đêm, tôi thấy một chuyện mà Dewey Dell bảo tôi đừng nói với ai.”

Những từ được lặp lại trong vô thức “tôi thấy một chuyện mà Dewey Dell bảo tôi đừng nói với ai.” cứ thế mà tuôn ra không dứt. Điều này cũng được lặp lại khi Darl bị người bắt đi Jackson, Vardaman có những suy nghĩ hỗn độn trong vô thức qua những lời độc thoại nội tâm rất cảm động:

“Anh ấy đã đi Jackson rồi. Anh ấy vừa bị điên lại vừa phải đi Jackson. Nhiều người không điên. Chúng tôi chưa bao giờ điên. Bố và anh Cash và anh Jewel và chị Dewey Dell và tôi không điên. Chúng tôi cũng không bao giờ đi Jackson. Darl.”

“Anh tôi là Darl. Anh ấy đi Jackson bằng tàu hỏa. Không phải anh ấy bị điên trên tàu hỏa. Anh ấy đã bị điên trên chiếc xe ngựa của chúng tôi. Darl.”

Ở cuối tác phẩm, qua lời trần thuật của Darl, Faulkner cho thấy những đoạn đối thoại mà nhân vật tự nói với chính mình như một sự phân thân nói cho phần con người khác bên trong nghe trong sự lặng câm và đơn côi của dòng chảy ý thức Darl:

“Darl đã đi Jackson. Họ ném nó lên tàu hỏa, nó cười, cười trên suốt đoàn tàu dài, đầu nó quay như đầu một con cú khi nó đi qua. “Mày đang cười cái gì thế?”

“Vâng, vâng, vâng, vâng, vâng.”

“Mày cười những khẩu súng kia phải không?” tôi nói. “Tại sao mày cười?” Tôi nói. “Có phải vì mày ghét những tiếng cười không?”

Darl là anh em của chúng ta, người anh em Darl. Người anh em Darl của chúng ta đang ngồi trong nhà giam ở Jackson nơi những bàn tay càu ghét của nó đặt nhẹ nhàng trong khoảng hở im lặng giữa các song sắt, nòi sùi bọt mép nhìn ra xa.

“Vâng, vâng, vâng, vâng, vâng, vâng, vâng, vâng.” như một sự kéo dài của ý nghĩ ngập chìm trong khoảng trống vô định của ý thức Darl.

            Những lời độc thoại nội tâm bao bọc bởi lớp ý nghĩ trong vô thức còn được Faulkner biểu hiện dưới một hình thức cụ thể trong lời đối thoại, độc thoại của nhân vật khi đối đáp với nhân vật khác. Có những lời và câu văn nói lên đặc điểm của các lớp ý thức sâu thẳm của nhân vật được Faulkner nhấn mạnh bằng kí hiệu dấu “gạch dưới” để biểu thị cho một ý nghĩa “chưa hoàn thành” và có thể không tiện nói ra.

            Cuộc đối thoại giữa Peabody và Anse qua lời trần thuật của Peabody đã cho thấy điều này. Khi Peabody đến và chữa bệnh cho bà Addie, Anse hỏi Peabody:

            “Ông đã bẩu với bà ấy chưa?” Anse nói.

            “Để làm gì?” Tôi nói “Để làm quỷ gì nhỉ?”

            “Bà ấy sẽ biết. Tôi biết rằng khi bà ấy nhìn ông bà ấy sẽ biết, như đọc trong bụng ông. Ông không cần nói với bà ấy. Trí óc bà ấy_”

Kí hiệu dấu gạch dưới trong lời nói của Anse “Trí óc bà ấy_” … mà Anse chưa thể hình dung được hoặc không biết sẽ nói như thế nào trong ý nghĩ, và có thể sau đó Anse sẽ suy nghĩ tiếp về câu nói đó, kể cả ông Peabody (và người đọc) nữa.

Hãy quan sát diễn biến tâm lý của Dewey Dell khi nghe ông Samson khuyên Anse quay trở lại New Hope để chôn bà Addie càng sớm càng tốt. Dewey Dell tỏ vẻ không đồng ý và đối thoại cùng với Anse qua điểm nhìn trần thuật của Samson:

            “Bố đã hứa với bà ấy”, nó nói. “Bà ấy đã không đi cho đến khi bố hứa. Bà ấy nghĩ bà ấy có thể tin vào ông. Nếu ông không làm, ông sẽ bị nguyền rủa.”

            “Không ai có thể nói tao không giữ lừa hứa,” Bundren nói. “Trái tim tao mở cho mọi người xem.”

            “Con không cần biết trái tim bố là cái gì.” Nó nói thì thầm, nói nhanh, mê mải. “Bố đã hứa với bà ấy. Bố phải làm. Bố _”. Đúng lúc đó nó trông thấy tôi và ngừng nói, đứng đó.”

            Trong tâm thức của Dewey Dell, Anse phải giữ lừa hứa với mẹ. Cô không kiểm soát được lời nói: khi thì gọi là bố, khi thì gọi là ông. Đặc biệt, trông thấy Samson, Dewey Dell ngập ngừng, chỉ nghe gọi “Bố _” rồi im lặng. Dấu gạch chân như một ký hiệu cho lời nói chưa hoàn thành của Dewey Dell, không thể thốt nên lời.

            Như vậy, độc thoại nội tâm trong vô thức là phương diện thể hiện thế giới nội tâm con người vô cùng phức tạp. Nó phức tạp hơn cả dạng độc thoại nội tâm trong ý thức, nó bộc lộ một tâm thức sâu thẳm khôn cùng bị chìm lắp dưới cái hữu thức tạo nên dòng suy tư lộn xộn, rối rắm, các ý nghĩ dính chặt vào nhau không kiểm soát được, hoặc những lời chưa hoàn thành và vẫn còn mung lung trong suy nghĩ, cũng như một sự đấu tranh nội tâm hết sức dữ dội từ ý thức nhân vật. Nói như Faulkner thì “trái tim con người đang gây hấn với chính nó”, hết sức phức tạp và không sao hiểu nỗi.

3.3. Nhân vật trong Khi tôi nằm chết dưới góc nhìn phân tâm học

3.3.1. Học thuyết phân tâm học về cái vô thức trong việc sáng tạo nhân vật

            Ở chương một, trong khi tìm hiểu sự hình thành khái niệm dòng ý thức, chúng tôi phát hiện khái niệm này được đề xuất trong tâm lý học; dòng ý thức đó tác động mạnh mẽ đến đời sống tinh thần con người và về sau ảnh hưởng đến quá trình sáng tạo văn học. Đến chương hai và chương ba, chúng tôi cũng tự ý thức được rằng dòng ý thức như một kỹ thuật chi phối đến việc tổ chức tác phẩm (kết cấu, cốt truyện, điểm nhìn, giọng điệu và xây dựng nhân vật) mà biểu hiện của nó được thể hiện qua các hình thức của lời nói nhân vật ở dạng đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm. Suy cho cùng, đến một mức độ nào đó, độc thoại nội tâm cũng chính là dòng ý thức, vừa tồn tại ở dạng ý thức, vừa nằm trong vô thức. Và dạng độc thoại nội tâm trong vô thức này chính là mảnh đất rộng lớn giúp khám phá thế giới vô thức với những ẩn ức sâu thẳm bên trong tâm thức nhân vật.

Để sáng tạo ra một tác phẩm tinh thần, bộc lộ đời sống tâm lý, nội tâm của nhân vật, nhà văn trước hết phải là một nhà tâm lý bên trong họ, giống như có một nhà tâm lý giấu mặt điều khiển dòng chảy ý thức của nhà văn trong quá trình tạo ra thế giới nhân vật. Tác phẩm Khi tôi nằm chết đơn giản chỉ là một tác phẩm tinh thần của dòng chảy ý thức, chịu sự tác động của dòng chảy ý thức như là một kỹ thuật để xây dựng con người trong đó, đặc biệt là “cõi ý thức” sâu thẩm bao bọc trong lớp vỏ vô thức. Và để khám phá lớp vỏ vô thức ấy, lúc bấy giờ, có một học thuyết ra đời vào đầu thế kỷ XX, như một cú hích tâm lý học chuyên nghiên cứu các hoạt động tinh thần của con người. Đó là học thuyết phân tâm học của Sigmund Freud. Với tư cách là một bác sĩ chữa bệnh thần kinh loạn hay chứng ẩn ức, và với những kinh nghiệm tích lũy trong điều trị thần kinh,           S. Freud đã nêu ra phương pháp điều trị mới là phân tâm học. Phân tâm học trở thành như một hệ thống lý thuyết lý giải cơ cấu tâm lý con người, mà trước hết như một học thuyết khám phá và trình bày cái vô thức. Trong phần này, chúng tôi vận dụng học thuyết phân tâm học của Freud về cái vô thức để giải mãi đời sống tâm lý với những ẩn ức sâu thẳm bị dồn nén bên trong tâm thức của nhân vật.

Các nhân vật trong tác phẩm Khi tôi nằm chết bước đi trong cuộc đời cũng là hành trình tìm lại bản ngã của mình, tìm lại giá trị bản thân cho một cuộc đời bị đánh cắp từ cấp độ ý thức cho đến vô thức ấy. Phân tâm học Freud có vai trò quan trọng khi góp phần giải mã hành vi tâm lý của con người và phát giác ra những vùng tối của vô thức.           S. Freud đã chia hoạt động tinh thần của con người thành ba cấp độ bao gồm: tự ngã (id, ca), bản ngã (ego, moi), siêu bản ngã (superego, surmoi). Trong đó, cái tự ngã chính là cái khát dục, phần nhân cách tăm tối mà ta chỉ có thể cảm nhận chứ không thể biết được. Khi ta sinh ra, cái tự ngã có sẵn, mục đích chính của chúng là để thỏa mãn những dục tính mà không cần biết đến hậu quả. Cái bản ngã là bộ phận có tổ chức của nhân cách có nhiệm vụ kiềm hãm các ham muốn của tự ngã, sửa đổi để nó phù hợp với những luân lý của xã hội. Còn cái siêu bản ngã được hiểu là tâm thức đạo đức của con người, là tầng cao nhất của ý thức cá nhân con người, hoạt động theo nguyên tắc ý thức về lương tâm, đạo lý, về sự thưởng phạt… trong xã hội. Mô hình hoạt động tinh thần của con người này chính là sự đấu tranh giữa ý thức và vô thức: khi ý thức (bản ngã) thắng thì cái “siêu bản ngã’ cảm thấy thoải mãi, dễ chịu; khi ý thức thua, bị vô thức kìm hãm thì cái “siêu bản ngã” sẽ cảm thấy lo lắng, tội lỗi và áy náy với lương tâm.

Phân tâm học xem vô thức một chiếm phần lớn trong tâm tư con người. Nói như nguyên lý “tảng băng trôi” của  Hemingway thì ý thức chỉ là phần nhô lên trên mặt nước của cả một núi băng mà 9 phần 10 chìm dưới mặt nước biển, phần còn lại chính là “cõi vô thức” hay còn gọi là “tàng thức”. Có thể hiểu đơn giản, vô thức là những ý nghĩ không nhận ra được, ẩn náu trong cõi lòng sâu kín, nhưng chi phối mạnh mẽ hành vi của con người. Vì vô thức là tàng thức nên vô thức không bao giờ xuất hiện ra nguyên hình; vô thức khi ẩn khi hiện nên còn gọi là tiềm thức. Có thể thấy, vô thức mà Freud đề cập đến là những ham muốn, chủ yếu là ham muốn tính dục bị ẩn khuất trong cõi lòng sâu kín và được ngụy trang bởi giấc mơ. Sự tác động của vô thức đối với đời sống tâm lý con người vô cùng mạnh mẽ, chi phối toàn bộ lời nói, cử chỉ, hành động của họ. Do bị chìm vào bên trong, nằm ngoài tầm kiểm soát của ý thức nên vô thức có thể bùng phát bất cứ lúc nào và có thể điều khiển ngược lại cả ý thức. Vô thức được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau thông qua những trạng thái không bình thường về tinh thần, sự lỡ lời, những hồi ức, những giấc mơ,… Bản chất của những biểu hiện ấy chính là sự che đậy của những khát khao, ham muốn (cái ấy, cái tự ngã) mà trong xung đột với cái tôi (bản ngã), chúng bị đẩy vào tình thế dồn nén, ẩn ức. Do đó, vô thức nhân vật được hình thành khi họ vấp phải những ràng buộc thực tế khiến họ không thể giải quyết được dẫn đến bị dồn nén, tạo ra ẩn ức. Căn cứ vào những biểu hiện của cái vô thức mà Freud đề cập đến, chúng tôi nhận thấy những ham muốn, khát khao, phần nhân cách “tăm tối” bên trong mà các nhân vật trong tác phẩm Khi tôi nằm chết gặp phải do chịu sự xung đột với cái tôi “bản ngã” nên đã bị đẩy vào tình thế ẩn ức trong tâm thức của họ. Có thể Faulkner đã trực tiếp vận dụng học thuyết của Freud trong quá trình sáng tạo hoặc gián tiếp ảnh hưởng, nhưng điều đó không quan trọng. Xét một dưới một góc độ tâm lý, Faulkner vốn là một nhà văn, trái tim ông có một nhà tâm lý “giấu mặt” nên ông nhìn thấu bản chất tâm lý bên trong con người. Vì thế, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra những tác phẩm của Faulkner đều có mối liên hệ chặt chẽ với phân tâm học.

Nhân vật trong tác phẩm Khi tôi nằm chết có suy nghĩ và cảm xúc không chỉ nảy sinh từ các mối quan hệ ràng buộc mà những suy nghĩ và cảm xúc ấy còn chất chứa ở một góc bí ẩn nào đó trong tâm thức của họ. Faulkner đã để cho nhân vật suy nghĩ rất nhiều, hầu như suốt độ dài tác phẩm đều được trần thuật lại qua dòng ý thức của nhân vât, lúc nào họ cũng tự bao bọc mình bằng những lớp vỏ ý thức và vô thức. Suy cho cùng, thế giới nhân vật trong tác phẩm Khi tôi nằm chết luôn chìm trong vô thức cá nhân. Chính vì thế, chúng tôi chọn học thuyết phân tâm học của Freud về cái vô thức để làm rõ những ẩn ức sâu thẳm trong tâm thức nhân vật.

3.3.2. Những ẩn ức sâu thẳm trong tâm thức nhân vật

Hệ thống nhân vật trong tác phẩm ngoài đời sống tinh thần nằm trong vùng kiểm soát của ý thức vẫn tồn tại một góc bí ẩn chìm trong cái vòng của vô thức. Có thể thấy, vô thức trong tâm thức nhân vật là những ẩn sức sâu thẳm bị dồn nén, xuất phát từ những ham muốn cá nhân, những dục vọng thầm kín của phần nhân cách tăm tối bên trong họ (cái ấy); hay nói ngược lại, ẩn ức nhân vật chính là cái góc bí ẩn từ vô thức trong tâm thức và được biểu hiện thông qua lớp ngôn ngữ ý thức hoặc vô thức của chính họ.

Anse: Trong hệ thống nhân vật, Anse là người có những ẩn ức bên trong tâm thức bị kìm nén rõ nhất. Qua lớp ngôn ngữ tuôn ra từ dòng ý thức của ông, những ham muốn sâu thẳm được hiện ra, che đậy bởi khát khao “có được bộ răng mới”. Nguyên nhân khởi phát làm cho sự ham muốn trong lòng Anse chính là “cái mồm ông không có răng”, khiến ông luôn mặc cảm trước mọi người dẫn đến sự ẩn ức bên trong tâm thức lên tiếng “Trong mười lăm năm trong mồm tôi không có chiếc răng nào. Có Chúa biết. Người biết trong mười lăm năm tôi không ăn được đồ ăn mà Người dành cho con người…”. Tuy nhiên, sự ham muốn là một phần, nó còn bị kìm hãm, tác động bởi cái tôi bên trong. Cái tôi của Anse ý thức được cuộc sống khó khăn không giúp ông giải quyết lòng ham muốn ấy, từ đó tạo ra ẩn ức. Và cái chết của bà Addie đúng là tạo cơ hội để lòng ham muốn, ẩn ức trong ông được hoàn thành và được hiện lên qua lớp ngôn ngữ của chính ông “Ý Chúa sẽ được hoàn thành”, “Bây giờ mình có thể kiếm bộ răng được rồi.”. Ẩn ức của Anse chỉ có ông mới biết được, nhưng dường như những đứa con khác sớm nhân ra điều đó thông qua cử chỉ, hành động biểu hiện qua lớp ngôn ngữ của ông. Sự kiện mà Anse bảo Darl và Jewel kiếm thêm ba đô la ở đầu tác phẩm phải chăng là sự biểu hiện của ẩn ức. Quá trình kìm nén ẩn ức bùng phát khi Anse nhìn thấy số tiền của Dewey Dell, Anse có những lời nói mất kiểm soát, điều khiển bởi phần vô thức, bởi lòng ham muốn bên trong “Tao chỉ vay thôi. Có chúa biết, tao ghét bị con ruột chửi. Nhưng cái gì của tao thì tao cho chúng nó thoải mái. Tao vui vẻ cho chúng nó thoải mái. Thế mà bây giờ nó từ chối tôi. Addie. Bà chết đi là may đấy, Addie ạ.”. Lời nói của Anse trong một trạng thái không bình thường của ý thức, ông lấy số tiền đi và xuất hiện với bộ răng mới ở cuối tác phẩm. Có thể nói, ham muốn của Anse hoàn toàn chính đáng, vì ít ra nó giúp ông lấy lại phong độ để thỏa mãn với phần thời gian còn lại của cuộc đời.

Dewey Dell: Ẩn ức sâu thẳm bị dồn nén trong tâm thức của Dewey Dell xuất phát từ một sự ham muốn khác với Anse. Lòng ham muốn của Dewey Dell xuất phát từ dục vọng trong tình yêu thể xác với Lafe nhưng lại gặp phải rào cản của cái “bản ngã” và cái “siêu bản ngã” trong lương tâm. Với mong muốn phá bỏ cái thai trong bụng, Dewey Dell một lần nữa thể hiện ham muốn của mình. Khi gặp bác sĩ Peabody, những mảng tối vô thức trong cô khởi phát bằng lớp ngôn ngữ vô định của ý thức, cô muốn “ông ấy” (bác sĩ Peabody) “phá cái thai” đó cho cô  nhưng không thể, vì ý nghĩ ấy chỉ trong tâm tưởng cô. Và cái chết của bà Addie giúp giải tỏa sự ẩn ức trong cô. Cũng như Anse, những ý nghĩ vô thức cứ luôn thôi thúc cô, cô trông chờ lên đường chỉ để mục đích phá thai. Tuy nhiên, ẩn ức của Dewey Dell lại vướng phải một ẩn ức khác không kém đến từ tên lừa gạt Macgovan. Ẩn ức trong tâm thức của Macgovan chính là lòng ham muốn tính dục. Macgovan chữa trị lòng ham muốn của anh và Dewey Dell ngay dưới tầng hầm bằng sự thỏa mãn nhục dục. Dẫu sao, những ham muốn sâu thẳm dẫn đến những ẩn ức trong tâm thức của Dewey Dell cũng đơn thuần là một nhu cầu hết sức bình thường của một cô con gái mới lớn, chẳng những không bị lên án, trái lại còn đáng được cảm thông và trân trọng hơn, bởi Dewey Dell đã sống thật với con người thật vốn có của cô.

            Addie: Trong khi đó, có một sự ẩn ức vang lên từ hồi ức trong tâm thức của bà Addie. Qua thứ ngôn ngữ mà Addie trần tình, những khát khao ham muốn của bà với cuộc sống ngoại hôn được biểu đạt ra, cũng nhằm giúp bà giải tỏa những ức chế trong cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc với Anse. Bởi lẽ những ẩn ức mà bà chịu đựng chính là kết quả của quá trình đấu tranh lương tâm dữ dội giữa cái ấy (ham muốn) với cái tôi (bản ngã) của bà. Có lúc cái ham muốn dục vọng của bà lại chiến thắng cái bản ngã nhân cách. Và bà đã cùng mục sư Whitfield hẹn hò trong một khu rừng, cả hai ân ái với nhau cho thỏa mãn ham muốn tính dục. Rồi tất cả cũng kết thúc, cái bản ngã của bà trỗi dậy chiến thắng cái ham muốn khát dục nhất thời cùng lúc với sự ra đi của tình nhân Whitfield. Thế nhưng, không dừng lại ở đây, tận trong vô thức của Addie đã lên tiếng “giữ cho Anse nín nhịn không gần gũi tôi không phải chỉ gián đoạn trong một thời gian dài, mà như thể chưa từng có chuyện gì xảy ra” còn các con bà “chỉ là của riêng bà, của dòng máu hoang dã sôi sục trên mặt đất, của tôi và tất cả những người đã sống không của ai và của tất cả.”. Những lời nói trong tâm thức được biểu hiện ra dưới một tình trạng bất ổn của tinh thần, những lời của sự “lỡ lời” được thốt ra bởi tiếng nói của vô thức. Đó cũng chính là khi bà Addie sẵn sàng để đón chờ cái chết, một cái chết vô thức.

Xét theo một góc độ nào đó, những ẩn ức của các nhân vật Cash, Darl, Jewel hay Vardaman cũng đơn giản xuất phát từ một sự ham muốn nào đó trong tâm thức của họ.

 Với Cash: Ẩn ức vô thức của anh xuất phát từ sự thiếu vắng tình thương của mẹ, anh trở thành một người chai sạn, lạnh lùng.  Trong khi bà Addie hấp hối, khi mọi người để tâm chăm sóc bà thì Cash đóng và cưa chiếc hòm trong vô thức, bất chấp mọi thứ xung quanh, kể cả tiếng gọi của bà dành cho anh trước lúc chết. Dường như sự ẩn ức sâu kín trong anh dồn hết vào chiếc hòm, một chiếc hòm thật công phu dành riêng cho bà.

Với Vardaman: Ẩn ức của cậu xuất phát từ thân phận nhà nghèo, thiếu vắng tình thương của mẹ. Điều ấy làm cho Vardaman có những suy nghĩ “Sao tôi không phải là con trai thành phố, bố?”, cậu muốn mình là một đứa con trai trong thành phố, có đầy đủ mọi thứ, bởi vì bột và đường và cả phê và cả chuối nữa. Khi Addie chết, những ý nghĩ vô thức dâng lên “Liệu bà có lên tận thành phố không?” hay như câu nói rất vô tư mà vô thức “Mẹ tôi là một con cá.” là những ẩn ức vô thức trong lòng Vardaman.

Với Jewel: Những tưởng Jewel sẽ không có ẩn ức giấu kín, nhưng qua hành động Anse trao đổi con ngựa cho ông Snopes thì sự vô thức của anh trỗi dậy, vì đó là con ngựa quý giá nhất mà anh chắt chiu làm lụng để mua được. Những ẩn ức của Jewel còn được biểu đạt ra vô thức khi câu nói cay cú cùng hành động nói lên tất cả lòng thù hận dành cho Darl ở cuối tác phẩm “Bố muốn giam nó ngay bây giờ không?”, “Tóm lấy nó và trói nó lại.”… Vì Jewel nghĩ rằng, hành động ngăn cản của Darl trong chuyến đi đã giết người mẹ Addie thêm một lần nữa và nó đã phải đổi lấy con ngựa quý hóa của nó để hộ tống bà đến nơi an nghĩ cuối cùng, nhưng Darl đã làm ngược lại.

Với Darl: Những ẩn ức tồn tại bên trong Darl một phần cũng xuất phát từ sự thiên vị tình thương của bà dành cho Jewel. Có một lần Darl lỡ lời nói hoặc nói một cách vô thức “Nó cao hơn tất cả chúng tôi một cái đầu, lúc nào cũng thế. Tôi nói với mọi người người đó là lý do tại sao mẹ tôi vừa hay quất nó lại vừa cưng nó hơn tất cả. Bởi vì nó hay láng cháng quanh nhà nhất. Vì thế mẹ tôi gọi nó là châu báu (Jewel).”. Ẩn sức đó còn được biểu đạt ra thành lời khi Darl hỏi Jewel trong vô thức “Jewel.” , “Mày là con ai?”, “Mẹ mày là một con ngựa, nhưng ai là bố mày, Jewel?”. Có vẻ như Darl cũng không có ý gì trong câu hỏi đó, nhưng tự trong vô thức không hiểu sao khiến Darl có sự “lỡ lời” như thế khi anh nhận ra Jewel gọi anh “Mày là thằng chó đẻ nói dối” thì anh mới ý thức được “Mày đừng gọi tao như thế chứ, Jewel.”. Những ẩn ức tồn tại bên trong Darl chính là việc anh ý thức được chuyến đi mà gia đình mình dấn thân vào để đưa xác bà Addie đến Jefferson sẽ làm cho gia đình anh chết dần, chết mòn. Ẩn ức ấy được biểu hiện bằng những hành động trước nước lũ và tạo ra lửa thiêu đốt chiếc quan tài do Darl cố tình gây ra. Tuy nhiên, những hành vi tưởng chừng như đúng đắn ấy, đối với những người còn lại thì đó là một sự sai lạc, một biểu hiện của bệnh tâm thần. Và chính máu mủ ruột rà của anh đã đẩy anh đến trại tâm thần phục hồi nhân cách ở Jackson mà không một chút bận tâm. Ẩn ức chồng chất ẩn ức tạo nên một sự khủng hoảng trầm trọng trong tâm thức anh. Nói như Vardaman thì “Anh ấy đi Jackson bằng tàu hỏa. Không phải anh ấy bị điên trên tàu hỏa. Anh ấy đã bị điên trong chiếc xe ngựa của chúng tôi. Darl.”. Ở cuối tác phẩm, sự ẩn ức của anh chính là sự phân thân của anh, có một kẻ người khác tồn tại bên trong Darl, và anh cho rằng kẻ đó bị điên còn anh thì không điên. Tình cảnh của Darl bị cho là điên như một cái quyền hạn tước đi chức phận làm người của anh. Nhưng, biết đâu được, điều đó lại tốt cho Darl.

Những ẩn ức sâu thẳm bên trong thế giới nhân vật đã được Faulkner ngụy trang bằng một thứ ngôn ngữ của dòng ý thức; hay đúng hơn trong trường hợp này, dòng ý thức là một hình thức của ngôn ngữ. Và hoạt động viết của Faulkner cũng là thứ ngôn ngữ của ý thức, vô thức hỗn độn và phức tạp; nghĩa là có một con người khác trong ông đang đọc ông và ngăn ông tin rằng ông đang làm chủ ngôn ngữ. Có lẽ vì thế mà ngôn ngữ nhân vật thốt ra luôn có hơn một ngôn ngữ, đó là phần ngôn ngữ có lời hoặc không lời tồn tại trong lớp vỏ vô hình của ý thức và vô thức. Vì lẽ này, William Faulkner không chỉ là một nhà văn lỗi lạc mà ông còn là một nhà tâm lý học thực thụ. Trong cuốn Có những nhà văn như thế, các nhà nghiên cứu đã dành cho Faulkner những nhận định hết sức tâm đắc: “Faulkner là viên lục sự của những con người nằm trong bóng tối, vẫy vùng trong nhục dục, tội lỗi và bùn lầy (theo cái nghĩa triết học của Jean-Paul Sarte) trong vùng tối tăm của con người, trong thuốc độc của thôi thúc, trong đáy sâu của chất libido, trong chất dầu hắc, con người cật lực trong những con việc khổ sai mà người ta gọi là cuộc sống. Faulkner, bằng cách miêu tả cái phần thấp kém của con người, đã bắt tay với một con người đáng ngờ khác là Sigmund Freud, và ông cũng nổi tiếng không kém!” [31, 213].

*Tiểu kết

            Như vậy, trong chương ba này chúng tôi đã giải quyết được vấn đề nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tác phẩm. Có thể nói, dòng ý thức mà Faulkner sử dụng như một kỹ thuật chi phối cách tổ chức, xây dựng nhân vật; cũng như tác động đến lời nói nhân vật dưới các hình thức đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm. Tại đây, các hình thức biểu hiện của lời nói cũng chính là dòng ý thức của thế giới nhân vật luôn suy tư trong vùng sáng của ý thức lẫn vùng tối của vô thức. Vì lẽ đó, thế giới nhân vật đã thực sự biểu hiện những trạng thức khác nhau trong tâm thức nhân vật.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận thấy cách mà Faulkner xây dựng thế giới nội tâm nhân vật vô cùng phức tạp có mối liên hệ với học thuyết phân tâm học của S. Freud về cái vô thức. Do đó, chúng tôi đã vận dụng học thuyết về cái vô thức để giải mã những những ẩn ức sâu thẳm trong tâm thức nhân vật.

MỤC LỤC

DẪN NHẬP................................................................................................................................ 1

1.Lý do chọn đề tài...................................................................................................................... 1

2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu........................................................................................... 2

3.Phương pháp nghiên cứu.......................................................................................................... 3

4.Lịch sử vấn đề........................................................................................................................... 3

5.Mục đích nghiên cứu................................................................................................................ 5

6.Cấu trúc đề tài........................................................................................................................... 6

CHƯƠNG 1: VỊ TRÍ TÁC PHẨM KHI TÔI NẰM CHẾT VÀ WILLIAM FAULKNER TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA TIỂU THUYẾT DÒNG Ý THỨC.............. 7

1.1.Tiểu thuyết dòng ý thức trong dòng chảy văn học hiện đại.................................................. 7

1.1.1.Sự hình thành khái niệm dòng ý thức................................................................................. 7

1.1.2.Lịch sử phát triển của văn học dòng ý thức – tiểu thuyết dòng ý thức.............................. 9

1.1.3.Những đặc điểm chính của văn học dòng ý thức – tiểu thuyết dòng ý thức...................... 14

1.2.William Faulkner và cuộc thể nghiệm tiểu thuyết dòng ý thức............................................. 18

1.2.1.William Faulkner – chân dung một thiên tài văn học......................................................... 18

1.2.2.Quá trình viết tiểu thuyết dòng ý thức của William Faulkner............................................ 19

1.3.Khi tôi nằm chết – một tiểu thuyết dòng ý thức của William Faulkner................................. 22

1.3.1.Hoàn cảnh ra đời tác phẩm................................................................................................. 22

1.3.2.Khái quát nội dung tác phẩm và tư tưởng tác phẩm.......................................................... 23

1.3.2.1.Khái quát nội dung tác phẩm........................................................................................... 23

1.3.2.2.Khái quát tư tưởng tác phẩm........................................................................................... 24

CHƯƠNG 2: DÒNG Ý THỨC TRONG KHI TÔI NẰM CHẾT NHƯ MỘT CÁCH THỨC XÂY DỰNG TÁC PHẨM........................................................................................................ 27

2.1.Nghệ thuật xây dựng kết cấu.................................................................................................. 27

2.1.1.Kết cấu của một tác phẩm văn học...................................................................................... 27

2.1.2.Các kiểu kết cấu................................................................................................................... 28

2.1.2.1.Về kết cấu hình thức......................................................................................................... 28

2.1.2.2.Về kết cấu nội dung.......................................................................................................... 30

2.2.Nghệ thuật xây dựng cốt truyện............................................................................................. 36

2.2.1.Những tiền đề cơ bản tạo nên cốt truyện............................................................................. 36

2.2.2.Cốt truyện đa điểm nhìn hay cốt truyện dòng ý thức....................................................... ..38

2.3.Nghệ thuật tổ chức trần thuật.............................................................................................. ..40

2.3.1.Điểm nhìn trần thuật........................................................................................................ ....41

2.3.1.1.Điểm nhìn..................................................................................................................... ....41

3.1.2.2.Sự đa bội điểm nhìn...................................................................................................... ....42

2.3.2.Giọng điệu trần thuật....................................................................................................... ....47

*Tiểu kết.................................................................................................................................. ....50

CHƯƠNG 3: DÒNG Ý THỨC TRONG KHI TÔI NẰM CHẾT NHƯ MỘT CÁCH THỨC XÂY DỰNG NHÂN VẬT..................................................................................................... ....52

3.1.Nghệ thuật xây dựng thế giới nhân vật.............................................................................. …52

3.1.1.Về cách xây dựng nhân vật trong tác phẩm.................................................................... …52

3.1.2.Hệ thống nhân vật........................................................................................................... …54

3.1.2.1.Hệ thống nhân vật chính............................................................................................... …55

3.1.2.2.Hệ thống nhân vật phụ................................................................................................. …59

3.1.3.Hệ thống biểu tượng........................................................................................................ …63

3.1.3.1.Những biểu tượng có tính cổ mẫu: ngựa, cá, bò.......................................................... …63

3.1.3.2.Đến những biểu tượng gắn liền với đời sống tâm linh: nước, lửa, Chúa..................... ....66

3.2.Dòng ý thức trong việc xây dựng đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm..................... ....69

3.2.1.Dòng ý thức trong sự hình thành đối thoại, độc thoại của nhân vật................................ ....71

3.2.1.1.Lời đối thoại của nhân vật............................................................................................ …71

3.2.1.2.Lời độc thoại nhân vật.................................................................................................. …74

3.2.2. Dòng ý thức trong việc hình thành độc thoại nội tâm của nhân vật............................... …76

3.2.2.1.Độc thoại nội tâm ý thức.............................................................................................. …77

3.2.2.2.Độc thoại nội tâm vô thức............................................................................................ …80

3.3. Nhân vật trong Khi tôi nằm chết dưới góc nhìn phân tâm học.......................................... …85

3.3.1. Học thuyết phân tâm học về cái vô thức trong việc sáng tạo nhân vật.......................... …85

3.3.2.Những ẩn ức sâu thẳm trong tâm thức nhân vật............................................................. …87

*Tiểu kết.................................................................................................................................. …91

KẾT LUẬN............................................................................................................................. …92

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

 

 

 

 

[1] Những khoảng trống trong nguyên bản.

 

Thông tin truy cập

63682044
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
2336
23426
63682044

Thành viên trực tuyến

Đang có 673 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website