(VH-NN) – Khóa luận “Ngôn ngữ nhân vật trong tiểu thuyết của Nguyễn Chánh Sắt” của SV Trương Thị Thanh Nhã (SV chuyên ngành Văn học hệ Cử nhân tài năng khóa 2010-2014, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) do PGS. TS Nguyễn Công Đức hướng dẫn, đã được bảo vệ tại Trường ĐH KHXH và Nhân văn tháng 6 năm 2014 vừa qua. Khóa luận được Hội đồng đánh giá loại giỏi với số điểm tuyệt đối (10 điểm). VH-NN xin giới thiệu Chương 3 và Mục lục của khóa luận.
CHƯƠNG BA
ĐẶC TRƯNG NAM BỘ CỦA LỜI THOẠI NHÂN VẬT TRONG
TIỂU THUYẾT NGUYỄN CHÁNH SẮT
1. Từ ngữ khẩu ngữ Nam BộAIƠNG BA
Theo từ điển Bách Khoa Toàn Thư Việt Nam, khẩu ngữ là “Ngôn ngữ tồn tại chủ yếu ở dạng nói, được sử dụng để trao đổi tư tưởng, tình cảm trong sinh hoạt hằng ngày. Hình thức thông thường là đối thoại”. Theo từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên: “Khẩu ngữ là ngôn ngữ nói thông thường, dùng trong cuộc sống hằng ngày, có đặc điểm đối lập với phong cách viết” [36;638]. Phong cách khẩu ngữ là công cụ riêng của hoạt động nói năng thân mật hằng ngày. Trong mọi tình huống, con người luôn luôn tiếp cận với những biểu hiện cụ thể, sinh động của cuộc sống, nhanh chóng bày tỏ phản ứng ít nhiều cảm tính của mình. Ngoài vốn từ vựng chung, bất cứ người dân thuộc vùng miền nào cũng đều có một vốn từ ngữ riêng phục vụ cho nhu cầu nói năng hằng ngày.
Trong câu văn Nguyễn Chánh Sắt, có một cái gì đó khiến người đọc nhận ra đây là trang viết của con người Nam Bộ. Nó không hẳn là câu văn trơn tuột như lời nói mà là những biến âm địa phương, từ vựng địa phương…Do đó, nghiên cứu ngôn ngữ nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Chánh Sắt cũng không thể bỏ qua việc khai thác giá trị nghệ thuật của lớp từ khẩu ngữ mang đặc trưng Nam Bộ được lồng ghép vào lời thoại của nhân vật trong tác phẩm.
Từ ngữ khẩu ngữ là một trong những yếu tố nền tảng xây dựng nên phương ngữ, nằm trong hệ thống từ ngữ toàn dân. Lớp từ này thường tạo nên từ ngữ lâm thời có ý nghĩa hàm ẩn trong ngữ cảnh cụ thể. Qua giao tiếp, có thể thấy rằng từ khẩu ngữ thường có một số đặc điểm đáng chú ý như: mang đậm sắc thái biểu cảm, giàu tính cụ thể, bộc lộ sự tự nhiên, mang dấu ấn chủ quan của nhân vật giao tiếp... Lớp từ khẩu ngữ tồn tại và được nhận diện qua lớp từ địa phương (bao gồm cả biến thể ngữ âm địa phương), tục ngữ, thành ngữ địa phương, tiếng lóng.
Qua việc khảo sát lời thoại của nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Chánh Sắt, chúng tôi nhận thấy có một số kiểu từ ngữ địa phương sau:
- Từ ngữ có cùng nội dung ý nghĩa với từ ngữ toàn dân nhưng cách thức định danh khác nhau
Ví dụ: “dòm”, “ngó”, “xài”, “mướn”, “biên”, “bông”, “quăng”, “đặng”…
+ Nghĩa hiệp kỳ duyên
“Tôi có ý mời thầy qua đây chơi đặng tôi tỏ một tâm sự với thầy…” [27;71]
“…Khi nãy tôi ở đằng sau ngó thấy thầy bước vô nhà rồi sao lại trở ra, tôi không ngỡ là thầy…” [27;19]
“…Vậy thì tôi phải trốn học ít ngày, giúp cô lên đó tìm được người ấy mà mướn vẽ và xăm một cái bớt son…” [27;12]
“…nên tôi phải bẻ ít bông đem dưng cho bác…” [27;40]
+ Lòng người nham hiểm
“Dạ, thưa có, vì cha con có biên để lại cho con” [27;116]
“Đêm hôm qua, thầy giáo Hoàng Hữu Chí lén đến cạy cửa nhà Cẩm Lệ…” [27;131]
+ Trinh hiệp lưỡng mỹ
“…Trần Vân Long ở trong hóc tối dòm ra…” [39;40]
“Đó! Cái dao tôi đã quăng rồi đó…” [39;16]
+ Một đôi hiệp khách
“Nầy là của chị tặng cho em, cứ việc lấy mà xài, mựa đừng ngần ngại” [40;22]
- Từ ngữ do một thành tố trong lớp toàn dân kết hợp với một thành tố mang nội dung ý nghĩa của lớp từ địa phương
Ví dụ: “quên lửng”, “nhìn sững”, “nhớ mạy”, “hết thảy”, “cả thảy”, “tỉnh queo”…
+ Nghĩa hiệp kỳ duyên
“Cơ khổ, tôi cũng quên lửng….” [27;26]
“Thầy làm chi mà nhìn sững tôi dữ vậy?” [27;29]
“…song tôi còn nhớ mạy cha tôi là người giàu có…” [27;34]
+ Trinh hiệp lưỡng mỹ
“…chú nói tắt một lời, là cháu đừng làm quen với ai hết thảy…” [39;90]
“…duy có một mình nàng thì sắc mặt lại tỉnh queo…” [39;51]
+ Một đôi hiệp khách
“…quan Lãnh binh thường hay lui tới nhà tôi, chơi bời giao thiệp với Tiên nghiêm tôi, vậy mà tôi quên lửng…” [40;93]
“…đều là phép hay của ông thân em truyền lại cho em cả thảy…” [40;113]
- Từ ngữ hoàn toàn mang màu sắc địa phương
· Từ ngữ xưng hô
Dễ thấy nhất trong tiểu thuyết Nguyễn Chánh Sắt là lớp từ chỉ cách gọi tên người rất đặc trưng của người miền Tây Nam Bộ theo kiểu gọi tên theo thứ tự sinh trong gia đình như: “dì Tư”, “cô Hai”, “cô Ba”, “cậu Hai”, “chị Hai”…hoặc gọi kết hợp giữa tên thật với thứ tự sinh trong gia đình như “Hai Nhành”, “Tám Lâu”, “Tư Quăng”, “Bảy Hổ”, “Năm Thọ”, “Ba Hưng”…
+ Nghĩa hiệp kỳ duyên
“…may gặp dì Tư bán cá là chủ nhà tôi đang ở bây giờ đây cũng là người tử tế…” [27;21]
“Thiệt tôi thương con Hai quá…” [27;24]
“Cô Ba, cô có biết ông hỏi cô hồi nãy đó là ý gì không?” [27;54]
“…từ ngày cô về ở trong nhà nầy, thì cô Hai đã chẳng biết thương cô…” [27;54]
“Chẳng hay nhà nầy có phải nhà bà Năm Thọ, mẹ của Thị Phụng đây chăng?” [27;58]
+ Lòng người nham hiểm
“Trưa nay đúng mười hai giờ, em xin mời thầy đến tại quán của dì Tư Quăng cho em hỏi thăm thầy một chuyện” [27;140]
+ Trinh hiệp lưỡng mỹ
“…cậu Hai Nhành cẩu làm gì dữ quá…” [39;15]
+ Một đôi hiệp khách
“Mi hãy xuống dưới, dẫn thằng Tám Lâu lên đây cho ta hỏi nó thử coi” [40;69]
“…thiệt cũng nhờ có Hai Ngà giúp sức mà đem đường dẫn lối cho chúng ta” [40;132]
Nguyễn Chánh Sắt cũng thường sử dụng các từ xưng hô như “qua”, “em”, “tía”, “má”, “con”…trong mối quan hệ gia đình hoặc những mối quan hệ ngoài xã hội nhưng mang tính chất thân mật.
+ Nghĩa hiệp kỳ duyên
“Em đừng khóc, để qua chèo, đem em về cho tía má em…” [27;20]
+ Lòng người nham hiểm
“Nè, hai cháu, qua thấy hai cháu tuổi còn thơ ấu mà lại gặp cái cảnh khổ như vầy, thật qua thương lắm…” [27;108]
“Má thấy con nay đã trộng rồi, lẽ phải định bề đôi lứa cho kịp tiết, kịp thời…” [27;1 15]
+ Một đôi hiệp khách
“Em chớ lo việc ấy, qua đã nhứt định đồng đi với em cho có bạn thôi” [40;124]
· Từ ngữ gợi ấn tượng về “văn hóa sông nước” gồm từ ngữ chỉ địa hình và phương tiện di chuyển của người dân Nam Bộ
Ví dụ: “vàm kinh”, “kinh”, “mé sông”, “nước ròng”, “mé bàu”, “bàu sen”, “sóc”, “ghe”, “xuồng”, “sào”, “ghe củi”…
+ Nghĩa hiệp kỳ duyên
“Chỗ nhà người ấy ở lại vàm kinh trên, đi bộ vô một đỗi thì tới” [27;18]
“…tôi thấy lửa, tôi sợ hoảng, chạy bậy xuống mé sông…” [27;20]
“…vậy trò em có lên rồi trở xuống cho mau nghe, kẻo đi không kịp, qua kinh bị nước ròng,…” [27;26]
“…chờ đến tối họ mới bỏ tôi lên xe bò đem tới sóc nầy…” [27;34]
“Tôi đương cho trâu uống nước nơi mé bàu…” [27;40]
+ Lòng người nham hiểm
“…đi câu cá bị rủi bị chìm xuồng…” [27; 17]
+ Trinh hiệp lưỡng mỹ
“…chi bằng kiếm một chiếc ghe, chú mướn nó đưa chú cháu ta xuống đó…” [39;89]
· Từ ngữ chỉ hành động, trạng thái, tính chất mang đặc trưng Nam Bộ
Ví dụ: “mắc cạn”, “quá giang”, “giả đò”, “nhè”, “ưng”, “hủ hỉ”, “hết hơi”, “mích lòng”, “lăng xăng”, “om sòm”, “dủng dẳng”, “thủng thẳng”, “chèo queo”, “chút đỉnh”, “riết”, “tàm xàm”…
+ Nghĩa hiệp kỳ duyên
“…mắc cạn lối gồng muối đây, muỗi nó thui chết đa…” [27;26]
“…tôi mới thừa dịp đêm vắng canh khuya, cuốn gói quá giang ghe trốn đi xuống đây…” [27;21]
“…sáng mai em giả đò giở cái gối của chị lên mà lượm cái thơ…” [27;57]
“…vùng nghe mõ đánh om sòm…” [27;34]
+ Lòng người nham hiểm
“…họa là nó có hả hơi chút đỉnh chi chăng…” [27;102]
“…mẹ con hủ hỉ sớm trưa…” [27;103]
“…thật thẩy chẳng biết mích lòng một đứa con nít” [27;133]
+ Trinh hiệp lưỡng mỹ
“…em hãy bỏ cái dao đó đi, thủng thẳng mà tính chớ…” [39;16]
“…chú tìm kếm hết hơi mà không nghe tin tức chi hết…” [39;194]
“Mi gian dối với ai, chớ mi nhè ta mà xảo trá nữa sao?” [39;241]
+ Một đôi hiệp khách
“…còn…còn…còn dì Bảy Thẹo, Thẹo…, Thẹo, tay chưn đều, đều…bị trói…trói, bỏ nằm…nằm, nằm chèo queo dưới đất…” [40;24]
“…hễ thấy có một lằn trắng xẹt ngang qua, thì tôi cứ đó mà riết theo…” [40;35]
“Sao túc hạ lại vội tin làm chi những lời đồn đãi tàm xàm như vậy?” [40;77]
Như ta đã biết, phương ngữ mỗi miền đều có cách phát âm riêng. Trong ngôn ngữ viết, ta không thấy lộ ra các biến thể phát âm trên do yêu cầu của chính tả. Tuy nhiên, trong các tác phẩm văn học, để thể hiện đúng cách nói năng riêng biệt của từng nhân vật, ở những địa bàn khác nhau, nhà văn có thể khai thác các biến thể phát âm bằng cách ghi lại đúng cách nói năng của nhân vật qua chữ viết. Trong tiểu thuyết Nguyễn Chánh Sắt, những biến thể phát âm nói trên được sử dụng khá phổ biến, đặc biệt là trong lời thoại của nhân vật (khẩu ngữ tái hiện). Những biến thể ngữ âm này thường diễn ra ở bộ phận âm chính, nhờ biến thể ngữ âm đồng dạng về cách cấu tạo với từ toàn dân nên người đọc có thể liên tưởng để hiểu được nghĩ của từ:
Ví dụ: “nhựt báo” / “nhật báo”, “sanh” / “sinh”, “biểu” / “bảo”, “linh đinh”/ “lênh đênh”, “giựt mình” / “giật mình”, “bịnh hoạn” / “bệnh hoạn”, “gởi” / “gửi”, “tánh tình” / “tính tình”, “thiệt” / “thật”, “nạp” / “nộp”…
+ Nghĩa hiệp kỳ duyên
“Thiệt may quá, tôi mới xem nhựt báo…” [27;10]
“…chứ mới lần thứ nhứt tôi muốn làm quen mà chiêu mối hàng…” [27;13]
“…thì bác đem về kẻo bỏ linh đinh tất tưởi thân nàng tội nghiệp…” [27;17]
+ Lòng người nham hiểm
“…thì con lo cho cha một ngày kia rủi phải sanh bịnh hoạn…” [27;86]
“…vả mẹ nuôi của em là bà Phủ, tánh tình gắt gờm lắm…” [27;143]
+ Trinh hiệp lưỡng mỹ
“…vậy thì chúng ta cũng nên rước phứt đem về, mà nạp cho Đại ca” [39;75]
“Vậy chỗ nầy cũng là nhà của người bà con tử tế, chú gởi cháu lại đây…” [39;99]
+ Một đôi hiệp khách
“…đặng khi kiếm được lịnh ái sẽ đem về” [40;11]
“…chú giựt mình dòm kỹ lại mới hay là cháu đa…” [40;31]
Ngoài ra, có nhiều lý do khác ngoài ngôn ngữ, ví như hiện tượng đọc trại do kị húy cũng làm xuất hiện một số biến thể phát âm như: “nhơn” (nhân), “châu” (chu), “chơn” (chân), “hường” (hồng), “phước” (phúc)…
+ Nghĩa hiệp kỳ duyên
“…tôi nhơn dạo chơi có gặp một người con gái trạc chừng 17, 18 tuổi” [27;17]
“…nhắm mắt đưa chơn tới đâu hay tới đó…” [27;21]
+ Lòng người nham hiểm
“…an hưởng cái hạnh phước nơi chốn gia đình…” [27;87]
“…mà không có người châu cấp thì ắt là chàng phải phế học” [27;118]
“Huống chi việc hôn nhơn là việc trọng trong đạo nhơn luân…” [27;158]
Trong lời thoại nhân vật của Nguyễn Chánh Sắt vẫn xuất hiện một số từ mà ngày nay ít dùng hoặc không còn dùng nữa. Dựa vào ngữ cảnh ta vẫn có thể đoán ra nghĩa của chúng, tuy nhiên không thể tường tận được ý nghĩa cụ thể của từng từ. Đây có thể là lớp từ cũ, lớp từ được sử dụng phổ biến những năm đầu thế kỉ XX.
Ví dụ: “khứng”, “chác”, “mựa”, “nhẩng”, “tị trần”, “sương phụ”, “mất lộc”, “minh linh”, “nha cam”, “khách địa”, “suy vi”, “hườn cấp”,…
+ Nghĩa hiệp kỳ duyên
“…một mình khách địa bơ vơ…” [27;21]
“...chẳng biết cô có khứng hay không...” [27;28]
“Ý con thế nào, con cứ nói thiệt cho cha nghe, mựa đừng nghi ngại…” [27;72]
+ Lòng người nham hiểm
“…tôi đây vốn là một người sương phụ, cha bầy trẻ tôi xưa vốn làm quan Tri phủ cũng ngồi tại quận nầy, mà ổng đã mất lộc hơn ba năm rồi…” [27;83]
“…nên qua muốn đem hai cháu về nhà nghĩa minh linh mà hủ hỉ với qua cho có bạn…” [27;109]
2. Một số yếu tố cấu tạo các kiểu câu thường dùng trong khẩu ngữ Nam Bộ
Ngôn ngữ nhân vật của Nguyễn Chánh Sắt thể hiện nét đặc trưng của văn học giai đoạn giao thời: cái cũ, cái mới đan xen nhau. Nguyễn Chánh Sắt vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi lối văn biền ngẫu, có vần có đối. Tuy nhiên, mong muốn đổi mới đã thôi thúc ông tiếp nhận lối văn “trơn tuột như lời nói thường”, tự nhiên như lời ăn tiếng nói thường ngày của người Nam Bộ. Lời thoại nhân vật mộc mạc, bình dân đã góp phần làm nên sự thành công của Nguyễn Chánh Sắt khi thể hiện màu sắc đặc trưng Nam Bộ trong các tác phẩm tiểu thuyết của chính ông.
Các kiểu câu thường dùng trong khẩu ngữ Nam Bộ thường có một số đặc điểm sau:
- Trong câu có nhiều quan hệ từ, đại từ hoặc cụm từ thay thế, tiểu từ tình thái và quán ngữ mang màu sắc đặc trưng Nam Bộ…nhằm tạo thêm sắc thái biểu cảm trong giao tiếp.
- Nội dung câu được trình bày cụ thể theo trình tự thời gian theo tâm lý nhân vật, và trong câu thường có một số yếu tố đóng vai trò dùng để đệm hoặc để nhấn mạnh cho nội dung nào đó được diễn đạt trong câu, có hiện tượng tỉnh lược.
2.1. Các yếu tố đệm
Yếu tố đệm dù tồn tại hay không tồn tại trong câu đều không làm ảnh hưởng, thay đổi nội dung diễn đạt của câu. Vai trò của yếu tố đệm là giúp câu tăng thêm tính tự nhiên, sinh động của ngôn ngữ nói.
Khi tham gia vào hoạt động giao tiếp ngôn ngữ, nhân vật giao tiếp thường không có thời gian suy tính, trau chuốt lời nói, họ phải phản ứng ngay tức thì nên trong câu nói thường xuất hiện nhiều từ đệm. Có nhiều yếu tố đệm nhằm nhấn mạnh nội dung diễn đạt của lời thoại nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Chánh Sắt, tuy nhiên nổi bật hơn cả vẫn là hai yếu tố “thì” và “mà”. Hai yếu tố này được sử dụng khá phổ biến trong khẩu ngữ. Do xuất phát từ điều này mà có nhiều ý cho rằng khẩu ngữ Nam Bộ thường có cách nói theo kiểu “nói cà nói kê”.
2.1.1. Câu có sử dụng yếu tố đệm “thì”
Thông thường, yếu tố “thì” trong câu thường đóng vai trò của hệ từ, đó là dấu hiệu phân cách chủ ngữ và vị ngữ, là một dấu hiệu giúp nhận diện câu ghép chính phụ. Tuy nhiên, khi đi vào tiểu thuyết Nguyễn Chánh Sắt, “thì” còn đóng vai trò như một yếu tố nhấn mạnh nội dung diễn đạt, đem lại sự tự nhiên cho lời thoại của nhân vật.
Ví dụ:
+ Nghĩa hiệp kỳ duyên
“Thì bởi có giống thì mới gọi là may chớ” [27;10]
“Ngày sau mà việc được toại lòng, thì cái ơn nặng của thầy đây, đôi ba ngàn đồng tôi không dám tiếc.” [27;15]
“Thưa bác, chỗ nầy nhà cửa sơ sài không có nơi tử tế; vả lại tôi nhắm bác đây là người giàu có phong lưu, thì tôi e không có chỗ xứng đáng” [27;38]
+ Trinh hiệp lưỡng mỹ
“Ngặt vì chỗ nầy là chỗ những dân tứ chiến nó hay tùng tụ tại đây, điếm đàng bợm bãi rất nhiều, còn cháu thì là con gái, yếu đuối quê mùa…” [39;90]
“Không, không, anh độ không trúng đâu, chỗ tôi muốn nói với anh đây thì xin anh dung thứ cho tôi về tội đường đột…” [39;172]
+ Một đôi hiệp khách
“…nghĩ cho kĩ lại mà coi, thì cái công lao nầy, thiệt cũng nhờ có Hai Ngà giúp mà đem đường dẫn lối cho chúng ta…” [40;132]
“Thì” trong loạt câu trên vừa là yếu tố thuộc về cấu trúc câu, vừa là yếu tố làm câu trở nên dàn trải, mang đậm phong cách khẩu ngữ. Trong một vài trường hợp, người ta có thể lược bỏ yếu tố “thì” của câu nhằm giúp cho sự diễn đạt trở nên nhẹ nhàng hơn. Cụ thể, từ một ví dụ đã dẫn “Ngày sau mà việc được toại lòng, thì cái ơn nặng của thầy đây, đôi ba ngàn đồng tôi không dám tiếc.” có thể chuyển thành “Ngày sau mà việc được toại lòng, cái ơn nặng của thầy đây, đôi ba ngàn đồng tôi không dám tiếc.”
2.1.2. Câu có sử dụng yếu tố đệm “mà”
“Mà” được sử dụng trong câu với nhiều chức năng. Dù xuất hiện như một yếu tố đệm nhưng trong một số trường hợp, “mà” vẫn đóng vai trò khẳng định nội dung diễn đạt, cụ thể là khẳng định nội dung mà người đối thoại vẫn còn hoài nghi.
Ví dụ:
+ Lòng người nham hiểm
“Tôi có hỏi thăm mấy người gốc gác nhau rún tại đây, thì họ cũng đều kêu không biết và cũng lấy làm lạ như tôi vậy hết nữa mà!” [27;122]
+ Một đôi hiệp khách
“Ngươi khỏi nhắc, ta biết lắm mà.” [40;16]
“Túng nhiên mà chúng nó có bay được vào đây, thì em cùng đại ca, hai cây kiếm báu cũng đủ đối phó với chúng mà.” [40;102]
Yếu tố “mà” còn đóng vai trò giúp cho lời thoại của nhân vật mang phong cách tự nhiên của ngôn ngữ nói, bởi ngôn ngữ sử dụng trong giao tiếp hằng ngày thường có nhiều từ chêm xen, nhiều yếu tố dư thể hiện thói quen trong khẩu ngữ.
Ví dụ:
+ Nghĩa hiệp kỳ duyên
“Số là cô chưa hiểu, để tôi nói lại cho mà nghe…” [27;10]
“Tôi mà gặp được thầy đây hoặc là tai nạn tôi gần mãn rồi chăng!” [27;33]
“Cô là con gái, nhà cửa ở đâu, một mình dám cỡi trâu mà đi đâu cho beo nó rượt vậy?” [27;28]
+ Lòng người nham hiểm
“Nhưng tôi chẳng rõ thầy năm nay xuân thu được mấy, quý tánh, đại danh, làm việc sở nào, quê quán tại đây hay là ở đâu tới đây mà ngoạn cảnh?” [27;82]
“Cha nhơn buồn lòng, nên ngụ ý mà nghĩ ra được một bài thi…” [27;93]
+ Trinh hiệp lưỡng mỹ
“Hãy mặc áo xiêm cho tử tế, rồi ra đây cho ta nói chuyện cho mà nghe” [39;195]
“…ước chi mà chị em ta được tụ thủ với nhau mãi như vầy thì cái sự vui nầy còn có chi bằng” [39;206]
+ Một đôi hiệp khách
“…chuyện người thì mặc người âu, xin chớ nói cơ cầu mà gây họa” [40;68]
“…phần thì tôi nghèo khô nghèo khiển, ai mà chịu bảo lãnh cho tôi…” [40;70]
Yếu tố “mà” được sử dụng khá linh hoạt trong phong cách khẩu ngữ. Ở một trường hợp khác, “mà” còn có chức năng liên kết, có giá trị tương đương với các quan hệ từ “và”, “nhưng”, “để”, nhằm nhấn mạnh nội dung ý nghĩa của câu hay ngữ đoạn đứng sau nó.
Ví dụ:
+ Trinh hiệp lưỡng mỹ
“Nếu anh chẳng cho thằng con tôi là đứa bất tài, mà muốn gả lịnh ái cho nó, thì tôi vui lòng lắm đó” [39;163]
+ Một đôi hiệp khách
“Tôi cùng quý huyện thuở nay chưa hề quen biết, mà cũng không qua lại với nhau…” [40;27]
“Ấy là cái quy cũ của hắn đã định thuở nay như vậy đa, mà cũng tại mình chớ…” [40;68]
2.2. Các tiểu từ tình thái mang phong cách khẩu ngữ Nam Bộ
Tiểu từ tình thái là những từ chuyên dùng biểu thị các ý nghĩa tình thái, thường làm dấu hiệu chỉ rõ mục đích phát ngôn của câu, thể hiện thái độ, tình cảm, cảm xúc của chủ thể phát ngôn đó với nội dung thông báo, với hiện thực và với người nghe. Tiểu từ tình thái có tần số xuất hiện rất cao, đặc biệt trong phong cách chức năng khẩu ngữ.
Các tiểu từ tình thái khi kết hợp với ngữ điệu sẽ tạo ra sắc thái địa phương rõ rệt của từng vùng. Dù cấu trúc ngữ pháp và hệ thống từ vựng không khác nhau nhưng chỉ cần thay đổi tiểu từ tình thái, ta có thể dễ dàng xác định, đó là phong cách khẩu ngữ của vùng miền nào. Sự có mặt của các tiểu từ tình thái góp phần làm tăng sắc thái biểu cảm cho cách diễn đạt. Đây cũng là một đặc điểm của phong cách khẩu ngữ, cụ thể là khẩu ngữ Nam Bộ.
Tiểu từ tình thái trong khi biểu đạt ý nghĩa tình thái, thiên về diễn đạt cảm xúc của người nói trong mối quan hệ với thực tại, với người nghe, do đó tình thái ở đây quan hệ chặt chẽ với mục đích phát ngôn (cầu khiến, nghi vấn, cảm thán…). Về mặt ngữ pháp, các tiểu từ tình thái thường có vị trí ổn định đối với cấu trúc câu, chúng thường đứng ở đầu hoặc cuối phát ngôn và ít chịu ảnh hưởng của những biến đổi trật tự từ và cấu trúc.
Dựa vào tác dụng – chức năng của các tiểu từ tình thái, có thể phân chúng thành ba nhóm:
- Tiểu từ tình thái tạo dạng cho câu nghi vấn
- Tiểu từ tình thái tạo dạng cho câu cảm thán
- Tiểu từ tình thái tạo dạng cho câu cầu khiến
2.2.1. Tiểu từ tình thái tạo dạng cho câu nghi vấn
Trong ngôn ngữ toàn dân, các tiểu từ tình thái dùng tạo dạng cho câu nghi vấn không lựa chọn thường là các đại từ nghi vấn “sao”, “nào”, “gì”, “đâu”... Đối với câu nghi vấn có lựa chọn, người ta thường dùng các quan hệ từ “hay”, “hay là” hoặc dùng cặp phó từ “có…không”, “đã…chưa”. Trong khẩu ngữ địa phương, ngoài các tiểu từ tình thái mang tính toàn dân đó, người ta còn sử dụng thêm một số tiểu từ tình thái mang màu sắc địa phương. Cụ thể, với phương ngữ Bắc Bộ, tiểu từ dùng trong câu nghi vấn thường là “ư”, “nhỉ”, “chăng” thì phương ngữ Nam Bộ lại quen thuộc với các tiểu từ “hông”, “chớ”, “hử”, “hả”…Lời thoại của nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Chánh Sắt cũng xuất hiện hầu hết các tiểu từ tình thái vừa nêu.
- Tiểu từ “hông”
Đã có nhiều ý kiến cho rằng, tiểu từ “hông” trong phương ngữ Nam Bộ chính là biến thể của ngữ khí từ “không” trong ngôn ngữ toàn dân. Trong công trình Phương ngữ Nam Bộ (1995), Trần Thị Ngọc Lang cho rằng, người Nam Bộ khi nói nhanh từ “không” sẽ trở thành “hông”. Trong câu nghi vấn, người ta thường dùng “hông” thay cho “không” trong các trường hợp. Riêng tiểu từ “hôn” cũng là biến thể của tiểu từ “không”, cách sử dụng chúng cũng giống nhau nhưng trong tiểu thuyết Nguyễn Chánh Sắt lại ít gặp trường hợp sử dụng tiểu từ “hôn”
“Hông” thường đứng cuối câu nghi vấn có lựa chọn. Đây là dạng câu hỏi yêu cầu người nghe phải lựa chọn câu trả lời đồng ý, tán thành hay không với người đặt câu hỏi.
Qua khảo sát các lời thoại nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Chánh Sắt, tiểu từ “hông” được sử dụng như tiểu từ “không”. Tuy nhiên “không” xuất hiện nhiều hơn vì nó mang sắc thái biểu cảm trung tính, phù hợp với nhiều cảnh huống, còn “hông” lại mang sắc thái biểu cảm cao, thể hiện sự thân thiện, gần gũi giữa các vai giao tiếp.
Ví dụ:
+ Một đôi hiệp khách
“Trong thế ông chủ nhà ta, ổng sẽ dụng theo cách ba nài đó chớ gì, phải hông anh?” [40;15]
“Chớ phải như dì mà thuở còn con gái thì nói gì! Cần gì ai dụ dỗ phải hông?” [40;17]
“…chớ bây giờ thì em với hai đứa a hườn là Tố Lang và Tố Điệp phải nán lại ở đây, chờ cho quan binh kéo đến, rồi sẽ chạy cũng chẳng muộn gì, đại ca nghĩ coi được hông?” [40;113]
Ngoài ra, tiểu từ “hông” còn được sử dụng trong một vài trường hợp đặc biệt. Ở đây, “hông” cũng xuất hiện trong dạng câu hỏi nhưng không nhằm mục đích yêu cầu câu trả lời mà là dặn dò, nhấn mạnh nhiệm vụ thực hiện một hành động nào đó.
Ví dụ:
+ Trinh hiệp lưỡng mỹ
“Em có của nầy, ước cũng được mấy muôn, vậy em hãy tính thầm với bác, hoặc lo sửa sang chỗ nhà cũ lại, hoặc là mua một chỗ nào cho gần được tỉnh thành mà cất nhà cửa lại cho phương viên, nghe hông em?” [39;205,206]
+ Một đôi hiệp khách
“Ông chủ bảo tôi vào mà nhắc chừng đi, phải coi chừng cho tử tế, nếu đi để thơ mơ, thoảng như có bề nào, thì dì ắt bị can hệ lớn lắm đa, nghe hông?” [40;16]
“Từ rày sắp lên, nếu cháu có túng rối việc gì thì phải đến đây mà cho bác hay, chớ đừng có vay bợ làm chi của quân ác đó nữa, nghe hông cháu?” [40;78]
“…Còn như va chịu sai thêm nhiều người hay giỏi nữa, hoặc là va điều thỉnh quan binh; thì thầy cứ đi theo mà làm hướng đạo, để cho chúng nó đánh đập gì thì đánh với nàng, chớ thầy đừng có phấn dõng tranh tiên mà mang khổ, cứ dựa hồ mé vậy thôi, nghe hông?” [40;87]
Phạm vi sử dụng của tiểu từ “hông” khá đa dạng. Ngoài chức năng phục vụ cấu tạo câu nghi vấn, làm tăng khả năng biểu cảm, “hông” còn mang đến cho phát ngôn chức năng biểu thị mục đích phát ngôn, nhắc nhở, dặn dò hay thúc giục thực hiện một hành động trong ngữ cảnh nhất định.
- Tiểu từ “chớ”
Tiểu từ “chớ” là biến thể ngữ âm của “chứ” trong tiếng Việt toàn dân. Qua khảo sát tiểu thuyết Nguyễn Chánh Sắt, “chớ” xuất hiện với tần số khá cao trong lời thoại của nhân vật, thường đứng ở vị trí cuối câu hoặc cuối đoạn câu.
Khi “chớ” được dùng trong câu hỏi thì nó cũng biểu thị sự khẳng định của người hỏi về hiện thực vừa nêu, nhằm xác định thêm độ tin cậy và làm tăng sắc thái biểu cảm cho sự diễn đạt.
Ví dụ:
+ Một đôi hiệp khách
“Chú đã biết được tên họ thiệt của nàng, tưởng khi nhà cửa và quê quán của nàng, chú cũng biết rõ chớ?” [40;33]
“À, hôm nọ cháu đi dọc đường, có nghe người ta đồn rằng Bạch Yến Nhi có ăn trộm của một cụ lớn kia tại tỉnh Bình Định một số tiền to lắm, không biết có quả vậy chăng, chú cũng có nghe có hiểu chớ?” [40;33]
“Nếu vậy thì túc hạ cũng là người tinh thông võ nghệ lắm chớ?” [40;75]
“Thế thì tướng công lớn hơn tiểu thơ nhà tôi ba tuổi; tưởng khi tướng công đã có người nội trợ rồi chớ?” [40;98]
Ở trường hợp khác, “chớ” còn có chức năng biểu thị tình thái đồng tình với hiện thực, nhấn mạnh hiện thực vừa khẳng định, ngầm cho là không có khả năng ngược lại.
Ví dụ:
+ Nghĩa hiệp kỳ duyên
“Thầy là người làm nghĩa, tôi là kẻ thọ ơn; mà hễ thọ ơn người thì chẳng khá quên, cho nên cái nhớ đó là về phần tôi nói mới phải chớ!” [27;33]
“Cha có lòng nhơn hậu mà thương xót người bần biện cô cùng, thì con cũng vui lòng lắm chớ.” [27;48]
+ Lòng người nham hiểm
“Sự nghiệp dầu còn dầu mất là lẽ tại trời, huống chi tiền tài là thân ngoại chi vật, mất còn còn mất cũng chẳng sá chi, vì con người ta ở đời, chẳng phải là lo nghèo, một lo không có đức hạnh mà thôi chớ!” [27;104]
+ Một đôi hiệp khách
“Cái vụ Lương Kỳ Hổ đó thì trôi thây nó, cháu chẳng thèm quản tới làm chi đâu; cháu mà ước ao cho gặp được nàng đây là vì lòng cháu ngưỡng mộ tài đức của nàng mà thôi chớ” [40;34]
“Nó làm quá như vậy thì tới quan mà thưa nó chớ” [40;68]
- Tiểu từ “hử”
Tiểu từ “hử” là biến thể ngữ âm của tiểu từ “hả”. Qua khảo sát các lời thoại của nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Chánh Sắt, tiểu từ “hử” cũng có cách sử dụng giống như tiểu từ “hả”, thường đứng ở vị trí cuối câu, biểu thị ý hỏi, phạm vi yêu cầu trả lời rất rộng, không chỉ nằm trong phạm vi trả lời kiểu “có, không”. “Hử” thường được sử dụng trong trường hợp người hỏi có vị thế cao hơn hoặc tự cho mình có vị thế cao hơn, có ý gắt gỏng, khó chịu.
Đoạn trích sau trong tiểu thuyết Trinh hiệp lưỡng mỹ là một ví dụ:
“Còn thằng đầu đảng vào thấy Đoàn Ngọc Nữ bất quá là một nàng con gái liễu yếu đào tơ, dầu có học cho đủ thập bát bang võ nghệ đi nữa, mà thứ con gái sức lực lại bao nhiêu, trong lòng có ý khi thầm, bèn nạt lớn rằng: “Mi là con gái nhà ai, dám cả gan đến đây chết thế cho Vân Long vậy hử?” [39;40]
Hay câu hỏi của Ngươn Kiệt dành cho Ba Hưng, một tên tay sai của Câu Bảy nổi tiếng gian manh, hung ác trong tiểu thuyết Một đôi hiệp khách:
“Hễ giết người thì thường mạng, mà có thiếu nợ thì trả tiền; chớ sao mi lại dám làm oai mà ức hiếp người như thế hử?” [40; 71]
- Tiểu từ “há”
Trong tiểu thuyết Nguyễn Chánh Sắt, cụ thể là trong lời thoại của nhân vật, “há” thường đứng ở vị trí cuối câu, có chức năng tạo câu hỏi mà phạm vi yêu cầu trả lời cũng rất rộng.
Ví dụ:
+ Một đôi hiệp khách
“Chẳng hay thầy đội đến đây có công việc gì và đem lễ vật đi đâu mà nhiều vậy há?” [40;15]
Yêu cầu trả lời của câu hỏi trên là “có công việc gì” và “đem lễ vật đi đâu”. Do đó, nhân vật tham gia giao tiếp có quyền đưa ra nhiều nội dung trả lời hoặc phạm vi trả lời không bị bó buộc bởi câu hỏi.
Trong một trường hợp khác, “há” còn được dùng với sắc thái kính trọng người đang đối thoại, chỉ nêu ý kiến, và mong đợi câu đáp tỏ ý đồng tình hay không với ý kiến vừa nêu. Ở đây, tiểu từ “há” được dùng như tiểu từ “nhỉ” trong phương ngữ Bắc Bộ. Hình thức kết thúc câu chứa yếu tố “há” thường có dấu chấm than.
Ví dụ:
+ Lòng người nham hiểm
“Thật cái nhơn tình gì mà vô đoan quá chị há!” [27;99]
“Nè chị, mà em nghĩ lại thật chị em mình có phước quá chị há!” [27;104]
2.2.2. Tiểu từ tình thái tạo dạng câu cảm thán
- Tiểu từ “đa”
Hiện nay, hiện tượng sử dụng tiểu từ “đa” trong giao tiếp là rất hiếm, chỉ bắt gặp ở một số ít người cao tuổi. Qua khảo sát các lời thoại của nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Chánh Sắt, tiểu từ “đa” thường xuất hiện ở vị trí cuối câu, biểu thị ý nhấn mạnh về điều vừa khẳng định, tỏ ý nhắc nhở hay cảnh báo người nghe.
Ví dụ:
+ Nghĩa hiệp kỳ duyên
“Thiệt may quá, tôi mới xem nhựt báo, thấy có một việc may mắn phi thường cho cô lắm đa!” [27;10]
“Vậy thì xin hãy đừng quên, đến ngày ấy tôi trông thầy lắm đa!” [27;67]
+ Lòng người nham hiểm
“Thật chuyến nầy tôi sợ cho thẩy ắt gở không ra rồi đa!” [27;133]
“Có vậy thì cho má hay, để chi cho má không biết mà giận con, mắng nhiếc đuổi xua làm cho thân con tức tưởi, ở đậu ở bạc với người ta hổm tới nay, tội nghiệp thì thôi đa!” [27;152]
+ Trinh hiệp lưỡng mỹ
“Chúng nó đã trở lại hết rồi; vậy thì cháu ráng theo chú mà về, chắc là cha cháu ở nhà lo sợ, buồn rầu và nhớ thương cháu lắm đa!” [39;89]
+ Một đôi hiệp khách
“Không hề chi, để tôi cõng nàng mà nhảy ra cũng được, song nàng phải ôm lấy vai tôi cho chặt kẻo rơi xuống nguy lắm đa!” [40;21]
Cũng có ý kiến cho rằng tiểu từ địa phương “đa” có chức năng giống với các tiểu từ “đó”, “nhé” trong tiếng Việt toàn dân. Đặc biệt, để làm tăng sắc thái biểu cảm, thể hiện sự thân mật, gần gũi trong các mối quan hệ, nhân vật thường sử dụng đại từ nhân xưng chen vào phía sau tiểu từ “đa”.
Cụ thể:
+ Lòng người nham hiểm
“Thật hồi đó lo một việc cơm cơm nước nước mà mệt đa chị!” [27;99]
“Nếu được như vậy thì em tưởng chị em mình đây cũng là có phước lắm đa chị à!” [27;109]
“Thật quả thầy Hoàng Hữu Chí đã lầm mưu độc của bọn nầy rồi đa má!” [27;135]
+ Trinh hiệp lưỡng mỹ
“…vì ở đây là chỗ phiền ba đô hội, điếm đàng nhiều đứa xảo trá phi thường, nếu cháu chẳng đề phòng, thì ắt phải mang tai họa đa cháu à!” [39;90]
+ Một đôi hiệp khách
“…thì chú nghĩ lại Bạch Yến Nhi nầy vốn là một người đại ân nhân của nhà chú đa cháu!” [40;31]
- Tiểu từ “nè”, “nà”
Tiểu từ “nà” chính là biến thể ngữ âm của tiểu từ “nè”, thường đứng ở cuối câu, có tác dụng biểu thị ý nhấn mạnh tính cụ thể của sự vật, sự việc, tính chất nào đó vừa nêu. Tiểu từ “nà” giúp câu nói trở nên mềm mại hơn, dễ gây thiện cảm cho người nghe.
Ví dụ:
+ Lòng người nham hiểm
“Thầy giáo đã lại đây rồi nà mình ơi!” [27;128]
+ Trinh hiệp lưỡng mỹ
“Ê! Đừng có nói điên nà!” [39;51]
+ Một đôi hiệp khách
“Ê! Đồ yêu ăn nà!” [40;17]
“Làm vậy sao phải nà!” [40;75]
Tiểu từ “nè” khi xuất hiện trong lời thoại nhân vật ở tiểu thuyết Nguyễn Chánh Sắt chỉ đứng ở vị trí đầu câu, có cùng cách sử dụng với “này” trong phương ngữ Bắc Bộ. Trong trường hợp này, “nè” có chức năng thu hút sự chú ý của người đối thoại.
Ví dụ:
+ Lòng người nham hiểm
“Nè chị! Hồi mình ở đàng cái nhà ngói lớn của mình đó…” [27;98]
“Nè em! Chị thấy nhơn tình nham hiểm…” [27;103]
“Nè má! Phải rồi đa má!...” [27;135]
- Tiểu từ “cà”
Tiểu từ “cà” là biến thể ngữ âm của tiểu từ “kìa” trong ngôn ngữ toàn dân, xuất hiện trong lời thoại nhân vật ở vị trí cuối câu, có chức năng dùng để chỉ ở một nơi xa vị trí của nhân vật nhưng có thể nhìn thấy cụ thể, rõ ràng, nêu lên để gợi sự chú ý của người nghe. Tiểu từ “cà” giúp tăng sắc thái biểu cảm cho lời thoại, thể hiện sự phấn khởi, hào hứng của người nói về hiện thực được đề cập.
Ví dụ
+ Nghĩa hiệp kỳ duyên
“Ông đã kiếm được cô Ba về kia cà!” [27;68]
+ Lòng người nham hiểm
“Ủa! Cơ khổ! Thằng Chấn của tôi nó cũng về tới kia cà!” [27;156]
2.2.3. Tiểu từ tình thái tạo dạng cho câu cầu khiến
- Tiểu từ “nghe”
Tiểu từ “nghe” trong khẩu ngữ Nam Bộ được sử dụng khá phổ biến, có giá trị tương đương với tiểu từ “nhé” trong phương ngữ Bắc Bộ. “Nghe” thường xuất hiện ở cuối câu, biểu thị tình thái thân mật, mong muốn người nghe thực hiện một hành động nào đó.
Ví dụ:
+ Nghĩa hiệp kỳ duyên
“Ủa! Cơ khổ, tôi cũng quên lửng, vậy trò em có lên rồi trở xuống cho mau nghe” [27;26]
“Song ngày mai có về trỏng thì em cũng nên cho dì hay trước đi nghe” [27;55]
Ngoài ra, tiểu từ “nghe” cũng biểu thị tình thái dọa nạt, nhấn mạnh hành động nói mang tính áp đặt, không tính đến cảm xúc, nguyện vọng của người nghe. Tuy nhiên, mục đích cuối cùng vẫn mong muốn có sự đồng tình của người nghe.
Ví dụ:
+ Trinh hiệp lưỡng mỹ
“À! Thì tôi cũng ráng đợi một đêm nay, anh phải làm sao gắng lo cho đủ, nếu thiếu một đồng thì chừng ấy anh đừng có trách cái thằng Nhành nầy nghe” [39;22]
- Tiểu từ “hé”
Tiểu từ “hé” cũng có chức năng giống như tiểu từ “nghe” vừa nêu ở trên, cũng biểu thị sắc thái thân mật, mong muốn người nghe thực hiện một việc gì đó. Trong tiểu thuyết Nguyễn Chánh Sắt, phạm vi sử dụng của tiểu từ “hé” hẹp hơn ngữ khí từ “nghe”, chỉ xuất hiện trong một ví dụ điển hình ở tiểu thuyết Nghĩa hiệp kỳ duyên
“Vậy trò em chịu khó với tôi một chút hé!” [27;19]
2.3. Các quán ngữ đặc trưng cho phong cách khẩu ngữ Nam Bộ
Theo Mai Ngọc Chừ trong công trình Dẫn nhập ngôn ngữ học: “Quán ngữ là nhưng cụm từ được dùng lặp đi lặp lại trong các loại văn bản thuộc các phong cách khác nhau. Chức năng của chúng là để liên kết, đưa đẩy, rào đón hoặc nhấn mạnh nội dung cần diễn đạt nào đó” [8;161]. Về hình thức cũng như về ý nghĩa, quán ngữ chẳng khác gì các cụm từ tự do. Dựa vào phạm vi và tính chất của quán ngữ tiếng Việt, có thể phân loại chúng thành hai nhóm: Những quán ngữ thường dùng trong phong cách hội thoại, khẩu ngữ và Những quán ngữ thường dùng trong phong cách viết (khoa học, chính luận…).
Việc sử dụng quán ngữ trong giao tiếp thể hiện đặc trưng phong cách ngôn ngữ riêng của từng người, từng địa phương...đồng thời cũng thể hiện sắc thái tình cảm hay thái độ ứng xử của nhân vật giao tiếp: cứng rắn, kiên quyết, mềm mỏng, lạnh nhạt, thân mật…Nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Chánh Sắt đã sử dụng các quán ngữ đặc trưng cho phong cách Nam Bộ một cách hết sức độc đáo. Đó là các từ, cụm từ được lặp lại như một đơn vị có sẵn thường dùng trong phương ngữ giao tiếp của địa phương, vừa mang màu sắc khẩu ngữ Nam Bộ lại vừa có mang ý nghĩa biểu đạt đa dạng: biểu đạt về thời gian, biểu đạt về thái độ, cảm xúc, tâm lý của người nói…
Trong giới hạn cho phép, khóa luận chỉ khảo sát những quán ngữ được sử dụng phổ biến trong lời thoại nhân vật của tiểu thuyết Nguyễn Chánh Sắt như “hổm rày”, “cực chẳng đã”, “té ra”, “chẳng dè”, “cơ khổ”…. Để tiện tiếp cận, chúng tôi tạm phân loại các quán ngữ căn cứ vào nội dung ý nghĩa của chúng trong câu như sau:
2.3.1. Quán ngữ chỉ thời gian
Đây là nhóm quán ngữ chiếm số lượng lớn trong tiểu thuyết Nguyễn Chánh Sắt, phong phú về kiểu loại, mang đậm màu sắc khẩu ngữ Nam Bộ. Chúng được sử dụng tương đương với vai trò trạng ngữ, ngay cả khi đóng vai trò là trạng ngữ thì chúng cũng rất thường được sử dụng trong khẩu ngữ. Có thể chia nhóm quán ngữ này có thể phân thành hai loại nhỏ như sau:
- Quán ngữ chỉ quãng thời gian từ quá khứ hướng đến hiện tại: “xưa rày”, “nhẫn nay”, “hổm nay”, “hổm rày”, “thuở nay”, “nãy giờ”, “hồi nãy”,…
Các quán ngữ trên đều đảm nhận vai trò trạng ngữ chỉ thời gian trong câu.
· Diễn đạt khoảng thời gian dài, không xác định: “xưa rày”, “nhẫn nay”, “thuở nay”
Những quán ngữ trên thường xuất hiện trong ngữ cảnh mà nội dung của câu nói muốn đề cập đến một quãng thời gian kéo dài từ quá khứ đến mốc hiện tại nhưng không thể xác định rõ là bao lâu. Trong trường hợp này, ý nghĩa của câu về thời gian thường mang tính quy ước.
Ví dụ:
+ Nghĩa hiệp kỳ duyên
“Con Hai về ở đây với tôi nhẫn nay, chẳng phải tốn kém của tôi là bao nhiêu” [27;24]
“Vậy chớ, xưa rày cô cho trâu ăn phía nào?” [27;32]
+ Lòng người nham hiểm
“Nhưng vì con nghĩ nhà con thuở nay chưa hề có tới lui ơn nghĩa chi với nhà bà…” [27;120]
+ Một đôi hiệp khách
“Tôi cùng quý huyện thuở nay chưa hề quen biết, mà cũng không qua lại với nhau…” [40;27]
“Em nghe tướng công hỏi đến việc ấy mà em hổ phận em; vì thuở nay em chỉ cứ trôi nổi giang hồ” [40;75]
· Diễn đạt khoảng thời gian ngắn, có tính xác định: “hai ba bữa rày”, “mấy bữa rày”, “hổm rày”, “hổm nay”, “nãy giờ”, “hồi nãy”
Những quán ngữ trên thường xuất hiện trong ngữ cảnh mà nội dung của câu nói muốn đề cập đến một khoảng thời gian đã qua nhưng không cách quá xa so với hiện tại, có thể xác định cụ thể.
Ví dụ:
+ Nghĩa hiệp kỳ duyên
“Thiệt tôi không nói giấu chi cô, tôi xem diện mạo cô nãy giờ, tôi tưởng cô không phải là người Cao Man” [27;29]
“Lúc tôi mới gặp nàng thì tôi đã có hồ nghi, tưởng không lẽ tại xứ ấy mà sanh được con gái phương phi, yểu điệu như vầy, nay nghe thầy nói đây thì quả nhiên hổm rày tôi nghĩ không sai” [27;47]
“Tôi thấy con Ba vô đó hồi nãy” [27;53]
+ Lòng người nham hiểm
“Nầy là thơ của anh Huyện, ông già của cháu đây, mới gởi về cho tôi hai bữa rày mà cho tôi hay rằng ảnh với anh Phan bây giờ đương làm chủ bút cho một Tòa báo Quốc văn…” [27;139]
+ Trinh hiệp lưỡng mỹ
“Ảnh đi hổm nay cũng lối một tuần, trong chừng mười ngày thì cha cháu ắt cũng trở xuống đây” [39;94]
+ Một đôi hiệp khách
“Vả lại hổm rày nàng thường lai vãng lối trong mấy tỉnh gần đây” [39;35]
- Quán ngữ chỉ quãng thời gian từ hiện tại hướng đến tương lai: “từ rày sắp lên”, “từ nay về sau”…
Các quán ngữ này được sử dụng linh hoạt trong ngữ cảnh mà nội dung của câu nói muốn đề cập đến quãng thời gian tính từ mốc hiện tại kéo dài đến tương lai, không xác định cụ thể về lượng.
Ví dụ
+ Nghĩa hiệp kỳ duyên
“Nay việc đã đến nỗi này rồi, thì cái thân bèo bọt của tôi đây dầu sống thác từ nay về sau cũng nơi tay thầy, xin thầy thường xót” [27;43]
+ Một đôi hiệp khách
“Từ rày sắp lên, nếu cháu có túng rối việc gì, nếu cháu có túng rối việc gì thì phải đến đây mà cho bác hay,..” [40;78]
2.3.2. Quán ngữ biểu đạt hành động bị bắt buộc, không có sự lựa chọn (cực chẳng đã, chớ biết làm sao bây giờ)
Những quán ngữ trên mang đậm màu sắc khẩu ngữ Nam Bộ, nội dung ý nghĩa của chúng gần giống với tính từ “túng thế”, diễn tả một hiện thực khó khăn, con người cũng rơi vào tình thế bị động, không lối thoát, bất đắt dĩ phải thực hiện một hành động để có thể vượt qua khó khăn. Nhìn chung, các quán ngữ “cực chẳng đã”, “chớ biết làm sao bây giờ” nhấn mạnh tâm lý gượng ép của người dùng.
Ví dụ:
+ Nghĩa hiệp kỳ duyên
“…ngặt vì chị Hai đem lòng sây độc, thế chị ở không yên, nên cực chẳng đã, chị phải lánh thân cho vừa lòng chỉ…” [27;56]
+ Lòng người nham hiểm
“Hễ là đấng trượng phu xử thế, thì ta phải vì nghĩa mà chung lo chung chịu với anh em, dầu cho có tán sản khuynh gia cũng cam tâm mà chịu, cho tròn cái nghĩa vụ, chớ biết sao bây giờ!” [27;92]
“Tuy vậy, song chị em con cũng phải nhắm mắt đưa chơn, ôm lòng mà chịu, chớ biết sao bây giờ!” [27;97]
+ Trinh hiệp lưỡng mỹ
“…vậy thì chú tính lẽ nào cháu cũng vâng theo lẽ nấy chớ biết sao bây giờ!” [39;90]
+ Một đôi hiệp khách
“Nhưng cũng có nhiều người vì cơn lúng túng, cái thế nó bức lắm, cực chẳng đã cũng phải vay tạm chỗ hắn cho đỡ cơn túng rối ngặt nghèo, chớ biết sao bây giờ” [40;63]
“Thôi, các anh tính như vậy thì tôi cũng bóp bụng, chớ biết sao bây giờ!” [40;73]
2.3.3. Quán ngữ biểu đạt hiện thực tương phản với nhận định (té ra, không dè, chẳng dè)
- Quán ngữ “té ra”
Quán ngữ “té ra” là một tổ hợp biểu thị điều người nói sắp nêu là điều bỗng nhiên nhận thức ra, có phần bất ngờ, trái với điều trước kia vẫn tưởng. “Té ra” thường có chức năng khác nhau khi đứng ở những vị trí khác nhau trong câu nói.
· Vị trí đầu câu
Ở vị trí đầu câu, quán ngữ “té ra” có vai trò làm phương tiện kết câu, đoạn, nhấn mạnh sự ngạc nhiên bởi hiện thực tiếp nối trái ngược với suy nghĩ, nhận định trước đó.
Ví dụ:
+ Trinh hiệp lưỡng mỹ
“Bọn cướp thất kinh lui ra xa lắc, Trần Vân Long thấy vậy thì mừng, tưởng là bọn cướp đã khiếp oai mà chạy. Té ra chúng nó chạy đó chẳng phải chạy thiệt, vì chúng nó gặp mũi giặc mạnh hung, nên phải chạy đi kêu đầu đảng.” [39;40]
+ Một đôi hiệp khách
“…thấy Ngươn Kiệt thì sửng sốt, người ấy liền đổ quạu mà hỏi rằng: “Anh là ai, ở đâu đi đến đây? Đêm hôm khuya khoắt đến có việc gì mà làm rộn ràng người ta như vậy?”
Ngươn Kiệt vô ý, cứ tưởng tăng đạo trong chùa, bèn nói rằng: “Tôi là khách viễn phương nhơn tăm tối lỡ đường, lại gặp quân ăn cướp, may thoát được đến đây, xin ông đạo lấy lòng từ bi mà cho tôi nghĩ đỡ một đêm, rồi mai sáng tôi sẽ nạp chút đỉnh nhang đèn đặng tôi dời gót”
Người ấy nghe Ngươn Kiệt nói dứt lời, liền đổi quạu làm vui mà nói rằng: “Té ra quý khách là người đi lỡ đường vậy mà bần đạo không rõ…””[40;41]
· Vị trí giữa câu
Ở vị trí này, quán ngữ “té ra” dùng để ngăn cách, đồng thời tạo nên một mệnh đề có nội dung ý nghĩa trái ngược với nội dung ý nghĩa với mệnh đề đứng trước theo mô hình: (tưởng, tính, nghĩ là) A té ra – A. Mệnh đề đứng trước có nội dung chỉ một hành động, một suy nghĩ hoặc một dự định.
Ví dụ:
+ Lòng người nham hiểm
“Tưởng cháu đây là ai, té ra nó là con của anh Huyện Nguyễn Trọng Luân.” [27;139]
Quán ngữ “té ra” còn đứng giữa câu ghép chính phụ biểu thị ý nghĩa điều kiện – kết quả, nhấn mạnh ý nghĩa của mệnh đề kết quả đồng thời nhấn mạnh chủ ngữ của câu. “Té ra” ở trường hợp này có ý nghĩa như các cụm từ “chẳng khác nào”, “giống như”, hàm ý không có gì để phân biệt.
Ví dụ:
+ Nghĩa hiệp kỳ duyên
“Nếu tôi muốn giữ cho trọn chữ liêm, thì té ra tôi làm hư chữ tín của bác…” [27;25]
- Quán ngữ “chẳng dè”, “ai dè”
Trong phương ngữ Nam Bộ, “dè” có nội dung ý nghĩa tương đương với “ngờ”, nghĩa là “tưởng rằng, nghĩ là như thế” [36;887]. Trong các lời thoại của nhân vật ở tiểu thuyết Nguyễn Chánh Sắt, các tổ hợp “chẳng dè”, “ai dè” được lặp đi lặp lại, nhằm diễn đạt một hiện thực khó khăn, xui rủi, những biến cố xảy đến bất ngờ, ngoài dự tính của con người.
“Chẳng dè”, “Ai dè” thường đứng ở đầu câu, đảm nhận nhiệm vụ làm phương tiện liên kết câu, đoạn hoặc đứng giữa câu ghép, báo hiệu bước chuyển sang mệnh đề có nội dung trái với nội dung của mệnh đề đứng trước.
Ví dụ:
+ Nghĩa hiệp kỳ duyên
“Tôi lúc ấy còn khờ dại quá, nghe nói đem về cho tía má tôi, thì mừng không khóc nữa. Chẳng dè họ chèo thẳng lên Nam Vang rồi chở luôn vô Ô Dông mà bán tôi cho một người đầu gà đít vịt…” [27;20]
“Nhưng mà lúc tôi đi cũng không biết đi đâu, miễn là thoát khỏi tay độc ác thì đủ, chẳng dè tôi xuống tới đây…” [27;21]
“…Một đêm kia chừng lối canh tư, vùng nghe mõ trống đánh om sòm, thiên hạ đều la lửa cháy chợ. Tôi đang ngủ giựt mình thức dậy, thấy cha tôi với người trong nhà bưng dọn đồ đạc lăng xăng; tôi chạy ra thấy lửa cháy sáng lòa, nên cũng giựt mình chạy hoảng xuống mé sông.
Ai dè dưới sông lại có một chiếc ghe chở trách trã đậu ngay tại bến. Người dưới ghe thấy tôi liền ẵm phứt tôi, xuống ghe lấy khăn nhét cứng miệng tôi, bỏ tôi dưới khoang…” [27;34]
+ Trinh hiệp lưỡng mỹ
“Cậu Hai bị án đồ lưu binh giải ra Châu Đốc. Chẳng dè cẩu bị bọn cướp Thất Sơn đón đường bắt đem về núi rồi.” [39;56]
- Quán ngữ “không dè”, “có dè đâu”
“Không dè”, “có dè đâu” cũng có nội dung ý nghĩa tương tự với các quán ngữ trên, tuy nhiên về chức năng, chúng còn đảm nhận chức năng làm vị ngữ trong câu, nhấn mạnh trạng thái tâm lý ngạc nhiên, cảm thấy hoàn toàn bất ngờ của người nói.
Ví dụ:
+ Nghĩa hiệp kỳ duyên
“Tôi thấy con Ba vô đó hồi nãy, song không dè mà nó dám cả gan như vậy…” [27;53]
“…chớ xưa rày chị cũng biết ý chị Hai, song không dè mà lòng dạ chỉ độc ngầm đến thế!”
+ Lòng người nham hiểm
“Bấy lâu tôi nghe cô là con nhà thi lễ, ngôn hạnh lưỡng toàn, thật tôi lấy làm ái mộ, nên tôi muốn tính cuộc trăm năm, mới cậy người đến nói, song không dè mà bà thân mẫu của cô lại không chịu gả, nên tôi lấy làm uất ức bấy lâu.” [27;141]
+ Một đôi hiệp khách
“Cha chả! Hèn chi lâu sao không thấy cháu đến chơi, thiệt chú cũng có lòng trông, nay sao thình lình mà cháu lại đến bất tử, chú có dè đâu!” [40;31]
“Bữa nọ tôi nhơn đi thăm bà con, không dè là gặp bọn cướp nầy, nó tưởng tôi là người giàu có, bắt tôi về mà nhốt tại đây…” [40;47]
2.3.4. Quán ngữ biểu đạt thái độ đồng cảm, thương hại (cơ khổ, tội nghiệp dữ…)
Các quán ngữ “cơ khổ”, “cơ khổ dữ chưa”, “tội nghiệp dữ” xuất hiện phổ biến trong tiểu thuyết Nguyễn Chánh Sắt với chức năng đưa đẩy, nhằm làm tăng sắc thái biểu cảm cho câu nói. Chúng thường đứng ở vị trí đầu câu, có vai trò gợi sự chú ý cho người nghe đồng thời thể hiện ý thông cảm, thương hại, tiếc nuối về một vấn đề, một hiện thực mà trước đó người nói chưa kịp biết đến hoặc chưa kịp nhận ra.
Ví dụ:
+ Nghĩa hiệp kỳ duyên
“Cơ khổ dữ! Vậy mà cháu không biết, xin bác miễn chấp.” [27;18]
“Tội nghiệp dữ chưa, nói vậy cô đây là cô Ba phải không?” [27;58]
+ Lòng người nham hiểm
“Cơ khổ dữ chưa! Vậy mà xưa rày tôi có biết đâu.” [27;124]
“Ủa! Cơ khổ! Thằng Chấn của tôi nó cũng về tới kia cà!” [27;156]
+ Một đôi hiệp khách
“Cơ khổ thì thôi đa! Hễ có tuổi rồi con mắt con mũi không ra gì hết, cháu đi đó mà bị chói mặt trời, chú không thấy rõ nên không biết là ai…” [40;30]
“Cơ khổ dữ chưa! Bác Hai tôi ngồi đây sờ sờ, mà nãy giờ tôi không thấy bác chớ.” [40;74]
2.3.5. Quán ngữ biểu đạt thái độ không quan tâm (thây kệ, trôi thây…)
Quán ngữ “thây kệ”, “trôi thây” mang đậm màu sắc khẩu ngữ Nam Bộ, nó có ý nghĩa tương đương với từ “mặc kệ” trong tiếng Việt toàn dân, biểu đạt thái độ không quan tâm, không để ý đến, coi như chẳng ảnh hưởng gì đến mình. Các quán ngữ “thây kệ”, “trôi thây” có vai trò thể hiện rõ nét trạng thái tâm lý, cảm xúc của người nói. Chính vì vậy mà chúng có thể giúp lời thoại của nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Chánh Sắt trở nên tự nhiên và giàu sắc thái biểu cảm.
Ví dụ:
+ Trinh hiệp lưỡng mỹ
“…chi bằng, đem nó mà bán phứt đi, để lấy đồng tiền, rồi sau nó có chết sống cũng thây kệ ở nơi tay người, chứ không tổn hại chúng ta vật gì hết” [39;84]
+ Một đôi hiệp khách
“Thây kệ nó, để tối mai sẽ hay; thôi, mi hãy đi ra ngoài đi, để cho ta đi ngủ” [40;17]
“Cái vụ của Lương Kỳ Hổ đó thì trôi thây nó, cháu chẳng thèm quan tâm tới làm chi đâu” [40;34]
2.4. Các yếu tố hồi chỉ và tỉnh lược
2.4.1. Các yếu tố hồi chỉ
Đối với Nguyễn Chánh Sắt, việc lặp lại từ để nhấn mạnh nội dung thông báo và thực hiện chức năng liên kết của lời thoại nhân vật, ngoài cách sử dụng phổ biến của ngôn ngữ toàn dân, ông còn sử dụng một số yếu tố hồi chỉ mang màu sắc đặc trưng khẩu ngữ Nam Bộ. Hồi chỉ là trường hợp yếu tố được giải thích xuất hiện trước, yếu tố giải thích xuất hiện sau. Muốn hiểu yếu tố được giải thích thì phải đi sâu vào phần lời tiếp theo để tìm yếu tố giải thích, tức là tham khảo phần lời xuất hiện sau yếu tố được giải thích.
Như nhiều ngôn ngữ, tiếng Việt cũng có hiện tượng hợp âm giữa hai từ liền kề để tạo nên một từ mới với âm mới và với nghĩa gộp của hai từ liền kề ấy. Đây là hiện tượng một danh từ chỉ người, chỉ không gian, chỉ thời gian kết hợp với chỉ từ “ấy”, “đó”, …đi liền sau nó để tạo nên một đại từ chỉ định mang thanh điệu đặc thù của người dân Nam Bộ. Các đại từ chỉ định như “anh ấy”, “chị ấy”, “ông ấy”, “thầy ấy”, “cô ấy”,…trong giao tiếp hằng ngày thường được người Nam Bộ dùng lối nói “lược – gộp” thành một tiếng, nghe như “ảnh”, “chỉ”, “ổng”, “thẩy”,...Đây không phải là cách phát âm sai hay một hiện tượng tiêu cực mà là hiện tượng hết sức phổ biến trong lời ăn tiếng nói của người dân Nam Bộ, họ chỉ cần biết dạng gốc, nắm vững quy tắc biến đổi và vận dụng cho hàng loạt trường hợp, căn cứ vào nhu cầu mà hoạt động nói năng, cách diễn đạt tư tưởng là có thể tạo ra các từ ngữ thay thế kiểu loại “ổng”, “ảnh”, “chỉ”.... Đó cũng là kết quả của sự biến đổi các quy tắc của tiếng Việt với tư cách là ngôn ngữ toàn dân khi chuyển di vào phương ngữ Nam Bộ.
Trong tiểu thuyết Nguyễn Chánh Sắt, ứng với lối nói “lược – gộp”, hợp âm hai tiếng liền kề của đại từ chỉ xuất “X + ấy (đó, này)” để tạo ra một từ một tiếng chỉ xảy ra khi X là danh từ ở ba phạm vi nghĩa: danh từ chỉ người, chỉ không gian và thời gian. Cụ thể:
- Nhóm danh từ dùng hợp âm vốn chỉ người (Lặp đối tượng)
· “Ổng” (Ông ấy): Chỉ hoặc gọi người đàn ông đứng tuổi hoặc được kính trọng, nể sợ.
Ví dụ:
+ Nghĩa hiệp kỳ duyên
“…rồi lần lần tôi thám dọ tin tức cho biết ông thân cô là ai thì tôi sẽ giao cô cho ổng” [27;35]
+ Lòng người nham hiểm
“…chừng ấy nếu thầy cậy người đến nói, ắt ổng gả liền, vì bình sanh ổng cưng em lắm, hễ em ưng chỗ nào thì ổng ưng theo chỗ nấy” [27;142]
+ Một đôi hiệp khách
“Duy có tức cười ông chủ nhà mình một điều là cũng vì nàng con gái đó nó không chịu thuận tùng rồi ổng buồn bực hay sao mà ổng không chịu vô nhà trong ngủ chung với bà chủ nhà mình cho có bạn; ổng lại nằm chèo queo mà ngủ riêng có một mình nơi chốn thơ phòng…”
· “Cổ” (Cô ấy): Chỉ hoặc gọi người con gái hoặc người phụ nữ trẻ tuổi.
Ví dụ
+ Nghĩa hiệp kỳ duyên
“…vì tôi ở đây lâu nên tôi cũng biết tánh cô Hai, thiệt là người sâu sắc, độc ác vô cùng, nếu chuyến nầy mà cổ hại chẳng đặng cô, thì khi khác cổ cũng hại thầm cho được mới nghe!” [27;55]
“…nên cổ theo ghe ấy mà đi nãy giờ cũng đã lâu rồi” [27;64]
+ Lòng người nham hiểm
“Bây giờ trời cũng đã khuya rồi, vậy để tôi đóng bớt cửa dùm cho cổ…” [27;129]
· “Chỉ” (Chị ấy): Chỉ người phụ nữ cùng một thế hệ trong gia đình, trong họ nhưng thuộc hàng trên hoặc vai trên, trong quan hệ với em của mình.
Ví dụ:
+ Nghĩa hiệp kỳ duyên
“…song không dè mà lòng dạ chỉ độc ngầm cho đến thế!” [27;55]
“…tuy là con ruột mặc dầu, chớ tánh chỉ thiệt không phải người hiếu hạnh, sẵn của tiền thì chỉ ăn mặc cho phủ phê…” [27;56]
· “Ảnh” (Anh ấy): Chỉ người con trai thuộc cùng một thế hệ trong gia đình, trong họ nhưng thuộc hàng trên hoặc chỉ người đàn ông còn trẻ, cùng tuổi hoặc vai anh mình.
Ví dụ:
+ Lòng người nham hiểm
“…cháu với ảnh là bạn học với nhau từ hồi thuở nhỏ, thường lui tới chơi bời thân cận với nhau lắm…” [27;124]
“…vì lúc ảnh còn ở Sài Gòn thì nó còn nhỏ xíu…” [27;139]
+ Trinh hiệp lưỡng mỹ
“…ấy là ngày thọ của bà thân anh Trần Vân Long, nên ảnh có làm tiệc mà đãi đằng những người thân thích họ hàng” [39;30]
“…thì chú mới hay rằng cha cháu quả có xuống đây ở tại nhà người bà con đó hơn chín mười ngày, nhơn vì còn quên thiếu vật chi, cho nên phải trở về Hà Tiên mà lấy, ảnh đi hổm nay cũng lối một tuần…” [39;94]
· “Cẩu” (Cậu ấy): Chỉ hoặc gọi người con trai nhà giàu sang trong xã hội cũ.
Ví dụ:
+ Trinh hiệp lưỡng mỹ
“Cậu…cậu Hai Nhành cẩu làm gì dữ quá” [39;15]
“Chẳng dè cẩu bị bọn cướp Thất Sơn đón đường bắt đem về núi rồi.” [39;40]
· “Thẩy” (Thầy ấy): Gọi hoặc chỉ người đàn ông làm công việc dạy học hoặc làm những công việc mà xã hội quen gọi là thầy như thầy thông, thầy kí, thầy biện lí…
Ví dụ:
+ Lòng người nham hiểm
“Thẩy muốn thoát chạy, bị tôi níu kéo nhủng nhẳng, may nhờ mấy ông tới kịp, chớ không ắt thẩy đã giết tôi rồi” [27;130]
“Vì theo lời khai của thẩy thì thẩy nói rằng thầy Lê Xuân Kỳ mời thẩy lại nhà tình nhân Cẩm Lệ mà ăn cơm, thẩy vô ý ơ hờ…” [27;133]
- Nhóm danh từ dùng hợp âm vốn chỉ thời gian, không gian (Lặp ngữ cảnh)
· “Hổm” (Hôm ấy): Chỉ khoảng thời gian thuộc về một ngày.
Ví dụ:
+ Một đôi hiệp khách
“Bữa hổm chủ tôi có bắt một nàng con gái của nhà họ Triệu, đem về ép bức, bảo phải thuận tùng…” [40;23]
· “Bển” (Bên ấy): Chỉ nơi sát cạnh, nơi gần kề.
Ví dụ:
+ Nghĩa hiệp kỳ duyên
“Hai! Vậy thì bây giờ con hãy lấy quần áo đồ đạc của con, đặng theo anh về bển mà ở cho nhàn tấm thân…” [27;24]
“Vậy xin bác hãy đem cô Hai về bển, vì đã gần tới giờ làm việc của tôi rồi nên tôi phải trở về Châu Đốc mới đặng” [27;67]
· “Trển” (Trên ấy): Chỉ phía những vị trí ở trước một vị trí xác định nào đó, hoặc so với vị trí khác nói chung
Ví dụ:
+ Lòng người nham hiểm
“…rồi từ hồi ảnh về trển tới nay, cũng bốn năm năm gì đó, bây giờ cháu đã lớn đại, nên tôi không nhớ được…” [27;139]
+ Trinh hiệp lưỡng mỹ
“…nếu đạo hữu muốn về miệt trển, tiện đường xin dắt dùm nàng trở về cố lý…” [39;152]
· “Trỏng” (Trong ấy): Chỉ phía những vị trí thuộc phạm vi được xác định nào đó; đối lập với ngoài.
Ví dụ:
+ Nghĩa hiệp kỳ duyên
“…để chị tính lại coi, một vài ngày sẽ liệu, song ngày mai có về trỏng thì em cũng nên cho dì hay trước đi” [27;55]
2.4.2. Các yếu tố tỉnh lược
Trong quá trình giao tiếp, con người bao giờ cũng có khuynh hướng chọn cho riêng mình một cách nói tối ưu: vừa đủ lượng mà vừa đảm bảo tính hiệu quả. Yêu cầu cần thiết cho bất kỳ một thông báo nào cũng là: ngắn gọn và đủ ý. Trong giao tiếp, để phục vụ cho mục đích của mình, người nói có thể lựa chọn những yếu tố ngôn ngữ để tổ chức phát ngôn. Về mặt hình thức cấu trúc, nhiều khi người ta có cảm giác là phát ngôn đó hình như bị thừa (dư, lặp) hoặc thiếu (tỉnh lược) một cái gì đó. Tuy nhiên, nếu xét ở bình diện ngữ nghĩa và nhất là theo quan điểm ngữ dụng thì, sự thiếu và sự thừa thực chất chuyển tải những ý đồ chiến lược thông báo khác nhau. Nó nhiều khi hoàn toàn không chỉ có ý nghĩa “nói cho ngắn”.
Hiện tượng được gọi là phép tỉnh lược (ellipsis) là hiện tượng loại bỏ bớt các thành phần trong phạm vi cú pháp và rộng hơn là phạm vi văn bản. Chính ở đây, các yếu tố ngữ nghĩa và ngữ dụng đã chi phối phép tỉnh lược. Việc nghiên cứu phép tỉnh lược phải dựa trên ngữ cảnh cần và đủ, tức là phải xem xét các phát ngôn liên quan và các nhân tố tham gia chi phối nội dung ngữ nghĩa các phát ngôn đó. Nói khác hơn, đối tượng để xem xét của phép tỉnh lược là một loạt các phát ngôn được hiện thực trong giao tiếp. Mục đích chính của chúng ta là phải tìm ra ngữ nghĩa của cả chuỗi phát ngôn. Và việc giải mã thông điệp phải bắt đầu từ các yếu tố hiện diện và quan hệ giữa các yếu tố đó trong cấu trúc.
Không xem xét các câu tỉnh lược theo quan điểm cú pháp thuần túy, phần lớn các nhà ngôn ngữ học M. A. K. Halliday, D.Nunan, Diệp Quang Ban, Cao Xuân Hạo, Trần Ngọc Thêm đặt các phát ngôn tỉnh lược trong cả chuỗi phát ngôn mà chúng đang có mặt, đối chiếu bản thân nó với các phát ngôn cùng trong bối cảnh giao tiếp.
Cao Xuân Hạo coi phép tỉnh lược là một dạng của phép thế. Ông cho rằng các phát ngôn tỉnh lược chính là các phát ngôn có chứa các ngữ đoạn hồi chỉ (hồi chỉ zero). “Ngữ đoạn hồi chỉ là những thành tố thuộc cấp này hay cấp khác trong câu cùng sở chỉ với ngữ đoạn đã xuất hiện ở một câu hoặc một đoạn đi trước trong ngôn bản (văn bản)” [19;363]. Đó là những danh ngữ được xác định bằng những định từ hồi chỉ như: “này”, “ấy”, “đó”, “trên”, “thế”, “vậy”…
Theo như quan niệm này, trong tiểu thuyết Nguyễn Chánh Sắt có rất nhiều ngữ đoạn hồi chỉ trong lời thoại của các nhân vật. Cụ thể:
+ Nghĩa hiệp kỳ duyên
“Ối khó lắm thầy ơi, không được đâu; hồi nãy tôi nghe thầy đọc báo nói rằng: Nàng ấy có một cái bớt son nơi vai bên trái, còn tôi đây thì không có; thoảng như ông ấy muốn nhìn con cho rõ, vạch vai tôi ra mà không có cái bớt son, thì người có tin đâu mà gạt người cho được!
Lâm Trí Viễn nghe nói cũng ngẩn ngơ, trong lòng đà thối chí. Anh ta đưng làm thinh, cứ ngó mông trên núi Sam mà suy nghĩ hồi lâu rồi lại gật đầu mỉm cười mà nói rằng:
- Được, được, không sao.
- Thầy tính sao mà gọi rằng được
- Không hề chi, việc ấy dễ lắm, tôi tính được rồi; bất quá làm liều tốn năm bảy chục đồng thì xong việc. Vả lúc này là lúc văn minh đại tân,…” [27;11]
+ Lòng người nham hiểm
“Lê: - Tôi đổi lại đây đã hơn năm sáu năm rồi, tôi vẫn biết nhà bà Phủ Ân lắm, hồi tôi mới lại thì ông Phủ vẫn còn, tôi không thấy hai ông bà có con chi hết. Mà sao cách mấy tháng nay lại có hai cô thiếu nữ nào đó, xinh đẹp vô cùng, đến ở nhà bà, mà lại kêu bằng má; thật cũng là kỳ!
Hoàng: - Điều ấy cũng chẳng lạ gì, vì tôi nghe hai cô ấy đều có học thức cả, hoặc lúc thầy mới đổi lại thì hai cô ấy còn mắc học trong Nữ học đường Sài Gòn, nên thầy không biết chăng.” [27;122]
+ Một đôi hiệp khách
“Ngươn Kiệt lại hỏi: À, hôm nọ cháu đi dọc đường, có nghe người ta đồn rằng Bạch Yến Nhi có ăn trộm của một cụ lớn kia tại tỉnh Bình Định một số tiền to lắm, không biết có quả vậy chăng, chú cũng có nghe có hiểu chớ?
Xuân Phương nói: Lạ gì việc ấy mà cháu phải hỏi, lấy của nhà giàu đem cho kẻ khó là việc bổn phận của nàng. Huống chi cụ lớn ấy là một bợm tham quan, sâu mọt của dân mà làm giàu, bảo sau nàng không lấy bớt để làm việc nghĩa.” [40;33].
Cũng như hồi chỉ, tỉnh lược không phải chỉ có tác dụng tiết kiệm, và có lẽ không phải có mục đích tiết kiệm. Tác dụng chủ yếu của hai biện pháp này là thực hiện tính mạch lạc trong câu và trong một tổ hợp câu. Tác dụng thứ hai của nó là tránh sự lặp lại nặng nề của các ngữ đoạn cùng một sở chỉ thường có hại cho tính mạch lạc của văn bản: một câu không có yếu tố hồi chỉ thì tính độc lập của nó cao hơn [19;364,365]…Trong tiếng Việt, những ngữ đoạn thường được lặp lại nhiều nhất.
Với tên gọi “tỉnh lược liên kết”, Trần Ngọc Thêm nhấn mạnh chức năng liên kết là chức năng chủ yếu của phép tỉnh lược. Trần Ngọc Thêm cũng phân chia phép tỉnh lược thành hai cấp độ: phép tỉnh lược yếu (chỉ tỉnh lược các thành phần phụ của câu như bổ ngữ, trạng ngữ) và phép tỉnh lược mạnh (tỉnh lược một trong hai thành phần nòng cốt của câu, theo quan điểm thành phần nòng cốt của câu là cấu trúc Chủ - Vị).
Tiểu thuyết Nguyễn Chánh Sắt dù ít nhiều bị ảnh hưởng bởi lối viết chương hồi của văn học cổ điển, lời thoại nhân vật chưa thật ngắn gọn, súc tích tuy nhiên vẫn có một số trường hợp nhà văn sử dụng phép tỉnh lược trong lời thoại nhân vật, cụ thể là phép tỉnh lược mạnh. Chúng ta cần đặt các lời thoại tỉnh lược trong cả chuỗi lời thoại mà chúng đang có mặt, đối chiếu bản thân nó với các lời thoại cùng trong bối cảnh giao tiếp mới có thể tìm được sợi dây liên kết giữa chúng. Bởi phép tỉnh lược suy cho cùng là sự loại bỏ các yếu tố mà người đọc có thể hiểu được nhờ mối liên hệ giữa các phát ngôn trong phạm vi một ngữ cảnh xác định (ngữ cảnh cần và đủ). Ngoại trừ các yếu tố thuộc lĩnh vực văn hóa giao tiếp (không thể tỉnh lược và phải nói đầy đủ, nếu không sẽ bị coi là thiếu lễ phép…) còn có một số điều kiện cho phép thực hiện phép tỉnh lược trên văn bản như ngữ cảnh giao tiếp, các mối quan hệ logic – ngữ nghĩa (mạch lạc trong văn bản), ý đồ và chiến lược giao tiếp.
Xét một ví dụ trong tiểu thuyết Trinh hiệp lưỡng mỹ:
“Ai ngờ cả nhà đều sợ hãi, duy có một mình nàng Đoàn Ngọc Nữ thì sắc mặt lại tỉnh queo; nàng thấy cả nhà đều sợ sệt rộn ràng, thì chúm chím miệng cười, kêu Trần Vân Long mà nói rằng: “Sức một bọn ăn cướp lối sáu, bảy mươi thì chúng có chi đâu mà cậu sợ lung lắm vậy? Thôi cậu hãy đi nghỉ đi, để cháu ra cháu đuổi chúng đi hết cho rồi, kẻo bà ngoại cháu hay mà thêm sợ nữa”. Trần Vân Long nghe nói thì nạt lớn rằng: “Ê! Đừng có nói điên nà, hãy đi kiếm chỗ mà trốn cho mau, kẻo chết bây giờ đa!””. [39;51]
Bị chi phối bởi yếu tố văn hóa giao tiếp, liên quan đến điều kiện: người ở vị trí thấp hơn phải trả lời đầy đủ theo nghi thức tôn trọng người trên, nếu không sẽ bị xem là thiếu lễ phép; lời thoại của nhân vật Đoàn Ngọc Nữ khi giao tiếp với người cậu của mình là Trần Vân Long không bị tỉnh lược thành phần nào. Chính nhờ điều kiện này mà người đọc cũng dễ dàng định vị được vai giao tiếp của Trần Vân Long trong đoạn thoại trên. Với tư cách là người lớn tuổi hơn, là cậu ruột của Đoàn Ngọc Nữ, hơn nữa lại đang đối diện với một tình thế nguy cấp, bọn cướp đã kéo đến bao vây, đe dọa giết hết cả gia đình, Trần Vân Long gần như ra lệnh cho Đoàn Ngọc Nữ phải tìm nơi ẩn náu để bảo toàn tính mạng. Dù bị tỉnh lược thành phần chủ ngữ nhưng lời thoại “Ê! Đừng có nói điên nà, hãy đi kiếm chỗ mà trốn cho mau, kẻo chết bây giờ đa!” của Trần Vân Long hoàn toàn có thể chấp nhận được khi dùng trong trường hợp này.
Xét một ví dụ khác trong tiểu thuyết Một đôi hiệp khách:
“Ba Hưng lại càng giận dữ, bèn mắng lớn rằng: “Đồ ăn cướp, bạc không muốn trả, bảo lãnh cũng không có người, lại còn nói ta muốn ăn lời nhiều, mi phải biết rằng bạc ấy là bạc của cụ lớn ngoài Kinh, mi không được thiếu một mảy một ly gì hết thảy”. Nói tới đó lại kêu kẻ tùng nhơn mà nói rằng: “Thôi, chớ nói giang ca gì nữa, bây hãy dẫn nó xuống dưới, lấy roi ngựa mà phết cho nó vài chục roi đi đã, lát nữa đem nó về nhà rồi sẽ hay”. Ngươn Kiệt nghe nói lửa dậy phừng phừng, không thể nào mà giấu cho nổi được, vùng đứng dậy chạy lại. Ngươn Kiệt lướt tới nắm kẻ tùng nhơn kéo giựt ngược lại và nói rằng: “Khoan dắt đi đâu cả, để ta nói một lời…”. [40;70]
Chứng kiến cảnh người lương thiện bị bức hiếp đến tột cùng, người đầy lòng nghĩa hiệp như Ngươn Kiệt không thể làm ngơ, lời thoại của Ngươn Kiệt cho thấy chàng tự xem mình là người có vị thế cao hơn Ba Hưng và đồng bọn, có thể ra lệnh và bắt buộc chúng dừng ngay hành động bắt bớ, hành hạ người vô tội, ở đây đã không còn chỗ cho tôn ti trật tự, cho văn hóa giao tiếp nữa. Câu nói đầu tiên của Ngươn Kiệt dành cho bọn tay sai của Ba Hưng sử dụng phương thức tỉnh lược mạnh, tỉnh lược chủ ngữ. Nó vừa cho thấy trạng thái tâm lý giận dữ của nhân vật khi chứng kiến bọn ác hoành hành ngang ngược, vừa cho thấy ý thức khẩn trương phải cứu người trong tình thế cấp bách, ngữ điệu của câu nói còn có thể khiến cho bọn ác bất ngờ, lập tức dừng hành động bắt người để chuyển hướng đối phó với Ngươn Kiệt. Ta có thể dễ dàng khôi phục lại các yếu tố tỉnh lược của lời thoại trên “Các ngươi khoan dắt đi đâu cả, để ta nói một lời…”, tuy nhiên lời thoại lúc này sẽ trở nên dài dòng, sức ra lệnh, trấn áp của nó cũng giảm đáng kể.
3. Tiểu kết
Ngôn ngữ nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Chánh Sắt sử dụng nhiều từ ngữ khẩu ngữ Nam Bộ. Mặc dù có lớp từ biến âm nhưng người tiếp nhận hoàn toàn có thể hiểu được bằng việc liên hệ với ngữ cảnh hoặc so sánh với lớp từ ngữ toàn dân. Nguyễn Chánh Sắt đã ghi lại chân thật trong cách phát âm theo phương ngữ, phản ánh đúng cách nói của người dân Nam Bộ, điển hình là việc sử dụng lớp từ biến âm như “biểu” (bảo), “nhứt” (nhất), “thiệt” (thật), “bịnh” (bệnh)…Đặc biệt, màu sắc đặc trưng Nam Bộ trong lời thoại nhân vật thể hiện rõ nét qua lớp từ ngữ xưng hô; lớp từ gợi ấn tượng về vùng văn hóa sông nước và lớp từ chỉ hành động, trạng thái, tính chất mang đặc trưng Nam Bộ.
Nói đến khẩu ngữ là nói đến sự nhấn nhá, đệm lót trong câu. Đối với khẩu ngữ Nam Bộ, những cấu trúc đảm nhận chức năng này có một số điểm khác biệt so với ngôn ngữ toàn dân: yếu tố “thì” ngoài chức năng đánh dấu bộ phận đề - thuyết còn có chức năng nhấn mạnh, yếu tố “mà” ngoài vai trò là thành phần đệm lót, nhấn mạnh trong câu còn đảm nhận chức năng liên kết, có giá trị tương đương với các liên từ “và”, “nhưng”, “để”…
Khóa luận cũng khảo sát chức năng ngữ pháp của các tiểu từ tình thái mang màu sắc đặc trưng Nam Bộ, thể hiện thái độ, tình cảm của chủ thể phát ngôn với hiện thực và với người nghe, tham gia tạo dạng cho câu nghi vấn, câu cầu khiến, câu cảm thán như “hông”, “chớ”, “hử”, “nè”, “nà”, “cà”…Các quán ngữ thể hiện đặc trưng phong cách khẩu ngữ Nam Bộ, diễn đạt thời gian, sự việc không xác định, tương phản, thể hiện trạng thái tâm lý…như “hổm rày”, “từ rày sắp lên”, “té ra”, “chẳng dè”, “thây kệ”…cũng xuất hiện trong lời thoại các nhân vật. Các yếu tố tỉnh lược, các yếu tố hồi chỉ với hiện tượng hợp âm giữa hai từ liền kề để tạo nên một đại từ chỉ định mang thanh điệu đặc thù của người dân Nam Bộ như “ổng”, “chỉ”, “cổ”, “thẩy”, “bển”, “hổm”…cũng làm sáng tỏ tính đặc trưng Nam Bộ của ngôn ngữ nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Chánh Sắt.
MỤC LỤC
Trang
DẪN NHẬP.......................................................................................................................... 1
1. Lý do chọn đề tài và mục đích nghiên cứu............................................................. 1
2. Lịch sử vấn đề............................................................................................................. 2
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu............................................................................ 4
4. Nguồn ngữ liệu........................................................................................................... 5
5. Phương pháp nghiên cứu........................................................................................... 6
6. Kết cấu khóa luận...................................................................................................... 6
CHƯƠNG MỘT. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ THUYẾT CƠ SỞ....................................... 8
1. Các nhân tố giao tiếp................................................................................................. 8
1.1. Nhân vật giao tiếp.............................................................................................. 8
1.2. Nội dung giao tiếp............................................................................................ 10
1.3. Hoàn cảnh giao tiếp......................................................................................... 11
1.4. Phương tiện giao tiếp....................................................................................... 13
1.5. Mục đích giao tiếp........................................................................................... 14
2. Cấu trúc hội thoại.................................................................................................... 14
2.1. Lượt lời.............................................................................................................. 14
2.2. Mở thoại............................................................................................................ 15
2.3. Cặp thoại........................................................................................................... 16
2.4. Liên kết các phát ngôn.................................................................................... 17
3. Những mối quan hệ cá nhân................................................................................... 18
3.1. Quan hệ ngang - quan hệ thân sơ................................................................... 18
3.1.1. Những dấu hiệu bằng lời......................................................................... 19
3.1.2. Những dấu hiệu cử chỉ và dấu hiệu bằng lời........................................ 19
3.2. Quan hệ dọc - quan hệ vị thế......................................................................... 19
3.2.1. Những dấu hiệu bằng lời......................................................................... 20
3.2.2. Những dấu hiệu cử chỉ và dấu hiệu bằng lời........................................ 20
4. Nguyên lý hội thoại và phép lịch sự..................................................................... 20
4.1. Nguyên lí cộng tác (hội thoại)....................................................................... 20
4.2. Nguyên lý lịch sự............................................................................................. 21
4.2.1. Khái quát................................................................................................... 21
4.2.2. G. Leech (1983) và phép lịch sự............................................................ 22
4.2.2. Thể diện..................................................................................................... 22
5. Ngôn ngữ tiểu thuyết............................................................................................... 24
5.1. Ngôn ngữ người kể chuyện............................................................................. 24
5.2. Ngôn ngữ nhân vật........................................................................................... 25
5.2.1. Ngôn ngữ độc thoại.................................................................................. 28
5.2.2. Ngôn ngữ đối thoại.................................................................................. 28
6. Giới thiệu tổng quát về Nguyễn Chánh Sắt và tiểu thuyết của ông.................. 28
6.1. Vài nét về cuộc đời và sự nghiệp................................................................... 28
6.2. Một vài nhận xét về nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Chánh Sắt 30
7. Tiểu kết...................................................................................................................... 32
CHƯƠNG HAI. LỜI THOẠI CỦA NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT NGUYỄN CHÁNH SẮT 33
1. Tính liên kết của lời thoại nhân vật ..................................................................... 33
1.1. Khái niệm liên kết – Tính liên kết của lời thoại nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Chánh Sắt 33
1.2. Liên kết thông qua cảnh trí ............................................................................ 34
1.3. Liên kết hệ thống biểu thức quy chiếu......................................................... 42
1.4. Liên kết chuỗi hành động – sự kiện.............................................................. 44
1.5. Liên kết theo diễn biến tâm lý....................................................................... 53
2. Tính liên nhân trong lời thoại nhân vật................................................................ 56
2.1. Khái niệm liên nhân – Tính liên nhân của lời thoại nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Chánh Sắt 56
2.2. Hiệu lực của yếu tố lịch sự trong quan hệ liên nhân.................................. 57
2.3. Yếu tố lịch sự bất thường trong lời thoại nhân vật...................................... 61
2.4. Yếu tố thể diện trong lời thoại nhân vật....................................................... 63
3. Yếu tố văn hóa trong lời thoại nhân vật .............................................................. 68
3.1. Đặc trưng xã hội Nam Bộ qua lời thoại nhân vật........................................ 68
3.2. Đặc trưng văn hóa – con người Nam Bộ qua lời thoại nhân vật............... 71
4. Tiểu kết...................................................................................................................... 73
CHƯƠNG BA: ĐẶC TRƯNG NAM BỘ CỦA LỜI THOẠI NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT NGUYỄN CHÁNH SẮT.................................................................................................. 76
1. Từ ngữ khẩu ngữ Nam Bộ....................................................................................... 76
2. Một số yếu tố cấu tạo các kiểu câu thường dùng trong khẩu ngữ Nam Bộ..... 81
2.1. Các yếu tố đệm................................................................................................. 81
2.2. Các tiểu từ tình thái mang phong cách khẩu ngữ Nam Bộ......................... 84
2.3. Các quán ngữ đặc trưng cho phong cách khẩu ngữ Nam Bộ..................... 90
2.4. Các yếu tố hồi chỉ, tỉnh lược.......................................................................... 97
2.4.1. Các yếu tố hồi chỉ.................................................................................... 97
2.4.2. Các yếu tố tỉnh lược.............................................................................. 100
5. Tiểu kết................................................................................................................... 103
KẾT LUẬN..................................................................................................................... 105
TÀI LIỆU THAM KHẢO............................................................................................ 108
PHỤ LỤC........................................................................................................................ 113