Mười thế kỷ của nền văn học thành văn Việt Nam chủ yếu là mười thế kỷ của thơ và văn vần. Đặt cạnh thơ và văn vần, bộ phận tác phẩm văn xuôi chiếm một tỉ lệ cực kỳ khiêm tốn.
Việt Nam là một thi quốc.
Cái đó thì đã hẳn. Vì bấy lâu nay hầu hết những ai quan tâm (hoặc tỏ ra quan tâm) đến thơ đều xác nhận phán đoán trên, như một điều không cần phải bàn cãi. Vì, đã một quốc gia nào trên thế giới này có một ngày dành trọn vẹn cho thơ, và cái Ngày thơ ấy lại được gọi tên bằng tên của đất nước, như Việt Nam?
Giả định rằng ở một vài quốc gia khác cũng có chuyện tương tự, liệu người yêu thơ của những quốc gia ấy có dọn mình đến với Ngày thơ Đất nước nô nức và thành kính tựa những tín đồ hành hương về thánh địa, như người yêu thơ ở Việt Nam? Chưa hết, nói Việt Nam là một thi quốc, ắt phải nhắc đến bản năng thi ca của người Việt Nam. Nó phải đạt tới mức độ nào đó thì mới có thể xác lập định nghĩa “Việt Nam là một nước thơ”. Điều này thì cách đây gần một thế kỷ (năm 1922), giữa thủ đô Ba Lê hoa lệ của Pháp quốc, học giả Phạm Quỳnh đã tự hào quả quyết: “Nếu như thi ca, phân tích cuối cùng là ở chỗ nó là một khả năng nào đó để xúc động trước những cảnh đời và cảnh thiên nhiên, để biến sự xúc động êm dịu và nhất thời này thành những câu chữ hài hòa và có nhịp điệu, thì dân tộc chúng ta đã luôn sở hữu cái bản năng thi ca này có thể gọi là ở trạng thái thuần khiết... Tiếng nói của chúng ta như hát với một gam những thanh điệu làm cho những người ngoại quốc muốn hóa thành người Nam đành phải thất vọng. Chính vì vậy nên qua nhiều thế kỷ, bản năng thi ca và thứ ngôn ngữ đầy tính nhạc ấy đã hình thành một nền văn chương bình dân của nước Nam phong phú, bao gồm những bài hát, những bài thơ hai câu, những ngạn ngữ và tục ngữ, những câu nói ít hay nhiều có vần, có ẩn dụ, hình ảnh, có sự so sánh nhiều chất thơ; nó cấu thành như cái nền của ngôn ngữ đất nước ta”.
Ông chủ bút “Nam Phong tạp chí” nói tới cái bản năng thi ca của người Việt Nam như nó đã thể hiện qua văn chương bình dân. Trong một phạm vi rộng hơn, thậm chí còn có thể khẳng định rằng cái gọi là “bản năng thi ca” ấy thể hiện ở mọi tình huống diễn ngôn, chứ không chỉ là văn chương. Mọi sự kiện lớn nhỏ diễn ra trong đời sống xã hội của người Việt Nam đều có thể được cái gọi là “bản năng thi ca” nói trên chọn làm đối tượng để tường thuật và bình luận (khen hoặc chê) ngay lập tức, bằng “những câu chữ hài hòa và có nhịp điệu”. Người ta sẽ phải đặt một câu hỏi: để tường thuật và bình luận sự kiện, có thể dùng những câu chữ không hài hòa và không có nhịp điệu trong “văn bản miệng” được hay không? Đương nhiên được. Nhưng khi đó thì nó là văn xuôi chứ không phải văn vần. Nó không dễ thuộc dễ nhớ, không loang nhanh và rộng như “những câu chữ hài hòa và có nhịp điệu” đã đành, mà nó cũng gây khó cho người ứng tác. Đây có lẽ là một đặc điểm từng tồn tại trong truyền thống tư duy của dân ta: người Việt Nam nghĩ bằng văn vần nhanh hơn và dễ hơn nghĩ bằng văn xuôi!
Nhìn riêng ở phương diện văn chương, tính chất “thi quốc” của nước Việt Nam lại càng rõ. Mười thế kỷ của nền văn học thành văn Việt Nam chủ yếu là mười thế kỷ của thơ và văn vần. Đặt cạnh thơ và văn vần, bộ phận tác phẩm văn xuôi chiếm một tỉ lệ cực kỳ khiêm tốn. Hơn nữa, trong các tác phẩm văn xuôi ít ỏi thuộc thời kỳ trung đại, không khó nhận thấy ở đó sự lây nhiễm của “tính thơ”, “tính văn vần”, ít ra là một dấu hiệu về hình thức: những câu văn biền ngẫu nhịp nhàng đăng đối, “hài hòa và có nhịp điệu”. Cũng nên quan tâm tới một thực tế là: số tác phẩm văn xuôi ít ỏi ấy của văn học Việt Nam trung đại được viết bằng chữ Hán, chứ không phải chữ Nôm – một thứ văn tự ghi âm tiếng nói của người Việt Nam – mặc dù văn học Nôm đã phát triển đến một giai đoạn huy hoàng với các thể loại thơ (của Hồ Xuân Hương, Bà huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến), ngâm khúc (Ngọa Long cương ngâm, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm, Thu dạ lữ hoài ngâm, Ai tư vãn, Tự tình khúc), hát nói (của Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh) và truyện thơ (Hoa tiên, Truyện Kiều, Song tinh bất dạ, Sơ kính tân trang, Sãi vãi). Cắt nghĩa hiện tượng này là công việc của những người nghiên cứu văn học sử, ở đây người viết chỉ muốn rút ra một nhận thức ít nhiều mang tính chủ quan: thì ra trước khi có cuộc tiếp xúc với văn chương phương Tây, nền văn học của chúng ta, có thể nói, là một nền văn học không có truyền thống văn xuôi bằng thứ văn tự ghi âm tiếng mẹ đẻ! “Phủ định cái gì sẽ bị chính cái đó quy định, ràng buộc” (Spinoza). Có lẽ, đây là một trong những nguyên nhân khiến cho nền văn xuôi Việt Nam hiện đại (bằng chữ quốc ngữ) cho đến bây giờ, về cơ bản, vẫn thuộc hàng “chiếu dưới” nếu so với văn xuôi thế giới. Phải chăng, nên nhìn nhận điều này như là mặt trái của niềm tự hào về một Việt Nam “thi quốc”?
Việt Nam là một thi quốc. Trên mặt cắt đương đại, nếu nhìn vào tổ chức Hội Nhà văn Việt Nam, dễ thấy là hội viên thơ áp đảo hội viên các ngành còn lại, nếu xét về số lượng. Đó là chưa kể đến việc ở các ngành còn lại, có không ít vị hội viên vốn khởi nghiệp viết lách của mình bằng thơ, và có không ít vị vẫn luôn chia sẻ niềm đam mê văn xuôi (hoặc lý luận phê bình, hoặc dịch thuật văn học) của mình với thơ, cho thơ. Nhìn rộng ra toàn xã hội lại càng thấy người làm thơ nhiều vô kể. Nhà nhà làm thơ người người làm thơ, ngành nghề nào cũng có nhà thơ, khu phố nào cũng có nhà thơ. In ấn hiện nay thì quá dễ dàng, vậy nên số thi tập được xuất bản cứ tăng dần theo từng năm, thật đúng là cảnh phồn thịnh trong một thi quốc!
Tại sao lại có nhiều người làm thơ đến thế?
Vì, thứ nhất, đúng như nhận định của học giả Phạm Quỳnh đã dẫn ở trên: “Dân tộc chúng ta đã luôn sở hữu cái bản năng thi ca này có thể gọi là ở trạng thái thuần khiết”. Nói một cách thật đơn giản là người Việt Nam có cái diễm phúc được ông trời hào phóng ban cho khiếu làm thơ, vậy nên nước Việt Nam có nhiều nhà thơ thì cũng là điều chẳng có gì khó hiểu.
Thứ hai, trong một quốc gia có truyền thống trọng văn (văn chương nói chung), danh xưng thi sĩ cũng là một cái gì đó thật đáng kể. Nhưng nhiều người làm thơ mà chẳng cần quan tâm xem thơ của người khác mặt ngang mũi dọc như thế nào. Khi đã in thơ được đủ số theo quy định, họ sẽ xin vào Hội Nhà văn, và lúc đó thì cái danh xưng thi sĩ nghiễm nhiên trở nên vững như bàn thạch, quá đủ để mọc mũi sủi tăm với nhân quần, không cần phải lao tâm lao lực nữa với thơ cũng được! Ai đó nói: thế là người ta yêu cái danh xưng nhà thơ hơn yêu thơ.
Thứ ba, xem ra làm thơ dễ hơn các thể loại văn học khác? Nhà phê bình văn học Đức gốc Ba Lan Marcel Ranicky, người được tôn xưng là “Giáo hoàng của văn chương Đức đương đại”, có nói đại để rằng thơ là thể loại... lập lờ nhất trong các thể loại văn học! Văn xuôi (truyện ngắn, tiểu thuyết) và kịch dẫu sao đều ít nhiều có cái rõ ràng của nó, cái rõ ràng tạo cơ sở để tránh được sự hàm hồ trong việc bình giá tác phẩm. Nhưng còn thơ, cụ thể, thơ trong “thi quốc” hiện nay? Viết cũ rích ra, viết như thể chỉ là đổ đầy câu chữ có sẵn vào những cái khuôn hình thức có sẵn thì được coi là quay về với truyền thống, là mang nặng hồn dân tộc. Viết tối tăm mù mịt như đánh đố người đọc, viết như xả rác vào trong văn bản (gọi là) thơ thì được khen là cách tân, là đã bắt kịp với đủ thứ “ism” (chủ nghĩa) của thơ ca thế giới. Cách nào cũng có thể được tôn vinh, vậy hà cớ gì không chọn thơ mà làm?
Việt Nam là một thi quốc. Thế nhưng, đằng sau những dấu hiệu cấu thành nên diện mạo của một nước thơ, có không ít điều đáng phải suy nghĩ.
H.N
Nguồn: http://www.bungbinhsaigon.net/Baiviet.aspx?id=647