Để trở thành nhà thi pháp học với lối đi của mình, Trần Đình Sử dường có đủ cả hai điều đó.
Hồi đầu, hoàn cảnh đưa đẩy ông vào tiếng Trung. Đành rằng, Trung văn cũng cần thiết và thú vị, nhưng vẫn chưa phải văn. Chưa phải niềm thiết tha nhất. Chí hướng đã xui khiến ông bằng mọi cách chuyển sang văn. Ông đã qua Trung Quốc học văn để rồi về Vinh dạy văn. Sang văn rồi, ham mê lại làm tiếp một việc nữa: ném toàn bộ tâm trí ông vào lí luận văn học. Khi làm lí luận, giữa thời người ta sùng bái những tính nọ tính kia, xúng xính bê những nguyên lí của các nhà kinh điển vốn từ lĩnh vực triết học, chính trị, kinh tế đem áp vào văn học mà xì xụp, thì một nhận thức riêng đã khiến ông ngờ ngợ. Dự giờ giảng của vài đồng nghiệp tinh anh hiếm hoi ngoài tổ lí luận lúc bấy giờ, nhận thức càng khiến ông đinh ninh: lí thuyết kiểu kia rất xa với sự thực văn chương. Và thế là cái trí sắc sảo cùng cái chí xông xáo đã đồng lòng xúi ông, thúc đẩy ông phải tìm cho mình một cách khác, một lối khác.
Nhưng lối nào, cách nào ? Cứ ở lì Vinh, liệu có lối nào không nhỉ? Đúng vậy, nếu cứ trói chân ở Vinh, liệu Trần Đình Sử có thành Trần Đình Sử không nhỉ ?
Và cơ duyên dường như đã lẳng lặng xúc tiến những gì cần phải diễn ra. Cơ duyên đưa ông sang Liên Xô, chứ không phải nước nào khác. Sang đó, cơ duyên lại đưa ông về Kiep, chứ không phải thành phố nào khác. Tại đây, cơ duyên lại đưa ông tới gặp tư tưởng của những Đ. Likhachốp, V. Gimunxki, B. Eikhenbaum, Iu. Lốtman, M. Bakhtin… chứ không phải đẩy ông vào con đường tìm về với các nhà “kinh điển” sắp hết “đát”… như nhiều đồng nghiệp kém hên khác. Thế là ông đã đến với Trường phái hình thức Nga, với những bậc thầy của Thi pháp học. Niềm khát khao lối mới, cách mới vốn nung nấu trong lòng bấy nay đã mách bảo với ông rằng: Thi pháp học chính là cái ông cần tìm cho mình và không chỉ cho mình. Ông đã lao vào tìm hiểu không mệt mỏi thứ lí thuyết không hề giản đơn này. Nhiều khi, cùng lúc ông vừa ngập mình trong cái biển chữ nghĩa Thi pháp học đầy hóc hiểm vừa chống chọi với căn bệnh hen suyễn dai dẳng suốt những kì tuyết giá. Vỡ vạc dần, ngấm dần, thấm dần từng khái niệm, từng thuật ngữ, từng quan hệ, từng thao tác… Ngày này lại ngày khác… Cuối cùng, ông định hình mỗi lúc một rõ nét cho mình cả một lí thuyết về Thi pháp… Vậy là, từ Vinh ra đi, từ trong nước ra nước ngoài, từ Tàu sang Tây, bằng năng lực và nỗ lực, Trần Đình Sử đã tích hợp được cho mình một nền tảng văn hóa vững chắc gồm cả Đông lẫn Tây để cập nhật và đem về một lý thuyết mới, mở ra và làm chủ một lối đi mới trong nghiên cứu văn chương nước nhà.
Tôi còn nhớ cái cảm giác khi đọc bài “Thời gian nghệ thuật trong Truyện Kiều và cảm quan hiện thực của Nguyễn Du” hồi 81- 82 thế kỉ trước. Có thể nói đây là cuộc trình làng đình đám của Thi pháp học Trần Đình Sử. Đối với những người nghiên cứu đã ngấy những lối cũ đường quen, đang mầy mò tìm lối mới, thì nó là một cú “sốc” thực sự. Phải gọi nó là cú “sốc ba trong một”. Sốc bởi một cách nhìn mới toanh về Truyện Kiều. Sốc vì một cách hiểu uyên bác, sắc sảo đến khó lường về thời gian cùng vai trò của nó trong một thế giới nghệ thuật. Nhưng, sốc hơn cả vẫn là bởi một cách hiểu, một hướng tiếp cận hoàn toàn bất ngờ đối với khái niệm hình thức. Đây là dạng hình thức mềm, hình thức của cái nhìn, chứ không phải thứ hình thức cứng – hình thức đông cứng trong vật liệu. Cái mà lâu nay người ta không thấy, hoặc có lờ mờ cảm thấy đâu đó thì lại đánh đồng với nội dung. Nhiều cái cứ nghĩ mười mươi là nội dung kia, té ra, lại là những dạng hình thức. Có thể nói nó đã làm một bừng tỉnh – sự bừng tỉnh đối với đông đảo người nghiên cứu ở ta về hình thức trong nghệ thuật ngôn từ. Sau cơn choáng, người đọc vỡ lẽ ra nhiều điều, mà điều then chốt nhất hẳn phải là: thế nào là “hình thức mang tính quan niệm” trong nghệ thuật ngôn từ. Thì đó chính là điều cốt lõi nhất của Thi pháp học Trần Đình Sử. Đi tìm quan niệm ẩn sau mỗi dạng hình thức, mà có lúc còn được xem là đi tìm cái lí của hình thức, chính là thao tác căn bản nhất của nhà thi pháp học này. Về sau, ông còn tiếp tục hàng loạt những công trình khác như: Không gian nghệ thuật, Cái nhìn nghệ thuật, rồi Thi pháp thơ Tố Hữu, Dẫn luận về Thi pháp học … mau mau hoàn thiện toàn bộ qui trình Thi pháp học của mình. Cái nào ra cũng gây hứng thú. Nhưng cú “sốc” kia thì không thể lặp lại. Cứ như là “cái thuở ban đầu Thi pháp ấy”! Đối với người nghiên cứu, mỗi lí thuyết mới như vậy bao giờ cũng như đột ngột mở ra trước mắt một thế giới khác. Nó khiến người ta có một cách nhìn hoàn toàn khác vào sự vật quen, mà trước đó chưa từng có. Đến giờ, Thi pháp học đã nhập tịch vào học thuật Việt Nam, đã sống khỏe, sống có ích trong thủy thổ này. Nói cho công bằng, ở ta, trước ông, không phải chưa có người từng biết, từng nói về Thi pháp này, và từ việc nghiên cứu nội địa cũng không phải chưa có người chạm tới Thi pháp một cách tự phát. Nhưng chỉ đến ông, Thi pháp học mới hệ thống và nhuần nhuyễn thế. Kể từ đó, Thi pháp học Trần Đình Sử có một ảnh hưởng không thể phủ nhận đối với giới nghiên cứu, nhất là giới đại học. Cả những người không ưa ông, cũng khó cưỡng được ảnh hưởng của nó.
Nhân đây, cũng xin bày tỏ một điều tôi vẫn thầm tiếc cho ông và không chỉ cho ông. Đó là cuốn Thi pháp Truyện Kiều. Người am hiểu hướng nghiên cứu của Trần Đình Sử đều thấy đây mới là công trình lớn nhất của ông. Nó là công trình của một cuộc đời. Không chỉ là tập đại thành chuyên về kiệt tác này của cả đời Trần Đình Sử, mà trong đó còn rất nhiều khía cạnh lí thuyết thi pháp ông nghiền ngẫm cũng đến độ chín nhất, hiệu quả nhất. Ấy thế mà nó bị trượt khỏi giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam năm ấy, cụ thể là trượt khỏi cặp mắt xanh ơi là xanh của Ban chấp hành hội. Nếu nó được vinh danh, hẳn ảnh hưởng của hướng nghiên cứu này còn to lớn hơn nữa.
Khác với nhiều thứ lí thuyết từng ngự trị trước đây vốn được vận dụng từ những triết học, chính trị, xã hội học đâu đâu ấy, Thi pháp học là lí thuyết khái quát từ nghệ thuật ngôn từ để trở về nghiên cứu nghệ thuật ngôn từ. Vì thế nó có một sức sống mạnh mẽ. Song, Thi pháp lại là thứ chúa phức tạp. Những người quen giản đơn không mặn mà lắm với Thi pháp cũng phải. Và khối người vẫn còn lầm lẫn, đánh đồng Thi pháp này với dạng thi pháp quen nghe trong truyền thống phương Đông hay Thi học của Arixtôt đến từ Hi Lạp. Tôi nhớ một lần tán gẫu với mấy tay viết văn Nguyễn Du khóa 4, toàn những tay cũng sành lí sự cả. Một vị bỗ bã: bọn tôi viết mà bằng Thi pháp của các bố thì có mà ăn cám. Lúc nào cũng bị ám bởi mấy cái quan niệm nghệ thuật về con người, với những không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật của các bố thì chúng tôi thành thợ tất, chứ còn viết thế chó nào được ! Ô hay, thì đúng thế. Có ai xui các ông viết theo Thi pháp đó đâu! Người sáng tác nào tìm đến Thi pháp này mong kiếm một cẩm nang hiện đại cho việc viết lách thì bại là cái chắc. Nó sẽ làm rối trí, có khi còn tắc bút. Bởi đơn giản đây đâu phải lí thuyết viết. Mà là lí thuyết đọc. Thi pháp này thuộc về lí thuyết tiếp nhận, nó trang bị những công cụ giúp người đọc đi vào thế giới nghệ thuật của kẻ viết, chứ đâu phải những cẩm nang giúp kẻ viết kiến tạo nên thế giới kia. Nó giúp người ăn thưởng thức món ăn, chứ có nhằm giúp người nấu chế biến món ăn với những ngón nghề bếp núc đâu. Tôi nghĩ, ở ta, có không ít mối hoài nghi Thi pháp học từ phía những người sáng tác bấy lâu nay, một phần là xuất phát từ chỗ họ cứ mong chờ cái mà Thi pháp này không thể cho họ.
*
Ai đã gần gũi Trần Đình Sử đều nhận thấy văn ông và con người ông là một. Là người coi trọng cái gốc của một nghiệp văn, một khoa học về văn, ít bận tâm đến lá cành, nên điều ông chuyên chú là xác lập cho được một cơ sở lí thuyết, triển khai cho được hệ thống lí thuyết. Mỗi việc làm, mỗi bài viết tung ra dường như đều xuất phát từ một gốc chung, hoặc đều soi chiếu từ lí thuyết đó cả. Cho nên, mạch nghĩ của ông thường dài hơi, khí văn của ông thường quyết liệt. Bài viết nào dường như cũng nảy sinh trên cơ sở đối thoại trực diện hoặc đối thoại ngầm với một ý kiến nào đó, mà có khi là đối thoại với cả một quá khứ. Để cho ý của mình nổi trội và áp đảo, ông đã huy động tất cả những kiến văn Đông Tây Kim Cổ có được để biện bác, thuyết phục. Lời thì sắc, ý thì chắc, mạch thì chặt, hơi thì nóng. Tất cả cứ toát lên một văn phong kiêu hùng. Phải, kiêu hùng là sắc thái nổi trội trong văn Trần Đình Sử. Đọc ông, người ta thấy đó là văn của trí và chí. Phía nào cũng ngùn ngụt. Tôi nhớ những bài tranh luận của ông xung quanh khái niệm “văn chương”, “văn học”, “phản ánh”, “nghiền ngẫm”, xung quanh những bài thơ như “Tiếng Thu” của Lưu Trọng Lư, “Cảnh chiều hôm” của Hồ Chí Minh, “Độc Tiểu Thanh kí” của Nguyễn Du hay chuyện “Giảng văn” và “Đọc hiểu văn”, “văn bản” và “thế bản” gần đây v.v… Người đọc có thể còn muốn đòi hỏi hơn nữa về những tinh tế ý nhị thuộc mỹ cảm của người viết, nhưng bù lại, bài nào cũng uyên bác, sắc sảo và quyết liệt đến điều. Thiếu một niềm tin mạnh mẽ vào tri thức và trí tuệ của mình, không có văn ấy; thiếu một xác tín vào lí thuyết và kiến thức của mình, không có văn ấy; thiếu một ngọn hỏa tâm ngút trời, cũng không thể có văn ấy. Chẳng phải đó là những nguồn năng lượng làm nên một nội lực mạnh đem lại thành công trong các công trình học thuật mang thương hiệu Trần Đình Sử hay sao ? Một người bạn viết là Việt kiều ở Mỹ chưa từng gặp ông, mới chỉ đọc những gì ông viết thôi, nhưng đã hình dung đến “dễ sợ” về tác giả. Anh hỏi tôi: Ông Sử chắc viết muộn, người viết thế thường chỉ cầm bút lập ngôn sau một quá trình tích lũy thật dài ? – Đúng, khoảng bốn mươi tuổi ông mới công bố cái đầu tay. Ổng là người cứng lí ? – Đúng, cả khi nói lẫn khi viết, lí ông đều cứng. Chắc ổng khắc khổ ?- Đúng, lúc nào cũng thấy ông như đang theo đuổi, nấu nung cái gì đó trong lòng. Chắc ổng chỉ biết làm, ít biết chơi?- Cũng đúng, phải chơi, ông sốt ruột lắm. Chắc ổng nóng tính?- Càng đúng, tôi có chứng kiến đôi lần… Quái, sao anh đoán được vậy? Qua văn thôi. Do hỏa vượng ư? Ừ, thì đại khái thế. Tài thật.
Tôi được gần ông nhiều, cả khi học, khi dạy, lẫn khi viết lách. Nên có rất nhiều kỉ niệm. Vậy mà không hiểu sao, cứ nghĩ đến ông, là tôi lại ngùi nhớ tới cái ngày mưa ấy. Đó là cữ mưa phùn cuối xuân. Đường Hà Nội vào tiết ấy thì… còn lạ gì, quá khiếp. Tại phòng chờ giảng đường nhà B, tôi và giáo sư Phan Trọng Luận đang ngồi chè nước đợi giờ tới, thì ông xịch cửa vào. Tay phải lướt thướt áo mưa. Tay trái lễ mễ chiếc cặp da cũng lớp nhớp. Trán dấp dính những dòng nước hoen bùn vẫn đương ngoằn ngoèo từng dòng rớt xuống ngực áo khoác đầy chạt những vết bùn bắn. Vẻ bức xúc vẫn còn nguyên trên sắc mặt đỏ lựng. Sao vậy ? Cụ Luận sốt sắng hỏi. Thì được trả lời ngay, một thôi một hồi. Té ra, ông phóng xe máy vào dạy. Nhưng trên đường cứ có một tay khỉ gió vè vè ngay trước mặt. Giờ dạy thì sát nút rồi. Học trò hẳn là đang sốt ruột lắm. Ông thì vội mà nó cứ chiếm đường. Tệ nhất là nó cứ nhênh nha nhênh nhang. Còi mỏi cả tay, nó vẫn không đếm xỉa. Đã thế, phải vượt bằng được. Ông cứ rượt sát sạt. Nó cứ bắn bùn tứ tung. Rát cả mặt, nhèm cả mắt. Kệ, dứt khoát vượt. Không thể để nó cản. Rồi, nhè lúc nó chững, ông hết tốc lực, vù lên, bùn cũng bắn tứ tung. Thế là thoát. Rẽ vào trường rồi, vẫn chưa hết ngán cái thói đời ấy… Nghe chuyện, tôi vừa tức thay cho ông vừa lo: giời ơi, cứ rượt thế, ngộ nhỡ va quệt thì sao? Đường đời có khi nào thiếu những kẻ nhênh nhang thế đâu! Mà người thế này, thì lên lớp làm sao đây!… Vội kể. Vội trút áo ngoài. Treo áo mưa. Rửa mặt. Lau cặp. Rồi quày quả ra luôn. Tôi cứ nhìn theo dáng ông sấp ngửa vào lớp mà xót xa, ái ngại.
Nhưng, khi đã vào lớp, bắt đầu bài giảng Thi pháp là ông quên tất tật những bực dọc. Lúc này, dường như chỉ còn những ý tưởng khoa học. Đứng ở bục giảng bên này ngó sang bên ấy, thấy sắc mặt ông cũng đỏ lựng. Nhưng tôi biết, vì nhiệt huyết, vì say sưa, vì khoa học, chứ không còn vì gì gì nữa cả. Những bức xúc ban nãy hẳn đã rơi xuống cùng những bụi phấn lả tả kia rồi. Một khi Thi pháp đã cất tiếng thì cái thế giới đời thường đầy phiền tạp ngoài kia chẳng còn có thể làm ông phân tâm được nữa. Trần Đình Sử là thế. Tôi mừng vì thấy tiếng cười lớn chốc chốc đã vọng sang từ bên ấy. Nếu người nghe là đám sinh viên, học viên máu mê nghiên cứu, khoái lí thuyết thì bao giờ ông cũng sẽ truyền giảng như trút tâm trút huyết nấu nung cả một đời ra vậy… Lối giảng của ông có thể không hấp dẫn bằng những uyển chuyển linh hoạt tài hoa kiểu nghệ sĩ. Cũng không hấp dẫn kiểu lớp lang mô phạm. Bù lại, sức nặng của những buổi giảng Trần Đình Sử là hàm lượng khoa học rất cao. Sinh viên nào ham thích những vấn đề phức tạp, những khái niệm trừu tượng, những lí thuyết hàn lâm thì có thể vượt qua cái ngưỡng thông thường để say mê những giờ giảng ấy. Và họ dễ thành tín đồ của ông. Tôi chắc, không ít cán bộ trẻ đã chịu ảnh hưởng phong cách này.
Mỗi giờ nghỉ, vào phòng đợi, là ông tán chuyện với đồng nghiệp. Thường khi ông góp chuyện bằng những tin nóng hoặc những chuyện hài nào đó với tràng cười rất sảng khoái, hồn nhiên, trẻ tính. Nhìn ông khi đó đồng nghiệp thấy ấm lòng: Trần Đình Sử cũng hòa đồng, cũng đời đấy chứ. Nhưng cỗ phanh trong ông nhạy lắm. Ông thường kết nhanh, rút lẹ. Một mình uống nước góc phòng. Quên luôn đám đông. Thấy rõ ông chỉ muốn dẹp mau mau mọi sự vụ cùng sinh thú để còn về với những theo đuổi của riêng mình. Nếu ông có bị cuốn vào một cuộc chơi nào đó, thì tâm ông cũng chẳng cùng chơi với mọi người lâu. Những lúc như thế, không biết ông đang nghĩ đến những đống tài liệu cần tra cứu, những tá dự định còn dang dở cần tiếp tục nung nấu để hoàn thiện, hay dăm ba cuốn sách quan trọng nào đó của đời mình còn chưa xong… Chỉ thấy dáng vẻ rất cô độc. Hình như những nấu nung trong lòng không buông tha ông. Nó trói buộc và đày ải ông không cách gì giải cứu. Chẳng nhẽ một người đã theo đuổi khoa học kiêu hùng thế, thì bao giờ cũng là một khối cô đơn sao ? Tôi cứ nghĩ lẩn thẩn: ừ, giá ông biết chơi một chút, thì có phải sướng hơn không !
Làng quốc tế Thăng Long, thu Kỷ Sửu
Nguồn: http://lyluanvanhoc.com/?p=6628