Ôn cũ để đổi mới

Từ sau Cách mạng Tháng Tám, văn học ta đã có những thành tựu đánh dấu một bước phát triển quan trọng mà lịch sử đã ghi nhận. Nhưng trong hoàn cảnh chung, nó không tránh khỏi những hạn chế, mức độ sâu rộng, nghiêm trọng như thế nào khó mà lường hết được, cũng như không thể lường hết được những gì mà lẽ ra nó có thể đạt tới nếu không bị những vướng mắc, ràng buộc đã xảy ra trong đời sống kinh tế, xã hội chung trước đây.

 

Văn học ta chưa làm được nhiều hơn, tốt hơn, không phải do các nhà văn không thể làm, không có khát vọng làm. Thế thì tại sao? Nguyên nhân có thể nhiều, nhưng chung quy vẫn là do thiếu dân chủ, thể hiện ở tâm lý sợ bị coi là sai. Đúng sai ở đây thường là xuất phát từ một quan niệm thực dụng về chức năng của văn nghệ, về mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị.

 

Kể cũng lạ, bao nhiêu sai lầm như chúng ta đã biết làm cho nền kinh tế ta chao đảo, niềm tin bị xói mòn, đời sống thiếu thốn kéo dài do quan liêu, lãng phí, kém năng lực và nhiều bê bối khác, thì "đương sự" hầu như được yên ổn, nếu không phải là thăng tiến dài dài. Trong lúc đó thì người viết ai nấy đều phải hết sức thận trọng, giữ mình, ở người thiếu bản lĩnh có nguy cơ biến thành một bản chất thứ hai, một phong cách sống và sáng tác rất ít đáng tự hào. Trong tình hình như thế, mà có được thành tựu đáng kể, đủ biết cái nợ văn chương, cái duyên văn tự sâu nặng biết chừng nào.

 

Một khi trong cải tạo và xây dựng, khá phổ biến là lấy quan hệ sản xuất tự nó làm cứu cánh, mặc kệ sản lượng, năng suất, thu nhập đến đâu thì đến; một khi tổ chức bố trí người, trước hết dựa vào lý lịch, thành phần xuất thân, thâm niên, còn thực chất con người thì rất ít khi đi sâu tìm hiểu, tình hình đó không khỏi tác động đến tâm lý chung, đưa đến lối viết bằng lòng với "nửa sự thật" ở một bộ phận sáng tác không nhỏ.

 

Trong lúc đó thì những tiêu cực đầy rẫy trong xã hội, kỷ luật lao động lỏng lẻo, lối làm việc qua loa tắc trách chưa có cách gì khắc phục, rất dễ đưa đến ở người sáng tác cái tâm lý nhân nhượng, không đòi hỏi nghiêm khắc ở chính mình. Chúng ta còn quá ít những tác phẩm có tầm cỡ, "xứng đáng với nhân dân ta, với thời đại ta" (nhất là tiểu thuyết, kịch trường ca). Nhìn chung, các tác phẩm có hướng đi lên, nhưng đời sống mà không được nhìn nhận và thể hiện trong tính toàn vẹn, sinh động, trong tất cả sự phong phú, phức tạp, thì cũng khó thuyết phục được người đọc, và chủ nghĩa lạc quan, nhiệt tình khẳng định mới tránh khỏi hời hợt phiến diện. Còn quá ít tác phẩm đặt được vấn đề trong khi hiện thực hàng ngày ngồn ngộn vấn đề, về mặt cái cao cả cũng như cái thấp hèn.

 

Lý luận phê bình không đòi hỏi tài năng gì lớn như trong sáng tác, lẽ ra thành tựu phải nổi bật hơn, nhưng trong khá nhiều trường hợp đã phải trả giá đắt cho cái tâm lý thà tả hơn hữu, thà giáo điều hơn xét lại. Từng nơi từng lúc, người ta đã nhân danh tầm quan trọng quyết định của thế giới quan nhưng là để đi đến đồng nhất thế giới quan với sáng tác, xem nhẹ phong cách, xem nhẹ tài năng; nhân danh giai cấp nhưng lại đi đến đối lập, tính giai cấp với tình đời tình người, cũng như đi đến đồng nhất điển hình xã hội và điển hình nghệ thuật; nhân danh thực tế đời sống, nhân danh người thật việc thật để rồi coi thường hư cấu, coi thường logic nghệ thuật; nhân danh cái chung mà lờ đi cái riêng. Chả trách mà tình trạng biến bài giảng văn thành bài giảng chính trị cứ diễn ra dài dài trong các nhà trường.

 

Rất ít có tranh luận cởi mở, bình đẳng. Trên những vấn đề gay cấn, không có đối thoại theo đúng nghĩa mà chỉ là một tràng độc thoại trá hình. Có tình trạng thả nổi đối với lối giản đơn thô bạo, trong lúc đó thì bới lông tìm vết đối với những lệch lạc, những sơ hở có thật hay tưởng tượng. Nhiều vụ "đấu tranh văn nghệ" phê phán từng tác phẩm hay một loạt xâu chuỗi tác phẩm, tác giả (như vụ 1974). Bây giờ nhìn lại thì hầu hết là đánh vào cối xay gió. Người ta đã quên mất một điều: làm như thế trong văn nghệ chỉ gây căng thẳng, còn tai hại gấp bội so với những sai sót mà một vài lệch lạc đã có ở một số sáng tác. Ngay trong đời sống tinh thần, cái tệ quan liêu, bao cấp, cửa quyền vẫn cứ xảy ra là như thế.

 

Tình hình mất dân chủ còn thể hiện ở hiện tượng đáng buồn này nữa: đánh giá khen chê nhằm vào người hơn là vào tác phẩm, người có chức có quyền thì y như được đề cao, biểu dương. Điều này xảy ra không chỉ trong một số bài phê bình riêng lẻ mà cả trong những bài hay tác phẩm mang ý nghĩa tổng kết, xác định vị trí các tác giả trong lịch sử văn học. Không ít giá trị bị đảo lộn, mà nạn nhân đầu tiên là những cây bút trẻ.

 

Qua những việc trên, nếu thẳng thắn rút kinh nghiệm một cách cụ thể công khai thì chẳng cần động viên kêu gọi, tự sự việc sẽ góp phần quyết định vào việc mở rộng dân chủ, phát huy tự do tư tưởng, tạo nên không khí lành mạnh cởi mở cho sáng tác, phát huy những tài năng nhằm đạt tới những thành tựu lớn hơn, đáng tự hào hơn.

 

Gần đây chúng ta bắt đầu thấm thía là mọi chủ trương đường lối, biện pháp dưới chế độ xã hội chủ nghĩa phải là vì con người. Văn học nghệ thuật vốn là chuyện con người, và vì con người. Nhưng trong tình hình chung trước đây, ở một số chủ trương chính sách và nhất là trong các biện pháp thực hiện, ta chưa thực sự lấy dân làm gốc, nghĩa là chưa thực sự vì con người. Riêng trong văn học nghệ thuật, người sáng tác càng cần cảm thấy được tự do tư tưởng, tự do sáng tác (theo quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin) thì mới mong viết ra được những tác phẩm thực sự vì con người.

 

Hiện nay, trên mọi lĩnh vực công tác, đổi mới đã trở thành bức xúc, thành vấn đề tồn tại hay không tồn tại. Nói riêng về văn nghệ, quá trình tự tháo gỡ cũng đang diễn ra. Cuộc sống tự vạch con đường đi lên, nhưng không phải tự phát, mà bằng ý thức của chủ thể con người. Đại hội VI của Đảng ta chính là ý thức đó, ý thức sâu sắc về những đúng sai đã qua, về phương hướng và những điều phải làm trước mắt và trong tương lai.

 

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 38 (19-9-1987)

Thông tin truy cập

60531741
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
13234
10018
60531741

Thành viên trực tuyến

Đang có 349 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website