Từ trong di sản

 (Lê Đình Kỵ, trích Tìm hiểu văn học, NXB. TP Hồ Chí Minh, 1984, tr. 324 – 351)

Một quan điểm, một nhận định, một ý kiến đối với chúng ta ngày nay rất quen thuộc và vì quen thuộc nên trở thành quá bình thường – nhưng nếu được phát hiện cách đây hàng thế kỷ thì sự việc lại khác đi rồi. Phủi đi lớp bụi thời gian, nó như được khám phá trở lại và càng thêm tỏa sáng. Đã đành chân lý là một, không có ranh giới thời gian, không gian, huyết thống. Nhưng chân lý, trong cái lĩnh vực rất phức tạp và văn học nghệ thuật, mà vượt qua những hàng rào thế kỷ, hơn nữa lại đến với chúng ta qua tiếng nói của cha ông, thì lại càng giúp chúng ta thêm tin tưởng, vững bước tiến lên.

Chúng ta chia sẻ sâu sắc niềm tiếc rẻ của cha ông vì cái di sản ấy đã bị hao hụt. Phan Huy Chú than thở: “Nếu không trải qua binh lửa mà thành tro tàn thì hẳn là trâu kéo phải mệt, nhà chứa phải đầy”. Cái còn lại chỉ là những phát biểu lẻ tẻ, nhân một sự kiện văn học nào đó, nhân một tác phẩm nhờ đề tựa, những ghi chép lại sau một buổi mạn đàm… Không thấy có những công trình chuyên đề dài hơi, có hệ thống. Thế nhưng trên những vấn đề cơ bản nhất, có những ý kiến khiến chúng ta càng sung sướng, cảm động, không những gần gũi với chúng ta, mà còn được diễn đạt một cách thật độc đáo, với một dáng vẻ riêng, một hương vị chỉ người xưa mới có được, do đó mà càng gợi cảm, gợi nghĩ.

Vấn đề đầu tiên, vấn đề cơ bản quyết định chất lượng của sáng tác văn học, tự giác hay không, là vấn đề mối quan hệ giữa văn học và đời sống, đã được người xưa ý thức và giải quyết như thế nào? Lê Quý Đôn với trí tuệ bách khoa của mình đã ghi nhận trong Vân đài loại ngữ: “Mặt trời mặt trăng, các vì tinh tú là văn của bầu trời… Sức sống cây cỏ là văn của đất; lễ nhạc, pháp độ là văn của người…”[1] Lễ nhạc, pháp độ ở đây được hiểu như là tổ chức và sinh hoạt xã hội, xét cả về các mặt chính trị, kinh tế, đạo đức, phong tục tập quán…

Văn từ bầu trời, văn trên mặt đất, văn giữa con người – thật rõ ràng: văn học nghệ thuật là từ đời sống mà ra. Điều này đã được chính các nhà thơ thừa nhận.

Nguyễn Trãi:

Đàn sáo nhộn nhịp là chim hót trên rừng

Gấm vóc rực rỡ là hoa nở trong khóm

Nguyễn Công Trứ:

Của trời trăng gió kho vô tận

Cao Bá Quát:

Ông là người

Vết chân đã in khắp trên non sông muôn dặm

Khi trở về trong bụng chứa đầy sách vở

Ta hiểu sách vở ở đây chính là do đời sống viết nên: bao nhiêu vết chân in lên khắp miền đất nước là bấy nhiêu điều nghe thấy, thu nhận, tích lũy thành cái vốn, cái chất liệu vô giá cho sáng tác thơ văn.

Trước khi sáng tác, trong khi sáng tác, khi tác phẩm ra đời và đến với đông đảo người đọc, người xem, nghệ sĩ là một con người cụ thể, một đơn vị sống với những vui buồn, ham muốn, ước mơ như rất nhiều người, hay như một số người khác. Làm việc sáng tác chung quy là nói lên những ý nghĩ, tình cảm, xúc động của mình đối với chung quanh – người cũng như vật, xã hội cũng như tự nhiên. Dù có quan niệm đó là tự biểu hiện đi nữa, thì cái tự thân của anh ta chẳng qua cũng là những phản ứng khác nhau do tiếp xúc cọ xát với những cái bao quanh, những cái gì làm nên cuộc sống của con người trên mặt đất này.

Muốn hay không muốn, những điều được văn nghệ sĩ thể hiện cũng là gắn liền, liên quan không trực tiếp thì cũng gián tiếp với đời sống, ngay cả khi cảm hứng không phải được khơi dậy từ bên ngoài, mà là từ những “nỗi riêng lớp lớp sóng dồi”. Sáng tác là do đời sống đến lay động tâm hồn mình mà thành và chất lượng của tác phẩm xét đến cùng chính là do chất lượng của những cảnh tình, những sự đời được thu tóm vào trong đó. Lê Quý Đôn nói: “làm thơ có ba điều chính: một là tình, hai là cảnh, ba là sự”, thì đời sống bình thường nhất của con người cũng là nằm trong cái bộ ba “tình – cảnh – sự”. Cảnh chủ yếu chỉ thiên nhiên, ngoại vật; sự chủ yếu là chuyện con người, chuyện xã hội; còn tình là do “cảnh” và “sự” tác động vào con người mà sinh ra vậy. Có lẽ vì là thơ nên Lê Quý Đôn không nói đến ý, nhưng ta có thể hiểu là trong tình đã có hàm ý rồi. Tiếng Việt ta cũng nói: tình cảnh (hay cảnh tình), sự tình, tình ý, tâm tư, tâm tưởng. Cái cấu trúc tình, ý, cảnh, sự là cơ sở cho sự hình thành tác phẩm văn nghệ.

Cái mà Ăng-ghen gọi là “hoàn cảnh điển hình” không biết Lê Quý Đôn đã có ý niệm gì chưa, nhưng từ “cảnh”, “sự” con đường đi đến đó không phải là quá xa. Dù sao thì thấy được “văn chương là cái hiện trạng của một thời đã làm nên nó” (Nhữ Bá Sĩ), “văn chương ăn nhập với thế nước tục dân” (Bùi Huy Bích), chứng tỏ cái nhìn thấu suốt cũng như tinh thần trách nhiệm của người xưa thật đáng cho chúng ta trân trọng.

Văn học vừa là phản ánh vừa là sáng tạo. Phản ánh – sáng tạo mà tách rời nhau thì cũng không còn là văn học nữa. Cách đây gần 2500 năm, A-ri-xtốt đã có cuốn Thi pháp nổi tiếng mà cái lõi trong đó là thuyết “bắt chước”: văn học nghệ thuật phải “bắt chước” đời sống. Không xây dựng thành lý thuyết một cách có hệ thống, một cách ngắn gọn, súc tích, Lê Hữu Trác chủ trương “không bắt chước người khác mà bắt chước ngay chính tạo hóa”, khẳng định nội dung phản ánh, nội dung nhận thức mà vẫn không tách rời với nội dung khám phá, sáng tạo của văn học nghệ thuật. Không chỉ bắt chước đời sống một cách thụ động, theo lối sao chép, mà bắt chước “tạo hóa”, nghĩa là bắt chước đời sống trong tính sáng tạo, trong khả năng thiên biến vạn hóa sinh sôi nảy nở không ngừng.

Sáng tác, từ định nghĩa, là sáng tạo. Đời sống là ngọn nguồn của nghệ thuật nhưng chưa phải là của bản thân nghệ thuật. Từ đời sống đến tác phẩm nghệ thuật là phải thông qua chủ thể nghệ sĩ, thông qua sự sáng tạo nghệ thuật, khi đã có sự thống nhất, sự chan hòa vào nhau giữa khách quan và chủ quan. Không có những “cảnh”, những “sự” trong đời sống thì sẽ không có cái kích thích, hơn nữa cũng không có chất liệu cho sự sáng tạo nghệ thuật. Nhưng nếu “cảnh” chỉ là “cảnh”, “sự” chỉ là “sự”, nghệ sĩ hoàn toàn bàng quan, không “đối cảnh sinh tình” thì cũng không bật lên cảm hứng sáng tạo được. Nguyễn Du có được Truyện Kiều vĩ đại chính là nhở đã xúc động sâu xa trước thời cuộc lúc bấy giờ - đã trải qua “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.

Hiện nay không phải không còn hai thái cực trong nhận thức đánh giá văn nghệ: hoặc coi văn chương chỉ là chuyện tưởng tượng phù phiếm, chuyện giải trí đơn thuần, ý nghĩa của nó nếu không phải ở hình thức hay ở tài năng hiểu một cách tách rời, thì cũng chỉ là chuyện tự  biểu hiện của những cá nhân riêng lẻ, tóm lại văn chương là văn chương, đi vào văn học nghệ thuật là đi vào một thế giới khác chẳng ăn nhập gì với đời sống hằng ngày, với những vấn đề thiết thân của xã hội, của đông đảo con người. Đầu cực bên kia là cách hiểu và vận dụng “phản ánh luận” của Lê-nin một cách giản đơn máy móc, coi tác phẩm văn học là sự phản ánh thụ động như trong một tấm gương, như một bản sao chép giản đơn, không đếm xỉa đến cái “thực tại thẩm mỹ”, đến cái thế giới nghệ thuật có một không hai đã được tạo dựng nên do cá tính sáng tạo độc đáo của nghệ sĩ.

Vai trò của nhân tố chủ quan trong sáng tạo nghệ thuật là một thực tế hiển nhiên, nhưng không phải là chủ nghĩa chủ quan, không thể nhân danh nhận thức luận duy vật mà phủ nhận nó. Cái chủ quan trong sáng tạo nghệ thuật không phải là quay lưng lại hiện thực khách quan, không phải là tùy tiện, mà chính là xâm nhập sâu hơn, sống động hơn vào hiện thực ấy, biến chân lý đời sống thành chân lý nghệ thuật. Ông cha ta có ý thức sâu sắc về quy luật đó của sự sáng tạo nghệ thuật. Nguyễn Dưỡng Hào viết: “Đến như tiếng trời thác vào vật tự nhiên, như tiếng thông reo, tiếng chim mùa xuân, tiếng côn trùng mùa thu, tiếng mưa trên tàu chuối, tiếng gió nơi khóm trúc, âm vận trong và vang xa, giai điệu kín đáo, khiến cho người nghe bỗng thấy lòng xa xôi như hạc nội, từ xa xôi như mây ngàn”. Vào những khoảnh khắc ấy, con người tạm thời rũ bỏ những ưu tư bận rộn hàng ngày, đón lấy cái “âm vận vang xa”, cái “giai điệu kín đáo” từ những cảnh sắc của thiên nhiên vọng lại – những rung động như thế tất cả mọi người đều có dịp trải qua, từ đó mà nhập vào cái thế giới thẩm mỹ của văn thơ.

Cái phân biệt người thường với thi nhân không phải là ở chỗ người thì biết rung động trước vẻ đẹp, còn người thì trơ trơ như gỗ đá. Không, chất thơ của thiên nhiên, chất thơ trong đời sống là dành cho tất cả mọi người; nhà thơ khác người thường chính là ở chỗ thể hiện ra được cái điều mà mọi người ít nhiều đã rung động và cảm nhận được, nhưng không nói nên lời, không diễn đạt ra, không tái hiện được bằng ngôn ngữ văn thơ. Nguyễn Dưỡng Hào lấy cái biểu tượng trúc và gió để diễn đạt tiếp ý nghĩ của mình: “Trúc không có ý với gió, nhưng gió đến thì trúc động mà sinh ra tiếng; lòng người cảm xúc mà thành thơ. Gió đi thì trúc lặng, việc đi thì lòng trống không”. Trúc là vật vô tri, quan hệ giữa gió và trúc là quan hệ cơ giới, nhưng cái biểu tượng được dẫn ra ở đây nói lên rất đúng mối quan hệ cảm hứng giữa ngoại vật và tâm hồn con người. Gió không gặp trúc thì lướt qua rồi biến mất vào hư không, chẳng để lại vết tích tăm hơi gì, còn trúc không gặp gió thì im lìm bất động, gió đi đằng gió, trúc yên phận trúc, không diễn ra thành giao hưởng, vũ khúc.

Cái đẹp, cái thẩm mỹ vốn hiển hiện hay tiềm tàng ở ngoài đời, nhưng để biến hóa nó thành cái nghệ thuật, làm được chức năng của nghệ thuật, thì đó là việc của con người. Ngô Thì Sĩ nói: “Năm tháng tuy không tùy ý, cảnh tiết đầy vơi không tùy mình, nhưng chiếm giữ được sao sáng, gió thu, đêm tàn, rượu đậm, thì mùa thu há lại không ở trong ta hay sao?” (tr. 66). Mùa thu ngoài đời, cái đẹp ở ngoài đời là một việc; còn mùa thu trong tâm hồn con người là một việc khác:

Ngô đồng nhất diệp lạc

Thiên hạ cộng tri thu

Thực ra thiên hạ rất ít người nhận ra được mùa thu nhân một chiếc lá rơi; trong chừng mực nào đó, có thể nghĩ mùa thu đây là do nhà thơ sáng tạo ra, rồi từ đó thiên hạ mới cảm nhận bằng cặp mắt và những rung động của nhà thơ. Ngô Thì Nhậm cũng có cách nhìn giống với Ngô Thì Sĩ: “Mây gió cỏ hoa xinh tươi kỳ diệu đến đâu, hết thảy cũng đều từ trong lòng nảy ra, gửi vào sự vật mà hiện lên ngôn ngữ. Còn vì sao khiến phải gửi gắm vào sự vật, phải biểu hiện ra bằng lời, thì cũng giống như cái lý do làm cho cá phải nhảy, diều phải bay…” (tr. 74) Vì sao ư? Vì cái mà ngày nay chúng ta gọi là sự thôi thúc bên trong. Có cảm ứng của tâm hồn trước sự vật, trước những “sự thế” bên ngoài. Nói thế đúng, nhưng vẫn còn chưa đủ. Vì đời sống bên ngoài, những kích thích bên ngoài là chung cho nhiều người, mà trở thành thôi thúc bên trong, thành niềm ám ảnh day dứt thì chỉ ở nghệ sĩ mà thôi. Nghĩa là không có sự thôi thúc từ bên trong, không có quá trình chuyển hóa của cái ngoài đời thành cái trong mình và của mình thì cũng không thể có sáng tác tốt được. Nhiều văn nghệ sĩ đã thú nhận là mình viết tác phẩm này hay tác phẩm kia là vì không thể không viết ra được. Chẳng hạn Nguyễn Bỉnh Khiêm có câu thơ:

Khi chống gậy, lê dép ra vườn hoa chơi

thì hương thơm của đám hoa bám vào gậy dép

Khi nâng chén rượu để thưởng thức

thì sắc hoa ánh vào chén rượu.

Hương hoa, sắc hoa, chén rượu là những cái tồn tại một cách khách quan, nhưng hương hoa mà bám vào cây gậy mình chống, đôi dép mình mang, sắc hoa mà phản chiếu lung linh vào chén rượu mình uống, thì đó là hương sắc được cảm nhận qua tâm hồn của nhà thơ, từ đó mà nên vần nên điệu, sao cho mọi người cùng với nhà thơ rung động trước những cảnh sắc thiên nhiên, hướng về một cuộc sống trong sạch, thanh cao, ngoài vòng cương tỏa, không phải bon chen, vướng bận vì chuyện danh lợi nhỏ nhen, ti tiện.

Theo Nguyễn Văn Siêu, “Văn chương có loại đáng thờ, có loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chuyên chú ở văn chương; loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người” (tr. 125). Con người là đối tượng trung tâm, đối tượng loại biệt của văn học. Văn học là từ đời sống con người, đời sống xã hội mà ra và trở về với con người, với xã hội trong đó con người sống. Có ca ngợi thiên nhiên cũng là qua lăng kính của con người và văn học nghệ thuật có sự hấp dẫn không sao cưỡng lại nổi chúng là vì nó nói chuyện cuộc sống và con người, nó là tấm gương cho mọi người soi vào, nhờ đó mà có muôn vàn phát hiện về cuộc sống, về những người chung quanh cũng như về bản thân mình.

Con người là tôi và người khác. Cái tôi không phải là tất cả thế gian này, cho nên không thể lấy cái tôi để thay thế cho người khác. Mà người khác là vô kể, trong gia đình ta, chung quanh ta, họ là xóm làng, là khu phố, là đồng bào ta trên khắp các miền đất nước,… họ còn là nhân loại mênh mông trong hiện tại, trong quá khứ và chừng nào cũng là trong tương lai. Con sâu đo múa may thảm hại nhưng không “đo” quá một cành cây nhỏ, làm sao có thể coi mình là cái rốn của vũ trụ? Trong một con người không thể chứa tất cả mọi người được. Đến cùng chung máu mủ, cùng chung một hoàn cảnh giáo dục và sinh trưởng, mà đến tuổi biết đi, biết nói đã tỏ ra khác tính khác nết rồi. “Sinh con ai dễ sinh lòng” – không ai hiểu biết, lường hết về người thân của mình. Đời sống và con người là như vậy đó, dù có tiếp xúc, chung đụng, quan sát, lắng nghe không ngừng thì những hiểu biết của một người kinh nghiệm lịch lãm đến đâu cũng chỉ là một giọt nước trong cái đại dương mênh mông thăm thẳm là nhân loại, là vũ trụ con người. Cho nên nhà văn lăn lộn nhiều trong trường đời, có cái vốn hiểu biết to lớn về cuộc sống, về con người – điều đó không bao giờ là thừa đối với công việc sáng tác của mình. Hàng trăm hàng nghìn thiên tài văn học cổ kim đã có những khám phá vô giá về cuộc sống và con người. Nhưng dù con số ấy có tăng lên gấp trăm nghìn lần đi nữa, thì trách nhiệm của người cầm bút vẫn không thay đổi: cuộc sống không bao giờ dừng lại và là điều cần tiếp tục khám phá mãi mãi.

Có khám phá được hay không, sâu hay rộng không chỉ tùy thuộc vào tài năng kỹ xảo, mà trước hết là chuyện sáng mắt sáng lòng. Trần Tế Xương viết: “Ôm ấp lý tưởng của mình, không bị vật dục làm đắm đuối, bụng đã thảnh thơi, mắt nhìn vật gì thì lòng rõ vật ấy”. Đòi hỏi đầu tiên đối với người sáng tác là phải hiểu biết “vật ấy”. Nhưng đời sống thì vô cùng. Nhà văn nhìn vào cuộc sống ở nơi nào mà cuộc sống réo gọi nhất. Cao Bá Quát, tác giả của trên nghìn bài thơ, thèm muốn được lìa khỏi triều đình để “đi vào đời sống”, để “xâm nhập thực tế’, theo cách nói của chúng ta ngày nay:

Đáng phàn nàn cho ta chỉ đóng cửa mà gọt giũa câu văn

Lải nhải nhai lại từng câu từng chữ

Có khác chi con sâu đo muốn đo cả đất trời.

Nguyễn Trãi đã khẳng định cái điều khá nguy hiểm cho mình trong hoàn cảnh triều chính bắt đầu bị khuynh loát bởi bọn hoạn quan và quyền thần lúc bấy giờ: “Yêu thương và chăn nuôi muôn dân khiến cho trong thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu, đó tức là giữ được cái gốc của nhạc” (tr. 25). Âm nhạc, văn học nghệ thuật có gốc rễ từ trong chiều sâu của đời sống. “Yêu thương và chăn dắt muôn dân”, lắng nghe, gần gũi, chia sẻ những vui buồn, những lo toan và ước vọng của nhân dân, nghệ sĩ sẽ dễ nhạy cảm để có chất liệu sáng tác nên những tác phẩm có tính nhân dân rộng lớn, có chất lượng nghệ thuật cao. Đời sống, nghệ thuật không thuộc về những kẻ ăn trên ngồi trốc, những kẻ vô công rồi nghề, những kẻ chỉ biết hưởng thụ, mà thuộc về những người làm nên cuộc sống bằng lao động, bằng sự sáng tạo mọi mặt của mình, nghĩa là thuộc về nhân dân. Ngô Thì Chí đã đi đến một tổng kết có ý nghĩa quy luật: “Đại phàm về thơ, hễ nói tới chính thú, cư trọ thì dễ hay, nói tới vương hầu khanh tướng thì thường dở, về hội họa, hễ vẽ cảnh lầu son gác tía thì thường nhớp nhúa, vẽ cảnh quán chợ, lều tranh thì dễ thanh tao” (tr. 79). Điều Ngô Thì Chí nói là cả về đề tài lẫn chủ đề. Cảm tình, sự khẳng định của nghệ sĩ mà không hướng về đời sống, vào vận mệnh của nhân dân, mà lại đem tô vẽ cho bọn thống trị áp bức bóc lột, bọn quyền quý ăn bám, thì chỉ có thể đẻ ra cái thứ văn học nghệ thuật nếu không là nhớp nhúa thì cũng là nhỏ nhoi, phù phiếm, giả tạo.

Ngô Thì Chí đã tự mình thể nghiệm cái điều rất quan trọng này: “Ta lui về sống cùng họ (dân quê – LĐK). Ở đấy, những lời danh lợi, được mất không lọt đến tai, những mong mỏi viển vông, mưu toan cầu cạnh cũng không gieo vào lòng họ được. Có lẽ vì tinh thần vui vẻ như ở nước vô tư mà thiên cơ lộ ra…” (tr.77) Thiên cơ ở đây có thể hiểu là ý nghĩa sâu xa của đời sống, là lời giải đáp cho những băn khoăn thắc mắc, những tìm tòi của mình. Đến được với nhân dân tức cũng là tiếp xúc với những con người chân chất, với những tình cảm hồn nhiên, trong sáng, nhờ đó mà có chất liệu vô giá cho sáng tác. Ngay bậc thầy vô song của ngôn ngữ như Nguyễn Du mà cũng từng thú nhận là mình đã học tập được cách ăn nói cũng như lời ca tiếng hát trong chốn những người trồng dâu trồng đay. Còn Miên Trinh, nhà thơ hoàng tộc đương thời với Nguyễn Văn Siêu, từ tấm bé sống trong cảnh cành vàng lá ngọc, thì vẫn không chút tự hào, mà “ân hận thân mình không rời khỏi nơi làm việc của bọn hoạn quan và cung nữ, dấu chân không ra khỏi cung đình, phủ đệ, nên không có quang cảnh núi to chằm lớn để khơi sâu cái khí thế mạnh mẽ của mình” (tr. 165).

Đương nhiên, vấn đề không chỉ ở chất lượng, ở cái “khí thế mạnh mẽ” hay không mạnh mẽ của thơ ca, mà còn là vấn đề trách nhiệm công dân, trách nhiệm của một thành viên trong cộng đồng xã hội, cộng đồng dân tộc. Đến lượt Nguyễn Văn Siêu viết tiếp: “Phương chi ăn thì người làm ruộng cày thay ta, dùng thì người buôn bán trao đổi thay ta. Vậy thì cái trách nhiệm mà người đời đòi hỏi ở bọn ta cũng không phải nhẹ, mà bọn ta coi việc này là một điều tắc trách thì hóa ra ta đã phụ vua ta và người đời chẳng lớn lắm sao?” (tr. 126)

Nhữ Bá Sĩ đã thể hiện quan niệm trên đây vào những câu thơ đầy khí thế:

Đôi lúc làm cây cày sắc nhọn

Ruộng sách cày dọc ngang

Đôi lúc làm lưỡi bảo đao

Ra hùng quân nơi trận địa văn chương

 

Văn chương còn mãi với xưa nay

Giúp vào việc kinh luân vũ trụ

Nói cho đúng, các tư tưởng nhân dân như trên cũng chỉ mới được đề cập đây đó; nổi bật lên trong tư tưởng văn nghệ của cha ông vẫn là quan điểm “văn dĩ tải đạo”, “thi ngôn chí”. Đạo ở đây không chỉ là đạo đức theo quan điểm Nho giáo, mà còn là điều thiện, là thế đạo nhân tâm, là đạo làm người nói chung; chí là chí hướng, là tấm lòng, là điều mình ôm ấp, mong ước, nhưng chí phải từ “tâm” mà ra. Nguyễn Bỉnh Khiêm viết trong lời tựa cho Bạch Vân Am thi tập: “Ôi, nói tâm là nói về cái chỗ mà chí đạt tới vậy. Mà thơ lại là để nói chí. Có kẻ chí để ở đạo đức, có kẻ chí để nói công danh, có kẻ chí để nói sự nhàn dật” (tr. 36). Phùng Khắc Khoan, tác giả tập thơ lấy tên là Thi ngôn chí, trong lời tựa có viết: “Mà cái gọi là chí không phải là láu lưỡi trong tiếng sáo, chơi chữ dưới ngòi bút thôi đâu, mà là để ngâm ngợi tính tình, cảm động mà phát ra ý chí nữa. Chí mà ở đạo đức thì tất là phát ra lời lẽ hồn hậu, chí mà ở sự nghiệp thì tất là nhả ra khí phách hào hùng, chí ở rừng núi ngõ hang thì thích giọng thơ liêu tịch, chí ở phong vân tuyết nguyệt thì thích vẻ thanh cao, chí ở nỗi uất ức thì làm ra lời thơ ưu tư, chí ở niềm cảm thương thì làm ra điệu thơ ai oán” (tr. 40-41).

Nguyễn Đức Đạt cũng có cùng một ý: “Văn như con người của nó. Văn thâm hậu thì con người của nó trầm mà tĩnh; văn ôn nhu thì con người của nó khiêm mà hòa; văn cao khiết thì con người của nó đạm mà giản; văn hùng hồn thì con người của nó cương mà nhanh; văn uyên thâm thì con người của nó thuần túy mà đứng đắn” (tr.174). Phẩm chất của văn chương chính là thể hiện phẩm chất của con người, “lý thấu suốt thì văn kỳ lạ; tu dưỡng sâu thì văn mênh mông” (tr. 173). Cao Bá Quát cũng không nghĩ khác: “Thơ không có phẩm chất nhất định, phẩm chất của người cao là phảm chất của thơ cao” (tr. 154). Tóm lại, ông cha ta nhấn mạnh “đạo” không chỉ vì đạo, mà còn là vì lợi ích của bản thân văn thơ nữa.

Đương nhiên cái “đạo”, cái “chí” của cha ông, sống trong xã hội phong kiến, được giáo dục theo tinh thần Nho giáo, chắc chắn không tránh khỏi nhiều hạn chế về tư tưởng, cũng như đã gây ra ít nhiều hậu quả tiêu cực, để văn thơ đôi khi rơi vào giáo huấn lộ liễu, vì đạo mà quên đời, biến tác phẩm thành một kiểu minh họa cho luân lý đạo đức. Nhưng cái chính là quan điểm văn dĩ tải đạo, thi ngôn chí đã đưa thơ ca khỏi rơi vào chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa duy mỹ, cũng như góp phần bồi đắp nên truyền thống đạo đức, đề cao lý tưởng, coi trọng tác dụng giáo dục của văn thơ. Bùi Huy Bích đã thử phân chia thứ bậc, giữa các loại người cầm bút: “Chăm chỉ học hỏi để sửa mình rồi dần dần trở thành người có văn chương, ấy là người bậc nhất; những người tập làm văn chương rồi thấy được nghĩa lý trong đó, là bậc thứ hai; còn hàng bét thì chỉ biết có văn chương mà thôi” (tr. 107). Ngô Thì Nhậm phân biệt gia với đại gia: “đại gia là chữ dùng để chỉ người có văn chương giúp đời” (tr. 75).

Trên quan điểm đạo đức của người xưa thì ranh giới giữa thiện và ác, giữa chính nghĩa và gian tà không cho phép một chút nhập nhằng nào trong thái độ yêu ghét, khẳng định, biểu dương hay phủ định, lên án, như đã được thể hiện trong mấy câu thơ nổi tiếng của nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu:

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà

Đến khi nước nhà lâm nạn, kẻ thù giày xéo lên quê hương đất nước, nô dịch dân ta, thì cái “đạo”, cái “chí” mà nhà văn, nhà thơ theo đuổi và truyền lại cho người đọc tức khắc biến thành lòng yêu nước và chí căm thù. Ở Nguyễn Trãi, đạo lý văn chương chan hòa làm một với sự nghiệp kinh bang tế thế, cứu nước cứu dân:

Văn chương chép lấy đôi câu thánh

Sự nghiệp tua gìn phải đạo trung.

Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược,

Có nhân, có trí, có anh hùng.

 

Đao bút phải dùng, tài đã vẹn,

Chỉ thư nấy chép, việc càng chuyên.

Vệ Nam mãi mãi ra tay thước,

Điện Bắc đà đà yên phận tiên.

Trong câu thơ có niềm tự hào chính đáng của người đã sống trọn đạo với dân với nước, đem tài văn chương của mình chở đạo đến cho người. Không phải tình cờ mà quan điểm văn dĩ tải đạo trong hoàn cảnh nước ta luôn phải chống trả và nhiều lần chiến thắng bọn bành trướng phương Bắc đã đưa dòng văn chương yêu nước lên chiếm vị trí hàng đầu trong nền văn học dân tộc từ lúc mới hình thành cho đến ngày nay.

Làm sao giải thích mâu thuẫn này: quan điểm văn dĩ tải đạo đã được đề lên thành nguyên tắc, có nghĩa là hướng văn học vào sự sự nhập thế (dấn thân), vào việc giáo hóa người đời; mặt khác thực tế văn học lại chứng tỏ một bộ phận sáng tác của các tác giả lớn nhất, từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm cho đến Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu lại dành cho tư tưởng xuất thế, ưu du nhàn tản, trốn thoát vào phong vân tuyết nguyệt, ngư tiều canh mục. Mâu thuẫn tư tưởng và nội tâm đó cũng là mâu thuẫn của bản thân chế độ chuyên chế nghiệt ngã: người hiền đức, người có tài dùng đó rồi bỏ đó, triều chính thịnh đó rồi suy đó, nay công mai tội, tai họa không chừa bất cứ một ai, mà xã hội thì không chút thay đổi, nhân dân mãi mãi sống cơ cực, lầm than.

Đời sau ai ai cũng là Thượng Quan

Mặt đất đâu đâu cũng là sông Mịch La.

Nguyễn Du nói hồn Khuất Nguyên mà có chiêu được về thì cũng không có nơi nào nương tựa. Tư tưởng xuất thế ẩn dật, siêu thoát là khó tránh khỏi, nhưng đó chỉ là lối thoát tạm bợ trong bế tắc; cái phần sâu sắc nhất trong tâm hồn cũng như trong sáng tác của cha ông không phải ở đó, mà ở tấm lòng gắn bó với đạo, với dời, với vận mệnh của quốc gia, dân tộc. Có thoát tục thì cũng chỉ nhằm xa lánh, rũ bỏ cái thế tục đảo điên, bạc ác trong hoàn cảnh của xã hội đương thời. Quyết liệt như Nguyễn Đình Chiểu:

Sự đời thà khuất đôi tròng thịt

Lòng đạo xin tròn một tấm gương

hay chua chát như Tú Xương:

Muốn mù trời chẳng cho mù nhỉ

Giương mắt làm chi buổi bạc tình

thì vẫn không phải là lẩn trốn, xa lánh sự đời, mà chỉ muốn khuất mắt cái thời buổi bạc tình, trớ trêu, chứ tấm lòng với đạo, với đời thì vẫn nguyên vẹn.

Khi quan niệm làm văn là để nói lên cái tâm, cái chí của mình, là chở đạo đến với người đời, cha ông ta đồng thời ý thức được cái sức mạnh riêng của văn học, cái đặc trưng riêng của nó, khiến cho văn học là văn học, không gì có thể thay thế được. Lê Hữu Kiều nói: “…mô tả đường nét bên ngoài mà nổi lên cái thần, nói một câu có thể tỏ được trăm ý, xem kỹ lưỡng có thể biết được muôn cảnh” (tr. 55). Điều nói đây liên quan đến cái mà ngày nay chúng ta gọi là nội dung nhận thức đặc thù của văn học: văn học nhận thức đời sống và con người trong tính toàn vẹn sinh động, trong quan hệ mọi mặt, trong tính thống nhất giữa nội dung và hình thức, thông qua những biểu hiện muôn màu muôn vẻ bên ngoài mà xâm nhập vào cái “lý” bên trong của sự vật. Cái mà Lê Hữu Kiều gọi là cái “nghĩa lý không cùng tận” của văn chương chính là nằm ngay trong đối tượng phản ánh, nằm ngay trong cái không cùng tận của cuộc sống và tâm hồn con người. Mà “lòng người – Nguyễn Cư Trinh viết – là thứ khó lường, phát ra thành thơ, thành ra lời nói; đến nỗi một chữ mà nghĩ ba năm mới được, giảng ngàn năm chưa xong” (tr. 47). Cái không cùng tận đó sở dĩ con người có thể nắm bắt, cảm nhận còn là do phương thức phản ánh bằng hình tượng, phản ánh đời sống trong những hình thức của bản thân đời sống, một cách sống động, cụ thể, trực tiếp, tận nguồn, không chỉ bằng khái niệm, bằng lý trí, mà bằng tất cả tưởng tượng, tình cảm, ý thức, tiềm thức một cách trọn vẹn. Đời sống phơi bày ra đó với muôn ngàn hiện tượng, muôn ngàn biểu hiện khác nhau, đa dạng mà thống nhất, hữu hạn, nghe thấy, sờ mó được, mà cũng vô hạn vô hồi, ẩn hiện khôn lường. Văn học chính là thông qua cái cá thể - hữu hạn mà đạt tới cái khái quát – vô hạn, “nhân một vật mà tìm hiểu lẽ huyền bí chung”, nhưng Nguyễn Dưỡng Hào đã viết (tr. 51). Lẽ huyền bí ở đây cũng chỉ nên hiểu là cái chân lý sâu xa, cái phong phú vô cùng của đời sống, nó vốn “mông mênh”, “không bờ bến”, “vô cùng tận”, mỗi lần lại được văn thơ khám phá nhưng không bao giờ vơi cạn.

Dẫn dắt người đọc vào tận mạch nguồn của đời sống, văn học nghệ thuật làm giàu cho nhận thức và tâm hồn của con người, song song với việc thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ, vừa có gốc gác bản năng vừa là nhu cầu tinh thần thiết thân nhất của loài người. Văn học chở đạo tới cho con người không phải theo lối giáo huấn, không phải từ bên ngoài, mà từ bên trong, nghĩa là một cách tự nguyện, như chính là tự mình đòi hỏi và tìm đến. Nó không thích cái cung cách đạo mạo của nhà mô phạm, không như ông già cau có hay như bà dì ghẻ lắm lời, mà đến với mọi người như một lời tâm sự, như tiếng nói bạn bè, gieo mầm sống, chắp cánh cho tâm hồn, mở đường cho ước mơ và hy vọng, nói như Lê Hữu Kiều: “trong tay cầm hoa đẹp, đi đâu cũng gieo rắc được cành xuân… tứ thơ bay vào mây gió, lời thơ mở được nước non” (tr. 56); nói như Nguyễn Dưỡng Hào: “người nghe bỗng thấy lòng xa xôi như hạc nội, từ xa xôi như mây ngàn” (tr. 50).

Người viết văn làm việc chở đạo đồng thời mang cái đẹp đến cho người đời, “cái sắc đẹp, vị ngon ngoài cả vị ngon”, nói theo Hoàng Đức Lương (tr. 28). Ngoài cả sắc đẹp, vì cái đẹp không chỉ ở cái bề ngoài, nó không đến với ta bằng cảm giác đơn thuần, mà còn là cái đẹp bên trong, không chỉ cho ta khoái tai vui mắt, mà còn là nguồn vui tinh thần, mỹ học ngày nay đặt cho cái tên là rung động thẩm mỹ, cảm xúc thẩm mỹ, khoái cảm thẩm mỹ, v.v… Ngoài cả vị ngon cũng có thể giải thích như trên: đó không chỉ là bữa tiệc âm thanh, màu sắc, vị ngon cho giác quan, mà là thức ăn tinh thần, là cảm giác mà cũng là siêu cảm giác, hữu hình hữu hạn nhưng cũng là vô hình vô sắc, “không thể đem mắt tầm thường mà xem, miệng tầm thường mà nếm được” (tr. 28).

Như thế, đạo và văn chương nhờ vào nhau, thấm nhuần vào nhau mà tồn tại và phát huy tác dụng. Nguyễn Trãi coi lễ nhạc, coi sự an dân là gốc của văn, và không quên tâu lên nhà vua: “không có gốc thì không thể đứng vững, không có văn thì không thể lưu hành” (tr. 25). Điều này có nghĩa là văn học có tác dụng, có chức năng loại biệt, không thể thay thế được. Đánh giá cao văn học, cha ông ta cũng đã ý thức được cái điều là văn học phải là văn học, không phải chỉ có việc viết ra và in thành sách, mà phải hay, phải đẹp, phải tạo thành giá trị văn học.

Về cái hay, cái dở của sáng tác, cha ông ta đã có những ý kiến xác đáng, súc tích, ngắn gọn mà phong phú, tinh tế, gợi nghĩ gợi cảm rất nhiều. Trước hết là về mối quan hệ giữa nội dung và hình thức. Giá trị văn học, sức sống của văn học là ở nội dung. Nội dung là gốc, là linh hồn của tác phẩm nghệ thuật, nội dung quyết định hình thức, quyết định chất lượng nghệ thuật, xét đến cùng: “đầy ứ bên trong thì tràn khắp ra ngoài” – Vũ Khâm Lân (tr. 61); “tâm tư linh hoạt, cốt cách cao kỳ… ý khí như vàng ngọc, thanh điệu như nhạc ca, sóng từ kết lại, phát ra thành văn” – Bùi Huy Bích (tr. 81); “do tình sinh ý, do ý sinh chữ, bởi cái này mà có cái kia” – Bùi Dương Lịch (tr. 144); “có nội dung thì văn chương phát đạt, không thì hỗn loạn, phải viết có nội dung thì văn chương thịnh, không như thế thì suy” – Lê Quý Đôn (tr. 98); “thơ cốt ở ý, ý có sâu xa thì thơ mới hay, không phải bất cứ điều gì cũng nói ra bằng thơ, như thế mới là thơ có giá trị” – Lê Hữu Trác (tr. 101); “hoặc sự bật ra của thiên lương, hoặc sự quan tâm về việc nước, cái nguồn của nó chỉ là duy nhất. Đối với cái này mà nói nên lời và lời đã nói ra thì không nỡ vứt” – Lý Văn Phức (tr. 130).

Có bột mới gột nên hồ, từ một nội dung nghèo nàn thì dù cho chạm trổ, tỉa tót, uốn nắn đến đâu cũng chỉ có thể đẻ ra những tác phẩm phù phiếm, lòe loẹt, trống rỗng, giả tạo: “Mong cho thân cây cao vừa gang tấc, hôm nay uốn cái cành, ngày mai tỉa cái lá, dọc ngang uốn éo, văn vẻ đổi thay, tuy tạm đủ giúp cho ngắm nghía, nhưng sinh ý nào khỏi héo khô. Bởi vì cái tô sức ở bên ngoài thì bên trong tàn tạ, cái vun đắp ở bên trong thì bên ngoài tốt tươi. Đó là cái gọi là cái lớn thì đủ sức bao dung cái nhỏ, mà cái nhỏ không đủ sức nâng đỡ cái lớn” (tr. 129) – điều nói đây của Nguyễn Văn Siêu chính là liên quan đến việc dành ưu tiên cho nội dung trong khi đánh giá tác phẩm văn học: một tác phẩm giàu sức sống, dồi dào nhiệt tình đối với lý tưởng mà chưa đi đôi với một hình thức nghệ thuật tương xứng dễ được “bao dung” hơn là một tác phẩm hoa hòe hoa sói mà nội dung thấp kém hay vụn vặt.

Trong một chừng mực nhất định, nội dung có thể cứu vãn được ít nhiều một vài non yếu hay khiếm khuyết về hình thức; cái điều ngược lại khó xảy ra hơn, nhất là trên chiều hướng thưởng thức tiếp thu của đông đảo người đọc bình thường. Vũ Phương Đề có lẽ cũng đã nghĩ như thế khi viết: “Hiện nay nhiều người chú ý đến văn chương đang cố sức tìm cách trừ bỏ loại văn phù hoa, trống rỗng để vãn hồi nền văn chương trong sáng, chân thật” (tr. 59); “nếu quá buông tuồng thì hóa ra phóng túng, nếu quá câu nệ thì hóa ra gò gẫm, ở trong khuôn khổ thỉnh thoảng cũng phải ra khỏi lối mòn” – Ngô Thì Hoàng; “hữu ý không bằng vô ý. Vô ý mà làm nên thì tự nhiên, hữu ý mà làm nên thì rơi vào khắc hoạch… lời càng khéo thì càng mất điều chân thực, ý càng kỳ thì càng rơi xuống hư hao” – Nguyễn Văn Siêu (tr. 128); “ít thì sơ lậu, nhiều thì pha tạp; cái giản của thời xưa là bao quát, cái giản của thời nay là sơ sài; cái phồn của thời xưa là chu đáo, cái phồn của thời này là rườm rà; cái nhỏ của thời xưa là khít khao, cái nhỏ của thời nay là vụn vặt; cái xa của thời xưa là cao vút, cái xa của thời nay là quạnh vắng; cái gần của thời xưa là bình đạm, cái gần của thời nay là nông cạn mà thôi…; chú trong ở tình cảm thì gọn, chú trọng ở sự việc thì rườm; gọn nhưng không hổng, rườm nhưng không tắc, như thế là đi tới văn xưa vậy” (tr. 172).

Để sang một bên sự so sánh xưa và nay, Nguyễn Văn Siêu đã nói được khá đầy đủ cái tế nhị của công việc sáng tác. Nhưng kỳ thú, biện chứng nhất có lẽ là ghi nhận của một người cho đến nay vẫn còn là vô danh: “Trong cái thối nát xuất hiện cái thần kỳ; trong cái thô thiển chứa đựng cái tinh vi; cái thưa lớn ấy là cái nhặt lớn, cái vụng lớn ấy là cái khéo lớn. Nhiều người mờ mịt, biết đằng ‘thối nát’ mà không biết đằng ‘thần kỳ’, biết đằng ‘nông’ mà không biết đằng ‘sâu’, biết đằng ‘vụng’ mà không biết đằng ‘khéo’, thành ra đối với văn chương không đủ sức khám phá. Bậc quân tử trái lại, biết xem xét sự vật và diễn đạt qua văn chương, cho nên tuy trống trải, đạm bạc, chi li, tản mạn mà vẫn bao hàm sự tuyệt diệu bên trong” (tr. 174-175). Có thể nói đó là một trong những nguyên lý của chủ nghĩa hiện thực đã được khám phá và bao hàm trong đó.

Ngô Thì Nhậm cho rằng văn chương quý ở “mực thước, thanh nhã, hồn nhiên, biết nắm lấy cái thực làm cốt tử, rồi dùng để trang sức thêm… Phải như gấm thêu và vải tơ, đem dùng không nơi nào mà không hợp… nhưng đạt tới chỗ gấm thêu mà không lả lướt, vải tơ mà không cứng thô…” (tr. 76-77), “bỏ cái phù hoa để trở về với sự thực, cắt cái sai ngoa để giữ lấy thuần túy” (tr. 69), “có cái thần rộng đến ngàn xưa, ngụ ý sâu xa ngoài cảnh vật” (tr. 73). Nguyễn Văn Siêu mong rằng nhà văn không “chỉ chăm chăm nghĩ tới trách nhiệm nhất thời, mà không nghĩ tới trách nhiệm đối với thời khác” (tr. 126); phải có bản lĩnh, có phong cách, không nên “quá khuôn mình để được như người mà không tự tin sâu sắc vào ‘cái vốn có’ của mình…”; “có lẽ cái khí của con người không thể khiến nó quá căng, cũng như không thể khiến nó quá lướt… nên khi phát ra lời thì phẳng lặng chân thực mà có sắc thái huy hoàng, vì cũng chỉ tìm nó ở nơi mình mà thôi” (tr. 122). Nhữ Bá SĨ mong sao cho “cái tư chất của bậc thượng trí bên trong thì lớn lao, bên ngoài thì rực rỡ, chạm vào nơi nào thì tư văn nảy sinh ra nơi ấy, là hoa cỏ của hóa công, là khói sóng của biển lớn, có thể gọi là gạn lọc điều chứa chất trong lòng mà viết nên văn”. Tu dưỡng về mặt đạo đức khí chất không tách rời tu dưỡng về mặt nghề nghiệp để đạt tới cái uyển chuyển, cái tinh tế của nghệ thuật: “Đức hạnh, học thức là cái gốc của văn chương… Thăm dò cái gốc của nó lại phải tưới tắm cái ngọn của nó, mở rộng cái nguồn của nó cũng phải buông lơi cái dòng của nó” (tr. 136-137).

Nhuần nhị về tư tưởng, tinh tường về nghệ thuật chưa đủ, mà con phải lao tâm khổ tứ, phải đảm nhận cái lao động vất vả, phức tạp, gian khổ; nó day dứt, giày vò, nhưng cũng đầy hào hứng, đầy niềm vui sáng tạo. Nhữ Bá Sĩ viết tiếp: “Tôi thường xem người xưa làm văn, họ lăn lộn với nó, nó bật ra tự đáy lòng họ, mà còn có điều không thỏa mãn với lòng, nên ba năm mới được một câu, mười năm mới xong một bài thơ. Tại sao họ lại tự làm khổ mình như vậy? Bởi vì khi làm văn thì tư tưởng nảy ra bằng ý, diễn ý bằng lời, không thỏa mãn với lời thì quay lại với ý, không thỏa mãn với ý thì quay lại với thần, thần trọn ý đủ mới viết nên một bài văn, cho nên không thể không khổ tâm vậy” (tr. 137). Quá trình sáng tạo, quá trình chuyển hóa từ nội dung đến hình thức, dù chỉ là một bài thơ thôi, thật là tinh vi, phức tạp, có sự gia công đến mấy cũng không thừa; từ đáy lòng đến tư tưởng, từ tư tưởng đến ý, từ ý đến thần, cuối cùng là viết nên lời, là vật lộn với ngôn từ, cái ngôn từ rất ít khi ngoan ngoãn chiều theo ý của tác giả, và từng là nỗi “giày vò” của không ít người cầm bút.

Từ trong những ý kiến của cha ông, tưởng cũng nên rút ra một vài điều bổ ích cho việc đọc sách và phẩm bình văn học. Đầu tiên là cách đọc sách. Đến đọc sách mà chưa tốt thì làm thế nào mà phê bình tốt được. Theo kinh nghiệm của Lê Hữu Trác, trước hết, đọc phải kỹ và để hết tâm trí vào đó: “mắt nhìn vào đấy, miệng đọc ở đấy, đi thì mang theo, ngồi thì nghĩ ngợi…”, “thức hay ngủ đều đắm chìm trong suy nghĩ”; đọc một cách có suy nghĩ và sáng tạo: “Đối với những câu mà lý lẽ ở ngoài lời thì lấy thần mà suy,… lại đem những hiện tượng tương tự ra so sánh, tìm hết mọi góc cạnh của vấn đề, càng nảy ra càng tinh tế, như một chiếc vòng không có đầu mối, không biết đâu là chỗ tận cùng” (tr. 102). Kinh nghiệm của Lê Hữu Trác chủ yếu là về văn triết luận và chính luận, nhưng vận dụng vào văn học nghệ thuật vẫn giữ nguyên giá trị. Cuộc sống, tư tưởng, tình cảm là vô cùng, nên văn chương cũng là vô cùng, đòi hỏi óc phân tích và tổng hợp, so sánh, đối chiếu, lật xuôi lật ngược, lắng nghe phát hiện ra cho được cái “thần” của tác phẩm, đồng thời khai thác cho hết từng chi tiết, từng câu, từng chữ. “Giang hà di chuyển, muốn tìm tới ngọn nguồn, thật không cùng. Bởi vì không nắm được tinh thần của tác giả thì cũng khó mà phân biệt được thể cách của tác giả” – Nguyễn Tư Giản (tr. 168).

Đến với các tác phẩm, nắm bắt cái tinh túy, cái “lý” của nó, nhưng không phải đọc để đọc, mà xét cho cùng là để hiểu biết, để được phát hiện về đời sống, và đến lượt mình, đem liên hệ, ứng dụng nó vào đời sống, đưa tác phẩm trở về với đời sống và được thử thách trong đó. Phạm Văn Nghị nói: “Đọc sách mà không cùng được cái lý là bọn mạt học, nhớ suông. Vỡ lý mà không đưa tới cái dụng là bọn hủ nho chương cú” (tr. 168). Người phê bình tìm đến tác phẩm là vì người khác, vì đông đảo người đọc và cả vì người làm ra tác phẩm, là để hướng dẫn sự đọc, để giúp cho tác phẩm được tiếp thu, thưởng thức một cách chính xác, phân tích những ưu điểm nhược điểm của nó, qua đó mà có sự đối thoại, có những gợi ý bổ ích cho tác giả cuốn sách. Cái “dụng” của phê bình là ở đó.

Văn học là một lãnh vực tế nhị và phức tạp, người phê bình càng phải gác bỏ những định kiến chủ quan, tìm đến tác phẩm với thái độ khách quan, khoa học. Cái khó ở đây là do văn học không phải như khoa học chính xác, tuy có tiêu chuẩn khách quan làm cơ sở cho việc đánh giá, nhưng đi vào tác phẩm, tác giả cụ thể thì sự khen chê lại tùy thuộc vào phía chủ quan của người đánh giá. Nghĩa là không thể cân đo giá trị của tác phẩm bằng những tiêu chuẩn của khoa học chính xác, không thể chứng minh sự hay dở của tác phẩm một cách hoàn toàn chính xác theo lối toán học. Ở đây sự đánh giá công minh nhất, tiếng nói cuối cùng là thuộc về quần chúng và thời gian.

“Văn chương là của chung của thiên hạ, ý kiến mỗi người mỗi khác, phân tích thì được, chứ không nên chê mắng” (tr. 94).

Suy rộng ra, ý kiến trên đây của Lê Quý Đôn có nghĩa là người phê bình phải lắng nghe ý kiến của quần chúng, phải vô tư, thận trọng trước các hiện tượng văn học, cũng như thái độ khiêm tốn, trân trọng đối với các tác giả. Không phải làm ngơ trước những biểu hiện sai trái hay kém cỏi, mà cần có sự phân tích thấu đáo, coi những thành bại của tác giả như là “của chung”, như là những vui buồn của chính bản thân mình. Đây cũng là thái độ của Nhữ Bá Sĩ đối với tác giả của Thục khách giải trào, khi vạch ra một cách thẳng thắn “bảy điều đáng bàn” như những “chữ bèo bọt, trống rỗng”, “thể văn trên dưới của toàn thiên như cỏ bồng bay tan tác, mịt mờ chẳng biết về đâu”, “cóp nhặt, dựa vào tường vách của người… rơi vào khuôn sáo”, v.v… đồng thời trước đó Nhữ Bá Sĩ cũng nêu lên “ba điều đáng lấy” một cách chắt chiu trân trọng… (tr. 137, tr. 142)

Do những điều kiện lịch sử một nghìn năm Bắc thuộc, cha ông ta không tránh khỏi chịu ảnh hưởng của nền văn hóa và học thuật Trung Quốc. Thật ra không có một nền văn học thuần túy, khép kín cho riêng từng địa bàn, điều này càng đúng với sự giao lưu văn hóa ngày càng mở rộng giữa các dân tộc. Điều đáng tự hào là mặc dầu áp lực nặng nề từ phương Bắc vào, dân tộc ta đã không chịu để cho bị đồng hóa, vẫn nêu cao được tinh thần độc lập tự chủ trong chính trị cũng như trong đời sống tinh thần nói chung. Ngay từ thế kỷ XV, Hoàng Đức Lương đã viết: “Than ôi, một nước văn hiến, xây dựng đã mấy trăm năm, lẽ đâu không có quyển sách nào để có thể làm gốc rễ, mà phải tìm xa xôi để học thơ văn đời nhà Đường, như thế chẳng đáng thương xót lắm sao” (tr. 29-30). Chính nhờ những Hoàng Đức Lương, Phan Phu Tiên, Lý Tử Tấn, Hồ Tông Thốc, Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú… mà gốc rễ văn hóa, văn học nghệ thuật tuy có bị mai một nhưng không bị tiêu vong, mà còn trường tồn, góp phần quan trọng vào việc hình thành truyền thống thiêng liêng của dân tộc.

 

 




* Giáo sư, đã mất.

[1] Từ trong di sản, NXB Tác phẩm mới, Hà Nội, 1981, trang 91. Các trích dẫn tiếp theo trong bài này sẽ ghi số trang liền theo trong ngoặc đơn.

Thông tin truy cập

63612992
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
20314
10905
63612992

Thành viên trực tuyến

Đang có 610 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website