Những cuốn tiểu thuyết gần đây của Philip Roth thể hiện một thái độ nghiêm túc tột độ khi tác giả xoáy cái nhìn tra vấn vào cuộc đời, vào những vấn đề mà dù không muốn, ta vẫn buộc phải coi đó là điều quan trọng của đời người: Tuổi già và Cái chết.
Skyfall, với tôi, là bộ phim đáng xem nhất trong series phim về điệp viên huyền thoại 007. Đáng xem nhất, không phải vì nó sử dụng những kỹ xảo tân kỳ nhất của công nghệ điện ảnh, không phải vì những cảnh quay hoành tráng, không phải vì những màn rượt đuổi bắn giết ngoạn mục, không phải vì những mỹ nhân nóng bỏng hay những cảnh tình ái nồng nàn. Mà vì nó trình ra một James Bond rất “người”, khác hẳn với hình ảnh một James Bond siêu phàm – siêu phàm đến mức trở thành lạc quan tếu – trong những tập phim trước đó. Khuôn mặt khắc khổ in hằn những nếp gấp của thời gian, ánh nhìn mỏi mệt, cằm lởm chởm râu bạc, cả thân người gục xuống, thở dốc, ủ rũ như một tàu lá héo sau bài kiểm tra thể lực. James Bond trong Skyfall là một James Bond ở sườn dốc phía bên kia cuộc đời. Một James Bond già. Và điều đặc biệt là nhân vật ý thức được, rất rõ, sự già đi của mình. Hãy nhớ tới cuộc đối thoại giữa James Bond với điệp viên trẻ tuổi mang bí danh Q. Anh này tuyên bố thản nhiên rằng chỉ cần một chiếc laptop, trong một giờ, anh có thể gây tổn hại cho đối thủ bằng cả một năm hoạt động thực địa của 007. Nghe câu nói ấy, người hùng chỉ còn biết lẩm bẩm: “Một thế giới mới”.
“Một thế giới mới”. Hướng ra bên ngoài, đó là diễn ngôn xưng tụng. Hướng vào chính mình, đó là diễn ngôn tự thán. Nó pha trộn cảm giác tiếc nuối thời tràn trề sinh lực đã qua; và cảm giác hẫng hụt, đuối sức, thậm chí bất lực trước nhịp vận động của thời hiện tại. Thừa nhận cái đối diện với mình là cái mới, cũng tức là thừa nhận bản thân mình đã thuộc về cái cũ. Và điều đó, không gì khác, chính là một đặc trưng tâm lý của tuổi già, tuổi của nỗi ám ảnh thường trực về sự suy bại không gì ngăn cản nổi. (Ở ta, rất nhiều người tỏ ra thích thú với trò chơi đồng âm lập lờ, gọi tuổi già là “tuổi vàng”, với ý ví người già như kim loại quý. Có lẽ cần phải hiểu khác đi, rằng vàng ở đây là vàng của lá trên cây sắp sửa lìa cành). Tuy nhiên, dù sao thì Skyfall cũng vẫn cứ là một phim hành động, và James Bond, như không thể khác, vẫn cứ là một người hùng. Có già mấy thì chàng vẫn phải chạy nhảy, rượt đuổi, bắn súng, đâm dao, và kết cục là vẫn giết được kẻ đáng phải chết. Để mà đau đáu về tuổi già và sự suy bại, tôi nghĩ, điện ảnh hình như làm chưa tới. Thử tìm trong lĩnh vực văn chương, chúng ta sẽ có ngay một cái tên sáng giá: Philip Roth.
Philip Milton Roth sinh năm 1933, là nhà văn Mỹ gốc Do Thái, một trong những tác giả lớn nhất của văn chương Mỹ đương đại. Sự nghiệp sáng tác của ông, nếu chỉ căn cứ vào các giải thưởng, quả thực là một sự nghiệp đồ sộ, đáng mơ ước đối với bất cứ một nhà văn nào: hai giải thưởng Sách Quốc gia (National Book Award), hai giải thưởng của giới phê bình sách toàn quốc (National Book Critics Circle Award), ba giải PEN/Faulkner, một giải Pulitzer, hai giải WH Smith Literary Award (của Anh quốc), Huân chương Vàng tiểu thuyết của Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Văn học Hoa Kỳ. Ở giai đoạn muộn của văn nghiệp - có thể tính từ năm 2006, khi đã ngoài bảy mươi tuổi - Philip Roth viết liên tiếp bốn cuốn tiểu thuyết: Everyman, Indignation, The Humbling và Nemesis. Điểm chung giữa bốn tiểu thuyết này, là chúng đều rất ngắn. Và quan trọng hơn, chúng thể hiện một thái độ nghiêm túc tột độ khi tác giả xoáy cái nhìn tra vấn vào cuộc đời, vào những vấn đề mà dù không muốn, ta vẫn buộc phải coi đó là điều quan trọng của đời người: Tuổi già và Cái chết. Hai trong số bốn tiểu thuyết kể trên đã có bản dịch tiếng Việt: Everyman được chuyển thành Người phàm (Thùy Vũ dịch, Nhã Nam và NXB Văn học, 2011), Nemesis được chuyển thành Báo ứng (Hà Nguyễn, Sao Mai dịch, NXB Trẻ, 2013).
Người phàm, như chính nhan đề của tác phẩm gợi ra, kể về một con người bình thường như mọi con người bình thường khác. Bìa sau cuốn sách, bản tiếng Việt, có đoạn tóm tắt: “Người phàm của thời hiện đại này là một nghệ sỹ thị trường làm việc cho một hãng quảng cáo ở New York, với ba cuộc hôn nhân thất bại, ba người vợ hoàn toàn khác nhau, hai đứa con trai căm ghét ông, một cô con gái yêu thương ông hết mực, một tuổi trẻ sống động, theo sau đó là cuộc vật lộn dai dẳng với bệnh tật và tuổi già dưới hình hài vô số lần phẫu thuật, sáu ống stent và máy khử rung tim”. Quả đúng như vậy. Nhân vật của cuốn tiểu thuyết thuộc về kiểu con người trung bình cộng giữa đặc sệt và loãng toẹt, phi thường và vô vị, rạng ngời và xám xịt – kiểu người của phần lớn chúng ta. Nhưng chính sự “phàm tính” ấy khiến cho cuộc đời Người phàm và những vấn đề mà ông phải đối mặt trở nên có được sức phổ quát rất cao. Ai cũng có tuổi trẻ, Người phàm cũng vậy, ông có một thời tuổi trẻ tràn trề sức sống, đầy ắp sự tự tin, những khoảng thời gian đam mê rồ dại trong phiêu lưu tình ái, những khoảnh khắc phóng đãng vừa đủ để con người biết rằng mình không phải ông thánh đạo đức. Và ông có tuổi già, một tuổi già với trăm thứ bệnh tật ập đến, một tuổi già với việc tận mắt chứng kiến sự lụi tàn, sự lần lượt chết đi của những người cùng thời với mình, với những giày vò khi kiểm duyệt quá khứ, với mặc cảm tội lỗi và sự trầm ngâm trước cái chết. Thực ra thì trước khi già, khi ông vẫn coi sự hoàn hảo thể chất của mình là điều đương nhiên, Người phàm đã có một cuộc chạm trán choáng váng với cái chết bên bờ biển New Jersey. Chẳng vì lý do cụ thể nào cả, ấy vậy mà: “Sự vô biên của trời sao nói với ông không một chút mơ hồ rằng định mệnh của ông phải là chết, và cơn thịnh nộ của biển chỉ cách ông vài mét kia – cùng cơn ác mộng về bóng đen tối tăm nhất bên dưới mặt nước cuồng nộ này – khiến ông muốn bỏ chạy khỏi mối đe dọa bị tan thành cát bụi mà về với ngôi nhà chưa trang bị đủ nhưng thoải mái, sáng đèn của họ” (tr. 45). Trải nghiệm hồi trẻ ấy dường như đã góp phần khiến ông, khi về già, có thể trầm ngâm được trước cái chết ắt sẽ đến, của chính mình. Ở những trang cuối cuốn tiểu thuyết, Philip Roth để cho Người phàm trở lại nghĩa trang, nơi đặt mộ của cha mẹ ông, trò chuyện với người phu đào huyệt da đen về mọi công đoạn của việc chuẩn bị chỗ yên giấc nghìn thu cho người chết. Không có chút nào nỗi sợ hãi và sự bấn loạn. Những trang viết bằng giọng văn đầy tiết chế, bình thản. Như một sự chuẩn bị cho đoạn kết cũng bình thản không kém: “Ngừng tuần hoàn. Ông không còn nữa, được giải thoát khỏi bản thân, bước vào hư vô mà thậm chí không hề hay biết. Hệt như ông đã sợ từ đầu” (tr. 223).
Với Báo ứng, sự suy tư về Tuổi già và Cái chết được Philip Roth đặt ra theo một cách khác. Nhân vật chính Bucky Cantor, thầy giáo dạy môn thể dục, người quản lý một sân chơi trẻ em ở khu Weequahic của người Do Thái, xuất hiện ngay từ đầu cuốn tiểu thuyết như một thanh niên mạnh mẽ, cuồn cuộn cơ bắp, cứng cỏi, giàu ý chí, là thần tượng của tất cả bọn trẻ trong khu. Bất đồ, trong mùa hè năm ấy, một trận dịch bại liệt ập đến, nhiều đứa trẻ lần lượt mắc bệnh hiểm nghèo, thậm chí có đứa qua đời chỉ sau vài ngày. Cả thành phố lên cơn hoảng loạn. Đúng vào thời điểm ấy, cô bạn gái Marcia của Bucky Cantor giục anh lên quản lý một trại hè trên vùng núi Indian Hill, nơi có khí hậu trong lành và cách xa vùng nhiễm dịch. Đấu tranh tư tưởng một hồi, cuối cùng Bucky Cantor cũng chiều theo ý của Marcia, lên Indian Hill mà không hề nghĩ rằng đó chính là bước đầu tiên anh bước vào một bi kịch kéo dài đến hết cuộc đời. Ở đây có vấn đề của một chủ nghĩa anh hùng tự tạo và sự dằn vặt khi con người bội tín với lý tưởng của chính mình. Bucky Cantor luôn đau khổ vì không được đăng lính để chiến đấu cho Tổ quốc – câu chuyện xảy ra vào giai đoạn cuối chiến tranh Thế giới thứ II, sau khi cả nước Mỹ rung động bởi trận Trân Châu cảng – chỉ còn một cơ hội duy nhất để anh làm người anh hùng, đó là ở lại Newark đương đầu với trận dịch, dẫu rằng sự đương đầu ấy sẽ chẳng đi đến đâu, chẳng đem lại hiệu quả gì. Không hẳn vì hèn nhát, song vì những động cơ quanh co tiềm ẩn - có trời mới hiểu được nó là cái gì và tại sao - Bucky Cantor đã từ bỏ cơ hội duy nhất để trở thành người anh hùng. Và anh đã phải trả giá. Cái giá mà Bucky Cantor phải trả không chỉ là việc chính anh cũng bị nhiễm bệnh và trở thành một người bại liệt – Nemesis, nhan đề của tác phẩm là tên của một nữ thần trong thần thoại Hy Lạp, tượng trưng cho công lý không khoan nhượng – mà chủ yếu là sự sụp đổ hoàn toàn ý chí, nghị lực, niềm tin. Cuối cuốn tiểu thuyết, qua con mắt của cậu học trò khi xưa, cũng chính là nhân vật người kể chuyện xưng Tôi, chàng trai Bucky Cantor đã trở thành một ông Bucky Cantor già nua, mệt mỏi, sầu não, sống cô đơn, luôn tự chà đạp mình: “Tôi sẽ không bao giờ là thằng tôi khi xưa nữa. Thay vào đó tôi sẽ như thế này cho đến hết đời. Tôi sẽ không bao giờ còn biết đến niềm vui sống nữa rồi” (tr. 238). Những cái chết thương tâm diễu qua trong cuộc đời, những đau đớn của một thể xác bệnh tật, đòn tra tấn tinh thần tàn bạo, và thời gian, tất cả những cái đó đã đẩy Bucky Cantor xuống tận cùng hố thẳm tuổi già. Ở đó – có lẽ đây là điều cực hiếm thấy trong niềm tin tôn giáo của người Do Thái – xuất hiện một sự tra vấn và một sự phủ định quyết liệt: do đâu mà lại có những bi kịch thảm khốc như chiến tranh và bệnh dịch? Do Chúa: “kẻ tội đồ vĩ đại”. Chúa, với Bucky Cantor, chỉ có hai ngôi: “một kẻ bệnh hoạn và một thiên tài độc ác xấu xa”. Trong bối cảnh như vậy, khi nhân vật người kể chuyện nhớ lại hình ảnh tựa một chiến thần của thầy giáo mình: “Chạy đà cùng cây lao giơ trên cao, cánh tay cầm lao đưa sâu ra đằng sau, rồi vung mạnh ra phía trước và buông cho ngọn lao bay đi tạo nên một đòn tấn công sấm sét – trong mắt chúng tôi thầy dường như bất khả chiến bại” (tr. 249), thì đó chẳng qua chỉ là ánh hồi quang của một cuộc đời trước khi hoàn toàn lịm tắt.
Duy lý đến mức nghiệt ngã, dường như càng về cuối đời thì Philip Roth lại càng ra sức xóa bỏ ảo tưởng của con người, của chính mình, về những chân giá trị của sự tồn tại người. Hẳn không phải là vô tình khi nhà văn, trong trang đầu tiên của cuốn tiểu thuyết Người phàm, đã lấy những vần thơ sau thay cho lời đề từ: “Đây, nơi con người ngồi nghe tiếng nhau than thở/ Nơi sự tê liệt làm run rẩy nhúm tóc bạc buồn bã cuối cùng/ Nơi tuổi trẻ úa tàn, mong manh như bóng ma rồi lụi tắt/ Nơi chẳng thể nghĩ gì ngoài nỗi sầu muộn chứa chan…” (John Keats, Tụng ca một chú sơn ca).
Hoài Nam
Nguồn: http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=80&NewsId=295211