Để mĩ học marxist vẫn là hạt nhân kiến tạo lí thuyết

Trong bối cảnh giao lưu, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, muốn tránh tụt hậu ở cả hai lĩnh vực sáng tác và nghiên cứu, phê bình, Việt Nam cần từng bước xây dựng một nền lí luận văn nghệ hiện đại. Nhưng làm thế nào để mĩ học marxist vẫn là cơ sở kiến tạo lí thuyết của nền lí luận văn nghệ hiện đại ấy là một câu hỏi không dễ trả lời. Cách khả dĩ nên chăng là hãy nhìn thẳng vào thực trạng của nền lí luận văn nghệ này, vì có như thế, ta mới nhận ra những điểm bất cập để khắc phục, đặng phát huy những hạt nhân hợp lí của nó. Trong phạm vi một bài viết ngắn, tôi chỉ có thể thảo luận về một vài khía cạnh mà thiết nghĩ là quan trọng.

1. Xin bắt đầu câu chuyện từ sự quan sát của bản thân. Sau nhiều năm liên tục đứng trên bục giảng, tôi thấy hệ thống sách giáo khoa, giáo trình được sử dụng để đào tạo trong nhà trường của chúng ta là nơi phản ánh đầy đủ nhất, trung thành nhất các nguyên lí cơ bản của mĩ học Marx - Lenin. Thường so sánh, đối chiếu hệ thống tri thức của các bộ giáo trình này với lí thuyết về văn học được sử dụng ở nhiều nước khác nhau trên thế giới, tôi nhận ra, nền lí luận văn nghệ marxist của chúng ta chỉ là một phiên bản của mĩ học Liên Xô trước đây. Thành thử, muốn nhận ra những điểm bất cập ở nền lí luận văn nghệ Việt Nam, cần nhìn lại phiên bản mĩ học này. Rất dễ nhận ra, đây là phiên bản mĩ học được kiến tạo trên nền tảng của hai trụ cột tri thức.
Trụ cột thứ nhất là phản ánh luận marxist. Dựa vào trụ cột này, từ những năm 30 của thế kỉ trước, mĩ học Xôviết chính thống đã kiến tạo hoàn chỉnh hệ thống tri thức hàn lâm của nó. Ngày nay, ta vẫn có thể nhận ra hệ thống tri thức hàn lâm ấy qua các bộ giáo trình lí luận văn học đang được sử dụng làm tài liệu giảng dạy ở hầu hết các trường đại học và cao đẳng có đào tạo ngành văn ở Việt Nam. Quả vậy, dựa vào phản ánh luận, xem văn học là hình thái ý thức xã hội đặc thù thuộc thượng tầng kiến trúc, các tác giả giáo trình xây dựng lí thuyết về nguồn gốc văn học, về đặc trưng của ý thức thẩm mĩ và nhận thức nghệ thuật, về bản chất xã hội và chức năng của văn nghệ, về mối quan hệ giữa văn nghệ với nền tảng kinh tế, văn nghệ và hiện thực đời sống…(1) Chẳng những thế, ở đây, cả lí thuyết về thể loại văn học cũng được xây dựng trên nền tảng của phản ánh luận, theo đó, tự sự là loại tác phẩm “phản ánh đời sống theo nguyên tắc khách quan”, ngược lại, trữ tình là loại tác phẩm “phản ánh đời sống theo nguyên tắc chủ quan”...(2)
Trụ cột thứ hai là nội dung tư tưởng hệ. Dựa vào trụ cột này, mĩ học marxist ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa trước kia kiến tạo hệ thống điển phạm, từ phương pháp sáng tác đến tác gia, tác phẩm, cho tới các tự sự và nhân vật văn học. Chính các loại điển phạm này đã tạo thành khung tri thức định hướng cho hoạt động sáng tác và nghiên cứu, phê bình văn học.  
Với hai cột trụ tri thức nói trên, phiên bản mĩ học marxist Xôviết mà chúng ta đã tiếp thu chưa phản ánh được toàn bộ tinh hoa của mĩ học marxist với những phiên bản khác nhau, vô cùng phong phú, đa dạng của nó. Nó không biết tới vô số phiên bản mĩ học marxist Tây Âu, ví như “cấu trúc luận phát sinh” của trường phái Pháp - Bỉ, đứng đầu là Lucien Goldmann. Hệ thống lí thuyết của trường phái này được xem là phiên bản tổng hợp học thuyết của K.Marx với mĩ học của G.Lukacs ở giai đoạn đầu. Bản thân mĩ học của G.Lukacs, một nhà mĩ học marxist Hungary, cũng xa lạ với chúng ta. Đáng tiếc nhất là hệ thống lí thuyết do “nhóm” M.M.Bakhtin đề xướng vào những năm 20 của thế kỉ trước qua một loạt tác phẩm như Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ: Những vấn đề cơ bản của phương pháp xã hội học trong khoa học về ngôn ngữ (V.N.Voloshinov đứng tên)(3), hay Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học. Nhập môn phê bình thi pháp xã hội học (P.N.Medvedev đứng tên)(4) đã bị mĩ học Xôviết bỏ qua, rồi sau đó bỏ quên suốt một phần ba thế kỉ. Trong khi mĩ học Xôviết bỏ qua và bỏ quên các tác phẩm ấy, thì các nước Âu – Mĩ lại tiếp thu hệ thống tư tưởng của chúng để mở đường cho sự phát triển của chủ nghĩa hậu cấu trúc, giải cấu trúc, hậu hiện đại và nhiều ngành khoa học xã hội nhân văn.
2. Giờ đây ai cũng thấy, sự phát triển của các ngành khoa học nhân văn và xã hội học hiện đại đã làm lộ rõ những hạn chế hiển nhiên của phản ánh luận marxist trong phiên bản Xôviết. Ở trên kia, tôi vừa nhắc tới hai tác phẩm quan trọng của “nhóm” Bakhtin. Vào những năm 70 của thế kỉ trước, Bakhtin còn công bố một tác phẩm khác, cũng rất nổi tiếng: Vấn đề thể loại lời nói(5). Lần đầu tiên trong lịch sử triết học và mĩ học, những công trình này đã đặt ra nhiều vấn đề khoa học mang ý nghĩa cách tân, với hai luận điểm cực kì quan trọng: luận điểm về bản chất kí hiệu học của tư tưởng hệ; luận điểm về quan hệ liên chủ thể và nguyên tắc đối thoại trong giao tiếp lời nói. Tiếp thu tư tưởng từ phiên bản marxist của “nhóm” Bakhtin, các học phái Âu – Mĩ hiện đại đưa ra kiến giải mới về bản chất của văn hóa và thế giới, theo đó, thế giới là một văn bản, văn hóa là một hệ thống kí hiệu, con người và vạn vật vừa là những khách thể vốn dĩ, vừa là sản phẩm được kiến tạo bằng ngôn từ và trong ngôn từ. Cách kiến giải này đã tạo ra bước ngoặt ngôn ngữ học và bước ngoặt diễn ngôn ở nửa sau thế kỉ XX, đặt nền tảng cho hệ hình tư duy của nhân loại ở thế kỉ XXI.
Phản ánh luận trong phiên bản mĩ học Xôviết chỉ là một dạng của lí thuyết phản ánh vốn có nguồn gốc từ thời cổ đại. Dạng cổ xưa nhất của nó là lí thuyết “bắt chước” (“mimésis”) trong triết học và mĩ học của Platon và Aristotle. Một dạng khác của nó là lí thuyết xem tiểu thuyết là “tấm gương kéo lê trên đường lớn” ở thế kỉ XIX. Đặc điểm chung của tất cả các dạng lí thuyết phản ánh nói trên là niềm tin vào một thế giới khách quan như vốn dĩ tồn tại bên ngoài ý thức và tính cập vật của ý thức con người. Đó có thể là thế giới tự nhiên, thế giới ý niệm, hay thế giới vật chất, cơ học. Dù là gì đi chăng nữa, thì nó vẫn là thế giới phi kí hiệu học, không lệ thuộc vào ý chí của con người và con người có thể nhận thức được nó. Dừng lại ở đấy, phiên bản mĩ học marxist của Liên Xô trước kia đã tự giới hạn hệ thống lí thuyết của mình trong khung tri thức truyền thống của thế kỉ XIX đổ về trước(6).
3. Bình diện buộc ta phải suy ngẫm nhiều hơn, thấu đáo hơn là vấn đề tư tưởng hệ, trụ cột kiến tạo lí thuyết thứ hai của phiên bản mĩ học marxist Xôviết. Bởi vì đây là khu vực dễ đụng chạm tới nhiều điểm húy kị, khiến người ta thường né tránh.
Ở trên, tôi vừa nhắc tới luận điểm của Voloshinov (Bakhtin), theo đó, tư tưởng hệ đồng nghĩa với kí hiệu. Toàn bộ đời sống xã hội của con người là gì, nếu không phải là sự giao tiếp kí hiệu. Ở đâu có hoạt động giao tiếp bằng kí hiệu, bằng lời nói, ở đấy có tư tưởng hệ. Từ đó suy ra, mệnh đề “văn học là hiện tượng tư tưởng hệ” chỉ khái quát một chân lí hiển nhiên, không có gì phải bàn luận thêm. Ngay cả câu hỏi “Tư tưởng hệ là gì?” cũng đã có sẵn lời giải đáp, vì nó đã được các vị kinh điển của chủ nghĩa Marx bàn rất kĩ trong Hệ tư tưởng Đức (1845-1846). Ngoài ra, ta còn có thể tìm hiểu thêm về vấn đề này qua hàng loạt tác phẩm của nhiều học giả, chẳng hạn trong Những huyền thoại (1957), hay S/Z (1970), R.Barthes bàn rất kĩ về mối quan hệ của ba phạm trù: tư tưởng hệ, nghĩa bóng và văn bản.
 Nhưng chính vì đây là vấn đề đã rõ, đã biết, nên những ai có dịp nghiên cứu mĩ học marxist ở phiên bản Xôviết đều nhận ra ngay, rằng phạm trù tư tưởng hệ trong văn nghệ càng về sau càng bị thu hẹp và tuyệt đối hoá. Xin hãy so sánh những bài phân tích văn học của Marx và Engels với loạt bài viết về văn học của Lenin. Trước kia, phân tích sáng tác của các nhà văn, nói gì thì nói, cuối cùng bao giờ Marx và Engels cũng chứng minh văn học là hình thái ý thức phản ánh hiện thực, rằng “không phải ý thức của con người quyết định sự tồn tại của họ, trái lại, chính sự tồn tại của họ quyết định ý thức của họ”(7). Trong loạt bài viết về Ghersen, về các nhà văn dân túy, nhất là loạt bài về L.Tolstoy, bao giờ Lenin cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tư tưởng hệ, của thế giới quan và lập trường giai cấp đối với sáng tạo nghệ thuật. Marx và Engels cho rằng “các quan điểm xã hội chính trị của tác giả […] càng kín đáo bao nhiêu thì lại càng tốt cho tác phẩm nghệ thuật bấy nhiêu”(8). Năm 1905, trong bài báo nổi tiếng Tổ chức đảng và văn học mang tính đảng, Lenin tuyên bố: “Sự nghiệp văn học phải trở thành một bộ phận trong sự nghiệp của toàn thể giai cấp vô sản, [...] phải thành một bộ phận khăng khít của công tác có tổ chức, có kế hoạch, thống nhất của Đảng xã hội - dân chủ”(9).
Những luận điểm của Lenin là hạt nhân lí thuyết để đến những năm 30 của thế kỉ trước, mĩ học marxist Liên Xô thu hẹp và tuyệt đối hoá phạm trù tư tưởng hệ trong văn học nghệ thuật. Hệ tư tưởng này trở thành “linh hồn” của cả phương pháp sáng tác lẫn phương pháp nghiên cứu, phê bình văn học. Từ đó, mĩ học marxist Xôviết nhanh chóng hình thành một hệ thống điển phạm, lấy hiện thực xã hội chủ nghĩa làm phương pháp sáng tác tốt nhất, xem Gorki, Maiakovski là những tác gia “lá cờ đầu”, xếp Người mẹ của Gorki, Thép đã tôi thế đấy của Ostrovski... vào hàng những tác phẩm mẫu mực, khẳng định Pavel Vlasov, Pelagea Nilovna, Pavel Korchagin… là những điển hình lí tưởng. Dựa vào hệ thống điển phạm này, các sách giáo khoa, giáo trình thu hẹp tối đa lịch sử văn học: lịch sử văn học Nga – Xôviết và lịch sử văn học thế giới nói chung chỉ còn là lịch sử sáng tác phản ánh cuộc đấu tranh giai cấp ở các thời đại khác nhau và kết thúc bằng thắng lợi của cách mạng vô sản.
4. Kiến tạo lí thuyết trên nền tảng của hai trụ cột phản ánh luận và tư tưởng hệ, phiên bản mĩ học marxist Xôviết không tránh khỏi một số hạn chế cần khắc phục.
Thứ nhất, phản ánh luận có thể là chỗ dựa khoa học để kiến tạo lí thuyết về những vấn đề chung, có tính chất “nguyên lí”, thuộc phạm vi triết - mĩ, ví như nguồn gốc, bản chất, chức năng, hay quy luật vận động lịch sử của nghệ thuật như một hình thái ý thức xã hội. Nhưng nó không cung cấp cơ sở khoa học để xây dựng lí thuyết về đặc trưng văn nghệ, trong đó có những vấn đề tối quan trọng, ví như vấn đề về thể loại văn học và thi pháp nghệ thuật. Mặt khác, do nhấn mạnh bản chất tư tưởng hệ, đề cao vai trò của thế giới quan và phương pháp sáng tác, nền lí luận văn nghệ này không thể đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của phong cách nghệ thuật, càng không thể đề cao vai trò của tiềm thức, vô thức và trực giác trong nhận thức thẩm mĩ. Diễn đạt theo lời của Bakhtin, nền lí luận của chúng ta bỏ quá nhiều công sức vào việc nghiên cứu những bình diện làm nên bề mặt “ồn ào”, “sặc sỡ” của đời sống nghệ thuật, mà bỏ qua “những nhân vật cơ bản nhất”, “chính yếu nhất” của “tấn kịch lịch sử văn học”. Khi vận dụng vào thực tiễn sáng tác, nền lí luận ấy xây dựng được sự thống nhất, nhưng không thể tạo ra sự đa dạng, mà trong nghệ thuật, sự đa dạng nhiều khi quan trọng hơn sự thống nhất đơn điệu.
Thứ hai, tuyệt đối hoá vai trò của tư tưởng hệ, mĩ học marxist ở Liên Xô đã đặt văn nghệ vào cùng dãy với hoạt động báo chí, xuất bản, đồng nhất nghệ thuật với tuyên truyền. Vào năm 1905, Lenin kêu gọi: “Toàn bộ văn học xã hội - dân chủ phải thành văn học Đảng. Tất cả báo chí, tạp chí, nhà xuất bản, v.v… đều phải lập tức bắt tay vào công tác cải tổ, chuẩn bị điều kiện khiến cho những thứ đó, căn cứ vào những nguyên tắc này hay nguyên tắc khác, hoàn toàn gia nhập những tổ chức này hay tổ chức khác của Đảng. Chỉ lúc đó, văn học “xã hội - dân chủ” mới thành văn học “xã hội - dân chủ” chân chính…”(10)
Thứ ba, một mặt, dựa vào phản ánh luận để kiến tạo lí thuyết hàn lâm, mặt khác, lại tuyệt đối hoá cái nhìn tư tưởng hệ để hình thành hệ thống điển phạm định hướng thực tiễn, mĩ học Xôviết chứa đựng trong bản thân những mâu thuẫn nội tại, các mặt đối lập của nó luôn có khả năng chuyển thành xung đột dẫn tới nguy cơ chân lí nghệ thuật có thể bị triệt tiêu. Bởi vì, nghệ thuật có chân lí của nghệ thuật, tư tưởng hệ có chân lí của tư tưởng hệ. Hai loại chân lí ấy có thể thống nhất, nhưng không đồng nhất.
Chân lí nghệ thuật là một cấu trúc biểu nghĩa đặc thù. Hiểu theo tinh thần của phản ánh luận truyền thống, xem văn học nghệ thuật là phương thức nhận thức đời sống, cấu trúc đặc thù ấy là một chỉnh thể hữu cơ của ba mặt nội dung: bản thể luận, nhận thức luận và giá trị luận. Nội dung bản thể luận (hay tồn tại luận) là hình ảnh cụ thể - cảm tính của đối tượng được nhận thức. Nó là bức tranh thế giới được mô tả trong sáng tác nghệ thuật. Nội dung nhận thức luận là ý nghĩa trừu tượng, biến hình ảnh cụ thể - cảm tính của đối tượng mô tả thành hình ảnh tiêu biểu, phổ quát, thành cái có thể có. Nội dung giá trị luận chính là bình diện tư tưởng hệ. Nó là tầng nghĩa được rút ra từ sự định giá thẩm mĩ. Gọi ba mặt nội dung ấy là chỉnh thể hữu cơ, vì nghệ thuật mô tả dưới ánh sáng của sự khái quát và sự định giá thẩm mĩ, ngược lại, nó định giá và khái quát ngay ở sự mô tả. Cho nên, chân lí nghệ thuật bao giờ cũng đa nghĩa, đa trị.
Ngày nay, ta hiểu thêm, nghệ thuật không chỉ là phương thức tư duy, mà còn là hình thức giao tiếp. Mỗi tác phẩm nghệ thuật là một sự kiện giao tiếp diễn ra giữa nhà văn với người đọc, giữa người đọc với nhà văn và thế giới hình tượng do ông ta sáng tạo ra. Đó là một quan hệ “tay ba”, quan hệ liên chủ thể. Diễn ra trong mối quan hệ ấy, chân lí nghệ thuật là lẽ phải đòi hỏi sự đồng thuận, “có mình có ta”. Đây là sự đồng thuận của các tư tưởng hệ được hình thành trên hành trình đối thoại. Ta hiểu vì sao lịch sử văn học nghệ thuật của nhân loại là hành trình vận động từ truyền thuyết, sử thi, truyện kể đến tiểu thuyết, chứ không phải ngược lại.  
5. Xin khép lại bài viết bằng mấy kết luận như sau:
Thứ nhất, di sản triết học và mĩ học đồ sộ của các vị kinh điển chủ nghĩa Marx là cơ sở khoa học tin cậy mà chúng ta có thể khai thác để kiến tạo hệ thống lí luận văn nghệ hiện đại. Thực tế cho thấy, nhiều trường phái nghiên cứu, nhiều học giả lớn trên thế giới đã và đang dựa vào di sản vô giá này để xây dựng các hệ thống lí thuyết riêng, hết sức độc đáo. Học thuyết “xuyên ngôn ngữ” trong phiên bản marxist của “nhóm” Bakhtin, “cấu trúc luận phát sinh” của trường phái Pháp – Bỉ, lí thuyết về chủ nghĩa hiện thực của Lukacs… là những ví dụ tiêu biểu.
Thứ hai, lí luận văn nghệ cho đến nay vẫn đang được sử dụng để giảng dạy trong nhà trường, trong nghiên cứu, phê bình văn học ở Việt Nam về cơ bản là phiên bản mĩ học marxist của Liên Xô trước kia. Là sản phẩm của lịch sử, phiên bản này không tránh khỏi những hạn chế lịch sử. Có ba hạn chế quan trọng. 1/ Nó chưa hấp thụ được tinh hoa của toàn bộ mĩ học marxist với những phiên bản vô cùng phong phú, đa dạng. 2/ Nó chưa biết tới vai trò quan trọng của ngôn ngữ trong tư duy, chưa tiếp cận văn nghệ như một hình thức diễn ngôn. 3/ Nó thu hẹp nội hàm phạm trù “tư tưởng hệ”, đồng nhất tư tưởng hệ với thế giới quan, lập trường giai cấp, và tuyệt đối hoá vai trò của nó trong sáng tác nghệ thuật.
Thứ ba, để mĩ học marxist vẫn là hạt nhân kiến tạo lí thuyết, thiết nghĩ, có ba điểm cần bổ sung. 1/ Trên nền tảng di sản triết học và mĩ học của các vị kinh điển chủ nghĩa Marx, cần kiện toàn hệ thống lí thuyết về các vấn đề riêng, liên quan tới đặc trưng và thi pháp nghệ thuật. 2/ Cần xoá bỏ định kiến cho rằng chỉ có một phiên bản mĩ học marxist nào đấy là duy nhất đúng. Bởi vì, chỉ khi ấy chúng ta mới có kế hoạch nghiên cứu thấu đáo toàn bộ di sản mĩ học Marx – Lenin với mọi phiên bản khác nhau, hấp thu tinh hoa của nó, làm cho nền lí luận văn nghệ của chúng ta ngày càng trở nên giàu có. 3/ Tiếp thu những thành tựu lí luận hiện đại của nhân loại trên tinh thần đối thoại
Hà Nội, 11/7/2014
L.K.H

---------
(1) Phương Lựu (chủ biên), Lí luận văn học, tập 1, Nxb Đại học Sư phạm, 2012, tr.54-228.
 (2) Phương Lựu (chủ biên), Lí luận văn học, Nxb Giáo dục, 2003, tr.357-415.
 (3) V.N.Voloshinov, Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ, L.: Priboi, 1929 (tiếng Nga).
 (4) P.N.Medvedev, Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học (Nhập môn phê bình thi pháp xã hội học), L.: Priboi, 1929 (tiếng Nga).
 (5) M.M. Bakhtin, Vấn đề thể loại lời nói. In trong Lí luận văn học – những vấn đề hiện đại (Lã Nguyên tuyển dịch), Nxb Đại học Sư phạm, 2012, tr.7-54.
 (6) Lã Nguyên, Thay đổi khung tri thức và mô hình lí thuyết là tiền đề nâng cao hiệu quả của hoạt động nghiên cứu, phê bình văn học, Tạp chí Lí luận, phê bình văn học, nghệ thuật, số 11, tháng 7/2013, tr.20-26.
 (7) K.Marx – F.Engels – V.I.Lenin, Về văn học và nghệ thuật, Nxb Sự thật, 1977, tr.29.
 (8) K.Marx – F.Engels – V.I.Lenin, Về văn học và nghệ thuật, sđd, tr.385.
 (9) K.Marx – F.Engels – V.I.Lenin, Về văn học và nghệ thuật , sđd, tr.306.
 (10) K.Marx – F.Engels – V.I.Lenin, Về văn học và nghệ thuật, sđd, tr.311-312.

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ quân đội

http://vannghequandoi.com.vn/de-mi-hoc-marxist-van-la-hat-nhan-kien-tao-li-thuyet.html

Thông tin truy cập

63676876
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
20594
17595
63676876

Thành viên trực tuyến

Đang có 169 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website