Kiệt Tấn , đôi khi thèm chết nhưng vẫn mê đời

Một luồng gió mới đầy thơ nhạc

 Thời còn sống và làm việc ở Milano (Ý) tôi có đọc một số truyện ngắn của nhà văn Kiệt Tấn trên nguyệt san Văn Học do nhà văn Nguyễn Mộng Giác chủ biên và sau này có đọc ông trên các trang mạng văn chương.

truong_van_dan-kiet_tan

Từ trái: Trương Văn Dân và Kiệt Tấn 

Hình như lúc đó, thời 1990/1995, sau nhiều năm nghỉ xả hơi ông  vừa cầm bút trở lại, viết về những điều mình sống và chẳng mấy chốc đã nổi đình nổi đám trên văn đàn VN ở hải ngoại. Nổi đình vì những ý tưởng ngược theo chiều gió. Nổi đám vì dám nói thẳng nói thật những trần trụi của cuộc đời mà những người cầm bút thường e dè (và bẽn lẽn dừng lại ở lằn ranh mà mình tự vạch). Còn ông, chuyện riêng, chuyện tư...đều được ông tự nhiên bóc trần trên trang giấy, như những thước phim quay chậm để người đọc thỏa sức nghe, nhìn. Nói cách khác cái chất sống của KT xuất hiện ngồn ngộn trong các trang viết tham lam và cuống quít, đến nỗi  hơi thở cũng phải rướn cong vì mê đắm...

 Nhưng tình yêu của KT không dừng lại ở tình yêu nam nữ, ông còn tha thiết với quê hương. Với những nụ cười của các bà mẹ già, những con vịt vàng... và đứng giữa những tình cảm yêu già, mến (phụ nữ) trẻ, có chiếc cầu tư tưởng, những ghi chép rời rạc trong Sự Đời, những suy tưởng giữa cái ta nhỏ bé và cái chung của xã hội, những trí tuệ không giúp ích gì cho ai, mà chỉ làm con người hành hạ mình và buộc đời mình  vào những hệ lụy do mình tự tạo...

Nếu mỗi người cầm bút thường chỉ có một thế mạnh riêng thì KT xuất hiện như một ngòi bút đa dạng. Ông can đảm xông xáo vào nhiều lãnh vực, thơ, văn, tiểu luận, triết luận, tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dài... mà không chút e dè. Ông viết thật, nói thẳng, hoàn toàn không sợ tai tiếng và đạp lên thành kiến để viết…ngay cả lột trần bằng con chữ  cái vốn sống, và cách sống hết mình. Trước khi viết văn KT còn là một nhà thơ nên nét độc đáo trong văn ông là có nhiều trích dẫn. Nhờ thuộc khá nhiều thơ, hò, vè và vọng cổ nên khi đang viết bị khựng, hay chưa tìm ra câu bản lề để đưa đẩy, ông trích vào một câu thơ, một lời ca và khôn khéo đặt đúng vào mạch truyện…nên văn của ông bỗng nhiên có thêm nhạc điệu.

 

Có thể nói KT là người viết văn độc lập, cứ tí tửng quan sát đời, yêu ghét rạch ròi, “yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét” mà chẳng ai hay thế lực nào có thể tác động được ông. Sống nhiều năm ở đất nước tự do, ông thích gì là viết, không cần phải “chửi xéo” hay lươn lẹo “cài” những trái nổ xỏ xiên để giải tỏa ẩn ức như những người cầm bút lo sợ bị kiểm duyệt, cắt xén.

Đọc KT, dù viết trong những lúc “tỉnh” hay trong cơn say, người đọc dễ dàng nhận ra ông chưa bao giờ buông mình theo những trào lưu văn chương, những kiểu cách thời thượng như hiện sinh hay phong trào văn chương mới. Con đường ông đi là ghi nhận những hình ảnh đời thường, nhìn thấu tâm lý sau khi quan sát những múa may của nhân vật. Chất liệu  văn học của ông đa dạng và bút pháp tả chân có góc nhìn thay đổi, có khi nhìn cận cảnh, có lúc lại lùi xa để nhìn tổng thể. Những cảnh quay đó thường gợi cho ta những hồi tưởng về một phần đời nào đó của mình. Và có lẽ vì thế mà khi đọc những trang viết của ông, có lúc chúng ta cười ha hả, có lúc chúng ta mím môi đau đớn khi nghĩ đến thân phận của con người mãi mãi là nạn nhân của những mưu-ma-chước-quỷ-mang-tính-khoa-học của thời đại nên vừa tinh ranh vừa tham ác.

 

Đọc ông, “biết” ông qua trang viết nhưng chưa gặp lần nào. Chỉ mãi đến mùa hè 2013, cùng với nhóm thân hữu Quán Văn “cõng văn chương qua xứ lạ” thì  tôi mới có dịp gặp ông lần đầu ở nhà bác sĩ Thiện tại Paris.

Về cuc gặp này tôi đã kể lại trong tạp bút “cuộc hội ngộ của những trái tim”[1] mà sau đây tôi chỉ nhắc một đoạn ngắn :

 “ Khổ người to con, mặt vuông, dáng lừ đừ  nhưng theo nhiều người thì ... mặt mày sáng rỡ khi thấy đàn bà. Ông có giọng nói lè nhè, cà tửng bông lơn theo kiểu người say Nam bộ. Tuy gặp lần đầu nhưng ông rất hồn nhiên, cởi mở, xem tất cả chúng tôi như những bạn văn đã quen thân.

 Buổi nói chuyện hôm ấy có đề tài xoay quanh sự suý thoái  văn hoá và sự tàn ác của loài người.

Kiệt Tấn kể lại chi tiết trong chiến tranh, thấy nhiều người chết…Câu chuyện chưa dứt, tất cả chúng tôi đều ngỡ ngàng khi thấy ông ôm mặt rồi bật khóc.Chị Ánh, vợ ông, để yên một lát rồi vỗ về, đập nhẹ lên vai chồng:

-                      Thôi, đủ rồi! Nín đi anh!

Tiếng thút thít thưa dần. Khuôn mặt KT có dáng dấp của một  đứa bé được mẹ vỗ về.

Nguyên Minh chợt đưa mắt nhìn tôi như ngầm bảo: KT có lúc xúc cảm như vậy đó, rồi ông rót một ly Bordeau đưa cho KT:

-                       Nè anh bạn, khóc được là sướng lắm. Uống cạn ly rượu này là sẽ quên hết. Tôi biết mà!

KT chẳng nói gì nhưng ngửa cổ uống một hơi rồi nín khóc. Ông vui vẻ nói chuyện bình thường trở lại.  

Chứng kiến cảnh đó, tôi bỗng nhớ lại là  trước đây có đọc một bài phỏng vấn KT. Đại khái, có người rụt rè hỏi:

-                      Anh KT à, tôi nghe có người nói anh điên? Có thật vậy không anh?

KT trợn mắt trả lời:

-                      Thiệt quá đi chứ cha! Tui điên có “bằng cấp” mà!

Tự nhiên tôi bật cười. Người điên mà biết mình điên thì chắc là rất tỉnh hay đơn giản đang toan tính một điều gì. Chắc những cơn điên ấy đã làm bật lên ý thức phản kháng về sự tàn ác của xã hội phi nhân tính: đặt kinh tế lên trước con người. Thế giới đang hành xử với nhau thật thô bạo thế mà cứ nhơn nhơn nói về quyền con người...

Lúc ngẩn người nhìn ông khóc tôi cũng hiểu KT là người vô cùng nhạy cảm. Có lẽ chính sự bén nhạy ấy làm ông đau đớn hơn những người bình thường và bất cứ thứ  tội ác nhỏ nhoi nào cũng làm trái tim ông lay  động.

Lúc chia tay KT tặng tôi Tập truyện ngắn & Tiểu luận “Người em xóm học” và Tiểu thuyết.. “Lớp lớp phù sa” Tôi cũng ký tặng ông quyển tiểu thuyết “Bàn tay nhỏ dưới mưa” của mình, sách dày hơn 400 trang,  không chắc là ông có đủ “can đảm” để đọc !

 

Sự hoài nghi của tôi được giải tỏa chừng một tuần sau đó, buổi sáng khi đón khách cho buổi họp mặt, nhìn thấy tôi Kiệt Tấn vồn vã: “ Tư tưởng“nhớn” gặp nhau nhé. Đụng nhau chan chát.”  Lúc đó tôi mới biết là ông đã đọc “một lèo” hết quyển “Bàn tay nhỏ dưới mưa” và nhận xét là “mình còn nhiều đồng cảm lắm”.

 Tưởng chỉ thế nhưng bất ngờ là mấy tháng sau, khi tôi đã về lại VN, thì nhận được một bản thảo “TVD một tấm lòng” dài hơn 30 trang viết tay để cảm nhận về quyển tiểu thuyết đó. (Cho đến nay KT vẫn chưa biết sử dụng máy tính, không hề biết email hay internet là gì). Khi cầm tập giấy dày từ Trần Văn Duy (nhà sách Hà Nội, SG) giao lại, tôi run lên vì cảm động. Không ngờ một nhà văn nổi tiếng (và tai tiếng) như ông đã bỏ thời gian để nhận xét về những trang viết của mình…

 Điên điên và mê gái thì đã sao?

Khi tìm hiểu về KT, tôi thú vị phát hiện là với ông, có vài điểm tương đồng:

-                      Học kỹ thuật, nhưng sống với văn chương. Thường, theo tôi nghĩ thì đây là “loại” người yêu văn chương thật sự vì họ đến với văn chương vì niềm đam mê, vì nhu cầu chia sẻ chứ không phải vì công việc hay xem đó là phương tiện mưu sinh. Chung quanh tôi có khá nhiều người học văn mà không bao giờ cầm bút, thậm chí rất ít đọc, nếu dạy học chỉ biết dựa vào sách giáo khoa.

-                      Khởi đầu nghiệp viết lách là làm thơ nhưng sau đó lại chuyển sang viết văn. Ông và tôi cùng bỏ viết hơn 20 năm. Chỉ cầm bút trở lại khi có nhu cầu nội tâm thôi thúc.

-                      Sống ở nước ngoài rất nhiều năm. Tốt nghiệp xong ở Quebac (Canada) ông đã quay về đất nước để làm việc. Thời gian này ông cũng “lãnh đủ” chiến tranh, cũng đi lính cành cạch, nhưng rốt cuộc rồi cũng phải lìa bỏ quê hương: tháng 3-1975 được nhà nước cử sang Pháp họp, chưa kịp về thì vận nước đổi thay nên đành ở lại. Lăn lóc xứ người đôi khi ông vẫn nhìn lại chốn  xưa mà thét gào: “ôi sao tôi cần quê hương đến như vậy ”… Những bận bịu cơm áo gạo tiền làm ông ngạt thở với đời sống ở trời Tây: “Tôi thèm chạy trên cỏ. Lần nào ngó chim chạy trên bãi cỏ có nắng tôi cũng thấy mình ngu.Trời ơi!sao hạnh phúc dễ ợt như vậy mà tôi không với tới!”. Lúc thất nghiệp, phải làm đơn xin việc kèm theo phiếu lý lịch có dán hình thắt cà vạt, ông chua chát : “ Đời sống sờ sờ như vậy mà tôi tự ngoảnh mặt làm ngơ, giam mình trong ngục tù do mình dựng ra và do mình cai quản...”

 

Riêng về câu chuyện điên có bằng cấp của ông đã làm tôi nhớ lại câu chuyện hơn 45 năm trước…

Trong một buổi họp mặt đông đủ bạn bè ở Qui Nhơn, thời 1970, bằng thái độ nghiêm trang Tám Nhân đã cầm tay tôi đưa lên cao và dõng dạc tuyên bố :

-                      Xin mời các bạn chúc mừng chủ tịch “Hội người điên”.

Nói xong Nhân trao cho tôi một lá cờ tam giác, và cho biết là đã bảo Ái, em gái khẩn trương thêu để kịp nghi lễ chúc mừng… tân chủ tịch.

  Lý do được phong chức bắt đầu từ những chuyện tình choai choai của thời mới lớn.

Trước đó, trong một buổi nói chuyện về tình yêu, có người nhắc đến những nét đẹp của người yêu (đơn phương). Người thích đôi mắt, kẻ thương mái tóc, kẻ khoái nụ cười…nói chung là họ sẵn sàng làm mọi thứ để được những báu vật đó. Trong khi mọi người hăng say tranh luận thì tôi phán một câu :

Bọn mày có trả nghìn vàng để mua một trang quốc sắc thiên hươngthì cũng thua xa một người.

Cả bọn trố mắt nhìn. Chờ một lát tôi mới chậm rãi “phán” :

-                      Chỉ có Châu U Vương là người đốt phong hỏa đài để diễu chư hầu, dám đánh đổi cả giang sơn và tính mạng vì một nụ cười của giai nhân thì thật xứng đáng là là đệ nhất tình nhân.

 Cả bọn hoan hô và Tám Nhân nhất định phong cho tôi là người điên số một ở Qui Nhơn.

 Cùng với tập thơ “sáng tác” từ thời 15, 16 tuổi, lá cờ thêu ba chữ Hội Người Điên và bầu rượu đế, từ lúc ấy đã theo tôi trong hành trang sang Ý du học. Mới đây tình cờ tìm được, nên đã được quay về cố quận.

Chuyện cũ, nhắc lại cho vui, chứ cái điên ngông của thời tuổi trẻ, tập tành rượu chè thuốc lá, thích làm điều lập dị…khác xa cái “điên” của Kiệt Tấn…Vì so với những cú “quậy” long trời lở đất của ông, những trò “khuấy nước” của tôi thì chưa xứng hàng…đệ tử.

 Tuy vậy khi viết về KT…, Viết về những điểm tương đồng, tôi như trải được lòng mình

 

Trình làng… những vết thù trên lưng ngựa

 

Khi bắt đầu cầm bút trở lại, Kiệt Tấn tâm sự: “Cả chục năm nay tôi bỏ viết. Tôi không đủ đam mê. Tôi không viết để chứng minh. Tôi viết khi cảm thấy có nhu cầu. Nếu không viết mà vẫn sống hạnh phúc, tôi sẽ không bao giờ viết, vì tôi khi đó đang ở trong trạng thái quân bình. Nếu viết, tôi đánh mất quân bình. Khi viết, tôi như người lên đồng, lúc cười lúc khóc, vật vã, hành xác”.

 

 Tuy viết “như người lên đồng” nhưng tôi thấy KT viết rất tự nhiên, câu chữ  của ông mang nét ngang tàng của một con ngựa hoang, dù bất cứ đề tài nào, chữ nghĩa của ông vẫn tung vó trên đồng cỏ, ha hả cười dưới bầu trời thênh thang, tự do vỡ đất trên cánh đồng văn chương. Ngoài đời cũng như trong truyện, hầu như chuyện gì ông cũng có thể đem ra cười cợt. Đề tài đứng đắn đến đâu cũng thấp thoáng một nụ cười tinh nghịch. Ông “cười vào mũi cuộc đời. Và dùng nụ cười như một thế võ tự vệ để chống lại cái ác liệt của đời sống”.

Ông nói thẳng băng, viết đơn giản, không hề dụng tâm trau chuốt dường như cũng không cần chú tâm lắm tới các kỹ thuật cầu kỳ mà để cho tình cảm, trí nhớ và cảm xúc đẩy đưa.

Nhưng “không cần kỹ thuật” không có nghĩa là không có kỹ thuật. Hữu chiêu thất bại trước vô chiêu là thường…và có lẽ nhờ tính “thật thà”… kiểu KT nên giọng văn tự nhiên, dễ cảm người đọc. Ông  cho rằng : “Hư cấu quá  trớn, truyện viết thấy xạo thì độc giả chịu trời không thấu…”

Có lẽ vì sự “thành thật” ấy mà những trang viết của Kiệt Tấn đều dễ đọc và dễ hiểu. Tôi đồng cảm với ông: “Viết là trong tâm mình cảm thấy cần có cái gì để viết”, cần tìm người chia sẻ chứ đâu phải đem chữ nghĩa ra đánh đố người đọc.

Giữa mùa đông băng giá của cuộc đời, những trang văn là ngọn lửa ấm trong tim. Nếu không phát ra hơi nóng thì dù cái vỏ ngoài của lò sưởi có sơn son thếp vàng đến đâu thì cũng chỉ là một đống sắt vô dụng mà thôi.

 

Tình dục, rất tự nhiên và đẹp đẽ

 

Ở nước ngoài, KT được cho là cây bút viết về tình yêu và tình dục táo bạo, cuồng nhiệt và quyến rũ. Trước khi cầm bút, ông là một tình nhân. Văn chương của ông ngùn ngục dục tình. Tình yêu của ông bao giờ cũng “kèm” tình dục và ông xem đó là điều tự nhiên: “Bộ phận đực là bộ phận đực, bộ phận cái là bộ phận cái, bộ phận đực/cái dính nhau là lẽ tự nhiên, hết sức tự nhiên, sự tục tĩu chỉ có trong đầu”. “Tôi không quan niệm tình yêu mà không có tình dục. Nếu ép tôi bỏ bớt một thứ, có lẽ tôi sẽ giữ lại tình dục”. Tuyên bố khơi khơi kiểu đó rất dễ làm nhiều người đỏ mặt. Nhưng ông còn nói:     “Tôi viết tình dục để độc giả thấy đó là một điều tự nhiên và đẹp đẽ ”.

Nói vậy chứ viết về tình dục...là  một điều khó khăn! Muốn viết cho hay, thật khó: Chuyện giường chiếu (thường) chỉ có 2 người, chừng ấy bộ phận, động tác, cảm giác và đối thoại chỉ là những tiếng rên hay hơi thở gấp. Chất liệu chỉ bấy nhiêu, muốn viết cho “đạt” quả không dễ chút nào. Loay hoay, kém tay nghề, rất dễ sa đà đưa vào chuyện dung tục, thậm chí khiêu dâm. Thế là…. tiêu.

Thế mà những trang văn của KT thường thơ mộng và mang đầy sức sống. Cảm xúc cuồn cuộn.Tả chân. Viết như diễn lại trước mọi người.

Câu chữ của ông có lúc hiền lành, có khi dữ dội. Có khi ông vuốt ve mơn man như làn gió nhẹ, có lúc dữ dội “nẩy” mình như cơn địa chấn. Chữ nghĩa của ông hoạch toẹt mọi thứ, hồn nhiên phơi lồ lộ thể xác, tâm hồn, những ý tưởng thầm kín… trước bàn dân thiên hạ mà không hề đỏ mặt. Ông thành khẩn khai báo là khi thiếu phụ nữ ông dở khóc dở cười và khi “yêu” họ, ông yêu“bằng sự đam mê, bằng rung động, bằng linh tính  và bằng 5 giác quan: thấy, nghe, sờ, ngửi, nếm “Cái gì ông cũng ngó, cũng mó, cũng sờ, cũng nếm tuốt tuột” nên dám nói những điều… mà không ai dám.  Ông chi ly miêu tả hồn và xác hất ra, cuốn vào, quấn vào nhau vì… “những ngọn lửa bừng bừng thiêu đốt thịt da” thế nhưng người đọc không bao giờ tìm thấy ở đó có sự khêu gợi tầm thường.

Ừ, bạo thì bạo thật, nhưng văn ông không hề nhớp nhúa, hay khiêu dâm câu khách, rẻ tiền, khác xa với loại văn nhằm gây đình nổi đám, tạo chú ý, để mau được        “nổi  tiếng”  bằng lộ hàng, xuyên thấu…

Viết xong, chắc ông tủm tỉm cười rồi dõng dạc tuyên bố : “Hầu hết những truyện tôi viết đều là tự truyện.” Ông còn kể lại, trước ngày đi Canada du học, mới tập tành hứa hẹn là đã bị Tuyết bắt tẩy: “anh đừng có giả ngộ. Bản mặt anh mà cưới em.”

Tình yêu trong văn Kiệt Tấn có nhiều cung bậc có nhiều màu sắc, nhưng phần lớn là say đắm, là “áp rún đổ mồ hôi hột, lăn lộn trên bãi cỏ ôm nhau ra rít”…Sau khi yêu, mê đắm nhiều phụ nữ từ Hoa, Tuyết, Hường… đến Diane, Evelyne, Danyèle, Louise… nhưng cuối cùng ông nịnh vợ : “Ánh, bà xã tôi là mối tình duy nhất mà kết cục có hậu… Những mối tình kia đều trới quớt hết”.  Nhưng nói xong ông lại bồi thêm: “Ánh vốn thuộc nòi chung thủy, còn tôi thì vốn không có máu chung tình. Dĩ nhiên là làm khổ nàng ngất ngư. Chết đứng chết ngồi nhiều bận”. Trong một bức thư viết cho anh trai, ông cũng thú nhận: “Khốn nạn thay, em có trái tim tật nguyền.  Đối với đàn bà em chỉ biết si tình và đam mê thôi chứ em không biết yêu”.

 

Nói thế để biết yêu một nhà văn, kiểu Kiệt Tấn chẳng phải dễ dàng gì. “Tôi chỉ biết ham sống. Tôi chỉ biết si tình và đam mê đàn bà”. “Tôi cần đàn bà để giải tỏa cô đơn”. Chuyện tình với ai ông đều viết ra tuồn tuột. Có lần tôi hỏi chị Ánh : “chị đọc mà chẳng ghen sao?” Chị ngậm ngùi: “Thôi cứ để ổng viết ra cho đỡ ấm ức, khỏi kể, nếu không thì ổng kể, mà còn còn lâm ly hơn nữa…thì càng chết”. Thì ra, trí nhớ ông tuyệt vời.  Sau nhiều  năm….những kỷ niệm cất dấu dưới ao tù tiềm thức, khi viết như đột ngột vỡ đê, sông nước ào ào vươn mình tuôn ra biển nhớ. Ông nhớ từng chi tiết và kể lại rành mạch. “Tình dục là hơi thở của đời sống”, “ Tôi với không tới trời chân không đạp đất. Lững thững trong tù ngục của dục tình”. 

 

Những ý nghĩ cuốn theo gió ngược chiều

 

Khi ngẫm về cái điên của Kiệt Tấn tôi thường nhớ đến hai câu thơ của Bảo Sinh:

                        Thiên tài với một thằng điên

                        Cách nhau chỉ một đường biên mơ hồ

Nhớ… thế thôi, chứ KT bước xuống đời này không phải như một thiên tài…mà là kẻ rong chơi, yêu đời, yêu người hết mực. Ông đến để cười cợt, dằn vặt, khổ đau, để làm người tình có chân dung mà không chung thủy, để yêu phụ nữ rồi trong lúc hoan lạc ha hả cười nếu nghĩ đến nhân gian đang mưu mô tranh giành quyền lợi, những kẻ giàu óc tưởng….bở, tưởng mọi chuyện sẽ bền vững muôn đời, trăm năm trường trị…nên cả đời chỉ có sinh mà chưa kịp sống, có khi cuối đời còn nhận lãnh kết cục bi thảm.

 Nhưng nhắc lại hai câu thơ để hiểu rằng giữa tỉnh và điên ranh giới rất mong manh. Mọi thứ đi thay trong chớp mắt trong xã hội quay cuồng hôm nay, giờ này đúng, lát nữa đã sai thì làm gì có điên với tỉnh. Mới sáng nay, những giá trị hôm qua đã bị đập phá tan tành…

  Có người nhận xét là càng về sau KT không có một cuộc sống tâm lý bình thường. Áp lực của công việc và nhịp sống hối hả của trời Tây đã làm ông tơi tả. Ông trốn vào tình dục như một lối giải quyết để bước qua tuyệt vọng. Không có đàn bà thì ông không hiện hữu, hay chí ít, sự tồn tại của ông vô nghĩa...

Dí dỏm, hóm hỉnh, tinh nghịch. Ông “dị ứng” với mọi sự nghiêm chỉnh. “Một điều hiển nhiên: bộ mặt đạo đức giả bao giờ cũng phết lên mình một lớp sơn nghiêm chỉnh”.  “Đối với tôi chẳng bao giờ có anh hùng và chẳng bao giờ tôi chiêm ngưỡng anh hùng hết ráo. Toàn là phỉnh gạt và ba xạo. Cái ba xạo chết người ”. Ông chủ trương: “Hãy làm tình cho thiệt là lu bù và chăm chỉ, đừng có âm mưu chính chị chính em gì nữa hết thì bảo đảm thế giới này sẽ hết giặc. Nói thiệt đó! Vì bởi cho dù có còn giặc đi nữa thì thiên hạ cũng đã lâm vào cảnh lỏng gối sụm bà chè.”

Hãy nghe ông nói: “Trong đời sống điều gì cũng quan trọng. Nhưng nghĩ cho cùng chẳng có gì là quan trọng và người ta sinh ra để sống, mọi thứ khác đều là bày đặt. Con vật nào sinh ra cũng để sống. Chẳng phải hỏi mình từ đâu đến. Đến đây để làm gì. Rồi đi về đâu. Đó là những câu hỏi dựng đứng, bày đặt.” Ông không thèm “Quẳng câu hỏi nhớn lên không trung”  vì  “coi chừng nó rớt xuống trúng u đầu!” Ông còn cho rằng: “Thế giới của con người khác với thế giới của con thú ở chỗ thế giới của con người đầy dẫy những hoang tưởng. Và hơn thế nữa, con người lại tự cho đó là “siêu”! Từ chỗ thấp hèn nhứt cho tới chỗ cao cả nhứt, từ chỗ phàm tục nhứt cho tới chỗ thiêng liêng nhứt, con người lúc nào cũng chạy theo những hoang tưởng không dứt.”  “Trí khôn của con người chỉ ở “trình độ khôn vặt”, chỉ nhằm phục vụ cho cá nhân và phe đảng mình. “Cái trí khôn mà người đời gọi lầm là “thông minh”, một mình nó không giải quyết được gì hết. Nó tạo ra vấn đề nhiều hơn là giải quyết. Nó chỉ tạo ra những ngõ cụt”. 

Dĩ nhiên,  ông muốn nói là muốn giải quyết những vấn đề bên cạnh trí thông minh con người cần có thiện tâm, một chiếc la bàn nhân bản.

KT không thích chủ thuyết, xem đó là cội nguồn của mầm loạn nên xem “chính trị không phải là đất của chàng”. Ông viết để giải tỏa những bức xúc, mà cũng có thể xem viết văn là một cách phản kháng. Phản kháng với sự tàn ác và những bất toàn trong đời sống và tại sao không? Phản kháng với thời gian qua nhanh, tuổi già, không còn yêu được nữa… Viết ào ạt, viết mê say, nhưng khi buông bút, ông giật mình ngẫm nghĩ: “Thú vật đâu có ngu như tôi. Đâu có con chó nào làm thơ, đâu có con chim nào đặt nhạc, đâu có con dế nào viết văn. Toàn những thứ bày đặt mà con người rất lấy làm hãnh diện, cũng như hãnh diện về cái tài biến chế, đẻ ra tôn giáo, chính trị, triết lý của mình”.

Những mẫu chuyện khóc, cười, hí lộng, mỉa mai, châm biếm, triết luận của Kiệt Tấn phơi bày ra ngập tràn từng tác phẩm và nỗi lòng ông trải hết trên những trang viết về sự đời, nghĩ lai rai, mà ở đây tôi chỉ trích vài câu, ngẫu nhiên và tình cờ bắt gặp chứ không có tham vọng khắc họa chân dung KT:

- Sở dĩ con người biết nói láo là bởi vì con người có ngôn ngữ.

- Ta thà sống trong vinh quang chứ không thèm chết trong vinh quang.

- Cuộc đời tự nó không có ý nghĩa, cũng không vô nghĩa. Cuộc đời vốn nó như vậy đó. Ý nghĩa là một ý niệm do con người bày đặt ra nhằm thỏa mãn cái đầu óc duy lý của mình. Nói ý nghĩa nhưng chưa chắc ai đã đồng ý với ai về cái ý nghĩa (là phải như thế nào đó) mà mình gán cho một cái gì đó (như đời sống, hành động, cứu cánh, tín ngưỡng...). Cái ý nghĩa vốn nó không tự sẵn có trong Trời Đất. Chẳng hạn như cái chuyện mặt trời chiếu sáng, trái đất quay tròn, âm dương thu hút nhau... vốn nó như vậy đó từ đời kiếp nào, từ khi chưa có con người. Tự nó chẳng có ý nghĩa, nhưng cũng chẳng vô nghĩa. Con người sanh sau đẻ muộn, tự nhiên từ đâu tới bày đặt phê phán là cái này cái nọ có nghĩa / vô nghĩa, rồi lại còn hiu hiu cái kiểu “Ta Đây”.

 

Đôi khi thèm chết nhưng vẫn mê đời.

 

Về Thiền, hãy nghe ông nói :                                                 

 -“ Một cách nào đó, thiền là một cố gắng đi tìm lại cái cõi hồn nhiên vắng bặt ý niệm thuở nguyên sơ của trẻ con và muông thú. Không có hành động nào nguy hiểm và độc ác cho bằng hành động nhân danh. Nó là một thứ dù che cho thủ phạm ẩn núp sau đó để tuyệt đối yên tâm mà làm ác. Đôi khi nó còn nâng thủ phạm lên hàng anh hùng cứu rỗi. Nhân danh thiên đàng người ta dựng lên địa ngục, nhân danh cái sống người ta gieo rắc cái chết, nhân danh bảo vệ nhân loại người ta tàn sát hàng chục triệu sinh mạng, nhân danh thịnh vượng người ta bóc lột kẻ khác, nhân danh tiến bộ người ta đẩy nhân loại tới hoang tàn, nhân danh ấm no của mình người ta bỏ đói muôn triệu người khác, nhân danh tự do người ta cầm tù, nhân danh công lý người ta bẻ cong công lý... Nói sao cho hết!”

- Khi nghe ai nói con người hơn loài vật là bởi biết làm điều thiện, ông ha hả trả lời : “Con vật chỉ biết ăn uống để sống chứ có nghĩ đến việc làm ác bao giờ đâu mà phải làm điều thiện?”

  - Tình dục thường khi bị lên án là vì bởi hành dục tạo ra khoái cảm. Thử tưởng tượng nếu hành dục chỉ cho ta toàn là đau đớn như bị đóng đinh (hoặc đi vào sẽ bị con "chem chép" nó cắn) thì chắc chắn sự hành dục sẽ được ngợi ca và tôn thờ như một hành vi tử vì đạo: "Hành dục là một hành vi can đảm lớn lao và hy sinh cao cả, vì người hành dục đã dám đứng ra lãnh chịu đớn đau ngõ hầu cho nhân loại được trường tồn"!
              
Thi thoảng trong văn KT người ta bắt gặp những câu triết lý. Nhưng nên hiểu đó là một triết lý sống phải vui: Sống vui trong một xã hội nhiễu nhương đầy tai trời ách nước, vươn đầu lên khỏi giòng nước lũ để hòa điệu sống với những cảnh đời khác biệt... Cốt lõi của ông là sống hết mình với đời sống. Nhưng  xin đừng xem ông là một triết gia. Ông sẽ bỏ chạy…và quăng bút  ngay tắp lự. Đời người, chớp mắt chưa đầy trăm năm thì ông nghĩ vướng vít làm gì chuyện triết lý điên đảo, mà bầy đặt đủ mọi dây nhợ buộc nhau? Trong thư cho Lộc, anh trai mình, ông viết: “Em muốn được ngu si mà hưởng thái bình chứ không bao giờ muốn được thông mình tài ba và bất hạnh để sáng tác. Không bao giờ em muốn được cùi như Hàn Mạc Tử để làm thơ xuất thần. Hay cắt lìa một vành tai để  vẽ tranh cuồng loạn như Van Goh.”

Bàng bạc trên nhiều trang viết… KT thường lập lại nỗi ám ảnh rất lớn của đời ông: “Trên đời tôi chỉ sợ bệnh tật và cô đơn.”  Có lẽ tâm lý quá sợ hãi này đã chi phối tâm hồn ông, và nó thể hiện trên cách sống và trên những trang văn. Bởi, sợ hai thứ         “lăng nhăng” này (ai mà không sợ?) thường chỉ có hai chọn lựa : trốn chạy hay tận hưởng cuộc đời.  

 Cách trốn chạy an toàn nhất là lìa bỏ và hình như cũng đã hai lần ông toan chọn lấy cái chết, bất thành. Lý do là tạm thời chàng chưa chịu chết: “Tự tử để chứng minh mình có tự do thì tự do đó quả thật khốn nạn, hẩm hiu và kiêu căng xuẩn ngốc”. (Vì thế nên lần đầu, đã choàng một chưn qua lan can tàu, toan nhảy xuống Đại Tây Dương, nhưng thấy lòng biển lạnh quá, nên thôi./ Lần thứ hai cũng đứng ở tầng thứ 15, đã choàng một chân qua bao lơn, nhưng nhìn xuống thấy cao quá, lỡ chết thiệt thì hỏng!). Vậy là, ở phút cuối chàng thấy mình còn ham vui và mê gái nên…chưa thể tắt hơi.

   Còn hưởng thụ thì đọc trang nào của chàng mà chẳng thấy ngồn ngộn mùi đời.

              

Tự tử, nhưng xin đừng tưởng ông là kẻ chán đời. Đời sống vốn nó như vậy, rất hiển nhiên, không thể chối bỏ thì tiếp tục vật vã để làm gì?  Tôi thì nghĩ rằng, ông đến trong đời sống giống như một bợm rượu ngồi trong bàn nhậu, rượu nhạt, bạn bè ngốc nghếch, đồ ăn thức nhắm tanh hôi,…nên xin kiếu, bỏ cuộc đi gầy độ khác, thế thôi. Đó cũng là một cách yêu nên không muốn nhìn thấy hết mọi sự nhơ nhớp. Và hãy ngẫm xem, một kẻ chán đời có thể nào viết được những trang văn như ông đã viết?

 

Cũng khóc lai rai, cho ... vui  vậy mà!

 

Người đàn ông này luôn chống mọi chủ thuyết, phủ nhận mọi kiến thức vớ vẩn.. có người bảo ông điên. Như vậy thì Kiệt Tấn có điên không? Hình như KT chưa bao giờ phủ nhận và còn đưa ra “bằng cấp” của nhà thương điên để chứng minh.  Nhưng mà. Nếu hiểu ông và nói theo giọng ông thì người đọc (kỹ) phải la lên:  “Mẹ rượt! Nói vậy chơi cho zui chứ điên đâu mà điên! Cha nội này khôn bỏ mẹ! Gạt bỏ hết mọi thứ (nhăng nhít) của đời sống cho thiên hạ, còn mình “chỉ” lấy tinh hoa của cuộc đời, uống trọn, uống cạn, húp cả cặn không chừa một giọt!

Tình yêu và tình dục của ông không phải là tinh túy cuộc sống đó sao?”

Ông khoái cười thì cười, thích khóc thì khóc...cứ tự nhiên như nước chảy hoa trôi, không cần khoác bộ mặt nghiêm trang hay lên gân, làm bộ ta đây là người cứng rắn. Tự nhiên sống thực như mình là, cũng chẳng khoái ru?

Cái quái của KT là  biết đẩy tới đâu và biết dừng ở nơi nào để câu chuyện mình viết không  gây phản cảm.

Viết đến đây, bỗng dưng tôi nhớ đến nhân vật Alexis Zorba  của nhà văn  Hy Lạp     Nikos Kazantzakis mà tạp chí Time đã có lần bình luận: “Với Zorba thì tất cả các nhân vật của văn học hiện đại đều là loại mắc chứng khó tiêu cả”.

 

Có thể trong đời sống, tâm lý KT có những lúc thăng trầm, có khi đang vui ông bỗng hóa ra buồn rồi ồ ồ khóc.  Đó có thể là những vật vã cuả đời ông, của sự nhạy cảm quá bén nên ông dễ đau đớn hơn những người bình thường. Nhưng thật ra  không riêng gì KT, tâm hồn mỗi chúng ta đều là những đứa trẻ, bơ vơ, lạc lõng và yếu đuối. Đứa trẻ ấy luôn muốn được an ủi, vỗ về, kể cả khi chẳng có lý do gì nghiêm trọng, hay buồn. Có lẽ đó là lý do mà sau khi rúc đầu vào các bộ ngực Á, Âu khắp 5 châu 4 biển… cuối cùng KT cũng quay về và dừng lại với người đàn bà nhỏ bé nhưng luôn luôn kề cận ông trong suốt quãng đời dài. Bờ vai của chị Ánh có lẽ là bờ vai êm ái nhất mà ông có thể cảm thấy bình an. Yên tâm nhất.

 

            Yên tâm nhất vì chắc chắn người vợ tuyệt vời kia phải kiên nhẫn và bao dung như thế nào mới có thể chấp nhận để chồng mình chơi cái trò chơi cầm bút vô bổ, tiền nhuận bút không mấy lăm đồng, từ năm này sang năm khác. Phải nói đó là một sự hy sinh.  Một sự cảm thông và chia sẻ trọn vẹn cho sự nghiệp của chồng.

Khi thiếu một bờ vai sẵn sàng cưu mang những gánh nặng áo cơm, tôi tin không có nhà văn Việt Nam nào có thể tiếp tục cầm bút để viết hết tác phẩm này đến tác phẩm khác được.

Có lẽ vì cảm nhận đó nên tôi thường gọi tất cả những bà vợ “quanh năm buôn bán ở mom sông”của những nhà văn nhà thơ đều là đồng-tác-giả, dù họ chưa một lần cầm bút. Nhưng thiếu họ thì tác phẩm không thể ra đời.

 

 Nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ

 

KT là một con người coi nhẹ mọi chuyện, lúc nào cũng dí dỏm cười cợt nhưng không phải là kẻ vô tâm hay vô cảm với đời sống. Ông yêu đời, kịch liệt chống lại cái ác và sống hết mình với bạn bè. Tánh tình hào sảng. Bạn đến nhà, thích gì ông cho nấy. Khen tranh đẹp, lúc về thấy ông tháo ra và để sẵn ở cửa để bạn cầm về. Ai thích cây cảnh, ông hỏi vác nổi không? Cho liền .“Nhằm nhò gì những đồ vật làm cảnh ”

Lòng ông còn tràn đầy tình thương với những số phận thấp bé. Nhất là các bà già.

Những người bạn ông thường kể chuyện chiếc áo khoác cachemire mà vợ ông rất quý. Bà đắn đo mãi mới dám mua. Để dành, không dám mặc. Thế nhưng một hôm bà tìm mà chẳng thấy. Hỏi chồng, ông nói là đã cho bà lão ngồi hằng buổi xin tiền trong gió đông rét buốt ! “Trời ơi, sao vậy?” “Tại anh thấy em ít mặc!

Nhưng đây không phải chuyện hy hữu: Trong truyện ngắn năm nay đào lại nở, ông kể khi nhìn thấy bà lão bán đậu phộng run rẩy vì gió lạnh. Thời đó, ông có một chiếc blouson trắng, bị dính chút mực phía sau. Một hôm ông cầm chiếc áo ra gốc cây me. Nấp. Chờ. Khi thấy bà “Tôi bước tới bỏ cái áo dính mực vào cái rổ của bà, không nói được lời nào.Tôi ngó bà, bắt gặp ánh mắt từ bi bà đang nhìn tôi. Tôi quay lưng bước lẹ... như chạy trốn.” Bạn đọc có cười không? Cái ông này, viết chuyện tình dục hung hăng như con cọp trên giường nệm…thế mà chạy trốn một bà già.

  Đọc đọan văn trên, lạ quá, tôi tủm tỉm cười, rồi, bỗng nghẹn. Nước mắt cứ ứa ra.

  Rồi bỗng nhận ra, cái ông chọc trời khuấy nước này, thực chất  là  một gã Lương Sơn bạc nhưng lại có trái tim mềm nhũn.

Nhạy cảm và…nhát cáy như thế mà trong những trang viết về chiến tranh, ông phản đối bằng những trang văn dữ dội. Ông kể về những người lính như con chốt thí đã lao vào cuộc như những cỗ người máy tự động bấm cò, tự động đâm lưỡi lê để giết nhau, lạnh lùng mà đau đớn khôn cùng.

 

 Ngoảnh lại tha  hồ mây trắng bay

 

Bên cạnh tình yêu, tình dục và những tư tưởng nghĩ lai rai về sự đời,  ở KT người đọc còn tìm thấy một tình yêu quê hương. Quê hương của ông thường xuất hiện qua những bà già cà rem, bà già đậu phộng lép, bà già điên hay bà già nhặt lon trong thành phố…. Những bóng dáng ấy thường gợi lại trong lòng ông những xót xa hay thương nhớ vô vàn. Những bà già đó tượng trưng cho quê hương. Không! Những bà già đó là quê hương.”

 

Những năm tháng còn đang sống  trời Tây, tôi rất đồng cảm cùng ông : “Trời ơi sao tôi cần quê hương đến như vậy!”. Ngày xưa Lưu Thần, Nguyễn Triệu lạc vào cõi tiên mà còn nhớ quê hương quay quắt nên từ bỏ để quay về, huống chi những phàm nhân có tâm hồn nhạy cảm như những kẻ yêu văn! Vâng, những trang viết của ông đầy ắp tình quê hương. Tâm hồn ông là của một con người lưu lạc mà cứ ngoái cổ trông về :

“Quê nhà xa lắc xa lơ đó.

Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay.” [2]

 

Qua những hình ảnh lụ khụ kia, chắc đứa con xa nhà đang nhớ về người mẹ tảo tần nuôi mình khôn lớn. “Cả đời tôi chưa hề nghe tiếng hy sinh từ cửa miệng của bà.”  Thế nhưng dòng đời bắt ông lưu lạc, không cho ông vuốt mắt mẹ lúc lâm chung. Ngay cả ngôi mộ của mẹ sau này ông cũng không biết vì ba ông đã phải bốc dỡ hai lần theo lệnh nhà nước. Rồi ba ông cũng mất khi ông còn trôi dạt ở trời Tây. Ông nhắc một chi tiết nhỏ nhưng khi đọc tôi rất xúc động: “Má tôi không đọc được kinh Phật thành thử phải học thuộc lòng để trả bài khi niệm kinh dưới Phật đài. Chưa chắc má tôi hiểu mình nói gì. Nhưng Phật hiểu.” 

 

  Từ những đối tượng cụ thể, tình yêu của Kiệt Tấn mở rộng, mênh mông, nhìn đời trong trẻo, thiết tha vô hạn. Nhớ quê, nhưng đến giờ vẫn còn lay lắt ở nước ngoài. Nếu chú trọng phần hồn thì sự sung túc, an toàn của phần xác ở nước ngoài chỉ là tồn tại. Cuộc sống nhàm chán. Những bận bịu tít mù thời tuổi trẻ thực ra chỉ là những ràng buộc. Thái độ và hành động của chúng ta phần lớn là phản ứng với cuộc sống. Chứ không phải sống. Đọc ông, biết ông tôi thấy mình có chút may mắn: sau 40 năm cuống rún xa lìa, tôi được quay về; dù chuyến về không mấy dễ dàng và có nhiều hệ lụy...

Bạn bè thấy tôi “từ quan”, bỏ công việc trưởng phòng nghiên cứu phát triển dược thú y của một tập đoàn lớn ở Italia,  để về sống đạm bạc ở VN, có người đã bảo tôi điên. Nhưng biết thế nào là đúng hay sai ở kiếp người này? Giữa sa mạc, bình nước hay túi bạc cái nào quan trọng? Phần mình, tôi chỉ nghĩ, là đến một lúc nào đó, cần phải biết phân biệt được cái nào chính, cái nào phụ, cái tạm bợ và cái lâu dài, cái thực sự cần thiết và cái hào nhoáng tầm thường. Gạt bỏ những phiền toái, đến lúc nhắm mắt lòng mình sẽ nhẹ nhàng hơn. Bóc từng lớp, như lột vỏ hành, mấy thứ lăng nhăng sẽ mất dần và còn lại cốt lõi. Lúc đó, được sống vì những điều mình cần, được làm điều mình thích, không còn phải mù mờ bước theo lối mòn của một thời trẻ tuổi…thì chẳng phải thoát ra khỏi tấm lưới mà cuộc đời đã bắt mình đan rồi đưa chân vào đó hay sao? 

 Mắc mớ gì mà không điên !

 

Trong truyện ngắn Em điên xõa tóc Kiệt Tấn có tâm sự về chuyện viết lách của mình: “Tôi không viết để chứng minh.Tôi viết khi cảm thấy có nhu cầu. Nếu không viết mà vẫn sống hạnh phúc,tôi sẽ không bao giờ viết vì tôi đang ở trong trạng thái quân bình”.

 Vậy nhu cầu của Kiệt tấn là gì? là để vùng thoát khỏi nỗi cô đơn, là cách tìm hạnh phúc, dù chỉ nhất thời và giải tỏa những ẩn ức tâm lý. Ông viết, chính là cho mình và viết cho những kẻ tri âm nên viết về cái gì cũng thành thật vô tội vạ. Vì ông viết để giải tỏa…chứ không phải để ngẫm ngợi về văn chương, giao cho văn chương cái sứ mệnh bất khả thi là thực hiện giấc mộng đem con người lại gần nhau và tử tế với nhau hơn. Ông khuyên mọi người “cứ yêu nhau đi”, ai không nghe thì…kệ. Ông cứ viết về tình dục và tình yêu… tự nhiên như hơi thở… như hun hít, vuốt ve, “làm tình mê tơi và quằn quại” vì “ tôi là một vệ tinh vô danh tiểu tốt quay chung quanh ngực và mông nàng… quay điên cuồng và hạnh phúc”. Và những trang viết thật nhiều kia chứng minh cho một sự mất thăng bằng tâm lý dằng dặc, kéo dài…        

Vậy là điên ư? Điên mà biết mình điêncó bằng cấp thì thực ra chẳng phải điên đâu. Nhưng nếu không phải điên thì là gì?

 

Tự mình…chớ trách trời xa đất gần

 

Hôm gặp nhau ở buổi ra mắt Quán Văn nhà văn Nguyên Cẩn có nói một câu làm tôi giật nẩy mình: “Viết là phơi bày cái ngu của mình!”. Á, té ra những “thằng” cầm bút đều là những thằng ngu:  Là những người xun xoe lựa chọn kiếp làm dâu trăm họ. Tự nguyện và hoàn toàn dấn thân vào con đường văn chương đầy khổ ải.

Thế đúng là…Ngu quá! Khi người người vui chơi, hưởng thụ, ăn nhậu, la cà bia ôm, xoa bóp thì mình ngồi cô đơn hì hục cày trên cánh đồng chữ nghĩa. Oằn vai. Lo lắng chọn từng câu chữ, vật lộn với từng dấu chấm, phảy. Lao tâm, khổ trí, nhọc xác mà viết ra đã có mấy người đọc. Sách bán chẳng ai mua. Tiền thì không, mà danh cũng chẳng. Có khi bị người đời ném đá, chửi bới, chê bai, thậm chí có lúc còn bị nghi ngờ hay tù đày bắt bớ.

            Ai bảo dấn thân vào bút mực

             Suốt đời mang cái kiếp long đong

Người ta đi kiếm giàu sang cả

Mình chỉ mơ toàn chuyện viển vông[3] 

Nhiều bạn văn còn nói rằng viết là một nghề nguy hiểm, vì không thể nào biết người đọc là ai, ở đâu, làm gì, thực ra những bạn đọc vô danh ở khắp mọi nơi, trình độ và khiếu thẩm mỹ của họ biến ảo khôn lường cho nên cách đánh giá của họ là thiên hình vạn trạng. Có khi họ chẳng (thèm) nói gì, nói khéo để ta khỏi buồn hay có khi chỉ là một nhếch môi cười bí hiểm. 

Viết là cái nghiệp. Là chuốc họa vào thân. Là sự chọn lựa khắc khoải, cô đơn…vì khi sáng tác nhiều lúc phải hóa thân vào nhân vật, khóc cười, trăn trở, quằn quại cùng con chữ... Mà ngẫm cho cùng,  người viết nào không ngu ngu và điên điên?

Vật vã là thế nhưng dù nghèo khổ, thiếu thốn đến đâu cũng chưa thấy ai bỏ viết. Có lẽ chính trong sự “cô-đơn-sáng-tạo” đó họ đã tìm thấy chính mình. Đã được sống thực với bản ngã của mình. Có khi họ còn là thượng-đế-dưới-trần-gian, có thể thay đổi số phận hẩm hiu và bi tráng của mình hay của các nhân vật, ít ra là trên trang giấy.

Những trang viết đã giúp họ lướt qua những ngày thống khổ của kiếp người!  Những trang văn, câu thơ là chiếc phao giữa dòng đời trôi nổi, là câu kinh cứu rỗi tâm hồn bị làm u ám. Viết ra, lòng sẽ nhẹ nhàng hơn, vượt thoát cái hiện thực tù túng xung quanh. Viết ra để chiêm nghiệm, để ước mơ, bay bổng, hoặc đơn giản chỉ để quên những điều cần quên, nhớ những điều đáng nhớ.

 Riêng với KT viết là giải tỏa những ẩn ức, nâng ông lên bằng niềm hy vọng, vực ông dậy bằng những cơn hồi tưởng, làm dịu nỗi đau bằng những kỷ niệm ái tình ngày cũ. Để tiếp tục sống. Và để…yêu. Bằng hành động và con chữ tung hoành trên trang giấy. Bằng một ngòi bút phong phú, ông làm cho người đọc “cùng sống lại” với mình, tất cả niềm vui và nỗi buồn mà ông đã trải nghiệm trên cõi nhân gian, khiến người đọc cẩn thận có lúc phát…thèm. Có lẽ vì thế nên nhà văn Nguyên Minh đã phải thốt lên: “Tôi muốn…điên như Kiệt Tấn.”

  Và ngay cả bây giờ, khi mái tóc đã bạc màu và thời gian chất chồng lên vai, bút lực của KT vẫn còn ngồn ngộn những da thịt nẩy bật lên trong những trận búng mình đầy đam mê và âu yếm. Tuổi tác dường như chưa đủ sức làm ông “nguôi” niềm say sưa hoan lạc mà trần thế còn dâng tặng, nếu… lực bất tòng tâm thì ông quay về hồi ức, tô son điểm phấn những cuộc phiêu lưu tình ái trong quá khứ.

Cuộc chơi của ông vẫn còn dài và may thay, Kiệt Tấn vẫn còn dư sức để tủm tỉm cười cùng mọi hỉ nộ ái ố vẫn đang tiếp tục diễn bên tấn tuồng đời.

 Chúc mừng ông!

Và nghĩ cho cùng, trong thời buổi nhiễu nhương này, điên hay ngu gì thì cũng phải nén những niềm đau để ký gửi tâm sự vào chữ nghĩa...

 Vì, hình như chẳng có cách nào tốt hơn là nhắm mắt trú vào văn chương… và bịt mũi mà sống./.

 

   Sài Gòn  7-2014- TVD

 

( Bài đã đăng trên Tập san nghiên cứu & sáng tác vhnt  Quán Văn số 29 - tháng 4 -2015. Đây là bản đầy đủ )

[1]  Quán Văn, số 16, tháng 9/2013;

    http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=4360%3Acuc-hi-ng-ca-nhng-trai-tim&catid=45%3Asangtac&Itemid=101&lang=en

[2] Hành Phương Nam, Nguyễn Bính

[3] Thơ Nguyễn Bính

Thông tin truy cập

63673137
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
16855
17595
63673137

Thành viên trực tuyến

Đang có 430 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website