Mấy đặc điểm chủ nghĩa hiện đại và việc nghiên cứu chủ nghĩa hiện đại ở Việt Nam

(ThS. Kiều Thanh Uyên, Bình luận văn học - niên san 2015, tr.165-174)

Tóm tắt

Chủ nghĩa hiện đại trong văn học Việt Nam có thể xem xét trên các phương diện: thời gian, không gian và tư tưởng. Xét về phương diện thời gian, chủ nghĩa hiện đại xuất hiện vào thời điểm vừa có sự thuận lợi và khó khăn cho sự hình thành và hoàn chỉnh diện mạo. Xét về phương diện không gian, chủ nghĩa hiện đại xuất hiện trong bối cảnh sôi động của các trào lưu, trường phái khác nhau của thời hiện đại. Xét về phương diện tư tưởng, chủ nghĩa hiện đại mang tinh thần đổi mới mạnh mẽ. Tuy nhiên, do những điều kiện khách quan, chủ nghĩa hiện đại trong văn học Việt Nam không phát triển thành một trào lưu, mà chỉ hiện diện rải rác, đơn lẻ trong sáng tác của một số nhà văn, nhà thơ.

Từ khóa: thời hiện đại, chủ nghĩa hiện đại, văn học Việt Nam…

***

1. Có hai thuật ngữ gắn liền với Chủ nghĩa Hiện đại cần được giải nghĩa một cách rõ ràng và cụ thể để xác định được Chủ nghĩa Hiện đại, đó là khái niệm ‘hiện đại’ và ‘thời hiện đại’. Hiện đại (Modern) trong tiếng La tinh ‘modo’ có nghĩa là ‘chỉ hiện tại’ (just now)(1). Các nhà xã hội học, khoa học chính trị, nhân chủng học và lịch sử cho rằng, ‘hiện đại’ như sự phá vỡ ban đầu những nền móng của thời trung cổ và mở ra những viễn cảnh mới. Theo nhà nghiên cứu Trần Quang Thái, “thuật ngữ ‘hiện đại’ thường dùng để mô tả một giai đoạn hay khoảng thời gian trong hàm ý so sánh với một thời điểm quá khứ. Với sự khai sinh của thời đại Khai sáng, ý nghĩa thời gian trong khái niệm ‘hiện đại’ được gán thêm một ý nghĩa mới, đó là tính chất cao hơn trong sự so sánh các giai đoạn lịch sử nhân loại. Trong sự liên hệ với triết học, tôn giáo, đạo đức, mỹ học, khái niệm ‘hiện đại’ còn có nghĩa là tiến bộ hơn, tốt đẹp hơn, tinh tế hơn, đúng đắn hơn” [16, tr.48].

Thời hiện đại (Modernity) chỉ tình trạng phát triển xã hội loài người trong một khoảng thời gian tùy thuộc vào bối cảnh của mỗi quốc gia, khu vực. Ở phương Tây, thời hiện đại là bối cảnh lịch sử phát triển, bao gồm cuộc cách mạng công nghiệp, chinh phục và mở rộng kinh tế và chính trị, sự chuyển tiếp sang văn hóa đô thị, sự nổi lên những lãnh thổ quốc gia mới và quyền lực phát triển của giai cấp tư sản. Theo phân kỳ lịch sử ở phương Tây, thời hiện đại bắt đầu từ thế kỷ XVIII cho đến nửa cuối thế kỷ XX. Cụ thể là bắt đầu từ cuộc Cách mạng tư sản Pháp năm 1789 và kết thúc năm 1989 – khi chiến tranh lạnh chấm dứt với sự sụp đổ bức tường Berlin. Nhiều nhà sử học còn cho rằng, thời hiện đại bắt đầu với dấu mốc thời đại Khai sáng. Đối với Việt Nam, phân kỳ lịch sử thời hiện đại lấy dấu mốc năm 1930 – năm thành lập đảng Cộng sản Đông Dương. Tuy nhiên, trong phân kỳ văn học Việt Nam, văn học hiện đại bắt đầu từ đầu thế kỷ XX cho đến năm 1975.

Trong bài mở đầu cuốn The Modernism handbook(2) Phillip Tew và Alex Murray khẳng định rằng, “Thời hiện đại là tên gọi thường được đưa ra để đánh dấu giai đoạn này trong lịch sử loài người, thời điểm mà loài người có thể từ chối những hình thức khác của kiểm soát và khẳng định sự tự quyết” [13, tr.12]. Nói rõ hơn là gắn liền với tư duy duy lý của triết học Descartes: Tôi tư duy nghĩa là tôi tồn tại. Thời hiện đại ở phương Tây xuất hiện nhiều trào lưu tư tưởng triết học, nghệ thuật theo trình tự thời gian, bao gồm: Chủ nghĩa Cổ điển (cùng thời điểm với thời đại Khai sáng, từ thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XIX), Chủ nghĩa Lãng mạn (từ cuối thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XIX), Chủ nghĩa Hiện thực (thế kỷ XIX), Chủ nghĩa Tự nhiên (nửa sau thế kỷ XIX) và Chủ nghĩa Hiện đại (từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX).

Chủ nghĩa Hiện đại (Modernism) là sản phẩm của những nỗ lực đổi mới tư duy duy lý vào giai đoạn hậu kỳ của thời hiện đại ở châu Âu. Chủ nghĩa Hiện đại bao gồm những trào lưu hợp nhất bắt rễ từ những đối nghịch của thời hiện đại và là một phần của diễn ngôn thời đại Khai sáng dưới hình thức đối thoại với tư duy duy lý. Nhà nghiên cứu Trương Đăng Dung trong bài nghiên cứu Khoa văn học hiện đại, hậu hiện đại cho rằng, Chủ nghĩa Hiện đại vừa tạo ra một hình thức độc đoán, mẫu mực (ngoại trừ Chủ nghĩa Đa đa và Chủ nghĩa Siêu thực), đồng thời, các nhà hiện đại cố gắng bảo vệ mình trước nhận thức về sự hỗn loạn vũ trụ, liên quan đến tính dễ phá vỡ của tâm điểm. Vì vậy, Chủ nghĩa Hiện đại chỉ công kích sự khủng hoảng của xã hội đương thời chứ không chối bỏ hiện thực bản thể của loài người. Những đặc điểm nổi bật của Chủ nghĩa Hiện đại gắn với bối cảnh phương Tây sẽ được nói rõ hơn ở phần sau.

2. Dựa trên cơ sở những phân tích về khái niệm ‘hiện đại’, ‘thời hiện đại’ và theo phân kỳ lịch sử thì thời hiện đại gắn liền với sự ra đời của Chủ nghĩa Hiện đại. Theo đó, bối cảnh xuất hiện của Chủ nghĩa Hiện đại(3) được phác thảo qua ba phương diện chính: xã hội, kinh tế, chính trị; khoa học kỹ thuật và văn hóa nghệ thuật.

Về phương diện xã hội, kinh tế và chính trị, Chiến tranh thế giới lần thứ nhất gây nhiều tổn thất ở phương Tây về cả tài chính, vật chất, đặc biệt là nỗi đau tinh thần (sự mất mát, thất lạc người thân, sự tàn phá những vùng quê, làng mạc). Chẳng hạn như nước Anh – trung tâm của châu Âu – tiêu tốn 50% lợi tức quốc gia vào cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Đến năm 1920, nền kinh tế của Anh suy yếu và phải vay mượn của Mỹ, đặc biệt, sự sụp đổ của phố Wall vào tháng 10/1929. Theo đó, Mỹ và Nhật trở thành hai thị trường mới nổi của thế giới. Hơn nữa, hậu quả Chiến tranh thế giới lần thứ nhất còn là nguyên nhân dẫn đến cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Bên cạnh đó, nhiều phát minh kỹ thuật và học thuyết khoa học đã ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc đến tư tưởng thế kỷ XX. Trong đó có ba học thuyết mang tính bước ngoặt: Học thuyết Sự lựa chọn tự nhiên của Charles Darwin (1859), Học thuyết Phân tâm học của Sigmund Freud (1890), Định luật Tương đối của Albert Einstein (1905). Về kỹ thuật, năm 1970, Alexander Graham Bell phát minh ra chiếc điện thoại đầu tiên, Henry Ford sản xuất xe hơi hàng loạt lần đầu tiên vào năm 1913 và nhiều phát minh tuyệt vời khác. Sự phát triển của kỹ thuật giúp con người hiểu biết về bản chất và năng lực bản thân, mối quan hệ giữa con người và khả năng chuyển đổi vị trí tức thì của con người. Có thể nói, thế giới trở nên phẳng nhờ các phát minh khoa học kỹ thuật.

Về phương diện văn hóa nghệ thuật, từ những năm 1880 đến Chiến tranh thế giới lần thứ hai, thế giới bị ảnh hưởng bởi văn hóa Mỹ và châu Âu. Về xuất bản, sự liên kết giữa thương mại và văn hóa đem đến nền văn hóa đại chúng. Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ lại lo ngại về việc xuống cấp của văn hóa. Việc xuất bản ồ ạt hướng đến người đọc có học vấn thấp và mang tính giải trí đã hình thành thuật ngữ ‘bestsellers’ (bán chạy nhất) lần đầu tiên vào năm 1890. Đồng thời, nhiều hình thức mới của giải trí sản xuất thông qua những phát triển kỹ thuật: máy hát, rạp chiếu phim và đài phát thanh. Và, diễn viên hài Charlie Chaplin và một số diễn viên khác hình thành thuật ngữ ‘celebrity’ (người nổi tiếng) vào năm 1914.

Sức tàn phá của hai cuộc chiến tranh lớn và sự phát triển của khoa học kỹ thuật ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày của con người. Cho nên, hệ thống niềm tin, thế giới quan, nhân sinh quan cũng bị lung lay đến tận gốc rễ. Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của Chủ nghĩa Hiện đại có thể được xem như một cách kháng cự lại những diễn ngôn của tư duy duy lý.

3. Ở Việt Nam có khá nhiều công trình khoa học, dịch thuật giới thiệu chi tiết, cụ thể về Chủ nghĩa Hiện đại với tư cách là một trào lưu tư tưởng, triết học và văn học nghệ thuật. Công trình Một số học thuyết triết học phương Tây hiện đại của Nguyễn Hào Hải là một trong số những công trình nghiên cứu tương đối toàn diện về trào lưu Chủ nghĩa Hiện đại. Trong cuốn Chủ nghĩa hiện đại trong văn học nghệ thuật, Nguyễn Văn Dân khái quát toàn cảnh về quá trình hình thành, bản chất và đặc trưng của Chủ nghĩa Hiện đại, đồng thời khảo sát ảnh hưởng đối với văn hóa nghệ thuật Việt Nam qua các lĩnh vực kiến trúc, nghệ thuật tạo hình và văn học. Riêng về văn học, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân có bài viết Một số vấn đề xung quanh phạm trù chủ nghĩa hiện đại đã phân tích những đặc điểm cũng như biểu hiện của Chủ nghĩa Hiện đại trong văn học. Ngoài ra, nhà nghiên cứu Phương Lựu trong Lý luận văn học còn giới thiệu từng trường phái khuynh hướng thuộc trào lưu Chủ nghĩa Hiện đại. Những công trình nghiên cứu kể trên đã cung cấp kiến thức, tài liệu và gợi mở nhiều hướng nghiên cứu về Chủ nghĩa Hiện đại.

Bài nghiên cứu này mong muốn góp tiếng nói để đi đến thống nhất vấn đề hiện vẫn còn nhiều tranh luận, đó là các trường phái, khuynh hướng thuộc trào lưu Chủ nghĩa Hiện đại. Theo Lại Nguyên Ân trong Từ điển Văn học (bộ mới), Chủ nghĩa Hiện đại bao gồm toàn bộ những khuynh hướng, trường phái văn học, nghệ thuật không tiếp tục truyền thống của Chủ nghĩa Hiện thực thế kỷ XIX, bao gồm: Chủ nghĩa Biểu hiện (Expressionism), Chủ nghĩa Lập thể (Cubism), Chủ nghĩa Vị lai (Futurism), Chủ nghĩa Hòa đồng (Unanimismee), Chủ nghĩa Hình tượng (Imagism), Chủ nghĩa Siêu thực (Surrealism), Chủ nghĩa Trừu tượng (Abstractionism). Nguyễn Văn Dân trong công trình Chủ nghĩa hiện đại trong văn học nghệ thuật lại cho rằng, Chủ nghĩa Hiện đại là khái niệm chỉ một loạt những trào lưu nghệ thuật khác nhau, cụ thể: Chủ nghĩa Ấn tượng (Impressionism), Chủ nghĩa Tượng trưng (Symbolism), Chủ nghĩa Đa đa (Dadaism), Chủ nghĩa Hiện sinh (Existentialism), Chủ nghĩa Biểu hiện, Chủ nghĩa Siêu thực, Chủ nghĩa Lập thể, Chủ nghĩa Trừu tượng. Theo nhà nghiên cứu Phương Lựu trong cuốn Lý luận văn học thì Chủ nghĩa Hiện đại chỉ bao gồm Chủ nghĩa Tượng trưng, Chủ nghĩa Vị lai, Chủ nghĩa Đa đa, Chủ nghĩa Siêu thực, Chủ nghĩa Trừu tượng, Chủ nghĩa Hiện sinh. Cho nên, ở đây, vấn đề không dừng lại ở việc xác định trường phái, khuynh hướng nào thuộc Chủ nghĩa Hiện đại mà còn là xác định vị trí của Chủ nghĩa Ấn tượng. Trên cơ sở xác định thời điểm xuất hiện (mang tính chất tương đối) và đặc điểm, biểu hiện của các trường phái, khuynh hướng, chúng tôi cho rằng, Chủ nghĩa Ấn tượng xuất hiện ở Pháp vào cuối thế kỷ XIX với bức tranh Ấn tượng mặt trời mọc (Impression, soleil levant) của Claude Monet – bước đầu phá vỡ những quy tắc xơ cứng của Chủ nghĩa Hiện thực và Chủ nghĩa Tự nhiên – đã đóng vai trò mở đầu cho Chủ nghĩa Hiện đại. Đến năm 1910, Chủ nghĩa Hậu Ấn tượng (Post-Impressionism) xuất hiện qua một buổi triển lãm ở Anh của các nghệ sĩ Picasso, Gauguin, Van Gogh, Matisse và Cézanne đã tạo nên một sự khuấy động lớn trong công chúng yêu hội họa. Có thể nói, những trường phái, khuynh hướng xuất hiện từ cuối thế kỷ XIX cho đến giữa thế kỷ XX, đồng thời mang tinh thần cơ bản đều thuộc trào lưu Chủ nghĩa Hiện đại, bao gồm các khuynh hướng chính sau: Chủ nghĩa Ấn tượng, Chủ nghĩa Tượng trưng, Chủ nghĩa Biểu hiện, Chủ nghĩa Vị lai, Chủ nghĩa Đa đa, Chủ nghĩa Siêu thực, Chủ nghĩa Lập thể, Chủ nghĩa Trừu lượng, Chủ nghĩa Hiện sinh và các trường phái khác. Và mỗi trường phái, khuynh hướng của trào lưu Chủ nghĩa Hiện đại ra đời trong một hoàn cảnh riêng và có những đóng góp nhất định cũng như cùng tồn tại chứ không phải là sự thay thế.

Theo những phân tích và tổng hợp ở trên về phân kỳ lịch sử thời hiện đại, thời điểm và bối cảnh xuất hiện của các trào lưu tư tưởng ở phương Tây thì Chủ nghĩa Hiện đại mang những đặc điểm chủ yếu như sau.

Thứ nhất, tinh thần cơ bản của Chủ nghĩa Hiện đại là ‘Make it new’(4) (Làm mới nó). Trong nghiên cứu về ý nghĩa của khái niệm hiện đại, thời hiện đại, Chủ nghĩa Hiện đại, Susan Stanford Friedman cũng cho rằng, “Chủ nghĩa hiện đại là cuộc nổi loạn. Chủ nghĩa hiện đại là ‘Làm mới nó’. Chủ nghĩa hiện đại là sự kháng cự, gián đoạn. Đến những bậc tiền bối của nó. Đến những sinh viên của nó. Chủ nghĩa hiện đại là thuốc giải chất độc của truyền thống, trách nhiệm”(5) [15, tr.493]. Thời điểm Chủ nghĩa Hiện đại xuất hiện gần như đồng thời với tư duy duy lý của thời đại Khai sáng mất đi chỗ đứng, hệ thống niềm tin, thế giới quan ở trạng thái bão hòa. Cho nên, Chủ nghĩa Hiện đại xuất hiện như một nhu cầu thay đổi, cách tân, đổi mới tự thân nhưng vẫn nằm trong sự chi phối của chuẩn mực.

Thứ hai, Chủ nghĩa Hiện đại phương Tây xuất hiện vào cuối thời kỳ hiện đại theo phân kỳ lịch sử, tức là thời đại của tư duy duy lý. Đồng thời, đó cũng là thời điểm của hai cuộc đại chiến, sự đổ vỡ của trung tâm châu Âu, những học thuyết khoa học chứng minh có những hiện tượng bất định nằm ngoài sự kiểm soát của lý trí, sự xuống cấp của những hệ thống niềm tin, tư tưởng, sự khẳng định nữ quyền,... Vì vậy, Chủ nghĩa Hiện đại vẫn nằm trong từ trường của nền tảng tư duy duy lý của thời hiện đại nhưng lại có khuynh hướng chống cự, phá vỡ tính chất duy lý. Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho rằng, “Lập trường xã hội – văn hóa của chủ nghĩa hiện đại được mô tả như sự nổi loạn độc đáo, một mặt chống lại các quá trình và xu hướng ‘tan rã về mặt cơ cấu’ của xã hội tư sản, mặt khác chống lại những hiện tượng được coi là tiêu biểu cho văn hóa nghệ thuật giai đoạn ‘tột cùng’ của chủ nghĩa tư bản (sự mô phỏng học đòi các hình thức và phong cách được khám phá bởi chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lãng mạn nhưng đã bị quy phạm hóa; lối sao chụp thụ động thực tại của chủ nghĩa tự nhiên,...)” [3, tr.276].

Thứ ba, Chủ nghĩa Hiện đại được xem là sự phản hồi những diễn ngôn duy lý và lý trí nhưng vẫn nằm trong chuẩn mực của thời hiện đại. Song, về mặt tư tưởng triết học, nghệ thuật nói riêng, Chủ nghĩa Hiện đại dựa trên cơ sở thế giới quan mới: Triết học Ý chí luận của Friedrich Nietzsche, Arthur Schopenhauer, Phép biện chứng Karl Marx, Thuyết trực giác của Henri Bergson, Hiện tượng học của Edmund Husserl, Triết học hiện sinh của Martin Heidegger, Jean Paul Sartre, Albert Camus. Trong lời giới thiệu cho cuốn Modernism năm 1976, Malcolm Bradbury và James McFarlane đã viết, “Chủ nghĩa hiện đại là một nghệ thuật phản hồi lại tình trạng bối cảnh lịch sử hỗn loạn của chúng ta. Nó là kết quả nghệ thuật về “nguyên tắc không chắc chắn” của Heisenberg, của sự phá hủy nền văn minh và lý do trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, của thế giới thay đổi và tái gián đoạn bởi Marx, Freud và Darwin, chủ nghĩa tư bản và sự tăng tốc nhịp độ công nghiệp, của bộc lộ hiện sinh với sự vô nghĩa và sự phi lý”(6) [15, tr.474].

Thứ tư, đồng thời, những tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật xâm chiếm vào nghệ thuật tạo nên nền văn hóa đại chúng và những hình thức nghệ thuật mới. Tuy nhiên, Chủ nghĩa Hiện đại trong văn học nghệ thuật lại hướng đến nghệ thuật cao cấp. Văn học nghệ thuật Hiện đại chủ nghĩa sử dụng những kỹ thuật của những hình thức nghệ thuật mới như: hình ảnh, tạo hình, bố cục của kiến trúc, nhiếp ảnh, điêu khắc; kỹ thuật cắt dán, kỹ thuật lắp dựng của điện ảnh,... Theo Trần Quang Thái, “Chủ nghĩa hiện đại khẳng định rằng tiến bộ của tính hợp lý và kỹ thuật không chỉ mang lại những hệ quả là thủ tiêu các tín ngưỡng, tập quán và đặc quyền do quá khứ để lại, mà nó còn tạo ra những nội dung văn bản mới” [15, tr.55].

Chủ nghĩa Hiện đại gắn liền với chuẩn mực của thời đại tư duy duy lý, đồng thời có phong cách nghệ thuật cao như sự phản ứng với bối cảnh xã hội hỗn loạn cũng như sự xuống cấp của văn học, nghệ thuật. Nhà nghiên cứu Lê Huy Bắc cho rằng, “Mặc dù các nhà hiện đại nhận thức được sự hỗn độn qua những biến chuyển lớn lao và nhanh chóng của thời đại, nhưng họ vẫn cố níu giữ truyền thống, tập tục cao đẹp” [4, tr.91]. Chủ nghĩa Hiện đại phủ nhận tư duy duy lý nhưng lại tiếp nối, khôi phục những truyền thống chứ không phủ nhận hoàn toàn như Chủ nghĩa Hậu hiện đại. Chủ nghĩa Hiện đại gần như là bước chuẩn bị của Chủ nghĩa Hậu hiện đại.

4. Đặt Chủ nghĩa Hiện đại vào bối cảnh văn học hiện đại Việt Nam để thấy rõ hơn những thuận lợi cũng như khó khăn trong việc hình thành và hoàn chỉnh diện mạo của trào lưu này. Về cơ bản, cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Việt Nam là một nước thuộc địa của thực dân Pháp. Mặc dù, không ảnh hưởng trực tiếp của hai cuộc Đại chiến thế giới nhưng cũng gánh chịu nhiều hậu quả: số lượng lớn nam thanh niên bị bắt sang châu Âu phục vụ quân đội Đồng minh, hơn nữa, Việt Nam cùng Lào và Campuchia cung cấp nguồn nguyên liệu thô và thị trường tiêu thụ sản phẩm của châu Âu trong suốt hai cuộc đại chiến thế giới. Cùng với đó, xã hội Việt Nam xuất hiện nhiều giai cấp, tầng lớp xã hội cùng nhiều mâu thuẫn trong sự hỗn loạn và bế tắc của chế độ thực dân nửa phong kiến.

Về mặt văn hóa, đến cuối thế kỷ XIX, chữ quốc ngữ ghi âm bằng ký tự La tinh được đưa vào sử dụng làm ngôn ngữ hành chính (vào ngày 01/01/1882) là bước ngoặt lớn đối với xã hội Việt Nam. Chữ quốc ngữ đóng vai trò mấu chốt trong việc hiện đại hóa văn học ở cả lực lượng sáng tác lẫn mở rộng tầng lớp người đọc. Đặc biệt là trong bối cảnh văn học Việt Nam đang bước vào cuộc tiếp xúc lần thứ hai – tiếp xúc với văn hóa phương Tây. Tầng lớp trí thức Nho học và Tây học đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh hiện đại hóa văn học. Đó là lực lượng chính tiếp nhận và áp dụng những lý thuyết, trào lưu tư tưởng mới của phương Tây vào Việt Nam. Đồng thời, tòa soạn báo và nhà xuất bản, nhà in xuất hiện hàng loạt, vừa thúc đẩy sức sáng tạo của người nghệ sĩ, vừa mở rộng tầng lớp người đọc.

Với những tác động bên ngoài như: tiếp xúc văn hóa phương Tây, chữ quốc ngữ và sức mạnh nội lực, văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX đã có những bước chuyển mình ở nhiều phương diện. Nó vừa cải biến cái cũ như các thể thơ, các thể loại văn xuôi (truyền kỳ, hịch, cáo); vừa du nhập cái mới về ngôn ngữ, thể loại và đề tài; vừa hình thành thị trường văn học với mối quan hệ tác giả, nhà in, nhà xuất bản, tòa soạn và người đọc, hình thành ý thức cá nhân mạnh mẽ trong sáng tác văn chương, tạo ra làn sóng tranh luận nghệ thuật. Đồng thời, trong một thời gian ngắn, văn học Việt Nam đã chịu ảnh hưởng và tiếp nhận nhiều trào lưu, trường phái, khuynh hướng sáng tác của văn học phương Tây. Vì vậy, văn học Việt Nam giai đoạn này là những năm sôi động cả về lực lượng sáng tác, trào lưu, khuynh hướng sáng tác, số lượng tác phẩm cũng như tầng lớp tiếp nhận. Từ Chủ nghĩa Lãng mạn của thế kỷ XVIII đến Chủ nghĩa Hiện thực của thế kỷ XIX, hay Chủ nghĩa Tự nhiên cuối thế kỷ XIX và những trào lưu, khuynh hướng thời thượng của Chủ nghĩa Hiện đại của thế kỷ XX đều hiện diện trong đời sống văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX. Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn trong bài nghiên cứu Tìm nghĩa khái niệm hiện đại cho rằng, “Sự thực là trong quá trình vận động của mình, văn học Việt Nam vừa diễn lại nhiều bước đi của các thế kỷ trước, vừa đồng thời kín đáo tiếp nhận những vang vọng của châu Âu thế kỷ XX. Rất tự nhiên là ngay từ cuối những năm 30 ở nhiều người viết văn Việt Nam đã ngấm ngầm hình thành một khao khát chân chính phải thay cách viết cho hợp với không khí thời đại” [12, tr.20].

5. Chủ nghĩa Hiện đại được đặt trong hai không gian: phương Tây và Việt Nam thì sự khác nhau về bối cảnh lịch sử, xã hội là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, thao tác đối sánh giữa hai không gian cũng cần thiết để thấy rõ được những khác biệt đó có tác động trực tiếp như thế nào đến quá trình hình thành diện mạo của Chủ nghĩa Hiện đại ở Việt Nam.

Theo cứ liệu được tổng hợp và phân tích về phân kỳ lịch sử và thời gian xuất hiện các trào lưu tư tưởng, Chủ nghĩa Hiện đại xuất hiện ở phương Tây vào cuối thời hiện đại và ở Việt Nam vào thời điểm mở đầu thời hiện đại. Nghĩa là, ở phương Tây, Chủ nghĩa Hiện đại xuất hiện vào thời điểm mà thời hiện đại đi đến giai đoạn hậu kỳ. Còn ở Việt Nam, Chủ nghĩa Hiện đại lại xuất hiện vào thời điểm xã hội Việt Nam mới chập chững những bước đầu hiện đại hóa thoát khỏi sự hỗn loạn, bế tắc của xã hội thực dân nửa phong kiến. Đồng thời, theo như phân kỳ lịch sử văn học Việt Nam và thời điểm xuất hiện các trào lưu, trường phái, Chủ nghĩa Hiện đại gần như xuất hiện đồng thời với thời điểm đỉnh cao của quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam.

Ở phương Tây, các trào lưu, trường phái tư tưởng, nghệ thuật xuất hiện theo trình tự thời gian với nền tảng triết học cụ thể. Tuy nhiên, đối với văn học Việt Nam lại là sự tiếp thu gần như đồng thời các trào lưu, trường phái tư tưởng, nghệ thuật ở phương Tây và trong một thời gian rất ngắn. Vì vậy, sự tái diễn chưa thật sự hoàn chỉnh, cũng như tiếp nhận dồn dập nên các trào lưu, khuynh hướng chưa định hình diện mạo đã bị thay thế hoặc các trào lưu tương tác, ảnh hưởng lẫn nhau. Chủ nghĩa Hiện đại trong văn học Việt Nam cũng không tránh khỏi từ trường đó.

Đối với các trào lưu lãng mạn, hiện thực hay tự nhiên, văn học Việt Nam tái diễn các trào lưu đã qua của thế kỷ trước ở phương Tây, nghĩa là sự tiếp thu trọn vẹn, hoàn chỉnh. Nhưng với Chủ nghĩa Hiện đại lại là sự tiếp nhận mang tính cập nhật, có thể nói là gần như tương đồng về mặt thời gian. Vì vậy, văn học Việt Nam song hành cùng văn học thế giới trong việc hình thành diện mạo của Chủ nghĩa Hiện đại. Tuy nhiên, do nhiều điều kiện khách quan về bối cảnh xã hội và bản chất của nền văn học nên không thể đồng hành cùng Chủ nghĩa Hiện đại đi đến kết thúc.

6. Từ những đối sánh về bối cảnh lịch sử, xã hội và văn học, có thể đưa ra những nhận định về đặc điểm của Chủ nghĩa Hiện đại trong văn học Việt Nam một cách
khái quát.

Một là, nhìn một cách tổng quan, Chủ nghĩa Hiện đại trong văn học Việt Nam vẫn giữ được tinh thần cơ bản của trào lưu là ‘Làm mới nó’ – vừa kháng cự vừa tiếp nối truyền thống. Đặc biệt, điều này biểu hiện rõ trong chặng cuối của phong trào thơ Mới với những nhà thơ như Hàn Mặc Tử, Bích Khê hay nhóm Xuân Thu nhã tập với những vần thơ tượng trưng, thơ siêu thực.

Hai là, Chủ nghĩa Hiện đại du nhập vào Việt Nam vào thời điểm cao trào của quá trình hiện đại hóa văn học. Đó là môi trường thuận lợi cho Chủ nghĩa Hiện đại bắt rễ vào đời sống văn học Việt Nam. Tuy nhiên, khoảng thời gian hiện đại hóa văn học ở Việt Nam không kéo dài (chỉ trong khoảng 15 năm) nên Chủ nghĩa Hiện đại chưa hoàn chỉnh diện mạo trong văn học Việt Nam. Về điều này, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn cũng cho rằng sự tiếp nhận Chủ nghĩa Hiện đại của lực lượng sáng tác văn học ở Việt Nam cũng “chỉ dừng lại ở mức những yếu tố làm đậm đà thêm các sáng tác, mà không được đẩy lên thành chủ nghĩa” [12, tr.21].

Ba là, Chủ nghĩa Hiện đại trong văn học Việt Nam cùng tồn tại và chịu nhiều sự tác động, có thể nói là dung hòa với Chủ nghĩa Lãng mạn, Chủ nghĩa Hiện thực, Chủ nghĩa Tự nhiên. Có thể thấy trong truyện ngắn, tiểu thuyết Nam Cao đồng tồn tại yếu tố Chủ nghĩa Hiện thực, Chủ nghĩa Lãng mạn và Chủ nghĩa Hiện đại (yếu tố nghịch dị); tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng lại là sự dung hòa của Chủ nghĩa Hiện thực, Chủ nghĩa Tự nhiên và Chủ nghĩa Hiện đại (yếu tố phi lý, phân tâm học, yếu tố trào phúng); thơ của Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Chế Lan Viên, Đoàn Phú Tứ,... là sự lai ghép giữa Chủ nghĩa Lãng mạn và Chủ nghĩa Tượng trưng, Chủ nghĩa Siêu thực.

Bốn là, Chủ nghĩa Hiện đại trong văn học Việt Nam bị gián đoạn do điều kiện khách quan của bối cảnh lịch sử, xã hội. Cho đến những năm 1954 – 1975, Chủ nghĩa Hiện đại mới xuất hiện lại ở văn học đô thị miền Nam trong tiểu thuyết hiện sinh, tiểu thuyết dòng ý thức. Và đến sau 1975, Chủ nghĩa Hiện đại xuất hiện trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp (yếu tố tha hóa, yếu tố phi lý, yếu tố giễu nhại), Phạm Thị Hoài (mô hình hóa, vật thể hóa, giễu nhại, châm biếm). Có thể nói, Chủ nghĩa Hiện đại trong văn học Việt Nam không hình thành, phát triển đến đỉnh điểm và đi vào thoái trào ngay lập tức như chủ nghĩa Lãng mạn, Hiện thực hay Tự nhiên, mà bị ngắt quãng trong quá trình hoàn chỉnh diện mạo.

7. Đặc điểm của Chủ nghĩa Hiện đại trong văn học Việt Nam có thể xoay quanh ba trục chính: thời gian, không gian và nội hàm. Xét về phương diện thời gian, Chủ nghĩa Hiện đại trong văn học Việt Nam xuất hiện vào thời điểm vừa có sự thuận lợi và khó khăn cho sự hình thành và hoàn chỉnh diện mạo. Xét về phương diện không gian, Chủ nghĩa Hiện đại trong văn học Việt Nam xuất hiện trong bối cảnh sôi động của các trào lưu, trường phái khác của thời hiện đại. Xét về phương diện nội hàm, Chủ nghĩa Hiện đại song hành với quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam nên tinh thần cơ bản – mầm xanh ‘Làm mới nó!’ đã bắt rễ, lai ghép và phát triển trong một môi trường phù hợp. Tuy nhiên, Chủ nghĩa Hiện đại trong văn học Việt Nam xuất hiện rời rạc các yếu tố, lúc đậm nhạt và khác nhau ở mỗi tác giả, mỗi thời đại văn học cũng như có sự gián đoạn do điều kiện khách quan.

Chú thích

  1. Theo Kevin J.H. Dettmar trong bài Lời giới thiệu (Introduction) cho cuốn A Companion of Modernist Literature and Culture, ‘modo’ trong tiếng La tinh nghĩa là “just now”, là hiện tại: “cuộc sống, London; thời điểm này của tháng Sáu” , như Virginia Woolf viết trong trang mở đầu của tác phẩm Mrs. Dalloway.
  2. Trong bài Introduction: Beginning with Modernism: “Modernity is the name most often given to mark this period of human history, the point at which man was able to reject other forms of control and asserts self-determination”.
  3. Tổng hợp dựa theo bài viết Historical Context of Moderist Literature của Leigh Wilson trong cuốn The Modernism handbook, bối cảnh lịch sử của văn học Hiện đại chủ nghĩa được phác họa qua Chiến tranh thế giới thứ nhất và hậu quả của nó, chính trị, kinh tế, vị thế các nước trên thế giới, văn hóa, khoa học và kỹ thuật.
  4. Theo Kevin J.H. Dettmar trong Lời giới thiệu cho cuốn sách A Companion to Modernist Literature and Culture, ‘Make it new’ là lời kêu gọi bởi nhà thơ Hiện đại chủ nghĩa Ezra Pound – hạt nhân trong sự sáng tạo thẩm mỹ của Chủ nghĩa Hiện đại. Ezra Pound thừa nhận câu nói đó là do một hoàng đế Trung Hoa khắc lên bồn tắm của mình.
  5. Trong bài Definitional Excursions: The Meanings of Modern/Modernity/Modernism, “Modernism was rebellion. Modernism was “make it new”. Modernism was resitance, rupture. To its progenitors. To its students. Modernism was the antidote to the poison of tradition, obligation”.
  6. Dẫn theo bài Planetarity: Musing Modernism Studies của Susan Stanford Friedman, “Modernism is the one art that reponds to the scenario of our chaos. It is the art consequent on Heisenberg’s “Uncertainty principle”, of the destruction of civilization and reason in the First World War, of the world changed and reinterrupted by Marx, Freud, and Darwin, of capitalism and constant industrial acceleration, of existential exposure to meaning lessness or absurdity”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Albert Camus (2014), Thần thoại Sisyphus (Le Mythe de Sisyphe), Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.
  2. Lại Nguyên Ân (2005), Một số vấn đề xung quanh phạm trù chủ nghĩa hiện đại, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 2, Hà Nội.
  3. Lại Nguyên Ân (2004), Chủ nghĩa hiện đại, Từ điển Văn học (bộ mới), Nxb Thế giới, Hà Nội.
  4. Lê Huy Bắc (2015), Chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại trong văn học Âu – Mỹ, Tạp chí Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, Số 32, Hà Nội.
  5. Nguyễn Văn Dân (2013), Chủ nghĩa hiện đại trong văn học nghệ thuật, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  6. Trương Đăng Dung (2011), Khoa văn học hiện đại, hậu hiện đại, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 8, Hà Nội.
  7. Trần Thiện Đạo (2008), Từ chủ nghĩa hiện sinh tới thuyết cấu trúc, Nxb Tri thức, Hà Nội.
  8. Nguyễn Hào Hải (2001), Một học thuyết triết học phương Tây hiện đại, Nxb Văn hoá - Thông tin, Hà Nội.
    1. Kevin. J.H. Dettmar (2006), Introduction, A Companion of Modernist Literature and Culture, Blackwell Publishing Ltd.
  9. Leigh Wilson, Historical Context of Modernism Literature, The Moderism handbook, by MPG Books Ltd, Bodmin, Cornwall.
  10. Mikhail Bakhtin (1992), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết (Phạm Vĩnh Cư tuyển chọc, dịch và giới thiệu), Nxb Bộ Văn hoá Thông tin và Thể thao – Trường Viết văn Nguyễn Du, Hà Nội.
  11. Vương Trí Nhàn (2005), Nhà văn tiền chiến và quá trình hiện đại hoá trong văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX cho tới 1945, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
  12. Phillip Tew, Alex Murray (2009), Introduction: Beginning with Modernism, The Modernism handbookSusan Standford Friedman (2001), Definitional Excursions: The Meanings of Modern/Modernity/Modernism, Modernism/ modernity, Volume 8, Number 3, Published by The Jonhs Hopkins University Press.
  13. Susan Standford Friedman, Planetarity: Musing Modernism Studies, Modernism/ modernity, Volume 17, Number 3, Published by The Jonhs Hopkins University Press.
  14. Trần Quang Thái (2006), Chủ nghĩa hậu hiện đại, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh.

Thông tin truy cập

60855872
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
15651
13943
60855872

Thành viên trực tuyến

Đang có 332 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website