Phê bình Phân tâm học

MỤC LỤC

1. TỔNG QUAN VỀ PHÊ BÌNH PHÂN TÂM HỌC

1.1. Giới thiệu chung

1.2. Định nghĩa

1.3. Sơ lược về các trường phái phân tâm học

            1.3.1. Phân tâm học cổ điển

            1.3.2. Phân tâm học hiện đại

2..CÁC KHÁI NIỆM VÀ QUAN NIỆM ĐẶC TRƯNG CỦA PHÂN TÂM HỌC

2.1 Các khái niệm đặc trưng (thuật ngữ-keywords)

2.2. Các quan niệm đặc trưng

3. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH PHÊ BÌNH PHÂN TÂM HỌC

4. ỨNG DỤNG PHÂN TÂM HỌC LÊN MỘT TÁC PHẨM CỤ THỂ

 

1.Tổng quan về Phê bình phân tâm học

1.1.Giới thiệu chung

- Phê bình phân tâm học bắt nguồn từ lý thuyết Phân tâm học do Sigmund Freud khởi xướng vào năm 1896, vốn là một cách thức nghiên cứu và điều trị bệnh tâm thần. Từ thế kỉ XX trở đi, Phê bình phân tâm học ngày càng phát triển phổ biến, mạnh mẽ.

 - Thuyết phân tâm học nói chung và Phê bình phân tâm học nói riêng gần như đề cao tuyệt đối cái vô thức; quy chiếu những hoạt động sáng tạo của con người trên trục vô thức, tiềm thức cũng những bản năng tính dục bị đè nén. Phân tâm học mang xu hướng nghi ngờ , thậm chí là phản bác tính ưu việt của khoa học kĩ thuật cũng như khả năng tri thức của con người.

1.2. Định nghĩa

- Phân tâm học viết tắt của Phân tích tâm lý học, tiếng Anh: Psychoanalysis, là tập hợp những lý thuyết và phương pháp tâm lý học có mục đích tìm hiểu những mối quan hệ vô thức của con người qua tiến trình liên tưởng tự do. Một định nghĩa khác theo theo tác giả Ernst Kris (1950) thì phân tâm có là bản chất của con người được xem xét thiên về xung đột. Phân tâm tin rằng hoạt động của tâm lý thực chất là sự đấu tranh giữa các xung lực - một số các xung lực này có tính ý thức, còn lại đa số là vô thức. Nó phản ánh vốn đối lập sẵn có trong bản chất hai mặt của con người đó là một động vật sinh học và một con người xã hội.

- Khởi đầu như là một phương pháp dùng để chữa trị một số rối loạn nhiễu tâm ( psychoneurotic disorders), dần dần, phân tâm trở thành nền tảng cho một học thuyết chung về tâm lý, ứng dụng trong cách chuyện ngành khác trong đó có nghiên cứu văn học và hình thành nên Phê bình phân tâm học (Psychoanalysis critisim). Phê bình Phân tâm học là trường phái phê bình dựa trên những nền tảng lý luận của học thuyết Freud, tiếp cận tác phẩm trên niềm tin vào cái vô thức mạnh mẽ của con người, thực hiện “giải phẫu tâm lý” trên tác phẩm và tác giả, cho phép khám phá những góc độ nguyên thủy và cũng nhân bản nhất của văn học.

 

1.3.Sơ lược về các trường phái phân tâm học.

Với giới hạn về khả năng lẫn thời gian tìm hiểu của nhóm thuyết trình, cách phân nhánh này còn ít nhiều mang tính chủ quan và không thể tránh khỏi hạn chế. Tuy nhiên, nhóm có gắng đem lại cái nhìn tổng quan về các hướng Phân tâm học lớn thường được ứng dụng phổ biến, thay vì liệt kê chi tiết các trường phái lớn nhỏ khác nhau.

 

1.3.1.Phân tâm học cổ điển

- Phân tâm học khởi thủy của Freud:

+ Những khái niệm đầu tiên của phân tâm học đã được bác sĩ tâm lý Sigmund Freud khởi xướng, chủ yếu là sự nghiên cứu phương pháp điều trị tâm lý và đề xuất lý luận chung về quá trình vận động tâm lý. Sau đó, ông dần đem những lý luận phân tích tâm lý, ứng dụng vào mọi mặt đời sống tâm lý và sự phát triển văn hóa lịch sử. Đặc biệt, việc khám phá ra khái niệm “mặc cảm OEdipe” trong OEdipe làm Vua của Sophocle và Hamlet của Shakespeare đã đặt nền móng cho việc ứng dụng phân tâm học để soi chiếu và đánh giá sâu hơn các tác phẩm văn học.

+ Phân tâm học cổ điển của Freud phức tạp và gây nhiều tranh cãi, song có thể tóm gọn lại rằng: Freud đề cao 2 luận điểm là bản năng tính dục và những kí ức thời thơ, gọi chung là các yếu tố vô thức . Các yếu tố này do sự đè nén của ý thức và quy chuẩn đạo đức, xã hội mà luôn bị ức chế, thường tìm cách bộc lộ dưới những  hành vi bất thường, những chứng loạn thần kinh và đặc biệt là các giấc mơ. Freud nổi tiếng với luận điểm : “Con người không là chủ trong căn nhà ý thức của mình”.

 -  Sự kế thừa từ các học trò

+ “Chủ nghĩa Freud” dù gây nhiều tranh cãi trái chiều nhưng vẫn phát triển rộng khắp Châu Âu và nhận được nhiều sự ủng hộ, tin tưởng từ các học giả khác.

+ Trong những học trò nổi tiếng của Freud , có Jean Delay nổi bật với trường phái Phê bình tâm lý tiểu sử, đi sâu vào phân tích những ẩn ức ấu thơ của tác giả để lý giải ý nghĩa của tác phẩm. Đặc biệt ta có Carl Jung với khái niệm vô thức tập thể : Phát triển từ học thuyết Freud chỉ nhìn nhận vô thức như 1 sản phẩm cá nhân, Jung cho rằng còn xuất hiện cái gọi là vô thức tập thể có từ thời nguyên thủy, biểu hiện qua những cổ mẫu. Học thuyết của Jung góp phần phong phú hóa và hoàn thiện các lý thuyết trước đó của Freud.

 

1.3.2. Phân tâm học hiện đại

- Phân tâm học cấu trúc của Jacques Lacan

+ Cuối thế kỉ XX, xuất hiện trường phái Phân tâm học cấu trúc hay phân tâm học văn bản với người đứng đầu là Jacques Lacan. Kết hợp lý thuyết phân tâm cổ điển của Freud với lý thuyết cấu trúc và hậu cấu trúc, Lacan chỉ ra rằng: Vô thức được cấu trúc như một ngôn ngữ và còn là sản phẩm của ngôn ngữ.

+ Lacan quan niệm không phải vô thức “thúc ép” chữ nghĩa ra đời như một sự giải tỏa mà giữa vô thức-ngôn ngữ có 1 sự song hành đồng hiện. Lý thuyết này giúp phương pháp phê bình phân tâm học được hoàn thiện hơn khi tìm kiếm và giải mã các yếu tố vô thức trong tác phẩm, không chỉ dựa vào những tín hiệu bệnh lý, thăng hoa, mộng tưởng hoặc cuồng điên mà còn dựa trên những cấu trúc, chất liệu làm nên văn bản.

+ Một số nhà phê bình khác đã kế thừa và phát triển học thuyết Lacan, tiêu biểu là Jean Bellemin Noel và Bernard Pingaud

- Phân tâm học của Norman Holland

+ Kết hợp với lý thuyết tiếp nhận, từ những năm 1950, Norman Holland đã đề xướng một kiểu phâm tâm mới là chuyển hướng phân tích từ tác giả sang đọc giả.  Khi đó, vô thức không chỉ được thể hiện qua những yếu tố mộng mị, mập mờ trên văn bản mà còn được kết hợp từ ẩn ức của đọc giả, đó là “một hành động tái tạo bản sắc của chính độc giả.”

 

2.CÁC KHÁI NIỆM VÀ QUAN NIỆM ĐẶC TRƯNG CỦA PHÂN TÂM HỌC

2.1 Các khái niệm đặc trưng (thuật ngữ-keywords)

- Id (cái ấy): Còn gọi là tự ngã, là phần vô thức sâu kín nhất con người thỏa mãn những mong muốn bản năng bất chấp các nguyên tắc và quy luật xã hội.

Ego (cái tôi): Còn gọi là bản ngã thuộc về ý thức. Ego đảm bảo cho nhu cầu của Id được thỏa mãn mà không vi phạm các nguyên tắc xã hội. Cái tôi được xã hội kiểm soát và hoạt động dưới sự điều chỉnh của các quy luật xã hội.

Super Ego (cái siêu tôi): Hay còn gọi là siêu ngã. Cái siêu tôi được quy định và điều khiển bởi các quy chuẩn đạo đức, xã hội, văn minh, luôn có xu hướng muốn áp chế hoàn toàn những nhu cầu thuộc về bản năng.

Sự mâu thuẫn giữa ba yếu tố nội tại dễ dẫn con người tới tình trạng căng thẳng, ức chế, do đó sản sinh ra những cơ chế tự vệ để giúp con người cân bằng, điển hình như:

-         Sự dồn nén: Cố gắng sử dụng ý thức để che giấu, áp chế các ham muốn nhục dục

-         Sự phóng chiếu: Chuyển những xúc cảm của mình lên người khác, ví dụ như tâm sự, giãi bày,..

-         Sự hoán chuyển: Giống như các phép ẩn dụ và hoán dụ, vô thức lúc này được ngụy trang thành các dạng thức phù hợp với quy ước của đạo đức, xã hội.

-         Sự thoái bộ: Thoai lui về giai đoạn trước, có những hành vi thuộc đối tượng trước đó

-         Sự phá bỏ: Chuyển những cảm xúc lo âu, những ẩn ức bị đè nén thành sự hung dữ cuồng điên.

Driven (xung năng): Chỉ chung những năng lượng tâm lý luôn tồn tại và đấu tranh lẫn nhau trong con người

-Libido ( xung năng tính dục): Năng lượng tình dục nằm trong vùng vô thức của con người, là khát vọng ham muốn tình dục xuất phát từ bản năng sinh tồn của Id. Freud coi vô thức là bể chưa các xung năng và trong đó xung năng tính dục này đóng vai trò quan trọng nhất, cung cấp năng lượng cho mọi hoạt động tâm thần.

Eros (bản năng sống): Biểu hiện tích cực của libido, duy trì sự tồn tại, hướng cơ thể tới những hành động duy trì sự sống như ăn uống, hô hấp, tình dục, hoặc cao hơn là sự sáng tạo nghệ thuật.

Thatanos (bản năng chết): Biểu hiện tiêu cực của  libido, phá hủy sự sống như trạng thái phản kháng, tự hủy diệt, các chứng bệnh cuồng điên, hành xác,...

Sublimer (Trạng thái thăng hoa): Một biểu hiện cao trào của libido với động cơ là những ẩn ức về tình dục, và kết quả là các tác phẩm nghệ thuật tượng trưng cho sự chuyển dịch của những bản năng tình dục đó. Khái niệm thăng hoa thường được các nhà Phê bình sử dụng để giải thích quá trình sáng tác của tác giả.

Dream (giấc mơ) và Dream analysis (Phân tích giấc mơ): Là một yếu tố quan trọng trong lý thuyết của  Freud, giấc mơ được xem như cửa ngõ để bước vào thế giới vô thức của con người. Động tác phân tích, giải mộng vốn được vận dụng trong chữa trị bệnh tâm thần đã dần trở thành thao tác quen thuộc của các nhà phê bình Phân tâm học, ứng dụng lên một giấc mơ đặc biệt là tác phẩm văn học.

Dominant (yếu tố thống trị): những yếu tố quy chuẩn trong tâm lý 1 loài, 1 dân tộc, nhiều yếu tố sẽ dần tạo nên 1 mẫu chung gọi là cổ mẫu.

-Cổ mẫu: Tức những mô hình nhận thức và những hình tượng, được truyền từ thế hệ người này sang thế hệ người khác bằng con đường vô thức.

2.2. Các quan niệm đặc trưng

Phân tâm học chủ yếu lý giải mọi hành vi của con người bằng sự vận động tâm lý nội tại, quay về với các bản năng nguyên thủy và những thôi thúc, khao khát vốn bị nhận thức của con người “bỏ quên”.

- Về hoạt động của bộ máy tâm lý:

+  Freud chỉ ra rằng trong tâm lý luôn tồn tại ba yếu tố: Id-Ego và Super ego, ba lĩnh vực này luôn thâm nhập chuyển hóa lẫn nhau, tạo nên một trang thái dồn nén, kháng cự, tụ tập, khuếch tán. Cái vô thức bảng năng luôn bị kìm hãm bởi hàng rào kiểm duyệt ( censure) do ý thức thiết lập, càng bị ức chế lại càng có nhu cầu được thỏa mãn. Kết cấu nhân cách 3 tầng này là một khối vận động không ngừng, trong đó vô thức có sức sống dai dẳng và mãnh liệt nhất.

+ Tin tưởng vào sức mạnh của vô thức, phân tâm học có một mĩ cảm luôn gắn liền với tính dục. Tính dục được nhìn nhận như yếu tố bất biến và đạt gần đến chân lý hơn cả.

+ Hành vi của con người hình thành từ các mặc cảm gây nên do sự đè nén bản năng tính dục thời và các tiềm thức từ thời thơ ấu. Sáng tạo nghệ thuật chẳng qua là sự thăng hoa của những ẩn ức, mà đặc biệt là ẩn ức tình dục, người nghệ sĩ càng bị đè nén tình dục nhiều lại càng có cơ hội để sáng tác. Freud đề cao 5 năm đầu phát triển của đời người, và tin rằng những “tính dục ấu thơ” (sexualite infantile) mà đứa trẻ chia sẻ với bố/mẹ luôn có tác động mạnh mẽ và dai dẳng đến quãng đời sau này của con người. Những hiện tượng tâm lý như mặc cảm OEdipe xuất hiện phổ biến trong mỗi người và luôn tiềm ẩn trong các sáng tác nghệ thuật.

+Vô thức bị dồn nén luôn tìm cách trồi lên trên bề mặt ý thức, ngụy trang dưới những giấc mơ. Tác phẩm văn học là sự thăng hoa của các ẩn ức, do đó nó cũng có kết cấu như một giấc mơ. Những chi tiết trong tác phẩm chính là những biểu tượng, tín hiệu cần được giải mã nhằm làm rõ cái động cơ vô thức đã hình thành tác phẩm. Tác phẩm được coi như một “giấc mơ tỉnh” trong đó có hai phần: Nội dung hiển hiện bao gồm hệ thống sự kiện, hình ảnh và Nội dung tiềm ẩn là một loại dục vọng thầm kín ẩn dưới những sự kiện, hình ảnh ấy mà chính người nằm mơ –tức tác giả- cũng không nhận thức được.

+ Có những chủ đề chung xuất hiện xuyên suốt trong huyền thoại và nội dung văn hóa của các dân tộc.Do đó, ngoài vô thức cá nhân con người còn có một hệ thống cấu trúc tâm lý chung gọi là vô thức tập thể. Phê bình phân tâm học có thể soi chiếu vô thức lên phông nền văn hóa chung, dựa vào việc phân tích những hiện tượng văn hóa ta có làm sáng tỏ những biểu tượng trong tác phẩm văn học.

- Về mối quan hệ giữa vô thức và từ ngữ

Khi phân tâm học được ứng dụng như một phương pháp phê bình văn học – tức là dịch chuyển từ đời sống khoa học vào đời sống văn học – người ta buộc phải nghiên cứu mối quan hệ của vô thức với chất liệu cơ bản của văn chương là từ ngữ.

+ Lúc này, ba đặc khu Id-Ego-Super Ego sẽ được thay thế bằng cấu trúc mới: Cấu trúc RSI với cái Biểu trưng (The Symbolic), kìm nén bên dưới nó là Tưởng tượng(The Imaginary) và cái Thực tồn (The Real).  Cái thực tồn tức phần bản năng căn cốt và vốn có nhất của đối tượng không bao giờ có thể hiển lộ hoàn toàn, mà bị lu mờ qua Tưởng Tượng. Cuối cùng, tất cả những gì chúng ta nhận thức được về đối tượng đều thông qua cái vỏ Biểu trưng. Cũng giống như Id luôn bị đè nén bởi Super ego, con người nhận diện thế giới qua cái vỏ Biểu trưng và điều này dẫn đến Sự ngộ nhận (Misrecognition) về hiện tượng mà không nhận ra Cái thực tồn. Xoay ngược vấn đề, thì ý niệm về thực tồn hay vô thức này sẽ không thể sản sinh nếu không có những trật tự và luật lệ của ngôn ngữ, như nhận xét của Chu Mộng Long:

 “Vô thức là một cấu trúc phức tạp của tinh thần, nó chỉ bắt đầu xuất hiện khi con người tham gia vào đời sống văn hóa xã hội (…).chúng ta luôn bị (nhưng lại tự tin là được) nói và hành động theo các nguyên tắc của trật tự và luật lệ mà quên rằng thực chất cuộc sống không phải thế, chúng ta ít có cơ hội phản tỉnh rằng, các Biểu trưng và ngôn ngữ đã tạo thành thứ mặt nạ che đậy thực chất cuộc sống luôn muốn nổi loạn ở xung quanh chúng ta và trong chúng ta.”

+Từ mô hình RSI ta có thể thấy, vô thức là một cấu trúc gồm các kí hiệu, ẩn dụ, biểu trưng,và điều này làm nó giống như một ngôn ngữ.Như vậy, khi con người bắt đầu sử dụng ngôn ngữ cũng là lúc  thế giới vô thức được thiết lập. Con người khi sở đắc ngôn ngữ, tức là khi nó có ý thức với những trật tự và luật lệ khắt khe mới xuất hiện trạng thái vô thức: những dục vọng sâu kín, những tưởng tượng hư ảo để che đậy sự thực, những hành vi vô ý thức cùng với sự mặc cảm tội lỗi và thức tỉnh lương tâm, kể cả sự ngụy biện để che đậy tội lỗi của chính mình. Vậy nên, không có cái cái gọi là vô thức hoàn toàn, và không có sự đồng hóa dục vọng bản năng của con người với thú vật. Lý thuyết này của trường phái Phân tâm học cấu trúc đã mở ra một hướng đi mới cho Phê bình phân tâm học, khi cái vô thức không chỉ gói gọn vào bản tính tự nhiên và những yếu tố sinh lý của con người.

 

3. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH PHÊ BÌNH PHÂN TÂM HỌC

Mỗi trường phái Phê bình phân tâm học đều có các bước tiến hành đặc thù và khác nhau. Tuy nhiên, dựa trên thực tế khi phê bình tác phẩm, ta nhận thấy ít có trường hợp cực đoan với một hệ thống phương pháp duy nhất mà thường có sự kết hợp các thao tác một cách đa dạng, linh hoạt. Trên tinh thần đó, nhóm thuyết trình không thể đưa ra một công thức chung khi hứng dụng phân tâm học lên văn học, mà muốn trình bày và giới thiệu những thao tác thường thấy khi tiến hành phê bình Phân tâm học.

-         Chọn đối tượng:

+ Phê bình Phân tâm học cho phép ứng dụng lên nhiều loại thể văn học khác nhau, không có giới hạn về quy mô tác phẩm. Song đối tượng thích hợp nhất và dễ nhận diện nhất của Phân tâm học thường là các sáng tác mang nặng yếu tố tâm lý, tự thuật, trữ tình, nơi “cái tôi” nói chung và vô thức nói riêng có “khe hở” tốt nhất biểu hiện, cũng như để nhận diện.

-         Phát hiện những dấu ấn của vô thức trong tác phẩm

+ Về phương diện nội dung: Nhà phê bình có thể vận dụng phương pháp đọc kĩ,trực cảm, ấn tượng  kết hộp so sánh đối chiếu, liên văn bản để khám phá ra các yếu tố vô thức trong tác phẩm, thường thể hiện qua những chi tiết, hình tượng được lặp đi lặp lại đến mức ám ảnh (VD: Hình ảnh đôi môi giống nhau trong các bức họa của Leonardo de Vinci),

+ Về phương diện hình thức: Tìm ra cấu trúc bề mặt của văn bản ngôn từ mang dấu ấn vô thức. Bất kì sự tổ chức nào của ngôn từ cũng đều ít nhiều làm nổi lên một yếu tố vô thức. (VD: Sự xuất hiện dày đặc  của lớp động từ chỉ trạng thái và tính từ chỉ mức độ trong thơ Hồ Xuân Hương  gợi lên sự vận động, nảy nở, đều có liên quan đến một kiểu vô thức tập thể -  tín ngưỡng phồn thực.)

-         Giải mã những dấu ấn vô thức trong tác phẩm

+ Tiến hành phân tâm tác giả, áp dụng phương pháp nghiên cứu tiểu sử để làm rõ những tiềm thức ấu thơ có thể ảnh hưởng đến sáng tác sau này.

+ Có thể tiến hành phân tâm nhân vật, ít nhiều xem nhận vật như một “ca bệnh” tâm lý thật sự.

+ Soi chiếu các yếu tố vô thức trên phông nền của khoa học tâm lý, văn hóa truyền thống, vô thức tập thể… để lý giải rõ hơn.

4. ỨNG DỤNG PHÂN TÂM HỌC LÊN MỘT TÁC PHẨM CỤ THỂ

Tác phẩm lựa chọn: Con cú mù – Sadegh Hedayat.

Con cú mù của Sadegh Hedayat vẽ nên một bức tranh giữa việc tìm kiếm bản thể trong cái tôi cô độc và thể hiện những nhu cầu, khát khao của con người trong việc giải nghĩa chính bản thân. Toàn bộ câu chuyện mở ra những tình tiết xâu chuỗi, mắt xích với nhau miêu tả thế giới của những ham muốn, nhu cầu và sự vô thức - những đặc điểm rất nổi bật trong phân tâm học.

Kết cấu của văn bản là một dòng suy tưởng đầy lẫn lộn của nhân vật, giữa cái hư và cái thực, không thể xác định được đâu là hiện thực trong chính bản thân của nhân vật tôi. Đó là thời gian giữa những cái tỉnh và mơ, và hoạt động của con người tồn tại ở cả hai trạng thái và giữa hai trạng thái ấy.

 

Yếu tố dục tính xuất hiện trong tác phẩm

“Tôi biết một điều: người đàn bà này, con đĩ, mụ phù thủy này, đã rót vào trong linh hồn tôi, vào đời tôi, một loại độc dược không chỉ khiến tôi muốn ả mà khiến cho mỗi phân tử trong thân thể tôi ham muốn những phân tử của thân thể ả, chúng thét đòi dục vọng của chúng […] Tôi ước được trải qua một đêm với ả rồi cùng chết trong vòng tay nhau. Điều này gần như là cực điểm thăng hoa của cuộc đời tôi”. Nhu cầu thỏa mãn tình dục là một bản năng rất dễ thấy ở con người. Trong phân tâm học, đặc biệt trong phân tâm học cổ điển của Freud thì vai trò của tính dục và sự dồn nén xuất phát từ ẩn ức cá nhân càng được đề cao. Những khao khát càng không được thực hiện trong mối quan hệ giữa cái siêu tôi (superego) – cái tôi (ego) thì được cái tôi thể hiện trong phần vô thức của nó (id). Người phụ nữ xuất hiện trong đoạn văn trên điều đặc biệt chính là vợ của nhân vật tôi. Và ở đây trong sự vô thức của nhân vật tôi, phức cảm Oedipus đã gắn nhân vật trong mối liên kết với vợ mình xuất phát từ tình cảm của ông dành cho người cô - người được ông xem như mẹ ruột, nuôi ông từ nhỏ và ông yêu thương vô cùng. Rõ ràng ở đây, khao khát được thỏa mãn tính dục gắn với nhu cầu yêu thương là ẩn ức trong tinh thần của nhân vật tôi. Sự tiếp nối trong ẩn ức của nhân vật tôi được xuất hiện trong trình tự:

Người cô nuôi được coi như mẹ - vợ - em trai vợ.

Sự ham muốn không được thỏa mãn trong mối quan hệ, và giữa dòng vô thức vô định của chính bản thân đã dẫn nhân vật tôi đến trước nhà bố vợ. Ở đây, đứng trước một người gần như một bản sao của vợ đã khiến cho “tôi” nhớ đến những hành động của em vợ và cuối cùng là “hôn vào cái miệng của nó rất giống với vợ tôi”. Sự tiếp diễn giữa dục vọng - sự dồn nén không được thỏa mãn và xung năng (libido) như một khuynh hướng trong trạng thái vô thức của nhân vật. Xung năng của phần vô thức đòi hỏi được thỏa mãn tức thời nhu cầu và khao khát.

Tình cảm mà nhân vật tôi dành cho người cô cho đến con gái cô cùng những người có liên quan, người vú nuôi, cô bé bên song Suran… tạo nên một hình tượng nhân vật nữ mà nhân vật tôn kính, là thiên nữ đối với nhân vật. Cô gái ấy như một hiện thân của người mẹ Bugam Dasi mà nhân vật thiếu thốn tình thương từ nhỏ. Những nét miêu tả vẻ ngoài có một sự tương đồng như trong nhận thức mơ hồ của nhân vật khi nhớ lại chuyện khi bé. Đây là phức cảm Oedipus với những mong muốn nguyên sơ của phần Nó trong một cái tôi ở giữa sự chi phốiNó và Siêu Tôi. Và sự thiếu vắng tình thương của mẹ chính là một bước ngoặt trong việc tiếp nhận và tình cảm dành cho những người phụ nữ khác xuất hiện trong tác phẩm. Khao khát yêu thương từ nguồn xung năng xuất phát từ chính sự thiếu sót trong quá khứ trong tình cảm.

 

Yếu tố thời gian và nhân vật xuất hiện trong tác phẩm

Thời gian

- Trong phần II, người phụ nữ xuất hiện trong nỗi đam mê của chàng họa sĩ vẽ trang trí hộp bút, theo thời gian nhớ lại của chàng thì câu chuyện gặp gỡ người con gái diễn ra cách đó hai tháng bốn ngày. Đó là khoảng thời gian bắt đầu được kể lại. Điều này giống với việc sau khi kết hôn thì hai tháng bốn ngày nhân vật tôi vẫn ở cách xa với vợ mình (trang 70)

- “Đó là vào ngày thứ 13 tháng Farvadin.” (trang 16) Thời gian nhân vật tôi nhớ lại. Cùng với đó là trong trạng thái vô thức rời khỏi nhà khi đến bờ song Suran và nhìn thấy một cô bé. Cảnh tượng này khiến nhân vật tôi cảm thấy quen thuộc và nhớ về “Ngày thứ 13 tháng Farvadin , mẹ vợ tôi, “con đĩ” và tôi đã tới đây.” (Trang 83) từ khi còn bé.

Nhân vật

- Hình ảnh ông già dưới cây trắc bá được xuất hiện trong chuyện chàng họa sĩ và trên bức mành nhân vật tôi được nhìn thấy khi bé.

- Người con gái với đóa hoa triêu nhan và hình ảnh xuất hiện trên chiếc bình.

- Giọng cười khô khốc, the thé của ông già – cha vợ… cùng với tràng cười nổi gai ốc được nghe khi còn bé cho đến tiếng cười the thé của chính nhân vật tôi.

- Cái chết của thiên nữ và cái chết của người vợ.

Một loạt những mốc thời gian và hình tượng nhân vật được lặp lại giống nhau xuyên suốt tác phẩm là một sự ám ảnh trong tinh thần của nhân vật tôi. Ở đây, bởi câu chuyện được kể lại như một sự lẫn lộn giữa hiện thực và quá khứ, giữa mơ và thực, giữa một cái bóng và một con người… Việc lặp đi lặp đi lặp lại của những hình ảnh như một sự quy chiếu của quá khứ và hiện tại xen lẫn trong vô thức của nhân vật. Anh ta không xác định được vị trí và bản thể của chính mình, chính sự không định hình này đã khiến anh ta không nhận thức được đâu là sự thật.

Sự không hòa nhập giữa cá nhân và xã hội chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc khiến nhân vật tôi như một người xa lạ giữa con người. “Điều duy nhất tôi sợ là những phân tử của xác tôi sẽ trộn vào với phân tử của đám dân đen, một ý nghĩ khiến tôi không thể nào chịu nổi.” Ám ảnh về cái chết được xuất hiện xuyên suốt trong tác phẩm. Căn phòng với bốn bức tường, những cảm xúc không được giải tỏa, sự lẫn lộn trong thời gian và không gian, hỗn loạn của ngày tháng năm… Những khao khát được chết, chấm dứt cuộc đời, sự trưởng thành và tuổi thơ,… Những hình ảnh tối tăm, đen tối xuất hiện với tần suất dày đặc trong tác phẩm. Nó gắn với cái chết ảm đạm. “Chỉ có cái chết không nói dối”. Ám ảnh về quá khứ và cái chết là dấu ấn đeo bám nhân vật tôi.

Mong muốn tìm kiếm bản ngã của nhân vật tôi được đặt giữa những xung năng, bản năng. Giữa bản năng sống: tình dục, đói khát và bản năng sống: sự phá bỏ, tiêu diệt cuộc sống. Đó là mong muốn được yêu thương cùng với nhu cầu hủy diệt, chấm dứt cuộc sống. “Tất cả cuộc đời được hư cấu bằng những câu chuyện”. Đó chính là hư và thực. Trạng thái tâm lý của nhân vật tôi như một trạng thái nằm giữa vô thức và ý thức. Sự mơ hồ của cái tôi và vô thức cũng như chính nhân vật tôi và cái bóng của anh ta vậy.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

-         Phương Lựu, Lý luận phê bình văn học phương Tây thế kỉ XX, NXB Văn học, 2001.

-         Lộc Phương Thủy, Lý luận-phê bình văn học thế giới thế kỉ XX, NXB Giáo dục, 2007.

-         Chu Mộng Long, Văn học hậu hiện đại – Lí thuyết và thực tiễn,  NXB Đại học Sư phạm, 2012.

-         Nguyễn Hưng Quốc, Các lí luận về phê bình văn học – Phân tâm học.

-         Đinh  Thị Thanh Ngọc, Phân tâm học cổ điển, Khoa giáo dục, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguồn: http://jostuandung.blogspot.com/2014/03/phe-binh-phan-tam-hoc.html

Thông tin truy cập

60747931
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
2555
9281
60747931

Thành viên trực tuyến

Đang có 178 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website