Phê bình phân tâm học

Lời dẫn

Phân tâm học sắp tròn trăm tuổi, ngành phê bình Phân tâm học cũng vậy. Trong những phác thảo đầu tiên của mình, Freud đã nhờ tới văn học. Bắt đầu từ năm 1887, ông không ngừng suy nghĩ và gắn việc đọc Vua Œdipe của Sophocle và Hamlet của Shakespeare với việc phân tích bệnh nhân và tự phân tích. Từ đó ông xây dựng nên một trong những quan niệm cơ bản của ông, đó là “mặc cảm Œdipe”. Ngoài hai tác phẩm trên, vào năm 1928, Freud còn tham khảo thêm tác phẩm Anh em nhà Karamazov của Dostoïevski. Sau đây chúng ta còn có dịp thấy rằng lịch sử Phân tâm học không thể tách rời khỏi việc nghiên cứu các huyền thoại, truyện cổ tích và các tác phẩm văn học.

Vậy nên ta không thể phủ nhận sự tồn tại của phê bình Phân tâm học, đồng thời không thể không thừa nhận Phân tâm học và sự phát hiện ra vô thức. Và nếu như thừa nhận sự đóng góp của Phân tâm học, ta cũng buộc phải tính đến ảnh hưởng của nó trong lĩnh vực phê bình văn học nói riêng và trong nghệ thuật nói chung.

Qua ví dụ đọc các văn bản văn học của Freud ở trên, chúng ta thấy rõ rằng khó có thể chấp nhận được sơ đồ giản lược của “Phân tâm học ứng dụng”, bởi:

- Một mặt, Phân tâm học với tư cách là một khoa học được xây dựng chỉ trong lĩnh vực riêng của nó – lĩnh vực của bệnh lý tâm thần (rối loạn thần kinh chức năng, rối loạn tâm thần v.v...)

- Mặt khác, phê bình tất yếu phải áp dụng những gì tích lũy được của khoa học này lĩnh vựa khác – lĩnh vực của những sản phẩm văn hóa.

Trong thực tế, khi đọc những tác phẩm đầu tiên của Freud, chúng ta thấy rằng việc thực hành phân tích chủ yếu là một kiểu thực nghiệm đặc biệt của lời nói và ngôn từ. Từ trước Phân tâm học rất lâu, văn học (viết hoặc truyền khẩu) đã là sự thực hành ngôn ngữ có khả năng sáng tạo ra một không gian đặc biệt ở ngoài sự gò bó quen thuộc của quá trình trao đổi thông tin. Bởi vậy, chúng tôi sẽ đề cập đến ngay trong phần đầu hai hình thức mang tính chất liên chủ thể. Cả hai hình thức ấy đều được xây dựng trên cơ sở của ngôn ngữ và tưởng tượng. Chúng tôi sẽ đặc biệt xem xét vấn đề tại sao phương pháp Phân tâm học lại làm đảo lộn mọi quan điểm về ngôn từ và sự tưởng tượng. Chính vì vậy, cần nghiên cứu ảnh hưởng của Phân tâm học trong phê bình văn học, mà không phải rút ra từ lý thuyết một loạt “chìa khóa” để giải thích (như sự loạn luân, sự hoạn, ái kỷ, mẹ dương vật, tình dục ở vùng miệng hoặc hậu môn, giai đoạn dương vật v.v...).

Việc nghiên cứu các văn bản văn học cho phép Phân tâm học rời bỏ lĩnh vực thuần y học để trở thành lý luận đại cương về tâm lý và tiến hóa của nhân loại. Phân tâm học văn học đã làm thay đổi diện mạo của phê bình. Tuy nhiên, còn tồn tại một vài vấn đề như: vai trò thực sự của phê bình Phân tâm học trong lĩnh vực tư duy văn hóa là gì? Mục đích của nó là những gì? Kết quả sẽ như thế nào? Phê bình Phân tâm học sẽ làm thay đổi những gì trong việc đọc các văn bản, cũng như trong cách nhìn nhận quá trình sáng tác? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi sẽ giới thiệu phê bình Phân tâm học như một lĩnh vực chuyên môn phức tạp, nhưng được sắp xếp một cách tương đối có trật tự.

I. NHỮNG CƠ SỞ CỦA PHƯƠNG PHÁP

1. “Quy tắc cơ bản”: Giữa đivăng và ghế bành

Từ năm 1882, Freud bỏ cách chữa bệnh bằng thôi miên và bằng cách hỏi liên tục, mà để cho bệnh nhân nói tự do. Đó là phương pháp chữa bệnh bằng lời nói, dựa trên mong muốn của bệnh nhân “kể những gì có thể kể”, không có sự can thiệp của thầy thuốc. Những thí nghiệm này được miêu tả trong cuốn Nghiên cứu về bệnh loạn thần kinh, qua đó, ông đã phát hiện ra hiệu quả y học của những lời nói bên ngoài có vẻ lộn xộn đó. Freud đã hệ thống lại những thí nghiệm đó và công bố quy luật cơ bản; quy luật này tạo ra hiện trạng phân tích giữa đi văng và ghế bành.

Từ phía người bệnh thì đó là quy tắc liên tưởng tự do. Trong tác phẩm Giấc mơ và sự lý giải giấc mơ, Freud nói về những “liên tưởng không cố ý”. Theo ông, ở người bệnh, tất cả những đánh giá về mặt đạo đức hay lý trí đều không chặt chẽ, rõ ràng, và chính điều đó tạo điều kiện cho sự phát triển (theo mạch của lời nói) của những hình ảnh, những tình cảm, những kỷ niệm bất ngờ làm đảo lộn những gì anh ta tin là đã biết về bản thân anh ta, về những người xung quanh và về mối quan hệ đối với họ.

Đối với người phân tích – bác sĩ – thì đó là quy tắc của sự chú ý không có chủ ý. Nghĩa là bác sĩ không được chú ý đặc biệt vào bất kì yếu tố nào trong lời nói của người bệnh, và phải nghe mà “không thay thế sự kiểm duyệt của mình bằng cái mà người bệnh đã từ bỏ” (Về kỹ thuật Phân tâm học), đồng thời đặt ra các giả thuyết. Cuối cùng, bác sĩ phải hết sức chú ý tới thời điểm và hình thức của những lý giải của mình.

Phân tâm học là một sự thử nghiệm thông qua ngôn từ và chỉ qua ngôn từ mà thôi. Theo Lacan thì Phân tâm học “chỉ có một người trung gian duy nhất là lời nói của người bệnh”. Nhưng những lời nói này thường được sinh ra từ một giấc mơ, một câu nói ám thị; chúng gợi ra vô số những hình ảnh (“biểu tượng”), cảm giác, cảm xúc, kỷ niệm, suy nghĩ v.v... sẽ được phân tích.

Hiện trạng phân tích – chủ yếu là hiện trạng liên chủ thể, ngay cả khi người bệnh không nghe hoặc không trông thấy người phân tích. Trong Tác phẩm, Lacan nhận xét rằng “không có lời nói mà không có câu trả lời, ngay cả khi đó chỉ là sự im lặng; miễn là có người nghe... Đó là cốt lõi của chức năng lời nói phân tích”. Người nghe phân tích đồng thời cũng là một người khác. Trước hết, anh tà người ngồi trước người nói, nhân chứng của cái đang được nói, người bảo đảm cho chính khả năng tự nhận biết như chủ thể của lời nói lạ lùng thoát khỏi sự cai quản của chủ thể có ý thức. Đồng thời, anh ta là một người khác mà người ta hướng tới: đúng hơn là phải nói những người khác, nam hay nữ, xa hay gần, hiện thực hay tưởng tượng, kể cả những người khác là bản thân chúng ta, tất cả những người khác – những người ám ảnh chúng ta mà chỉ sự có mặt của người khác  cho phép thực tại hóa. Như vậy, chỉ có một điểm ngoại xuất có thể đảm nhận được cái được gọi rất xác đáng là sự chuyển dời. Việc phân tích sẽ kết thúc khi tất cả các bóng ma ấy tìm được chỗ của mình trong câu chuyện của chúng ta và cuối cùng chúng ta có thể nói với người phân tích như nói với một con người cụ thể, ở số ít.

Mối quan hệ hoàn toàn mới này chỉ có thể được thấu hiểu nếu ta đặt giả định về một lĩnh vực tâm lý đặc biệt, đồng thời vừa ở giữa, vừa ở ngoài lề của các quan hệ ý thức: đó là vô thức. Mối quan hệ này có tính thử nghiệm trong việc nó tạo điều kiện cho sự xuất hiện quá trình vô thức trong lời nói hoặc ngôn từ.

2. Vô thức

Việc thực hành phân tích đã làm thay đổi một cách cơ bản khái niệm về vô thức. Nó không chỉ đơn giản là mặt trái của ý thức vốn thâu tóm toàn bộ cuộc sống tâm lý. Ta có thể nói rằng vô thức là quan niệm có tính chất nền móng của Phân tâm học và là sự đóng góp quan trọng nhất của Phân tâm học vào tư duy hiện đại.

Trong sơ đồ tâm lý đầu tiên gồm ba hệ thống – Vô thức/Tiền ý thức/Ý thức – Freud nghiên cứu lôgíc khác là kết quả của những quá trình vô thức. Ông nghiên cứu tính năng động của vô thức gắn với ham muốn và ẩn ức. Ông “giải mã” vai trò của vô thức trong các quá trình tâm lý.

*Lôgíc khác:

Freud gọi giấc mơ là “con đường dẫn tới vô thức”. Khi so sánh “nội dung hiển nhiên” của giấc mơ (đó là cái mà chúng ta kể sau khi mơ) và “nội dung tiềm ẩn” được phát hiện nhờ phân tích những liên tưởng, Freud nhấn mạnh đến “quá trình tâm lý” làm nảy sinh giấc mơ. Đó không phải là nguyên tắc không mâu thuẫn của lôgíc ý thức, cũng không phải là sự vô nghĩa, mà đó là sự biến đổi ý nghĩa không ngừng, theo các cơ chế đặc biệt. Freud đã miêu tả các cơ chế này trong cuốn Giấc mơ và sự giải thích giấc mơ như sau:

Sự quy tụ: một yếu tố duy nhất thể hiện nhiều chuỗi liên tưởng gắn với nội dung tiềm ẩn. Đó có thể là một người, một hình ảnh, một từ nào đó. Ví dụ, trong mơ, ta thấy một người quen, nhưng khi phân tích thì đó lại là hình ảnh của nhiều người khác có liên quan đến chuyện của người mơ ngủ và cả bản thân người đó nữa. Hoặc, ta nhìn thấy trong mơ một người có hình dạng khác thường: đó là vì người đó được tạo nên bởi các nét của nhiều người có thực khác. Vì vậy, mỗi lần ta lại phải dựa vào các liên tưởng để phát hiện ra điểm chung còn ẩn giấu là nguồn gốc nảy sinh ra sự quy tụ này.

- Sự chuyển dời: Một hình ảnh bề ngoài có vẻ như vô nghĩa nhưng lại rất rõ, rất thực và gợi nên những cảm xúc thật đến lạ lùng. Trên thực tế, những tính chất ấy được chuyển sang từ một hình ảnh khác gắn với hình ảnh trong mơ bằng một chuỗi liên tưởng. Cảm xúc, bị tách rời ra khỏi hình ảnh ban đầu đã gợi nên cảm xúc ấy, chuyển sang một hình ảnh khác hoàn toàn, vì vậy mà ta không thể hiểu được nguyên nhân của cảm xúc ấy...

Ở mức độ các quá trình đầu tiên (vô thức), các cảm xúc và các hình ảnh chưa được gắn bó chặt chẽ; cảm xúc “luôn có lý”, nhưng nó dời từ hình ảnh này sang hình ảnh khác. Như vậy, sự chuyển dời luôn tồn tại trong các quá trình hình thành giấc mơ khác, đặc biệt là trong sự quy tụ. Freud có kể về một giấc mơ mà trong đó ông mơ thấy một từ khó hiểu NOREKDAL. Ông phải rất khó khăn mới tìm ra nguồn gốc của từ lạ lùng ấy: đó là dạng ghép của hai tên Noravà Ekdal mà ông đã gặp trong hai ở kịch nổi tiếng của Ibsen...

Khả năng tạo hình ảnh: các suy nghĩ vô thức được biến đổi thành các hình ảnh, bởi giấc mơ là một sản phẩm nhận thức được bằng thị giác được chuyển đến người đang mơ dưới dạng một cảnh có thực. Các suy nghĩ đã là trừu tượng nhất cũng phải chuyển thành các hình ảnh; vì vậy, khi phân tích “các phương thức của sự thể hiện bằng hình ảnh trong giấc mơ”, Freud thường dựa vào các kỹ thuật hội họa. Như vậy là các liên hệ logic bị loại bỏ, hoặc bị thay thế bằng chuỗi các hình ảnh nối tiếp, hình ảnh này lại được biến đổi thành một hình ảnh khác, hoặc độ chói của ánh sáng, sự phóng to một hình ảnh, sự sắp xếp các lớp cảnh v.v...Các câu hoặc từ được “coi như các vật”, nghĩa là như các yếu tố mang nghĩa trong cú pháp đặc biệt của giấc mơ, mà không được dùng với nghĩa giống như nghĩa trong ngôn ngữ.

Quy luật này có vẻ như không liên quan gì tới ngôn ngữ văn học. Tuy nhiên, nó giúp chúng hiểu được các kỹ thuật sân khấu, những đặc biệt của ngữ pháp một đoạn văn kể chuyện, tầm quan trọng của một cảnh lãng mạn, hoặc nguồn gốc của một ẩn dụ v.v. Đặc biệt là quy luật này đã làm cho cách viết trở thành một công việc của tưởng tượng bằng ngôn ngữ và của ngôn ngữ bằng tưởng tượng, mà không phải là công việc thuần túy ngôn ngữ (hình thức), với điều kiện là nhà văn không được nhầm hình ảnh với sao chép thực tế một cách đơn giản.

Sắp xếp lần hai: đó là thao tác cuối cùng trong quá trình hình thành giấc mơ. Thao tác này có được là nhờ ở sự can thiệp của tiền ý thức, có tác dụng làm cho giấc mơ sinh động hơn, có vẻ có thực hơn. Thông thường, các “kịch bản” của giấc mơ là các “kịch bản” có sẵn, lấy từ sách báo đã đọc, từ những mơ mộng trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê (nghĩa là có sự kiểm soát), từ những mẫu hình tưởng tượng chung của cộng đồng. Freud đưa ra làm ví dụ một số “kịch bản” như đám cưới, bữa ăn ngày lễ, vua và hoàng hậu v.v…

Freud cho rằng quan hệ giữa những “kịch bản” có sẵn và sự hình thành cụ thể của một giấc mơ không phải là quan hệ đối kháng. Đôi khi, đó là tấm màn che kín quá trình vô thức cần được giải mã; đôi khi, đó lại là sự biểu tượng hóa của những suy nghĩ vô thức mà ta có thể đọc được ở chúng. Như vậy là có hai cách khác nhau để xem xét một tác phẩm văn học:

- Một mặt, sự thật trần trụi của vô thức bị che giấu bởi một tấm màn của mỹ học hoặc lý trí.

- Mặt khác, văn bản viết, cũng giống như “nội dung hiển nhiên” của giấc mơ, có quan hệ biểu tượng hóa chặt chẽ với “nội dung tiềm ẩn” thuộc về vô thức. Hai khái niệm về lao động sáng tạo này luôn cạnh tranh với nhau.

Vô thức/Tiền ý thức/Ý thức là một chuỗi logic hơn là một chuỗi theo trình tự thời gian. Chuỗi này không thể thiếu để hiểu một cách khoa học. Tất cả các cơ chế đều hoạt động đồng thời: vô thức không phải là một mớ bòng bong, mà là một hoạt động của tâm lý con người, hoạt động này luôn có mặt, nhưng có tính chất mâu thuẫn, trong cuộc sống thường nhật, tưởng tượng hoặc sáng tạo.

Nói tóm lại, “giấc mơ chỉ là một dạng khác của ham muốn tồn tại trong vô thức”. Tại sao lại như vậy?

* Ham muốn và ẩn ức

Freud đề ra lý thuyết động về vô thức, theo ông, giấc mơ là “thỏa mãn tâm lý của một ham muốn bị ức chế”. Nhưng đó là “sự thỏa mãn ngụy trang”, bởi ham muốn vô thức khi tìm cách thỏa mãn luôn vấp phải sự kiểm duyệt của ý thức, và đôi khi của cả tiền ý thức. Như vậy, tất cả các quá trình tâm lý đều là sự dẫn đến thỏa hiệp giữa sức mạnh của ham muốn và quyền ức chế của ý thức. Ở đây, khái niệm về “xung đột tâm lý” là vô cùng quan trọng: đó là xung đột giữa ham muốn và sự cấm đoán, ham muốn vô thức và ham muốn ý thức, giữa các ham muốn vô thức với nhau (ham muốn tình dục và ham muốn xâm kích chẳng hạn). Sự xung đột này còn tiếp tục diễn ra trong quá trình liên tưởng....

Dưới tác động của các xung năng tình dục hoặc xâm kích, các kỷ niệm gần hoặc xa, các hình ảnh và biểu tượng bắt nguồn từ văn hóa, dồn dập lại ở cấp độ tiền ý thức. Quá trình ngược lại diễn ra khi một biến cố trong đời sống hàng ngày, một câu nói tình cờ nghe được v.v.. có thể làm thức tỉnh những xung năng vô thức dưới dạng các hình thức tâm lý khác nhau. Như vậy là không có các quá trình vô thức trực tiếp, lại càng không thể “giải mã” vô thức một cách trực tiếp, cũng không có một hệ thống “dịch” tự động nào cả; đó là điều mà nhiều nhà phê bình hay quên, không lưu tâm tới.

Theo Freud, các quá trình và các xung đột ấy được thể hiện đồng thời trong tác phẩm dưới nhiều hình thức tâm lý khác nhau: giấc mơ, nói nhịu, hành động hụt, triệu chứng, sáng tạo nghệ thuật v.v.., ngay cả khi các hình thức này hoàn toàn không giống nhau. Chúng chỉ có một cấu trúc chung: đó là ảo ảnh...

3. Lý giải:

Theo Laplanche và Pontalis trong cuốn Từ vựng Phân tâm học, “ta có thể làm rõ đặc tính của Phân tâm học bằng sự lý giải, nghĩa là sự phát hiện ra ý nghĩa tiềm ẩn của vật chất”. “Sự lý giải phát giác ra các dạng thức của xung đột tự vệ, và cuối cùng, hướng tới ham muốn hiện diện ở mọi quá trình của vô thức”.

Ở đây, chúng tôi sẽ chỉ điểm qua một số nguyên tắc quan trọng trong quá trình lý giải:

- Đối với người phân tích, tất cả các lời nói đều bí ẩn, bởi trong lời nói tồn tại các quá trình và ý nghĩa vô thức và ý thức.

- Phân tâm học cũng giống như công việc của một thám tử. Nghĩa là phải thu thập các dấu hiệu chưa biết tới, không được phát hiện hoặc bị bỏ qua; chia chọn chúng và thiết lập mối quan hệ giữa chúng với các dấu hiệu rõ ràng hơn; tổ chức chúng lại để tìm ra lời giải đáp vừa có sức thuyết phục vừa hiệu quả.

Trong cả hai trường hợp, tất cả đều có thể mang ý nghĩa: một cử chỉ, một từ ngữ, giọng nói, các sự trùng hợp và sự không ăn khớp giữa các giả thuyết khác nhau về một sự kiện, một sự bỏ sót, một sự lạc đề, một sự chối nhưng thật ra là một sự thú nhận v.v... Trong cả hai trường hợp ta đều phải tìm lại những gì đã xảy ra để phát hiện ra sự thật.

- Lời giải đáp không những làm mất hẳn ham muốn hiểu biết của chúng ta, mà còn làm tăng nó lên: chúng ta lý giải dựa vào một số yếu tố còn chưa được giải thích cặn kẽ và những yếu tố này cho phép chúng ta sửa đổi lại lời lý giải của người khác. Trước khi xuất hiện trong phê bình văn học, hiện tượng này đã có trong các văn bản Phân tâm học, nơi một trường hợp có thể được lý giải bằng hàng chục cách khác nhau. Hơn nữa, chính chúng ta cũng không ngừng thay đổi các cách lý giải của bản thân chúng ta. Bởi vì, không một lời giải thích nào có thể thâu tóm được hết mọi ý nghĩa của một câu nói, một điều tưởng tượng cụ thể.

- Carlo Ginzburg xếp Phân tâm học vào cùng với hệ thống “ký hiệu học” của tri thức như là một hệ thống xây dựng trên sự lý giải các “ký hiệu”, các “dấu hiệu”, hoặc các “dấu tích”, với y học lâm sàng, lịch sử, điều tra hình sự, và ...chú thích văn bản...

Chúng tôi chọn và giới thiệu dưới đây các giả thuyết và quan niệm thực hành mà nhờ có chúng Phân tâm học trở thành một kỹ thuật và lý thuyết mới của sự lý giải.

4. Cách đọc Phân tâm học

* Phê bình văn học Phân tâm học là một kiểu phê bình giải thích

Phân tâm học, hay phân tích tâm lý, là phân tích văn bản. Xuất hiện hàng loạt từ mới để chỉ đặc thù của phương pháp này: “phê bình tâm lý”, “phân tích ngữ nghĩa”, “phân tích văn bản”, “cách đọc ngôn ngữ” v.v...

Hình ảnh trong chiếc thảm: cũng như người thợ thủ công, nhà văn “dệt” văn bản bằng những hình ảnh nhìn thấy được và theo ý muốn của anh ta. Đồng thời, tấm dệt ấy cũng vẽ nên một hình ảnh vô hình mà anh ta không cố ý tạo nên, một hình ảnh ẩn trong các sợi đan, và đó là bí mật của tác phẩm (đối với cả tác giả và độc giả). Đó là cái bẫy đối với sự lý giải, bởi hình ảnh này có ở khắp mọi nơi, đồng thời chẳng ở nơi nào cả. Trên thực tế, có vô số hình ảnh có thể, và văn bản nhìn bề ngoài là kết thúc, trọn vẹn, lại chính là nơi gặp của vô vàn ẩn dụ. Chúng ta có thể liên tưởng đến các bức tranh quang học – những cái bẫy thực sự cho thị giác.

* Phê bình Phân tâm học là sự thực hành đặc thù của sự lý giải

Về điểm này, phê bình Phân tâm học có đặc tính riêng và phải chấp nhận những hạn chế so với các hình thức phê bình khác; ngoài ra, trong mỗi trường hợp cụ thể, nó cần chỉ rõ sự lựa chọn, mục đích và phương pháp của nó.

*Phê bình phân tích là một loại thực hành có tính biến đổi

Sự “thay đổi” này liên quan đến “cấu trúc không phải của tác giả, không phải của tác phẩm, mà là cấu trúc của tác phẩm đã được chọn lọc”. Như vậy là “nhà phê bình bị kẹt giữa chủ thể của tác phẩm được giải thích và người sẽ tiếp nhận sự giải thích ấy”, có nghĩa là giữa nhà văn và độc giả. Ta thấy rõ đây là một tình thế hoàn toàn khác với hiện trạng được thiết lập giữa đi văng và ghế bành.

Chúng ta đã ghi nhận sự khác biệt giữa điều trị bệnh và đọc tác phẩm thể hiện qua các cặp đối lập: lời nói của cá nhân/tác phẩm được công bố; lời nói lộn xộn/tác phẩm được cân nhắc; sự gần có thể cảm thấy được/độ xa cách, thậm chí xa cách trong lịch sử; sự có mặt/sự vắng mặt của các liên tưởng tự do giúp cho việc xây dựng và kiểm tra các lời lý giải. Cần nói thêm là yêu cầu của tác giả đối với người đọc tưởng tượng hay có thực không phải là yêu cầu của người đang được phân tích đối với nhà phân tích tâm lý, và sự chờ đợi của người đọc cũng không phải như sự chờ đợi của nhà phân tích tâm lý...

Càng chú ý đến đặc thù của văn bản văn học, đến đặc thù của quá trình hình thành của nó, đến đặc trưng của các quan hệ liên chủ thể có quanh nó, ta lại càng tự hỏi làm sao có thể áp dụng vào việc đọc tác phẩm một phương pháp gắn liền với hiện trạng đơn thuần phân tích.

II. PHÂN TÂM HỌC VÀ VĂN HỌC

1. Freud và sự phát hiện ra mặc cảm Œdipe.

Ngày nay, có ai là không biết đến nội dung cơ bản của mặc cảm Œdipe: ham muốn loạn luân với mẹ và ham muốn giết cha. Tác phẩm Œdipe làm vua của Sophocle miêu tả rõ ràng sự thỏa mãn các ham muốn đó và sự trừng phạt, cũng là sự giải thoát. Thông qua vở bi kịch đó, Freud xây dựng một quan điểm làm đảo lộn mọi tư duy vốn có về thời thơ ấu, sự hình thành cá tính và ham muốn của con người. Như vậy là tác phẩm viết về một xã hội cổ xưa ấy đã tìm thấy sức mạnh và vị trí không ngờ, vô cùng đặc biệt trong nền văn hóa phương Tây hiện đại. Cũng từ đó, vở bi kịch đó được đọc đi đọc lại và phân tích theo mọi khía cạnh.

Freud đặt bốn yếu tố khác nhau vào trong cùng một mối quan hệ: liên tưởng của các bệnh nhân, liên tưởng của chính ông, Œdipe làm vua và Hamlet. Thông qua những dạng thức khác nhau, ông đã phát hiện ra sự lặp lại của cùng một motif – motif về những ham muốn tình yêu và thù hận đối với cha mẹ.

Trong lời nói đầu cho cuốn Hamlet và Œdipe của Jones, Jean Starobinski tóm tắt quá trình phát triển tư duy của Freud như sau:

- Tôi giống như Œdipe

- Hamlet cũng chính là Œdipe, nhưng bị ức chế

- Hamlet là một kẻ loạn thần kinh chức năng, một kẻ cuồng loạn mà tôi phải quan tâm đến hàng ngày

* Freud đọc Œdipe làm vua.

Freud không đọc bi kịch này một cách có hệ thống. Lời nói đầu của Starobinski là bài nghiên cứu đầy đủ đầu tiên về những gì Freud viết về Œdipe  Hamlet. Sau đây là một số điểm chính trong tư duy lý luận của ông:

- Với Œdipe, Freud phát hiện ra “sự biểu hiện khách quan có tính tập thể”, của ham muốn cá nhân mà ông chia sẻ cùng với các bệnh nhân. “Hệ biến hóa huyền thoại xuất hiện toàn bộ như hệ quả của một giả thuyết mới, như sự đảm bảo cho tính toàn năng của giả thuyết đó”. Tuy nhiên, cần nhớ rằng Œdipe tiếp nhận giá trị toàn năng bất biến này là bởi được chuyển đến ngữ cảnh văn hóa hiện đại: những giấc mơ, triệu chứng, lời nói được phân tích, các tác phẩm nghệ thuật v.v.. tạo nên một mạng lưới mới đảm bảo tính toàn năng của nó.

- Nhân vật bi kịch trở thành biểu tượng cho ham muốn tuổi ấu thơ mà chúng ta đã quên đi. Trong Œdipe, đứa trẻ là nhân vật chính: chính ở đây Freud đã làm thay đổi ý nghĩa của vở kịch...

- Nhân vật bi kịch đồng thời vừa là chủ thể, vừa là đối tượng của sự tìm kiếm, đó là “người tìm kiếm bị kiếm tìm”. Hành động kịch tạo ra quá trình phát triển song song của sự không biết và sự nhận ra, dẫn đến một sự thật không ngờ: kẻ tội lỗi mà ta theo dõi lại chính là ta. Freud tự đồng nhất hóa với Œdipe và đồng nhất Phân tâm học với cuộc tìm kiếm gian khổ sự thật bị giày vò bởi mù quáng, khi ta chạm trán với kẻ lạ trong chính bản thân mình.

Freud cũng tự đồng hóa với Sophocle, bởi ông cũng là người chỉ huy cuộc phiêu lưu của con người luôn tự vấn về sự tồn tại của bản thân, về cội rễ và lịch sử của mình, chỉ khác là ông hành động trong lý thuyết, còn Sophocle – trong tác phẩm.

*Freud đọc Hamlet

Trong Giải thích giấc mơ, Freud đã viết: “Một tác phẩm bi kịch thiên tài khác, Hamlet của Shakespeare, cũng có chung cội rễ như vở Œdipe làm vua (...). Trong Œdipe, các ảo ảnh – ham muốn tiềm ẩn của đứa trẻ được bộc lộ và được thực hiện như trong một giấc mơ. Còn trong Hamlet, chúng bị ức chế và chúng ta chỉ biết đến sự tồn tại của chúng thông qua chứng loạn thần kinh (...) Vở kịch được xây dựng trên cơ sở những do dự của Hamlet khi phải hoàn tất việc trả thù mà chàng là người chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, vở kịch không nói rõ duyên cớ và lý do của những do dự ấy (...) vậy thì cái gì đã ngăn cản việc thực hiện điều mà bóng ma người cha đã giao cho chàng? Cần phải thừa nhận rằng đó chính là do bản thân nhiệm vụ đó. Hamlet có thể hành động, nhưng chàng không thể trả thù kẻ đã ám sát cha chàng và chiếm vị trí của ông bên cạnh mẹ chàng, người đã thực hiện những mong muốn bị nén ẩn từ thời ấu thơ của chàng. Sự ghê tởm vốn đẩy chàng đến trả thù lại được thay thế bằng sự ăn năn và sự đắn đo cân nhắc của ý thức. Chàng có cảm giác rằng nếu suy cho kỹ thì chàng cũng chẳng hơn gì kẻ phạm tội mà chàng định trừng phạt. Đó là tội thể hiện bằng ngôn ngữ của một kẻ có ý thức điều còn nằm trong tâm hồn nhân vật dưới dạng vô thức. Nếu như về sau có người còn nói rằng Hamlét bị loạn thần kinh thì đó chỉ là một trong nhiều hậu quả của cách giải thích của tôi. Sự ghê tởm cuộc sống tình dục được bộc lộ qua các lần nói chuyện với Ophélia cũng phù hợp với triệu chứng này”.

Sau đó, Freud tìm hiểu nguồn gốc nhân vật Hamlet trong cá tính của Shakespeare.

Văn bản này dường như có đầy đủ mọi điểm yếu của “Phân tâm học ứng dụng”: nghiên cứu tâm lý nhân vật, phán đoán lâm sàng, giải thích mà không đọc kỹ tác phẩm, đồng nhất tác giả với nhân vật. Tuy nhiên, ngay cả các nhà nghiên cứu nghiêm khắc nhất cũng không phủ nhận sự đúng đắn của phân tích trên.

Đó là bởi vì Hamlet gắn bó quá chặt chẽ với sự tự phân tích của Freud, dẫn tới việc ông không thể miêu tả cho chúng ta rõ quá trình liên tưởng đã sinh ra cách lý giải này. Bởi Hamlet không chỉ là bệnh nhân tâm thần của Freud, mà về một mặt nào đó, Hamlet còn chính là Freud bị giày vò bởi “chứng bệnh thần kinh” của mình. Theo Freud, Shakespeare đã viết Hamlet sau khi cha ông mất. Mà Freud lại cũng phân tích Hamlet và tự phân tích bản thân mình qua nhân vật này sau khi cha ông mất hơn một năm.

Sự can thiệp của cá nhân vào quá trình lý giải của Freud đã mở ra một trong những lĩnh vực phong phú nhất của việc đọc văn học có áp dụng lý thuyết Phân tâm học: tác phẩm văn học không phải là triệu chứng, cũng không phải là lời nói đang được phân tích; nó mang đến cho chúng ta một hình thức tượng trưng cho một khía cạnh của tâm lý vô thức vốn bị lãng quên.

Cuối cùng, vở bi kịch xây dựng trên cơ sở của sự “quay về với ức chế” (Œdipe) đã giúp chúng ta hiểu một vở bi kịch khác là dựa trên sự ức chế (Hamlet). Nếu như Œdipe là vô thức  một vô thức mà Œdipe là biểu tượng. Ngược lại, Hamlet là bằng chứng của hiện thực Œdipe với tư cách là một nguyên tắc giải thích toàn năng trước khi trở thành “nguyên mẫu” của sự ức chế thần kinh bệnh lý. Điều này đã làm xuất hiện phương pháp nghiên cứu văn bản qua phân tích một văn bản khác.

Như vậy, Œdipe và Hamlet là những “hình ảnh trung gian” giữa quá khứ của Freud và bệnh nhân của Freud (Starobinski). Đồng thời, chúng cũng là những “hình ảnh trung gian” giữa Freud và Freud. Và nếu như chúng là những “đảm bảo cho một ngôn ngữ chung” dần dần đưa vào nền văn hóa của chúng ta một chân lý mới cũng chung cho mọi người, thì chúng sẽ trở thành những “hình ảnh trung gian” giữa Freud và chúng ta, và giữa chúng ta với nhau.

Chức năng trung gian này của văn bản văn học là rất quan trọng; văn bản chỉ có thể thực hiện được điều đó nếu nó là một thực thể sống động, nghĩa là nó được đọc, bởi quá trình đọc ấy là cuộc đối thoại không bị khoảng cách văn hóa và lịch sử làm gián đoạn. Kiểu đọc như vậy bao giờ cũng là “sự phản bội có sáng tạo” (Escarpit, Xã hội học văn học).

III. TÁC PHẨM VĂN HỌC VỚI TƯ CÁCH LÀ ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU

Quy chế của tác phẩm/Quy chế của nhà văn

Cả hai cơ chế này đều chịu những biến hóa đáng ngạc nhiên. Có thể thấy rõ điều đó qua một trang trong tác phẩm Những hoang tưởng và những giấc mơ trong Gravida của Jensen của Freud, trong đó ông khẳng định tính ưu việt của các nhà thơ (các nhà sáng tạo):

“Họ là những bậc thầy của chúng ta trong lĩnh vực nhận biết tâm hồn (...), bởi họ được uống ở những nguồn nước mà chúng ta còn chưa đưa khoa học tới tiếp cận được”.

Đến trang cuối của tác phẩm này, mối quan hệ trên đã bị đảo ngược: chắc chắn là phân tích tiểu thuyết không mang gì đến thêm cho tri thức về giấc mơ của chúng ta; trái lại, nó sẽ mang lại “có lẽ là một nhận xét nhỏ về bản chất của quá trình hình thành thơ ca”. Vậy làm sao có thể dung hòa được hai ý kiến trái ngược trên với quan điểm mà chúng tôi đã trình bày trong chương II (sự bình đẳng  các cách thực hành của văn học và của phân tích tâm lý, nhân danh “sự tương hợp về kết quả” trong sự khác nhau của phương pháp tiến hành)?

Trong thực tế, Freud chuyển từ sự nhún mình đến sự tự chế ngự được, thiết lập các bậc thang phân cấp giữa hai loại tri thức: các nhà văn “bị hạn chế thể hiện”, trong khi đó các nhà phân tích tâm lý “phát hiện”. Có người biết, nhưng lại không hay điều mình biết; nhưng cũng có người sử dụng được tri thức của mình. Trong cuốn sách về Marguerite Duras, Lacan đã tóm tắt mối liên quan có thứ bậc này như sau: “Marguerite Duras biết những gì tôi truyền thụ mà không cần đến tôi”. Ông thán phục “sự tương đồng của các kết quả”, nhưng ông cảm thấy không thể hiểu được tại sao Duras – nhà văn và phụ nữ - lại có thể biết điều mà lý luận phân tích tâm lý còn chưa biết tới. Vậy thì ai sẽ là người nắm quyền quyết định về sự tương đồng này, nếu không phải là nhà phân tích tâm lý, người chủ của chân lý của lòng ham muốn và vô thức?

Theo Freud, nhà phân tích “quan sát có ý thức các quá trình tâm lý không bình thường ở những người khác để có thể từ đó đoán định và phát biểu các quy luật”. Sự tự phân tích bị xóa bỏ: có nhà khoa học và một người khác, đối tượng của tri thức. Nhà nghệ sẽ bị hạn chế bởi sự tự nhận biết: “qua bản thân mình, anh ta nhận biết những gì mà chúng ta phải nhận biết qua người khác”. Sự cạnh tranh ngầm này đem lại cho nhà thơ một vị trí không rõ ràng giữa người thầy thuốc và bệnh nhân.

Trong trường hợp này, “hiện tượng văn học bằng con đường tương tự” (qua lời nói của người bệnh và của người phân tích) “rơi vào tình trạng nực cười giữa bệnh lý và y học” (Mehlman, Giữa Phân tâm học và phê bình tâm lý). Hiện tượng văn học thậm chí còn có thể bị mất đi giữa hai lĩnh vực đó: khi đó, mỹ học không còn là công việc của tượng trưng, mà là bức màn che đậy sự thật, vì vậy sự thật được phó mặc cho các nhà mỹ học. Trong cuốn Gravida, Freud đề cập tới “nghiên cứu tâm thần” và biểu hiện của xung đột tâm lý không được biết tới của tác giả. Như vậy, trong mọi trường hợp, văn học trở thành kho chứa tư liệu y học vô tận.

Sự phục tùng của tác phẩm văn học đối với tri thức Phân tâm học có xu hướng trở thành quy luật: chỉ tri thức Phân tâm học mới có thể phát hiện ra phần sự thật có trong tưởng tượng, hư cấu. Một nhánh của phê bình hoạt động theo mô hình này, nghĩa là dựa vào một số quan niệm của một ngành khoa học khác để lý giải và phán xét văn bản văn học dưới lý do đó là “khoa học” về vô thức. “Phân tâm học ứng dụng” có mặt trong tất cả các chương trình của các Hội phân tích tâm lý, kể cả trường phái Lacan. Trên phương diện này, Phân tâm học, cũng giống như các khoa học xã hội khác, có quan hệ nước đôi với văn bản văn học: văn bản được coi như một cách tiếp cận dựa vào kinh nghiệm (nghĩa là tương đối) một chân lý hoặc một mô hình là sản phẩm của lý thuyết.

Tóm lại, cần phải chấp nhận sự tồn tại đồng thời của nhiều cách phê bình khác nhau. Tuy nhiên, ta luôn luôn phải nhớ đến hai vấn đề sau: Chúng ta áp dụng một phương pháp mà không định trước kết quả nghiên cứu, hay là sẽ mang các quan niệm có sẵn từ “khoa học” vào phê bình? Ta có còn coi lao động văn học như là một lao động biểu tượng hóa nữa hay không?

Phương Thủy và Phương Ngọc trích dịch

từ bản tiếng Pháp: D.Berger và những người khác,

Dẫn luận các phương pháp phê bình để phân tích văn học,
(Introduction aux méthodes critiques pour l’analyse littéraire)

Bordas, 1990, tr.41-83.

Nguồn: https://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/phe-binh-phan-tam-hoc

Thông tin truy cập

60518136
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
9647
12997
60518136

Thành viên trực tuyến

Đang có 245 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website