Vào những năm học cuối bậc phổ thông (1980-1981), tôi đã biết tên thầy qua mục Thường thức văn học trên báo Văn Nghệ TP.HCM do thầy phụ trách. Những bài viết ấy gieo trong lòng chúng tôi ấn tượng ban đầu về những khái niệm và quan điểm lý luận văn học còn khá mới mẻ đối với phần đông học sinh, sinh viên miền Nam lúc bấy giờ.
Đến khi vào đại học, tôi được thầy Lê Đình Kỵ trực tiếp giảng dạy ba chuyên đề. Thời đó, cả nước đều nghèo, các thầy đứng lớp rất giản dị nhưng khá tinh tươm. Còn ở thầy lại có vẻ bình dân thái quá: áo sơmi trắng cộc tay hơi nhàu, quần tây bạc màu, sờn gấu, chân mang dép cao su, và... chưa ai thấy thầy bỏ áo vào quần bao giờ.
Thầy vào lớp trong nhịp thở của người sau mấy cây số đạp xe gấp gáp để đến kịp giờ với đám học trò. Thầy không giảng mà nói, nói một cách chậm rãi, khó nhọc, đôi khi rời rạc, đứt quãng về những điều thầy từng nghiền ngẫm trong nhiều năm, những điều thầy đã viết ra thành sách. Hình như không phải thầy nói lại điều đã biết, đã thuộc mà nói về những điều thầy đang nghĩ, đang tư duy.
Bởi chưng hay... nhớ cũng là hay... quên
Trong giới nghiên cứu cũng như sinh viên, có nhiều giai thoại về sự “đãng trí bác học” của thầy Lê Đình Kỵ. Thực hư thế nào cũng khó xác định, nhưng tất cả đều hướng tới một ý chung: thầy quá say mê công việc, luôn dồn hết tâm lực cho văn chương, học thuật. Một giáo sư đồng nghiệp nhỏ hơn thầy độ 5-7 tuổi từ Hà Nội vào thỉnh giảng, sau một hồi trò chuyện, bất chợt thầy thân mật hỏi thầy ấy rằng: “Thế cậu đã có gia đình chưa?” khiến bọn giảng viên trẻ chúng tôi ngồi cạnh chỉ biết cười trước hai vị giáo sư đầu bạc khả kính.
Lần khác, thầy đến tòa soạn tạp chí Kiến Thức Ngày Nay gửi bài, lúc về lại lấy nhầm xe của nhà thơ Phan Hoàng, mà xe của nhà thơ sinh viên này có lành lặn gì, thế là thầy càu nhàu xe hôm nay sao dở chứng, rồi đem sửa mất mấy trăm ngàn đồng…
Còn cái sự nhớ của thầy Lê Đình Kỵ, những ai từng đọc sách thầy, từng làm công việc nghiên cứu cũng đều nể phục. Sự hiểu biết, trí nhớ của thầy bao trùm một diện rất rộng, từ triết học, văn học phương Tây đến văn học dân gian, văn học cổ điển, văn học hiện đại của dân tộc, chỗ nào thầy đề cập đến cũng đều xác đáng và tin cậy được. Đọc Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực hoặc Thơ mới - những bước thăng trầm, có thể thấy dù ghi chép tỉ mỉ đến mấy nhưng nếu không có trí nhớ tốt, không thuộc, không sống hết mình với những áng văn chương đó thì khó mà dẫn dắt, lồng ghép một cách nhuần nhị, tự nhiên đến vậy.
Không phải không có lý khi GS Nguyễn Văn Hạnh nhận xét: “Với sự nhạy cảm và tinh tường quý hiếm ở một nhà nghiên cứu, Lê Đình Kỵ thật sự là một người đồng sáng tạo trong tìm hiểu các giá trị thi ca, giá trị văn chương, mà anh đã dành nhiều thời gian để suy ngẫm, chiêm nghiệm, phát hiện những vẻ đẹp mới và giới thiệu với mọi người một cách hứng thú và xúc động”.
Thật ra thầy nhớ những điều đáng nhớ và quên những điều đáng quên! Sự nhớ và quên của thầy nếu chưa đem lại “đóng góp” gì cho khoa học thì cũng không làm người khác rơi vào tình thế thiệt thòi, khó xử.
Mà trong lẽ phải có người có ta
Đó là thái độ và cách ứng xử của thầy Lê Đình Kỵ trong học thuật và với người đời. Trong cuộc đời giảng dạy nghiên cứu của thầy xảy ra không ít tình huống khắc nghiệt, gian nan. Ấy là khi thầy tham gia thảo luận tập thơ Từ ấy của Tố Hữu (1959-1960), xuất bản cuốn Phương pháp nghệ thuật (1962-1963), viết bài về chủ nghĩa nhân đạo trong văn học (1970)… và bị phê phán, quy chụp rất nặng nề.
Những sự kiện dữ dội như thế trong một đời người khó ai có thể lặng im, nhất là khi cùng với độ lùi của thời gian, với sự phát triển của tư duy và học thuật, chân lý càng ủng hộ mình; nhưng thầy tuyệt nhiên không nhắc tới, dù trong bài giảng ở lớp hay lúc tâm sự ngoài đời.
Đối với các thế hệ học trò, thầy vừa nghiêm khắc, đòi hỏi cao về học thuật, nhất là về chuyện viết lách nhưng đồng thời cũng rất khoan hòa, độ lượng, hết lòng giúp đỡ trong nghề nghiệp và cuộc sống. Nếu như trong phê bình thơ, thầy có công phát hiện và động viên kịp thời những Phan Thị Thanh Nhàn, Xuân Quỳnh, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Duy, Phạm Tiến Duật, Lê Anh Xuân, Thanh Thảo… mà sau này họ trở thành những nhà thơ có tên tuổi thì trong đào tạo, những người được thầy dìu dắt và đánh giá cao, nay đều thành danh cả, như PGS Huỳnh Như Phương, PGS Nguyễn Thị Thanh Xuân, PGS Lê Tiến Dũng…
Con tằm đến thác hãy còn vương tơ
Cả đời thầy gần như gắn bó trọn vẹn với cái duyên, cái nghiệp văn chương. Thầy tận tụy, đam mê cày bừa như một lực điền trên cánh đồng văn học bao la để đem lại hoa trái cho đời. Ở lĩnh vực phê bình, với cuốn Đường vào thơ (1969) và hai tập Trên đường văn học (1995), thầy chứng tỏ được tư duy và năng lực phê bình thơ của mình như một phong cách lịch lãm, tinh tế, mượt mà.
Ở lĩnh vực nghiên cứu, thầy có hai chuyên luận Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực và Thơ mới - những bước thăng trầm thật đặc sắc, đã trở thành những thách thức không dễ vượt qua đối với các thế hệ nghiên cứu. Ở lĩnh vực lý luận, với những công trình như Cơ sở lý luận văn học tập 4, Cơ sở lý luận văn học tập 5, Nguyên lý văn học, Phương pháp sáng tác… thầy được giới chuyên môn xếp vào hàng giáo sư đầu ngành của lý luận văn học Việt Nam…
Khi về hưu, thầy vẫn quan tâm đến văn chương, đến học trò qua những trang sách, báo, luận văn, luận án thầy đọc dang dở trên bàn. Đã hơn hai năm nay thầy bệnh nặng, gần như không đi lại được, trí nhớ giảm sút đáng kể. Những học trò, đồng nghiệp vẫn đến bên thầy. Trong tâm khảm của thế hệ chúng tôi, thầy vẫn luôn là một nhân cách trong sáng, thanh cao, lão thực không dễ gì thay thế.
Nguồn: http://www.tuoitre.com.vn/TIANYON/Index.aspx?ArticleID=287745&ChannelID=13