Ba tác phẩm lớn nhất của Nguyễn Xuân Khánh công bố đầu thế kỷ 21 là Hồ Quý Ly (2000), Mẫu thượng ngàn (2006), Đội gạo lên chùa (2011).
Tôi quen biết nhà văn Nguyễn Xuân Khánh từ đầu những năm 1980. Khi ấy đã không còn là Xuân Khánh của các truyện trong tập Rừng sâu (1963), không còn là cây bút đã hào hứng theo chân anh lính chạy bộ suốt đêm từ bến xe Kim Mã lên trả phép đơn vị đóng ở phía trên thị xã Sơn Tây (Một đêm, 1958).
Trên thực tế những năm 1970 - 1980 ấy, vợ chồng anh đang phải cật lực kiếm sống! Dính vào một tai họa từ trên trời rơi xuống, anh bị xã hội cán bộ gạt ra rìa; suất lương “hưu non” không đủ nuôi bản thân, mà vợ chồng anh có cả một đàn con!
Bạn bè kể có lúc anh phải đi bán máu, đi gác kho, đánh xe bò, rồi làm nghề may, rồi nuôi heo... làm khá nhiều nghề để nuôi sống gia đình. Trong số những nghề anh làm hồi ấy vẫn có nghề cầm bút, trước tiên là những tài liệu được thuê dịch, sau nữa vẫn có những trang viết mà tác giả chưa biết lúc nào có thể công bố, chỉ đưa đọc trong giới hẹp dăm bảy bạn bè.
Tôi được đọc mấy tác phẩm anh viết những năm cuối 1970 đầu 1980 ấy, nhận thấy một nhà văn Xuân Khánh khác - đang đi tìm chất liệu sáng tạo cho một văn chương kiểu khác. Thay vì kiểu dạng “con người mới” từng thể hiện trước kia, giờ đây anh thể hiện kiểu người thất bại, không thích nghi được với hoàn cảnh, dù đeo đuổi cái đẹp và cái thiện nhưng lại bị cấm đoán, săn đuổi, trừng phạt. Tác giả dành cho kiểu “người thừa” này cái nhìn cảm thông, hơn nữa, đòi hỏi khoan dung, đòi hỏi đổi mới cách nhìn con người và đời sống xã hội.
Đầu thời đổi mới, Nguyễn Xuân Khánh trở lại văn đàn bằng việc thử công bố một trong hai tác phẩm anh viết trong những năm cam go nhất kể trên, để cảm nhận được dù dư luận chê vẫn lấn át nhưng cạnh đó đã có lời khen!
Rồi nhà văn không tiếp tục dòng viết phản kháng ấy nữa, mà chuyển trọng tâm sáng tác sang hướng tìm về dân tộc. Bên cạnh các bản dịch khá nhiều tác phẩm của các nhà văn và tác giả nước ngoài, như George Sand, Nathalie Sarraute, Marguerite Yourcenar, Tahar Ben Jelloun, Elisabeth Badinte, Jules Verne, Gustave Le Bon, Anne Françoise Loiseau, và một số tập truyện cho thiếu nhi, ba tác phẩm lớn nhất của Nguyễn Xuân Khánh công bố đầu thế kỷ 21 là Hồ Quý Ly (2000), Mẫu thượng ngàn (2006), Đội gạo lên chùa (2011).
Tiểu thuyết Hồ Quý Ly được xem như mốc đánh dấu việc Nguyễn Xuân Khánh trở lại với đời sống văn học, với giới văn học, với công chúng rộng; tác phẩm nhanh chóng giành được sự thừa nhận rộng rãi, được đánh giá cao, được giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết (1998 - 2000) của Hội Nhà văn Việt Nam và nhiều giải thưởng khác. Tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn (2006) cũng được đánh giá rất cao. Tiểu thuyết Đội gạo lên chùa (2011) cũng giành được sự chú ý tương tự.
Có thể nói, trong mười năm kể từ lúc công bố tiểu thuyết Hồ Quý Ly, Nguyễn Xuân Khánh trở thành tiểu thuyết gia hàng đầu của văn xuôi Việt Nam đầu thế kỷ 21. Ba cuốn tiểu thuyết này cũng đã trở thành đề tài khảo sát cho nhiều bài phê bình nghiên cứu, trở thành đề tài của nhiều luận văn đại học và sau đại học.
Tiểu thuyết Hồ Quý Ly viết về cuộc sống và con người Việt ở thời trung đại, tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn viết về cuộc sống và con người Việt ở thời cận đại, tác giả hầu như không vướng bận gì với cung cách miêu tả con người mà mình đã từng sử dụng thời viết Rừng sâu.
Nhưng đến Đội gạo lên chùa, viết về cuộc sống và con người Việt những năm 1946 - 1980, tác giả buộc phải đối mặt nhiều nhất chẳng những với cách tô vẽ mô hình “con người thời đại” chính mình từng thông thạo, mà còn là sự thử thách của tâm thế “nhà văn cán bộ”, “nhà văn quân nhân” nói chung mà chính mình một thời đã từng sống và viết trong nó.
Ở điểm này, có thể nhận thấy là Nguyễn Xuân Khánh đã tìm được rất nhiều cách xử lý cụ thể về cốt truyện, về nhân vật, về chi tiết, về từng góc độ thể hiện mà nét chung nhất là tập trung soi rọi khía cạnh con người với niềm tin tôn giáo, người dân Việt với ngôi chùa, với đạo Phật.
Nhân vật người bộ đội - vốn là nhân vật thường xuyên dưới tay bút Nguyễn Xuân Khánh thời viết Rừng sâu - đã xuất hiện trở lại trong Đội gạo lên chùa nhưng là với dáng nét riêng biệt, khác biệt, không trùng hợp với hình ảnh người bộ đội trong văn thơ viết theo đề tài chiến tranh cách mạng quen biết nói chung.
Là tiểu thuyết lịch sử, đề cập các sự kiện ở miền Bắc Việt Nam từ đầu kháng chiến chống Pháp đến kết thúc chiến tranh chống Mỹ, tác giả Đội gạo lên chùa rất dễ lặp lại một sơ đồ sự kiện có sẵn.
Nguyễn Xuân Khánh đã tự giải thoát khỏi áp lực của sơ đồ ấy để giữ cách nhìn riêng, trình bày hiểu biết riêng về các sự kiện lịch sử mà chính tác giả từng trải nghiệm, trong đó có những sự kiện đến nay vẫn còn bị coi là nhạy cảm, ví dụ cải cách ruộng đất hay hợp tác hóa nông nghiệp, sự kỳ thị đến mức đồng nhất niềm tin tôn giáo với mê tín dị đoan...
Nhìn chung Nguyễn Xuân Khánh thời kỳ viết ba cuốn tiểu thuyết này tỏ rõ mình là một công dân Việt Nam viết văn, không còn là “nhà văn cán bộ”. Các tác phẩm của ông giành được sự thừa nhận giá trị bởi dư luận văn học, kể cả dư luận chính thống.
Điều này cho thấy ở dư luận văn học chính thống của ta đã có những biến chuyển nhất định, mặc dù còn nhiều xa lạ, thậm chí đối lập các luồng dư luận khác, chứ chưa hoàn toàn trở thành dư luận “vô tư” của công chúng trong một xã hội dân sự trưởng thành.
Năm 2016, sau khi được bạn bè trong giới văn học và xuất bản tận tình giúp sức để công bố được tác phẩm tâm đắc nhất đời văn của mình dưới phiên bản Chuyện ngõ nghèo, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh tuyên bố từ giã nghiệp viết.
Quả thật, trong đời văn, Nguyễn Xuân Khánh đã đạt đến những thành tựu lớn, chứa đựng những giá trị lâu dài không dễ bị vượt qua. Ông có quyền yên nghỉ!■
Lại Nguyên Ân
Nguồn: Tuổi trẻ cuối tuần, ngày 22.6.2021.