Trở lại vấn đề trung tâm – ngoại vi

Bài viết “Văn học nhìn từ lý thuyết trung tâm – ngoại vi” (Văn nghệ, s. 28/2013), của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Dân, theo tôi, có những kiến giải thiên lệch về chính cặp phạm trù được đưa ra lý giải. Bởi vậy tôi thấy cần thảo luận thêm.

Trước hết, theo tôi, Nguyễn Văn Dân đã lầm lẫn khi đánh đồng cặp phạm trù “văn học – cận văn học” với cặp “trung tâm – ngoại vi”.

Đúng là ở từng thời đại và từng cộng đồng văn học cụ thể, luôn có những thể tài được xem là chủ yếu, lại có những thể tài chỉ được xem là ngoài lề; chẳng hạn ở văn học trung đại Việt Nam, hệ thể tài văn-thơ-phú-lục bằng chữ Hán, được xem là chính yếu; bước sang thời cận đại và hiện đại, hệ thể tài thơ - tiểu thuyết - kịch nói - phê bình bằng chữ Quốc ngữ, theo mô hình các nền văn học Âu Mỹ đương thời, trở thành hệ thể tài chủ đạo. Đồng thời, những thể tài phi hư cấu như nhật ký, thư từ, hoặc các thể tài hư cấu như truyện võ hiệp, sách trinh thám, v.v. thường được coi là “cận văn học” (paralitterature) luôn luôn có xu hướng đòi trở thành các thể tài chủ đạo. Đây là những vấn đề về sự phát triển loại hình loại thể văn học, ở đó yêu cầu da dạng hóa, dân chủ hóa, đòi bình đẳng giữa các thể tài cũng luôn luôn là những nhu cầu thường trực.

Tuy vậy, “văn học – cận văn học” không phải là nội hàm chính của vấn đề “trung tâm – ngoại vi”. Theo tôi, “trung tâm – ngoại vi” trong văn học nghệ thuật chủ yếu là ở định hướng giá trị, và kèm theo đó là quy chế xã hội (social status) của các hiện tượng đó.

Hãy nhìn vào ví dụ xưa nhất người ta tìm được: hiện tượng ngoại vi vào loại triệt để nhất trong đời sống văn hóa châu Âu là phái Cynisme, bắt đầu từ Antisthène (khoảng 450-360 tr. CN); chỉ cần biết cái nghĩa dịch ra tiếng ta tên phái đó – “Vô Liêm Sỉ” – là có thể hình dung cái ý thức đối lập quyết liệt của phái ấy đối với các truyền thống triết học và đạo đức đương thời, hoặc ngược lại, sự miệt thị triệt để của quan niệm truyền thống đối với phái ấy.

Tất nhiên, trong những giới hạn nhất định của các nền văn học dân tộc ở những thời đoạn nhất định, “trung tâm – ngoại vi” cũng có những diện mạo cụ thể.

Hãy trở lại với đời sống văn học Việt Nam Dân chủ Cộng hòa những năm 1945-1976, hay hẹp hơn, đời sống văn học miền Bắc những năm 1955-75. Được tập trung nghiên cứu và đề cao ở văn học Việt Nam trước 1945 là gì? Chính là những gì được gọi chung là “văn học cách mạng”. Biết bao nhiêu nhà nghiên cứu, nhà giáo ở những trung tâm lớn như Viện văn học, như hai khoa Văn hai trường đại học Tổng hợp và Sư phạm Hà Nội… đã tập trung đọc, tìm tòi, nghiên cứu, phân tích, thảo luận về các tác giả tác phẩm thuộc mảng này. Hầu hết các nhà xuất bản chuyên về văn học như Nxb. Văn học, Nxb. Văn hóa, Nxb. Khoa học xã hội, v.v. đã dành các công trình xuất bản lớn, tuyển tập lớn, đổ dồn vào khu vực được gọi là “văn học cách mạng 1930-1945”. Mà mảng văn học ấy, ngay đương thời, ngay khi ra đời, chúng là gì? Chính là các hiện tượng “ngoại vi”!

Chính thế, ở văn học công khai trước 1945 hầu như không có sự hiện diện của các tác phẩm của mảng văn học ấy, trừ một vài thời điểm đặc biệt, coi như ngoại lệ (ví dụ việc xuất bản năm 1938 cuốn Ngục Kon Tum của Lê Văn Hiến). Trong sự quản lý của chính quyền trước 1945, chỉ có sự tồn tại của “văn học hợp pháp”, tất nhiên đó là “văn học công khai”, chứ không hề có khái niệm “văn học cách mạng”. Trong cái không khí mà hai từ “cách mạng” không đến nỗi quá mắc mỏ, người ta đã dùng nó mà mệnh danh cho một vài hiện tượng nổi lên đương thời, chẳng hạn Hoài Thanh vào năm 1941 đã gọi phong trào thơ mới khởi từ 1932 là “một cuộc cách mệnh về thi ca” (Thi nhân Việt Nam 1932-1941, Huế, 1942). Nếu biết trước rằng chữ “cách mạng” sẽ có hàm nghĩa khác và cao giá ra sao sau đấy dăm năm, hẳn Hoài Thanh đã không dám viết như thế!

Đến những năm sau tháng 8/1945, nhất là từ 1955, những gì được quy vào “văn học cách mạng” đều được nhất loạt đề cao. Người ta đi tìm ở các lưu trữ cá nhân, sổ tay cá nhân, lục ra từ các đống giấy cũ, từ trí nhớ những tác giả hoặc những công chúng nào đó, v.v. để khôi phục những văn những thơ những kịch rồi đưa nó vào các loại sơ tuyển, hợp tuyển, tinh tuyển… Đó là hoạt động lập quy chế (xã hội) mới cho một mảng văn thơ mà trước đấy chỉ là những hiện tượng ngoại vi. Rõ ràng, toàn bộ những gì được ngành nghiên cứu hàn lâm những năm 1960-70 ở miền Bắc xếp vào “văn học cách mạng”, đều là văn chương ngoại vi trong thời của nó, tức là thời 1930-45, khi nó hầu như không có mặt trong các xuất bản phẩm hợp pháp, công khai.

Bên cạnh loại “di sản ngoại vi” được đẩy vào trung tâm về giá trị ấy, trong đời sống văn nghệ miền Bắc những năm 1955-75 còn có hiện tượng “ngoại vi hóa” bất đắc dĩ của một số tác giả nhất định, do số phận run rủi.

Thứ nhất, những nhà văn từng sống và viết ở “vùng tề” trước 1954 không được coi là có liên lạc với kháng chiến; trong số này có những Hồ Dzếnh, Ngân Giang, Ngọc Giao, Hoàng Công Khanh, v.v. Số này rất khó được đăng tác phẩm trên các báo, tạp chí “chính quy” như Văn nghệ, Văn học, Tạp chí Văn nghệ, Văn nghệ quân đội, có người chỉ còn viết cho mình, không để (vì không thể) đăng tải, có người tìm cách “lách” trong những đề tài hiếm người viết mà lại được khuyến khích (viết về công nhân, về người tốt việc tốt, v.v.).

Thứ hai, những nạn nhân các vụ án chính trị như Nhân Văn – Giai Phẩm, “nghị quyết IX”, … Số này thường bị treo bút có thời hạn (3 năm) nhưng trên thực tế bị kéo dài (thành 30 năm). Họ đành viết mà không hy vọng được công bố.

Ta hãy nhớ, chẳng hạn, tập thơ Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm được viết xong từ năm 1960, tuy được nhiều người trong công chúng và giới văn chương biết đến (theo cách truyền tay chép tay), nhưng mãi đến 1991 mới được tháo ra một số đoạn, lắp vào với những bài khác để được in trong tập Mưa Thuận Thành, rồi phải 4 năm nữa toàn văn Về Kinh Bắc mới xuất hiện lần đầu dưới dạng sách in. Hoặc trường hợp tập thơ Mùa sạch (in 1998), tiểu thuyết Những ngã tư những cột đèn (in 2010) của Trần Dần đều nằm trong những bản thảo “nằm” im lặng suốt hàng chục năm của tác giả.

Bên trên tôi nói tính chất ngoại vi được bộc lộ ở định hướng giá trị và quy chế xã hội của hiện tượng. Ở hai loại tác giả “ngoại vi” kể trên trong đời sống miền Bắc những năm 1955-75, tình trạng bị đẩy ra ngoại vi là “mặc định” về tác giả trước khi là về định hướng giá trị của tác phẩm. Ví dụ Về Kinh Bắc, tuy hướng tìm tòi có khác phần lớn các nhà thơ được hưởng quyền đăng báo in sách đương thời, vốn đang chìm ngập trong các đề tài vào hợp tác xã, đề tài công nhân, rồi nhớ quê Nam, căm Mỹ-Diệm, v.v., song tập thơ Hoàng Cầm, trên hướng tìm các giá trị nhân bản cũng như thẩm mỹ, dù sao cũng đã không đi quá xa; tức là nếu “giá như” tác phẩm không gắn với tác giả có cái tiểu sử tai ách nhường kia thì chắc đã sớm được in (!?). Nhưng rồi chuyện “ai là tác giả” đã quyết định tất cả! Đến khi được in, sau nửa thế kỷ, mọi thứ đã “nguội”, chất ngoại vi “cựa quậy”, “giãy giụa” chỉ còn bảng lảng.

Tuy vậy, về lý thuyết, chất “ngoại vi” triệt để bao giờ cũng khó chấp nhận, xét từ các chuẩn mực thông thường, bình thường. Thì cái di sản “văn học cách mạng” kể trên đã chẳng là một minh chứng đủ rõ rồi sao? Văn chương ấy kêu gọi lật đổ chế độ phong kiến thực dân nên nhà cầm quyền thực dân phong kiến đương thời đã không cấp giấy phép cho ra đời những văn thơ đó, và hoạt động chính trị của những tác giả đó thì bị ngăn chặn, bằng luật pháp, bằng bạo lực. Những văn thơ đó đã sống bằng ấn loát và phát hành bất hợp pháp, bằng in li-tô, in đá, bằng chuyền tay viết tay…

Ngày nay nhìn lại, có thể thấy rõ ràng là nhà cầm quyền đương thời (thực dân ngoại quốc hay quân chủ bản địa) đã thiếu khoan dung trong tiếp cận mảng văn chương kể trên và các tác giả của nó. Rất thiếu! Bởi “giá như” họ đủ khoan dung trước những cực đoan của dân bản xứ đương thời, có lẽ chúng ta đã có một hiện tại khác!

Quả thật, đối với những hiện tượng văn hóa, văn học “ngoại vi”, thì đòi hỏi về khoan dung phải rất lớn, rất cao.

Chữ tolérance mà dịch ra tiếng Việt là “khoan dung” thì quả cũng có chỗ bất nhẫn, là vì nó không xóa hết được cái vẻ hạ cố, ban phát ân huệ của kẻ thực thi cái hành động thể hiện cái thái độ được gọi là tolérance. Còn nhớ có hồi UNESCO lấy một năm nào đó làm “năm tolérance”, ở ta mấy học giả ngồi luận về tolérance với nhau trên tivi mà hình như không có gì lọt được vào tai công chúng cả! Trước đây độ dăm năm, tôi với Vương Trí Nhàn từng bảo nhau nên dịch chữ này là “chấp nhận”, “chịu đựng”.

Không chỉ là tha thứ hay dung thứ, thái độ khoan dung (đành dùng chữ này vậy) là thái độ chấp nhận, chịu đựng trước mọi cái khác lạ, dị biệt của kẻ khác.

Mà những tố chất “triệt để ngoại vi” thì quả thật, bao giờ cũng quá đáng quá thể, rất khó chấp nhận đối với mọi chuẩn mực thông thường!

Các xã hội châu Âu phát triển sớm, người châu Âu có kinh nghiệm hơn ta về những vấn đề gai góc loại này.

Chẳng hạn, di sản văn học của De Sade (1740-1814) đến đầu thế kỷ XX được nghiền ngẫm lại, được biện hộ: vấn đề không chỉ là nhu cầu tự do vô hạn về tình dục, bạo dâm hay khổ dâm, không chỉ là dám sống vô luân, phi đạo đức, mà vấn đề là khát vọng thử nghiệm, thử thách óc hiếu kỳ và sự nhận thức, bằng bất cứ giá nào và trong bất kỳ lĩnh vực nào, kể cả những lĩnh vực bị coi là cấm đoán, – ấy là điều Thomas Mann nhận ra, qua lời một nhân vật tiểu thuyết của ông.

Tính ngoài lề, tự do phóng túng của nghệ sĩ là điều được ghi nhận ở khắp thế giới qua mọi thời đại. Nếu những vẻ “dị biệt”, “khác đời”, “lạ kiểu” chỉ phần nào cho thấy các thói tật đời thường thì trong thực chất của các sáng tạo, giới văn nghệ sĩ tự trong thâm tâm bao giờ cũng đánh giá cao tính chất “nổi loạn”, chống lại những khuôn sáo tư duy, những quan niệm thông tục đã được thừa nhận. Mà đã qua rồi cái thời (hiện đại) ở đó “cái biểu đạt” dường như tương thông ổn thỏa với “cái được biểu đạt”! Đến thời được gọi là hậu hiện đại này, chính ngôn ngữ đã bị hoài nghi: người ta ngờ rằng nó đã bị quy định sẵn những chữ những câu chỉ thể hiện cái ý thức thống trị, nó buộc ta phải tư duy chỉ bằng những khái niệm đã bị biên tập, bị điều chỉnh cho hợp với ý thức hệ! Con đường chống lại ý thức “chuyên quyền” chỉ còn là ở lĩnh vực vô thức! – Đó là quan niệm của một nhóm nhà phê bình Pháp, trước hết là Julia Kristéva.

Một tác gia Pháp khác, Michel Foucault (1926-84), đem gắn vấn đề “ý thức thẩm mỹ phá hoại” của nghệ sĩ ngoại vi, với vấn đề về tính ngông cuồng của con người. Vấn đề là dường như trong bản chất, con người vốn có tính ngông cuồng, điên khùng, mà ở văn học nghệ thuật lại dường như bộc lộ rõ nhất những “cái khác lạ” vốn là sản phẩm tinh thần của những người vừa điên khùng lại vừa tinh anh kia! Thế nhưng, theo Foucault, chính thái độ đối với tính ngông cuồng này lại là cái có thể dùng để kiểm nghiệm ý nghĩa của tồn tại nhân loại, kiểm nghiệm trình độ của văn minh, kiểm nghiệm khả năng tự nhận thức – tức là khả năng hiểu biết, khả năng nhận biết vị trí của mình trong văn hóa, khả năng làm chủ những cấu trúc ngôn ngữ đang thống trị, và tương ứng với nó, khả năng chiếm giữ quyền lực. Nói cách khác, theo Foucault, thái độ cư xử của con người đối với kẻ “điên điên khùng khùng” lại là thước đo tính nhân bản và sự trưởng thành của chính con người.

Tác phẩm văn học, dù có chất “ngoại vi” ở mức triệt để, thì dù sao, nó cũng chỉ là một sản phẩm ngôn từ, dệt bằng câu chữ và tồn tại qua câu chữ. Đó không phải bom A hay bom H hay vũ khí hóa học! Kinh nghiệm nhân loại cho thấy, những sáng tạo có ý nghĩa có giá trị thì may ra sẽ có thể còn lại, ngoài ra, mọi sản phẩm ít ý nghĩa hoặc chỉ có ý nghĩa nhất thời đều sẽ mau chóng bị lãng quên. Nghĩa là không cần dùng tới sức cưỡng chế hành chính đối với các sản phẩm văn hóa; tự nó xuất hiện, gây hoặc thậm chí không gây tác động gì tới công chúng, rồi sẽ nhanh chóng biến đi trong dòng thời gian. Vấn đề chỉ là người ta lo ngại quá mức về tác động của nó, – chính lo ngại này sẽ dẫn tới những can thiệp nóng vội, mà can thiệp thì lại như đổ thêm dầu vào lửa! Ở phương diện này, hiểu biết về tinh thần khoan dung sẽ là chìa khóa cho những ứng xử biết điều hơn, phải chăng hơn.

Trong bài viết của mình, Nguyễn Văn Dân có vài ba chỗ nhắc đến “khoan dung”, nhưng trong ứng xử cụ thể, có thể thấy là ông còn khá hẹp hòi. Về lý thuyết, ông vẫn khăng khăng: “Cách nói ngoại vi hóa thì không phải là diễn ngôn phù hợp với xu thế khoan dung trong toàn cầu hóa văn hóa ngày nay”! Ô hay sao thế? Khoan dung là chấp nhận; thế thì vì sao trước những nỗ lực tạo ra bản sắc, tạo ra những nét riêng biệt (nỗ lực ngoại vi hóa chung quy là thế!), người ta lại không nên gọi tên nó ra, chỉ vì làm thế sẽ động chạm đến cái đức khoan dung? Hóa ra là để giữ lấy vẻ khoan dung thì ta lại đừng nên khoan dung thật sự? Cái lý của Nguyễn Văn Dân nó cong hay nó thẳng đây?

Tôi nghĩ, khoan dung cần trở thành chính sách ứng xử đối với mọi hiện tượng con người, trước hết là những hiện tượng văn hóa văn nghệ.

Còn nhớ, trên tờ Thể thao văn hóa quốc tế (tiền thân của Thể thao & Văn hóa hiện nay) tôi đã được đọc loạt bài về các hiện tượng văn nghệ ở Mỹ như phong trào nhạc Jazz, hoặc Rock and Roll, cho biết những phong trào này ban đầu thường có chút màu sắc chính trị, liên quan đến những bi phẫn về thân phận người da đen chẳng hạn. Nếu bị cấm đoán hay đàn áp, chắc chắn sẽ nảy nở thành các phong trào chống đối. Thế nhưng nhà cầm quyền đã không làm như vậy; thành thử đó chung quy chỉ là những phong trào nghệ thuật; chút màu sắc chính trị thời đầu chỉ còn như âm hưởng xã hội kèm theo rất nhiều đặc điểm và thành tựu khác của những dòng nhạc này.

Đây, tôi nghĩ, là cả một bài học.

Mọi hiện tượng văn hóa nghệ thuật, nếu có ý nghĩa, thì khởi đầu thường phải được kích thích từ những nỗi niềm thật, bi phẫn thật, bức xúc thật. Mọi giả tạo đều rất chóng nhạt phai, tàn lụi. Vấn đề là tầm nhìn xa của người quản lý. Cấm đoán khi hiện tượng mới manh nha thì dễ thôi, nhưng cũng nên coi đấy như là cách đổ thêm dầu…

Có lẽ nào không còn cách khác?

Vả chăng, thử ngẫm xem, trong hiện tượng rắc rối mới nhen nhóm kia biết đâu không có dù chỉ một phần ngàn của lẽ phải, của đạo lý, vốn là lý do để người ta sống chết vì nó?

22/7/2013

L. N. Â.

Nguồn: http://vanhoanghean.com.vn/goc-nhin-van-hoa3/nh%E1%BB%AFng-g%C3%B3c-nh%C3%ACn-v%C4%83n-h%C3%B3a/tro-lai-van-de-trung-tam-ngoai-vi

 

Thông tin truy cập

63609334
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
16656
10905
63609334

Thành viên trực tuyến

Đang có 640 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website