Nguy cơ của đờn bà và Nguy cơ của tiểu thuyết

Chủ đề này quả là làm cho người ta giật mình. Lẽ đương nhiên tôi chỉ muốn “mượn gió bẻ măng”. Kỳ thực điều muốn nói ở đây chẳng qua chỉ là những gì liên quan đến một vài điều tâm đắc về một quyển sách mà thôi.

20220331 3

Quyển sách ấy chính là tiểu thuyết Cuốn sổ vàng (The golden notebook) (1962) của Doris Lessing.

Cuốn sổ vàng không phải là một tác phẩm đọc tiêu khiển. Nếu như bảo rằng đọc sách như một chuyến đi, thì e rằng chúng ta buộc phải chăm chỉ quan sát vào những người trong vấn đề được Doris Lessing nhắc đến, thì mới có thể kiên nhẫn đi hết hành trình trong Cuốn sổ vàng một cách không câu nệ. Đây là một tác phẩm tương đối phức tạp từ nội dung đến hình thức, mang trong mình một kết cấu đa tầng và đa chủ đề – từ việc phản tỉnh với văn học chủ nghĩa hiện thực đến sự tan vỡ hão vọng mà những phần tử trí thức cánh tả phương Tây vào khoảng thập niên 50 (thế kỷ XX) đã trải qua; từ xung đột ồ ạt của thế giới lúc bấy giờ đến cái gọi là “cuộc chiến về giới”; từ việc phân tích tinh thần khai thác vô thức tập thể cho đến những dự ngôn có liên quan nhân loại trong tương lai, có thể nói rằng nó bao la vô vàn. Trong đó, về sự “huyền bí”, không những tôi không thể nói rõ từng cái một, mà tác giả cũng chưa chắc nghĩ được rõ ràng.

Đối với tôi, cũng giống như những gì mà nhà văn Anh nổi tiếng tên là Christian Burgess đã nói: “Điểm mạnh trong tiểu thuyết của Doris Lessing chính là ở chỗ phẫn nộ và hi vọng do nó chứa đựng.” Kết cấu phức tạp của tiểu thuyết cũng giống như là một mê cung. Nhưng mà, một khi chúng ta đã thâm nhập vào bên trong ấy, thì hẳn sẽ nhận thấy cái thế giới tương đối quen thuộc và thân thiết này. Nhân vật nữ chính trong những trang sách và tác giả ở bên ngoài trang sách, hầu như cũng là một người nhiệt huyết tìm tòi nhân sinh một cách mơ hồ giống như chúng ta vậy, chứ không phải là một vị thần nào đó đang thờ ơ ngồi hớt móng tay bên rìa thiên đàng. Trong tiểu thuyết phương Tây vào thế kỷ XX, khó mà kiếm được một quyển tiểu thuyết nào đánh thẳng được vào trái tim của độc giả như vậy.

Có lẽ vì tôi là một độc giả nữ.

Cũng có thể vì chúng ta ngày nay cũng đang vượt qua một vũng lầy thất vọng.

Bước Gian Nan Của “Phụ Nữ Tự Do”

“Quyển sổ vàng là một tác phẩm quan trọng của Doris Lessing, nó đã để lại một nếp gấp đậm nét về tư tưởng và tình cảm của cả một thời đại phụ nữ” – trên bìa sách dẫn lời của một nhà phê bình như vậy để tuyên dương. Đương nhiên là nhà xuất bản cốt ý muốn giới thiệu sách ra thị trường, nhưng lời bình ấy quả không phải là lời sáo rỗng.

Nhân vật trung tâm trong tiểu thuyết là Anna và cô bạn của mình là Molly bị đặt vào trong tiêu đề về “tự do nữ giới”. Họ là những người mẹ đơn thân sau khi ly hôn, tự mình phấn đấu, nuôi dưỡng con cái; ai cũng có công việc (Anna là nhà văn, Molly là diễn viên), về mặt kinh tế thì không cần phải dựa dẫm vào người khác, về mặt tư tưởng, chính trị cũng rất cầu tiến, không chịu bị xỏ mũi dắt đi. Với vai trò là một hình tượng nữ giới kiểu mới độc lập tự do, họ đã kích động được một thế hệ phụ nữ phương Tây vào thập niên 60 khi tiểu thuyết vừa mới ra đời. Nhưng hai mươi mấy năm sau đó, những người theo chủ nghĩa nữ quyền cấp tiến trẻ trung ngày nay – và cả những người không trẻ trung – quay trở lại xem Anna, khó tránh được việc tỏ thái độ bất mãn về sự bảo thủ và yếu đuối của cô: các cô Anna vẫn có lòng quyến luyến dựa dẫm rất nặng nề vào đờn ông; họ bị độc hại bởi những tư tưởng coi thường phụ nữ được truyền từ đời này sang đời khác, bất giác tỏ thái độ nào đó chán ghét bản thân; một điều hết sức quan trọng nữa là, họ còn đại diện cho một khuynh hướng tiêu cực thụt lùi từ vị trí đấu tranh chính trị, v.v… Những nghị luận kiểu như vậy, chả trách có chút gì đó giống như phương pháp phê bình “chủ nghĩa vị lợi” một cách “có ý đồ chính trị”, “cực đoan hóa”. Nhưng mà, từ xưa đến nay, việc này luôn là một phần để chúng ta đánh giá văn học, vả lại thường có liên quan đến trào lưu tư tưởng xã hội của giới trẻ tràn đầy sự năng động và tính tranh đấu. Về sau, có lẽ cũng vẫn tiếp tục tồn tại. Chỉ có điều những nhà theo chủ nghĩa nữ quyền nhiệt huyết này có lẽ sẽ đọc sót cái tính trào phúng trong tiểu thuyết. Thậm chí sau này, tác giả buộc phải ra mặt thanh minh: “Phụ nữ tự do” quả thực là “một tiêu đề có ý trào phúng”.

Anna từng nói với một phụ nữ đã kết hôn có thái độ hết sức ngưỡng mộ mình rằng: “Tôi không hề tự do”. “Không hề tự do” có nhiều nguyên do và nhiều hàm ý. Trong lời nói trước sau của Anna, ý nghĩa trực tiếp nhất chính là việc cô cũng dựa dẫm vào đờn ông như người vợ ấy vậy – ít nhất là về mặt tâm lý như vậy. Cô cũng khát vọng một tình yêu ổn định tuyệt đối, nhưng lại ôm đầy lòng hoài nghi, bất cứ lúc nào cũng chuẩn bị vào vai một người vợ bị lừa dối, bị vứt bỏ. Khi người bạn trai tên là Michael đã sống cùng với mình trong mấy năm rời bỏ cô, Anna đã duy trì thái độ lạc quan kiểu “phụ nữ tự do” một cách miễn cưỡng, nhưng thực chất lại giống như một người vợ “bị tổn thương” kiểu cũ, lòng đầy thê lương và bàng hoàng. Sau đó cô đã quen được Saul Green trong trạng thái mất khống chế nửa điên loạn, cử chỉ càng cho thấy như một người đờn bà ghen. Mỗi lần Saul Green ra ngoài, cô thường nổi một trận tam bành.

Lòng đố kỵ và cảm giác bất an là sinh vật sống bám tất nhiên của tâm lý dựa dẫm. Và ẩn nấp đằng sau sự quyến luyến, là một cảm giác lo sợ và nguy cơ sâu sắc. Đẩy tình yêu và nỗi lo sợ giữa nam và nữ đến mức có hơi khó hiểu. Kỳ thực, nhiều cuộc tình đều có một cái bóng của sự khủng hoảng (hãy cứ liên tưởng đến Lâm Đại Ngọc xem!). Nếu không phải lo việc đờn bà lớn tuổi không gả được cho một người chồng lý tưởng, sau này chuyện ăn chuyện mực không ai lo, thì tại sao bà gia nhân vật Elizabeth Bennet trong tác phẩm Kiêu hãnh và định kiến lại lo lắng cho hôn sự của bọn con gái trong nhà mình với vẻ luống cuống đến như vậy? Đương nhiên, trải qua nhiều sự lo lắng, giằng xé và phấn đấu của nhiều thế hệ đờn bà, đến bây giờ thì Anna đã không cần đến một người đờn ông lo lắng cái ăn, cái mặc, cái ở của mình cho ngày mai. Những vấn đề mà cô gặp phải, không phải là sự gian nan trong việc kiếm chồng trong phiên chợ hôn nhân, cũng chẳng phải là sự thức tỉnh kiểu Nora của những người vợ thảo mẹ hiền, mà là mê cung sau khi các Nora bước ra. Sự khủng hoảng và lo lắng của Anna rõ ràng càng to lớn, càng sâu đậm. Nữ nhà văn lớn lên ở châu Phi Nam phần và đầy lòng chính nghĩa này đã xuất phát từ sự phẫn nộ với chủ nghĩa chủng tộc và sự phản kháng với chính sách chiến tranh lạnh của nước Mỹ đầu thập niên 50, từng tích cực tham gia vào hoạt động chính trị cánh tả và có một thời gian tham gia vào đảng Cộng sản Anh. Theo sau đó là những sự hoài nghi và niềm thất vọng – bất mãn với Liên Xô, về đảng Cộng sản của nước này, đồng thời có cảm giác rối bời bất an về những vấn đề quan hệ giữa cá nhân và tập thể. Cũng giống như những phần tử trí thức cánh tả phương Tây trưởng thành vào thập niên 30 “đỏ”, Anna đã bàng hoàng lo lắng trong một thời gian dài với cảm giác hoang tưởng sụp đổ bởi thương tổn sâu sắc. Cảm giác lưu li kép giày vò cô. Một mặt cô đã cảm thấy thất vọng với đảng Cộng sản Anh và thực tiễn chủ nghĩa xã hội lúc bấy giờ; mặt khác lại không thể bình thản quay về thể chế chủ nghĩa tư bản cũ mà chính mình đã phê phán và phủ quyết, để ăn một chiếc bánh mì bơ của giai cấp trung sản. Chủ nghĩa nhân đạo truyền thống mà cô hằng quyến luyến cơ hồ như đã không còn bù đắp được cho đạo lý của thế gian này; công việc bán chữ cụ thể mà cô ấy đang theo lại không thể hiện được ý nghĩa gì để cho người ta cổ vũ; thậm chí là nhiệt huyết và lòng tin của cô đối với việc sáng tác văn học cơ hồ cũng đã mất hết sạch. Cả thế giới như thể bị một sự ác ý và bạo lực mù quáng thống trị. Trong bút ký, cô ấy đã ghi lại từng cuộc chiến, từng sự giết chóc và bạo hành. Sự “hỗn loạn” giữa nội tại và ngoại tại khiến cho Anna hoảng loạn suốt cả ngày. Trạng thái “phá sản” về tinh thần này càng khiến cho những người đờn ông dễ dàng thao túng cuộc sống “phụ nữ tự do” của cô.

Những cuộc yêu đương nam nữ mà Cuốn sổ vàng đề cập đến cũng như những võ sĩ giác đấu trong một thời gian dài (sau khi so sánh, Anna và Molly đều thuộc về kiểu người có cảm giác tin tưởng “kiên cố”, đối xử với nhau một cách thân mật tự nhiên). Trong đó, mối quan hệ giữa Anna và Saul Green được chỉ rõ ràng đích xác như là “chúa ngục” với “tù nhân”. Đại khái là vì duyên cớ này, một số nhà phê bình cho rằng quyển tiểu thuyết này đã thể hiện cái gọi là “đấu tranh về giới”. Đối với Doris Lessing mà nói thì bà không đồng tình với kiến giải ấy. Trên thực tế, cho dù là mối quan hệ đối lập giữa hai giới phải chăng có dựa trên cơ sở sinh lý khách quan vĩnh hằng nào (một nhân vật trong tiểu thuyết quả quyết rằng có), dưới ngòi bút của Doris Lessing, thì sự xung đột giữa hai giới trước tiên là một sản vật của văn hóa xã hội, vả lại còn có liên hệ giao nhau bởi mâu thuẫn thời đại rộng rãi. Mặc dù Anna đã giành được sự độc lập về kinh tế hay tự do hành động nào đó, nhưng vẫn chưa thể thoát khỏi vận mệnh bị coi là một “món hàng có giá”. Một số người đờn ông “thể diện” có đầy đủ vợ con coi kiểu phụ nữ độc thân như Anna là một món điểm tâm lai-sét giải buồn, vào những lúc vợ vắng nhà bèn nhấc điện thoại lên và gọi đến. Còn có kiểu đờn ông coi tình nhân như là một trong ba yếu tố của “thành công” (sự nghiệp phát đạt, gia đình mỹ mãn và bạn gái xinh đẹp). Chả trách những cô Anna lại cảm thấy bị sỉ nhục và phẫn nộ sâu sắc. Cho dù một người tự do như Saul Green đây cảm nhận thấu đáo về sự phản đối cực đoan và xung đột của xã hội phương Tây hiện đại, cũng không thể thực sự thoát ly khỏi ảnh hưởng về quan niệm truyền thống. Nếu như nói rằng một trong những hình thức biểu hiện qua những cô Anna lòng đầy bất mãn và lo sợ đối với hiện trạng xã hội tức là bất giác mong muốn lui về vị trí “đờn bà yếu đuối” cần được bảo vệ kiểu cũ; vậy thì bản thân những chàng Saul Green lại là biểu hiện của vai “nam tử hán” truyền thống trốn tránh kiểu biểu hiện của bệnh thần kinh. Mối quan hệ cần thiết lẫn nhau và thù địch lẫn nhau giữa họ vừa thể hiện vết tích tâm lý bệnh thái được lưu lại bởi chế độ phụ quyền, vừa xâm nhập vào cảm giác nguy cơ của người hiện đại.

Thậm chí còn đem cả từ “tự do” để kêu gọi sự theo đuổi của phụ nữ cũng thể hiện sự thúc chế của kết cấu văn hóa hiện có đối với con người. Giống như những khái niệm kiểu “nhân quyền”, “bình đẳng” có liên quan, “tự do” cũng chỉ là một trong những ngọn cờ mà giai cấp tư sản hồi đầu mượn để mưu đồ cải cách trật tự phong kiến, không những có nội dung lịch sử và nội dung giai cấp cụ thể, mà còn có cả hàm ý phân biệt giới tính một cách âm thầm lặng lẽ. Về mặt chữ nghĩa mà nói, thì “nhân quyền” tức là “quyền lợi của người đờn ông”. Và đương nhiên “tự do” cũng chính là tự do của những nhà tư sản nam giới. Chả trách Anna nói rằng, “tự do” có nghĩa là “cuộc sống giống như những người đờn ông”. Nhưng mà, những người đờn ông theo đuổi tiền tài, theo đuổi “thành công” ấy nào đã được “tự do” đâu! Đến Saul là một người tự do đi lại như thiên mã ở trên trời kia cũng khó tránh việc làm nô lệ cho xã hội. Hễ mở miệng ra, là Saul thường bắn liên thanh chữ “tôi” như súng máy: “Tôi là”, “Tôi phải”, “Tôi không”, “Tôi sẽ”, “Tôi muốn”… trong khoảnh khắc mà chủ nghĩa cái tôi làm trung tâm của chàng nổi dậy, Anna nhận thấy bản thân mình qua bản thân chàng, và đông đúc mọi người ở chung quanh. Cô nhận thức được tất cả tiếng “tôi” làm chủ thể này có thể là chiếc lồng giam hãm tinh thần như thế nào. Khi những cô gái dũng cảm như Anna vậy, bước đầu giành được quyền lợi về công việc, tham gia chính trị, kết bạn như đờn ông, thì họ nhìn thấy được biên giới của “tự do” này.

Doris Lessing không viết những cô Anna theo kiểu xông vào lưới, hay kiểu người hùng hiên ngang bất khuất, mà miêu tả họ như là những người cản tay ngán chân, bẹo hình bẹo dạng. Điều này không phải là sự khiếp nhược của bà, mà là ấn tượng sâu sắc của bà. Bà có ý muốn chỉ ra tính giới hạn của mục tiêu “phụ nữ tự do” này. Mưu cầu giải phóng thực sự cho phụ nữ, không phải chỉ dựa vào việc hô hào kêu gọi dục vọng cá nhân của những người từng gặp phải những áp bức vô lý hoặc tranh giành một vài quyền lợi nào đó mà đờn ông vốn có, mà cần phải thay đổi toàn bộ những quan hệ xã hội và cả một thế giới. Chính xác là sự gian nan và mơ hồ của nhiệm vụ đằng sau, khiến cho những cô Anna cảm thấy tuyệt vọng trên bước đường theo đuổi hi vọng, có ý muốn mở ra một tương lai nhưng lại rơi vào trọng trách của “quá khứ”.

20220331 4

“Câu Chuyện” Rời Rạc

Sự xếp đặt về kết cấu của quyển Cuốn sổ vàng từng gây ra nhiều chú ý. Quyển tiểu thuyết này không chia thành chương, sử dụng câu chuyện trung thiên bằng ngôi tự sự thứ ba truyền thống với danh nghĩa là “phụ nữ tự do” làm khung sườn chủ đạo, kể về cuộc sống và sự nghiệp của Anna và Molly. “Phụ nữ tự do” được chia làm năm tiết, giữa mỗi hai tiết được xen vào một đoạn lớn gọi là “tập bút ký”, nội dung của nó lần lượt được rút ra theo thứ tự từ bốn quyển sổ tay của Anna (tức là bốn quyển màu đen, màu đỏ, màu vàng và màu xanh nước biển). Ở trước tiết cuối cùng về “phụ nữ tự do” lại xen vào một tiết độc lập, tức là “cuốn sổ vàng”. Cuốn sổ màu đen chép về những gì mà Anna đã trải qua ở châu Phi, quyển tiểu thuyết đầu tay Tình yêu phạm cấm chính là sản vật của bà về quãng đời này. Quyển sổ màu đỏ chép về những chuyện có liên quan đến hoạt động chính trị. Quyển sổ màu vàng chính là một bản thảo tiểu thuyết chưa thành hình, miêu tả về sự rắc rối tình cảm của một cô gái tên là Ella. Quyển màu xanh dương là nhật ký của Anna.

Kết cấu này tạo nên một sự trái ngược rõ nét với tiểu thuyết thời kỳ đầu của Doris Lessing. Nhiều bộ trường thiên như Những cô gái bạo lực của bà noi theo truyền thống “tiểu thuyết trưởng thành” (Bildungsroman), miêu tả sự trải nghiệm của một cô gái trẻ bằng bút pháp tả thực, phơi bày lòng nhiệt huyết lo lắng cho thế giới của tiểu thuyết Nga, cũng khó tránh được sự miêu tả luộm thuộm của chủ nghĩa tự nhiên. Do đó, những “hỗn loạn” như kính vạn hoa mà quyển Cuốn sổ vàng đã tỉ mỉ sắp đặt đã gây chú ý cho không ít nhà phê bình, họ cho rằng quyển sách này là tiêu chí để Doris Lessing rời xa chủ nghĩa hiện thực, là một quyển tiểu thuyết có liên quan về vấn đề tiểu thuyết.

Điều này ít nhất cũng nói trúng được một nửa. Vì quả thực Cuốn sổ vàng là một tái thiết chế của văn học và tiểu thuyết. Có ý nhấn mạnh mâu thuẫn sai lệch giữa lý tính hóa ngôn ngữ và tồn tại khách quan. Nói chung, lúc nào ngôn ngữ cũng ra sức mong muốn đến gần với một loại trật tự, một kiểu giải thích (ngôn ngữ tái “tạo” qua khoa học và công nghiệp hiện đại thì càng nặng về phân tích lý giải); còn về bản chất thì cuộc sống tồn tại thực tế lại là một chỉnh thể hỗn độn không thể nói rõ được, cũng như cái này như cái kia, cũng có nhân cũng có quả. Sở dĩ Anna cùng lúc sử dụng bốn quyển sổ, tức là có ý muốn phân biệt rõ ra về quá khứ và hiện tại, chân thực và hư cấu, cuộc sống cá nhân và sự vụ chính trị… hòng duy trì một trật tự nào đó trong sự hỗn loạn của tư tưởng. Nhưng, nội dung thực tế của bút ký lại trở thành sự chế giễu với ý đồ nguyên thủy của Anna. Nội dung có liên quan đến chính trị không thể bị “nhốt” vào trong quyển sổ màu đỏ; và có lẽ quyển sổ nhật ký cá nhân thuần túy nhiều khi lại trở thành một quyển sổ cắt dán tin tức báo chí.

Giới hạn và quan hệ của hoang tưởng và “thân thực” cũng khó mà xác định được. Nếu như nói rằng tiểu thuyết chủ nghĩa hiện thực truyền thống ra sức khiến cho độc giả tin vào cái “chân” mà mình kể, thì Cuốn sổ vàng lại không ngừng nhắc nhở rằng giữa thế giới ngôn ngữ và cuộc sống tồn tại thực tế của chúng ta có mối quan hệ vô cùng phức tạp và khiến cho người ta mơ hồ nghi hoặc. Ella trong quyển sổ màu vàng là một nhân vật hư cấu. Nhưng nếu như chúng ta đặt những mảnh rời rạc linh tinh ấy lại với nhau, thì có thể thấy được rằng hư cấu gần gũi với hiện thức đến mức nào! Chả trách rằng bản thân Anna cũng nói ở một chỗ khác rằng: Ella chính là Anna. Mặt khác, ngôn ngữ cố gắng tả thực lại nhắm vào việc xa lìa “chân thực”. Anna luôn cảm thấy xấu hổ với tác phẩm đầu tay Tình yêu phạm cấm bán chạy của mình. Vì nó đã chuyển sự tàn khốc của ngăn cách về vấn đề chủng tộc cùng với sự áp bức chủng tộc, và rồi hiện thực cuộc sống bình đạm thành một bộ tiểu thuyết bi thương, lãng mạn kiểu cũ. Anna những muốn thành thực với chính mình. Sau đó, cô kinh hoảng phát hiện rằng nhật ký cá nhân vốn “chân thực” nhất kỳ thực cũng giả tạo như vậy. Trong quyển sổ màu xanh nước biển và màu vàng kim, người bạn trai của Anna lại chính là một người Mỹ tên Saul. Nhưng trong “phụ nữ tự do” ở tiết cuối cùng, chúng ta lại phát hiện rằng anh chàng vốn không phải tên là Saul, cũng chẳng hề điên loạn như vậy. “Phụ nữ tự do” bằng ngôi tự sự thứ ba có một ngữ điệu quyền lực khiến cho người ta chịu nghe và tin. Nhưng, phần khác của tiểu thuyết lại cho thấy rằng “phụ nữ tự do” là một chủ đề trong tác phẩm hư cấu của Anna. Quyển Cuốn sổ vàng thường dung chứa nhiều lối kể giao thoa trùng lặp có khi chứng minh cho nhau, có khi va chạm nhau như vậy, nhưng cơ hồ lại không có nội dung nào được khẳng định hoặc phủ định tuyệt đối. Nhiều đoạn chuyện ghi chép thì lại được Anna lướt qua cái soạch. Có khi, trong nhật ký cô ấy chép những hoạt động trong một ngày và sự dao động về tâm lý, bao gồm cả những chi tiết nhỏ nhặt như kinh nguyệt và đi vệ sinh. Nhưng trong mỗi câu chữ như vậy cô lại cảm thấy bất ổn sâu sắc. Cô chất vấn chính mình, chẳng lẽ việc chép lại từng cái từng cái một những chuyện ăn uống ngủ nghỉ vào trong đó thì được xem là “chân thực” sao? Đương nhiên câu trả lời là phủ định. Nhưng, nếu như những gì cô ấy làm sau này, cứ lướt qua hết thảy mọi chuyện, chuyển thành “một ngày tầm thường”, mọi chuyện “như cũ”, thì lại gần với “chân thực” hơn sao? Rốt cuộc thì điều gì là sự chân thực trong cuộc sống của cô? Phải chăng ngôn ngữ có thể nắm bắt được nó? Hiển nhiên là, điều mà Anna tìm thấy được không phải là một câu trả lời, mà là một câu hỏi.

Phương pháp tự sự cơ bản theo trật tự thời gian và kiểu mẫu tình tiết cũ mà người ta hằng quen thuộc cũng không thể hiện được cuộc sống hiện đại nữa. Trong Cuốn sổ vàng, câu chuyện rời rạc, hóa thành nhiều mảnh vụn: câu chuyện “phụ nữ tự do” bị “giải phẫu”, và những dòng suy nghĩ rời rạc nằm rải rác trong bốn quyển sổ tay, hoang tưởng vụn vặt, nhân sinh linh tinh. Nhân vật chính cũng rời rã. Anna bị những ghi chép rời rạc ấy chia cắt. Và bộ dạng Anna xuất hiện trong mỗi một mảnh vụn ấy cũng không giống nhau. Là một nhân vật chính, cô không thể nắm bắt được tư tưởng và vận mệnh của chính mình nữa. “Con đường thiên đàng” của cô không có điểm bắt đầu và cũng không có điểm kết thúc. Các loại tình tiết phức tạp đều có vị trí bình đẳng, sự phân chia nặng nhẹ truyền thống, sự phân chia nhân quả hình như cũng mất đi. Trong tình trạng này, bất cứ một sự khái quát hay quy nạp nào của nhân vật này chắc chắn cũng là một dạng “méo mó”. Ví dụ như, sự rối rắm trong tình yêu của Anna mà tôi đã nhắc ở phần trước, nhưng chưa kể về những sự khó khăn của cô và Molly gặp phải trong khi dạy dỗ con cái; tôi cố ý chỉ ra nguy cơ chính trị và nguy cơ tư tưởng của cô, lại bỏ qua những nội dung đánh mất tinh thần tự giác và tìm đến sự chữa trị ở bác sĩ tâm lý của cô. Bất cứ sự khái quát nào cũng bao gồm một kiểu phán đoán giá trị, một kiểu lựa chọn. Và sự sắp xếp kết cấu tiểu thuyết này lại ám chỉ một loại “bình đẳng” hỗn loạn, đồng thời không chịu thừa nhận mặt nào đó là chủ đạo hơn, bản chất hơn.

Những câu chuyện rời rạc, ngàn vạn đầu mối kể về một cuộc đời rời rạc và ngàn vạn đầu mối. Doris Lessing từng nói: kể từ khi bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima, thì thế giới đã vỡ vụn; bà và kể cả những người khác đều bị nổ tung cùng với bom nguyên tử. “Bom nguyên tử” ở đây đương nhiên là hóa thân của vô vàn nguy cơ trong xã hội hiện đại.

Xuyên suốt tiểu thuyết là nói về câu chuyện của nhân vật chính. Freud(*) nói, tiểu thuyết luôn luôn xoay quanh một nhân vật trung tâm, tác giả tìm mọi cách để kêu gọi sự đồng tình của chúng ta đối với họ và đặt họ vào sự bảo hộ mang tính ý trời đặc thù, còn tất cả những giấc mơ ban ngày và nhân vật chính của tiểu thuyết, nói cho cùng đều là một đức vua “tự ngã” (Ego). Lời này của Freud, hết sức rõ ràng là đang nhắc nhở chúng ta về mối quan hệ nội tại sâu sắc giữa hình thức nghệ thuật tiểu thuyết này với hình thái ý thức của chủ nghĩa cá nhân lấy bản thân làm trung tâm. Bước sang thế kỷ XX trở đi, từ “trào lưu ý thức” vào thập niên 20 cho đến “tiểu thuyết mới” ở nước Pháp vào thập niên 50-60, truyền thống tiểu thuyết cũ gặp phải sự thử thách chưa từng có. Còn sự thử nghiệm mới như hoa trong hình thức và thủ pháp của những nhà nghệ thuật, hẳn là có liên quan đến nhãn quang mới nào đó về người quan sát và cuộc sống. Về điểm này, Cuốn sổ vàng không hề khác với Ulysses. Chỉ có điều là Doris Lessing càng tự giác nhấn mạnh về nguy cơ tư tưởng đằng sau việc tìm tòi hình thức. Cũng có nghĩa là, bà cố gắng phơi bày, nguy cơ của tiểu thuyết, cũng như là nguy cơ của phụ nữ, thực chất cũng là nguy cơ của “con người”.

Về nguy cơ lý tưởng của “con người”, e là hiện tượng văn hóa khiến cho người ta suy nghĩ sâu sắc trong xã hội phương Tây hiện đại. Những nhà theo chủ nghĩa hậu kết cấu Pháp rất nổi vào thập niên 60 đã phát hiện ra ngôn luận của chủ nghĩa phản nhân bản. Điều này cho thấy rõ rằng nguy cơ này vẫn còn đang tiếp tục, thâm nhập, như sự khổ não bàng hoàng của những cô Anna, vẫn không thấy được một kết cục sáng sủa.

Xoay Quanh Cuốn Sổ Vàng

Nhưng Cuốn sổ vàng không phải là một áng mây mù tuyệt vọng không xuyên thấu ánh sáng. Cách tổ hợp cuối cùng của tiểu thuyết có ý muốn nêu ra một dạng thử nghiệm, một sự theo đuổi đối với việc sắp xếp ngôn ngữ và phương thức sinh tồn mới. Huống hồ nó còn bao hàm cả một điều “cốt lõi” bùng cháy – tức là phần “cuốn sổ vàng” (kim). Trong “cuốn sổ vàng” nhỏ, như trong Cuốn sổ vàng lớn, tất cả bị đập tan tành, trải qua sự thay đổi hình dạng, rồi sau đó tất cả được gom lại. Anna phát hiện ra mình bị rơi vào trong sự điên loạn của Saul. Trong thế giới của quá khứ, hiện tại và tương lai, trách nhiệm xã hội và xung động cá nhân, phân tích tâm lý và tư tưởng nữ quyền, thảo luận chính trị và “chiến tranh về giới”, hoang tưởng của ngôn ngữ và tồn tại hiện thực, vô vàn kinh nghiệm và tư tưởng đều được co rút lại với nhau, tất cả mọi chủ đề to lớn hay nhỏ mẻ đều được tái hiện và dung hợp.

Trong sách, một bác sĩ phân tích tâm lý từng thử muốn khiến cho Anna nhìn thấu mối quan hệ cộng sinh giữa hủy diệt và sáng tạo. Sự sụp đổ về tinh thần của Anna chính là một trải nghiệm hủy diệt rồi tái sinh. Đoạn này không hề là miêu tả chân thực của người có thần trí thất thường, mà là một dạng suy nghĩ của cuộc sống mới, một chuyến du hành qua địa ngục có tính tượng trưng, một cuộc “thám hiểm” trong vùng đất chết và kiếp sau.

Trong sự điên loạn, Anna và Saul đã yêu, hận, cãi, nổi khùng một cách không tiết chế. Đến một khi mà họ đã nổi lên trở lại từ vực sâu tinh thần thất thường, ít nhiều thì họ cũng đã tìm được niềm tin đối với lý tưởng – tức là niềm tin đối với “bản rập khuôn” tốt đẹp có thể hi vọng nhưng không thể với tới. Một lần nữa Anna kể về câu chuyện ngụ ngôn “người đẩy đá”. Lần đầu tiên câu chuyện nhỏ này xuất hiện, cơ hồ như nó hoàn toàn là bản sao chép từ thần thoại Sisyphus dưới ngòi bút của Albert Camus: những người đẩy đá không ngừng đẩy đá lên núi. Mỗi lần họ có được một chút tiến triển, thì hòn đá lại lăn xuống, làm cho sự nỗ lực của họ trở nên công cốc. Nhưng, mỗi lần qua một người kể lại, thì câu chuyện lại biến ra một dạng mới nào đó. Cuối cùng qua miệng Anna, nó đã chuyển hóa thành câu chuyện ngụ ngôn có liên quan đến tiến bộ lịch sử: “Hòn đá lăn xuống. Nhưng không lăn thẳng xuống chân núi. Mỗi một lần như vậy, nó đều rơi tới vị trí cao hơn khởi điểm vài tấc. Thế là những người đẩy đá này lại dùng vai của mình để ngăn chặn hòn đá, một lần nữa ra sức đẩy nó lên”. Khi Anna và Saul chia tay, cũng như những người bạn thân hay đồng chí hợp tác làm việc chia tay từ biệt. Họ lần lượt có được linh cảm để viết một tác phẩm từ đối phương. Và cuối cùng thì Saul đã đổi tiếng “tôi” liên thanh được phát ra từ miệng mình thành “chúng ta”: “Chúng ta không chịu thua. Chúng ta sẽ tiếp tục đấu tranh”.

Nhưng mà, tiểu thuyết không lấy suy nghĩ điên cuồng “cuốn sổ vàng” (kim) này để làm kết thúc, mà ngược lại đưa chúng ta quay trở về căn bếp của Molly (thứ năm trong “phụ nữ tự do”). Anna và Molly vẫn gặp mặt nhau ở đấy như thường lệ, tán gẫu. Trong thế giới vừa hiện thực và cũng hiện thực ấy, sự thay đổi và phát triển của sự vật lúc nào cũng đáng thương tội nghiệp, khiến cho người ta tụt hứng. Molly sắp kết hôn với một nhà buôn “tiến bộ”. Cuối cùng thì đứa con trai Tommy luôn luôn ganh ghét cuộc đời của cô cũng quyết định kế thừa sự nghiệp gia đình cha mình là một nhà tư sản. Anna cũng chuẩn bị gia nhập vào đảng lao động và mỗi tuần hai lần đến trường ban đêm dạy cho những thiếu niên phạm tội. Sau cơn bão lớn về tư tưởng với sấm chớp ngụt trời trong “cuốn sổ vàng” (kim), sự thỏa hiệp toàn diện của những cô Anna và trật tự tồn tại chắc chắn chính là sự châm biếm cay đắng. Hai “cô gái tự do” biết rõ mùi vị khổ ải mà mình đã lựa chọn trong tính khả năng của hiện thực. “Nói như vậy,” Molly nói bằng cách tự chế giễu, “tôi và cô đều hợp thành một thể từ căn bản với cuộc sống nước Anh rồi”.

Những cô Anna mà bản thân số mạng đã có trọng cách của “người đẩy đá”, và những cô Anna cùng tồn tại một cách thỏa hiệp với “cuộc sống nước Anh” theo chủ nghĩa tư bản kiểu cũ. Mơ ước của cuốn sổ vàng (kim). Tự cười nhạo một cách thờ ơ cay đắng. Ôm thất vọng, và cũng ôm hi vọng. Tràn đầy sự châm chích, và đong đầy sự đồng tình.

Cuốn sổ vàng đã kết thúc bằng những ký hiệu âm thanh kép không hề thỏa hiệp như vậy đấy.

(Hoàng Mai, Nguy cơ của đờn bà & Nguy cơ của tiểu thuyết, trích trong quyển Đờn bà & Tiểu thuyết, Nxb. Chiết Giang – Văn Nghệ, 1997)

Hoàng Mai
TS. Nguyễn Phúc An (dịch)
Tạp Chí Văn Nghệ TP.HCM số 04 và 05

———
(*) Sigmund Freud (1856-1939) là một bác sĩ về bệnh thần kinh, nhà tâm lý học và là người đặt nền móng cho thuyết phân tâm học.

Thông tin truy cập

60753764
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
8388
9281
60753764

Thành viên trực tuyến

Đang có 227 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website