Các nguyên tắc căn bản về đạo đức trong nghiên cứu

1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Công tác xét duyệt đạo đức nghiên cứu (ĐĐNC) là quy chuẩn trong giảng dạy và thực hành nghiên cứu tại các trường đại học và các cơ sở nghiên cứu tại rất nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, công tác này mới nhận được sự quan tâm trong thời gian gần đây; nhận thức của phần lớn giảng viên và những người làm nghiên cứu về ĐĐNC còn chưa đồng đều và có phần hạn chế. Đã có nhiều công bố phản ánh các trường hợp vi phạm liên quan đến các khía cạnh của ĐĐNC và tính liêm chính trong nghiên cứu, cùng các hành vi phi đạo đức. Trong một nghiên cứu của Armont và cộng sự (2021), các tác giả đã phân tích 14,719 công bố khoa học về các trường hợp vi phạm, lỗi đạo đức, đánh giá kém, hoặc thực hành nghiên cứu có hại đến khách thể. Kết quả cho thấy, sự ngụy tạo dữ liệu và làm giả thông tin chiếm tỷ lệ vi phạm cao nhất (44.9%); Không tuân thủ các luật và quy định liên quan, như thiếu sự đồng thuận của người tham gia và thiếu phê duyệt của hội đồng ĐĐNC, chiếm tỷ lệ vi phạm cao thứ hai (15.7%); Tiếp theo là vấn đề an toàn của bệnh nhân trong các nghiên cứu về y học (11.1%); Sau nữa là vấn đề vi phạm liêm chính học thuật mà cụ thể là đạo văn (6.9%). Khi phân tích theo lĩnh vực, 80.8% trường hợp thuộc lĩnh vực Y khoa và Khoa học Sức khỏe, 11.5% thuộc Khoa học Tự nhiên, 4.3% thuộc Khoa học Xã hội, 2.1% thuộc Kỹ thuật và Công nghệ, và 1.3% thuộc Nhân văn. Về các biện pháp xử lí đối với các hành vi vi phạm, nghiên cứu chỉ ra rằng, rút bài báo là biện pháp xử phạt phổ biến nhất (45.4%), tiếp theo là loại trừ khỏi đề xuất tài trợ (35.5%).

Trong bối cảnh giáo dục đại học và hoạt động nghiên cứu khoa học của Việt Nam đang nỗ lực nâng cao chất lượng và tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH KHXH&NV), Đại học Quốc gia Tp.HCM (ĐHQG-HCM) đã thành lập Hội đồng Đạo đức nghiên cứu (Hội đồng ĐĐNC) theo quyết định số 905/QĐ-XHNV-TCCB ngày 30.12.2021. Hội đồng ĐĐNC được hình thành dựa trên quá trình nghiên cứu các bộ quy tắc ĐĐNC như Điều luật Nuremberg 1947, Tuyên bố Helsinki 1964, Báo cáo Belmont 1978 và các mô hình hội đồng ĐĐNC trên thế giới như mô hình ĐĐNC Đại học Oxford, Đại học Chicago, Hội đồng ĐĐNC trong lĩnh vực y sinh học ở Việt Nam (Ngọc và cộng sự, 2023). Hội đồng ĐĐNC có vai trò quan trọng trong việc nâng tầm chất lượng nghiên cứu khoa học của Nhà trường theo các chuẩn mực quốc tế. Với nhiệm vụ cụ thể là xem xét các khía cạnh ĐĐNC của các nghiên cứu được đề xuất và đang tiến hành liên quan đến đối tượng con người, Hội đồng ĐĐNC sẽ tư vấn, giám sát các vấn đề liên quan đến ĐĐNC cho các nhà nghiên cứu, cũng như bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp và sự an toàn thể chất và tinh thần của các đối tượng con người tham gia nghiên cứu. Các nội dung hoạt động của Hội đồng ĐĐNC bao gồm: (1) Bảo vệ quyền và các lợi ích chính đáng của tất cả các khách thể nghiên cứu là con người, đặc biệt là những người thuộc vào các nhóm yếu thế trong xã hội tham gia vào các nghiên cứu thuộc phạm vi xét duyệt của Hội đồng; (2) Xem xét các vấn đề cần nghiên cứu nhằm đảm bảo rằng việc thực hiện nghiên cứu phải phục vụ những lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức và xã hội nói chung; (3) Đảm bảo các chuẩn mực ĐĐNC và tuân thủ pháp luật, cũng như các quy định có liên quan đến quyền lợi, an sinh, an toàn của con người.

Hội đồng ĐĐNC của trường ĐH KHXH&NV là hội đồng đầu tiên tại Việt Nam thực hiện việc xét duyệt ĐĐNC trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Các hoạt động xét duyệt ĐĐNC cho học viên sau đại học đã được triển khai trong 2 năm vừa qua theo công văn số 288/XHNV-ĐN&QLKH ban hành vào ngày 5 tháng 5 năm 2022. Kể từ đó, Phòng quản lý đào tạo phổ biến và thực hiện quy trình xét duyệt ĐĐNC dành cho học viên cao học và nghiên cứu sinh. Để nâng cao nhận thức về ĐĐNC và phổ biến thủ tục xét duyệt ĐĐNC cho các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ, Hội đồng ĐĐNC đã triển khai chuỗi tọa đàm dành cho từng đối tượng liên quan bao gồm, lãnh đạo các đơn vị chuyên môn, giảng viên, nghiên cứu viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh trong năm 2023.

Hàng năm, Trường ĐH KHXH&NV có hàng trăm học viên cao học và nghiên cứu sinh theo học. Do đó, không ngừng gia tăng nhận thức về ĐĐNC và thực hành chuẩn mực về xét duyệt ĐĐNC trước khi tiến hành nghiên cứu là việc rất cần được quan tâm. Trong bài viết này, chúng tôi trình bày hai nội dung chính: (1) các nguyên tắc căn bản về đạo đức trong nghiên cứu; (2) các vấn đề không tuân thủ ĐĐNC và các hệ quả. Từ đó, chúng tôi đề xuất giải pháp để nâng cao nhận thức về ĐĐNC đối với các học viên sau đại học.


2. NỘI DUNG

2.1. Các nguyên tắc căn bản về đạo đức trong nghiên cứu
Căn cứ quy chế Tổ chức và hoạt động của Hội đồng ĐĐNC Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, việc xét duyệt ĐĐNC dựa trên các nguyên tắc sau đây:

2.1.1. Nguyên tắc tôn trọng các cá nhân
Dựa trên cơ sở quyền tự quyết của cá nhân, người tham gia nghiên cứu trong vai trò khách thể nghiên cứu có quyền tham gia hoặc không tham gia nghiên cứu. Trong trường hợp quyền tự quyết của cá nhân không được đảm bảo (ví dụ như trẻ em, tù nhân, hay các cá nhân có năng lực trí tuệ và học vấn không thể hiểu trọn vẹn những hàm nghĩa và hệ quả của việc tham gia nghiên cứu) thì người tham gia nghiên cứu sẽ phải được bảo vệ để tránh khỏi những điều gây hại cho họ, cũng phải được tránh khỏi sự lệ thuộc vào những điều khoản khi tham gia nghiên cứu. Để đảm bảo quyền tự quyết của cá nhân khi tham gia nghiên cứu, Hội đồng ĐĐNC phải đảm bảo các nghiên cứu đáp ứng các điều kiện cần thiết, bao gồm:

- Sự đồng thuận tự nguyện tham gia nghiên cứu, có nghĩa là tất cả các khách thể tham gia nghiên cứu một cách tự nguyện, không chịu bất kỳ sự ép buộc hay dụ dỗ nào, các quyền, nhân phẩm và sự tự chủ của họ phải được tôn trọng và được bảo vệ bằng những biện pháp phù hợp.

- Sự đồng thuận dựa trên cơ sở nắm rõ thông tin, có nghĩa là khách thể phải được cung cấp đầy đủ những thông tin phù hợp liên quan đến nghiên cứu theo cách dễ hiểu nhất và không có sự ép buộc hay dụ dỗ nào kèm theo. Khách thể được đọc hoặc nghe nội dung bản mô tả thông tin về nghiên cứu và xác nhận bằng chữ ký hoặc lời nói có ghi lại bằng chứng; hoặc được đọc mô tả thông tin về nghiên cứu trên phần mở đầu của các bản khảo sát và chỉ trả lời khảo sát khi đồng ý tham gia nghiên cứu. Đối với khách thể là trẻ em dưới 13 tuổi và người có sự giám hộ thì phụ huynh hoặc người giám hộ phải được cung cấp thông tin và xác nhận sự đồng thuận tham gia.

- Bảo vệ quyền riêng tư và ẩn danh thông tin, có nghĩa là tôn trọng mong muốn của cá nhân tham gia nghiên cứu đối với việc ẩn danh trong nghiên cứu, cũng như tôn trọng những yêu cầu liên quan đến tính bảo mật thông tin và dữ liệu cá nhân. Hội đồng ĐĐNC sẽ xem xét việc sử dụng các loại dữ liệu trong nghiên cứu bao gồm dữ liệu lớn (big data) và dữ liệu cá nhân (về hình ảnh, ghi âm, ghi hình thực nghiệm, v.v…) sao cho đảm bảo những nguyên tắc cơ bản của ĐĐNC cũng như luật pháp quốc gia và các thông lệ quốc tế.

- Ngưng tham gia và rút khỏi nghiên cứu mà không chịu bất kỳ một mất mát hay sự giảm sút cơ hội nào, có nghĩa là các khách thể có thể không tiếp tục tham gia nghiên cứu ở bất cứ giai đoạn nào trong suốt quá trình nghiên cứu. Việc ngưng không tham gia nghiên cứu phải được tôn trọng tuyệt đối và khách thể không gặp phải bất kỳ sự ép buộc hay đe doạ nào.

- Nghiên cứu hành vi và lời nói nơi công cộng: Những hành vi và lời nói nơi công cộng mà công chúng có thể quan sát và ghi nhận (thí dụ hành vi trên xe buýt, trên bãi biển, trên truyền thông đại chúng, hay ở những không gian công cộng khác) thì nhà nghiên cứu không phải xin phép những khách thể được quan sát nếu không nêu danh tính cụ thể của khách thể được quan sát trong báo cáo học thuật

2.1.2. Nguyên tắc hướng thiện và tránh hại

Các nghiên cứu cần hướng đến việc tối ưu hoá lợi ích chính đáng và giảm thiểu tối đa những rủi ro tiềm tàng có thể xảy đến cho khách thể. Những rủi ro có thể xảy ra bao gồm các tác động tiêu cực đến tâm lý, thể chất, hoặc những nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân, nguy cơ mang tính chất pháp lý, xã hội và kinh tế đối với khách thể. Để thực hiện được nguyên tắc này, Hội đồng ĐĐNC sẽ đánh giá các rủi ro cũng như lợi ích của việc tham gia nghiên cứu đối với các khách thể. Việc đánh giá này được thực hiện dựa trên cơ sở sau.

- Xem xét những rủi ro của việc tiến hành nghiên cứu trong tương quan với những lợi ích đối với cá nhân là khách thể nghiên cứu và xã hội nói chung. Trong những trường hợp cụ thể, Hội đồng ĐĐNC sẽ cân nhắc giữa rủi ro đối với cá nhân và lợi ích xã hội của nghiên cứu, điều này phụ thuộc vào bối cảnh cụ thể của từng nghiên cứu. Nói cách khác, nếu có rủi ro gây hại nào đó thì phải ở mức chấp nhận được và lợi ích dự kiến phải vượt trội so với rủi ro gây hại.

- Nghiên cứu cần được thiết kế sao cho giảm thiểu những rủi ro và tối ưu hóa những lợi ích có thể mang lại cho khách thể. Hội đồng ĐĐNC sẽ xem xét phương pháp thu thập và xử lý dữ liệu trong sự so sánh với các phương pháp có thể thay thế và các giải pháp phòng ngừa những rủi ro có thể xảy ra.

- Các xung đột lợi ích (nếu có) cần phải được giảm thiểu và quản lý sao cho hạn chế tối đa sự thiên vị trong các quyết định quan trọng của quá trình nghiên cứu. Xung đột lợi ích hình thành khi nhà nghiên cứu không hoặc có nguy cơ không giữ được vai trò độc lập trong nghiên cứu do có những lợi ích liên quan đến bản thân hay những bên liên quan khác phát sinh trong quá trình nghiên cứu; hoặc do có những cam kết hay nghĩa vụ đối với các cá nhân hay tổ chức có khả năng tác động đến tính độc lập trong quá trình tiến hành nghiên cứu. Những xung đột lợi ích này có thể tồn tại trực tiếp hoặc tiềm ẩn, và nhà nghiên cứu cần phải công khai những yếu tố có thể được nhìn nhận là xung đột lợi ích từ phía các bên liên quan trong quá trình nghiên cứu, bao gồm cả khách thể nghiên cứu, và đề xuất các phương án giảm thiểu rủi ro xung đột lợi ích.

- Chỉ sử dụng các biện pháp thu thập thông tin một cách bí mật trong trường hợp thực sự cần thiết để tránh đi ngược lại nguyên tắc tôn trọng cá nhân. Bất kỳ nghiên cứu nào có sử dụng các phương pháp thu thập dữ liệu một cách bí mật đều phải được thẩm định toàn diện bởi Hội đồng ĐĐNC và nhà nghiên cứu phải giải trình về tính chính đáng của việc áp dụng này bằng các luận cứ khoa học vững chắc và cho thấy đó là lựa chọn không thể thay thế bằng những phương pháp khác.

2.1.3. Nguyên tắc công bằng

Các nghiên cứu phải mang tính công bằng giữa các cá nhân. Các cá nhân không được hưởng những quyền lợi chính đáng của mình mà không có lý do thỏa đáng, hoặc họ phải chịu những trách nhiệm hay nghĩa vụ bị áp đặt một cách vô lý thì khi đó sự công bằng bị phá vỡ. Nguyên tắc này đòi hỏi sự công bằng trong phân bổ cả lợi ích và nguy cơ rủi ro cho khách thể tham gia nghiên cứu, cũng như những lợi ích chính đáng mà khách thể được hưởng. Do đó, nhà nghiên cứu cần phải thận trọng xem xét những tác động xã hội của nghiên cứu trong cả việc lựa chọn khách thể cũng như các lợi ích và rủi ro có khả năng phát sinh trong quá trình nghiên cứu. Nguyên tắc này được thể hiện qua các điểm sau.

- Các rủi ro tiềm tàng khi thực hiện nghiên cứu phải được chia sẻ một cách công bằng giữa các nhóm và cá nhân có khả năng được hưởng lợi từ nghiên cứu đó trong xã hội. Hội đồng ĐĐNC sẽ thẩm định những đặc điểm của quần thể mẫu mà nghiên cứu hướng đến.

- Nhà nghiên cứu không được phép chủ tâm lựa chọn một cách có hệ thống những cá nhân nhất định do có khả năng dễ dàng tiếp cận hoặc giữ một vai trò hay vị trí trái ngược hoàn toàn với những vấn đề liên quan trực tiếp đến nghiên cứu. Các cá nhân trong một số nhóm xã hội mà Hội đồng ĐĐNC sẽ lưu ý là người dân tộc thiểu số, người đang trong tình trạng bị giới hạn tự do cá nhân (tù nhân) v.v…
Ngoài ra, việc tránh không lựa chọn các cá nhân thuộc những nhóm xã hội có tiềm năng hưởng lợi từ kết quả nghiên cứu cũng được xem là vi phạm nguyên tắc này.

2.1.4. Nguyên tắc trung thực, chính xác và liêm chính khoa học
Nguyên tắc này cần được nhà nghiên cứu thể hiện qua các điểm sau.

- Trung thực trong việc lựa chọn các phương pháp, công cụ nghiên cứu dựa trên trình độ, chuyên môn được đào tạo và đủ thẩm quyền để tiến hành.

- Trung thực và chính xác về chi phí tài chính trong các hoạt động nghiên cứu.

- Trung thực và chính xác trong sản phẩm và công bố khoa học; không cố ý bỏ qua, gian lận, hoặc trình bày sai lệch chuyên môn về nghiên cứu và che giấu những hạn chế thực tế và tiềm năng.

- Ghi nhận sự đóng góp chuyên môn của cá nhân và tổ chức nghiên cứu: trong những báo cáo khoa học và các ấn phẩm được xuất bản, nếu có sự hợp tác từ các đồng nghiệp, sinh viên hay tổ chức thì cần ghi nhận công khai sự đóng góp của họ.

2.1.5. Những nguyên tắc khác
Bên cạnh những nguyên tắc nêu trên, trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay, các nghiên cứu cũng cần phải tuân theo một số nguyên tắc khác, bao gồm:

- Tôn trọng, tuân thủ và thượng tôn luật pháp quốc gia ở nơi tiến hành nghiên cứu;

- Bảo vệ môi trường và sự sống của các thế hệ tương lai;

- Bảo vệ và tôn trọng các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các cộng đồng khi tiến hành nghiên cứu.

2.2. Thực trạng xét duyệt ĐĐNC
Trong 2 năm vừa qua (từ 2022 đến 2024) Hội đồng ĐĐNC đã thực hiện xem xét và phê duyệt 31 đề tài nghiên cứu. Số lượng các đề tài gia tăng, năm 2022: 2 đề tài; Năm 2023: 14 đề tài; Năm 2024 (tính đến tháng 6/2024): 15 đề tài. Tất cả đề tài đều thông qua hình thức xét duyệt hồ sơ, trong đó có 18 đề tài của nhà nghiên cứu trong trường, 13 đề tài của nhà nghiên cứu ngoài trường.
Đối với việc xét duyệt ĐĐNC ở cấp đơn vị chuyên môn, phần lớn các khoa đã tiến hành theo đúng quy định, ngoại trừ một số khoa chưa đào tạo hoặc chưa có học viên cao học thực hiện việc xét duyệt ĐĐNC vào thời điểm thống kê. Thông tin cụ thể theo dữ liệu của phòng Quản lý đào tạo như sau:

20240929 3

2.3. Các vấn đề không tuân thủ ĐĐNC và hệ quả
Trong quá trình xét duyệt ĐĐNC cho các đề tài của nhà nghiên cứu, của học viên cao học, và nghiên cứu sinh tại cấp đơn vị chuyên môn, chúng tôi tổng hợp một số vấn đề không tuân thủ ĐĐNC như sau:

- Thứ nhất, trong các bảng hỏi thu thập thông tin, nhà nghiên cứu yêu cầu thu thập thông tin cá nhân của người tham gia (chẳng hạn tên, địa chỉ) mà không thuyết minh tại sao cần những thông tin này và không trình bày cách bảo mật những thông tin này;

- Thứ hai, nhà nghiên cứu thu thập dữ liệu từ các khách thể nghiên cứu trước khi tiến hành xét duyệt ĐĐNC; 

- Thứ ba, nhà nghiên cứu có ý định thực hiện nghiên cứu có chủ đề nhạy cảm, chưa xác định rõ các rủi ro nghiên cứu, do đó chưa đề xuất các giải pháp giảm thiểu rủi ro trong nghiên cứu;

- Thứ tư, nhà nghiên cứu sử dụng các bảng hỏi khảo sát các vấn đề tâm bệnh lý (psychopathology) của người tham gia, tuy nhiên nhà nghiên cứu chưa ý thức được rủi ro từ các câu hỏi có nguy cơ kích hoạt các suy nghĩ tiêu cực hoặc cảm xúc khó chịu ở người tham gia.

- Thứ năm, nhà nghiên cứu thiếu bằng chứng về việc nhận được sự đồng thuận (informed consent) của người tham gia, hoặc chỉ cung cấp một phần thông tin liên quan đến nghiên cứu mà chưa cung cấp đầy đủ thông tin.

- Thứ sáu, nhà nghiên cứu tiến hành các thực nghiệm trên người tham gia là trẻ vị thành niên nhưng không báo cáo rõ việc xin sự đồng thuận thông tin với phụ huynh hoặc người giám hộ.

Việc không tuân thủ đạo đức trong nghiên cứu có thể dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực, bao gồm:

- Gây hại cho người tham gia: Nghiên cứu phi đạo đức có thể gây tổn hại về thể chất, tâm lý hoặc cảm xúc cho người tham gia. Điều này bao gồm các rủi ro như tiếp xúc với các chất có hại, đau khổ về tâm lý hoặc vi phạm quyền riêng tư.

- Mất niềm tin: Nếu các hành vi phi đạo đức bị tiết lộ, điều đó có thể dẫn đến sự mất niềm tin đáng kể vào cộng đồng nghiên cứu, vào các cơ quan khoa học và vào các công trình nghiên cứu đã được công bố. Điều này có thể dẫn đến sự từ chối tham gia vào các nghiên cứu và làm suy yếu niềm tin của công chúng vào khoa học.

- Kết quả không hợp lệ: Nghiên cứu được thực hiện mà không có sự giám sát về ĐĐNC có thể mang lại kết quả không đáng tin cậy hoặc không hợp lệ, có thể gây hiểu nhầm cho các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và công chúng. Điều này có thể dẫn đến việc đưa ra quyết định kém giá trị do đã dựa trên dữ liệu không hợp lệ. Ngày nay, nhiều tạp chí, đặc biệt là các tạp chí quốc tế uy tín đã không chấp thuận công bố kết quả nghiên cứu nếu nghiên cứu không được thông qua xét duyệt ĐĐNC.

- Hậu quả pháp lý: Các nhà nghiên cứu và tổ chức có thể phải đối mặt với hành động pháp lý nếu không tuân thủ các nguyên tắc đạo đức. Điều này có thể bao gồm các vụ kiện từ những người bị tổn hại khi tham gia nghiên cứu hoặc các biện pháp thi hành kỷ luật từ các cơ quan quản lý.

- Hậu quả về mặt học thuật: Các nhà nghiên cứu có thể phải đối mặt với các biện pháp kỷ luật từ tổ chức của họ, bao gồm việc rút lại các bài báo đã xuất bản, mất kinh phí hoặc gây tổn hại đến danh tiếng nghề nghiệp của họ.

- Hậu quả xã hội: Nghiên cứu phi đạo đức có thể làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng và bất công xã hội, đặc biệt nếu các nhóm yếu thế bị lợi dụng hoặc làm tổn hại dưới danh nghĩa nghiên cứu.

- Tính chính trực về mặt khoa học: Tính toàn vẹn tổng thể của nghiên cứu khoa học có thể bị tổn hại, dẫn đến một nền văn hóa không coi trọng sự cân nhắc về ĐĐNC, điều này có thể góp thêm hành vi phi đạo đức trong xã hội.

Tóm lại, việc không tuân thủ ĐĐNC có thể có tác động sâu sắc không chỉ đối với các cá nhân liên quan mà còn đối với toàn xã hội, ảnh hưởng đến niềm tin vào khoa học, giá trị của các kết quả nghiên cứu và tiêu chuẩn đạo đức của nghiên cứu trong tương lai.


3. KẾT LUẬN & KIẾN NGHỊ
Các nguyên tắc ẩn danh, bảo mật thông tin và dữ liệu cá nhân, sự đồng thuận tham gia nghiên cứu với thông tin đầy đủ, người tham gia được ngưng tham gia và rút khỏi nghiên cứu mà không chịu bất kỳ một mất mát hay sự giảm sút cơ hội nào, hướng thiện, tránh hại, giảm thiểu các rủi ro trong nghiên cứu là những nguyên tắc căn bản trong thực hành ĐĐNC. Gia tăng nhận thức của học viên cao học, nghiên cứu sinh về thực hành ĐĐNC đúng đắn cần được quan tâm trong các trường đại học nói riêng và cộng đồng nghiên cứu nói chung. Chúng tôi đề xuất một số giải pháp như sau:

(1) Đưa nội dung về đạo đức trong nghiên cứu như là một nội dung bắt buộc trong môn Phương pháp nghiên cứu khoa học để giúp người học hiểu biết, nhận thức về việc tôn trọng ĐĐNC.
Người giảng dạy môn học này cần hiểu rõ và thực hành đúng về ĐĐNC. Họ cần giải thích thấu đáo cho học viên ý nghĩa của việc xét duyệt ĐĐNC, các nguyên tắc căn bản trong xét duyệt ĐĐNC, các hành vi thực hành sai hoặc không tuân thủ ĐĐNC, hệ quả của hành vi phi đạo đức trong nghiên cứu. Mặt khác, các giảng viên cần giảng dạy cho người học hiểu rõ nội hàm và phân biệt được các quy định giữa ĐĐNC (ethical research), tức là đảm bảo quyền lợi của người tham gia nghiên cứu với liêm chính học thuật (academic integrity), tức là đảm bảo sự chính trực về mặt học thuật của nhà nghiên cứu.

(2) Tổ chức các hoạt động tọa đàm, chuyên đề hoặc các sinh hoạt khoa học giúp gia tăng nhận thức và thực hành việc tôn trọng ĐĐNC với không chỉ người học, nhà nghiên cứu mà với cả cộng đồng.
Hiện nay, cộng đồng còn có nhận thức hạn chế về ĐĐNC, do đó điều này cũng ảnh hưởng tới việc đón nhận các thực hành đúng đắn của nhà nghiên cứu như: ký hoặc thể hiện các hình thức cho thấy sự đồng thuận có hiểu biết để tham gia nghiên cứu. Do đó, việc gia tăng nhận thức về đạo đức trong nghiên cứu sẽ góp phần xây dựng một quy ước chung trong quá trình làm nghiên cứu ở cả nhà nghiên cứu và người tham gia.

(3) Việc xét duyệt ĐĐNC cần trở thành một yêu cầu bắt buộc trong việc nghiệm thu các công trình khoa học hoặc bảo vệ tốt nghiệp các luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ.
Để thực hiện điều này, Phòng Quản lý đào tạo và Phòng Đối ngoại và Quản lý khoa học của nhà trường cần bổ sung và thể hiện rõ các yêu cầu về phê duyệt ĐĐNC trong các văn bản liên quan đến công tác quản lý đào tạo sau đại học và quản lý các đề tài nghiên cứu và phổ biến đến các bên liên quan.

GS. TS. Lương Văn Hy (Thường trực Hội đồng ĐĐNC- Trường ĐH KHXH&NV-ĐHQG HCM)
PGS. TS. Nguyễn Hồng Sinh (Thường trực Hội đồng ĐĐNC- Trường ĐH KHXH&NV-ĐHQG HCM)
TS. Lê Thị Mai Liên (Thường trực Hội đồng ĐĐNC- Trường ĐH KHXH&NV-ĐHQG HCM)


4. TÀI LIỆU THAM KHẢO
Armond, A. C. V., Gordijn, B., Lewis, J., Hosseini, M., Bodnár, J. K., Holm, S., & Kakuk, P. (2021). A scoping review of the literature featuring research ethics and research integrity cases. BMC Medical Ethics, 22(1), 1-14.
Hội đồng ĐĐNC Trường ĐH KHXH&NV, Quy chế Tổ chức và hoạt động của Hội đồng ĐĐNC Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (Ban hành kèm theo Quyết định số: 906/QĐ-XHNV-TCCB ngày tháng 12 năm 2021 của Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn)
Ngọc C H, Tiến T A, Thanh N V D, 2023. Hội đồng ĐĐNC trong khoa học xã hội và nhân văn: Một số vấn đề lý luận và mô hình triển khai tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM. Sci. Tech. Dev. J. - Soc. Sci. Hum.; 7(2):1958-1968.

Thông tin truy cập

63688588
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
8880
23426
63688588

Thành viên trực tuyến

Đang có 907 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website